Những điểm của Linux nên có trong Windows
Cuộc chiến giữa Linux và Windows rất có thể sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa. Ngay cả khi một hệ điều hành “đám mây” được phát hành và sử dụng rộng rãi, thì cả người dùng Windows và Linux sẽ vẫn còn nhớ mãi những ưu điểm của hệ điều hành mà họ đã từng sử dụng.
Bài viết này sẽ giới thiệu 10 tính năng của hệ điều hành Linux mà hệ
điều hành Windows nên sử dụng. Điều này không có nghĩa là Windows sẽ
khắc phục được những nhược điểm khi áp dụng những đặc điểm này của
Linux, thay vào đó, nó sẽ mang lại cho người dùng những trải nghiệm mới
trên hệ điều hành Windows quen thuộc.
1. Compiz
Cho dù Aero có như thế nào đi nữa cũng không nhiều người dùng cảm thấy
hứng thú với vùng làm việc phẳng này của Windows 7. Tuy Aero đã được
phát triển rất “công phu” nhưng nó vẫn không có được sự mới mẻ và hiện
đại như Compiz. Dĩ nhiên, cũng có những ý kiến phản biện rằng Compiz
chẳng có gì ngoài sự bắt mắt, nhưng nếu chú ý tới những tính năng rất
hữu dụng mà Compiz cung cấp, chúng ta mới thấy được hết điểm mạnh của
nó. Compiz tích hợp một màn hình 3D cung cấp cho người dùng khả năng
truy cập nhanh (sử dụng các tổ hợp phím) vào nhiều vùng làm việc khác
nhau. Những trình chuyển đổi của hệ điều hành Windows khó có thể cho là
dễ sử dụng. Sử dụng Compiz làm giao diện Windows chắc chắn sẽ làm tăng
mức độ trải nghiệm mà rất ít người dùng Windows có được.
2. Đa người dùng
Tất nhiên chúng ta có thể tạo nhiều tài khoản trong Windows 7, tuy
nhiên đó không thực sự là tính năng đa người dùng. Chúng ta có thể đăng
nhập vào nhiều hơn một tài khoản người dùng tại một thời điểm? Mặc định
là không. Để có thể thực hiện được nhiều phiên đăng nhập đồng thời vào
Windows 7, chúng ta phải sử dụng một công cụ nhóm ba. Tuy nhiên, mặc
định Linux đã hỗ trợ tính năng này. Đây cũng là một tính năng nên được
mặc định kích hoạt trong Windows 7.
3. Log File
Các phiên bản của hệ điều hành Windows có rất nhiều công cụ giúp
quản trị viên hệ thống đọc Log File (Tệp tin sổ ghi). Mỗi khi có vấn đề
xảy ra với hệ thống, bảo mật và tác vụ quản trị thì quản trị viên phải
khởi chạy những công cụ này để kiểm tra các File Log đã được tạo. Trong
Linux, mọi Log File của hệ thống được lưu trữ trong /var/log và cho
phép người dùng (với đặc quyền phù hợp) đọc những Log File này từ một
trình soạn thảo văn bản đơn giản. Ngoài ra Log File của Linux rất linh
hoạt, chẳng hạn, nếu muốn theo dõi một bản ghi hệ thống, chúng ta có
thể mở bản ghi đó trong một cửa sổ terminal với lệnh tail –f và kiểm
tra các sự kiện xảy ra trên hệ thống.
4. Cài đặt ứng dụng tập trung
Linux hiện đang sử dụng một mô hình mới đó là cài đặt ứng dụng tập
trung. Trung tâm phần mềm (Software Center) của Ubuntu được chuyển đổi
để thực hiện chức năng này. Từ một nguồn chúng ta có thể tìm kiếm rất
nhiều ứng dụng và cài đặt bất kì ứng dụng nào nếu cần. Trong phiên bản
Ubuntu Software Center sắp tới (phiên bản 3), phần mềm thương mại cũng
sẽ được giới thiệu.
5. Cron
Cron được khá nhiều người dùng Linux yêu thích. Cron cho phép người
dùng dễ dàng tự động hóa tác vụ. Tất nhiên chúng ta có thể cài đặt các
phần mềm nhóm ba để tự động hóa tác vụ cho hệ điều hành Windows, tuy
nhiên có thể khẳng định rằng hiện chưa có công cụ nào có khả năng linh
hoạt như Cron. Cron cho phép lên lịch tác vụ mà không hạn chế về số
lượng và thời gian từ một công cụ dạng dòng lệnh đơn giản (hay một công
cụ GUI). Ngoài ra Cron còn xuất hiện trên toàn hệ thống, cho phép tự
động hóa tác vụ của quản trị viên cũng như của người dùng chuẩn. Có
được một công cụ tự động hóa tích hợp trong hệ thống chắc chắn sẽ rất
tiện dụng.
6. Chu kỳ phát hành đều đặn
Đây là một trong những điều mà Microsoft có thể
học hỏi từ đối thủ Linux. Hầu hết các bản phân phối của Linux đều phát
hành các bản nâng cấp theo một chu kỳ. Ví dụ, Ubuntu thường có các
phiên bản .04 và .10. Phiên bản .04 thường được phát hành vào tháng 4,
và phiên bản .10 thường được phát hành vào tháng 10 trong năm. Mặc dù
chu kỳ này không chính xác tuyệt đối, nhưng đây là điều mà Microsoft
chưa làm được. Hiện nay Microsoft chỉ thực hiện cập nhật bảo mật cho hệ
điều hành hay ứng dụng khi phát hiện có lỗ hổng nguy hiểm mà không có
lịch nâng cấp cụ thể.
7. Người dùng gốc
Mặc định, người dùng cấp độ trung bình có thể thực hiện rất nhiều tác
vụ trên Windows, điều này có thể dẫn đến nguy cơ bảo mật khi người dùng
này vô tính mở một email có đính kèm file độc. Và vấn đề này đã được
khắc phục trong Linux. Để thực hiện những tổn hại tới hệ thống, thông
thường chúng ta phải biết mật khẩu gốc. Ví dụ, nếu một người dùng click
vào một file đính kèm trong email, và file đính kèm đó yêu cầu mật khẩu
gốc, điều đó chứng tỏ file đính kèm đó là file độc. Windows cần tách
biệt người dùng quản trị và người dùng chuẩn theo mặc định. Điều đầu
tiên mà người dùng Windows cần thực hiện đó là tạo một mật khẩu quản
trị và một mật khẩu người dùng.
8. Số lượng phiên bản
Tất nhiên chúng ta chẳng bao giờ hi vọng Windows sẽ miễn phí, nhưng
những gì chúng ta cần đó là Windows chỉ nên có một phiên bản và một mức
giá duy nhất. Tai sao chúng ta phải quan tâm tới vấn đề này? Bởi vì như
chúng ta đã thấy, hệ điều hành mới nhất, Windows 7, có nhiều phiên bản,
và người dùng nên lựa chọn phiên bản nào? Chắc hẳn khi lựa chọn Windows
7 ai cũng có suy nghĩ như vậy và không dễ gì đưa ra quyết định. Để
tránh phiền toái cho người dùng, có lẽ Microsoft chỉ nên phát hành một
phiên bản dành cho máy trạm và một phiên bản dành cho máy chủ với mỗi
hệ điều hành Windows. Đây là điều mà Linux đã thực hiện được. Làm như
vậy không chỉ giúp giảm phiền toái cho người dùng mà Microsoft còn tiết
kiệm được khá nhiều chi phí quảng cáo.
9. Những ứng dụng tích hợp
Như chúng ta đã biết, mặc định Microsoft chỉ tích
hợp một ứng dụng duy nhất được cho là hữu dụng đó là Internet Explorer.
Nhưng khi cài đặt Linux, chúng ta có thể lập tức sử dụng ứng dụng
Office, Email, hay các công cụ hình ảnh và âm thanh, …. Ngoài việc cài
đặt những ứng dụng và công cụ mạnh giúp thực hiện các tác vụ bổ sung
thì gần như chúng ta không phải thực hiện thêm thao tác nào sau khi hệ
điều hành đã được cài đặt thành công.
10. Lấy thông tin phần cứng
Điều gì sẽ xảy ra khi cài một phiên bản hệ điều hành Windows nhưng một
thiết bị nào đó không hoạt động? Mỗi máy tính đều có một đĩa driver,
sau mỗi lần cài lại hệ điều hành chúng ta đều phải cài đặt driver cho
các thiết bị nếu không được hệ điều hành hỗ trợ. Thông thường chúng ta
khó có thể biết rằng hệ điều hành được lựa chọn có hỗ trợ cho những
thiết bị đang được sử dụng. Trong trường hợp không thể sử dụng đĩa
driver của máy vì một lý do nào đó thì trên hệ điều hành Windows chúng
ta khó có thể xác định được driver của các thiết bị để tải về vì có rất
ít thông tin của thiết bị được hiển thị trên hệ thống, và những thông
tin này phân tán ở nhiều vị trí khác nhau.
Ngược lại, trong Linux chúng ta có thể sử dụng lệnh dmesg để lấy thông tin của các thiết bị. Nếu thông tin mà lệnh dmesgcung cấp không đủ để xác định driver của thiết bị, thì chúng ta có thể
sử dụng một công cụ khác có tên Hardware Drivers giúp tìm kiếm driver
phù hợp cho thiết bị đang được sử dụng.
Mặc dù trong trường hợp đó chúng ta có thể sử dụng
công cụ hỗ trợ phần cứng của Windows nhưng công cụ phát hiện phần cứng
của Linux mạnh hơn rất nhiều.
Trên đây là 10 đặc điểm và tính năng của Linux mà Microsoft cần đưa vào
hệ điều hành Windows. Mặc dù những nét đặc thù tạo nên những sản phẩm
khác nhau, nhưng đứng về góc độ người dùng, những sản phẩm mạnh sẽ nhận
được sự hưởng ứng mạnh mẽ. Chúng ta vẫn có quyền hi vọng những thay đổi
sẽ được thực hiện trong phiên bản Windows sắp tới, Windows 8.
(
Theo TechRepublic, QTM)