Sáng 4/1, Đoàn công tác của Viện Dân tộc học do Tiến sỹ Bùi Thị Bích Lan, Phó Viện trưởng Viện Dân tộc học, Chủ nhiệm Dự án làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Hà Quảng để tiến hành khảo sát, nghiên cứu thực hiện Dự án “Bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch vùng công viên địa chất non nước Cao Bằng”.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Hà Quảng đã báo cáo về Kết quả thực hiện Chính sách về công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện Hà Quảng; Thực trạng, cơ hội và thách thức trong phát triển du lịch trên địa bàn huyện Hà Quảng; Thực trạng bảo tồn, phát triển nghề dệt thổ cẩm ở xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào gắn với phát triển du lịch.
Theo rà soát, đánh giá các cơ sở ngành nghề, ngành nghề truyền thống huyện Hà Quảng giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn huyện có 5 nghề: Giấy bản thảo mộc, xóm Lũng Quang, TT Thông Nông; Dệt thổ cẩm, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào; Giấy bản thảo mộc (giấy dó), xóm Nà Mạ, xã Trường Hà; Đan lát, xóm Phục Quốc 1, xã Lương Thông; Đúc nồi nhôm truyền thống, xóm Tả Piẩu, Cải Viên.
Đến nay, trên địa bàn huyện chưa thực hiện các Chính sách hỗ trợ về công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống; chỉ căn cứ vào thực trạng và tình hình hoạt động của các làng nghề trên địa bàn để hỗ trợ từ các nguồn xã hội hóa, từ ngân sách địa phương và hỗ trợ giúp các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tiếp cận với các danh hiệu như: Nghệ nhân, sản phẩm tiêu biểu…; tham gia các cuộc thi bình chọn các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu như: Làng nghề Hương Thảo Mộc Nà Kéo, xóm Nà Mạ, xã Trường Hà; Làng nghề Dệt thổ cẩm, xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào.
Trong 5 năm (2018 - 2022) huyện đã tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn được 138 lớp với 752 lao động được tham gia các lớp nghề và sơ cấp nghề. Các lớp đào tạo nghề chủ yếu là nghề Nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp như: Các lớp đào tạo nghề trong chăn nuôi, trồng trọt; sơ cấp nghề như: sửa chữa máy nông nghiệp, hàn điện dân dụng, sửa chữa xe máy…
Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Hình thức sản xuất chủ yếu là hộ gia đình
nên chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa người cung cấp nguyên liệu với cơ sở sản xuất, chưa có sự liên kết giữa cơ sở sản xuất với doanh nghiệp thương mại, du lịch. Người dân chưa tìm được tiếng nói chung hoặc cạnh tranh không lành mạnh, thiếu sự hợp tác giữa người sản xuất, nhà quản lý và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Hoạt động sản xuất chưa vận hành theo chuỗi liên kết; trình độ học vấn, trình độ quản lý, khả năng phân tích, đánh giá thị trường để xác định cơ hội và rủi ro kinh doanh của người dân còn thấp. Lao động chủ yếu là phổ thông, chưa qua đào tạo, tập huấn. Khả năng tiếp thu,
ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn yếu. Nhiều máy móc, thiết bị, dụng cụ sản xuất làm thủ công hoặc đầu tư đã lâu, tự chế, công suất và sản lượng thấp.
Trước đó, Đoàn đã có buổi làm việc với xã Ngọc Đào về kết quả thực hiện triển khai chương trình phát triển làng nghề, dịch vụ, Hợp tác xã từ năm 2020 - 2022.
Tại buổi làm việc, huyện Hà Quảng đề nghị: các cấp, các ngành có chính sách hỗ trợ làng nghề như: Vốn vay, mở lớp đào tạo nghề, chương trình tham quan học tập; tạo điều kiện, hỗ trợ các làng nghề của huyện được tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất, giải pháp xử lý môi trường,…của các làng nghề có cùng ngành hàng ở những địa phương khác; tiếp tục hỗ trợ kinh phí thực hiện các mô hình xử lý môi trường tại các làng nghề; tạo điều kiện xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm, tìm doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ, hỗ trợ cho các làng nghề tại địa phương.
Hoàng Đào - Hoàng Đông