Nghẽn mạng dịp Tết: Khó tránh!
Thứ tư - 03/02/2010 11:00
Nghẽn mạng dịp Tết: Khó tránh!
Mặc dù đã chuẩn bị nhiều phương án chống nghẽn mạng dịp Tết Nguyên đán Canh Dần này nhưng không nhà mạng nào dám khẳng định 100% sẽ không xảy ra tình trạng nghẽn cục bộ, đặc biệt là thời điểm giao thừa.
Ông Hoàng Trung Hải,
Phó giám đốc mạng VinaPhone cho biết, hiện tại VinaPhone đã nâng tổng
số trạm BTS lên 17.000 trạm, có thể đáp ứng được từ 200 – 300% nhu cầu
sử dụng các dịch vụ thông tin di động hàng ngày.
Để khắc phục tình trạng nghẽn mạng cục bộ do tập trung đông người trong
dịp tết Canh Dần, nhà mạng này đã chuẩn bị 30 xe phát sóng lưu động tại
những điểm có khả năng gây nghẽn lúc giao thừa như bờ Hồ Hoàn Kiếm (Hà
Nội), Quận 1 (Tp.HCM), các điểm bắn pháo hoa...
“Hiện cán bộ công nhân viên của VinaPhone đã được bố trí trực
24/24h ngày tết, đảm bảo thông suốt thông tin. Các hãng đối tác như
Motorola, Ericsson đã cử chuyên gia sang cùng trực, giám sát hệ thống
với VinaPhone”, ông Hải nói.
Mạng di động Viettel mới đây cũng đã bổ sung 25 tổng đài để đáp ứng
thêm cho 10 triệu thuê bao, nâng tổng dung lượng tổng đài có thể đáp
ứng trên 50 triệu thuê bao. Ngoài ra Viettel cũng đã đầu tư vào tổng
đài tin nhắn, tăng 50% so với dung lượng hiện có, chuẩn bị 27 xe phát
sóng lưu động ở những địa điểm tập trung nhiều người để chống nghẽn cục
bộ dịp Tết.
Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom cho biết, dự kiến từ cuối tháng
1/2010 đến trước Tết Nguyên đán, Viettel sẽ có 7.000- 8.000 trạm 3G
được lắp đặt hoàn thiện, có thể chia sẻ được khoảng 10% lưu lượng cho
2G và đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng 3G.
Trong khi đó, để chuẩn bị “tác chiến” với tình trạng “đến hẹn lại lên -
nghẽn mạng” trong thời điểm Tết, từ tháng 9/2009, mạng di động MobiFone
đã gấp rút bắt tay vào nâng cấp, tăng cường đầu tư mới về mặt kỹ thuật
và đào tạo, chuẩn bị đội ngũ để đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng đột biến
của khách hàng tại thời điểm tết dương lịch và âm lịch.
Cụ thể, MobiFone đã mở rộng dung lượng tổng đài, đáp ứng được 200% nhu
cầu so với ngày thường; mở rộng hệ thống quản lý nhắn tin đáp ứng 300%
nhu cầu sử dụng, nâng cấp tới 400% dung lượng cho hệ thống GPRS, tăng
thêm 2.5Gb/s cho dung lượng kết nối liên mạng…
“Chúng tôi cũng tiến hành tăng cường đội ngũ trực ban, gồm cả
những chuyên gia nước ngoài nhằm giảm tối thiểu những sự cố mạng. Trong
đó, đội ngũ cán bộ trực ban sẽ túc trực 24/24h tại những khu vực “nóng”
như Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây (Hà Nội), khu vực Sông Hàn ở Đà Nẵng; khu vực
Quận 1 ở Tp.HCM... cũng được tăng cường lên tới gần 100 người và có 15
chuyên gia kỹ thuật nước ngoài được huy động cùng tham gia trực và hỗ
trợ kỹ thuật trong thời gian này”, ông Đinh Việt Hưng cho biết.
Cần hợp tác của khách hàng
Ngày thường, tình trạng nghẽn mạng thường hay xảy ra ở các trung tâm
thành phố, đô thị, tuy nhiên trong dịp Tết, hiện tượng “ò í e ” lại phổ
biến hơn ở các vùng ngoại thành và nông thôn. Vì lượng người đi học
tập, làm ăn xa quê trở về lớn. Trong đó, hầu như mọi người đều đã sử
dụng điện thoại di động nên đã làm tăng dung lượng hạ tầng mạng, có khi
vượt khả năng tỉ lệ hạ tầng mạng có thể đáp ứng của các nhà mạng.
Ông Hoàng Trung Hải cho biết, kế hoạch tập trung “tác chiến” chống
nghẽn mạng trong những ngày trước và sau thời điểm giao thừa của
VinaPhone sẽ được lưu chuyển liên tục để thích ứng theo quy hoạch từng
vùng nghẽn. Cụ thể, những ngày cận kề tết, VinaPhone sẽ mở rộng hết quy
mô tổng đài, tăng dung lượng, bố trí xe lưu động tại các nhà ga, bến
xe, bến tàu, siêu thị… những nơi tập trung lưu lượng người lớn. Sau đó
phương án và khả năng chống nghẽn trên sẽ được chuyển dần về các vùng
nông thôn, nhất là những tỉnh có dân số đông.
Đều có các phương án tác chiến chống nghẽn mạng, tuy nhiên cả
VinaPhone, MobiFone, Viettel và các nhà mạng khác đều không dám khẳng
định 100% sẽ tránh khỏi “nghẽn” trong những ngày tết, đặc biệt là thời
điểm trước, sau đêm giao thừa và mùng 1 tết.
Mạng di động VinaPhone cho rằng, để thực hiện chống nghẽn của nhà mạng
rất cần sự hợp tác của khách hàng, bằng các biện pháp như khi khách
hàng không thực hiện được cuộc gọi nên chờ ít phút trước khi bấm máy
gọi lại. Trong trường hợp đặc biệt – đêm giao thừa có thể sử dụng điện
thoại cố định hoặc các dịch vụ khác, như Internet để thực hiện lời chúc
năm mới.
Ông Đinh Việt Hưng cũng cho rằng, mặc dù MobiFone đã tăng thêm 2.5Gb/s
truyền dẫn kết nối nhưng vẫn có khả năng xảy ra nghẽn cục bộ trên một
số hướng liên mạng do MobiFone không thể chủ động trong việc chia tải
tại các tổng đài kết nối của các mạng khác.
Vì thế theo ông Hưng, khi không liên lạc được, không nên gọi hoặc nhắn
tin lại nhiều lần ngay lúc đó để tránh càng thêm tắc, nghẽn mạng hoặc
có thể chuyển sang gọi bằng máy để bàn; nên tạm thời tắt chế độ báo cáo
(Delivery reports) trong gửi tin nhắn đi để giảm gánh nặng cho tổng
đài, liên lạc sẽ dễ dàng hơn, hay thực hiện tin nhắn đúng số ký tự 160
theo hạn định của nhà mạng để tránh tin nhắn bị cắt làm hai hay nhiều
tin.
Theo VnEconomy