Thực hiện Đề án Nông nghiệp thông minh, Huyện ủy Hà Quảng ban hành Chương trình số 06-CTR/HU ngày 23/10/2020 về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025. Tổ chức học tập, quán triệt Đề án đến cán bộ chủ chốt cấp huyện, cấp xã, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đến người dân. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tổ chức triển khai bằng nhiều hình thức thông qua sinh hoạt chi hội, các cuộc họp xóm 217 cuộc/9.765 lượt người.
Từ năm 2020 - 2021, huyện triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa chất lượng cao 324,2 ha tại xã Ngọc Đào, Cần Yên, Lương Thông, Đa Thông, Ngọc Đào, Quý Quân, Trường Hà và thị trấn Xuân Hòa; mô hình bưởi da xanh 26,2 ha tại các xã: Trường Hà, Cần Yên, Đa Thông, Ngọc Động; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đỗ tương 13 ha tại các xã: Lương Can, Tổng Cọt, Mã Ba; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm Cam Vinh 6,13 ha tại các xã: Cần Yên, Cần Nông, Thanh Long. Toàn huyện có 6 hợp tác xã đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh...
Dự kiến đến năm 2025, trồng 5.600 ha ngô tại 21 xã, thị trấn, trong đó trồng trên 200 ha ngô ngọt; chăn nuôi trên 16.500 con lợn đen, lợn Tắp Ná; tổng đàn bò trên 21.500 con; gieo trồng trên 2.700 ha lúa tại 16 xã, thị trấn; phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá trên 900 ha tại 11 xã, thị trấn; trên 15 ha bưởi da xanh, cam, quýt; 10 ha thanh long; định hướng phát triển và quản lý rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gắn với phát triển du lịch sinh thái trên 400 ha…
Huyện kiến nghị: Hằng năm, tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các kế hoạch, dự án theo Đền án nông nghiệp thông minh, công nghệ cao cho huyện; Ban Chỉ đạo tỉnh cần cụ thể hóa nội dung thực hiện tại các địa phương (có thể theo khu vực hoặc theo sản phẩm); quan tâm xác định địa chỉ, cơ chế tiêu thụ, thu mua sản phẩm cho nông dân…
Đoàn giám sát đề nghị huyện Hà Quảng chỉ đạo phát triển mở rộng diện tích các cây trồng thế mạnh, ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra sản phẩm mang tính cạnh tranh cao; tuyên truyền nhân rộng các mô hình chăn nuôi có hiệu quả. Tiếp tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu một số sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ đảm bảo đầu ra cho nhân dân. Tổ chức tập huấn cho các xã, thị trấn; tổ chức hội nghị sơ kết (chuyên đề) có sự tham gia của các xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể xóm để phổ biến kinh nghiệm trong sản xuất, nhân rộng mô hình; quan tâm bố trí lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện Đề án đạt hiệu quả…
Đoàn giám sát tham quan mô hình gừng xã Thượng Thôn
Trước đó, đoàn giám sát tham quan mô hình gừng, lạc, cây hồ đào và làm việc với Đảng ủy 2 xã: Nội Thôn, Thượng Thôn.