LỜI NÓI ĐẦU
Hà Quảng là địa danh nổi tiếng nằmở biên giới Đông Bắc của Tổ quốc. Vùng đất Hà Quảng từ khi hình thành đến nay gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọngđại của đất nước. Nhân dân các dân tộc Hà Quảng với tinh thần yêu nước nồng nàn, cần cù, chăm chỉ lao động đã góp phần xứng đáng công sức của mình vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ khi có Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng cùng với nhân dân cả nước đã trải qua 80 năm tranh đấu, xây dựng. Trong suốt chặng đường cách mạng đó, bằng xương máu và mồ hôi, bằng trí tuệ và nhiệt tình cách mạng, các dân tộc anh em huyện nhà đã chung sức, chung lòng, kiên cường hy sinh, phấn đấu, giành nhiều thắng lợi to lớn, làm rạng rỡ tên tuổi mảnh đất địa đầu Tổ quốc và làm sáng ngời truyền thống quê hương.
Những thắng lợi quan trọng mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Quảng giành được trong thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI đã minh chứng hùng hồn thêm vai trò lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Chặng đường lịch sử 80 năm qua là một giai đoạn vô cùng phong phú, sinh động của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Quảng. Chủ trương nghiên cứu, biên soạn cuốn "Lịch sử Đảng bộ huyện Hà Quảng (1930 - 2010)" nhằm góp phần làm rõ sự ra đời, các chặng đường lịch sử đấu tranh oanh liệt, những thắng lợi và thành tích, những kinh nghiệm bài học, truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng.
Cuốn lịch sử này là kết quả sưu tầm, chỉnh lý, nghiên cứu của cán bộ địa phương dưới sự chỉ đạo, giúp đỡ của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Bằng, và sự cộng tác nhiệt tình của cán bộ giảng dạy khoa Lịch sử trường Đại học tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Đại học quốc gia Hà Nội). Trên cơ sở kế thừa và nâng cao cuốn "Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hà Quảng (1930 - 1945)" (xuất bản năm 1988), theo yêu cầu của Huyện uỷ Hà Quảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, khoa Lịch sử trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã biên soạn hoàn chỉnh để cuốn "Lịch sử Đảng bộ huyện Hà Quảng (1930 - 2010)" ra đời vào đúng dịp Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI.
Thay mặt Đảng bộ và nhân dân trong huyện, chúng tôi chân thành cảm ơn các đồng chí lão thành cách mạng đã đóng góp nhiều tư liệu quý cho cuốn Lịch sử, cảm ơn sự quan tâm của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Bằng, cảm ơn sự cộng tác nhiệt tình và ý thức trách nhiệm rất cao của khoa Lịch sử, trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Dù ban biên soạn đãcố gắng, nhưng cuốn lịch sử cũng chưa thể nào phản ánh được đầy đủ những sự kiện sinh động, những nỗ lực lớn lao của cán bộ và quần chúng trong những năm tháng hào hùng. Lại do tư liệu thiếu, thời gian nghiên cứu, biên soạn ngắn, nội dung phải chuyển tải cả một giai đoạn lịch sử dài và đề cập toàn diện tất cả các lĩnh vực. Chắc chắn cuốn lịch sử này còn những thiếu sót, hạn chế khó tránh khỏi. Tha thiết mong các cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn huyện cùng bạn đọc gần, xa đóng góp ý kiến để cuốn "Lịch sử Đảng bộ huyện Hà Quảng (1930 - 2010)" tái bản lần sau phong phú, hoàn chỉnh hơn.
| T.M BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN HÀ QUẢNG Bí thư Triệu Đình Lê |
Phần mở đầu:
KHÁI QUÁT VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI HÀ QUẢNG Hà Quảng là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Bắc tỉnh Cao Bằng, trung tâm huyện lỵ cách thị xã Cao Bằng 45 km về hướng bắc theo hướng tỉnh lộ 203, có toạ độ địa lý: từ 22
047
'23
" đến 23
000
'00
'' vĩ bắc (từ Làng Mòn, Hạ Thôn đến Nặm Sấn, Lũng Nặm); từ 105
057
'14
" đến 106
015
'50
" kinh đông (từ Lũng Pươi, Sóc Hà đến Ngườm Luông, Tổng Cọt). Phía bắc giáp Trung Quốc, có cửa khẩu Sóc Giang thuộc xã Sóc Hà; phía nam giáp huyện Hoà An, phía đông giáp huyện Trà Lĩnh và phía tây giáp huyện Thông Nông. Tổng diện tích tự nhiên: 453,67 km
2. Do kiến tạo địa chất, địa hình huyện Hà Quảng khá phức tạp tạo nên hai tiểu vùng chủ yếu: tiểu vùng thấp và tiểu vùng cao.
- Tiểu vùng thấp có thị trấn Xuân Hoà và 6 xã: Trường Hà, Sóc Hà, Nà Sác, Quý Quân, Phù Ngọc, Đào Ngạn. Đây là vùng có các thung lũng tương đối bằng phẳng, đất canh tác chủ yếu là đất trồng lúa, có hệ thống sông suối cơ bản đáp ứng được nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
- Tiểu vùng cao gồm 12 xã, hầu như không có sông suối, nước cho sản xuất và sinh hoạt đều phụ thuộc vào nước mưa. Đất canh tác chủ yếu là đất trồng ngô và hoa màu, kết cấu hạ tầng còn thiếu, hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hoá của nhân dân.
Đất Hà Quảng ngày nay làmột phần châu Thạch Lâm xưa, châu Thạch Lâm từ đời Lý, Trần có 14 tổng, 133 xã, thôn, phủ, trại, động. Hà Quảng ngày nay là địa phận của 4 tổng: Hà Quảng, Phù Đúng, Hoa Phố, Thông Nông.
Khoảng cuối năm 1893, thực dân Pháp đã tổ chức lại các đơn vị hành chính: tách các tổng Tràng An, Phù Đúng, Trà An, Hà Quảng và tổng Thông Nông của huyện Thạch Lâm, lập thành châu Hà Quảng; gồm có các xã: Hà Quảng, Quảng Trù, Minh Luân, Xuân Trù, Sóc Hồng, Nà Sác, Phồn Đông, Hà Gian, Phù Đúng, Ngọc Phô, Đào Ngạn, Phù Tang, Trường Hà, Hoà Mục, Xuân Nông, Xuân Đào, Kim Phố, Cảnh Biên, Lũng Luông, Kéo Đắc, Thôn Nậm, Nhũng Lũng, Lập An, Thông Nông, Thông Sơn, Lạng Năng, Đa Năng, Lạng Y, Trọng Khôn, An Dương, Lang Cơn, thôn Cáp Nà và xã Bình Lãng.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, châu Hà Quảng đổi tên là huyện Hà Quảng và đổi tên các xã thành tên gọi theo các đơn vị hành chính xã như hiện nay.
Năm 1965
[1], sáp nhập xã Quang Vinh thuộc huyện Hà Quảng vào huyện Trà Lĩnh và sáp nhập xã Yên Sơn thuộc huyện Nguyên Bình vào huyện Hà Quảng; Chia xã Ngoại Trung thuộc huyện Hà Quảng thành 4 xã Cô Mười, Tổng Cọt, Sỹ Hai và xã Hồng Sỹ.
Năm 1966, chia huyện Hà Quảng thành hai huyện Hà Quảng và Thông Nông
[2]:
- Huyện Hà Quảng gồm có 20 xã là: Cải Viên, Đào Ngạn, Hạ Thôn, Kéo Yên, Lũng Nặm, Cô Mười, Tổng Cọt, Sỹ Hai, Mã Ba, Nà Sác, Nội Thôn, Phù Ngọc, Hồng Sỹ, Quý Quân, Sóc Hà, Thượng Thôn, Trường Hà, Vân An, Xuân Hoà, Yên Lũng.
- Huyện Thông Nông gồm có 8 xã là: Đa Thông, Lương Thông, Cần Yên, Lương Can, Thanh Long, Ngọc Động, Bình Lãng và Yên Sơn.
Năm 1981:Sáp nhập xã Cô Mười vào huyện Trà Lĩnh
[3]; Điều chỉnh địa giới hành chính một số xã của huyện Hà Quảng: xã Nội Thôn, Cải Viên, Vân An, Kéo Yên, Thượng Thôn, Lũng Nặm, Nà Sác, Xuân Hoà.
Ngày 27-10-2006, Chính phủ ra Nghị định số 125 về điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn Xuân Hoà và xã Vần Dính. Từ năm 2007, huyện Hà Quảng có 19 đơn vị hành chính xã, đó là thị trấn Xuân Hoà và các xã: Phù Ngọc, Quý Quân, Sóc Hà, Tổng Cọt, Vân An, Trường Hà, Kéo Yên, Thượng Thôn, Lũng Nặm, Nà Sác, Hạ Thôn, Cải Viên, Nội Thôn, Sỹ Hai, Đào Ngạn, Mã Ba, Hồng Sỹ, Vần Dính; trong đó có 9 xã biên giới. Sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc huyện Hà Quảng có tất cả 100 cột mốc trong đó có 86 mốc chính, 14 mốc phụ từ mốc 638 (xã Sóc Hà) giáp huyện Thông Nông đến mốc 723 (xã Tổng Cọt) giáp huyện Trà Lĩnh với đường biên giới dài 61,7 km.
Năm 2009, dân số huyện Hà Quảng có 33.012 người gồm các dân tộc: Nùng, Tày, Mông, Kinh, Dao, Hoa.
Mật độ dân số của huyện hiện nay là 76 người/km
2 (toàn tỉnh là 79 người), phân bố trên lãnh thổ không đều, tâp trung cao ở thị trấn Xuân Hoà và các xã: Phù Ngọc, Đào Ngạn, Xuân Hoà, Cải Viên, Sỹ Hai; các xã có mật độ dân số thấp là: Quý Quân, Trường Hà, Nà Sác, Lũng Nặm, Hạ Thôn… thấp nhất là xã Quý Quân chỉ có 44 người/km
2.
Dân tộc Tày, Nùng thường sống quy tụ từng làng bản, ở những vùng thấp hoặc các thung lũng tương đối bằng phẳng. Họ có tập quán canh tác cấy lúa nước, trồng ngô, khoai, sắn, đậu tương, sản xuất mang tính định cư lâu dài.
Người Tày là cư dân bản địa có mặt từ thời kỳ tiền sử. Hiện nay dân tộc Tày gồm các nhánh có tên gọi khác nhau như Tày Đeng, Tày Ngạn, Tày Lưu quan. Các nhóm dân tộc Tày đều cư trú xen kẽ lẫn nhau và sống hoà đồng với các dân tộc khác. Đại đa số cư trú ở vùng thấp và một số ít ở vùng lưng chừng, đồng bào cư trú thành từng xóm khoảng 20 - 30 nóc nhà hoặc 40 - 50 nóc nhà, có nơi đông hơn có thểđến 80 hoặc 100 nhà. Người Tày thường chọn nơi bằng phẳng hoặc gò đồi để dựng nhà lập thành làng xóm, theo truyền thống, đồng bào thường đặt tên làng bản theo phong cảnh tự nhiên như làng Pác Bó - là nơi nguồn nước, Phja Đán là nơi cạnh núi đá. Song tên gọi được người Tày dùng nhiều hơn là đặt tên gắn liền với tên "Nà" tức là cánh đồng, đây là tên gọi khá phổ biến ở vùng đồng như Nà Xả, Nà Rẳc, Nà Dảo, Nà Giàng… Nhiều tên làng bản của người Tày gắn liền với quá trình hình thành lịch sử và đời sống của đồng bào từ ngàn đời nay.
Dân tộc Nùng ở Hà Quảng có các nhóm Nùng Giang, Nùng Xuồng (Nùng Xuổng), Nùng Vẻn (Nùng Sẻng, Nùng Ếnh), Nùng Cháo, Nùng Lòi, Nùng Mấn, Nung Inh… mặc dù có nhiều nhóm khác nhau, nhưng từ xưa đến nay các nhóm Nùng đều cư trú xen kẽ với nhau và có xóm chỉ có dân tộc Nùng cư trú như ở vùng cao Lục Khu. Những làng bản của người Nùng được hình thành từng cụm dân cưở bên cạnh sườn đồi, chân núiđá. Đạiđa số đồng bào ở nhà sàn - là kiểu nhà truyền thống, người ở trên sàn, gầm sàn thườngđể gia súc, gia cầm. Nay đã có một số thay đổi, một sốđã chuyển gia súc ra ngoài.
Dân tộc Mông thường sống ở vùng đồi núi cao, hoặc các thung lũng, sống bằng nghề phát nương làm rẫy, trồng ngô và các hoa màu khác. Người Mông có hai ngành chính là Mông Trắng (Mông Đâư) và Mông Hoa (Mông Lềnh). Đồng bào cư trú chủ yếu ở vùng cao Lục Khu, nhà cửa đơn sơ nhưng sống trọng tình nghĩa, cần cù lao động, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống.
Dân tộc Dao ở Hà Quảng chỉ có ngành Dao Đỏ, đồng bào đã cư trú lâu đời ở đây, họ cư trúở vùng cao và vùng lưng chừng, hầu hết ở nhà trệt. Các gia đình thường chung sống với nhau từ 3 - 4 đời, mọi người đều quý trọng nhau. Đồng bào cần cù, chịu khó lao động sản xuất và có nhiều truyền thống tốt đẹp trong ứng xử cũng như trong sản xuất.
CHƯƠNG I
NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC HÀ QUẢNG DƯỚI ÁCH THỐNG TRỊ CỦA THỰC DÂN PHONG KIẾNI. THỰC DÂN PHÁP ĐÁNH CHIẾM HÀ QUẢNG, THIẾT LẬP BỘ MÁY CAI TRỊ, THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BÓC LỘT Cho đến cuối thế kỷ XIX, ách thống trị của giai cấp phong kiến đè nặng lên đời sống của đồng bào các dân tộc Hà Quảng. Chính sách kiềm toả của triều đình phong kiến Trung ương, sự bóc lột tàn tệ của bọn quan lại địa phương; sự cướp phá, quấy nhiễu của bọn thổ phỉ dọc vùng biên giới đã làm cho đời sống của đồng bào các dân tộc Hà Quảng vô cùng điêu đứng. Để bảo tồn sự sống trên một vùng biên ải, trong hoàn cảnh khắc nghiệt của thiên tai, địch hoạ, đồng bào các dân tộc anh em từ vùng thấp đến vùng cao, thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước đã tự rèn luyện cho mình ý chí tự cường và tinh thần bất khuất, chiến thắng mọi thử thách.
Năm 1886, thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm Cao Bằng. Trước nạn ngoại xâm, đồng bào các dân tộc Hà Quảng cùng nhân dân các huyện trong tỉnh đã vùng lên chiến đấu. Ngay khi giặc Pháp đặt chân lên Cao Bằng, để bảo vệ quyền lợi của mình, một số kỳ hào đã tìm cách đánh Pháp. Vượt qua những động cơ riêng tư, nhỏ hẹp của những người khởi xướng, đông đảo quần chúng lao động các dân tộc, từ vùng thấp đến vùng cao, đã hăng hái tham gia các phong trào chống Pháp với mục đích bảo vệ quê hương, làng bản. Cùng với các cuộc nổi dậy khác trong tỉnh, sự quật khởi của đồng bào các dân tộc Hà Quảng đã làm chậm bước xâm lược của Pháp trên vùng đất địa đầu Tổ quốc. Sau gần 10 năm, đến cuối năm 1895, thực dân Pháp mới đặt được ách thống trị của chúng ở Cao Bằng.
Thực dân Pháp đã xây dựng ở đây một bộ máy cai trị đàn áp khá hoàn chỉnh và thực hiện những chính sách bóc lột, đè nén rất tàn bạo, thâm độc.
Triệt để áp dụng chính sách “Dùng người Việt trị người Việt”, thực dân Pháp đã duy trì, củng cố bộ máy chính quyền phong kiến cũ từ châu đến tổng, xã, tuyển chọn những phần tử phản động xuất thân từ những tầng lớp bóc lột đưa vào các chức vụ Tri phủ, Tri châu, Chánh phó tổng, Chánh phó lý… nhằm biến bọn này thành tay sai trung thành, phục vụ đắc lực mưu đồ thống trị của chúng. Ngoài hệ thống này, thực dân Pháp còn đặt ra các chức Quản chiểu, Phó Quản chiểu ở vùng đồng bào Dao, Chánh phó Mán ở vùng đồng bào Mông nhằm tận dụng các thế lực quan lại lâu đời, vốn am hiểu tình hình, đặc điểm, tâm lý các dân tộc vùng cao để dễ bề cai trị.
Tương ứng với bộ máy hành chính tay sai, thực dân Pháp đã lập ra một hệ thống kìm kẹp quân sự dày đặc. Hệ thống quan Ba kiêm đại lý được bố trí đặt ở 6 châu biên giới gồm châu Hà Quảng và 5 châu Phục Hoà, Trùng Khánh, Quảng Uyên, Bảo Lạc, Thạch An, mỗi châu 1 đại đội từ 130 - 150 người. Chúng bố trí một hệ thống đồn bốt ở các nơi trọng yếu như đồn Bó Gai, đồn Tắp Ná, đồn Nặm Nhũng mỗi đồn một trung đội, dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Pháp. Bên cạnhđó, chúng còn bố trí một đại đội lĩnh dõng tập trung ở châu lỵ và các đội lính dõng đặt dưới sự chỉ huy của bọn châu đoàn, tổng đoàn, xã đoàn. Các lực lượng vũ trang này là công cụ kiểm soát, khủng bố của bọn thực dân nhằm bảo vệ, củng cố thế lực thống trị của chúng.
Thông qua bộ máy chính quyền tay sai phản động, thực dân Pháp đã tiến hành hàng loạt các thủ đoạn vừa trắng trợn, vừa tinh vi để áp bức bóc lột đồng bào các dân tộc Hà Quảng
Về mặt chính trị, thực dân Pháp thi hành triệt để chính sách chia rẽ dân tộc. Chúng đề cao một cách hình thức đầy thâm ý dân tộc này, hạ thấp dân tộc kia, dùng người ở vùng thấp lên cai trị người vùng cao, sử dụng lính người dân tộc này đi đàn áp các dân tộc khác…nhằm làm rạn nứt, tổn thương tình đoàn kết giữa các dân tộc, gieo rắc tư tưởng miệt thị, thù địch dân tộc. Dụng ý thâm độc của bọn thực dân là khoét sâu mâu thuẫn giữa các dân tộc ít người (Mông, Dao) với các dân tộc đông người (Tày, Nùng), giữa dân tộc này với dân tộc khác và trong nội bộ từng dân tộc, che dấu bộ mặt thống trị, bóc lột của chúng, làm cho các dân tộc lầm tưởng mình là nạn nhân của dân tộc láng giềng. Với những thủ đoạn xảo quyệt đó, thực dân Pháp hy vọng thủ tiêu sức mạnh và làm lạc hướng mũi nhọn đấu tranh của đồng bào các dân tộc.
Chính sách lừa bịp này được áp dụng song song với các thủ đoạn khủng bố trắng trợn. Bất cứ một hành động phản kháng nào của nhân dân đều bị bộ máy thực dân, phong kiến đàn áp thẳng tay, nhẹ thì bị binh lính đánh đập, nặng thì bị bắt bớ, giam cầm hoặc bắn giết. Với súng đạn, lưỡi lê, nhà tù, thực dân Pháp hy vọng khuất phục được ý chí quật khởi của đồng bào các dân tộc, buộc mọi người cam phận sống cuộc đời nô lệ.
Về mặt kinh tế, thực dân Pháp đã thực hiện những thủ đoạn bóc lột thậm tệ, điển hình là chính sách thuế khoá, phu phen, tạp dịch dã man. Thuế đinh và thuế điền là hai thứ thuế nặng nề nhất đe doạ trực tiếp đời sống đồng bào các dân tộc. Nam giới từ 18 tuổi đến 60 tuổi phải nộp thuế đinh theo mức quy định 2,8 đồng một đầu người
[4], nhưng thực tế bọn Lý trưởng, Phó lý thường nâng lên 3 đồng rồi 3,6 đồng một đầu người để cho chúng vơ vét thêm. Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, thuế đinh đã tăng lên 4 đồng/một suất. Hàng năm nhân dân trong huyện còn phải nộp thuế điền theo định xuất: Mỗi mẫu từ 3 đến 4 đồng. Lúc này, giá một con trâu chỉ có 9 đồng, như vậy, tiền đóng thuế của một gia đình trong năm xấp xỉ tiền bán một con trâu. Gia đình nào đông con trai ở độ tuổi trưởng thành phải nộp một số tiền còn lớn hơn nữa. Một vụ thu thuế, các gia đình nông dân lao động lao đao, nhiều nhà phải bán cả trâu bò, ruộng nương, có người phải đứt ruột bán con để lấy tiền nộp thuế.
Cùng với gánh nặng thuế khoá, mỗi năm người dân đến tuổi thành niên còn bị chính quyền thực dân bắt đi phu để xây dựng đồn bốt và mở các tuyến đường giao thông. Những người đi phu phải tự lo lương thực, quần áo, thuốc men trong những ngày lao động khổ sai. Cảnh màn trời chiếu đất cùng với chế độ lao động nặng nhọc và roi vọt đánh đập của bọn cai thầu làm nhiều người sinh đau ốm, bệnh tật, có người bỏ xác vì tai nạn. Trên các tuyến đường Nặm Vạng (Hoà An) và Hà Quảng đi các nơi… đã thấm bao nhiêu mồ hôi và cả máu của đồng bào các dân tộc - nạn nhân của chế độ phu phen tàn bạo.
Thực dân Pháp còn áp dụng chính sách độc quyền kinh tế, mà thâm độc nhất là nắm độc quyền muối - hàng tiêu dùng rất trọng yếu đối với đồng bào miền núi. Chúng đặt mức thuế muối rất nặng và kiểm soát chặt chẽ việc mua bán muối. Với thủ đoạn này, thực dân Pháp hy vọng trói chặt đời sống của đồng bào các dân tộc lệ thuộc vào chúng, đồng thời sử dụng muối làm công cụ chống phá cách mạng. Khi phong trào đấu tranh của quần chúng lên cao, thực dân Pháp nghiêm cấm việc mua bán muối, lấy muối và tiền dụ dỗ, kích thích bọn tay sai lùng bắt và bắn giết các cán bộ cách mạng.
Để hỗ trợ cho các chính sách đàn áp về chính trị, vơ vét về kinh tế, chính quyền thực dân đã triệt để sử dụng các thủ đoạn văn hoá, xã hội. Chúng kìm hãm đồng bào các dân tộc trong vòng tăm tối. Trên địa bàn rộng lớn của Hà Quảng, thực dân Pháp chỉ mở một trường học ở Sóc Giang và sau đó mở thêm một trường ở Nà Giàng dạy chương trình cấp tiểu học. Hai trường nhỏ bé này chỉ mở cửa đối với một số ít con em các gia đình giàu có ở địa phương và các vùng lân cận, còn hầu hết con em nhân dân lao động phải chịu cảnh thất học. Hơn 95% dân số Hà Quảng không biết chữ. Cùng với chính sách hạn chế, bóp nghẹt về giáo dục, chính quyền thực dân khuyến khích các tệ nạn xã hội. Ở Sóc Giang, Nặm Nhũng, Nà Giàng, Tổng Cọt… mọc lên nhiều sòng bạc lớn. Gắn liền với các sòng bạc là tệ nạn nghiện rượu, thuốc phiện và những sinh hoạt truỵ lạc. Do sự dung túng của chính quyền thực dân, nạn nghiện thuốc phiện tràn ngập khắp nơi. Ở các xã, tỷ lệ người nghiện lên tới 30 - 40%, riêng ở Lục Khu 90% thanh niên mắc tệ nạn này.
Hủ tục mê tín dị đoan phát triển đến mức trầm trọng. Bất lực trước thực tại, nghẹt thở dưới ách thực dân, phong kiến, nhiều nông dân Hà Quảng trước mọi biến động của gia đình, làng bản đành nhắm mắt trông chờ vào các thế lực “thần thánh”. Nhà có người ốm, người chết, hoặc gặp tai hoạ… phải chạy vạy vay mượn mời thầy mo, thầy cúng về cúng lễ. Để làm trầm trọng hơn tình trạng này, chính quyền thực dân có ý giam hãm đồng bào trong cảnh đói rét, bệnh tật. Vệ sinh, phòng bệnh bị bỏ lơi. Cả huyện chỉ có một y tá phục vụ bọn thống trị, còn nhân dân lao động lúc ốm đau không được biết đến thuốc thang, bệnh viện…
Những chính sách và thủ đoạn bóc lột, thống trị của thực dân, phong kiến đã tác động mạnh đến đời sống xã hội. Các thế lực bóc lột bao gồm bọn địa chủ, quan lại, kỳ hào, thổ phỉ đua nhau bóc lột dân chúng để làm giàu. Tuy ở Hà Quảng số lượng địa chủ không nhiều, quy mô chấp chiếm ruộng đất không lớn nhưng ách bóc lột của chúng cũng đè nặng lên đời sống của những người nông dân nghèo khổ. Dựa vào chính quyền thực dân, bọn này tìm mọi cách cướp đoạt ruộng đất của nông dân, chiếm cứ cả rừng, bãi làm sở hữu riêng, biến những người nông dân mất đất thành những người làm thuê.
Bọn quan lại, kỳ hào lớn bé đặt ra các khoản phụ thu lạm bổ vàỷ vào quyền lực, ra sức hà hiếp nhân dân lao động. Chúng thu tăng mức thuế, kéo dài thời hạn đi phu, ép buộc nhân dân phải lễ cống nạpvào các dịp lễ tết. Chúng đánh đập, cùm trói bất cứ ai cưỡng lại hoặc không thoả mãn những ý muốn ngang ngược của chúng.
Bọn thổ phỉ, trộm cướp, buôn lậu… cũng mặc sức hoành hành suốt vùng ven biên giới, dựa vào thế rừng núi hiểm trở, giáp ranh hai nước, các toán phỉ có vũ khí trong tay thường xuyên đột nhập các làng bản ở Thông Nông, Bó Gai, Lục Khu… và phố Sóc Giang, cướp phá các sòng bạc, bắt trâu bò, phá nhà cửa, buộc nhân dân phải nộp tiền của. Nạn thổ phỉ là một tai hoạ thường xuyên đe doạ đời sống đồng bào các dân tộc vùng biên giới Hà Quảng.
Gánh chịu nặng nề ách thống trị, áp bức của các thế lực bóc lột, đồng bào các dân tộc ở Hà Quảng đã phải sống một cuộc đời vô cùng cực khổ. Quần quật quanh năm trên đồng ruộng, nương rẫy, phần đông đồng bào vẫn ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Vất vả, nhọc nhằn chống chọi với thiên nhiên hà khắc, làm ra hạt thóc, bắp ngô nhưng nhân dân lao động không được hưởng đầy đủ những thành quả lao động ấy. Bằng đủ mọi mánh khoé, thủ đoạn vừa tinh vi, vừa trắng trợn, các thế lực thực dân, phong kiến đã cấu kết với nhau đục khoét, cướp đoạt của cải của nhân dân. Phần đông đồng bào các dân tộc Hà Quảng, đặc biệt là đồng bào vùng cao, hàng năm thiếu ăn từ 3 đến 4 tháng. Nhiều gia đình vì đói phải sống bằng bột báng và củ pa pẩu (tức củ bình vôi) thay gạo, ngô. Những năm mất mùa, có nơi suốt 6 tháng liền đồng bào phải sống trong tình trạng thiếu ăn. Đời sống vật chất đã quá cơ cực, đời sống tinh thần lại bị bóp nghẹt. Người dân luôn sống nơm nớp trong tâm trạng lo âu, sợ hãi bị đánh đập, bắt bớ. Bất cứ lúc nào tai hoạ cũng có thể giáng xuống cuộc đời những người lao động, vì những nguyên cớ khó tránh: chậm thuế, chậm đi phu, thiếu lễ lạt cho kỳ hào, lý dịch, thậm chí chỉ vì không làm vừa ý bọn chức sắc. Nhân phẩm bị chà đạp đã đau khổ, nhưng đau đớn, tủi nhục nhất đối với đồng bào vẫn là bị xúc phạm thô bạo đến danh dự dân tộc. Tư tưởng kỳ thị, chia rẽ dân tộc mà bọn thực dân, phong kiến gieo rắc đã làm cho mọi người nhức nhối, và nguy hiểm hơn là đã tạo ra một hố sâu ngăn cách các dân tộc anh em vốn lâu đời cùng sống chung trên một mảnh đất.
II. PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN PHÁP VÀ SỰ TIẾP THU CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN Thực tế khắc nghiệt đã phơi bày bộ mặt phản động của thực dân, phong kiến. Dù thâm hiểm đến đâu, những thủ đoạn của đế quốc, phong kiến nhằm đánh lạc hướng quần chúng cũng không ngăn chặn được lòng căm thù của đồng bào các dân tộc đang ngày càng sôi sục. Trong từng ngôi nhà, trong từng làng bản đang chất chứa âm ỷ một ý chí quật khởi lớn lao. Đây là cơ sở quan trọng để một khi ánh sáng cách mạng soi rọi tới, đồng bào sẽ vùng dậy đấu tranh quyết liệt với thực dân, phong kiến, quyết xả thân vì những quyền lợi chính đáng, thiêng liêng của quê hương, đồng bào mình.
Hưởngứng phong trào Cần Vương do Tôn Thất Thuyết phátđộng, ông lên Cao Bằng từ tháng 10-1886 đánh chiếm thành Cao Bằng rồi lên vùng Mỏ Sắt (nay thuộc xã Dân Chủ, Hoà An) và vùng Hà Quảng lãnh đạo nhân dân chống Pháp.
Điển hình là cuộc đấu tranh của nghĩa quân Triệu Phúc Sinh, đã xây dựng căn cứ địa chống Pháp ở vùng Lục Khu, hoạt động cả vùng Hoà An, Trà Lĩnh, liên tục tổ chức các cuộc phục kích, tập kích bao vây đồn bốt của thực dân Pháp. Năm 1888, lực lượng nghĩa quân của Triệu Phúc Sinh và các huyện miền Đông đã kéo xuống chiếm vùng Án Lại, Canh Biện (Hoà An) đào hào, đắp luỹ, dựng đồn bốt tạo thành một căn cứ vững chắc.
Năm 1889, thực dân Pháp tập trung lực lượng, dưới quyền chỉ huy của Roobert và Udri phá huỷ các đồn luỹ của nghĩa quân tại Canh Biện, Án Lại. Trung tá Xecvie, lúc này được cử làm quan chủ vùng, tiến hành các cuộc truy quét nghĩa quân ở Ba Châu (ngày 28-9-1889) và Lục Khu (ngày 31-10-1889). Vào thời điểm này, quân Pháp đã cho xây dựng đồn ở Sóc Giang. Mặc dù bị đàn áp, nhưng hoạt động chống thực dân Pháp của nhân dân các dân tộc vẫn liên tục diễn ra, gây cho địch nhiều tổn thất. Nghĩa quân Triệu Phúc Sinh bị dồn về Lục Khu, vẫn tiếp tục chiến đấu, tiêu biểu nhất là trận đánh tại Mỏ Sắt vào tháng 10-1890. Trong trận này nghĩa quân đã bắn chết tên quan hai Cateno, đánh chìm nhiều thuyền tiếp tế của thực dân Pháp trên sông Bằng. Các đội quân khởi nghĩa của các huyện miền Đông như: Quảng Uyên, Phục Hoà, Hạ Lang phối hợp với quân của Triệu Phúc Sinh đã đẩy lùi địch về Thị xã.
Năm 1893, phong trào chống Pháp lại nổi lên, ở Hà Quảng có thủ lĩnh Tì Tiên Đức lập căn cứ ở vùng Sóc Giang
[5] và vùng Mỏ Sắt tiếp tục đánh Pháp. Vùng Lục Khu có Hoà Yên, vùng Tắp Ná (nay thuộc xã Thanh Long, Thông Nông) có Lý Lâm cũng tiếp tục lãnh đạo nhân dân đánh Pháp gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Tuy nhiên, đa phần các cuộc đấu tranh tự phát, chưa có được một phương thức tổ chức hoạt động thực sự cách mạng, con đường đi đúng đắn và nhất là chưa có sự lãnh đạo của Đảng, nên mặc dù phong trào đấu tranh có rộng lớn và mạnh mẽ, song hiệu quả vẫn không cao, chưa thực hiện được mục tiêu đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi mảnh đất của mình.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918), thực dân Pháp đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa ở nước ta. Dưới sự tác động của cuộc khai thác này, xã hội Việt Nam có nhiều biến chuyển. Những giai cấp mới: công nhân, tư sản dân tộc, tiểu tư sản xuất hiện. Giai cấp công nhân Việt Nam vốn đã hình thành từ trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đến giai đoạn này phát triển nhanh chóng. Những lực lượng xã hội này vừa mới ra đời đã bắt đầu tiến hành cuộc đấu tranh đòi quyền lợi, tạo ra một sắc diện mới trong phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Đúng vào thời gian đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đi từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với chủ nghĩa Mác-Lênin và bắt đầu truyền bá ánh sáng của học thuyết cách mạng đó vào nước ta. Thông qua đường dây liên lạc của những người thuỷ thủ yêu nước Việt Nam làm trên các tàu biển của Pháp, những tài liệu sách báo Mác-xít, các tác phẩm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã được bí mật lưu hành trong một bộ phận công nhân và trí thức yêu nước, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân và nhân dân ta phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là trong những năm 1924 - 1925. Phong trào đấu tranh sâu rộng này đã đào luyện nên một lớp thanh niên yêu nước ưu tú, giàu nhiệt huyết cách mạng, khát khao đi tìm chân lý. Một trong số những thanh niên đó là nhóm học sinh tiến bộ ở trường tiểu học Thị xã Cao Bằng, mà người tiêu biểu là đồng chí Hoàng Đình Giong
[6]. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước, ngay từ nhỏ, đồng chí Hoàng Đình Giong đã có lòng yêu nước thương nòi, căm ghét đế quốc, phong kiến. Là một người thông minh, ham học hỏi, từ khi còn học ở trường làng cho đến khi ra học ở trường tiểu học Thị xã Cao Bằng, đồng chí Hoàng Đình Giong đã say mê tìm đọc thơ ca yêu nước của các nhà ái quốc tiền bối. Truyền thống của ông cha, sự phát triển của phong trào cách mạng cả nước đã cổ vũ đồng chí Hoàng Đình Giong tự rèn luyện để trở thành một thanh niên giàu nhiệt huyết, có chí hướng đánh Tây cứu nước.
Mùa hè năm 1924, đồng chí Hoàng Đình Giong lên vùng Yên Luật (Hà Quảng) mở trường dạy tư để tuyên truyền tư tưởng chống Pháp. Trong các buổi lên lớp, thầy giáo Giong đã giảng giải cho học sinh nghe những vần thơ thấm đượm tinh thần yêu nước, thương dân của các chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh:
“Trông cố quốc đau lòng khôn xiết
Bấy mươi năm Nam Việt lầm than
Thương ôi nước mất nhà tan
Dưới sông máu chảy, trên ngàn xương phơi
Thân nô lệ làm tôi tớ Pháp
Biết bao giờ mới thoát cơ hàn…”
Bằng thơ ca yêu nước và các trang sử chống ngoại xâm oai hùng của ông cha, đồng chí Hoàng Đình Giong đã khéo léo khơi gợi, thức tỉnh tinh thần yêu nước của những học sinh Hà Quảng, gợi mở cho họ con đường đánh Tây, giải phóng quê hương, đất nước. Tư tưởng tiến bộ và tấm lòng đôn hậu của thầy giáo Giong đã cảm hoá những học sinh Yên Luật, trang bị cho họ một cách nhìn nhận mới và một hướng đi mới.
Những thanh niên Hà Quảng theo học trường tư Yên Luật, trong đó xuất sắc nhất là Hoàng Tô, Phúc Kiến
[7] chính là lớp thanh niên yêu nước đầu tiên của vùng Hà Quảng, đã bước đầu tiếp thu tư tưởng chống thực dân. Từ những hạt giống ban đầu này, qua đường dây bạn bè đồng canh, đồng niên, tư tưởng cứu nước do đồng chí Hoàng Đình Giong khởi xướng đã bí mật được truyền bá và lôi cuốn một số thanh niên yêu nước vùng Cốc Sâu, Nà Nghiềng, rồi lan dần ra Sóc Giang, Hoà Mục.
Đầu năm 1927, trước khi sang Trung Quốc dự lớp huấn luyện của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, đồng chí Hoàng Đình Giong cùng đồng chí Ninh Văn Phan lên Sóc Giang thuyết phục Tri châu Hà Quảng là Bế Cao Tung tham gia Hội đánh Tây. Tại đây, đồng chí Giong gặp lại một số thanh niên yêu nước trong đó có các đồng chí: Hoàng Tô, Phúc Kiến, Nông Hiền Hữu (tức Quất), Đào Văn Pảo (tức Đào Đức) là những người đã theo học trường Yên Luật năm xưa và vận động họ vào Hội đánh Tây. Sau đó, đồng chí Giong trở lại vùng Đào Ngạn gặp học trò, bạn bè cũ, động viên mọi người gia nhập tổ chức chống đế quốc. Từ nhận thức và tình cảm yêu nước, một số thanh niên tiến bộ vùng Sóc Giang, Đào Ngạn nghe theo lời đồng chí Hoàng Đình Giong đã dần dần nhóm họp lại trong một tổ chức yêu nước sơ khai “Hội đánh Tây” chính là những mầm mống đầu tiên của tổ chức cách mạng sau này, mà người có công gieo cấy lên mảnh đất Hà Quảng là đồng chí Hoàng Đình Giong - người con ưu tú của quê hương Cao Bằng.
Cuối năm 1928, đầu năm 1929, một số thanh niên ở Hà Quảng xuống Hoà An học. Lúc này, Hoà An là nơi phong trào yêu nước phát triển khá mạnh, nhất là trong thanh niên, học sinh. Hoà mình trong không khí sôi sục đó, những học sinh Hà Quảng đã dần dần giác ngộ. Khi trở về quê hương, họ đã tuyên truyền cho gia đình, họ hàng, bạn bè những nhận thức mới hấp thụ được. Vùng Nà Giảo, Nà Rẳc, Bản Chá… bắt đầu chuyển mình trước sự tác động của những tư tưởng yêu nước.
Cùng với thời gian đó, một số thanh niên yêu nước ở Hoà An, nhân những dịp lên Hà Quảng thăm bạn bè, họ hàng đã khéo léo khêu gợi truyền thống yêu nước và cổ vũ tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc. Một số thanh niên tích cực ở Phù Ngọc, Đào Ngạn, Nà Vạc trong đó có Bắc Sư, Quang Vũ… đã dần dần tiếp thu những tư tưởng tiến bộ đó.
Ở Thông Nông, một số thanh niên xuống Nước Hai (Hoà An) học đã đem về quê hương luồng tư tưởng phản đế.
Cuối năm 1929, từ nhiều nguồn khác nhau, chủ nghĩa yêu nước, tinh thần chống Pháp đã thấm dần vào tư tưởng, tình cảm một bộ phận tiên tiến của đồng bào các dân tộc Hà Quảng. Những nhóm yêu nước hình thành ở một số nơi và ngày càng lan rộng ra. Từ mảnh đất đau thương, chất chứa căm thù đã nảy sinh những nhân tố mới. Hà Quảng đã có đầy đủ điều kiện để đón nhận những hạt giống cách mạng.
CHƯƠNG II
PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂNCÁC DÂN TỘC HÀ QUẢNG DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG(1930 -1945) I. CHI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN ĐẦU TIÊN RA ĐỜI, CHẶNG ĐƯỜNG ĐẤU TRANH DƯỚI NGỌN CỜ CỦA ĐẢNG (1931 - 1935)Ngày 03-02-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời
[8] mở ra một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc. Vừa ra đời, Đảng đã chủ trương phát triển các tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng ở các địa phương, làm hạt nhân phát động và lãnh đạo một cao trào đấu tranh mới, chủ trương của Đảng đã có tác dụng to lớn, thúc đẩy phong trào cách mạng cả nước phát triển lên một cao trào rộng lớn mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Ngày 01-4-1930, tại Nặm Lìn (thuộc Hoàng Tung, châu Hoà An), Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Cao Bằng được thành lập, đánh dấu một thời kỳ cách mạng mới ở địa phương. Chi bộ đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền và xây dựng các cơ sở Đảng ở địa phương. Những thanh niên yêu nước ưu tú đã lần lượt được Chi bộ vận động và đưa sang Long Châu dự các lớp huấn luyện của Đảng.
Tháng 11-1930, đồng chí Hoàng Tô được chi bộ Hải ngoại đưa đi dự lớp huấn luyện chính trị ở Long Châu và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trở về nước, đồng chí Hoàng Tô - người đảng viên cộng sản đầu tiên của Hà Quảng đã tích cực tuyên truyền, giác ngộ học sinh và thanh niên yêu nước ở các xóm Cốc Sâu, Nà Nghiềng, Cốc Vường, Trúc Long, Địa Lan, Cốc Nghịu, Nà Sác, Pò Nghiều (Sóc Giang) vào Hội phản đế.
Sau một thời gian tuyên truyền, giáo dục quần chúng, kiểm tra, thử thách những phần tử tích cực, đồng chí Hoàng Tô đã kết nạp hai đồng chí: Đào Đức và Phúc Kiến vào Đảng.
Ngày 20-6-1931, tại hang Phja Nọi, xóm Cốc Sâu, xã Sóc Giang, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Hà Quảng ra đời, gồm ba đồng chí: Hoàng Tô, Đào Đức, Phúc Kiến, do đồng chí Hoàng Tô làm Bí thư. Đây là một sự kiện trọng đại trong phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc Hà Quảng.
Chi bộ ra đời là kết quả của một quá trình những thanh niên yêu nước Hà Quảng từng bước tiếp thu tư tưởng cách mạng, thử thách và được sàng lọc trong thực tiễn đấu tranh, được sự giáo dục, dìu dắt của những chiến sĩ cộng sản tiền bối. Tập thể chi bộ đầu tiên này là kết tinh mới những truyền thống yêu nước bất khuất của nhân dân các dân tộc, là lực lượng nòng cốt, gánh vác sứ mệnh tổ chức và lãnh đạo nhân dân trong huyện bước vào một cuộc đấu tranh mới, với những nội dung, hình thức mới, vì độc lập, tự do - những quyền lợi thiêng liêng nhất của quê hương, đất nước.
Ngay sau khi vừa ra đời, chi bộ Đảng đã đặc biệt coi trọng xây dựng và phát triển các cơ sở cách mạng, từng bước giáo dục, vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh.
Theo chủ trương của Đảng, chi bộ đã lựa chọn một số quần chúng tích cực đi dự các lớp tập huấn chính trị ở Long Châu, nhằm xây dựng một lực lượng quần chúng có giác ngộ làm nòng cốt cho phong trào cách mạng ở địa phương. Thực hiện phương châm giáo dục quần chúng từng bước, từ thấp đến cao, phù hợp với trình độ nhận thức của đồng bào, các đảng viên và quần chúng tích cực đã vận động nhân dân chống mê tín dị đoan, bài trừ các thủ tục tế lễ, ma chay, cưới xin, hội hè đình đám tốn kém. Từng bước tập hợp quần chúng vào các tổ chức sơ khai: Hội tương tế, hội hiếu hỷ… cơ sở chính trị, cơ sở cách mạng của chi bộ đã được mở rộng dần. Những quần chúng tích cực đã xuất hiện, tạo điều kiện để chi bộ thực hiện công tác phát triển Đảng. Cuối năm 1932, đầu năm 1933, cơ sở Đảng ở Sóc Giang, Hoà Mục đã được mở rộng. Các đồng chí Lê Quảng Ba, Quý Quân (tứcĐàm Văn Lý)
[9], Thuỵ Hùng, Cải Vân (Quất) đã vinh dự được kết nạp vào Đảng. Từ những cơ sở ban đầu, hệ thống tổ chức Đảng dần dần mở rộng sang các địa phương khác. Theo đường dây họ hàng, bạn bè đồng canh, các đồng chí đảng viên và quần chúng tích cực ở Sóc Giang bắt đầu tuyên truyền lên Lũng Pỉa, Thôm Tẩu (Nà Sác), Trúc Long (Sóc Giang), Bó Khuy, Bó Gai (Thông Nông). Các đồng chí ở Nà Giàng phát triển cơ sở cách mạng sang Đào Ngạn, Nà Vạc, lên Ngoại Trung, Hạ Thôn (Lục Khu). Từ Háng Tháng, đường dây cách mạng toả dần xuống Trùng Khuôn
[10].
Đến năm 1934, xuyên qua bộ máy kiểm soát, kìm kẹp hà khắc của thực dân, phong kiến, cơ sở tổ chức Đảng đã ăn sâu, toả rộng khắp các vùng Sóc Giang, Nà Giàng, Thông Nông, Mỏ Sắt, Lục Khu…tạo thành một hệ thống tương đối chặt chẽ, bền vững. Nhờ có hệ thống tổ chức mở rộng này, chi bộ đã có khả năng củng cố đường dây liên lạc với Hoà An qua các trạm Nà Giàng, Mỏ Sắt, thường xuyên nhận sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Cao Bằng và triển khai vận động cách mạng trên địa bàn châu.
Tương ứng với quá trình phát triển của tổ chức Đảng, các cơ sở quần chúng không ngừng được mở rộng. Bên cạnh những tổ chức sơ khai, đã xuất hiện tổ chức Nông hội đỏ, Cộng sản đoàn
[11], Hội truyền bá Quốc ngữ, Hội kháng phu… Những tổ chức quần chúng này được xây dựng bí mật theo một nguyên tắc chặt chẽ hơn hẳn các tổ chức sơ khai trước đó.
Sự trưởng thành về mặt tổ chức đã tạo điều kiện để chi bộ lãnh đạo quần chúng đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng. Từ chỗ vận động đồng bào các dân tộc chống mê tín dị đoan, bài trừ các hủ tục ở hương thôn, chi bộ đã tiến lên tập hợp quần chúng đấu tranh trực diện chống chính sách bóc lột, thống trị của thực dân, phong kiến. Lúc này, chế độ phu phen đang đè nặng lên đời sống của đồng bào các dân tộc, chi bộ đã vận động quần chúng hướng mũi nhọn đấu tranh vào đó.
Phong trào kháng phu được nhóm lên từ Phù Ngọc nơi có cơ sở Đảng và cơ sở quần chúng khá mạnh. Mùa xuân năm 1933, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, quần chúng đã kéo về Nà Giàng phản đối chế độ phu phen hà khắc. Cuộc đấu tranh gây tiếng vang lớn, bọn cầm quyền ở tỉnh buộc phải cử thanh tra lao động về kiểm tra chế độ phu ở Hà Quảng.
Được sự cổ vũ của phong trào Phù Ngọc, đồng bào ở Đào Ngạn cũng nổi dậy chống phu với khẩu hiệu “Không đi phu vào ngày mùa, phải phát tiền và gạo trước…”. Tháng 3-1934, chính quyền thực dân bắt đồng bào ở Thông Nông và Hoà An phải đi làm con đường Nặm Vạng. Công việc nặng nhọc, ăn uống thiếu thốn kham khổ, sự kiểm soát ngặt nghèo của bọn cai lính… đã làm cho dân phu điêu đứng. Phát huy thắng lợi của cuộc đấu tranh ở Phù Ngọc, chi bộ Hà Quảng đã vận động những người đi phu đấu tranh đòi chính quyền, thực dân phải trả tiền công. Trước áp lực của quần chúng, kẻ địch đã phải nhận trả cho mỗi phu làm đường một ngày hai hào.
Chỉ trong vòng một năm, phong trào chống phu đã phát triển khá mạnh. Những cuộc đấu tranh ở Phù Ngọc, Đào Ngạn, Nặm Vạng đã góp phần tích cực vào phong trào chống phu đang phát triển đều khắp trong toàn tỉnh Cao Bằng và khắp vùng thượng du Bắc Bộ. Tháng 6-1934, Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng và những đại biểu ở trong nước đã họp tại Ma Cao (Trung Quốc) để kiểm điểm việc thực hiện “Chương trình hành động của Đảng”. Hội nghị đã biểu dương phong trào đấu tranh của nhân dân Cao Bằng (trong đó có đóng góp tích cực của nhân dân Hà Quảng), coi đó là một biểu hiện sự thức tỉnh của đồng bào các dân tộc ít người dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phong trào kháng phu ở Hà Quảng nói riêng, ở Cao Bằng nói chung diễn ra vào lúc trong toàn quốc, Đảng và nhân dân ta đang bền bỉ, kiên cường đấu tranh chống khủng bố đẫm máu của thực dân Pháp. Nhằm gắn chặt phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương với phong trào cách mạng cả nước, qua đó nâng cao trình độ giác ngộ của đảng viên, quần chúng. Tỉnh uỷ Cao Bằng chủ trương tổ chức kỷ niệm những ngày lễ lớn: Cách mạng Tháng Mười (07-11), Xô viết Nghệ - Tĩnh (12-9)…
Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, tháng 9-1934, các đồng chí đảng viên ở Hà Quảng đã bí mật rải truyền đơn, treo cờ đỏ dọc tuyến đường Sóc Giang, Nà Giàng, Bó Gai, Mỏ Sắt… Những tờ truyền đơn được bí mật dán vào cổng nha, gốc cây nơi đông người qua lại, kêu gọi quần chúng đẩy mạnh đấu tranh theo gương những chiến sĩ Xô viết Nghệ - Tĩnh. Kẻ thù lồng lộn tức tối, ra sức lùng sục, tìm bắt cán bộ cách mạng. Song, chúng không thể ngăn chặn được ảnh hưởng tốt đẹp của những tờ truyền đơn cách mạng đã đến với quần chúng.
Qua bốn năm, phong trào cách mạng Hà Quảng đã có những bước tiến rõ rệt, tổ chức Đảng và tổ chức quần chúng được mở rộng. Tháng 5-1935, theo chỉ thị của cấp trên, những đảng viên Hà Quảng đã tiến hành một Hội nghị quan trọng ở hang Phja Nọi (Cốc Sâu), xã Sóc Giang - địa điểm 5 năm trước đã chứng kiến sự ra đời của chi bộ Đảng đầu tiên. Hội nghị bàn bạc các biện pháp cần thiết để củng cố các cơ sở vốn có, phát triển tổ chức ở một số địa điểm mới trong huyện, tăng cường mối liên hệ với Ban lãnh đạo Đảng ở Long Châu và với Huyện uỷ Hoà An… Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ châu đầu tiên. Năm đồng chí cán bộ ưu tú Hoàng Tô, Phúc Kiến, Đào Đức, Lê Quảng Ba, Quý Quân được Hội nghị tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành châu Đảng bộ, đồng chí Hoàng Tô được phân công làm Bí thư. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng của tổ chức Đảng ở Hà Quảng, đồng thời cũng phản ánh sự phát triển vững chắc của phong trào cách mạng địa phương và góp phần để mở rộng cơ sở tổ chức của Đảng, đánh bại âm mưu tiêu diệt Đảng ta của bọn thực dân trong thời kỳ khủng bố những năm 1932 - 1935. Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng đã đánh giá: “Đảng vừa khôi phục được hệ thống của Đảng khắp toàn Đông Dương, thế lực của Đảng đã lan rộng tới các địa hạt hậu tiến, các miền dân tộc thiểu số. Các phần tử hăng hái trong đám lao động người dân tộc thiểu số (như: người Tày, Nùng) đã bắt đầu kéo vào các cơ quan chỉ đạo của Đảng
[12]”. Với sự ra đời của Huyện uỷ, cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc Hà Quảng đã có một bộ tham mưu tập trung, thống nhất, đủ khả năng đưa phong trào cách mạng tiến lên mạnh mẽ hơn.
Phát huy thắng lợi của Hội nghị Phja Nọi, các đảng viên Hà Quảng bắt tay ngay vào việc lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng. Tháng 6-1935, thực dân Pháp bắt nhân dân Hà Quảng đi làm con đường nối liền Nước Hai - Hà Quảng. Các đồng chí đảng viên Hà Quảng đã vận động anh em đi phu nổi dậy đấu tranh. Hơn 200 người kéo về tập trung ở Ngọc Thượng, Phù Ngọc đòi chính quyền thực dân và bọn cai phu phải chấm dứt đánh đập, phải cấp tiền, cấp gạo cho những người làm đường. Hoảng sợ và tức tối, thực dân Pháp cho binh lính đến đàn áp, bắt đi 6 người. Cuộc đấu tranh tuy không thắng lợi, nhưng nó chứng tỏ tinh thần cách mạng của quần chúng đã lên rất cao và tổ chức Đảng hoàn toàn có khả năng vận động, tập hợp quần chúng đấu tranh để bảo vệ những quyền lợi thiết thực của mình. Cuộc đấu tranh tháng 6-1935 có tiếng vang lớn trong tỉnh.
Vào những tháng cuối năm 1935, thực dân Pháp bắt đầu mở cuộc khủng bố phong trào cách mạng Cao Bằng. Một số cơ sở Đảng ở Hoà An bị tổn thất. Tình hình đó đã ảnh hưởng tới phong trào ở Hà Quảng. Tuy vậy, Đảng bộ Hà Quảng vẫn kiên trì đấu tranh, bảo vệ cơ sở cách mạng và sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh.
Những năm 1931 - 1935 một khoảng thời gian rất ngắn, phong trào cách mạng Hà Quảng đã có một bước tiến rõ rệt. Từ một chi bộ Đảng với ba đảng viên qua 4 năm đã phát triển thành một Đảng bộ huyện. Từ những cuộc vận động cách mạng mang tính sơ khai, các đảng viên cộng sản đã tiến tới tổ chức quần chúng đấu tranh chống lại các thủ đoạn bóc lột của thực dân, phong kiến. Thực tiễn đấu tranh đó đã có tác dụng thiết thực trong việc giáo dục, giác ngộ đồng bào các dân tộc. Nhanh chóng vượt qua những nhận thức yêu nước chung chung, một bộ phận tiên tiến trong đồng bào các dân tộc, dưới ánh sáng của Đảng, đã từng bước nhận rõ kẻ thù đế quốc phong kiến, tự giác bước vào trận tuyến cách mạng, tập hợp trong các tổ chức quần chúng của Đảng và bước đầu tham gia các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh. Mặc dù giai đoạn này, phong trào đấu tranh chưa đạt đến mức rầm rộ, quyết liệt, nhưng đây là những biểu hiện mới, chưa từng có trong lịch sử đấu tranh của nhân dân Hà Quảng từ trước đó.
Giai đoạn 1931 - 1935 thực sự có ý nghĩa là giai đoạn đặt nền móng và tập dượt đầu tiên, tạo đà đưa phong trào cách mạng của Hà Quảng ngày càng sâu rộng hơn, mạnh mẽ hơn trong những năm tháng tiếp sau.
II. MỞ RỘNG CUỘC ĐẤU TRANH VÌ TỰ DO, DÂN CHỦ, CƠM ÁO, HOÀ BÌNH (1936 - 1939)Vào giữa những năm 30, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến chuyển quan trọng. Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, triệt để khai thác những điều kiện thuận lợi do việc Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng. Dưới ánh sáng những chủ trương đúng đắn của Đảng, phong trào cách mạng cả nước đã phát triển mạnh mẽ. Cao Bằng cũng sôi động trong một cao trào vận động dân chủ rộng lớn và phong phú.
Đầu năm 1936, đồng chí Hoàng Đình Giong, Uỷ viên Ban thường vụ Trung ương Đảng từ nước ngoài trở lại Cao Bằng. Tỉnh uỷ Cao Bằng đã họp mở rộng để nghe đồng chí Hoàng Đình Giong phổ biến những chủ trương mới của Đảng và bàn bạc để chắp nối, giữ vững sự liên lạc giữa các cơ sở Đảng, củng cố Đoàn thanh niên, thúc đẩy phong trào đấu tranh của quần chúng các dân tộc trong toàn tỉnh. Đồng chí Quý Quân thay mặt Châu uỷ Hà Quảng đã về dự Hội nghị quan trọng này.
Quán triệt những chủ trương của Tỉnh,Châu uỷ Hà Quảng đã chú trọng củng cố các cơ sở cách mạng của quần chúng vốn có từ trước. Các hội tương tế, hội bóng đá, hội diễn kịch, hội truyền bá quốc ngữ… được duy trì và phát triển mạnh. Tổ chức Thanh niên cộng sản Đoàn được sàng lọc, kiện toàn nhằm tập hợp những nam, nữ thanh niên tích cực, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh của nhân dân.
Đi đôi với việc củng cố tổ chức, Châu uỷ chủ trương phát động quần chúng, tiến hành những cuộc đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp đòi những quyền lợi hàng ngày.
Sau khi lên cầm quyền, Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp đã ban hành những quyết định về thả chính trị phạm, thành lập Uỷ ban điều tra thuộc địa, thi hành một số cải cách xã hội cho lao động. Những quyết định đó được ban hành đã tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cuộc vận động quần chúng đấu tranh của ta.
Thực hiện chủ trương mới của Trung ương Đảng, Đảng bộ Cao Bằng đã vận động quần chúng các dân tộc trong tỉnh tham gia phong trào Đông Dương Đại hội đang diễn ra trong cả nước.
Tháng 8-1936, thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, các đồng chí đảng viên hoạt động ở Phù Ngọc đã vận động đồng bào các dân tộc tổng Phù Đúng kéo về Thị xã phối hợp với nhân dân Hoà An, Nguyên Bình, Thạch An, Quảng Uyên đấu tranh đòi chính quyền thực dân phải công nhận Cao Bằng là đơn vị được cử đại biểu tham gia “Đông Dương Đại hội”, và đưa ra yêu sách các quyền tự do, dân chủ, cải thiện đời sống. Thực dân Pháp đưa lính đến giải tán cuộc biểu tình. Sự kiện này đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của nhân dân toàn tỉnh nói chung và nhân dân Hà Quảng nói riêng.
Cuối năm 1936, đầu năm 1937, thực hiện chủ trương của Châu uỷ, các đồng chí đảng viên Hà Quảng đã vận động đồng bào các dân tộc ở vùng thấp, vùng cao làm đơn kháng nghị và đóng góp tiền gạo để đoàn đại biểu của huyện do đồng chí Quý Quân phụ trách về Hà Nội gặp tên Thống Sứ đòi giảm thuế thân. Sau khi yêu sách của nhân dân các dân tộc Hà Quảng bị tên Thống Sứ bác bỏ, đồng chí Quý Quân đã bắt liên lạc với các cán bộ hoạt động công khai của Đảng trong toà soạn các báo “Tin tức”, “Thế thời”, “Đời nay”… nhằm tranh thủ sự ủng hộ của dư luận rộng rãi. Để có phương tiện hoạt động, đồng chí Quý Quân đã nhận làm đại lý cho hiệu thuốc Hồng Khê (Hà Nội). Khi trở lại Hà Quảng, được sự đồng ý của Châu uỷ, đồng chí Quý Quân đã mở một quầy bán sách báo, thuốc chữa bệnh ở chợ Sóc Giang, lấy đó làm trạm liên lạc của huyện.
Đầu năm 1937, được tin Giuyt-xtanh Gô-đa, phái viên của Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp sang tìm hiểu tình hình Đông Dương sẽ lên Cao Bằng, Tỉnh uỷ chủ trương phát động đảng viên và nhân dân chuẩn bị đón tiếp phái viên này, nhằm biểu dương lực lượng cách mạng, tập hợp ý nguyện của đông đảo đồng bào các dân tộc. Thi hành chỉ thị đó, Huyện uỷ Hà Quảng tích cực vận động quần chúng tham gia theo kế hoạch, đoàn đại biểu Hà Quảng gồm 100 người kéo về tỉnh lỵ phối hợp với đại biểu các huyện khác đưa bản “Dân nguyện” cho Gô-đa. Chính quyền thực dân cho mật thám, binh lính ngăn cản và phao tin Gô-đa không lên. Một số người quay về, số còn lại tiếp tục về Hoà An tham gia cuộc biểu tình “đón Gô-đa” do Tỉnh uỷ tổ chức ở xã Xuân Phách… Chiều ngày 25-02-1937, khi Gô-đa từ mỏ Tĩnh Túc ra Thị xã, gần 2.000 nhân dân các huyện, trong đó có nhân dân Hà Quảng đã chặn ô tô, đưa cho phái viên của Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp bản “Dân nguyện”
[13].Thắng lợi này là kết quả quá trình giáo dục, vận động quần chúng kiên trì của Đảng bộ Cao Bằng, trong đó, có đóng góp tích cực của tổ chức Đảng ở Hà Quảng. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành mau chóng về ý thức giác ngộ cách mạng, trình độ tổ chức và đấu tranh của đồng bào các dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Phát huy những thắng lợi bước đầu đã giành được, Châu uỷ chủ trương đẩy mạnh công tác giáo dục quần chúng và củng cố vững chắc các cơ sở cách mạng. Theo chủ trương của Tỉnh uỷ, Hà Quảng đã quyết định củng cố, mở rộng quầy sách báo do đồng chí Quý Quân tổ chức thành một đại lý sách báo tiến bộ, đặt ở Sóc Giang - đầu mối giao thông quan trọng và đông dân cư. Các tờ báo của Đảng "Tiếng vang", "Tin tức", "Letravail" (Lao động) đã từ đại lý Sóc Giang chuyển đến tay các cán bộ, đảng viên, quần chúng ở địa phương, các báo "Chuông giải phóng","Lao động"của tỉnh Đảng bộ Cao Bằng tuy xuất bản không đều kỳ, nhưng cũng đã được bí mật đến với quần chúng trong huyện. Báo chí của Đảng đã giúp mọi người nắm bắt được các chủ trương, đường lối của Đảng, hiểu được tình hình trong nước và thế giới. Từ đó nâng cao nhận thức chính trị và rèn luyện phương pháp đấu tranh cách mạng. Đại lý sách báo ở Sóc Giang còn là đầu mối liên lạc giữa Châu uỷ Hà Quảng với Tỉnh uỷ Cao Bằng, giữa các cơ sở Đảng trong huyện, giữa tổ chức Đảng với các tổ chức quần chúng.
Lúc này, Thông Nông là một trong những địa bàn có phong trào quần chúng khá mạnh. Triệt để phát huy những yếu tố thuận lợi về mặt cơ sở chính trị và vị trí địa lý, Tỉnh uỷ quyết định xây dựng Thông Nông thành một trong những nơi đứng chân quan trọng của phong trào cách mạng toàn tỉnh, Huyện uỷ Hà Quảng đã phân công những cán bộ ưu tú về Thông Nông để xây dựng một địa bàn mạnh, đáp ứng yêu cầu của tỉnh. Trong một thời gian ngắn, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, của huyện, phong trào cách mạng ở Thông Nông phát triển khá nhanh, từ Lương Can, Háng Tháng, đến Bó Khuy, Bó Gai, đông đảo quần chúng đã tham gia các tổ chức cách mạng ở những mức độ khác nhau. Cơ quan của Tỉnh uỷ Cao Bằng đã hoạt động ở Thông Nông. Cơ quan in báo "Lao động" của Tỉnh uỷ đã chọn núi Phja Toọc, xã Đa Thông là địa điểm ấn hành. Các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ của tỉnh được tổ chức thường xuyên ở Gạm Dầu. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã trực tiếp về Thông Nông hướng dẫn các lớp huấn luyện cán bộ. Đồng bào các dân tộc Thông Nông đã hết lòng đùm bọc, nuôi nấng bảo vệ các cán bộ cách mạng.
Phong trào cách mạng ở Thông Nông lên mạnh trong khi đó công tác bảo mật phòng gian bắt đầu bộc lộ những sơ hở, kẻ thù đã theo dõi và tìm cách đối phó. Tháng 7-1937, giữa lúc lớp huấn luyện cán bộ thứ hai đang tiến hành ở Lương Can, bọn thực dân ở Cao Bằng đã huy động lực lượng binh lính từ ba ngả: Nguyên Bình, Hoà An, Sóc Giang ập đến bao vây. Được sự giúp đỡ của cán bộ, nhân dân địa phương, hầu hết cán bộ của tỉnh, châu đã thoát khỏi vòng vây của giặc, riêng đồng chí Hoàng Sâm bị bắt. Vô cùng tức tối, thực dân Pháp tăng cường khủng bố, ra sức truy lùng cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng. Phong trào cách mạng ở Thông Nông gặp khó khăn lớn.
Trước tình hình đó, để phân tán sự chú ý của địch, giữ vững và đẩy mạnh khí thế của quần chúng, Châu uỷ Hà Quảng chủ trương phát động phong trào đấu tranh ở những vùng địch chưa khủng bố và tiến hành công tác vận động, phân hoá hàng ngũ lính dõng.
Cuối tháng 7-1937, đồng bào ở Phù Ngọc, Đào Ngạn bị chính quyền thực dân bắt đi phu, thực hiện chủ trương của Châu uỷ, các đồng chí đảng viên đã vận động quần chúng chia thành nhiều tốp kéo xuống Hoà An đấu tranh. Thực dân Pháp cho lính chặn ở Nặm Thoong (Hoà An). Đoàn người chống phu quay về Nà Giàng, đòi tên Chánh tổng phải trả tiền công. Yêu sách không được thoả mãn, quần chúng bỏ về nhà không đi phu nữa. Cuộc đấu tranh này đã duy trì và cổ vũ tinh thần cách mạng của nhân dân toàn huyện.
Song song với việc tổ chức, phát động quần chúng, Châu uỷ chủ trương tiến hành công tác binh vận nhằm làm suy yếu ngay trong đội ngũ kẻ thù. Thông qua gia đình, bạn bè của những thanh niên bị bắt đi lính và thông qua những người lính đã được giác ngộ, các đồng chí đảng viên đã vận động hơn 200 lính dõng, đấu tranh đòi chính quyền thực dân phải cải thiện điều kiện sinh hoạt cho binh lính, đòi cấp phát nón, quần áo, xà cạp và tiền phụ cấp những ngày đi tuần tra, canh gác. Kẻ địch phải nhượng bộ. Qua cuộc đấu tranh này, ảnh hưởng của cách mạng đã lan rộng trong hàng ngũ lính dõng. Một số lính dõng từ chỗ có cảm tình với cách mạng đã trở thành cơ sở của cách mạng. Đây là một nét mới và cũng là một thắng lợi đáng kể của phong trào Hà Quảng.
Mùa thu năm 1937, trước những yêu cầu mới của tình hình, Châu uỷ đã họp ở Lũng Rường để bàn các biện pháp đưa phong trào tiến lên. Hội nghị đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng cơ sở cách mạng ở vùng cao Lục Khu - một địa bàn nằm sát kề biên giới Việt Nam - Trung Quốc, có vị trí chiến lược rất quan trọng. Lúc này, việc xây dựng chỗ đứng chân của cách mạng ở Lục Khu là một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Không chỉ đối với phong trào Hà Quảng, mà còn đối với phong trào toàn tỉnh. Đứng vững ở Lục Khu, bên ngoài có thể tăng cường mối quan hệ tương hỗ với phong trào cách mạng của những người cộng sản chân chính và nhân dân lao động Trung Quốc, bên trong có thể tạo ra một địa bàn vững chắc để xây dựng, bảo toàn lực lượng cách mạng, tránh những đòn tiến công ác liệt của kẻ thù. Xây dựng và phát triển cơ sở ở Lục Khu còn nhằm tạo ra sự phối hợp chặt chẽ giữa phong trào vùng cao và vùng thấp trong thế liên hoàn của toàn huyện.
Được sự nhất trí của Xứ uỷ Bắc Kỳ và Tỉnh uỷ Cao Bằng, Châu uỷ đã cử 3 đồng chí cán bộ chủ chốt: Hoàng Tô, Hoàng Sâm, Lê Quảng Ba lên vùng biên ải Lục Khu chắp nối, gây dựng cơ sở cách mạng.
Lúc này ở 6 xã vùng Lục Khu đang là địa bàn hoành hành của lũ phỉ Vi Cao Chấn dạt từ Trung Quốc sang. Được sự tiếp tay và che chở của bọn Quốc dân Đảng Trung Quốc, bọn phỉ mặc sức cướp phá, chém giết, làm cho đồng bào hai bên biên giới vô cùng điêu đứng. Nắm chắc tình hình, các cán bộ Hà Quảng cùng với một số cán bộ của tỉnh ra sức hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng. Được sự phân công của Châu uỷ, đồng chí Lê Quảng Ba đã đi đến từng làng bản, vận động đồng bào địa phương tham gia các "Hội phòng phỉ" để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình, từ đó tuyên truyền, giác ngộ những quần chúng tích cực thành lập "Hội đánh Tây". Mặt khác, đồng chí kiên trì, khôn khéo, dũng cảm đấu tranh với bọn phỉ để phân hoá, ngăn chặn các hành động phá hoại của chúng và tranh thủ tập hợp lực lượng cách mạng. Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ở địa bàn quan trọng này, năm 1938, Châu uỷ đã quyết định thành lập Chi bộ Đảng ở vùng Biên - Khu (Biên giới - Lục Khu) gồm những cán bộ chủ chốt của Hà Quảng.
Hoạt động tích cực với tinh thần xả thân vì cách mạng của các đồng chí cán bộ Hà Quảng đã góp phần quan trọng thức tỉnh tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh của đồng bào hai vùng ven biên giới. Trong một thời gian ngắn, quần chúng ở Kéo Quyển, Áng Bó, Lũng San, Thiêng Hoài, Nặm Rằng (Lục Khu) đã tình nguyện tham gia các hội "phòng phỉ".
Để mở rộng hơn nữa chỗ đứng chân của cách mạng ở vùng địa đầu, theo chủ trương của Tỉnh uỷ, Hà Quảng đã bổ sung thêm người và phối hợp với cán bộ của tỉnh, mở đường phát triển theo hai hướng: hướng Tổng Cọt, Trà Lĩnh và hướng Pác Bó. Cũng trong thời gian này, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã cử đồng chí Kim Đao lên Lục Khu vận động đồng bào Mông tham gia cách mạng. Trên cơ sở tiếp thu và mở rộng các hội "phòng phỉ", hội "đánh Tây" đã được xây dựng, đồng chí Kim Đao đã lên vận động đồng bào Mông ở Lục Khu tham gia cuộc đấu tranh chung của đồng bào Mông trong toàn tỉnh đòi quyền lợi của dân tộc mình. Hưởng ứng tinh thần đó, đồng bào Mông ở Lục Khu đã cùng đồng bào Mông, Dao ở Nguyên Bình, Hoà An quyên góp tiền để đồng chí Kim Đao về Hà Nội đấu tranh đòi chính quyền thực dân phải giảm thuế.
Giữa năm 1938, hơn 60 gia đình dọc biên giới và Lục Khu đã trở thành cơ sở cách mạng, nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ. Đường dây cách mạng đã vươn tới Pác Bó, nối sang Nà Sác. Các cơ sở cách mạng đã được xây dựng trước đây ở Nà Sác, đến lúc này càng được củng cố và mở rộng. Hội "phòng phỉ" được thành lập khắp các xóm. Phong trào quần chúng lên cao. Bọn thổ phỉ phải chùn tay. Nà Sác trở thành một địa điểm tương đối an toàn.
Đầu năm 1939, suốt một dải biên cương, từ Sóc Giang đến Pác Bó, Kéo Yên, các cơ sở cách mạng đã được xây dựng, củng cố, trở thành một địa bàn đứng chân vững chắc của cách mạng toàn huyện nói riêng, toàn tỉnh nói chung.
Với sự hình thành vành đai cách mạng dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, phong trào Hà Quảng đã phát triển đều cả bề rộng lẫn chiều sâu. Hà Quảng đã có những điều kiện cần thiết để tiến tới cùng đồng bào toàn tỉnh, đồng bào cả nước đẩy mạnh cao trào giải phóng dân tộc trong những năm 1939 - 1945.
Giai đoạn 1936 - 1939 là thời gian Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng đã tiến một bước quan trọng về chất trên con đường đấu tranh cách mạng. Vận dụng linh hoạt các chủ trương của Trung ương Đảng và Tỉnh uỷ, Đảng bộ đã vận động, tổ chức quần chúng tiến hành đồng thời các cuộc đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và bất hợp pháp, kết hợp những khẩu hiệu đòi quyền tự do dân chủ và những quyền lợi thiết thực hàng ngày, kết hợp việc củng cố, phát triển lực lượng cách mạng với việc tiến hành công tác binh vận để phân hoá lực lượng tay sai của địch.
Thành công nổi bật của Đảng bộ Hà Quảng trong giai đoạn này là đã không ngừng mở rộng và kiện toàn từng bước hệ thống các cơ sở cách mạng đều khắp trong phạm vi toàn huyện. Tuỳ điều kiện cụ thể của từng nơi, Đảng bộ đã đưa ra những hình thức tổ chức phù hợp: Hội tương tế, hội phản đế ở vùng thấp, hội phòng phỉ, hội đánh Tây ở vùng cao, nhằm tập hợp đông đảo lực lượng đồng bào các dân tộc. Trong thực tiễn xây dựng các cơ sở cách mạng, Đảng bộ Hà Quảng phải giải quyết mối quan hệ giữa phong trào địa phương với phong trào toàn tỉnh, và mối quan hệ quốc tế ở một vùng địa đầu biên giới. Nhờ vậy, Đảng bộ vừa phát huy được nỗ lực chủ quan của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong huyện, vừa tranh thủ được sự giúp đỡ, chỉ đạo của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ. Đây chính là nét độc đáo và cũng là thắng lợi quan trọng của Đảng bộ Hà Quảng ra đời và hoạt động ở một địa bàn chiến lược quan trọng của tỉnh và của cả nước.
Chính trong quá trình chỉ đạo thực tiễn phong phú đó, tổ chức Đảng ở Hà Quảng đã trưởng thành về số lượng và chất lượng. Từ chỗ mới xây dựng được cơ sở Đảng ở vùng thấp, Đảng bộ đã tiến tới xây dựng được chi bộ ở vùng cao, từ chỗ tập trung lãnh đạo các phong trào đấu tranh bất hợp pháp, Đảng bộ đã mở rộng phạm vi lãnh đạo đối với các phong trào hợp pháp, nửa hợp pháp giành thắng lợi.
Những thành quả mà cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc Hà Quảng bằng sự nỗ lực phi thường, đã giành được trong giai đoạn lịch sử 1936 - 1939 đã tạo ra những tiền đề vững chắc để Hà Quảng vươn lên, đảm đương sứ mệnh quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng chung của toàn dân tộc trong thời kỳ mới.
III. TÍCH CỰC GÓP PHẦN XÂY DỰNG CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG, CHUẨN BỊ LỰC LƯỢNG, TIẾN TỚI KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1939 - 1945)Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Đế quốc Pháp đã tham chiến. Chiến tranh đã ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình Việt Nam. Thực dân Pháp đã ban hành những chính sách phản động nhằm vơ vét sức người, của cải và tiền bạc của nhân dân ta phục vụ chiến tranh đế quốc. Chúng thẳng tay đàn áp, thủ tiêu các thành quả mà nhân dân ta đã giành được trong cao trào vận động dân chủ 1936 - 1939. Chúng điên cuồng khủng bố hòng tiêu diệt Đảng Cộng sản và dập tắt các phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Ở khu vực Hà Quảng, thực dân Pháp đã tăng cường thêm lực lượng cho các đồn binh ở Sóc Giang, Nặm Nhũng, Mỏ Sắt. Chính sách thuế khoá, bắt phu, bắt lính được thực hiện ráo tiết. Mục tiêu hàng đầu của thực dân, phong kiến lúc này là đè bẹp phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc. Lực lượng lính khố đỏ, lính dõng được huy động tiến hành các cuộc vây quét, săn lùng cán bộ. Sự khủng bố điên cuồng của kẻ thù đã gây cho phong trào cách mạng nhiều khó khăn lớn: một số đảng viên, quần chúng bị bắt, liên lạc giữa huyện với tỉnh, giữa các cơ sở trong huyện bị giãn đoạn… Hà Quảng đứng trước một thử thách nghiêm trọng.
Trong hoàn cảnh gay go đó, cán bộ, đảng viên của huyện Hà Quảng đã rút vào hoạt động bí mật, kiên trì dựa vào dân để củng cố các cơ sở cách mạng, nhất là các cơ sở vùng cao Lục Khu.
Trước những biến động quan trọng của tình hình, tháng 02-1940, Châu uỷ đã họp phiên mở rộng tại nhà cụ Xuất Cát (ở Cốc Sâu) để bàn những phương hướng, biện pháp hoạt động trong giai đoạn mới. Nhận thức sâu sắc vị trí quan trọng của Hà Quảng đối với phong trào cách mạng Cao Bằng, đồng chí Nam Cao - Bí thư Tỉnh uỷ đã về dự và đóng góp những ý kiến chỉ đạo. Hội nghị đã phân tích rõ âm mưu, thủ đoạn khủng bố của địch; bàn lại các biện pháp củng cố các tổ chức quần chúng, giữ vững đường dây liên lạc giữa Hà Quảng với Hoà An và Tỉnh uỷ. Hội nghị chủ trương đưa một số cán bộ, đảng viên, quần chúng tích cực ở lứa tuổi thanh niên vào lính khố đỏ để tuyên truyền phản chiến và phân hoá lực lượng vũ trang của địch. Cũng tại Hội nghị này, quán triệt tinh thần của Tỉnh uỷ, Châu uỷ Hà Quảng đã khẳng định quyết tâm tiếp tục xây dựng vùng biên giới thành nơi đứng chân vững chắc của cách mạng Cao Bằng.
Giữa lúc Nghị quyết của Hội nghị Cốc Sâu đang được triển khai, thì phong trào cách mạng Hà Quảng bị tổn thất lớn. Do hoạt động ráo riết của bọn mật thám, nhất là do khai báo của một số phần tử phản bội, thực dân Pháp đã liên tiếp vây bắt các đảng viên và quần chúng cách mạng. Đầu tiên, đồng chí Quý Quân bị địch bắt, sau đó bố con cụ Xuất Cát và các đồng chí Hồng Tiến, Hồng Hải sa vào tay địch. Không đủ chứng cớ buộc tội, địch phải thả bố con cụ Xuất Cát. Các đồng chí Quý Quân, Hồng Tiến, Hồng Hải bị địch đầy lên nhà ngục Sơn La. Tiếp đó, thực dân Pháp lại mở cuộc vây quét, bắt giam các đồng chí Quang Trung, Xuân Trường, Ái Nam, Phạm Quý, Nam Tuấn, lực lượng đảng viên bị hao hụt, một số cơ sở quần chúng bị vỡ, đường dây liên lạc với Tỉnh uỷ và Châu uỷ Hoà An bị giãn đoạn.
Những đồng chí đảng viên chưa bị địch phát hiện tiếp tục bám cơ sở ở vùng thấp. Một số đồng chí bị lộ rút lên hoạt động ở vùng Lục Khu. Trong lúc cách mạng đang gặp khó khăn, bọn phỉ vùng biên khu lại nổi lên hoành hành chống phá. Những ngày đen tối, cán bộ Hà Quảng đã kiên cường đối phó với muôn vàn khó khăn, vừa đấu tranh chống phỉ, vừa củng cố các cơ sở cách mạng.
Từ cuối năm 1940, sau khi phát xít Nhật vào Đông Dương, tình hình càng trở nên khó khăn. Nhật - Pháp cấu kết với nhau ra sức đè nén, bòn rút xương máu của nhân dân ta. Ở Hà Quảng, các thế lực phản động thừa cơ chống phá cách mạng. Các cơ sở quần chúng bị kiềm toả gắt gao không thể hoạt động được. Trước thực tế hiểm nghèo đó, để bảo toàn lực lượng và tìm cách bắt liên lạc với bộ phận lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài. Châu uỷ đã quyết định đưa 13 đồng chí đảng viên cốt cán và quần chúng trung kiên đang bị địch truy lùng sang hoạt động ở vùng đất Trung Quốc giáp biên vốn là vùng có cơ sở của ta từ trước. Số còn lại tiếp tục bám đất, bám dân, củng cố cơ sở trong huyện. Nắm được chủ trương của Hà Quảng, Châu uỷ Hoà An cũng quyết định đưa 27 cán bộ sang Trung Quốc hoạt động.
Tháng 11 và 12-1940, 40 cán bộ, đảng viên Hà Quảng, Hoà An vượt biên giới sang Trung Quốc, sau đó rời đến vùng phụ cận Tĩnh Tây. Lúc này, Tĩnh Tây đang là nơi tụ họp các thế lực Việt gian thân Quốc dân Đảng: Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần…, là nơi tướng Trương Phát Khuê - Tư lệnh Đệ tứ chiến khu của Tưởng Giới Thạch đang ráo riết chuẩn bị "Hoa quân nhập Việt". Được tin có số cán bộ từ Cao Bằng sang, bọn Trương Bội Công, Nguyễn Hải Thần và lũ Việt gian lưu vong đã tìm cách tranh thủ, lôi kéo các đồng chí đó làm đạo quân tiên phong thực hiện chủ trương của chúng.
Nhận rõ bộ mặt phản quốc của bọn Việt gian, một mặt, các cán bộ Hà Quảng, Hoà An kiên quyết giữ vững lập trường cách mạng và phẩm chất cộng sản, bí mật và khôn khéo lợi dụng thế lực của chúng để tránh bị khủng bố, bảo toàn lực lượng và có điều kiện bắt liên lạc với tổ chức hải ngoại của Đảng.
Đúng vào lúc đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và một số cán bộ của Đảng đang hoạt động ở Trung Quốc đã quyết định về nước để trực tiếp lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc. Được tin ở Tĩnh Tây đang có 40 cán bộ, đảng viên Cao Bằng hoạt động, Người đã cử đồng chí Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lĩnh về bắt liên lạc.
Đầu tháng 12-1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về đến Tĩnh Tây. Tại đây, Người đã gặp đồng chí Hoàng Văn Thụ và mau chóng bắt liên lạc với 40 đồng chí cán bộ Cao Bằng. Sau khi nghe báo cáo tỉ mỉ tình hình cách mạng trong nước, đặc biệt là phong trào ở Cao Bằng, và địa thế của Cao Bằng, với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Người đã phát hiện Cao Bằng là nơi hội tụ đủ cả "Thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để xây dựng căn cứ địa cách mạng của cả nước.
Trước hết Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, có đường biên giới với Trung Quốc dài hơn 332 km, vừa có đường bộ, đường thuỷ sang Trung Quốc nên thuận lợi cho giao thông liên lạc. Cao Bằng còn có các tuyến đường bộ đi xuống Lạng Sơn, Thái Nguyên… địa thế Cao Bằng hiểm trở, ở các vùng cao, vùng sâu vùng xa là địa bàn bọn thực dân khó kiểm soát. Từ Cao Bằng khi lực lượng cách mạng phát triển, cơ sở Việt Minh mở rộng có thể nhanh chóng “Đông tiến” xuống Lạng Sơn, “Nam tiến” xuống Thái Nguyên và “Tây tiến” sang Hà Giang, Tuyên Quang cũng như các tỉnh vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ. Về mặt địa thế, địa hình, kinh tế, quân sự, Cao Bằng có đủ điều kiện trở thành một trong những bàn đạp chiến lược đầu tiên của thời kỳ khởi nghĩa vũ trang giải phóng dân tộc. Nhưng yếu tố quan trọng góp phần đi đến quyết định lựa chọn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là "Cao Bằng có phong trào tốt từ trước”, là nơi sinh sống của hàng chục vạn đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Mông, Kinh, Hoa… từ xưa đến nay, các dân tộc luôn đoàn kết gắn bó với nhau, đã từng cùng đồng bào cả nước anh dũng đấu tranh trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Từ ngày có Đảng, đồng bào các dân tộc một lòng theo Đảng, không ngừng đấu tranh chống thực dân, phong kiến; tiêu biểu là người con ưu tú của dân tộc Tày - anh hùng liệt sĩ Hoàng Đình Giong - người cộng sản kiên trung, người học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hăng hái tham gia hoạt động cách mạng cho nên phong trào cách mạng càng phát triển mạnh. Chính vì vậy mà Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra đời ngày 03-02-1930 thì ngày 01-4-1930, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Cao Bằng và cũng là chi bộ đầu tiên ở vùng Việt Bắc được thành lập. Được sự lãnh đạo của chi bộ đầu tiên, tiếp đó tại Cao Bằng lần lượt nhiều chi bộ ở Phúc Tăng, Xuân Phách (Hoà An), Tĩnh Túc (Nguyên Bình), Sóc Giang (Hà Quảng), Tung Cao (Thạch An) và chi bộ Cốc Coóc (Quảng Uyên) còn giữ mối liên lạc từ Cao Bằng sang Long Châu (Trung Quốc) nơi có chi bộ hải ngoại của Đảng ta. Với những hoạt động tích cực đó, năm 1933, Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương công nhận Ban chấp hành Tỉnh uỷ Cao Bằng do đồng chí Hoàng Như làm bí thư. Sau đó là các Châu uỷ được thành lập ở Hoà An (1933), Hà Quảng (1935). Nhiều tổ chức như “Cộng sản đoàn”, “Công hội đỏ", “Nông hội đỏ”, “Hội bản”, “Hội làng"… được thành lập ở nhiều địa phương. Vì thế, Cao Bằng không những có điều kiện thuận lợi cho việc duy trì, phát triển, phong trào cách mạng mà còn có “hàng rào quần chúng bảo vệ” vững chắc.
Trong những năm 1938 - 1939, Tỉnh uỷ Cao Bằng đã chỉ đạo xây dựng căn cứ cách mạng ở vùng Lục Khu - Pác Bó (Hà Quảng) gồm 6 xã sát biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tuyên truyền vận động đồng bào tham gia “Hội đánh Tây”, “Hội phòng phỉ”… được quần chúng nhân dân ủng hộ, nên đã xây dựng được cơ sở cách mạng vững chắc. Căn cứ Lục Khu - Pác Bó vừa tiếp giáp với biên giới, nhân dân giác ngộ, vì vậy có thể coi đó là địa bàn hoạt động trọng yếu của Châu uỷ Hà Quảng, Tỉnh uỷ Cao Bằng cũng như đảm bảo những điều kiện thuận lợi cho việc đứng chân của lãnh tụ Nguyễn Ái quốc. Người nhận định: “Căn cứ địa Cao Bằng sẽ mở ra triển vọng lớn cho cách mạng nước ta. Cao Bằng có phong trào tốt từ trước lại kề sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang lúc thuận lợi có thể tiến công, lúc khó khăn có thể giữ”
[14].
Từ sự phân tích toàn diện những yếu tố chính trị, xã hội, địa lý của Cao Bằng và xác định vị trí chiến lược của nó đối với cách mạng cả nước trong hoàn cảnh lịch sử mới, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định chọn Cao Bằng làm căn cứ địa cách mạng và chủ trương đưa 40 cán bộ Hà Quảng, Hoà An trở về làm nòng cốt cho phong trào địa phương.
Cuối tháng 12-1940, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc rời Tĩnh Tây về nước. Tháng 01-1941, Người tới xóm Nặm Quang (Trung Quốc) sát biên giới, nơi địa thế hiểm trở, quần chúng đã được giác ngộ, tổ chức từ giai đoạn trước. Để chuẩn bị triển khai kịp thời kế hoạch cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định dừng chân ở Nặm Quang, Ngàm Tảy một tuần lễ và mở một lớp huấn luyện cấp tốc cho 40 cán bộ, đảng viên Cao Bằng. Thông qua những bài giảng súc tích, sinh động, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng đã bồi dưỡng cho các cán bộ Hà Quảng, Hoà An nắm được tình hình và nhiệm vụ cách mạng Việt Nam, phương pháp xây dựng và lãnh đạo các đoàn thể cứu quốc, phương hướng hoạt động trong tình hình mới…
Đây là lần đầu tiên những cán bộ Hà Quảng được tiếp xúc với những cán bộ tối cao của Đảng, của dân tộc; lần đầu tiên được giảng giải một cách đầy đủ, hệ thống, sâu sắc những vấn đề cốt tử trong đời sống cách mạng. Như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới, khi lớp học kết thúc, những cán bộ Hà Quảng, Hoà An khẩn trương, hăng hái trở về quê hương với quyết tâm đem ánh sáng tư tưởng của lãnh tụ, thức tỉnh và cổ vũ nhân dân đứng dậy đánh Pháp đuổi Nhật.
Ngày 28-01-1941, sau 30 năm bôn ba khắp chân trời góc biển tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua mốc108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về đếnPác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng.Đồng bào Pác Bó vinh dự, tự hào thay mặt nhân dân cả nước đón Bác trở về Tổ quốc. Tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tận mắt chứng kiến cảnh cơ cực của đồng bào biên giới, thấu hiểu phẩm chất cao đẹp, tinh thần cách mạng kiên cường lòng trung thành vô hạn với Đảng của quần chúng vùng địa đầu, quan sát địa thế hiểm trở, kín đáo, thuận lợi của vùng rừng núi biên khu… Người quyết định ở lại Pác Bó hoạt động. Từ đấy, vùng quê Pác Bó với hang Cốc Bó - nơi hội tụ các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hoà" đã trở thành đại bản doanh của cách mạng, nơi lãnh tụ tối cao đã cùng Trung ương Đảng đêm ngày chỉ đạo cao trào cứu nước của toàn dân tộc, cũng bắt đầu từ đấy, phong trào cách mạng Hà Quảng mang một tầm vóc mới, phát triển đến một quy mô và chất lượng cao, với sự dẫn dắt trực tiếp, ân tình của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, của Trung ương Đảng.
Trong những ngày ở Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đem hết tài năng, trí tuệ cùng Trung ương Đảng hoạch định, hoàn thiện chủ trương chuyển hướng, chỉ đạo chiến lược cách mạng trong điều kiện đời sống sinh hoạt rất kham khổ.
“Sáng ra bờ suối tối vào hang
Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gắn bó sâu nặng với mảnh đất, con người Pác Bó. Sau 30 năm đi nhiều nước, tiếp xúc với nhiều người, khi trở về, Người giản dị trong bộ quần áo chàm giống như một ông già người Nùng. "Từ trang phục đến lời nói, việc làm, lúc thổi cơm, ngồi câu cá, khi tắm suối ngủ rừng...Bác hoà hợp với tất cả mọi người. Không thấy một nét gì khác lạ, cách biệt, ở một người vốn là đại diện Quốc tế Cộng sản đã từng dự đại hội Tua, từng tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng trên thế giới"
[15].
Đến Cao Bằng, sở dĩ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hoà nhập ngay với phong trào quần chúng, trước hết là nhờ tư tưởng cứu nước, cứu dân của Người, tư tưởng đó không chỉ thấm nhuần trong Nghị quyết của Đảng mà đã đi sâu vào lòng dân và trở thành vũ khí kỳ diệu. Người đã sống với nhân dân, cùng "cháo bẹ, rau măng", chia sẻ với người dân mọi khó khăn gian khổ, vui buồn. Khởi nguồn từ Cao Bằng và cả những chặng đường lịch sử sau này cho đến phút cuối cùng. Gần gũi với nhân dân, sống có tâm, có đức với dân là nét đặc trưng điển hình của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tình cảm cách mạng trong con người lãnh tụ không chỉ thể hiện trong những năm tháng hoạt động ở Cao Bằng... mà suốt cả cuộc đời của Người. Đó là một điểm nổi bật trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh đã làm cho Người trở thành một con người có sức tập hợp và thuyết phục lớn.
Cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Pác Bó đã khơi nguồn cảm xúc để Người viết nên những vần thơ sáng ngời tinh thần lạc quan cách mạng.
"Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê-nin, kia núi Mác
Hai tay gây dựng một sơn hà".
Người đã giành sự quan tâm đặc biệt của mình đến việc hướng dẫn chỉ đạo phong trào cách mạng Hà Quảng.
Vấn đề hàng đầu mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chú trọng là tổ chức xây dựng thí điểm các hội cứu quốc - tế bào của Mặt trận Việt Minh, đào tạo cán bộ và củng cố phát triển các cơ sở Đảng ở địa phương, coi đó là những tiền đề quan trọng để xây dựng Hà Quảng thành bộ phận trọng yếu của căn cứ địa Cao Bằng.
Theo hướng dẫn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, các cán bộ Hà Quảng đã được huấn luyện ở Nặm Quang phân công nhau đi xây dựng phong trào Việt Minh, theo ba hướng. Hướng thứ nhất do đồng chí Lê Quảng Ba phụ trách, chịu trách nhiệm tổ chức các hội cứu quốc từ Pác Bó lên Lục Khu. Đồng chí Đức Thanh phụ trách hướng thứ hai ở Phù Đúng. Hướng thứ ba do đồng chí Hoàng Tô, Tư Bào đảm nhiệm phát triển cơ sở Việt Minh từ Hà Quảng sang Thông Nông. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tiếp tục mở nhiều lớp huấn luyện cán bộ để bổ sung kịp thời cho công tác thí điểm Việt Minh. Vinh dự được ở gần lãnh tụ, chị Nông Thị Trưng đã được Người giáo dục và kết nạp vào Đảng. Lãnh tụ thường ân cần căn dặn cán bộ, đảng viên: Là người cách mạng phải suốt đời tranh đấu về quyền lợi của dân tộc, tôn trong dân, phải biết cách giáo dục, vận động để dân mến, dân tin, dân theo… Cuộc sống mẫu mực, tình cảm đằm thắm, rộng lớn và những lời dạy bảo sâu sắc của lãnh tụ đã làm cho những cán bộ, đảng viên được tiếp xúc với Người vô cùng xúc động, mở ra cho mọi người một chân trời cách mạng mới. Các đồng chí phấn khởi toả về các làng bản tích cực vận động quần chúng tham gia Việt Minh.
Đồng bào các dân tộc Cao Bằng đã được giác ngộ cách mạng từ rất sớm và được rèn luyện qua thực tiễn đấu tranh lâu dài nên khi tiếp xúc với chương trình, Điều lệ Việt Minh, mọi người đã tìm thấy ở đó một phương hướng mới, những biện pháp mới đáp ứng đúng nguyện vọng tha thiết và quyền lợi chính đáng của mình, do đó mau chóng tin theo. Chỉ trong vòng ba tháng, ở các xã Nà Sác, Trường Hà, Kéo Yên, Hoà Mục, Phù Ngọc, Phù Tang, Đào Ngạn, Sóc Hà, Đa Thông, Yên Lũng đã xuất hiện các tổ chức: Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Phụ lão cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc. Những Hội cứu quốc đó đã trở thành trung tâm đoàn kết các dân tộc Hà Quảng hướng vào mục tiêu chung: đánh đuổi Pháp, Nhật giành độc lập dân tộc.
Cuối tháng 4-1941, khi phong trào thí điểm Việt Minh đã được triển khai rộng và có kết quảhiện thực ở ba châu Hà Quảng, Hoà An, Nguyên Bình, các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Vũ Anh đã triệu tập Hội nghị rút kinh nghiệm ở Goỏc Mu (Hà Quảng) để chuẩn bị mở rộng phong trào ra toàn quốc. Hội nghị đã khẳng định thắng lợi và ý nghĩa quan trọng của công tác xây dựng thí điểm Mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng, nhấn mạnh sự cần thiết và có thể đẩy nhanh quá trình xây dựng Việt Minh trên địa bàn cả nước.
Đối với Hà Quảng, sự ra đời của các Hội cứu quốc là một nhân tố mới, đánh dấu bước phát triển về chất của các tổ chức quần chúng, đặt cơ sở để phong trào cách mạng của đồng bào các dân tộc trong huyện tiến lên một cách toàn diện.
Từ ngày 10 đến 19-5-1941, trước nhu cầu cấp bách của phong trào cách mạng cả nước,Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ VIII ở Khuổi Nặm, Pác Bó, Hà Quảng dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong một túp lều nhỏ nơi miền đất địa đầu của Tổ quốc, Hội nghị lịch sử của Trung ương Đảng đã hoàn thiện chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam, quyết định những vấn đề cốt tử liên quan đến sự tồn vong của dân tộc. Căn cứ vào kết quả xây dựng thí điểm các Hội cứu quốc ở Hà Quảng, Hoà An, Nguyên Bình, theo sáng kiến của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương Đảng đã quyết định chính thức thành lập mặt trận "Việt Nam độc lập đồng minh" (gọi tắt là Việt Minh); quyết định xây dựng Bắc Sơn - Vũ Nhai và Cao Bằng thành hai trung tâm căn cứ địa cách mạng chỗ đứng chân quan trọng của công cuộc chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa ở Việt Bắc và cả nước.Hội nghị cũng đã bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII có ý nghĩa quyết định đối với bước phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Quảng được vinh dự thay mặt đồng bào cả nước góp công, góp sức chăm lo và bảo vệ Hội nghị. Hà Quảng cũng vinh dự là mảnh đất đầu tiên được đón nhận ánh sáng của Hội nghị lịch sử này và thể nghiệm những chủ trương quan trọng vào thực tiễn cách mạng.
Để có thể thực hiện thắng lợi những tư tưởng lớn của Hội nghị Trung ương lần thứ VIII và xây dựng Cao Bằng thành một căn cứ địa vững chắc cho cách mạng cả nước, vấn đề then chốt là phải nâng cao chất lượng đảng viên, củng cố tổ chức Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức mạnh chiến đấu của đội tiên phong cách mạng. Theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã triển khai kế hoạch chấn chỉnh Đảng ở địa phương. Đồng chí Lê Quảng Ba được phân công chỉ đạo quá trình củng cố tổ chức của Đảng bộ Hà Quảng.
Trên cơ sở học tập Điều lệ của Đảng, quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương lần thứ VIII về tình hình, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện tại, Đảng bộ Hà Quảng đã tiến hành sàng lọc đội ngũ một cách nghiêm ngặt. Còn lại trong Đảng những cán bộ trải qua những năm tháng thử thách ác liệt, đã thể hiện rõ lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, dám xả thân vì cách mạng và gìn giữ phẩm chất của người cộng sản. Qua đợt chấn chỉnh tổ chức, chất lượng và sức mạnh của Đảng bộ Hà Quảng được nâng lên một cách rõ rệt.
Tháng 6-1941, các đồng chí đảng viên Hà Quảng đã tổ chức Đại hộiĐảng bộ lần thứ I ở Mã Lịp (Nà Sác). Đại hội bàn bạc các biện pháp lãnh đạo phong trào cách mạng toàn huyện theo chủ trương, phương hướng Nghị quyết Trung ương lần thứ VIII và bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ châukhoá I gồm 5 đồng chí: Lê Quảng Ba, Hoàng Tô, Hoàng Sâm, Thuỵ Hùng, Đức Thanh. Đồng chí Lê Quảng Ba được bầu làm Bí thư Đảng bộ. Hà Quảng có một ban tham mưu mới đủ năng lực đưa phong trào cách mạng toàn huyện tiến lên mạnh mẽ.
Sau Đại hội Đảng bộ, các đảng viên trở về các địa phương, tập trung đẩy mạnh quá trình xây dựng Mặt trận Việt Minh. Từ những nơi thí điểm ban đầu, các Hội cứu quốc đã dần dần mở rộng khắp châu. Ở các làng bản, đồng bào các dân tộc sau khi được tuyên truyền đã gia nhập các tiểu tổ cứu quốc phù hợp với lứa tuổi, ngành giới. Nơi nào đã có 2 - 3 tiểu tổ cứu quốc thì bầu ra Ban chấp hành từng giới, có 2 - 3 Ban chấp hành thì cử ra Ban Việt Minh xã… Các tổ chức Việt Minh mở rộng dần theo kiểu dây chuyền. Đến cuối năm 1941, hầu hết các xã Sóc Giang, Đào Ngạn, Nà Sác, Xuân Hoà, Vần Dính, Phù Ngọc, Trường Hà… đã có Ban Việt Minh.
Để giúp cho công tác tuyên truyền, vận động Việt Minh thêm thuận lợi, ngoài việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ địa phương, những ngày tháng ở hang Cốc Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo "Việt Nam độc lập", số đầu tiên ra ngày 01-8-1941, và cứ 10 ngày ra 1 số, mỗi số 400 tờ. Người còn biên soạn một số tác phẩm như: "Con đường giải phóng", "Lịch sử nước ta", "Địa dư Cao Bằng", "Cách đánh du kích"... Trong số đầu tiên của tờ báo "Việt Nam độc lập" ngày 01-8-1941, in tại Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết:
"Báo "Độc lập" hợp thời đệ nhất
Làm cho ta mở mắt mở tai,
Cho ta biết đó biết đây,
Ở trong việc nước, ở ngoài thế gian,
Cho ta biết kết đoàn tổ chức,
Cho ta hay sức lực của ta,
Cho ta biết chuyện gần xa,
Cho ta biết non nước ta là gì …”
Cán bộ, đảng viên, nhân dân Hà Quảng là những người đầu tiên được đón nhận những tác phẩm của lãnh tụ. Những bài viết chứa đựng những tư tưởng lớn, những nội dung phong phú với phong cách diễn đạt giản dị, bình dân đã thấm vào tâm hồn nhân dân các dân tộc Hà Quảng. Đảng bộ đã phát động cán bộ, đảng viên quần chúng học tập các tác phẩm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, lấy đó làm kim chỉ nam cho tư tưởng, tình cảm và hành động cách mạng của mình, đồng thời ra sức đóng góp sức người, sức của để tờ báo "Việt Nam độclập" được phát hành liên tục.
Phong trào Việt Minh sôi động khắp núi rừng Hà Quảng, khí thế cách mạng dâng cao. Trên cơ sở sự phát triển của các tổ chức Việt Minh, thực hiện chủ trương của đồng chí Nguyễn Ái Quốc,khi về nước, tại Pác Bó, Người chỉ đạo xây dựng xây dựng căn cứ địa Cao Bằng, với tư tưởng chỉ đạo: "Muốn có một đội quân vũ trang mạnh trước hết phải có một đội quân tuyên truyền mạnh, đội quân chính trị vững"
[16] cùng với việc ra sức xây dựng thí điểm Mặt trận Việt Minh ở 3 châu: Hà Quảng, Hoà An, Nguyên Bình; lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề ra nhiệm vụ gấp rút chuẩn bị các đội tự vệ. Người chỉ thị: "Ở đâu có Việt Minh thì ở đó phải có tự vệ và các đội tự vệ chiến đấu". Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII (tháng 5-1941), việc xây dựng lực lượng vũ trang được xúc tiến khẩn trương. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo cán bộ đang hoạt động ở Cao Bằng cần chọn những đồng chí cốt cán tốt nhất trong các đoàn thể cứu quốc "để tổ chức các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu, phải xây dựng được một lực lượng vũ trang sẵn sàng"
[17].Công tác đào tạo cán bộ quân sự cũng được Người chú trọng, Người đã phân công đồng chí Cao Hồng Lĩnh lập trạm liên lạc ở Trung Quốc để đưa đón cán bộ sang học tập quân sự, từ tháng 6 đến tháng 8-1941, theo chỉ thị của Người đã có gần 100 thanh niên là con em các dân tộc ở Cao Bằng sang Trung Quốc học tập quân sự. Từ cuối năm 1941 - 1944, có khoảng 200 thanh niên Cao Bằng sang học tập các lớp quân sự ở Điền Đông, Liễu Châu (Trung Quốc).
Cũng tại Cao Bằng, từ cuối năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ đạo các đồng chí Lê Quảng Ba, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm mở một lớp quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó (Hà Quảng). Người rất quan tâm đến lớp huấn luyện này đã trực tiếp đề ra kế hoạch huấn luyện, sau một ngày, Người gọi đồng chí phụ trách đến báo cáo tình hình, rút kinh nghiệm và đặt kế hoạch cho ngày hôm sau. Người trực tiếp giảng dạy về cách đánh du kích, cách điều tra nắm tình hình địch...
Để có tài liệu giảng dạy, lãnh tụ Nguyễn Ái quốc đã biên soạn nhiều tài liệu quan trọng như: "Mười hai điều kỷ luật", "Chiến thuật cơ bản của du kích", "Cách đánh du kích', "Kinh nghiệm du kích Nga"…Các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp cũng dịch và biên soạn một số tài liệu như "Người chính trị viên", "Công tác chính trị trong quân đội cách mạng", những "giáo trình" quân sự đầu tiên này đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, từ đầu năm 1942, Đảng bộ Cao Bằng đã mở nhiều lớp huấn luyện quân sự cấp tỉnh để đào tạo cán bộ quân sự cho phong trào cách mạng. Lớp quân chính khoá I được mở tại Khuổi Nặm, Pác Bó, Hà Quảng có khoảng 40 học viên, khoá II được mở tại U Mả, xã Dân Chủ, Hoà An có gần 100 học viên, khoá III mở tại Nguyên Bình khoảng 30 học viên, khoá IV lại được mở tại Hà Quảng cũng có rất nhiều học viên… Sau các khoá học, học viên trở về địa phương, huấn luyện tổ chức lực lượng vũ trang các cấp.
Đảng bộ Hà Quảng đã từng bước xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Một mặt, Đảng bộ chọn cử 13 đồng chí đảng viên và quần chúng ưu tú
[18] đi học lớp quân sự ở nước ngoài để làm vốn lâu dài. Mặt khác, tuyển lựa những hội viên cứu quốc trung kiên, có sức khoẻ để thành lập các đội tự vệ, làm nhiệm vụ canh gác xóm làng và bảo vệ các cuộc họp đoàn thể. Cuối năm 1941, ở một số nơi có phong trào Việt Minh mạnh: Pác Bó, Nà Sác, Hoà Mục, Kéo Yên, Đào Ngạn, Phù Tang, Đa Thông, Lũng An… các đội tự vệ đã ra đời. Ở Nà Sác, phong trào luyện tập quân sự phát triển khá mạnh. Ban chấp hành Việt Minh đã mời cán bộ quân sự cấp trên về huấn luyện cho đội tự vệ xã.
Để bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não của Đảng, tháng 11-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị thành lập đội du kích thoát ly (thường gọi là đội du kích Pác Bó). Đội gồm các đồng chí: Lê Quảng Ba (Đội trưởng), Trần Sơn Hùng (Đội phó), Lê Thiết Hùng (Chính trị viên) và các đội viên Thế An, Bế Sơn Cương, Sỹ Cương, Dương Mạc Hiếu, Tống Dè, Nống Văn Chủng, Nông Thị Trưng, Đức Thanh, Bằng Giang ra đời trên mảnh đất Hà Quảng, Đội đã trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác vũ trang tuyên truyền, giúp cho việc mở rộng các cơ sở chính trị của quần chúng và góp phần hướng dẫn, huấn luyện các đội tự vệ ở địa phương.
Sang năm 1942, phong trào cách mạng Hà Quảng có bước tiến bộ lớn. Phong trào Việt Minh ngày càng phát triển về bề rộng và chiều sâu. Ở một số xã, trừ một số ít các phần tử phản động, hầu hết các gia đình đều có người tham gia các hội cứu quốc. Một số thôn, 100% quần chúng đều là hội viên Việt Minh. Khí thế quần chúng mạnh mẽ đã tác động sâu sắc đến đội ngũ tay sai của địch. Một số kỳ hào, lý dịch, xã đoàn, lính dõng được giáo dục, vận động đã ngả theo cách mạng. Điển hình cho phong trào Việt Minh Hà Quảng lúc này là phong trào ở Nà Sác. Ở đây, tất cả quần chúng đều tham gia các Hội cứu quốc, chính quyền tay sai của địch ở xã đã chịu sự kiểm soát của Ban Việt Minh. Theo hướng dẫn của các đảng viên, nhân dân xã Nà Sác đã xây dựng 4 điểm bí mật ở Ngàm Dảo, Lũng Bó, Ngảm Máy và Lũng Kéo Nộc (thuộc Hoà Mục), ở các xóm còn có những điểm bí mật riêng. Những điểm bí mật này trở thành những trạm liên lạc, đưa đón các cán bộ đi lại hoạt động. Nà Sác được mệnh danh là "xã đỏ", là xã "hoàn toàn" đầu tiên của Hà Quảng, nơi có phong trào Việt Minh mạnh nhất huyện. Ở các xã Trường Hà, Hoà Mục, Sóc Giang, Đào Ngạn, Minh Khai, Phù Ngọc, Vần Dính, Quý Quân, Phù Tang… phong trào quần chúng cũng rất sôi nổi. Tuyệt đại bộ phận nhân dân đều gia nhập Việt Minh. Những xã này dần dần trở thành những "xã hoàn toàn".
Sự xuất hiện các "xã hoàn toàn" ở Hà Quảng là một hiện tượng lịch sử chưa từng có trong quá trình vận động cách mạng ở địa phương và cả nước. Trong các "xã hoàn toàn" đã bắt đầu xuất hiện mầm mống của một chế độ xã hội mới. Thực tế đó chứng tỏ sức cuốn hút kỳ diệu của Việt Minh, chứng tỏ sự đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đồng thời, nó cũng biểu hiện nhiệt tình cách mạng rất cao và niềm tin sắt đá của nhân dân các dân tộc ở Hà Quảng đối với Đảng.
Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào quần chúng đã đưa tới sự ra đời Ban Việt Minh các tổng. Trên cơ sở ấy, ngày 20-8-1942, đại biểu Việt Minh toàn châu đã tổ chức Đại hội ở Lũng Loỏng (Nà Sác) bầu ra Ban Việt Minh châu SR
[19]. Các đồng chí: Hoàng Tô, Nông Thị Trưng, Đại Lâm, Tư Bào, Đức Thanh được các đại biểu tín nhiệm bầu vào Ban Việt Minh châu. Đồng chí Hoàng Tô, Chủ nhiệm Ban Việt Minh châu trực tiếp phụ trách Hội Nông dân cứu quốc, đồng chí Đức Thanh phụ trách Thanh niên, Nhi đồng cứu quốc, đồng chí Nông Thị Trưng phụ trách Phụ nữ cứu quốc.
Song song với việc kiện toàn hệ thống tổ chức Việt Minh ở vùng thấp, trong năm 1942, Đảng bộ Hà Quảng chú trọng mở rộng các hội cứu quốc ở vùng cao, đặc biệt là vùng Thông Nông và Lục Khu. Nhiều cán bộ có kinh nghiệm đã được cử lên gây dựng phong trào. Các đồng chí đã đi sâu xuống các cơ sở, bám sát quần chúng, tổ chức nhiều lớp huấn luyện về chương trình, Điều lệ Việt Minh. Ngoài những tài liệu tuyên truyền phổ biến, các cán bộ Việt Minh chú trọng phân tích âm mưu chia rẽ các dân tộc của thực dân Pháp; nhấn mạnh chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau của Mặt trận Việt Minh. Chương trình thấu tình, đạt lý của Đảng và Mặt trận cùng với tấm gương tận tuỵ của các cán bộ từ vùng thấp lên đã có sức cảm hoá lớn lao đối với đồng bào các dân tộc vùng cao. Là những người bị chế độ thực dân, phong kiến đầy đoạ, bóc lột, khinh miệt thậm tệ nhất, đã được cách mạng giác ngộ, tập hợp trong các hội "phòng phỉ", hội "đánh Tây" đến lúc này, khi được tuyên truyền về Mặt trận Việt Minh, đông đảo đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Quảng đã hăng hái tham gia các hội cứu quốc.
Ở Lục Khu, các xã Kéo Yên, Yên Lũng, Thượng Thôn, Ngoại Trung, Hạ Thôn…,phong trào Việt Minh phát triển rất mạnh. Ban Chấp hành các hội cứu quốc và Ban Việt Minh xã đã được thành lập. Các đội tự vệ ra đời. Các xã còn lại tuy bọn thổ phỉ vẫn còn hoành hành, nhưng vẫn có cán bộ cách mạng hoạt động. Ở nơi nào hạt giống Việt Minh đã gieo xuống thì ở nơi đó mau chóng bùng nổ một cao trào quần chúng sâu rộng, sôi nổi đó là nét mới ở vùng cao Lục Khu.
Ở tổng Thông Nông, mặc dù địch đang khủng bố ác liệt, nhưng khi ánh sáng Việt Minh lan toả tới, đồng bào các dân tộc vùng cao đã tin tưởng, hào hứng đón nhận. Tiêu biểu cho tinh thần cách mạng đó là tấm gương ngời sáng của hai đồng chí Có và Phú người dân tộc Dao Đỏ ở Sam Kha, xã Cần Yên. Sau khi được giác ngộ, hai đồng chí đã không quản gian khổ, hy sinh, ngày đêm lặn lội, gây dựng cơ sở quần chúng suốt từ Phja Viềng đến Lũng Cam. Đến cuối năm 1942, ở nhiều xóm vùng cao Thông Nông đã có các đoàn thể Việt Minh, trong đó các xóm Đồng Giàng, Kỳ Giáo, Lũng Moãi… của đồng bào Dao Đỏ đã trở thành các "xóm hoàn toàn".
Việt Minh đã đứng chân vững chắc ở cả vùng thấp lẫn vùng cao Hà Quảng với hệ thống tổ chức chặt chẽ từ xã, tổng lên huyện, thống nhất chỉ đạo phong trào từ các tổng Hà Quảng (tổng A), Phù Đúng (tổng B) lên một phần Lục Khu, sang đến Thông Nông (tổng Đ). Đường dây liên lạc từ biên giới về Hoà An đã được đánh thông. Các cán bộ Trung ương, tỉnh, châu có thể đi lại hoạt động ở Hà Quảng một cách thuận tiện trong sự che chở, đùm bọc của nhân dân. Phần lớn kỳ hào, lý địch, xã đoàn, lính dõng đã ngả theo cách mạng. Một số tên tuy không có cảm tình với Mặt trận Việt Minh, nhưng trước sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng buộc phải nằm im, không dám lộ mặt chống phá.
Cùng với quá trình phát triển của lực lượng quần chúng, lực lượng vũ trang cách mạng Hà Quảng ngày càng lớn mạnh: từ một số trung đội và tiểu đội lẻ tẻ lúc đầu, đến giữa năm 1942 đã phát triển thành hơn 20 trung đội
[20]. Một số cán bộ quân sự của Hà Quảng được đào tạo trong Trường quân hiệu khoá I của tỉnh ở Khuổi Nặm đầu năm 1942, sau khi mãn khoá đã phối hợp với các đội viên của Đội du kích thoát ly do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập, đi xuống các xã phụ trách huấn luyện tự vệ. Phong trào luyện tập quân sự sôi nổi khắp nơi, các lớp huấn luyện được tổ chức liên tục
[21], thu hút đông đảo thanh niên, phụ nữ, thiếu niên, kể cả một bộ phận lính dõng, xã đoàn đã được giác ngộ. Những lớp huấn luyện này mặc dù chỉ được huấn luyện trong thời gian ngắn, với các phương tiện thô sơ gậy gộc và ít khẩu súng kíp, nhưng nội dung rất phong phú: học các khoa mục quân sự cơ bản, học phương pháp vận động, tổ chức quần chúng, học các tác phẩm về cách đánh du kích của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc… Những nội dung phong phú đó đã góp phần thiết thực nâng cao chất lượng của các đội tự vệ.
Trên đà phát triển đó, cuối năm 1942, Đảng bộ và Ban Việt Minh châu đã thành lập các đội tự vệ chiến đấu. Lực lượng này gồm các hội viên cứu quốc ưu tú, có năng lực chiến đấu, đã kinh qua thử thách, được chọn tuyển từ các đội tự vệ thường. Trong một thời gian ngắn, Hà Quảng đã có 19 tiểu đội tự vệ chiến đấu, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, phát triển phong trào Việt Minh toàn châu.
Song song với phong trào luyện tập quân sự, phong trào học tập văn hoá phát triển rất sôi nổi, rộng khắp. Nơi nào có đoàn thể Việt Minh là nơi đó có phong trào văn hoá. Các Ban Việt Minh xã thấm nhuần lời dạy của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gắn chặt công tác truyền bá chữ quốc ngữ với việc tuyên truyền giáo dục chủ trương, chính sách của Mặt trận Việt Minh. Tại các địa điểm bí mật, trong hoàn cảnh thiếu giấy mực, phấn, bảng, đèn, dầu trong điều kiện bị địch kiểm soát… các lớp học văn hoá vẫn được tổ chức đều đặn, lôi cuốn đông đảo đồng bào các dân tộc, những người vốn bị kìm hãm trong vòng tối tăm, khao khát ánh sáng văn hoá như khao khát chân lý cách mạng.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đặc biệt quan tâm đếnphong trào học văn hoá của đồng bào các dân tộc Hà Quảng. Những ngày ở Pác Bó, Người đã giành phần lớn thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi để trực tiếp dạy văn hoá cho một số đảng viên, quần chúng Hà Quảng có điều kiện ở gần Người, trong đó có đồng chí Thế An và đồng chí Nông Thị Trưng
[22]. Tấm lòng nhân hậu và tình thương yêu lớn lao của lãnh tụ thắm đậm vào cuộc đời của mỗi người dân Hà Quảng.
Để thuận lợi cho việc học tập, ngay từ những tháng đầu tiên ở Pác Bó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao cho đồng chí Cao Hồng Lĩnh soạn bộ vần dạy chữ theo lối mới. Bộ này được biên tập thành 30 bài, nếu học hết số này thì có thể biết đọc biết viết. Người còn có nhiều bài thơ ca động viên phong trào học chữ.Với nhiều cách làm như vậy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và cán bộ hoạt động cách mạng ở Cao Bằng đã dấy lên một phong trào thi đua học chữ sôi nổi, rất nhiều nơi, già trẻ, trai, gái đều đi học, học ban đêm, học buổi trưa. Chỉ sau một thời gian sau khi Người về nước, phong trào xoá nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hoá được đẩy mạnh. Người thường nói: "Muốn trở thành cán bộ cách mạng thì phải không ngừng học tập để nâng cao trình độ văn hóa". Người căn dặn cán bộ: phong trào Việt Minh mở rộng tới đâu thì phải tổ chức học tập văn hoá đến đó; Người đề ra phương châm: người biết dạy người chưa biết, người biết nhiều dạy người biết ít. Ngay bản thân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tuy bận rất nhiều việc, nhưng vẫn dành thời gian cho công tác này. Ở Pác Bó một thời gian không lâu, Người đã trực tiếp dạy cho một số đồng chí có điều kiện ở gần Người; các đồng chí đó chỉ sau vài tháng học tập đã biết viết, thậm chí có người trở thành biên tập, viết báo Việt Nam độc lập.
Dù trong điều kiện bí mật, nhưng trong những năm 1941-1943, phong trào học tập văn hoá ở Cao Bằng trở nên sôi nổi mạnh mẽ, đặc biệt là ở các huyện Hà Quảng, Hoà An, Nguyên Bình và lan sang cả phía bắc huyện Chợ Rã (nay là Pác Nặm, Bắc Kạn), các lớp văn hoá được mở khắp nơi, cả vùng cao lẫn vùng thấp, những nơi có điều kiện còn tổ chức các lớp toàn xã, như lớp học xã Nà Sác (Hà Quảng) gồm trên 100 học viên, ở những làng xã Việt Minh hoàn toàn như Pác Bó, Nà Mạ (xã Trường Hà), các xã Nà Sác, Đào Ngạn… ta mở trường công khai, các học viên đua nhau đến trường học. Các lớp học vừa học văn hoá, vừa học thơ ca cách mạng, và chủ trương đường lối của Đảng, chương trình, điều lệ, chính sách của Việt Minh.
Những hoạt động nhiều mặt, phong phú, tích cực, cuốn hút của Mặt trận Việt Minh đã tạo ra ở Hà Quảng một nhịp điệu sống mới - nhịp điệu cách mạng. Hoà vào nhịp điệu ấy, tư tưởng, tình cảm, hành động của đồng bào các dân tộc dần dần biến đổi theo đà tiến triển của cách mạng.
Để góp phần thiết thực động viên phong trào Việt Minh, tháng 8-1942, theo chủ trương của Tỉnh uỷ, Đảng bộ Hà Quảng đã giúp đỡ đoàn cán bộ của tỉnh tổ chức triển lãm ở các địa điểm: Cốc Ổi, Nà Thang (Trường Hà), Lũng Đôn (Kéo Yên), Phja Đài (Nà Mạ), Lũng Pỉa (Nà Sác), Bản Giàng, Nà Vạc (Phù Tang), Khuổi Nặm (Xuân Đào), Lũng Sóng, Tôm Poóng, Cả Rái (Lục Khu), Khuổi Slấn (Đào Ngạn)… Tại các cuộc triển lãm này đã trưng bày những tranh ảnh tố cáo tội ác của phát xít Nhật ở Trung Quốc, Việt Nam, ca ngợi gương chiến đấu dũng cảm của Hồng quân Liên Xô… Các đồng chí cán bộ còn tranh thủ tuyên truyền đường lối, chính sách của Việt Minh, tình hình cách mạng trong nước và thế giới… Những hoạt động tuyên truyền đó đã góp phần khơi sâu lòng căm thù của đồng bào các dân tộc đối với bọn đế quốc, phát xít xâm lược, động viên quần chúng kiên quyết đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống kẻ thù dân tộc. Những cuộc triển lãm lưu động ấy đã có tác dụng giáo dục quần chúng tinh thần đoàn kết quốc tế.
Trên cơ sở phong trào Việt Minh phát triển đều khắp, vững chắc, ngày 22-11-1942, theo chủ trương của Tỉnh uỷ, Hội nghị đại biểu Việt Minh toàn tỉnh Cao Bằng lần thứ nhất được triệu tập tại thành Nhà Mạc, vùng núi Lam Sơn (Hoà An). Hội nghị đã kiểm điểm đánh giá phong trào Việt Minh toàn tỉnh hai năm qua, đề ra các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể để đưa phong trào tiến lên và bầu ra Ban Chấp hành các Hội cứu quốc tỉnh. Đồng chí Bằng Giang được bầu làm Bí thư Nông hội và đồng chí Nông Thị Trưng được bầu làm Bí thư Phụ nữ, đồng chí Đức Thanh được bầu làm Bí thư Thanh niên tỉnh.
Thắng lợi của Hội nghị đại biểu Việt Minh toàn tỉnh có tiếng vang lớn. Nhân đà thắng lợi này, Đảng bộ Hà Quảng quyết định tổ chức một cuộc Đại hội học sinh toàn châu với tên gọi “Đại hội Mầm non văn hoá” nhằm biểu dương lực lượng quần chúng. Ngày 01-01-1943, Đại hội văn hoá đã được tổ chức rầm rộ tại Bản Hoong (Trường Hà). Hơn 1.000 hội viên cứu quốc toàn châu, kể cả các hội viên từ vùng cao Thông Nông, Lục Khu và đại biểu các châu trong tỉnh đã về dự. Đại hội đã tổ chức thi văn hoá, chính trị, quân sự và thể thao, báo "Việt Nam độc lập" gửi tặng Đại hội lá cờ đỏ thêu 4 chữ vàng "Gieo mầm văn hoá". Tại Đại hội này, Hà Quảng được vinh dự nhận lá cờ luân lưu của tỉnh về thành tích họcvăn hoá. Pác Bó được nhận danh hiệu lá cờ đầu trong phong trào học văn hoá của toàn huyện. Với một khí thế sôi động, hào hứng, Đại hội thể hiện sinh động sức mạnh đoàn kết của nhân dân Hà Quảng, góp phần củng cố đội quân chính trị đông đảo.
Đầu năm 1943, để nắm tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghịđại biểuViệt Minh tỉnh Cao Bằng (tháng 11-1942), củng cố và đẩy mạnh quá trình chuẩn bị lực lượng cách mạng, Tổng bộ Việt Minh đã thành lập một đoàn cán bộ lấy danh nghĩa "Thượng cấp tuần thị" tiến hành kiểm tra phong trào ba châu Hoà An, Hà Quảng, Nguyên Bình. Đoàn kiểm tra gồm đại diện Tổng bộ Việt Minh, đại biểu các Ban Chấp hành cứu quốc tỉnh, đi theo đoàn là một đội văn nghệ gọn nhẹ với tinh thần sẵn sàng phục vụ quần chúng địa phương những bài ca cách mạng.
Đoàn kiểm tra xuất phát từ Nà Sác, sau đó lần lượt đi đến hầu hết các xã vùng thấp, vùng cao Hà Quảng. Đảng bộ và Ban Việt Minh Hà Quảng đã vận động quần chúng quyên góp vật chất, giúp đỡ đoàn kiểm tra và tổ chức nhiều cuộc mít tinh đón tiếp, tiêu biểu nhất là cuộc mít tinh ở xóm Lũng Loỏng (Nà Sác) có gần 1.000 đồng bào các dân tộc tham gia. Những cuộc tiếp xúc, trao đổi giữa đại biểu cấp trên với đông đảo quần chúng địa phương đã có tác dụng rất lớn làm bừng lên một khí thế cách mạng mới. Qua đợt kiểm tra này, Tổng bộ Việt Minh và Ban lãnh đạo Cao Bằng đã đánh giá Hà Quảng là một trong những nơi có phong trào cách mạng mạnh nhất tỉnh, là một trong ba "châuViệt Minh hoàn toàn". Đây là phần thưởng quý báu đối với Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng, là động lực tinh thần cổ vũ cán bộ, đảng viên, quần chúng toàn châu đem hết sức lực củng cố, phát triển phong trào cách mạng địa phương.
Sau những sự kiện sôi động, giàu ý nghĩa đầu năm 1943, Đảng bộ Hà Quảng đã quan tâm chỉ đạo củng cố các đường dây liên lạc, bảo vệ các đầu mối giao thông ở địa phương. Đảng bộ đã huy động những đảng viên trung kiên, lực lượng tự vệ chiến đấu và các đội viên thiến niên cứu quốc ưu tú đảm nhiệm công tác trọng yếu này. Trên mặt trận thầm lặng đó, các em thiếu niên Hà Quảng đã có những đóng góp xứng đáng. Tiêu biểu cho đội ngũ những chiến sĩ giao liên dũng cảm, kiên cường, mưu trí, gan dạ ở Hà Quảng là Đội Nhi đồng cứu quốc đầu tiên (thành lập ngày 15-5-1941 tại Nà Mạ, xã Trường Hà) - tiền thân của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Đội gồm 4 đội viên: Nông Văn Dền (bí danh là Kim Đồng
[23]), Nông Văn Thàn (bí danh: Cao Sơn), Lý Thị Nì (bí danh: Thuỷ Tiên), Lý Thị Xậu (bí danh: Thanh Thuỷ) do Kim Đồng làm Đội trưởng, sau đó kết nạp thêm 2 đội viên là Lý Văn Tịnh (bí danh: Thanh Minh) và Triệu Văn Hùng (bí danh: Quế Lâm). Bằng trí thông minh, lòng dũng cảm, Kim Đồng và những đội viên của mình đã nhiều lần đưa những thư từ quan trọng và dẫn đường đưa cán bộ cao cấp từ Pác Bó qua Hoà Mục về Đào Ngạn...an toànvượt qua mạng lưới kiểm soát ngặt nghèo của kẻ thù.
Ngày 15-02-1943, trên đường làm nhiệm vụ từ Pác Bó về, Kim Đồng gặp toán địch đi tuần. Biết rõ, lúc đó đang có cuộc họp quan trọng ở Nà Kéo, Kim Đồng đã mưu trí đánh lạc hướng địch, dũng cảm thu hút lực lượng của chúng để bảo vệ an toàn cho các cán bộ dự họp. Địch bắn đuổi theo, không may bị trúng đạn, Kim Đồng đã ngã xuống trên mảnh đất Nà Mạ, giữa niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè và đồng bào đồng chí. Tên tuổi và gương sáng Kim Đồng vẫn còn sống mãi trong niềm tin yêu, trân trọng, tự hào của quê hương, đất nước như là một biểu tượng bất diệt khí phách của thiếu niên Việt Nam.
Cũng vào đầu năm 1943, hưởng ứng chủ trương của Tỉnh uỷ, Đảng bộ Hà Quảng đã phát động sâu rộng một phong trào quyên góp ủng hộ Đội du kích Bắc Sơn. Các đội quyên góp được thành lập khắp nơi. Các cuộc mít tinh lạc quyên được tổ chức ở hầu khắp các xã từ vùng thấp đến vùng cao. Cán bộ toả đi toàn châu vận động quần chúng. Ủng hộ Bắc Sơn, ủng hộ Cứu quốc quân trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nghĩa vụ thiêng liêng, một nhu cầu thấm đượm tình cảm cách mạng. Nhân dân Hà Quảng, người có tiền góp tiền, người không có tiền thì ủng hộ gạo, ngô, quần áo… ai cũng muốn góp phần thiết thực giúp đỡ những người đồng chí, đồng bào của mình đang chiến đấu với kẻ thù trong điều kiện gian khổ, thiếu thốn. Chị em phụ nữ là những người tích cực nhất trong phong trào này. Không chỉ đóng góp tiền của, chị em còn chủ động đi quyên góp và bàn nhau may giày vải, khăn mặt, túi đựng lương khô… gửi các chiến sĩ Bắc Sơn. Tinh thần nhường cơm sẻ áo, đùm bọc lẫn nhau của đồng bào các dân tộc Hà Quảng đã được báo "Việt Nam độc lập" số ra ngày 20-3-1943 biểu dương: "Châu SR có một địa phương đã tổ chức mít tinh quyên góp giúp Bắc Sơn. Xã A, tổng A đã tổ chức được 2 cuộc mít tinh quyên góp được 150đồng, xã A quyên được nhiều hơn vì có Đội xung phong nhi đồng đi vận động đứng ra quyên trước…". Nhận định về kết quả, ý nghĩa của cuộc vận động quyên góp, ủng hộ Bắc Sơn, số báo "Việt Nam độc lập" ngày 21-4-1943 đánh giá: "Việc quyên góp Bắc Sơn để lại cho đoàn thể 3 kết quả tốt: chúng ta hăng hái quyên góp giúp đội cứu quốc Bắc Sơn là chúng ta chuẩn bị lực lượng đánh Tây, đuổi Nhật, quyên giúp Bắc Sơn là tăng thêm sức chiến đấu của đội quân tiên phong, cán bộ và hội viên trong cuộc quyên góp này học được nhiều kinh nghiệm". Cuộc vận động cũng thể hiện đậm nét một khía cạnh tốt đẹp về phẩm chất của đồng bào các dân tộc Hà Quảng và giúp mọi người hiểu rõ sâu sắc sự cần thiết phải tăng cường, củng cố đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, đồng cam cộng khổ giữa những người dân mất nước đang đứng lên tranh đấu vì độc lập tự do.
Song song với việc đẩy mạnh những hoạt động chính trị, Đảng bộ Hà Quảng rất chú trọng củng cố, phát triển lực lượng vũ trang. Tháng 8-1943, Đảng bộ và Ban Việt Minh châu chủ trương tổ chức một cuộc tổng diễn tập của tự vệ toàn châu. Cuộc tổng diễn tập này được tổ chức ở Đoỏng Sí Nính (Nà Sác) thu hút trên 1.000 tự vệ thường, tự vệ chiến đấu và cán bộ của Ban Việt Minh các xã tham dự. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn châu có một cuộc diễn tập quy mô lớn. Sự kiện này đánh dấu một bước trưởng thành nhanh chóng của lực lượng vũ trang cách mạng, làm tăng thêm ưu thế của Việt Minh, uy hiếp tinh thần của bọn thổ phỉ và phản động.
Một thời gian sau, để biểu dương lực lượng cách mạng, trấn áp tinh thần bọn thổ phỉ đang quấy phá ở vùng biên giới, Đảng bộ đã tập hơn 100 tự vệ chiến đấu, tổ chức một cuộc hành quân qua dọc đường biên giới Lục Khu - Tĩnh Tây. Trước uy thế của cách mạng, bọn thổ phỉ đã phải chùn tay.
Để phát huy hơn nữa sức mạnh tranh đấu của đồng bào các dân tộc vùng cao. Tỉnh uỷ và Ban Việt Minh tỉnh chủ trương củng cố các cơ sở chính trị của các dân tộc vùng cao. Tháng 9-1943, đại biểu các dân tộc vùng Mông, Dao Đỏ ở Hà Quảng, Hoà An, Nguyên Bình đã tổ chức Đại hội thành lập châu "Chí Kiên"
[24]. Đến lúc này, tại Hà Quảng, phong trào cách mạng ở vùng thấp và vùng cao đã phát triển đồng đều, tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau rất chặt chẽ. Đồng thời, thông qua việc thành lập các cơ sở chính trị của đồng bào các dân tộc vùng cao, phong trào cách mạng Hà Quảng đã ngày càng gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng Hoà An, Nguyên Bình, góp phần quan trọng đưa phong trào cách mạng toàn tỉnh phát triển.
Cùng với quá trình củng cố, mở rộng các cơ sở chính trị trong địa bàn từng huyện, nhu cầu tăng cường mối liên hệ giữa Cao Bằng với các tỉnh láng giềng, với miền xuôi càng đặt ra cấp thiết. Thấm nhuần chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: "Từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được…". Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Việt Minh toàn tỉnh lần thứ nhất (tháng 11-1942), "Châu SR (Hà Quảng) phải chú ý phát triển về Bảo Lạc để thông qua Hà Giang và Tuyên Quang”
[25]. Đảng bộ Hà Quảng phối hợp với Tỉnh uỷ từ giữa những năm 1943 thành lập tại Lũng Loỏng các đội tuyên truyền "Nam tiến", ''Đông tiến" và "Tây tiến". Đội "Nam tiến" Hà Quảng đã phối hợp với các đội khác trong tỉnh mở con đường quần chúng từ Cao Bằng về Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn để liên lạc với bộ phận Trung ương ở miền xuôi. Đội "Tây tiến" mở đường lên Hà Giang, Tuyên Quang; ở hướng "Đông tiến", đội "Đông tiến" mở đường xuống Lạng Sơn để mở rộng và củng cố địa bàn cách mạng. Những chiến sĩ Hà Quảng tham gia các đội "Nam tiến", "Tây tiến", "Đông tiến", tiêu biểu là đồng chí Thế An, Hoàng Quốc Bảo, Bát Ngư, Đức Thanh đã không quản gian khổ, vất vả, ngày đêm trèo núi, băng rừng bám sát cơ sở, giáo dục, vận động tổ chức quần chúng trong và ngoài tỉnh.
Tháng 10-1943, đoàn "Nam tiến" do đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo đã gặp đoàn "Bắc tiến" từ Bắc Sơn, Võ Nhai lên tại Bắc Kạn. Hai căn cứ địa Cao Bằng, Bắc Sơn – Võ Nhai đã được nối liền bằng một đường dây quần chúng vững chắc. Trong sự nghiệp mở rộng vùng căn cứ địa Việt Bắc có phần đóng góp xứng đáng của những cán bộ, đảng viên ưu tú Hà Quảng.
Đi đôi với việc triển khai rộng khắp các hoạt động chính trị và quân sự, thấm nhuần tư tưởng cảnh giác cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng bộ Hà Quảng tích cực chuẩn bị các phương án đề phòng địch khủng bố. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ toàn tỉnh tháng 8-1943 về phương hướng chống khủng bố, Châu uỷ đã họp bàn các biện pháp đề phòng. Một mặt, Châu uỷ cử cán bộ xuống cơ sở vận động quần chúng nâng cao cảnh giác cách mạng, mặt khác, gấp rút thành lập các đội phòng, chống khủng bố. Các đội này gồm các đảng viên, cán bộ, tự vệ chiến đấu ở các xã, có nhiệm vụ hướng dẫn nhân dân cách phòng, chống khủng bố và chiến đấu bảo vệ dân nếu địch đàn áp.
Sau khi thu hoạch vụ mùa năm 1943, Đảng bộ Hà Quảng chủ trương vận động quần chúng đóng góp lương thực để lập các kho bí mật, chuẩn bị cho việc khởi nghĩa giành chính quyền. Để đề phòng địch cướp thóc gạo, ngoài việc đóng góp lương thực cho các kho của đoàn thể, đồng bào các dân tộc Hà Quảng cũng tiến hành cất dấu lương thực của gia đình mình vào các lán bí mật. Phong trào lập kho thóc, cất dấu lương thực được triển khai nhanh chóng, đều khắp. Toàn huyện đã lập được hơn 20 kho thóc bí mật của đoàn thể
[26] trong đó kho Kéo Pạt ở Hoà Mục có tới 200 gánh thóc. Ở Nà Sác, nhân dân vừa lập kho thóc chung của toàn xã ở Ngàm Giảo, vừa lập kho thóc của từng xóm. Ngoài kho lương thực, đồng bào còn lập các kho muối ở Phja Luông, Mã Lịp. Ở một số xã Thiện Thuật, Thượng Thôn, Vần Dính, Phù Tang, quần chúng tuy không lập các kho riêng, nhưng đã đóng góp lương thực vào các kho chung đặt ở các xã khác. Ở Thông Nông, lương thực được tập trung ở 17 điểm bí mật, lớn nhất là ở điểm Dẻ Rào.
Song song với phong trào phân tán, cất dấu lượng thực, Đảng bộ chủ trương củng cố chặt chẽ hơn các tổ chức quần chúng để tạo ra một sức mạnh mới có thểđối phó được với những thử thách ác liệt hơn. Các đoàn thể cứu quốc được rà xét, phân loại. Những hội viên tích cực nhất được tổ chức thành các tổ trung kiên, làm nòng cốt cho phong trào Việt Minh và làm hạt nhân của lực lượng quần chúng trong châu.
Mạng lưới giao thông liên lạc được sàng lọc, kiện toàn. Công tác phát triển lực lượng vũ trang được xúc tiến mạnh mẽ. Những đồng chí đi học khoá 2 Trường quân hiệu U Mả (Mỏ Sắt) trở về đã được phân công đi huấn luyện tự vệ và giúp đỡ các đội phòng, chống khủng bố ở các xã.
Bước sang năm 1944, chiến tranh thế giới lần thứ hai đã đi vào giai đoạn cuối với sự thất bại thảm hại của các thế lực phát xít. Ở Việt Nam, phong trào cách mạng đã phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Để cứu vãn tình thế, bọn phát xít Nhật - Pháp ở Việt Nam đã điên cuồng mở cuộc khủng bố đẫm máu trên vùng căn cứ địa Cao Bằng.
Hà Quảng là một trong những địa bàn diễn ra cuộc khủng bố ác liệt của kẻ thù. Thực dân Pháp đã tăng cường đến mức cao nhất bộ máy kìm kẹp, đàn áp. Hệ thống chính quyền tay sai từ châu xuống tổng, xã được sàng lọc lại, bổ sung thêm những tên phản động, chúng tăng cường hàng ngũ bang tá ở Dẻ Rào, Đào Ngạn, Nà Giàng để kiểm soát, đàn áp dân chúng.
Địch đã điều thêm binh lính cho các đồn bốt cũ và xây dựng cấp tốc các đồn bốt mới ở Tổng Cọt, Bó Khuy, Nà Giàng, Háng Hoá, Co Vầy, Đôn Chương… Lực lượng lính dõng được bổ sung, thay thế. Một đội kỵ binh dã chiến được điều về đóng ở Bản Giới (Xuân Hoà), ngày đêm tuần tiễu, sục sạo con đường từ Nà Giàng đến Sóc Giang. Những tên tay sai phản động ở địa phương điển hình là Giềng Páo (Thông Nông), Chư Lang, đội Tam (Nam Tuấn) Tổng Đoàn Kim (Sóc Giang) đã được thực dân Pháp sử dụng để thành lập các lực lượng vũ trang, điên cuồng chống phá cách mạng.
Chúng liên tiếp càn quét, đốt phá nhà cửa, cướp đoạt lương thực, trâu bò, bắt bớ, giết hại cán bộ và quần chúng cách mạng. Tội ác của kẻ thù gieo rắc khắp nơi, nhất là ở những vùng phong trào cách mạng phát triển mạnh như Thông Nông, Pác Bó, Đào Ngạn… Hàng mấy chục nóc nhà bị thiêu cháy, nhiều kho thóc bí mật của cách mạng bị cướp phá: 100 gánh thóc ở kho Nà Thung, 99 bồ thóc (mỗi bồ 8 - 10 gánh) ở Dẻ Rào bị cướp sạch. Hơn 20 cán bộ, đảng viên và quần chúng bị giết hại.
Để dễ bề kiểm soát dân chúng, cắt đứt mối liên hệ giữa quần chúng với cán bộ cách mạng, thực dân Pháp đã tiến hành dồn dân rào làng trên phạm vị toàn huyện, đặc biệt ở vùng thấp, điển hình là ở Quảng Trù, Xuân Trù, Nghi Bố. Nhân dân bị dồn vào khu vực Mỏ Sắt. Đêm đêm, binh lính các đồn bốt thay nhau đi tuần tra, sục vào các nhà kiểm tra nhân khẩu, soát xem lương thực. Với những biện pháp thâm độc này, thực dân Pháp hy vọng sẽ tách cán bộ khỏi quần chúng, đẩy cách mạng vào thế bị cô lập để dễ bề tiêu diệt.
Đi đôi với các thủ đoạn chính trị và quân sự, chính quyền thực dân đã sử dụng kinh tế làm một đòn hiểm độc đánh vào cách mạng. Chúng khống chế gắt gao việc mua bán, sử dụng muối và lượng thực, kìm hãm đời sống của đồng bào ở mức thấp nhất để mọi người không có điều kiện tiếp tế cho cán bộ cách mạng. Lợi dụng tình trạng thiếu thốn này, thực dân Pháp tiến tới sử dụng thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ bằng vật chất. Chúng treo biển quảng cáo ở khắp nơi sẽ thưởng một tạ muối và 100 đồng tiền Đông Dương cho những ai nộp đầu hoặc hai bàn tay của một cán bộ cách mạng.
Trước sự khủng bố quyết liệt của địch, một số quần chúng, trong đó có số ít cán bộ, hoang mang dao động hoặc nằm im. Tình hình đó đã gây ra nhiều khó khăn mới. Để đối phó với kẻ thù, giữ vững liên lạc với quần chúng, bảo toàn lực lượng, duy trì phong trào, Châu uỷ chủ trương tiếp tục phân loại quần chúng, chọn lọc các hội viên tích cực, lập các nhóm trung kiên làm lực lượng nòng cốt, xung kích đấu tranh với địch, đồng thời làm cầu nối giữa Đảng với quần chúng đông đảo.
Đảng bộ phân công đảng viên đi về các địa phương, kiên quyết bám đất, bám dân, xây dựng lại các cơ sở quần chúng. Có những đồng chí đêm đêm bí mật vượt qua hàng rào kiểm soát của địch, vận động, giáo dục, tổ chức quần chúng. Nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên không lọt được vào làng bản, đã kiên trì ẩn náu trong rừng, tìm cách bắt liên lạc với các cơ sở cách mạng, hướng dẫn quần chúng đấu tranh chống lại các âm mưu thủ đoạn của kẻ thù.
Trong những ngày gian khổ, ác liệt, đồng bào các dân tộc Hà Quảng đã thể hiện đậm nét tình cảm gắn bó sâu nặng với cách mạng. Tuy rất thiếu thốn, đồng bào vẫn dành dụm từng lon gạo, nhúm muối, bán từng gánh củi… lấy tiền nuôi nấng cán bộ. Trước nanh vuốt kẻ thù, quần chúng đã sáng tạo ra nhiều biện pháp độc đáo, thông minh để che mắt giặc, đảm bảo tiếp tế đầy đủ cho cán bộ ẩn náu trong rừng. Ở hầu hết khắp các xã vùng thấp, vùng cao, các gia đình cách mạng Nà Sác, Trường Hà, Sóc Giang, Hoà Mục, Đào Ngạn, Đa Thông, Lương Can đã hết lòng che chở, đùm bọc cán bộ. Tiêu biểu cho lòng hy sinh cao đẹp vì cách mạng của đồng bào các dân tộc Hà Quảng là gia đình cụ Xuất Cát ở làng Cốc Sâu (Sóc Giang) nhiều năm liền đã che dấu, nuôi dưỡng cán bộ. Cụ bị địch bắt, giam cầm, tra tấn, vẫn một lòng tin theo cách mạng. Cụ Cắm Sủi ở làng Kép Ké (Sóc Giang) đã đùm bọc bảo vệ đồng chí Hoàng Tô thoát khỏi sự lùng bắt của kẻ thù. Gia đình bà Liêm Thanh ở làng Hoà Mục đã khôn khéo tiếp tế lương thực cho cán bộ hoạt động trong rừng. Trước tình cảm cách mạng lớn lao của đồng bào các dân tộc Hà Quảng, mọi thủ đoạn, âm mưu thâm độc, tàn bạo của chính quyền thực dân đều trở thành vô hiệu. Trừ một số trường hợp vì địch kiểm soát quá gắt gao, đường dây liên lạc bị giãn đoạn, hầu hết ở các làng, cơ sở cách mạng vẫn được duy trì củng cố. Tiêu biểu là các làng Lũng Loỏng (Nà Sác), Kép Ké, Pò Nghiều, Cốc Nghịu (Sóc Giang), ở đó, các tổ chức do địch lập ra đều bất lực hoặc ngả theo cách mạng, cán bộ, quần chúng có thể đi lại hoạt động dễ dàng. Để hỗ trợ cho những hoạt động củng cố, phát triển cơ sở quần chúng, Đảng bộ Hà Quảng chủ trương đẩy mạnh công tác phân hoá hàng ngũ kẻ thù và trấn áp những phẩn tử phản động.
Công tác vận động binh lính vẫn được quan tâm từ trước, đến lúc này được chú trọng hơn, Ban Việt Minh châu đã phân công đồng chí Hoàng Tô phụ trách công tác binh vận. Các Ban Việt Minh xã, tổng cũng cử người đảm nhiệm công tác này. Ở những vùng có binh lính địch trú quân, Châu uỷ đã thành lập những tổ binh vận, phần đông là phụ nữ. Các tổ binh vận đã thâm nhập vào các đồn bốt địch, vận động, thuyết phục, rải truyền đơn kêu gọi anh em lính khố đỏ, khố xanh, lính cơ, lính cúp phăng, lính dõng… không bắn vào nhân dân và quay súng về với cách mạng. Công tác binh vận đã thu được nhiều kết quả góp phần hạn chế sự khủng bố của địch, tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng chuẩn bị lực lượng tiến tới giành chính quyền. Tháng 5-1944, thực dân Pháp cho quân bao vây Tôm Đeng (Phục Quốc) nhằm bủa lưới bắt các cán bộ quân sự cách mạng đang học trường quân hiệu của Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng. Trong số binh lính kéo về Tôm Đeng, có những người đã được cách mạng giác ngộ. Giữa lúc vòng vây của địch đang khép chặt, trong hàng ngũ binh lính có tiếng súng nổ. Thấy động, các học viên trường quân hiệu đã kịp thời phân tán vào rừng. Riêng đồng chí Thanh Long, trên đường đi đã bị trúng đạn địch và đã hy sinh.
Song song với công tác binh vận, Đảng bộ chủ trương đẩy mạnh phát triển lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang để chặn bàn tay đàn áp của kẻ thù, chuẩn bị tích cực cho khởi nghĩa. Mùa hè năm 1944, đội vũ trang thoát ly của châu đã được thành lập gồm 50 chiến sĩ được tuyển chọn từ đội tự vệ chiến đấu của các xã. Đội do đồng chí Dương Đại Lâm chỉ huy, đóng vai trò nòng cốt trong việc chống địch khủng bố.
Theo chỉ đạo của Đảng bộ, đội vũ trang của châu đã phối hợp với đội tự vệ chiến đấu các xã, tiễu trừ một số tên mật thám và phản động nguy hiểm ở địa phương. Hành động kiên quyết của các lực lượng vũ trang làm cho bọn tay sai gian ác phải chùn tay không giám ra mặt chống phá cách mạng như trước. Ở Thông Nông, chính quyền của địch hầu như bị tê liệt. Quần chúng phấn chấn, tin tưởng. Phong trào cách mạng ở Hà Quảng dần dần được khôi phục.
Từ giữa những năm 1944 trở đi, khí thế cách mạng ngày càng sôi sục trong toàn quốc. Tháng 5-1944, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị: "Về sửa soạn khởi nghĩa" nhằm thúc đẩy việc chuẩn bị lực lượng cách mạng, tích cực chờ thời cơ nổi dậy giành chính quyền. Tháng 8-1944, Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng đã triệu tập Hội nghị cán bộ ở Lũng Sa (Hoà An), quyết định phát động một cuộc đấu tranh chống khủng bố dưới hình thức chiến tranh du kích trong liên tỉnh. Hội nghị đề ra chủ trương kêu gọi đồng bào các dân tộc tích cực chuẩn bị vũ khí, lương thực… toàn bộ lực lượng tự vệ chiến đấu được lệnh gia nhập vào đội du kích và phải tích cực luyện tập.
Thực hiện chủ trương của Liên Tỉnh uỷ, Đảng bộ Hà Quảng khẩn trương xúc tiến chuẩn bị. Các kho lương thực bí mật của đoàn thể được khôi phục lại. Các đội vũ trang bí mật gặt lúa của một số tên Việt gian, phản động bù vào số lương thực ở các kho đã bị địch cướp phá. Không khí luyện tập quân sự, sắm sửa, trang bị vũ khí trở nên sôi nổi. Ở Lũng Bó (Nà Sác), theo chủ trương của Đảng bộ, một cơ sở sửa chữa vũ khí đã được thành lập. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, anh em công nhân đã tận dụng mọi nguồn nguyên liệu, phát huy sáng kiến sửa chữa và chế tạo thành công một số vũ khí đơn giản, thông dụng. Các cán bộ quân sự của châu và của các xã có phong trào mạnh toả đi các địa phương huấn luyện tự vệ. Hà Quảng sục sôi khí thế cách mạng. Đồng bào các dân tộc hăng hái chuẩn bị lực lượng vùng lên diệt địch.
Đúng vào lúc đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, sau một thời gian bị Tưởng Giới Thạch bắt giam đã trở về
[27]. Tháng 10-1944, khi dừng chân ở một địa điểm gần biên giới, giáp xã Nà Sác, Người đã nghe báo cáo về chủ trương phát động chiến tranh du kích của Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng, phân tích một cách đầy đủ, khoa học tình hình Cao - Bắc - Lạng nói riêng, toàn quốc nói chung, lãnh tụ Hồ Chí Minh cho rằng: "Bây giờ thời kỳ cách mạng hoà bình đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới… Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự"
[28]. Để thiết thực chuẩn bị tích cực cho khởi nghĩa giành chính quyền, tại Lũng Cát (Nà Sác), lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Lê Quảng Ba, Hoàng Đức Thạc và các cán bộ chủ chốt Liên Tỉnh uỷ nghiên cứu, xúc tiến thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.Với tính chất quan trọng của đội quân này, việc lựa chọn đội viên được tiến hành rất thận trọng. Sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Cao Bằng nói riêng, và liên tỉnh Cao- Bắc- Lạng nói chung là một trong những cơ sở quan trọng để: "chọn trong hàng ngũ du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực". "Đội quân giải phóng sẽ có nhiệm vụ là dùng vũ trang để kêu gọi, động viên, hỗ trợ nhân dân đứng lên giành chính quyền". Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vạch ra nét cơ bản của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và giao nhiệm vụ cho đồng chí Võ Nguyên Giáp chuẩn bị thành lập, Người căn dặn: "Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không sao tiêu diệt được. Tổ chức của đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo".
Chấp hành chỉ thị của Người, với sự chuẩn bị khẩn trương, chặt chẽ chu đáo về mọi mặt của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập vào ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo,châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đội gồm 34 chiến sỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Đảng bộ và nhân dân Cao Bằng đã đóng góp xứng đáng cho sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, trong đội có 34 người thì 25 đồng chí là con em các dân tộc Cao Bằng. (Tày 16, Nùng 6, Kinh 1, Dao 1, Mông 1; tỉnh Bắc Kạn 3 người, Thái Nguyên 2 người, Quảng Bình 2, Lạng Sơn 1, Thái Bình 1).
Một số cán bộ quân sự ưu tú của Hà Quảng: Dương Đại Long (Dương Văn Dấu), Xuân Trường (Hoàng Văn Nhủng)
[29], La Thanh (Hoàng Văn Súng), Hoàng Thế Hậu (Thế An), Giáp Ngọc Páng (Thân, Nông Văn Bê) đã vinh dự tham gia Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Vận dụng tư tưởng chỉ đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh "chính trị hơn quân sự", "tuyên truyền trọng hơn tác chiến", Đảng bộ Hà Quảng đã phân công các chiến sĩ trong đội vũ trang huyện đi về các cơ sở, bám sát quần chúng, củng cố, phát triển lực lượng chính trị, kiện toàn các lực lượng bán vũ trang. Những hoạt động phù hợp này đã góp phần quan trọng đưa phong trào cách mạng Hà Quảng vượt lên những khó khăn, thử thách ác liệt do cuộc khủng bố dữ dội của kẻ thù gây ra, ngày càng phát triển vững vàng.
Đến đầu năm 1945, ở Hà Quảng, những điều kiện cần thiết cho một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã được chuẩn bị đầy đủ. Đảng bộ đã quyết tâm, quần chúng đã sẵn sàng.
Từ năm 1930 đến đầu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc Hà Quảng đã phát triển một bước nhảy vọt. Những tiền đề về tư tưởng và tổ chức được tạo ra từ những năm 1930 - 1939 đã đặt cơ sở vững chắc, cho sự phát triển cách mạng ở Hà Quảng trong những năm 1939 - 1945.
Trong khoảng thời gian 5 năm, từ những cơ sở Việt Minh đầu tiên, Hà Quảng đã trở thành một huyện Việt Minh “hoàn toàn” có một hệ thống tổ chức cứu quốc đều khắp cả vùng thấp, vùng cao. Từ một tiểu đội du kích đầu tiên, Hà Quảng đã tiến tới xây dựng một lực lượng vũ trang đông đảo mạnh mẽ. Hà Quảng từ một vùng đất bị thực dân, phong kiến kìm kẹp, khống chế đã trở thành một vùng căn cứ cách mạng vững chắc, nơi đứng chân tin cậy của phong trào cách mạng toàn tỉnh, địa bàn hoạt động của lãnh tụ và nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng, một đầu mối giao thông quan trọng nối liền tổ chức Đảng trong nước với ngoài nước, miền ngược với miền xuôi.
Hà Quảng thực hiện bước nhảy vọt cách mạng đó không phải trong một điều kiện bình thường, thuận lợi mà trong cuộc đấu tranh gay gắt, quyết liệt với các thế lực thực dân, phong kiến phản động. Chính quyền thực dân thường xuyên đàn áp, khủng bố, bọn thổ phỉ hoành hành, các thế lực phản động thi nhau chống phá… Chính trong hoàn cảnh ấy, cán bộ, đảng viên, quần chúng Hà Quảng đã vươn tới, vừa đấu tranh vừa xây dựng lực lượng, vừa đấu tranh vừa tự sàng lọc, rèn luyện để trưởng thành, để khẳng định và nâng cao phẩm chất, truyền thống cách mạng cao đẹp.
Những năm tháng gian lao và hào hùng này gắn liền với tên tuổi và những công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, gắn liền với cống hiến quan trọng của các đồng chí lãnh đạo của Trung ương Đảng, gắn liền với tinh thần hy sinh, kiên cường của những cán bộ, đảng viên và quần chúng ưu tú Hà Quảng, trong đó có những người đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng quê hương.
Công sức và xương máu của những chiến sĩ cộng sản và quần chúng cách mạng đã tạo ra những tiền đề thuận lợi để khi thời cơ đến đồng bào các dân tộc Hà Quảng nhanh chóng vùng dậy khởi nghĩa giành quyền làm chủ.
IV. ĐẢNG BỘ HÀ QUẢNG LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN VÙNG LÊN GIẢI PHÒNG QUÊ HƯƠNG Sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc của phong trào cách mạng đã làm cho bọn thực dân, phong kiến ở Hà Quảng vừa hoảng sợ, vừa điên cuồng tức tối. Đầu tháng 3-1945, theo lệnh của chính quyền thực dân, tên quan ba chỉ huy đồn Sóc Giang đã huy động hầu hết lính khố đỏ, khố xanh, cúp phăng, toàn bộ lính dõng và các lực lượng vũ trang phản động chuẩn bị mở một cuộc vây quét lớn vào Pác Bó nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của cách mạng.
Cuộc càn quét này chưa được thực hiện thì ngày 09-3-1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn bán đảo Đông Dương. Ngày 11-3-1945, bọn Nhật ở Cao Bằng nổ súng tấn công Pháp. Tin tức về cuộc đảo chính của Nhật dội đến Hà Quảng làm cho bọn Pháp và tay sai hoảng loạn. Thời cơ vùng lên giành lấy chính quyền đã tới.
Ngày 11-3-1945, nhận rõ tình trạng tan rã của địch, Châu uỷ Hà Quảng đã họp, vạch định phương án tiến công. Đội vũ trang của châu được lệnh tiến đánh châu lỵ. Khi lực lượng vũ trang cách mạng tiến vào, đại bộ phận binh lính địch đã rút lên đồn Nặm Nhũng.Trước sức mạnh áp đảo của lực lượng cách mạng, Tổng đoàn Viêng cùng một số lính dõng buộc phải mở cửa nha cho lực lượng vũ trang cách mạng. Châu lỵ được giải phóng không tốn một viên đạn.
Nhân đà thắng lợi,Châu uỷ quyết định tiến đánh đồn Sóc Giang trước khi quân Nhật tiến vào Hà Quảng. Cán bộ quân sự đang họp ở Nà Sác được huy động cùng một tiểu đội của lực lượng vũ trang châu, một tiểu đội vũ trang ở Lục Khu và đội vũ trang tổng Thông Nông làm nòng cốt cho cuộc tiến công. Một số tự vệ chiến đấu của các xã xung quanh cơ quan châu như Nà Sác, Hoà Mục, Sóc Giang và một số tự vệ thường cũng tham gia trận đánh.
Ngày 12-3-1945, đoàn quân cách mạng hơn 100 người với tất cả các loại súng kíp, súng săn, giáo mác, gậy gộc… tiến đánh Sóc Giang, Châu đoàn Nhạn ngoan cố, thúc ép lính cúp phăng, lính dõng cố thủ. Các chiến sĩ Hà Quảng, một mặt đánh chiếm khu trại lính, vây chặt đồn, bắc loa kêu gọi binh lính hạ vũ khí; mặt khác, vận động gia đình Châu đoàn Nhạn cho người mang thư đến thuyết phục y đầu hàng cách mạng. Trong lúc Châu đoàn Nhạn còn do dự chưa mở cổng đồn, lực lượng vũ trang của ta ập đến. Đường cùng, Châu đoàn Nhạn phải tuyên bố nộp đồn và toàn bộ kho tàng vũ khí.
Chiến thắng Sóc Giang có một ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển cách mạng ở Hà Quảng. Nhờ chớp đúng thời cơ thuận lợi, kết hợp khéo léo sức mạnh của lực lượng vũ trang với công tác binh vận, Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng đã đánh sụp một đồn binh lớn nhất, một trung tâm đàn áp, kìm kẹp của địch ở địa phương. Chiến thắng này báo hiệu sự sụp đổ không thể cứu vãn nổi của bộ máy cai trị thực dân, phong kiến ở Hà Quảng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng cách mạng, mở đầu một thời kỳ cách mạng mới: Thời kỳ đồng bào các dân tộc vùng lên tiến hành chiến tranh du kích cục bộ và khởi nghĩa từng phần, giành quyền làm chủ mảnh đất quê hương.
Ngày 13-3-1945, theo chủ trương của Đảng bộ, 2.000 đồng bào các dân tộc Hà Quảng đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở Lũng Vài lập ra Uỷ ban nhân dân lâm thời của châu, do đồng chí Hoàng Tô làm Chủ tịch. Trong cuộc mít tinh lịch sử này, Uỷ ban nhân dân lâm thời đã trịnh trọng tuyên bố trước quần chúng một số chủ trương quan trọng:
1. Xoá bỏ chính quyền thực dân, phong kiến trong toàn huyện, mọi công việc hành chính sẽ do Uỷ ban nhân dân lâm thời châu điều hành giải quyết.
2. Khoan hồng đối với ai trước đây làm tay sai cho địch nay đã hối cải và nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương, chính sách của chính quyền cách mạng. Nghiêm trị mọi hành động chống đối cách mạng và trọng thưởng cho những người có công với cách mạng.
3. Những người trước đây đi lính cho Pháp (lính khố đỏ, khố xanh, cúp phăng, lính cơ, lính dõng) phải nộp súng cho các lực lượng vũ trang cách mạng. Ai tàng trữ, giấu giếm sẽ bị trừng trị. Ai vận động được nhiều binh lính nguỵ nộp vũ khí sẽ được trọng thưởng.
4. Tăng cường củng cố khối đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc trong huyện, phát triển lực lượng vũ trang cách mạng, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu của các thế lực thù địch.
5. Uỷ ban nhân dân lâm thời và Ban Việt Minh châu chịu trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng chính quyền cách mạng ở cấp xã.
Sau 15 năm đấu tranh, hy sinh xương máu, đồng bào các dân tộc đã có một chính quyền đại diện chân chính cho quyền lợi của mình. Trong ngày hội cách mạng, hơn 2.000 người dân Hà Quảng, đại diện cho các dân tộc xúc động lắng nghe những chủ trương đúng đắn, thiết thực của chính quyền cách mạng và sung sướng, tự hào chiêm ngưỡng lá cờ đỏ sao vàng bay cao trên nóc đồn Sóc Giang, báo hiệu một cuộc đổi đời.
Phát huy thắng lợi, Châu uỷ và Uỷ ban nhân dân lâm thời quyết định đẩy mạnh phong trào khởi nghĩa rộng khắp toàn châu. Lực lượng vũ trang cách mạng được chia làm ba bộ phận: một số ở lại Phù Đúng, một bộ phận vào Thông Nông, một mũi tiến công lên Lục Khu hỗ trợ cho đồng bào các nơi nổi dậy giành chính quyền.
Ở Thông Nông, tuy chưa nhận được lệnh khởi nghĩa, nhưng biết tin Nhật đảo chính Pháp ở Cao Bằng, các đồng chí đảng viên và cán bộ Việt Minh đã chủ động tổ chức lực lượng kéo về Háng Tháng tước súng bọn sòng bạc và lính dõng. Ngày 17-3-1945, lực lượng tự vệ chiến đấu Thông Nông tiếp tục tiến đánh lực lượng của địch từ Háng Tháng chạy về Dẻ Rào. Sáng ngày 18-3, các chiến sĩ tự vệ áp sát nhà Chánh Thước, dùng hình thức nghi binh, bao vây địch. Tên bang tá và bọn lính đang đóng ở đấy hoang mang, hoảng loạn phải nộp vũ khí đầu hàng. Được tin thắng trận, quần chúng đổ ra đường mừng chiến thắng. Cán bộ cách mạng chính thức công bố các chính sách của Mặt trận Việt Minh. Bừng bừng khí thế phấn khởi, quần chúng từ Dẻ Rào kéo lên Háng Tháng, tổ chức một cuộc mít tinh lớn.
Ngày 20-3-1945, lực lượng vũ trang Thông Nông được lệnh tiến đánh đồn Bó Gai. Đang hoang mang, dao động trước thất bại của đồng bọn ở các nơi, khi thấy lực lượng vũ trang cách mạng bao vây, thuyết phục, bọn địch ở đây đã mau chóng mang toàn bộ vũ khí ra hàng. Cờ đỏ sao vàng được treo lên cao giữa chợ Bó Gai. Vào lúc đó, đội vũ trang châu do đồng chí Lê Quảng Ba chỉ huy cũng vừa từ Sóc Giang tới, kịp thời phối hợp với tự vệ Thông Nông tước súng địch. Một số lính ở Thông Nông khi nghe tin Nhật đảo chính Pháp, bỏ trốn sang Bảo Lạc, bây giờ quay về đã bị lực lượng vũ trang cách mạng thu vũ khí. Lúc này ở Bảo Lạc, các cơ sở cách mạng còn yếu, các lực lượng phản động đang mưu toan cướp lấy chính quyền. Tình hình khẩn trương, đòi hỏi cách mạng phải mau chóng giành thế đứng chân ở Bảo Lạc, đặt cơ sở giải phóng các vùng phụ cận và nối liền Cao Bằng với Hà Giang. Tỉnh uỷ quyết định điều 4 trung đội vũ trang Hà Quảng tiến vào Bảo Lạc. Đến Đồng Mu, các chiến sĩ Hà Quảng gặp lực lượng vũ trang cách mạng do đồng chí Lê Thiết Hùng chỉ huy đang tiến hành thu vũ khí của xã đoàn, lính dõng địa phương. Hai bộ phận tập trung, thống nhất lại chuẩn bị tiến đánh Bảo Lạc.
Đúng vào lúc đó có tin cấp báo. Một đám tàn quân Pháp hơn 800 tên do Tư-rơn cầm đầu, bị Nhật đánh đang chạy từ Trùng Khánh qua Trà Lĩnh về Sóc Giang. Các cán bộ chỉ huy quân sự Hà Quảng quyết định để hai tiểu đội ở lại phối hợp với cánh quân của đồng chí Lê Thiết Hùng tiến đánh Bảo Lạc, còn đại bộ phận cấp tốc quay về Sóc Giang để đối phó với tàn quân Pháp, bảo vệ chính quyền cách mạng.
Toán quân của Pháp chạy đến Kép Ké, cách Sóc Giang 3 km thì bị lực lượng vũ trang cách mạng chặn đánh buộc phải rút qua Bản Hoong về hướng Pác Bó. Lực lượng vũ trang châu được lệnh bám sát, bao vây địch. Để phân hoá lực lượng quân đội Pháp, chính quyền cách mạng chấp nhận cho quân Pháp tạm trú quân ở Pác Bó, Nặm Nhũng, Phja Théc, Kéo Quyển… dưới sự giám sát của Việt Minh, đồng thời đẩy mạnh công tác binh vận, kêu gọi binh lính của Pháp hợp tác với ta đánh Nhật, hoặc đem vũ khí trở về với cách mạng. Trước sức mạnh áp đảo của lực lượng quần chúng có lực lượng vũ trang hỗ trợ, trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, đám tàn binh Pháp hoang mang cực độ, hàng ngũ của chúng tan rã dần. Phần lớn binh lính người Việt đã mang vũ khí chạy sang hàng ngũ cách mạng, một số bỏ trốn. Cuối cùng chỉ còn khoảng 100 tên lính người Âu và một số ít lính người Việt ngoan cố theo quan Tư-rơn rút chạy sang Trung Quốc. Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng đã gạt được một thế lực đối địch đáng kể, tịch thu khoảng 800 khẩu súng các loại, thiết thực tăng cường sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang châu và toàn tỉnh.
Ngày 23-3-1945, phát xít Nhật tiến lên Hà Quảng, đánh chiếm đồn Sóc Giang. Để bảo toàn lực lượng. các cơ quan huyện rút về Ngàm Giảo (Nà Sác) chỉ đạo nhân dân toàn huyện đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống Nhật, tiến tới giải phóng hoàn toàn quê hương.
Đảng bộ phát động và tổ chức nhân dân toàn châu bao vây, khống chế, cô lập, tiêu diệt lực lượng quân Nhật. Lực lượng vũ trang châu và lực lượng tự vệ chiến đấu các tổng, xã được huy động bám sát địch, tăng cường đột kích nơi đóng quân của Nhật ở Sóc Giang, không cho chúng mở rộng phạm vi chiếm đóng và thực hiện âm mưu thành lập chính quyền tay sai. Nhân dân thực hiện triệt để chủ trương "vườn không nhà trống", bao vây kinh tế địch. Lương thực, thực phẩm, gia súc được đồng bào phân tán, cất dấu trong núi. Quân Nhật ở Hà Quảng bị đẩy vào một tình thế bi đát. Không có lực lượng tay sai hỗ trợ, thiếu thốn lượng thực, chúng buộc phải cho quân đi lùng sục, cướp bóc. Nhưng lính Nhật rời khỏi đồn, đi đến đâu cũng bị lực lượng vũ trang cách mạng phục kích, chặn đánh, tiêu hao, tiêu diệt. Có lần chúng cho quân kéo lên Nặm Nhũng cướp bóc, đã bị lực lượng vũ trang cách mạng phục kích bắn chết một tên tại Kéo Co Lỳ; trên đường rút về Sóc Giang, lại bị chặn đánh ở Đôn Chương. Lần khác, Nhật đưa quân về Đào Ngạn khủng bố, lực lượng vũ trang của ta đã mai phục chặn đánh, buộc chúng phải rút chạy về đồn. Để uy hiếp địch, đội vũ trang của huyện đã bố trí lực lượng trên ba quả núi xung quanh đồn Sóc Giang, bắn vào vị trí đóng quân của chúng. Lọt giữa một vòng vây cách mạng rộng lớn, khép kín, bọn Nhật buộc phải bó mình trong đồn Sóc Giang, không dám tự do đi lùng sục sâu vào các làng bản.
Song song với việc bao vây, khống chế lực lượng của Nhật, Châu uỷ và Uỷ ban nhân dân lâm thời đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền cách mạng ở cơ sở.
Các cán bộ Đảng, cán bộ Việt Minh châu được điều động về các xã, lãnh đạo quần chúng phá chính quyền của địch, lập chính quyền cách mạng. Sau ngày Nhật đảo chính, nhất là sau khi Sóc Giang lọt vào tay cách mạng, hệ thống chính quyền tay sai của Pháp ở cơ sở mau chóng bị tan rã. Các tổng đoàn, xã đoàn, lý trưởng, thủ bạ trước khí thế cách mạng của quần chúng, đã chủ động đem nộp triện đồng, sổ sách cho cán bộ Việt Minh. Nơi nào bọn kỳ hào, lý dịch còn ngoan cố, cách mạng đã huy động tự vệ chiến đấu đến buộc họ phải đầu hàng. Một số nơi lực lượng tự vệ đã tổ chức diễn tập, gây thanh thế, uy hiếp tinh thần bọn tay sai phản động, buộc chúng phải đầu hàng. Đến cuối tháng 4-1945, ở hầu hết các xã vùng thấp, hệ thống chính quyền thực dân, phong kiến đã bị xoá bỏ. Nhiều nơi đã tiến hành Đại hội toàn dân, bầu ra Uỷ ban nhân dân xã.
Ở vùng cao, quá trình giành và bảo vệ chính quyền cách mạng được tiến hành song song với cuộc đấu tranh chống bọn thổ phỉ. Cán bộ Việt Minh và lực lượng vũ trang huyện được phái lên vùng Lục Khu đã vận động đồng bào địa phương, trấn áp các toán thổ phỉ do Chánh Thải, Đính Hoà, Sấn Dùng, Sứ Khì… cầm đầu. Cuộc đấu tranh diễn ra rất gian khổ, quyết liệt và kéo dài. Trong cuộc đấu tranh sinh tử này, cán bộ Việt Minh và các chiến sĩ tự vệ Hà Quảng đã kết hợp việc tiễu trừ thổ phỉ, bảo vệ nhân dân với việc vận động quần chúng thành lập chính quyền cách mạng.
Ở vùng Thông Nông, bọn phỉ Lằm Tìn, Lằm Pắn Nhì, kéo từ Nà Thang (Trung Quốc) vào mưu đồ chiếm đất, củng cố chỗ đứng chân để chống phá cách mạng ở Cao Bằng. Tỉnh uỷ chủ trương phải tiêu diệt toán phỉ này. Lực lượng vũ trang Hà Quảng đã phối hợp với lực lượng vũ trang Hoà An, Bảo Lạc do đồng chí Hoàng Đình Giong chỉ huy chia làm ba mũi bao vây toán phỉ, bắt sống 300 tên, thu 12 súng tiểuliên, 81 súng trường, 42 súng ngắn. Thắng lợi này đã tạo điều kiện thuận lợi để chính quyền cách mạng ra đời trên vùng cao Thông Nông.
Cao trào kháng Nhật trong toàn quốc đã phát triển mạnh mẽ. Vùng giải phóng Việt Bắc được mở rộng. Giữa tháng 5-1945, theo chủ trương của Đảng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân hợp nhất thành Việt Nam giải phóng quân. Căn cứ địa Việt Bắc đã trở thành khu giải phóng - hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam mới. Châu Hà Quảng trở thành một bộ phận của khu giải phóng.
Một cuộc sống mới đã đến với đồng bào các dân tộc Hà Quảng. Châu uỷ và Uỷ ban nhân dân các cấp đã thi hành 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh. Các biện pháp khuyến khích sản xuất nông nghiệp được áp dụng. Ở Pác Bó, theo hướng dẫn của chính quyền cách mạng, đồng bào các dân tộc đã tự nguyện thành lập các tập đoàn sản xuất. Các đội cứu quốc đã tổ chức tăng gia tập thể gây quỹ nuôi cán bộ và giải phóng quân. Công tác tuyên truyền, cổ động; phong trào luyện tập quân sự phát triển rộng rãi, mạnh mẽ chưa từng thấy. Một đội tuyên truyền của châu được thành lập gồm 12 người trong đó đa số là thiếu niên. Đội tuyên truyền đã đi hầu khắp các xã, tổ chức mít tinh, biểu diễn văn nghệ… để vạch trần tội ác của phát xít Nhật, kêu gọi thanh niên gia nhập giải phóng quân, vận động đồng bào các dân tộc đoàn kết, đánh đuổi quân Nhật, giải phóng quê hương.
Lực lượng vũ trang cách mạng Hà Quảng đã đổi thành quân giải phóng và được biên chế thành 5 trung đội (tương đương 5 đại đội), trấn giữ những địa bàn xung yếu trong châu. Một trung đội đóng ở Nà Sác bảo vệ cơ quan châu. Một trung đội chia làm hai, một bộ phận đóng ở Xí Pài, Lũng Mật phòng bọn phản cách mạng ngóc đầu dậy, bộ phận khác đóng ở Lũng Pươi để ngăn chặn bọn thổ phỉ biên giới. Trung đội thứ ba đóng chốt ở Bó Gai, trấn áp toán thổ phỉ Nà Thang. Hai trung đội còn lại, một đóng ở Thin Tẳng bao vây bọn thổ phỉ, bọn đặc vụ Thống Nàm đang hoạt động ở vùng Nặm Nhũng; một trấn giữ vùng Sông Giang (Hạ Khu) để ngăn chặn bọn thổ phỉ Chánh Thải thân Nhật kéo từ Trà Lĩnh lên Hà Quảng, Hà Quảng còn thành lập một tiểu đội nữ giải phóng quân, đồng thời cử nhiều cán bộ đi học trường quân chính kháng Nhật.
Để góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của tỉnh, toàn quốc, nhiều cán bộ chính trị, quân sự của Hà Quảng đã được cử sang giúp các châuBảo Lạc, Phục Hoà, Quảng Uyên… xây dựng, phát triển các cơ sở quần chúng. Phong trào toàn dân đánh Nhật được phát động khắp nơi. Hàng trăm thanh niên nam, nữ đã gia nhập giải phóng quân, lên đường về xuôi đánh Nhật. Một đội do Lĩnh Thành, Nam Long chỉ huy đi sang Hà Tuyên; một đội do Đức Thanh phụ trách tiến về Thất Khê (Lạng Sơn), một bộ phận theo đồng chí Trần Sơn Hồng, Thế An xuống Bắc Kạn. Một số đảng viên cán bộ ưu tú của Hà Quảng: Cải Vân, Cao Trung, Trần Thành, Bế Văn Cung, Triệu Minh, Đàm Quý… đã vinh dự được làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Pác Bó về Lam Sơn (Hoà An) sau đó có đồng chí được cùngđi với lãnh tụ về Tân Trào (Tuyên Quang). Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng đã phát huy mạnh mẽ vai trò của một vùng căn cứ địa, một huyện vốn có phong trào cách mạng mạnh mẽ vững chắc từ sớm.
Tháng 8-1945, với sự thất bại thảm hại của phát xít Nhật ở Viễn Đông, thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã đến. Hội nghị toàn quốc của Đảng đã họp ở Tân Trào từ ngày 13 đến 15-8-1945 đã quyết định toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa.
Nhân lúc Nhật đang thất thế, quân Quốc dân Đảng Trung Quốc ở Bình Mãng, lấy danh nghĩa đồng minh đề nghị ta cho phép tham gia đánh Nhật. Được sự đồng ý của cấp trên, Châu uỷ Hà Quảng đã cho phép quân đội Quốc dân Đảng vào đánh đồn Sóc Giang theo sự hướng dẫn, giám sát của lực lượng quân giải phóng. Sau hai trận thất bại, tốn người, hao đạn, ngày 16 đến 18-8-1945, quân Quốc dân Đảng phải rút về bên kia biên giới.
Kiên quyết đánh bại quân Nhật trước khi quân Đồng minh kéo vào, liên tiếp trong 3 ngày 17, 18, 19-8-1945, theo chủ trương của Châu uỷ, quân giải phóng và các lực lượng tự vệ Hà Quảng đã bao vây chặt đồn Sóc Giang, bắc loa kêu gọi địch đầu hàng. Đêm 20-8, Nhật rút chạy khỏi Sóc Giang, quân giải phóng mau chóng chiếm lĩnh đồn, đồng thời truy kích tiêu diệt lực lượng Nhật ở Đôn Chương và dọc đường chúng tháo chạy về Nguyên Bình. Để khẳng định quyền làm chủ mảnh đất quê hương và tuyên truyền thắng lợi, Châu uỷ đã cho cắm cờ đỏ sao vàng tại đồn Sóc Giang, châu lỵ và Nà Gọn, đồng thời thông báo cho nhà chức trách Bình Mãng biết ta đã hoàn toàn làm chủ châu Hà Quảng.
Sóc Giang được giải phóng. Cùng với nhân dân cả nước, đồng bào các dân tộc Hà Quảng bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do.
Thấm sâu lời "Tuyên ngôn độc lập" thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng nguyện "đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập"
[30].Lịch sử Hà Quảng mở sang trang mới, khởi đầu từ thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Trong cao trào chống Nhật cứu nước, Hà Quảng thật sự sống trong không khí những ngày hội của cách mạng. Ngay từ những ngày đầu sau khi Nhật đảo chính Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, lực lượng quần chúng và lực lượng vũ trang của châu đã chủ động, kịp thời nổi dậy tiến công kẻ thù. Cao trào chống Nhật diễn ra vô cùng sôi động với những sự kiện nối tiếp nhau từng ngày, trong đó, nhân dân đã thể hiện tập trung sức mạnh quật khởi to lớn của mình. Cùng một lúc, Hà Quảng đã triển khai giải quyết nhiều nhiệm vụ cấp bách: Tiến hành tước vũ khí tàn quân Pháp; bao vây cô lập phát xít Nhật; tiễu trừ thổ phỉ, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng; đóng góp công sức vào phong trào cách mạng toàn tỉnh, toàn quốc… Việc giải quyết có hiệu quả những nhiệm vụ nặng nề, phức tạp đó chứng minh sự trưởng thành vượt bậc về năng lực và phương pháp lãnhđạo cách mạng của Đảng bộ Hà Quảng, chứng minh tiềm năng sáng tạo lớn lao của đồng bào các dân tộc.
Bằng cuộc đấu tranh quyết liệt của mình, đồng bào các dân tộc Hà Quảng đã nhanh chóng giành quyền làm chủ ở các cơ sở, tiến tới giải phóng hoàn toàn quê hương, tích cực xây đắp những nền móng ban đầu cho chế độ mới. Trong những ngày bão táp cách mạng, truyền thống đoàn kết, kiên cường bất khuất của đồng bào các dân tộc đã được phát huy đến đỉnh cao và nhờ vậy, Hà Quảng vẫn luôn luôn là một trong những lá cờ đầu của phong trào cách mạng Cao Bằng, của phong trào cách mạng cả nước trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do.
Với những truyền thống tốt đẹp, tích tụ trong suốt 15 năm đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng, đồng bào các dân tộc Hà Quảng vững vàng bước vào thời kỳ lịch sử mới.
CHƯƠNG III
ĐẤU TRANH GIỮ VỮNG CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNGVÀ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC(1945 - 1954) I. BẢO VỆ VÀ CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG (9/1945 - 12/1946)Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 02-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Vườn hoa Ba Đình, Hà Nội, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhân dân vô cùng phấn khởi, đoàn kết bên nhau xây dựng cuộc sống mới.
Chính quyền cách mạng non trẻ mới ra đời chưa được bao lâu đã đứng trước những khó khăn thách thức mới trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Chính phủ và nhân dân phải chung sức đồng lòng đối phó với cả ba loại giặc, đó là: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Vì vậy, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là bằng mọi biện pháp giải quyết những khó khăn do chế độ cũ để lại: Nền kinh tế vốn đã nghèo nàn, lạc hậu, lại bị kiệt quệ nặng nề do hậu quả của chính sách áp bức bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật; các tàn dư văn hóa lạc hậu của chế độ thực dân, phong kiến cộng với những hủ tục lâu đời của đồng bào dân tộc để lại rất nặng nề; hơn 90% dân số không biết chữ, các tệ nạn xã hội hoành hành. Nhưng khó khăn hơn cả là nền độc lập mới giành được lại đang bị đe doạ: ngày 20-8-1945, gần một vạn quân Tưởng do tướng Tiêu Văn dẫn đầu tiến vào Cao Bằng trong đó, một bộ phận do Mã Nguyên Nhạc chỉ huy qua cửa khẩu Sóc Giang (Hà Quảng). Lấy danh nghĩa quân Đồng minh kéo vào giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất chúng có ý đồ đen tối là bóp chết chính quyền cách mạng non trẻ của ta. Trên đường hành quân, quân Tưởng đã cướp phá của cải của nhân dân và lộ rõ bộ mặt chống phá cách mạng. Chúng lập ra những tổ chức phản động như "Hoa kiều hoá", "Nam dương Hoa kiều hiệp hội", "Việt Nam cách mạng đồng minh hội". Dựa vào thế lực bên ngoài, các lực lượng phản động trong tỉnh ra sức tiến hành các hoạt động khiêu khích, chia rẽ chính quyền và nhân dân, tổ chức nhiều cuộc bạo loạn nhằm chống phá chính quyền cách mạng.
Ngoài các đảng phái và các tổ chức tay sai phản động tiến hành phá hoại, gây rối tình hình, hoạt động của thổ phỉ
[31] cũng gây nên những khó khăn rất lớn cho chính quyền cách mạng; nhất là với một huyện biên giới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, địa bàn rộng, hiểm trở như Hà Quảng. Trong thời gian này, ở Hà Quảng, toán thổ phỉ có hơn 30 tên, do Mã Trần Thình và Triệu Hải Quáng cầm đầu chiếm giữ vùng đất Lục Khu; ở khu Thượng, gọi là tổng Huy Giáp (Nặm Nhũng) có bọn thổ phỉ Dính Hoà hơn 100 tên cướp bóc dân ở Nặm Đin, Nhị Đú; vùng Thông Nông có bọn tàn quân phỉ Lằm Tìn, Lằm Pắn Nhì…. Chúng ra sức quấy phá, gây cho ta nhiều khó khăn bằng cách vào xóm bản cướp bóc, nhân dân rất sợ hãi; kích động, lôi kéo, cưỡng ép, tập hợp được khá nhiều phần tử phản động, những người lừng chừng chậm tiến tham gia vào các lực lượng phỉ để làm tay sai cho đế quốc hòng thực hiện mục tiêu lật đổ chính quyền cách mạng, khôi phục ách cai trị của đế quốc thực dân.
Trước tình hình đó, tư tưởng chỉ đạo của Huyện uỷ là: không dùng quân sự tiến công đơn thuần mà phải tiến công bằng chính trị, tiến công nhiều mặt… lấy quân sự làm áp lực.Cụ thể: ta dùng chính trị kêu gọi, cho người sang vận động gia đình vợ con, họ hàng để lôi kéo phỉ tự bỏ ngũ về nhà; cho người quen, người thân thuyết phục, tìm cách phân hoá nội bộ, lôi kéo phỉ đầu hàng; ta tổ chức từng tiểu đội hàng ngày tuần hành thị uy vừa kêu gọi, vừa đưa truyền tin chữ Hán sang cho dân bên kia biên giới, đưa đến gia đình các tên phỉ; mặt khác ta cho dân đi lại thăm hỏi nhau bình thường để nắm tình hình. Với những hình thức đấu tranh như vậy, sau một thời gian ngắn, số thanh niên trở về nhà ngày càng nhiều. Từ tháng 9 đến tháng 11 - 1945, ta cơ bản dẹp yên bọn phỉ ở vùng biên giới Tổng Cọt, dân yên tâm làm ăn
[32].
Ngày 25-11-1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị "Kháng chiến kiến quốc". Thực hiện chỉ thị của Trung ương, căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh, Đảng bộ Cao Bằng đã vạch ra những nhiệm vụ cụ thể trước mắt của tỉnh là tập trung đấu tranh chống âm mưu xâm lược của quân Tưởng và các thế lực tay sai phản động, tiêu diệt thổ phỉ và bọn phản động địa phương, củng cố chính quyền cách mạng các cấp, phát động phong trào tăng gia sản xuất, cứu đói, phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân. Đồng thời tích cực chi viện cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở miền Nam và chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến nếu thực dân Pháp xâm lược nước ta một lần nữa.
Trong bối cảnh đó, Ban Huyện uỷ Hà Quảng chủ trương củng cố và tăng cường hơn nữa sức mạnh của chính quyền cách mạng. Từ cuối năm 1945, Ban Huyện uỷ đi vào tổ chức bộ máy các cấp, từ các đoàn thể cứu quốc đến chính quyền, tổ chức lực lượng du kích được trang bị vũ khí có trách nhiệm bảo vệ nhân dân, làng bản.
Ngày 06-01-1946, Uỷ ban nhân dân lâm thời đã tổ chức cho nhân dân bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Cũng như nhân dân cả nước, trên 90% nhân dân các dân tộc Hà Quảng với niềm phấn khởi, tự hào đã nô nức đi bỏ phiếu bầu ra những người xứng đáng nhất, những người có đủ năng lực, uy tín để thay mặt nhân dân quản lý Nhà nước, quản lý xã hội. Kết quả nhân dân Hà Quảng đã góp phần cùng cả tỉnh bầu được 4 đại biểu của tỉnh vào Quốc hội khoá I là các đồng chí Vũ Anh, Dương Kim Đao, Nguyễn Khánh Kim, Dương Đại Lâm, trong đó đồng chí Dương Đại Lâm là con em của quê hương xã Trường Hà, Hà Quảng. Cuộc tổng tuyển cử thực sự là một cuộc động viên chính trị rộng lớn, sâu sắc, biểu thị sức mạnh đoàn kết và lòng tin của nhân dân vào chế độ mới, đồng thời biểu thị quyết tâm của nhân dân ta trong việc xây dựng nhà nước của mình.
Cuối tháng 3-1946, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, nhân dân các dân tộc Hà Quảng tiến hành bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh. Ở cấp huyện và các xã sau đó cũng tổ chức bầu cử đạt kết quả tốt. Ngay sau khi bầu cử, Ủy ban hành chính huyện được thành lập và thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động xã hội, trực tiếp chăm lo xây dựng, ổn định đời sống nhân dân. Đồng chí Hoàng Tô được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện.
Thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đã tạo ra thế và lực mới cho cách mạng chống lại mọi thế lực hòng lật đổ chính quyền còn non trẻ của ta. Sau cuộc bầu cử, chính quyền cách mạng mới tiếp tục đẩy mạnh công tác củng cố các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, lãnh đạo quần chúng nhân dân xây dựng chế độ mới, tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt về sản xuất, chống giặc đói, diệt giặc dốt và giặc ngoại xâm, tích cực tăng cường lực lượng cách mạng sẵn sàng chuẩn bị cho kháng chiến.
Về công tác củng cố tổ chức Đảng, từ tháng 7-1946, đồng chí Hoàng Tô được tỉnh điều động nhận công tác khác (Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh), đồng chí Đàm Ngọc Côn được Ban Huyện uỷ cử giữ chức vụ Bí thư Huyện uỷ, đồng thời phụ trách công tác quân sự (do chưa có cán bộ chuyên trách), đồng chí Nông Thị Trưng làm Phó Bí thư, đồng chí Nông Tư Bào làm Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện và đồng chí Nông Quảng Đại làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh huyện. Những nhiệm vụ chủ yếu của Ban Huyện uỷ thời kỳ này là: Tập trung lực lượng quân sự lên phía biên giới Nặm Nhũng để dẹp bọn thổ phỉ Dính Hoà và bọn Sứ Khì, Hải Quáng…; Thành lập chi bộ ghép ở các ngành, các giới của huyện và lập chi bộ ghép ở các xã, điều động số cán bộ là đảng viên cho hợp lý; Thành lập Uỷ ban hành chính xã, tách Uỷ ban Mặt trận Việt Minh và Uỷ ban hành chính riêng, nhất là những xã mới giải phóng; Thành lập Ban chấp hành các giới ở huyện và các xã; Tổ chức du kích xã và vận động thanh niên tòng quân bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương; Phát động phong trào học chữ quốc ngữ, Bình dân học vụ, nhất là thanh niên mù chữ; Vận động nhân dân sản xuất, ủng hộ lương thực, thực phẩm cho cán bộ, bộ đội; Vận động đời sống mới trong nhân dân về vệ sinh phòng bệnh chăm sóc sức khoẻ, giảm bớt ma chay cưới xin… Mỗi tháng Ban Huyện uỷ tổ chức họp một lần, nội dung do Bí thư Huyện uỷ chuẩn bị. Đến cuối năm 1946, Tỉnh uỷ điều động đồng chí Đàm Ngọc Côn đi nhận công tác khác (làm Bí thư Huyện uỷ Bảo Lạc), đồng chí Nông Thị Trưng được cử làm Bí thư Huyện uỷ.
Ngay sau khi phát xít Nhật rút khỏi Hà Quảng, vấn đề đặt lên hàng đầu là đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, Ban Huyện uỷ đã lãnh đạo, vận động nhân dân tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và làm dấy lên phong trào thi đua sôi nổi trong quần chúng nhân dân nhằm tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm đảm bảo cho đời sống nhân dân và đóng góp cho các đơn vị quân đội đóng quân tại địa phương. Các lực lượng vũ trang đã cùng nhân dân hăng hái lao động sản xuất, tận dụng khai phá đất hoang, nêu cao khẩu hiệu "tấc đất tấc vàng", từ nương rẫy đến các mảnh đất quanh nhà, vườn hoa cũng được cuốc lên để trồng rau màu. Những nơi trước đây là đồn bốt của địch nay cũng được san phẳng để trồng ngô, khoai, sắn. Chính quyền cách mạng tiến hành tịch thu ruộng đất của bọn tay sai phản động chạy theo giặc đem chia cho dân cày nghèo.
Để đảm bảo nhu cầu chi tiêu và khắc phục những khó khăn trước mắt về tài chính, Chính phủ mở cuộc vận động Tuần lễ vàng để động viên nhân dân có vàng bạc kim khí quý ủng hộ Chính phủ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Ban Huyện uỷ quyết định họp Ban Mặt trận Việt Minh và Uỷ ban hành chính huyện bàn biện pháp cụ thể để tổ chức giáo dục động viên nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống quê hương cách mạng mà đóng góp ủng hộ Chính phủ. Qua tổ chức giáo dục, nhân dân rất tin tưởng, phấn khởi, nhiệt tình hưởng ứng, nên tự nguyện góp vàng và tiền vào công quỹ kháng chiến, điển hình là các ông Lâm Hoàng, Sầm Di Phắn ở Nà Giàng (xã Phù Ngọc). Ở Sóc Giang, có bà cụ hơn 70 tuổi đi bán củi chưa về đến nhà đã vào ngay nơi tiếp nhận lấy cái vòng cổ để ủng hộ kháng chiến với tấm lòng thành thật và vui vẻ. Kết quả chỉ trong một tuần,riêng nhân dân Sóc Giang đã ủng hộ, quyên góp được 125 chiếc vòng bạc, 269 chiếc nhẫn bạc, 9 đồng cân tiền đồng đen và 15 kg đồng đỏ.
Thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về diệt giặc dốt, Ban Huyện uỷ đã quan tâm đến các hoạt động văn hoá giáo dục, duy trì các lớp bình dân học vụ(lương của giáo viên do nhân dân đóng góp) nhằm động viên mọi tầng lớp nhân dân đi học, không phân biệt dân tộc, giàu nghèo, không kể nam nữ, già trẻ, ai cũng được đi học văn hoá. Đặc biệt ở một số xã còn có hình thức khéo léo động viên, buộc mọi người phải đi học: đó là bất cứ ai đến chợ đều được kiểm tra, người nào đọc được chữ thì được vào cổng biết chữ, người nào không đọc được thì vào cổng chưa biết chữ, trên cổng dán hai câu ca dao:
Cô kia má đỏ hồng hồng
Vì không biết chữ nên chồng cô chê.
Hay “Gần chắc slư lẻ quá cổng hoa, cổng bióoc, bấu chắc slư lẻ quá cổng mà nam vặc” (nghĩa là: người biết chữ đi qua cổng hoa, không biết chữ thì đi đâu cũng vướng). Do đó, phong trào học văn hoá ở Hà Quảng ngày càng sôi nổi, số người biết chữ ngày càng nhiều, đã tăng cường sự hiểu biết cho nhân dân, đưa nhân dân các dân tộc dần thoát khỏi sự dốt nát tối tăm do chế độ thực dân, phong kiến trói buộc.
Về mặt y tế: thời Pháp thuộc, Hà Quảng có một cơ sở y tế với một y tá chỉ phục vụ cho bọn đế quốc phong kiến. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, vừa được giải phóng, Ban Huyện uỷ đã chú ý ngay đến công tác y tế, tiếp tục xây dựng cơ sở y tế, nhưng thuốc men rất thiếu thốn. Thời kỳ này nhiệm vụ chủ yếu là giáo dục nhân dân phòng bệnh là chính, đồng thời phát hiện, kê khai lập danh sách những người biết thuốc nam và cách chữa bệnh bằng thuốc nam. Huyện cũng tổ chức cuộc họp phổ biến cây thuốc, cách chữa và tổ chức trồng cây thuốc, nhất là cây thuốc chữa những trường hợp cấp cứu gẫy xương chảy máu và chọn một số đi phục vụ bộ đội.
Về mặt xã hội đã có những bước phát triển mới, tốt đẹp hơn. Được sự hướng dẫn giáo dục của cấp uỷ Đảng các cấp và Mặt trận Việt Minh, nhân dân đã tự giác dần dần bỏ tục lệ cúng bái, mê tín dị đoan, ma chay, cưới xin bắt đầu được tổ chức theo nếp sống mới. Những bài hát, bài ca cách mạng bước đầu được lưu truyền phổ biến trong nhân dân, thu hút các tầng lớp nhân dân vào các buổi học tập sinh hoạt văn nghệ. Các lớp học văn hoá, văn nghệ còn là nơi hội tụ của nhân dân các dân tộc trong xã, càng làm tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc.
Một đặc điểm nổi bật ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Hà Quảng đã là "châu hoàn toàn" với nhiều "xã hoàn toàn", "tổng hoàn toàn". Đó là điều kiện rất thuận lợi để Ban Huyện uỷ và Uỷ ban lâm thời huyện tập trung lãnh đạo nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong huyện tạo thành một lực lượng thống nhất, vững mạnh. Lực lượng dân quân tự vệ được chấn chỉnh, sắp xếp lại, các xóm thành lập các tiểu đội, mỗi thôn lập một trung đội, xã lập ra đại đội dưới sự chỉ huy của xã đội. Lực lượng tự vệ được chia thành hai bộ phận: tự vệ thường làm nhiệm vụ tuần tra canh gác, bảo vệ xóm làng, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân; tự vệ chiến đấu làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu đánh giặc trừ gian và bổ sung vào bộ đội giải phóng quân. Nhờ vậy, chính quyền cách mạng tuy mới được thành lập, quê hương mới được giải phóng vẫn được bảo vệ toàn vẹn, tình hình chính trị an toàn xã hội được giữ vững.
Nhân dân vừa tập trung xây dựng, củng cố chính quyền, lo đối phó với quân Tưởng, thổ phỉ, vừa ra sức ủng hộ, chi viện cho Nam Bộ kháng chiến chống Pháp. Sôi sục căm thù thực dân Pháp, phong trào ủng hộ kháng chiến miền Nam diễn ra sôi nổi khắp toàn quốc. Tại Cao Bằng đã thành lập "Phòng Nam Bộ" để ghi tên những người tình nguyện ra mặt trận.
Để góp phần vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của cả nước, sau khi cuộc kháng chiến bùng nổ ở Nam Bộ, những người con ưu tú của Hà Quảng đã hăng hái lên đường cùng nhân dân ta ở miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến, tiêu biểu như đồng chí Đàm Minh Viễn
[33]. Đồng chí là một cán bộ quân sự có kinh nghiệm, làm Tham mưu trưởng hơn 20 Chi đội Nam tiến từ Việt Bắc ra đi gồm những cán bộ, chiến sĩ ưu tú đã được huấn luyện quân sự, có kinh nghiệm chiến đấu do đồng chí Hoàng Đình Giong (tức Võ Văn Đức) chỉ huy. Trong những ngày tham gia chiến đấu ác liệt tại các chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng chí đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh anh dũng, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.
Bên cạnh đó, với đặc thù là một huyện vùng cao có đường biên giới giáp nước bạn Trung Quốc, nhân dân Hà Quảng cũng đã thể hiện tình đoàn kết thuỷ chung, gắn bó giữa nhân dân hai nước. Từ giữa năm 1945, cuộc chiến tranh chống Nhật của nhân dân Trung Quốc bước sang giai đoạn gay go quyết liệt, nhân dân Bình Mãng (Trung Quốc) chạy trốn sang các xóm làng biên giới bên Việt Nam để lánh nạn. Được sự chỉ đạo của Đảng, Uỷ ban hành chính, nhân dân biên giới mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã tận tình giúp đỡ, thu xếp cho chỗ ăn ở mỗi lần vài tháng.
Một năm đầu tiên xây dựng chính quyền trong bối cảnh hết sức khó khăn song với sự nỗ lực của Ban Huyện uỷ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, cùng với các chính sách mới về kinh tế - xã hội của Chính phủ giúp cho nhân dân vượt qua khó khăn thử thách, tạo niềm tin vững chắc vào chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ, một lòng một dạ quyết hy sinh, phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng của cách mạng... Đó là những yếu tố tạo nên sức mạnh mới cho Đảng, cho chính quyền cách mạng, tạo thế và lực mới để chúng ta bước vào chuẩn bị cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.
II. CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (12/1946 - 9/1947)Bất chấp những nỗ lực đầy thiện chí của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh, thực dân Pháp bội ước, gây hấn ở Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố lớn khác nhằm mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Trong bối cảnh đó, ngày 18 đến 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp và quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên phạm vi toàn quốc. Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". Lời kêu gọi khẳng định: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc"
[34].
Hưởng ứng quyết định của Trung ương Đảng và "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối tháng 12-1946, Tỉnh ủy Cao Bằng đã triệu tập Hội nghị Ban chấp hành mở rộng đề ra những nhiệm vụ trước mắt cho toàn tỉnh: Tăng cường bộ máy chính quyền các cấp để chỉ đạo kháng chiến; củng cố lực lượng vũ trang, xây dựng kế hoạch phòng thủ; triệt để thực hiện kế hoạch tiêu thổ kháng chiến, cắtđứt các tuyến đường giao thông quan trọng như Quốc lộ số 4, số 3, số 3b nhằm ngăn bước tiến của quân Pháp, xây dựng các căn cứ kháng chiến ở tỉnh cũng như ở cơ sở, bố trí các khu an toàn cho nhân dân tránh địch khủng bố; củng cố khối đoàn kết dân tộc, tăng cường hoạt động của Việt Minh và Mặt trận Liên Việt; ra sức xây dựng hậu phương vững mạnh nhằm huy động sức người sức của phục vụ kháng chiến. Ngày 17-02-1947, Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính tỉnh ra lời kêu gọi “Tăng gia sản xuất để phục vụ kháng chiến”. Lời kêu gọi nêu rõ: “Giữa lúc mà Tổ quốc đang lâm nguy, bổn phận của mỗi người công dân là phải nỗ lực làm việc, tăng gia sản xuất để góp một phần xương máu vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược”.
Cuối năm 1946, đầu năm 1947, tình hình Hà Quảng lại có nhiều diễn biến phức tạp mới. Một số tổ chức phản động bắt đầu xuất hiện, bọn thổ phỉ gây ra các vụ cướp của, giết người, nhân dân bên kia biên giới Trung Quốc dưới chế độ Quốc dân Đảng khi có lộn xộn, khó khăn lại di cư sang các xóm sát biên nước ta trú nạn làm cho tình hình càng thêm phức tạp. Một số địa chủ, phú nông, những người có chức, có quyền bị xoá bỏ sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công và các phần tử xấu cũng có biểu hiện tư tưởng thiếu lòng tin ở cách mạng. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, các chi bộ đã chỉ đạo đảng viên, quần chúng nhân dân kiên quyết đấu tranh, phát hiện, tố giác và trừng trị thích đáng những đối tượng ra mặt chống phá chính quyền cách mạng.
Bước sang năm 1947, cuộc kháng chiến chống Pháp tiếp tục lan rộng, thực dân Pháp tăng cường mở rộng chiến tranh lên Việt Bắc. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Hà Quảng đã tích cực chuẩn bị đối phó với địch và sẵn sàng đón các đơn vị bộ đội, các cơ quan của tỉnh có thể sơ tán lên Hà Quảng khi thực dân Pháp đánh chiếm thị xã. Huyện uỷ đã chọn Sóc Giang – xã biên giới, nơi có phong trào cách mạng mạnh, giành được chính quyền cách mạng sớm nhất làm căn cứ cho cuộc kháng chiến. Đồng thời chỉ đạo các chi bộtổ chức giáo dục cho nhân dân nhận thức rõ: thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, nhân dân ta phải cảnh giác, kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm đảm bảo được đời sống và bán cho các cơ quan, đơn vị đóng tại địa phương. Tạo mọi điều kiện tốt nhất, bảo vệ, giúp đỡ khi có cơ quan, đơn vị quân đội đến đóng tại địa phương. Củng cố, kiện toàn lực lượng bộ đội địa phương, dân quân tự vệ từ xóm, thôn, xã đến huyện, có kế hoạch phối kết hợp với các cơ quan, các đơn vị bộ đội tuần tra canh gác, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ và giúp địa phương khác chiến đấu. Tiếp tục duy trì các lớp bình dân học vụ, chống những tập tục xấu, tăng cường củng cố các đoàn thể trong mặt trận Việt Minh và các tổ chức cơ sở đảng.
Về công tác quân sự, chỉ trong một thời gian ngắn, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ được tăng cường về số lượng và chất lượng. Ngày 15-4-1947, Tỉnh đội bộ dân quân được thành lập; ngay sau đó, Huyện đội bộ Hà Quảng cũng được thành lập; ở cấp xã thành lập Ban chỉ huy xã đội. Tuy vậy, vũ khí và lương thực cung cấp cho bộ đội còn nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn dựa vào sự giúp đỡ, đóng góp của nhân dân. Huyện vận động nhân dân tổ chức xây dựng và duy trì tốt các "hũ gạo tiết kiệm" nhằm giúp đỡ người nghèo và góp phần ủng hộ kháng chiến. Các gia đình mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đã nhiệt tình hưởng ứng. Ở một số xã như Phù Ngọc, Hạ Thôn
[35]… và vùng Tổng Cọt (xã Mã Ba)
[36], mỗi gia đình đóng góp một ống lương thực, tương đương 1 kg.
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện ủy, nhân dân các dân tộc Hà Quảng đồng tâm hiệp lực, đoàn kết cùng nhân dân trong toàn tỉnh và cả nước sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến.
III. NGĂN CHẶN CUỘC TIẾN CÔNG XÂM LƯỢC CỦA THỰC DÂN PHÁP (1947 - 1949)Sau khi chiếm xong một số tỉnh, thành phố đồng bằng và trung du, từ giữa năm 1947, thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến tranh bằng các cuộc càn quét, tiến công của bộ binh và cho máy bay oanh tạc khắp núi rừng Việt Bắc hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Ngày 09-10-1947, Pháp cho 300 quân nhảy dù xuống thị xã Cao Bằng. Ngay khi địch mới đặt chân đến thị xã, chúng đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của quân và dân ta.
Sau khi chiếm xong thị xã (ngày 10-10-1947), thực dân Pháp dùng chiến thuật "vết dầu loang" đánh chiếm ra các vùng xung quanh, chúng lần lượt chiếm các huyện Hoà An, Thạch An, Nguyên Bình, Phục Hoà, Trấn Biên
[37] và Quảng Uyên. Đến cuối năm 1947, địch tập trung vào xây dựng một số vị trí chính ở thị xã Cao Bằng, Nước Hai, Sông Mãng, Nguyên Bình, Tĩnh Túc, lập đồn trại, xây thành luỹ, đào hầm, hào giao thông, đồng thời tăng cường mọi thủ đoạn chính trị hòng mua chuộc nhân dân, tổ chức đội ngũ tay sai, liên lạc với thổ phỉ. Tuy không tấn công mặt chính diện lên Hà Quảng song một mặt chúng cho máy bay bắn phá Sóc Giang và các xóm xung quanh làm một số nhà bị cháy, một số dân bị thương; mặt khác dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt như: tập trung bọn phản động, kẻ xấu gây rối bằng nhiều hình thức hòng uy hiếp tinh thần cách mạng của nhân dân
[38]. Nhân cơ hội đó, bọn Quốc dân Đảng - Tưởng Giới Thạch ở Bình Mãng (Trung Quốc) cũng ra mặt điều tra lực lượng Giải phóng quân Trung Quốc đang bí mật hoạt động ở huyện. Ngoài ra, ở huyện còn xuất hiện nạn tiền giả mệnh giá 50 đồng do thực dân Pháp và đặc vụ Tưởng in ở biên giới chuyển vào hòng phá hoại nền tài chính của ta, nhưng đã bị ta khám phá, bắt giữ
[39]. Do đã được giáo dục từ trước, với tinh thần cảnh giác cao, nhân dân đã thực hiện tốt khẩu hiệu "ba không" (không thấy, không biết, không có). Qua phát động, nhân dân đã phát hiện tố giác các trường hợp vi phạm; dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, các xã đã kiên quyết xử lý đối với kẻ đầu sỏ, và khoan hồng với những người ra đầu thú và biết hối cải.
Trước tình hình đó, ngày 15-10-1947, Trung ương Đảng ra chỉ thị "Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp". Đầu tháng 11-1947, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh họp quyết định đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích trong toàn tỉnh, quyết tâm đẩy lùi cuộc tiến công của địch, chủ động đánh địch ở mọi nơi.
Thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Trung ương Đảng và Tỉnh uỷ, Huyện uỷ, Uỷ ban Kháng chiến kiêm Hành chính huyện
[40] đã lãnh đạo nhân dân thực hiện triệt để kế hoạch “tiêu thổ kháng chiến”, “vườn không nhà trống". Nhân dân tổ chức phá đồn Sóc Giang và cơ quan huyện lỵ, nhân dân ở các xóm gần đồn và huyện lỵ sơ tán vào các xóm gần rừng núi cất dấu của cải, gia súc gia cầm, không để kẻ địch cướp bóc. Tổ chức lực lượng dân quân từng làng xóm, xã thường trực ngày đêm, khi nghe tiếng máy bay thì gõ mõ báo động kịp thời cho dân tránh, đêm tuần tra canh gác bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, đối phó kịp thời đối với bọn phản động thổ phỉ cướp bóc gây rối. Huyện đã quyết định chọn Sóc Giang - trung tâm huyện lỵ làm điểm tổ chức màng lưới thông tin liên lạc báo động kiểu "gõ mõ"
[41] tương đối nhanh và đạt hiệu quả tốt. Khi có bọn thổ phỉ đột nhập, hệ thống báo động "gõ mõ liên hoàn" đã phát huy tác dụng tốt. Ngay sau đó, lực lượng dân quân tự vệ và cả nhân dân đã có mặt và kịp thời ngăn chặn hành động phá hoại của chúng. Có lần bọn thổ phỉ từ Trung Quốc sang bắt trộm trâu bò của ta, ta đã nhanh chóng đuổi theo bắt quả tang và giao cho chính quyền Trung Quốc xử lý. Qua đó tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn huyện, do đó chỉ trong vòng 15 - 20 phút là khắp cả huyện biết là báo động máy bay hay có cướp bóc, giúp dân hạn chế được đến mức tối đa thiệt hại về người và của.
Từ trước khi địch nhảy dù xuống thị xã, một số cơ quan của tỉnh, bệnh xá và một bộ phận Trung đoàn 74 sơ tán lên Hà Quảng. Ngoài ra còn có một đơn vị bộ đội Nam lộ quân gồm hơn 1.000 người và một đơn vị công binh xưởng của Giải phóng quân Trung Quốc gồm hơn 50 người đóng quân ở Trung Quốc, do bị Quốc dân Đảng khủng bố, một số cán bộ Trung Quốc hoạt động ở bên Trung Quốc cũng tạm thời rút sang Hà Quảng hoạt động. Do chuẩn bị tốt, nhân dân Hà Quảng đã vui vẻ đón tiếp những cán bộ, chiến sĩ và đồng bào lên sơ tán tại địa phương, đồng thời không quản ngại khó khăn, tạo mọi điều kiện sinh hoạt và luôn chăm lo đến đời sống của những người sơ tán đến, chăm sóc chu đáo những thương bệnh binh.
Tháng 11-1947, tỉnh ra chỉ thị thành lập "Uỷ ban mùa đông kháng chiến", huyện Hà Quảng và các xã đã thành lập ngay "Uỷ ban mùa đông kháng chiến" nhằm động viên nhân dân đóng góp quần áo, chăn màn cho bộ đội trong mùa đông. Chỉ trong một thời gian ngắn, huyện đã nhận được hàng ngàn mét vải ủng hộ bộ đội. Hơn thế, các mẹ, các chị đã tự tay khâu quần áo, tất và giày vải tặng bộ đội. Qua đó thể hiện tình cảm và trách nhiệm của hậu phương đối với tiền tuyến, có sức cổ vũ các chiến sĩ ngoài chiến trường thi đua giết giặc lập công.
Tính từ ngày 9-10-1947 đến tháng 4-1948, quân và dân ta đã tiêu diệt 1.257 tên, trong đó có nhiều sĩ quan cao cấp, làm bị thương 130 tên, phá huỷ 29 xe ô tô, thu nhiều vũ khí, đạn dược. Quân và dân toàn tỉnh đã phối hợp cùng với quân và dân cả nước phá tan cuộc tiến công mùa đông của thực dân Pháp, góp phần làm phá sản chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" của thực dân Pháp buộc chúng phải chuyển sang chiến lược "đánh lâu dài".
Ngày 29-5-1948, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Hà Quảng vô cùng phấn khởi đón nhận tin vui là nơi được tỉnh chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ hai tại Bó Ruồm, xã Đa Thông
[42], tham dự Đại hội có 135 đại biểu. Đại hội đã kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ về mọi mặt trong cuộc kháng chiến, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và biện pháp mới về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng nhằm đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi to lớn hơn. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ gồm 12 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Bùi Bảo Vân làm Bí thư, đồng chí Lê Khắc làm Phó Bí thư.
Đón nhận kết quả Đại hội Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ Hà Quảng đã lãnh đạo nhân dân bước vào thời kỳ mới chăm lo, bảo vệ, xây dựng, củng cố chính quyền, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, tích cực đóng góp sức người sức của sẵn sàng chi viện cho chiến trường, tăng cường đoàn kết nhân dân các dân tộc tạo thành một khối thống nhất, tạo sức mạnh tinh thần vững chắc để chiến thắng kẻ thù. Nhằm củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của cách mạng, từ ngày 1 đến 3-8-1948, Ban chấp hành Đảng bộ huyện họp hội nghị nhằm tổng kết những công tác đã triển khai từ đầu năm 1948 và triển khai những nhiệm vụ tiếp theo. Báo cáo hội nghị nêu rõ: Huyện uỷ tổ chức sinh hoạt Đảng khá đều đặn, tổ chức cơ sở đảng đã phát triển ra khắp toàn huyện, khắp các dân tộc; hầu hết các xã đều thành lập chi bộ riêng, chỉ còn một chi bộ ghép xã Quý Hiệu
[43] - Phúc Dính (thôn Phúc Dính, xã Nội Thôn). Trong tổng số 13 chi bộ xã toàn huyện, có 3 chi bộ khá, 5 chi bộ thường, 5 chi bộ hoạt động còn kém do số lượng cán bộ ít, trình độ học vấn, năng lực công tác còn nhiều hạn chế; những chi bộ hoạt động khá phần lớn là do có các đồng chí Huyện uỷ viên trực tiếp giúp đỡ về nhiều mặt, khi các đồng chí rút về huyện thì chi bộ lại chỉ hoạt động cầm chừng.
Đảng bộ luôn coi trọng công tác phát triển Đảng, xây dựng và phát triển các tổ chức đoàn thể quần chúng làm chỗ dựa cho cán bộ, đảng viên vận động quần chúng, tạo sự thống nhất cao trong hành động. Tính đến tháng 9-1948, toàn Đảng bộ có 154 đảng viên (80 chính thức, 74 dự bị) đều thuộc thành phần trung nông và bần nông sinh hoạt tại 18 chi bộ, tăng 25 đảng viên so với năm 1947; trong đó có 16 đảng viên nữ, 5 đảng viên dân tộc Dao, 55 đảng viên dân tộc Nùng, 93 đảng viên dân tộc Tày, 1 đảng viên dân tộc Kinh
[44]. Song công tác phát triển Đảng mới chỉ tập trung vào vùng dân tộc Tày, Nùng, nơi đã có đảng viên; ít chú ý đến vùng cao, nơi chưa có đảng viên, vùng đồng bào Kinh, Mông, Dao.
Để tăng cường nhân lực vật lực cho cuộc kháng chiến, cuối năm 1948, Chính phủ phát hành "công phiếu kháng chiến", "công trái quốc gia" nhằm động viên nhân dân thi đua mua công trái và công phiếu để lập quỹ kháng chiến. Huyện uỷ, Uỷ ban Kháng chiến Hành chính và các đoàn thể thống nhất tổ chức họp để quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian cuộc vận động và phát động toàn Đảng bộ, toàn dân thi đua mua công trái quốc gia, công phiếu kháng chiến với những khẩu hiệu xác thực và có ý nghĩa động viên, cổ vũ lớn: "mua công phiếu kháng chiến, công trái quốc gia là yêu nước - yêu nước là mua công phiếu kháng chiến, công trái quốc gia" và giao cho từng xã, từng tổ chức đoàn thể theo dõi, động viên chặt chẽ, kịp thời. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và với lòng yêu nước nhiệt thành, nhân dân các dân tộc đã sôi nổi thi đua mua công phiếu, công trái, ai cũng mong muốn mua nhiều nhất có thể để có đóng góp nhiều nhất cho đất nước, cho cuộc kháng chiến mau đến thắng lợi. Tính trung bình mỗi gia đình Hà Quảng đã mua từ 5 - 10 đồng, có một hộ ở Tổng Cọt mua 60 đồng. Có những đơn vị, cá nhân ngày ghi tên mua 2 đến 3 lần, điển hình là ông Vũ Văn Hồng ở phố Sóc Giang (xã Sóc Giang) ghi mua 2.000 đồng đứng đầu toàn huyện Hà Quảng.
Cuối năm 1948, Tỉnh ủy Cao Bằng và Đảng ủy Trung đoàn 74 quyết định phân tán một số cán bộ của trung đoàn về làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, Hà Quảng có Đại đội 666
[45]. Quân Pháp âm mưu đánh chiếm lên Hà Quảng, nhưng Chi tình báo tỉnh đã lấy được kế hoạch tiến công của chúng. Ngày 01-11-1948, khi 200 quân Pháp nhảy dù xuống Kẻ Héc (xã Đại Tiến, huyện Hòa An), rồi dự định từ Kẻ Héc tiến lên Lũng Nọi, Khau Mắt sau đó tiến lên Nà Giàng (Hà Quảng). Nhưng chúng đã bị quân ta bao vây đánh tan tác, vội rút về Nước Hai, âm mưu tấn công lên Hà Quảng hoàn toàn bị thất bại.
Từ cuối năm 1948 đầu năm 1949, cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã thu được nhiều thắng lợi lớn, trên chiến trường Cao Bằng, địch ngày càng mất quyền chủ động, vùng giải phóng ngày càng mở rộng. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng của nhân dân Trung Quốc cũng lớn mạnh về mọi mặt, Giải phóng quân Trung Quốc đang tiến xuống Hoa Nam tấn công mạnh mẽ vào bọn Quốc dân Đảng. Đường cùng, quân Quốc dân Đảng ở Quảng Tây đã chạy về biên giới Việt Trung. Đến khu vực biên giới ở Cao Bằng, chúng tìm cách bắt liên lạc với Pháp ở Cao Bằng để tìm đường thoát. Lúc này, thực hiện "Kế hoạch Rơve" nhằm phong tỏa biên giới, thực dân Pháp xây dựng tới 63 vị trí ở khắp các huyện Hoà An, Nguyên Bình, Trà Lĩnh, Phục Hoà, Quảng Uyên, Thạch An và thị xã Cao Bằng.
Giữa lúc cuộc kháng chiến của ta đang trên đà phát triển và giành nhiều thắng lợi, ngày 03-7-1949, Đại hội đại biểu tỉnh Đảng bộ Cao Bằng lần thứ ba họp ở Nà Giàng, xã Phù Ngọc, Hà Quảng. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 15 đồng chí chính thức và 2 đồng chí dự khuyết. Đồng chí Bùi Bảo Vân được bầu lại làm Bí thư, đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã) làm Phó Bí thư. Đại hội kiểm điểm việc thực hiện chương trình nhiệm vụ của Đại hội lần II và đề ra nhiệm vụ mới, đẩy nhanh cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi. Đại hội nhận định có khả năng tàn quân Tưởng sẽ tràn vào biên giới tỉnh ta, câu kết với Pháp chống phá cách mạng ta và cách mạng Trung Quốc. Do đó, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chủ trương: chuẩn bị mọi mặt để đối phó với tàn quân Tưởng tràn qua biên giới, đẩy mạnh mọi mặt hoạt động kháng chiến.
Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, nhất là Nghị quyết Hội nghị quân dân chính Đảng tháng 11-1949
[46], Đảng bộ Hà Quảng đã tổ chức giáo dục nhân dân đề cao cảnh giác, kịp thời phát hiện và ngăn chặn không cho tàn quân Tưởng tràn sang đất nước ta; nhân dân các vùng gần Quốc lộ 4 (nay là tỉnh lộ 203) và trung tâm huyện lỵ, các thị tứ sơ tán người và của vào các xóm gần núi, xa đường. Trong lúc nhân dân đang gấp rút chuẩn bị thì ngày 18-12-1949, tàn quân Tưởng đã tràn qua biên giới vào Cao Bằng từ nhiều phía. Tại Hà Quảng, ngày 18-01-1950, chúng tràn qua cửa khẩu Bình Mãng vào Sóc Giang; đến ngày 19-1-1950, đến Nà Giàng lại bị quân ta chặn đánh. Đây là toán có quân số lớn nhất, khoảng 3 vạn tên là toán quân của Bạch Sùng Hy, gồm Sư đoàn 19 và Sư đoàn 119, thuộc Binh đoàn 17, do tên Mã Hán Mần chỉ huy, chúng bị Quân giải phóng đánh trên đường rút chạy khi đến biên giới Cao Bằng, quân số chỉ còn chừng 1 vạn quân
[47]. Đi theo chúng còn có cả tên Việt gian phản động Nguyễn Hải Thần cùng một số tùy tùng âm mưu về nước phục thù
[48]. Đến Sóc Giang, chúng đã bị nhân dân và bộ đội địa phương Hà Quảng cùng một bộ phận của Trung đoàn 174
[49] kiên quyết chặn đánh ngay từ đầu. Ta bố trí trận phục kích địch tại làng Kép Ké (cách Sóc Giang 2 km) giam chân chúng trong 4 ngày đêm, chúng phải ngừng lại Sóc Giang và lùng sục các làng xung quanh. Song do tương quan lực lượng chênh lệch, tàn quân Tưởng đã chạy thoát khỏi Sóc Giang. Phán đoán được hướng hành quân của địch, ta đã chọn Nà Giàng (xã Phù Ngọc) làm trận địa chính và Mỏ Sắt (xã Dân Chủ, Hoà An) làm trận địa phụ. Phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương, dân quân, du kích đã chặn đánh ngăn bước tiến của địch buộc chúng phải sa vào trận địa của ta. Ngày 14-01-1950, chúng tiến đến Nà Giàng. Trung đoàn 174 đã điều 2 tiểu đoàn 249 và 250, 1 đại đội trợ chiến, 1 đại đội pháo binh và 2 đại đội địa phương do Chính ủy Chu Huy Mân và Trung đoàn phó Đoàn Trần Phong chỉ huy chặn đánh địch ở Nà Giàng. Tại Nà Giàng
[50], quân ta chặn đánh quyết liệt. Phía trên Sóc Giang ta truy kích địch tới Đôn Chương, Bản Giới (xã Xuân Hoà) khiến chúng không thể vượt qua được để thọc sang Mỏ Sắt về Nước Hai (Hoà An) và thị xã Cao Bằng, nơi đại bản doanh quân Pháp đang đóng giữ. Trong những ngày từ 15 đến 18-01-1950, địch đánh chiếm các đỉnh núi cao và tiến sang Đào Ngạn, một bộ phận lớn đánh dần xuống Lũng Nọi theo hướng về Nước Hai đi thị xã. Từ trên núi đá, quân ta nã đại bác, súng máy, súng cối vào đội hình quân địch. Chúng phải bỏ lại hàng trăm lừa, ngựa, hàng ngàn xác chết và nhiều súng đạn. Sau 19 ngày thấy không thể tiến về thị xã được, số sống sót đã rút trở về cố thủ ở Sóc Giang rồi tạt ngang lên Lục Khu qua phố Trà Lĩnh sang Trùng Khánh, Quảng Uyên, Phục Hoà về Đông Khê. Tàn quân Tưởng bị tiêu diệt. Ý định dựa vào Pháp không thực hiện được, quân Pháp vốn đã hoang mang nay lại càng thêm dao động.
Bên cạnh đó, ta cũng tấn công, bắt giữ, tiêu diệt các tên phản động là tay sai của đặc vụ Tưởng, tiêu biểu là vụ bắt tên Thoòng Éng (tháng 12-1949)
[51]. Bọn tàn quân Tưởng và bọn tay sai của đặc vụ Tưởng trên địa bàn Hà Quảng bị tiêu diệt hoàn toàn, nạn thổ phỉ ở dọc biên giới Sóc Giang - Bình Mãng không còn hoạt động mạnh như trước nữa. Nhân dân yên tâm phấn khởi, tích cực xây dựng huyện thành một hậu phương vững chắc, làm chỗ dựa đắc lực cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Cao Bằng.
Sau khi đánh đuổi tàn quân Tưởng, nhân dân bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất, xây dựng nhà cửa. Vì chiến sự diễn ra trực tiếp tại Hà Quảng trong nhiều ngày liên tục nên đã bị thiệt hại cả về người và của. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện cùng với thắng lợi mới giành được, ta tuy bị thiệt hại nhưng nhân dân vẫn phấn khởi hăng hái sản xuất, giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại. Phong trào thi đua tăng gia sản xuất được đẩy mạnh, nhân dân trồng thêm ngô, khoai, sắn, cấy thêm vụ lúa chiêm, khai thác triệt để các vùng đất bỏ hoang, mở rộng diện tích để có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo đời sống và cung cấp cho quân đội. Trong phong trào bán gạo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh khao quân, Huyện uỷ chỉ đạo, vận động toàn huyện bán được 67.843 kg (thóc, gạo, ngô). Thông qua các đoàn thể quần chúng, nhân dân các dân tộc đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi ủng hộ quần áo, chăn màn, lương thực, thực phẩm nhất là cuộc vận động "Hũ gạo nuôi quân" và "quỹ nghĩa xương". Một phần số lương thực nhân dân quyên góp được chuyển cho các đơn vị bộ đội ở địa phương, một phần dành để hỗ trợ lực lượng dân quân tự vệ làm nhiệm vụ canh gác ở các vị trí xung yếu để bảo vệ nhân dân, bảo vệ sản xuất, phòng gian bảo mật...
Cuối năm 1949, Chính phủ ban hành chính sách thuế công lương điền thổ nhằm dựa vào nhân dân, dựa vào ruộng đất để đóng góp một số lương thực nhất định cho nhà nước để có lương thực cho bộ đội đánh giặc. Chấp hành chính sách trên, Huyện uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính và các tổ chức đoàn thể đã họp kiểm điểm rút kinh nghiệm các cuộc vận động lớn đã qua, đề ra nhiệm vụ cụ thể và bàn biện pháp thực hiện. Huyện cũng phân công cán bộ xuống từng xã vận động, giáo dục nhân dân hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào. Nhân dân phấn khởi, tin tưởng hăng hái nộp thuế cho nhà nước. Kết quả chỉ tính riêng xã Sóc Giang, đến tháng 10-1949 đã nhập kho 25 tấn lương thực.
Trên mặt trận văn hoá kháng chiến, phong trào bình dân học vụ tiếp tục được tổ chức ở khắp nơi, hầu hết vào các buổi tối vì ban ngày nhân dân tăng gia sản xuất. Đầu năm 1949 đã mở được một lớp tại phố Sóc Giang với 20 học sinh. Nghị quyết Hội nghị Viên chức cứu quốc huyện Hà Quảng
[52] khẳng định: Trong năm 1949, viên chức cứu quốc mở một lớp bình dân học vụ buổi tối ở phố Sóc Giang do các ông Nguyễn Thược và Vũ Văn Hoa phụ trách, còn các lớp học tại các điểm sơ tán do ông Nông Văn Độ và Đàm Hồng Thắng phụ trách; tài liệu do phòng thông tin chuẩn bị.
Mùa thu năm 1949, để chuẩn bị mở chiến dịch Biên giới, Trung ương Đảng có chủ trương huy động dân công làm cầu, đường đểvận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược ra tiền tuyến. Thực hiện tốt chỉ thị trên, huyện đã động viên nhân dân phát huy truyền thống quê hương cách mạng, hăng hái xung phong đi phục vụ chiến dịch. Trong quá trình làm việc, mặc dù thực dân Pháp dùng máy bay ném bom, bắn phá, cho quân tập kích vào đoàn dân công, nhưng với tinh thần quyết tâm cao, nhân dân các dân tộc Hà Quảng hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần chuẩn bị cho chiến dịch.
Đầu năm 1950, trước sự phát triển của phong trào cách mạng, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở chiến dịch Phan Đình Phùng đánh vào cứ điểm Đông Khê nhằm tiêu diệt một phần sinh lực địch, đồng thời để rút kinh nghiệm việc huấn luyện bộ đội ta. Trong chiến dịch này, các đại đội du kích và bộ đội địa phương của Hà Quảng đã phối hợp với tiểu đoàn chủ lực của tỉnh và bộ đội địa phương của Hoà An, Nguyên Bình, Bảo Lạc có nhiệm vụ bao vây địch ở thị xã, đánh vào sân bay Nà Cạn làm hướng nghi binh. Đúng như kế hoạch đã định, ngày 25 và 26-5-1950, các lực lượng tham gia chiến dịch đồng loạt đánh địch trên khắp các mặt trận. Thắng lợi của chiến dịch Phan Đình Phùng tạo thêm cơ sở quan trọng để Trung ương Đảng quyết định mở những cuộc phản công lớn hơn trên địa bàn rộng hơn.
Tháng 6-1950, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở thông đường giao thông liên lạc giữa liên khu Việt Bắc với các nước xã hội chủ nghĩa, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.
Đúng 6 giờ sáng ngày 16-9-1950, quân ta nổ súng đánh đồn Đông Khê, chiến dịch Biên giới bắt đầu. Đến ngày 7-10-1950, chiến dịch toàn thắng, ta tiêu diệt 10 tiểu đoàn, chiếm 41% quân số cơ động chiến lược của Pháp ở Đông Dương, bắt và tiêu diệt 8.300 quân Pháp, thu 3.000 tấn vũ khí, giải phóng 5 thị xã, 12 thị trấn và nhiều vùng đất đai quan trọng trên dải biên giới dài 750 km, gồm 35 vạn dân; khai thông tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, nối liền cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.
Thắng lợi của chiến dịch Biên giới năm 1950 là thắng lợi chung của toàn quân dân cả nước trong đó có nhân dân các dân tộc Cao Bằng và nhân dân các dân tộc Hà Quảng. Toàn huyện đã huy động nhân dân đóng góp cho chiến dịch với khả năng cao nhất của mình cả về sức người, sức của với hàng ngàn ngày công phục vụ chiến dịch. Đồng bào các dân tộc Nùng, Mông, Dao ở vùng núi cao chưa từng xa nhà cũng tình nguyện xuống núi đi bạt núi, mở đường, bắc cầu, vận chuyển lương thực, đạn dược bằng đôi vai, bằng ngựa thồ. Hàng ngàn dân công hoả tuyến bám sát trận địa phục vụ bộ đội ăn no, đánh thắng giặc. Xã Đào Ngạn có 300 dân công phục vụ trong đó có 200 dân công hoả tuyến phục vụ tại mặt trận Đông Khê. Ba xã Lũng Nặm, Quý Quân, Phù Ngọc đã có 125 người đi dân công tải đạn, gạo cho mặt trận; xã Sóc Giang huy động 385 người trực tiếp tham gia chiến dịch Đông Khê (hy sinh một người).
Chiến thắng Biên giới mở ra bước ngoặt mới của cách mạng Việt Nam chuyển từ đánh du kích lên đánh chính quy, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc nối liền nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa; trong đó Cao Bằng là một trong những cửa ngõ chính. Sau chiến thắng, Cao Bằng nói chung, Hà Quảng nói riêng hoàn toàn được giải phóng, nhân dân các dân tộc đi vào xây dựng cuộc sống mới, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện sức người sức của cho cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi hoàn toàn.
V. ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN HÀ QUẢNG QUYẾT TÂM XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG CÙNG CẢ NƯỚC ĐÁNH THẮNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1950 - 1954)Ngày 3-10-1950, thị xã Cao Bằng hoàn toàn giải phóng. Nhưng hậu quả chiến tranh còn để lại nặng nề: nền kinh tế kiệt quệ, ruộng đất bỏ hoang, sản xuất đình đốn, đời sống nhân dân nhiều khó khăn… Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của toàn tỉnh là: "phục hồi kinh tế vùng mới giải phóng, cải thiện dân sinh và củng cố các cơ sở đảng, chính quyền, xây dựng Cao Bằng thành một tỉnh căn cứ địa vững mạnh"
[53].
Để hoàn chỉnh phương hướng và nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, từ ngày 10 đến 24-9-1951, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV được triệu tập tại căn cứ Lam Sơn (Hồng Việt, Hoà An). Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng (tháng02-1951), nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ được Đại hội chỉ rõ là: "ra sức xây dựng hậu phương kịp thời phục vụ các chiến dịch góp phần đưa cuộc kháng chiến đến toàn thắng".
Nhằm tăng cường, củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo cốt cán của các huyện, thị, cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh từ ngày 14 đến 19-7-1952 đã tiến hành sắp xếp, bố trí lại cán bộ. Theo Nghị quyết số 38 ngày 31-7-1952 của Ban chấp hành tỉnh Đảng bộ, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Hà Quảng gồm 12 đồng chí (có 11 uỷ viên chính thức và 1 uỷ viên dự khuyết); Ban Thường vụ Huyện uỷ gồm 3 đồng chí trong đó đồng chí Hoàng Quốc Vân (tức Hoàng Tô) làm Bí thư, đồng chí Long Sơn làm Phó bí thư Huyện uỷ.
Sau khi Cao Bằng được giải phóng, các đơn vị quân đội, các cơ quan của tỉnh trú tại Hà Quảng rút đi; các cơ quan của huyện cũng trở lại Sóc Giang hoạt động. Nhân dân các địa phương vùng bị địch chiếm đóng lại trở về xây dựng quê hương trong niềm hân hoan quê hương được giải phóng. Trước sự đổi thay của quê hương, Ban Huyện uỷ đã họp kiểm điểm rút kinh nghiệm và đề ra nhiệm vụ trong thời gian trước mắt, đồng thời quyết định lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất, tiếp tục củng cố, phát triển các tổ chức quần chúng, tăng cường huấn luyện dân quân tự vệ, tiếp tục tuyển quân bổ sung cho lực lượng bộ đội địa phương, luôn nâng cao cảnh giác trước âm mưu và thủ đoạn của địch.
Sau chiến tranh, do khan hiếm thực phẩm dẫn tới sự tăng giá nhanh chóng của các mặt hàng thiết yếu như gạo, muối, thịt. Tính chung giá thực phẩm trong tháng 01-1951 tăng hơn 40% (giá gạo tăng từ 70 đồng/kg lên 100 đồng/kg, giá thịt tăng từ 350 đồng/kg lên 500 đồng/kg) thậm chí giá muối tăng hơn 300% từ 300 đồng/kg tăng lên 1.000 đồng/kg
[54]. Tình hình đó khiến cho đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nhiều con buôn mang trâu, bò, gạo, bông ra ngoài biên giới bán kiếm lãi cao, nhất là các xã sát biên như Sóc Giang, Kéo Yên, Lũng Nặm, Nội Thôn, Cần Yên
[55], Ngoại Trung làm cho tình hình thiếu thốn càng thêm gay gắt. Do vậy, để đảm bảo sức kéo, nguồn lương thực thực phẩm cho nhân dân, Ban chấp hành huyện Đảng bộ Hà Quảng ban hành Chỉ thị số 02-CT/HQ ngày 15-01-1952 về việc ngăn cấm bán bông, trâu, bò, gạo ra ngoài biên giới bằng cách cho dân quân du kích canh gác các ngả đường, nhất là những con đường nhỏ đi trên đồi núi. Hệ thống mậu dịch biên giới được thành lập gồm lực lượng xuất nhập khẩu (8 người), công an biên phòng (2 người) và 3 người ở trạm đổi tiền nhằm kiểm soát người và hàng hoá qua lại biên giới. Do vậy, đã hạn chế được lượng hàng hoá, lương thực thực phẩm xuất qua biên giới, góp phần bình ổn giá cả thị trường và đời sống nhân dân.
Ngày 01-5-1951, Chính phủ ban hành Sắc lệnh về thuế nông nghiệp nhằm huy động sự đóng góp của nhân dân vào ngân sách nhà nước, đảm bảo nhu cầu ngày càng cao của kháng chiến. Để thực hiện tốt chủ trương trên, Ban Huyện uỷ chỉ đạo Uỷ ban Kháng chiến Hành chính huyện tổ chức cho nhân dân học tập chính sách từ đó mở một cuộc vận động sâu rộng trong nhân dân tạo thành phong trào phấn khởi thi đua khắp toàn dân. Do đây là chính sách liên quan trực tiếp đến quyền lợi kinh tế và đời sống của người dân, cũng do nhận thức chưa đầy đủ của một bộ phận nhân dân nên bước đầu thực hiện gặp một số khó khăn, nhất là các hộ phú nông khai không đúng diện tích, chất lượng đất canh tác. Trước tình hình đó, Ban Huyện uỷ đã kịp thời kiểm điểm rút kinh nghiệm và chủ trương dựa vào tầng lớp trung bần cố nông mà phát động cuộc đấu tranh kiên quyết đưa những phần tử xấu, chống đối ra kiểm điểm trước nhân dân thậm chí đưa đi cải tạo; đối với những người là cán bộ, đảng viên mà không thực hiện tốt thì cách chức, kỷ luật Đảng. Kết quả sản lượng thuế nông nghiệp năm 1951 của huyện đạt 10.141.434 kg (quy thóc), bằng 95,26% mức tỉnh giao; đạt thấp nhất là xã Cần Yên (52,73%), cao nhất là xã Lương Thông (111,35%); đã có 7/15 xã đạt và vượt mức kế hoạch đề ra (Nội Thôn, Lũng Nặm, Bình Lãng, Thượng Thôn, Kéo Yên, Lương Thông, Lương Can).
Từ năm 1952, công tác thuế nông nghiệp được Huyện uỷ xác định là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ nên chỉ đạo chặt chẽ ngay từ đầu. Ngày 20 đến 23-9-1952, Hội nghị cán bộ thuế nông nghiệp của huyện Hà Quảng họp và nhận lời thi đuavới huyện Hoà An và thách các huyện Hoà An, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An và Quảng Uyên về thi hành đúng chính sách và đúng thời hạn, nộp thóc nhanh, đủ và thóc tốt. Do đó, huyện đã xây dựng kế hoạch thu thuế nông nghiệp, chỉ đạo các xã thành lập Ban hanh thu gồm 6 người trong đó có đại biểu uỷ ban, Ban chi uỷ, nông hội, thủ kho; ban chia làm hai bộ phận: bộ phận thu nhận tiền và bộ phận thu nhận thóc; đồng thời định mức thu cụ thể về tiền, thóc đối với từng xã cụ thể để tiện cho cán bộ làm thuế và nhân dân triển khai thực hiện. Chỉ tính từ ngày 15-11 đến ngày 5-12-1952, số thuế đã thu được là 27.879 kg (quy thóc) góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu thuế nông nghiệp của toàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thu thuế vẫn mắc phải một số sai phạm như: ở một số xã cán bộ đi khám thóc của nhà dân hoặc để nhân dân tự khám nhà của nhau đã gây tình trạng mất đoàn kết ở nông thôn. Khi bình mức thì gò ép lên quá cao, nhiều người không đủ khả năng đóng góp, có người phải đi chợ mua thóc về nộp.
Để đảm bảo cung cấp cho nhu cầu tiền tuyến ngày càng lớn, nhận thức rõ "việc sửa chữa đường cầu phà là một nhiệm vụ kháng chiến kiến thiết", huyện đã tập trung sức thực hiện chiến dịch sửa chữa cầu, đường và chiến dịch sản xuất gỗ tà vẹt. Đầu năm 1951, tỉnh giao cho Hà Quảng sản xuất 8.000 thanh gỗ tà vẹt. Sản xuất gỗ tà vẹt trở thành chiến dịch đột xuất của cả huyện. Huyện đã thành lập Ban chỉ huy sản xuất gỗ tà vẹt gồm 6 đồng chí - do đồng chí Lê Văn Thiên, Tỉnh uỷ viên làm trưởng ban; đồng thời cử cán bộ văn phòng Uỷ ban Kháng chiến Hành chính và Huyện uỷ xuống giúp các xã huy động nhân công làm gỗ tà vẹt. Công trường sản xuất gỗ được đặt tại xã Xuân Hoà
[56](từ làng Vỏ Viểt đến Chỉnh - xỏm theo dọc bờ sông Đôn Chương dài 9 - 10 km). Mặc dù gỗ trong rừng còn ít, nhân lực thiếu, nhưng chỉ trong hai tháng 5 và 6-1951, toàn huyện đã huy động vào chiến dịch này 2.338 người, sản xuất được 2.449 thanh tà vẹt, góp phần cùng toàn tỉnh giành được cờ thi đua khá nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cùng với chiến dịch sản xuất gỗ tà vẹt, huyện đã tiến hành sửa chữa tất cả các tuyến đường chính trên huyện bao gồm: đường xe Sóc Giang - Nà Giàng - Khau Mắt, đường Đôn Chương - Nặm Nhũng - Tổng Cọt, Sóc Giang - Mỏ Sắt, Sóc Giang - Bó Gai, Bó Gai - Trung Thắng, Trung Thắng - Bình Lãng, Trung Thắng - Mỏ Sắt… Trong hai năm 1951 - 1952, ngoài số dân công tham gia sản xuất gỗ tà vẹt, Hà Quảng đã huy động 7.985 lượt người đi dân công, có đợt dài từ 7 - 10 ngày (trong đó có một đội lão thành xung phong) để làm đường, xẻ ván Lũng Quang, làm 14 kho thóc thuế nông nghiệp ở 5 xã Lương Can, Đa Thông, Sóc Giang, Xuân Hoà và Đào Ngạn, làm gỗ Tài Hồ Sìn…; ngoài ra còn một số dân công chuyển vận tiếp tế làm nhà cho bộ đội và làm diêm tiêu. Đặc biệt, chiến dịch sửa đường đầu năm 1951 của huyện đã huy động được sự hưởng ứng của những người Hoa kiều cư trú tại địa phương. Giữa tháng 02-1951, Lý sự phân hội Hoa kiều Nà Giàng (xã Phù Ngọc) đã huy động và cùng dân chúng dành 150 ngày công sửa đoạn đường từ đầu cầu Nà Giàng đến Kéo Sam Kha dài 1 km, và được Uỷ ban Kháng chiến Hành chính tỉnh viết thư khen ngợi.
Trên mặt trận kinh tế, nhân dân đã hưởng ứng cuộc vận động tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm do Đảng và Chính phủ phát động. Trong 6 tháng đầu năm 1952, huyện đã mở được 2 lớp huấn luyện sản xuất tiết kiệm cho 113 người tham dự, ở các xã đã mở 13 lớp huấn luyện với 345 người được học tập. Do đó đã dấy lên phong trào thi đua sản xuất tiết kiệm trong toàn huyện. Ở các xóm thành lập nhiều nhóm sản xuất tiết kiệm gồm từ 5 - 7 gia đình, trong xóm cử ra một ban đôn đốc sản xuất tiết kiệm gồm 3 người. Quan tâm tới công tác thủy lợi, huyện chỉ đạo và cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn, theo dõi, đốn đốc việc xây dựng 2 mương, 6 phai nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở các xã. Tại các cơ quan công sở cũng xây dựng chỉ tiêu sản xuất tiết kiệm cụ thể: mỗi nhân viên mỗi tháng phải sản xuất 6 kg rau xanh, 10 kg thịt. Về sản xuất tiểu thủ công nghiệp, bên cạnh những nghề truyền thống, đến đầu năm 1953, huyện bắt đầu gây cơ sở nghề chế biến bông bằng máy bật bông kiểu mới nhằm giải quyết phần nào nhu cầu bông cho nhân dân và bộ đội.
Hưởng ứng chủ trương phát hành công trái kháng chiến của Trung ương, từ tháng 3 đến tháng 8 - 1951, nhân dân các dân tộc Hà Quảng đã mua công trái kháng chiến bằng 115.960 kg thóc (trị giá 13.915.200 đồng Ngân hàng), đồng thời cho Chính phủ tạm vay 56.255 kg thóc, ngô góp phần giúp Nhà nước giải quyết những khó khăn trước mắt và nhu cầu của cuộc kháng chiến ngày càng tăng. Về thuế công thương nghiệp, riêng 6 tháng đầu năm 1952, huyện đã thu được 48.519.909 đồng Ngân hàng, tịch thu được 41 lạng 8 đồng cân thuốc phiện.
Song song với việc đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống vật chất cho nhân dân, Đảng bộ rất coi trọng công tác bình dân học vụ, tiếp tục thanh toán nạn mù chữ cho cán bộ và nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người, vùng sâu, vùng xa. Tính đến năm 1952, toàn huyện đã có 26 giáo viên trong đó có 1 nữ, có 44 lớp học với 727 học sinh (450 nam, 277 nữ); tiểu học có 14 giáo viên, 23 lớp với 599 học viên (510 nam và 89 nữ). Những tập tục lạc hậu trong cưới xin, ma chay được giảm bớt như giảm bớt ½ thịt và rượu. Nhân ngày Thương binh tử sĩ 27-7-1951, nhân dân toàn huyện đã đóng góp ủng hộ kháng chiến được 921.150 đồng, mua 1 con bò, 5 chiếc khăn mặt ủng hộ những gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách.
Về y tế, năm 1950, huyện có một nữ y tá, một tá dịch, một nữ hộ sinh. Nhưng từ ngày y tá đi phục vụ chiến dịch sản xuất tà vẹt, huyện chỉ còn tá dịch và nữ hộ sinh. Do trình độ chuyên môn năng lực còn hạn chế, hầu như chỉ hoạt động ở các xã lân cận trung tâm huyện lỵ, mặt khác do thiếu thuốc men nên không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân. Ở các xã, hệ thống y tế thôn quê do không được đào tạo, thiếu sự hướng dẫn của y tá huyện, thiếu thuốc men nên đã tạm dừng hoạt động. Ở vùng Lục Khu và một số xã vùng đồng thường xảy ra các bệnh lỵ, sốt rét ảnh hưởng không tốt đến đời sống nhân dân.
Công tác củng cố các chi bộ đảng, làm cho chi bộ vững mạnh đủ sức lãnh đạo các mặt công tác được huyện coi trọng. Năm 1950, toàn huyện có 18 chi bộ (15 chi bộ xã, 3 chi bộ cơ quan, công sở), 17 chi bộ chính thức, 1 chi bộ dự bị (Nội Thôn), có 15 chi bộ đã thành lập Ban chi uỷ còn 3 chi bộ chưa đủ điều kiện để thành lập (Nội Thôn, Lương Thông, Bình Lãng); có 3 chi bộ có Ban chi uỷ gồm 7 đồng chí, 9 chi bộ có Ban chi uỷ gồm 5 đồng chí, 3 chi bộ cơ quan, công sở có Ban chi uỷ gồm 3 đồng chí. Tính đến năm 1952, toàn Đảng bộ có 672 đảng viên, 578 chính thức và 94 dự bị. Số đảng viên nói chung đều hăng hái, nhiệt tình song do trình độ năng lực còn hạn chế (nhiều đồng chí chi uỷ viên còn mù chữ) nên đã ảnh hưởng đến chất lượng công tác. Để nâng cao trình độ nhận thức cho các đồng chí chi uỷ viên của các xã, tháng 01-1951, huyện đã mở một lớp bồi dưỡng uỷ viên cho các đồng chí mù chữ thời gian học 25 ngày, có 26 người tham dự.
Về xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, sau chiến dịch sửa đường làm gỗ tà vẹt, huyện đã tiến hành củng cố và tổ chức lại đội ngũ dân quân du kích các xã. Tính đến tháng 6-1952, đã củng cố xong cấp chỉ huy xã đội (mỗi xã có 3 người gồm xã đội trưởng, xã đội phó và chính trị viên trong đó có một đồng chí chi uỷ viên phụ trách). Mỗi xã tổ chức một trung đội du kích có 42 người với tổng số 607 người tham gia (do hai xã Đào Ngạn và Phù Ngọc tổ chức không đủ số lượng). Toàn huyện tổ chức được 55 trung đội dân quân với 2.294 người tham gia, có 353 dân quân nữ, 1.941 nam
[57]. Lực lượng dân quân du kích hoạt động chủ yếu là canh gác những người trộm cắp trâu bò, buôn lậu bị bắt và tuần tra kiểm soát, phục kích trên những con đường mà bọn thổ phỉ, đặc vụ, trộm cướp thường qua lại. Dân quân du kích các xã đã góp phần cùng các cấp chính quyền, công an, công an biên phòng phát hiện bắt giữ nhiều vụ trộm cắp, cướp giật trên địa bàn huyện. Về tổ chức lực lượng công an, thực hiện Nghị định số 9-ND ngày 03-01-1952 của Bộ Nội vụ “về việc thành lập Công an huyện” thay cho hệ thống Công an quận thành lập từ năm 1947, cuối tháng 01-1952, Công an huyện Hà Quảng được thành lập do đồng chí Bế Phùng làm Trưởng Công an huyện.
Về công tác quốc phòng - an ninh, sau khi cách mạng Trung Hoa thành công, bọn tàn quân Tưởng bị Giải phóng quân Trung Quốc đánh bại, chạy dạt về vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc trở thành thổ phỉ như Mã Trấn Thình, Triệu Hải Quáng, Nùng Ngán Khoáy… câu kết với bọn lưu manh địa phương lợi dụng địa hình hiểm trở để ấn náu và ráo riết hoạt động ở biên giới vùng Lục Khu, Tịnh Tây. Chúng tổ chức những vụ đón đường cướp của giết người, buôn lậu thuốc phiện, quấy rối trật tự an ninh vùng biên giới. Khi bị Giải phóng quân Trung Quốc tuần tiễu, truy xét thì chúng chạy sang đất ta; trái lại khi lực lượng ta tấn công, chúng lại lẩn trốn vào đất Trung Quốc. Do vậy, việc tiễu trừ chúng trở nên rất khó khăn.
Thực hiện thoả thuận giữa đại diện Công an Cao Bằng và đại diện phân khu Đảng uỷ Long Châu (ngày 10-2-1951), tỉnh điều động cán bộ, bộ đội và công an xuống Hà Quảngđể phối hợp với Giải phóng quân Trung Quốc diệt phỉ. Trong 3 tháng đầu năm 1951, quân giải phóng Trung Quốc dùng đấu tranh chính trị và quân sự phá tan các nhóm phỉ. Một số bị diệt, một số đầu hàng hoặc bị bắt, số sống sót lẩn trốn trong rừng.Ta kêu gọi bọn phỉ ra hàng. Tính chung tại Hà Quảng đã dụ 36 tên phỉ ra hàng
[58].
Sau khi một phần lớn thổ phỉ đã ra đầu hàng , từ tháng 4-1952, ta chủ trương dùng quân sự, phối hợp với huyện Tịnh Tây để vây bắt những tên ngoan cố. Tỉnh đội bộ dân quân cử Đại đội 717 lên Lục Khu làm nhiệm vụ từ ngày 12-4-1951. Khi đó, bọn trùm lưu manh đã ra đầu thú, ta chỉ đi tuần phòng các vùng biên giới để truy bắt bọn tay chân thủ hạ, củng cố nền an ninh trật tự, uy hiếp những tên còn lừng chừng, tuyên truyền và giải thích cho dân chúng về những thắng lợi của ta, thất bại của địch, sự suy tàn của bọn Quốc dân Đảng Trung Hoa và bọn trùm thổ phỉ. Trong thời gian đó, chính quyền và các đoàn thể quần chúng cũng điều tra, lập danh sách những tên lưu manh, lừng chừng ở địa phương thường liên lạc với thổ phỉ hoặc phá hoại công cuộc kháng chiến của ta. Kết quả, ta đã bắt giải nộp lên tỉnh 22 người, ra đầu thú ở huyện 8 người, thu 20 khẩu súng và 300 viên đạn các loại
[59].
Do công tác tấn công chính trị kêu gọi bọn phỉ ra hàng và phối hợp với quân giải phóng Trung Quốc tiến hành tiễu phỉ đạt kết quả tốt, nên tình hình trật tự an ninh ở khu vực biên giới được ổn định. Ta có điều kiện xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng ở vùng biên giới ngày càng vững mạnh. Từ sau chiến dịch tiễu phỉ, dân chúng miền biên giới Việt Nam - Trung Quốc được yên ổn làm ăn và tin tưởng ở Chính phủ, có thêm tinh thần tham gia các công việc kháng chiến kiến quốc ở địa phương.
Tháng 7-1952, sau khi thực dân Pháp thả dù 50 tên biệt kích
[60] xuống vùng Mèo Vạc (Hà Giang) bị quân dân Hà Giang đánh mạnh đã có nhiều tên trốn sang vùng Thông Nông và Lục Khu (Hà Quảng).Trong số đó có tên Dương Mí Sàng
[61] chạy thoát về lén lút gây cơ sở ở vùng Lục Khu (Hà Quảng), Bảo Lạc, Nguyên Bìnhcấu kết với bọn địa chủ gian ác Trung Quốc chạy sang, cùng với bọn tàn phỉ Mã Trấn Thình, Triệu Hải Quáng, bọn lưu manh, bất mãn ở địa phương, hoạt động dưới sự chỉ đạo của đặc vụ GCMA
[62]. Sào huyệt chính là vùng Lục Khu. Địa bàn hoạt động của chúng khá rộng bao gồm các xã Thượng Thôn, Lũng Nặm, Ngoại Trung, Hạ Thôn (Hà Quảng) sang các xã Lưu Ngọc (Trấn Biên), Đức Xuân (Hoà An) và Quốc Toản (Quảng Uyên)
[63]. Hành vi của chúng rất tàn bạo: cướp của, giết người, đốt nhà làm cho nhân dân hoang mang lo sợ, mong muốn sớm có bộ đội du kích đến tiêu diệt. Mặt khác, nhiều lần Pháp cho máy bay thả dù hàng tâm lý và truyền đơn xuống một số địa phương trong huyện nhằm gây hoang mang trong quần chúng, lôi kéo đồng bào chống lại Chính phủ
[64].
Thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/CB ngày 01-9-1952 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng "về chủ trương và kế hoạch của ta đối với những hoạt động chính trị của địch hiện nay", ngày 14-9-1952, Ban Huyện uỷ đã họp hội nghị để nhận định tình hình và đề ra kế hoạch đối phó với các hoạt động chính trị của địch. Hội nghị quyết định thành lập Ban tuyên truyền và củng cố gồm 3 đồng chí do đồng chí Nông Đô Thành - đại diện Huyện đội Hà Quảng làm Trưởng ban. Cùng với đội vũ trang tuyên truyền do Tỉnh đội tăng cường lên Hà Quảng, Ban có nhiệm vụ "điều tra rõ tình hình tin tức của 40 người Mông tụ tập, tiến hành việc tuyên truyền giải thích cho đồng bào hiểu rõ âm mưu thâm độc của địch trong việc nhảy dù Mèo Vạc, và thả truyền đơn xuống Kéo Ma Nen, làm cho đồng bào tin tưởng vào Chính phủ ta, truy nã bọn tàn binh và diệt những ổ lưu manh ở vùng Lục Khu, Kéo Ma Nen, củng cố các cơ sở quân dân chính ở các vùng nói trên"
[65]. Bên cạnh đó, công an xã và dân quân du kích các địa phương nơi đặc vụ hoạt động có nhiệm vụ canh gác và tuần tiễu những đường chúng thường qua lại.
Đầu năm 1953 lại nổi lên hoạt động của bọn thổ phỉ Ké Khoày (tức Dương Văn Khoắn) cầm đầu ở làng Chông Mạ, xã Lũng Nặm
[66]. Ké Khoày cấu kết với một số tên địa chủ cường hào và bọn tội phạm từ Trung Quốc chạy sang như Hoàng Kẹn Cờ, Đặng Tần Hầu, Lầm Nhì, Đặng Sừ Pần… lôi kéo bọn lưu manh, tàn phủ cũ, lừa gạt, ép buộc một số thanh niên người dân tộc thiểu số theo chúng. Chúng hoạt động phản tuyên truyền, gây ra 22 vụ đốt phá, cướp của, giết người và hoạt động mạnh ở các xã Lũng Nặm,Ngoại Trung, Nội Thôn.
Trước tình hình trên, Tỉnh uỷ nhận định: phỉ đang hoạt động mạnh, nếu không sớm giải quyết chúng có thể trở thành tổ chức phỉ lớn. Thực hiện Nghị quyết số 53/NQ-CB ngày 23-7-1953 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng
[67], Ban chỉ huy tiễu phỉ được thành lập gồm 5 đồng chí, do đồng chí Hoàng Khiêm, Huyện đội trưởng huyện Quảng Uyên làm Trưởng ban, trong đó có đồng chí Công Nghĩa, Huyện uỷ viên huyện Hà Quảng và đồng chí Nông ĐôThành, Huyện đội trưởng Hà Quảng. Ta chủ trương dùng phương pháp vận động chính trị là chủ yếu, lấy hoạt động vũ trang gây áp lực, và vận động nhân dân kêu gọi phỉ ra hàng. Lực lượng tiễu phỉ gồm hai trung đội bộ đội địa phương, hai tiểu đội công an bảo vệ, ba đại đội du kích tập trung và một số cán bộ quân dân chính Đảng thuộc các huyện Hoà An, Hà Quảng, Trấn Biên.
Từ đầu tháng 8 đến ngày 21-9-1953, bộ đội của tỉnh phối hợp với dân quân du kích tiến lên vùng Lục Khu (Hà Quảng) và một số xã thuộc huyện Trấn Biên. Trước sức mạnh của quân ta lại được quần chúng giác ngộ, bị tấn công bất ngờ, bọn phỉ không kịp chống trả buộc phải bỏ chạy, hàng ngũ phỉ tan rã dần, một số tên đầu sỏ phải ra đầu thú với chính quyền, những tên chạy trốn cũng lần lượt bị quân ta và giải phóng quân Trung Quốc bắt giữ hoặc tiêu diệt. Ta tiếp tục vận động tuyên truyền giáo dục nhân dân, củng cố lại các tổ chức ở cơsở và tập trung bọn phỉ, bọn có quan hệ mật thiết với phỉ, bọn cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút mở lớp giáo dục cải tạo cho 183 đối tượng (có 80 tên phỉ) trong 3 tháng, làm rõ tội lỗi từng tên phỉ, thu hồi vũ khí chúng còn cất giấu.
Kết quả ta đã tiêu diệt 3 tên (là những tên biệt kích GCMA nhảy dù xuống Mèo Vạc từ tháng 7-1952 chạy sang Cao Bằng lẩn trốn), bắt sống 5 tên, kêu gọi đầu thú, đầu hàng 72 tên, thu 55 súng các loại, 33 dao nhọn và nhiều tài sản đồ đạc của nhân dân bị chúng cướp bóc. Sau 3 tháng tổ chức cho nhân dân học tập, ta tổ chức liên hoan mừng chiến thắng, giao một số lớn phỉ cho gia đình và chính quyền các xã quản lý giáo dục, tạo điều kiện cho họ làm ăn sinh sống, hoàn lương. Từ đây, tình hình vùng Lục Khu dần được ổn định, giải quyết cơ bản nạn thổ phỉ đã tồn tài từ lâu ở vùng này. Chính quyền cơ sở được củng cố, nhận thức của nhân dân được nâng lên, thanh niên tình nguyện đi bộ đội, hăng hái đi dân công, thực hiện tốt chính sách thuế nông nghiệp.
Cuối năm 1953, Trung ương Đảng chủ trương mở cuộc tổng tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ, và ban hành lệnh huy động dân công phục vụ chiến dịch. Thực hiện chủ trương đó, huyện đã vận động tuyên truyền động viên nhân dân các dân tộc phát huy truyền thống quê hương cách mạng mà hăng hái thi đua ra tiền tuyến phục vụ chiến dịch. Xét về khả năng dân công, toàn huyện có 12.280 dân công, chiếm 30% so với dân số toàn huyện (41.641 người); trong đó có 4.950 dân công loại A, 2.390 dân công loại B và 4.940 dân công loại C
[68]. Với tinh thần "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", quân và dân Hà Quảng đã dồn hết sức mình chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Chỉ riêng xã Sóc Giang đã tổ chức được một đội ngựa thồ, một đội xe đạp và một đội dân công gồm 280 người, 12 con ngựa và 8 xe đạp đi phục vụ trong thời gian từ 1 - 3 tháng (riêng đội xe đạp đi gần 4 tháng). Đặc biệt có những gia đình đã đóng góp ủng hộ kháng chiến những tài sản đắt giá của gia đình mình như ông Triệu Văn Mạ, xóm Pác Puồng (nay là Bắc Phương), xã Quý Quân đã ủng hộ cho chiến dịch Điện Biên Phủ một chiếc xe đạp.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử đã kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở ba nước Đông Dương. Những đóng góp về sức người, sức của của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Quảng đã góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến. Trong hoàn cảnh của một huyện miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, lại thường xuyên bị thổ phỉ, đặc vụ quấy phá, huyện đã vươn lên phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo giữ vững trật tự trị an xã hội, trở thành hậu phương vững chắc, xứng đáng với truyền thống là quê hương cách mạng anh hùng.
CHƯƠNG IV
ĐẢNG BỘ HÀ QUẢNG LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN KHÔI PHỤC KINH TÊ, CẢI TẠO VÀXÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI(1955 - 1965) I. KHÔI PHỤC KINH TẾ, CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ - XÃ HỘI, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN (1955 - 1960) Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương. Từ đây, miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, nhân dân vô cùng phấn khởi bước vào xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cùng nhân dân miền Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Thực tế tỉnh Cao Bằng đã được giải phóng từ tháng 10-1950 nhưng do hậu quả chiến tranh còn để lại nặng nề, ảnh hưởng của tàn dư thổ phỉ,lại phải dốc sức người, sức của làm nghĩa vụ hậu phương đối với các chiến trường nên nhân dân các dân tộc Cao Bằng nói chung và Hà Quảng nói riêng tiến hành xây dựng quê hương trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và phức tạp.
Huyện Hà Quảng thời kỳ này có 25 xã với 9 xã vùng thấp và 16 xã vùng cao, gồm có 56 thôn, 447 xóm hành chính
[69]. Tính đến ngày 23-9-1960, toàn huyện có 47.504 người với 6 dân tộc cùng sinh sống bao gồm: dân tộc Tày có 9.482 người, Nùng 27.597 người, Mông 6.328 người, Dao Đỏ 3.422 người, Kinh 214 người, Hoa kiều 397 người; ngoài ra còn có 62 người Hoa vượt biên, 1 người Thái và 1 người Lào. Khó khăn lớn nhất đối với Hà Quảng cũng như toàn tỉnh lúc bấy giờ là tình trạng thiếu cán bộ, nhất là cán bộ xã. Các bộ máy chi uỷ, uỷ ban các xã nói chung đa số không hoạt động hoặc làm chiếu lệ, nhiều xã chỉ có 1, 2 người làm việc; đa số thuộc thành phần kỳ hào cũ, trung nông, thành phần cơ bản chiếm rất ít. Mặt khác do hoà bình đã được lập lại, xuất hiện tư tưởng cầu an hưởng lạc ngại khó trong một số ít cán bộ. Cũng do trình độ, năng lực còn hạn chế (nhiều đồng chí chi uỷ viên, cán bộ uỷ ban không biết chữ), khối lượng công việc lớn nên đội ngũ cán bộ có tư tưởng nản chí, một số xin rút lui.
Hà Quảng là một huyện vùng núi biên giới, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai hạn hán đe doạ, đại đa số là đồng bào các dân tộc thiểu số đời sống gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, vào thời gian giáp hạt, đồng bào thường bị đói rét đặc biệt là vùng rẻo cao
[70]. Huyện vận động nhân dân tương trợ lẫn nhau và các đoàn cứu đói của tỉnh thường đến hoạt động. Kết quả trong 10 xã năm 1955 đã vận động cho vay và ủng hộ 2.527 ống ngô, 1.064 kg gạo, 197 kg thóc, 277 ống mạch và 35.800 đồng ngân hàng. Quỹ Chính phủ cho nhân dân vay thóc để cứu đói và thóc giống để sản xuất: thóc giống riêng hai xã Thượng Thôn và Ngoại Trung vay 927 kg; cho vay để cứu đói trong 5 xã Lương Thông, Đa Thông, Thượng Thôn, Xuân Hoà, Lũng Nặm vay 3.820 kg gạo và 425 kg thóc.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, Đảng bộ Hà Quảng đã tập trung mọi nguồn lực lãnh đạo nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo xã hội chủ nghĩa, bước đầu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân và giành được những kết quả phấn khởi trên mọi lĩnh vực.
Nhiệm vụ cách mạng đặt ra đối với toàn Đảng bộ tỉnh lúc này là phải hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, đặc biệt là giải quyết vấn đề “Người cày có ruộng”, một nhiệm vụ cơ bản của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhằm xóa bỏ tận gốc rễ chế độ phong kiến, xóa bỏ nghèo đói, tạo điều kiện thực hiện sự bình đẳng giữa các dân tộc, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thực tế tình hình sở hữu ruộng đất tại Cao Bằng có nhiều nét khác với các tỉnh miền núi, trung du, đồng bằng miền Bắc. Ở đây sự phân hoá giai cấp chưa rõ rệt, một số ít địa chủ, phú nông ở Cao Bằng thường gắn bó với các chức dịch trong bộ máy quan lại phong kiến thực dân. Hơn nữa, số lượng đồn điền, đất đai tích tụ vào tay điền chủ nên ít địa chủ và đa phần là địa chủ nhỏ (còn gọi là tiểu điền chủ). Mặt khác, trong cách mạng giải phóng dân tộc, một số ít gia đình địa chủ đã từng nuôi và bảo vệ cán bộ hoạt động bí mật, tham gia kháng chiến và gắn bó với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.
Cuối năm 1953, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ phát động quần chúng, triệt để giảm tô và cải cách ruộng đất,Khu ủy Liên khu Việt Bắc đã chỉ đạo thí điểm giảm tô đợt 4 và đợt 5 ở 30 xã thuộc tỉnh Cao Bằng, trong đó huyện Hà Quảng thí điểm giảm tô 3 xã vùng cao: Bình Lãng, Ngọc Động, Thanh Long
[71]; quy 7 địa chủ, 9 phú nông. Khi sửa sai chỉ còn 1 địa chủ (6 địa chủ và 9 phú nông được hạ thành phần xuống nông dân lao động).
Trong khi đang tiến hành thí điểm giảm tô thì đầu tháng 8-1954, từ Trung ương có lệnh hoãn giảm tô ở Cao Bằng, nên các xã mới thí điểm giảm tô ở mức tuyên truyền chính sách, “bắt rễ”, “xâu chuỗi”. Ở Hà Quảng, nhìn chung việc thí điểm giảm tô đợt 4 và 5 đều chưa hoàn thành, chỉ dừng lại ở bước 2 (phân định thành phần giai cấp và đưa ra đấu tố). Như vậy, do đặc điểm riêng về chế độ sở hữu ruộng đất, nên công tác giảm tô ở Hà Quảng đã kịp thời dừng lại, điều này đã giúp huyện tránh được những sai lầm mà nhiều địa phương khác mắc phải, góp phần ổn định tình hình chính trị xã hội, không gây ảnh hưởng đến tình đoàn kết giữa các dân tộc. Tại các xã đã thí điểm giảm tô, nông dân có ruộng đất, trâu, bò cày kéo. Ở những xã chưa thực hiện giảm tô, nhưng do ảnh hưởng của các đợt thí điểm giảm tô và do có sự chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, nhiều địa chủ, phú nông, kỳ hào đã tự nguyện hiến ruộng đất cho dân nghèo. Nhờ đó, tình hình sản xuất từng bước ổn định và đạt được kết quả đáng khích lệ.
Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, năm 1954, do cấp uỷ, chính quyền các cấp còn thiếu kinh nghiệm, chưa sâu sát trong việc chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là do hạn hán kéo dài nên nhiều ruộng rẫy không cày cấy được, mùa màng thất thu dẫn tới sản lượng lương thực giảm sút, làm xảy ra nạn đói, nghiêm trọng nhất là thời gian giáp hạt. Quán triệt tinh thần của Trung ương, của tỉnh phải “cứu đói như cứu hoả”, huyện đã phát động phong trào thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực chống đói và phòng đói, trong đó cấp huyện cử một huyện uỷ viên, một uỷ viên Uỷ ban và một cán bộ văn phòng trực tiếp phụ trách công tác sản xuất. Huyện cũng đã kết hợp với cuộc hội nghị công tác thuế để nghiên cứu kế hoạch sản xuất phòng đói và chống đói, đưa ra thảo luận và giao kế hoạch cụ thể cho từng xã; sau đó, các cán bộ xuống xã trong các cuộc họp thuế ở thôn xóm đều có nhiệm vụ tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tăng gia sản xuất. Tư tưởng chỉ đạo của huyện được xác định rõ: Các xã phải tranh thủ họp để tuyên truyền giải thích nhằm giải quyết vấn đề tư tưởng cho cán bộ và nhân dân; vận động nhân dân tập trung trâu, bò, nông cụ và người những nơi đã cấy xong vận động đi giúp nhau làm trong thời gian ngắn, chậm nhất là trong tháng 7 phải chuyển hướng sản xuất xong toàn bộ ruộng bị hạn; vận động nhân dân tích cực tát nước, đắp phai, đào mương, bắc máng, làm guồng nước để chống hạn. Do trời hạn hán lâu ngày nên vấn đề quan trọng được đặt lên hàng đầu ngay khi bắt đầu sản xuất là vấn đề chống hạn. Huyện tập trung huy động toàn bộ nguồn lực trong nhân dân, lực lượng vũ trang địa phương tích cực làm công tác thuỷ lợi như sửa chữa mương, phai, làm cọn, đắp phai dẫn nướcđể cày ruộng cấylúa chiêm và trồngmàu. Từ đó đã dấy lên phong trào sôi nổi làm thuỷ lợi trong toàn huyện. Chỉ tính riêng trong tháng 8-1955, toàn huyện đã làm thêm được 4 mương nước mới và sửa lại 1 mương cũ, bắc thêm 4 máng nước với tổng chiều dài khoảng 230 m,làm thêm 21 guồng nước mới, trong đó tiêu biểu như thanh niên xóm Nà Giằm, xã Phù Ngọc đã làm được một cái guồng nước cao hơn 11 m.
Huyện vận động nhân dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, chuyển hướng sản xuất nông nghiệp, lấycán bộ xã làmđiểmgương mẫu đểthực hiện như dùng bừa cỏ Nghệ An
[72], trồng lúa chiêm và Nam Ninh, các loại cây màu ngắn ngày như mạch ba góc, khoai lang, kê, đỗ tương, ngô ba tháng… Hầu hết các xãđều tổ chức trồng cácloại giống cây màukhác nhau, trong đó 3 xã Sóc Hà, Xuân Hoà, Đào Ngạn đã gieo cấy thí điểm được 397 kg thóc giống Nam Ninh. Nhờ đó,sau vụ đông xuân năm 1955, nạn đói cơ bản bị đẩy lùi, cuộc sống dần ổn định, nhân dân yên tâm sản xuất. Tính chung, hai năm 1955 - 1956, trung bình hàng năm huyện đã cấy 10.809 ha, năm 1957 cấy 9.998 ha lúa. Ngoài ra còn khai khẩn đất hoang tăng diện tích cây trồngnhưng do mưa đá, vụ ngô năm 1956 ở vùng Lục Khu bị mất trắng nên tổng sản lượng thóc năm 1956 là 5.916 tấn, ngô chỉ đạt 8.723 tấn.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, các xã đều tổ chức học tập cho cán bộ xã và nhân dân thành lập Ban sản xuất xã và các tổ sản xuất, tổ đổi công. Chỉ tính riêng 12 xã (trừ xã Kéo Yên, Bình Lãng, Thanh Long, Ngọc Động, Phù Ngọc) đã tổ chức được 12 cuộc học tập cho các cán bộ xã và thôn xóm với 472 người tham dự, 192 cuộc học tập trong nhân dân với 4.467 người tham dự. Kết quả đến hết năm 1955, toàn huyện đã củng cố lại 66 tổ, tổ chức mới được 93 tổ với 1.458 người tham gia; thành lập mới được 169 tổ sản xuất.
Đến đầu năm 1958, phần lớn các tổ đổi công đều không hoạt động trừ vài tổ như Lũng Tu, Vần Dính (xã Xuân Hoà), Bản Láp (xã Quý Quân), Lũng Vỉt, Lũng Quang (xã Đa Thông), gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mức chỉ tiêu kế hoạch, kỹ thuật chuẩn bị sửa chữa các mương phai. Từ tháng 6-1958, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện, các xã đã tiến hành học tập và củng cố, tổ chức lại. Phong trào tổ đổi công phát triển rầm rộ khắp huyện, từ vùng thấp lên vùng cao. Tính đến ngày 10-8-1958, toàn huyện đã củng cố, tổ chức được 403 tổ đổi công với 2.965/8.768 hộ nông dân lao động tham gia, chiếm 33,82% số hộ; trong đó có 362 tổ từng vụ từng việc với 2.639 hộ tham gia, 39 tổ thường xuyên với 308 hộ tham gia và 2 tổ bình công chấm điểm với 18 hộ tham gia. Năm 1959, toàn huyện có 402 tổ đổi công với 4.036 hộ tham gia, trong đó có 237 tổ với 2.128 hộ từng vụ từng việc, 111 tổ với 1.109 hộ thường xuyên và 54 tổ với 799 hộ bình công chấm điểm. Tỷ lệ số hộ vào tổ đổi công toàn huyện chiếm 46,84%, tăng 13,02% so với năm 1958; trong đó tỷ lệ xã cao nhất là 79,47% và tỷ lệ xã thấp nhất là 6,63%. Tuy nhiên, phong trào tổ đổi công phát triển không đều và còn có tính chất ồ ạt như thôn Vần Dính, xã Xuân Hoà 90% nông hộ đã vào tổ đổi công; trái lại thôn Minh Khai không có tổ nào. Xã Nội Thôn đến tháng 6-1958 đã tổ chức được 61 tổ nhưng hoạt động còn hạn chế. Xã Đào Ngạn mới tổ chức được 2 tổ, còn một số xóm nhân dân chưa nhận thức đúng và đủ về chính sách đổi công, thậm chí trong đó có cả một số đồng chí cán bộ, đảng viên: toàn huyện có 67 chi uỷ viên mới có 8 đồng chí và hơn 500 đảng viên mới vào tổ đổi công hơn 60 đồng chí.
Đồng thời với việc đẩy mạnh phong trào xây dựng tổ đổi công, Đảng bộ cũng chú trọng việc xây dựng hợp tác xã nông nghiệp nhằm tiếp tục đưa nông dân đi vào làm ăn tập thể từ hình thức thấp tới hình thức cao. Được sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Đảng bộ đã tổ chức thực hiện theo hai bước:Bước 1: tổ chức học tập về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và phương thức thực hiện cho cán bộ, đảng viên; Bước 2: Phân công cán bộ, đảng viên xuống từng xã, thôn xóm để tổ chức nhân dân học tập, thảo luận việc thành lập hợp tác xã nông nghiệp.Sau khi được học tập, thảo luận, đa số nông dân phấn khởi tin tưởng và ủng hộ chủ trương của Đảng, còn lại một số rất ít có nhiều ruộng đất chần chừ có tư tưởng chống đối vì họ không muốn đưa toàn bộ ruộng đất vào hợp tác xã để sản xuất chung. Những gia đình này đã viết thư nặc danh dán vào cửa nhà một số đồng chí là cán bộ chủ chốt của xã để đe doạ cán bộ, có kẻ còn công khai chống phá các cuộc họp của tập thể, gây tư tưởng hoang mang trong nhân dân. Để trấn an tư tưởng nhân dân, dẹp yên những hành động chống phá, Huyện uỷ đã chỉ đạo các chi bộ họp bàn biện pháp và quyết định phát động nhân dân đề cao cảnh giác, phát hiện và tố giác những kẻ chống đối, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Sau khi được phát động, đa số nhân dân ủng hộ, phát hiện và nhanh chóng báo cáo với cấp uỷ, chính quyền. Do đó, đã bắt được một số người có hành động chống phá, đem đi cải tạo và giao lại ruộng đất cho nhân dân sản xuất tập thể.Kết quả cuối năm 1959, toàn huyện mới xây dựng được 4 hợp tác xã nông nghiệp với 109 hộ tham gia. Năm 1960, huyện đã xây dựng được 77 hợp tác xã, trong đó có 7 hợp tác xã bậc cao và 70 hợp tác xã bậc thấp với 1.727 hộ vào hợp tác, chiếm 19,32% số hộ toàn huyện vàcó 15/25 xã đã có hợp tác xã. Chất lượng các hợp tác xã cơ bản là tốt, đại bộ phận xã viên và cán bộ đều tin tưởng vào con đường làm ăn tập thể, sản xuất thu nhập cao hơn so với làm ăn cá thể. Ban lãnh đạo các hợp tác xã đều là thành phần cơ bản nhưng do trình độ văn hoá hạn chế, thiếu kinh nghiệm, nên còn lúng túng trong quản lý điều hành sản xuất. Đối với các hợp tác xã rẻo cao chủ yếu thổ canh núi đá, sản xuất chỉ dùng nông cụ thô sơ như cào, cuốc nên hàng năm chỉ làm được một vụ chính; mặt khác, một số phần tử xấu từ bên kia biên giới hoặc các đối tượng phản động chống đối chính quyền tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu chính sách hợp tác xã làm ảnh hưởng tới tiến độ cũng như chất lượng xây dựng hợp tác xã.
Năm 1958, tình hình vụ xuân bị sút kém và một số diện tích vụ mùa không cấy được do hạn hán nghiêm trọng và kéo dài, nhất là ở các xã Đào Ngạn, Lương Can, Xuân Hoà và vùng Lục Khu. Mặt khác vấn đề kỹ thuật chưa được coi trọng như chưa vận động thành phong trào quần chúng tích trữ phân, tận dụng hết các nguồn phân và thu nhặt phân (nhân dân mới chỉ sử dụng phân chuồng), đồng thời nhân dân còn có tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, chưa tận dụng mọi khả năng để chống hạn như chỉ có hai xã Đa Thông và Phù Ngọc làm được guồng đạp nước một bậc. Trước tình hình này, huyện xác định phải tăng cường lãnh đạo kỹ thuật để đảm bảo về sản lượng như tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng đủ 5 biện pháp "đủ nước, nhiều phân, cấy sâu, cấy dày, mạ tốt" thành một kỹ thuật liên hoàn. Chỉ tính trong hai năm (1958 - 1959), toàn huyện đã sửa chữa và làm mới được trên 250 mương phai, cọn nước với một số lượng công lớn. Riêng về kỹ thuật cấy dày, tập quán canh tác của bà con thường chỉ cấy thưa 50 x 50, 40 x 40 (vùng Thông Nông) hoặc 35 x 30 (vùng Sóc Giang), huyện đã cử cán bộ xuống các xã vận động cấy dày 20 x 20, 20 x 15 và 20 x 10 mỗi xã và các cơ quan xung quanh huyện làm một đám thí điểm đem lại hiệu quả cao hơn, tạo được dư luận tốt trong nhân dân; từ đó nhân rộng ra các đám khác trong xã, huyện. Năm 1958, huyện đã cấy được 10.523 ha, năm 1960 cấy được 10.483 ha. Diện tích trồng ngô năm 1958 – 1959 trồng được 7.383 ha, năm 1960 trồng được 7.611 ha. Diện tích trồng cây công nghiệp trung bình hàng năm trồng được trên 700 ha.Do chăm sóc tốt nên sản lượng lúa, ngô, cây công nghiệp hàng năm tăng. Tổng sản lượng thóc thu được của Hà Quảng: năm 1958 đạt 5.234 tấn, 1959 đạt 6.264 tấn, năm 1960 đạt 6.501 tấn, ngô năm 1958 đạt 10.009 tấn, năm 1959 đạt 10.484 tấn, năm 1960 đạt 8.433 tấn, sở dĩ năm 1960 sản lượng đạt thấp do hạn hán kéo dài, ngô rẫy kém phát triển. Sản lượng đỗ tương hạt năm 1958 là 100 tấn, năm 1959 là 292 tấn, năm 1960 đạt 448 tấn.
Cùng với nông nghiệp, chăn nuôi cũng được phát triển, đàn gia súc được chú trọng để cung cấp sức kéo cho sản xuất và thực phẩm cho nhân dân. Tổng đàn trâu, bò tăng lên hàng năm, tổng đàn trâu năm 1956 là 5.272 con, bò 12.698 con, ngựa có 143 con, lợn có 17.415 con. Năm 1957, bò có 13.561 con, ngựa có 128 con. Năm 1958, tổng đàn trâu là 7.726 con, năm 1959 là 7.050 con, năm 1960 là 6.225 con. Tổng đàn bò năm 1958 mới được 16.860 con, năm 1959 là 14.245 con, năm 1960 là 13.542 con, lợn năm 1958 nuôi được 16.545 con, năm 1959 có 19.378 con, năm 1960 là 18.188 con. Sở dĩ năm 1960 chăn nuôi bị tụt là do hạn hán thiếu cỏ và dịch bệnh xảy ra làm chết một số trâu, bò.
Trên lĩnh vực thương nghiệp, thời kỳ này, toàn huyện Hà Quảng có 7 chợ là: Sóc Giang (xã Sóc Hà), Nặm Nhũng (xã Lũng Nặm), Tổng Cọt (xã Ngoại Trung), Nà Giàng (xã Phù Ngọc), Háng Tháng (xã Đa Thông), Bó Gai (xã Cần Yên) và Tắp Ná (xã Thanh Long). Trong đó chợ Nà Giàng là nơi trung tâm kinh tế của huyện nên có đông người mua bán nhất, có 3 chợ biên giới là chợ Nặm Nhũng, Tổng Cọt và Bó Gai, là nơi buôn bán hàng lậu từ Trung Quốc mang vào nội địa như: vải, đèn pin, thuốc uống, các hàng tạp phẩm đổi lấy gạo, thịt và ngược lại, cũng có một số nhân dân ở biên giới của ta mang gạo, thịt sang bên Trung Quốc để đổi lấy các loại hàng hoá mang về bán lấy lãi. Chỉ riêng chợ Nà Giàng mỗi phiên có tới 30 người buôn bán các loại hàng lậu. Trong 6 tháng đầu năm 1960, các lực lượng quản lý thị trường, thuế vụ, hải quan đã bắt được 45 vụ hàng lậu từ Trung Quốc sang, ta tịch thu hàng buôn lậu, cảnh cáo những người đi buôn, giao về địa phương theo dõi, giáo dục và cải tạo.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, Hà Quảng đã tổ chức các hợp tác xã mua bán ở các chợ. Trong 6 tháng đầu năm 1960, hai chợ Nà Giàng, Háng Tháng đã tổ chức được 12 tổ kinh doanh gồm hình thức thấp (mua chung bán riêng) và hình thức vừa (mua chung bán chung) với 74 hộ tham gia. Các chợ khác cũng tổ chức cho các hộ tiểu thương tham gia học tập tài liệu 2 con đường và hầu hết các hộ đều tự nguyện làm đơn xin vào tổ hợp tác.
Bên cạnh đó, từ năm 1954, các cửa hàng mậu dịch Nà Giàng,Sóc Giang được thành lập nhằm thu mua ngô, lâm thổ sản và bán thóc, gạo cũng như các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu đời sống của nhân dân. Đồng bào vùng rẻo cao Lục Khu bán ngô cho mậu dịch rồi mua gạo dùng được trong 2 - 3 tháng, nên rất phấn khởi và thêm tin tưởng, ủng hộ chính quyền cách mạng. Năm 1955, thực hiện thể lệ thuế công thương nghiệp mới, huyện đã tuyên truyền phổ biến thông tư và điều lệ thuế mới trong 2 chợ Nà Giàng và Háng Tháng; ngay trong ngày thu thuế đầu tiên, riêng chợ Nà Giàng đã thu được 86 vạn ngân hàng.Song nói chung, các hợp tác xã mua bán và cửa hàng mậu dịch chưa chỉ đạo toàn diện được việc bình ổn giá cả thị trườngnhư trong 3 tháng đầu năm 1960, lúc giáp hạt, một số xã bị đói phải mua gạo rất nhiều, giá gạo loại A trên thị trường đã tăng từ 0đ32 lên 0đ42/kg. Do đó, các cửa hàng lương thực Sóc Giang, Nà Giàng đã bán một số lượng gạo lớn ra thị trường để cứu đói và bình ổn vật giá.
Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 1955, được sự đồng ý của Chính phủ, tỉnh cho mở cửa biên giới Nặm Nhũng, một vùng có nhiều lâm thổ sản (đặc biệt là có kẹp thảo, hoàng thảo là hai thứ dược thảo có giá trị trao đổi hàng hoá cao) đã tạo điều kiện để nhân dân vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuận tiện hơn trong việc trao đổi sản phẩm, hàng hoá. Nhờ đó đã góp phần đưa sản lượng dược thảo xuất khẩu sang Trung Quốc năm 1956 của tỉnh lên 12 tấn kẹp thảo, giá trung bình 1.000 đồng/kg và trên 600 kg tấn hoàng thảo (giá trung bình 7.500 đồng/kg).
Theo chỉ đạo của tỉnh, ngày 16-01-1960, Ban quản lý thị trường huyện Hà Quảng được thành lập gồm 7 thành viên do ông Sầm Chấn Hưng, Uỷ viên Uỷ ban hành chính huyện làm trưởng ban. Ban quản lý thị trường đề ra nhiệm vụ, quyền hạn và phân công nhiệm vụ cụ thể. Theo quy định, mỗi tháng toàn ban họp một lần vào ngày 15 hàng tháng nhưng trên thực tế trong 6 tháng đầu năm 1960, toàn ban mới họp 2 lần vào thời kỳ đầu, sau do luân chuyển cán bộ, nên việc tổ chức họp không được coi trọng.
Công tác giao thông - vận tải, công nghiệp, xây dựng cơ bản còn gặp nhiều khó khăn, mới chỉ sửa chữa trục đường chính từ tỉnh lên huyện lỵ, còn đường đi vào các xã chỉ là đường mòn, đường ngựa thồ. Công nghiệp chưa có cơ sở công nghiệp nào đáng kể, chỉ có các ngành nghề thủ công truyền thống như đúc lưỡi cày, dệt thổ cẩm…
Về giáo dục, từ sau năm 1954, tiểu học vụ và bình dân học vụ được quan tâm phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 1955, toàn huyện còn 6 xã (5 xã vùng cao và một xã miền đồng) chưa có trường tiểu học vụ; chỉ có 4 xã Thanh Long, Ngọc Động, Đa Thông, Ngoại Trung có 10 lớp bình dân học vụ cho 11 cán bộ xã và 88 cán bộ thôn xóm đi học. Nhưng đến tháng 8-1958, chỉ tính riêng 11 xã đã có 69 trường bình dân học vụ với 1.835 học sinh dự học
[73]; ngoài ra xã Ngoại Trung còn tổ chức được một lớp bổ túc cho 44 người dự học.Đến năm học 1960 - 1961, có 37 trường cấp I gồm 86 lớp, 3.156 học sinh và 94 giáo viên. Cấp II có 2 trường với 6 lớp học, 347 học sinh, có 7 giáo viên, vỡ lòng có 46 lớp, 1.613 học sinh và 46 giáo viên. Tính chung toàn huyện có 138 lớp học, 5.116 học sinh và 147 giáo viên đứng lớp. Bình dân học vụ Hà Quảng có 3.060 người theo học; ngoài ra còn có 965 người theo học các lớp bổ túc văn hoá ở xã và 114 người theo học trường bổ túc văn hoá ở huyện.
Về y tế, do điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, nhận thức còn hạn chế, nên công tác y tế hết sức được chú trọng. Chỉ thị số 17-CT-HQ ngày 22-12-1955 của Ban chấp hành huyện Đảng bộ Hà Quảng về việc chống bệnh, phòng bệnh, chống rét nêu rõ. "Phương châm phòng bệnh, chống bệnh lấy phòng bệnh làm chủ yếu, mấu chốt là vấn đề giáo dục quần chúng có ý thức và thực hiện vệ sinh phòng bệnh". Do đó, huyện đã chú trọng bồi dưỡng và chấn chỉnh ban phòng bệnh ở các xã, thôn, xóm và các cơ quan của huyện, kết hợp chặt chẽ công tác phòng bệnh trong mọi công tác trung tâm khác; đồng thời các đoàn thể quần chúng vận động nhân dân nhất là phụ nữ, thanh niên, nông dân, thiếu nhi, học sinh tích cực tham gia thực hiện. Kết quả nhân dân đã có ý thức vệ sinh phòng bệnh, ốm đau biết đến tiêm hoặc uống thuốc. Toàn huyện có 2 phòng y tế huyện, 1 trạm xá ở Nà Giàng, 1 trạm phát thuốc ở Háng Tháng (Đa Thông) và 1 trạm phố Nặm Nhũng (xã Lũng Nặm) và tiến tới tổ chức 3 trạm xá dân lập. Nói chung các xã đều có từ 1 - 2 y tá xã, huyện có 2 xã có hộ sinh. Công tác tuyên truyền giáo dục xây dựng tủ thuốc từ trước đã có nhưng vì ý thức người dân cũng như điều kiện cơ sở vật chất trong việc bảo quản thuốc chưa cao nên dần dần bị tan rã.
Trên lĩnh vực văn hoá – xã hội, hầu hết các xã đều có báo Nhân dân, nhưng do trình độ văn hoá của cán bộ và nhân dân còn hạn chế nên tờ báo chưa thực sự phát huy được tác dụng, người dân chưa có thói quen đọc báo. Các đội văn nghệ lưu động và đội chiếu bóng của tỉnh đã tích cực nhiệt tình chiếu phục vụ nhân dân nhưng do huyện rộng, điều kiện đường giao thông khó khăn nên chỉ phục vụ được một số địa điểm đã quy định ở trung tâm huyện lỵ và những điểm chợ. Ngoài ra, huyện đã tổ chức được một số đội đèn chiếu đi lưu động đến tận các thôn xóm hẻo lánh vùng rẻo cao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Về tình hình chính trị: sau khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, công tác tư tưởng chính trị tập trung vào các nhiệm vụ chính là tuyên truyền đấu tranh chống đế quốc Mỹ và thực dân Pháp phá hoại hiệp định đình chiến và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm; tuyên truyền chống địch cưỡng ép di cư, gây quan hệ bình thường Bắc Nam và kế hoạch lấy chữ ký chống bom nguyên tử. Cuối năm 1958 đầu năm 1959, nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ hướng vào cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp (tiến hành vào ngày 02-02-1959). Huyện đã mở một lớp học tập cho cán bộ, đảng viên các xã, các cơ quan xung quanh huyện với 304 đại biểu tham dự; đồng thời số cán bộ này xuống tận các xã tổ chức học tập cho các cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn xã. Tỷ lệ số cử tri tham gia học tập trung bình từ 80-90%, xã đạt cao nhất 99% (xã Nội Thôn), xã thấp nhất 77% (xã Quang Vinh). Kết quả, nói chung cả 25 xã số cử tri đi bầu được đầy đủ, phấn khởi, nhiều trường hợp rất đáng biểu dương trongđợt bầucử này như xã Sóc Hà có 8 cụ đều từ 75 tuổi trở lên cũng hăng hái đi bầu; xã Ngoại Trung có bà Lân Thị Tùng 100 tuổi nhà cách điểmbỏ phiếu 2 km cũng chống gậy đến bầu. Điều đó càng khẳng định tấm lòng cũng như niềm tin của nhân dân các dân tộc Hà Quảng đối với sự vững mạnh và phát triển của chính quyền cách mạng.
Công tác xây dựng Đảng, năm 1960, toàn huyện có 24/25 xã có chi bộ xã, còn một xã chưa có chi bộ (xã Vân An), các đảng viên sinh hoạt chung ở chi bộ ghép Vân An – Cải Viên; ngoài ra còn có 3 chi bộ cơ quan (chi bộ Uỷ ban, chi bộ dân đảng và chi bộ thương nghiệp) như vậy toàn huyện có 27 chi bộ với 637 đảng viên; 17 xã vùng cao có 253 đảng viên, chiếm 1,5% số dân, 8 xã vùng thấp có 384 đảng viên chiếm 2,9% so với số dân. Trình độ giác ngộ về chính trị ít được bồi dưỡng học tập lý luận, có đảng viên một năm không sinh hoạt lần nào, một số nằm im không hoạt động. Công tác phát triển Đảng được chú trọng thực hiện theo phương châm nhằm đối tượng chính là những xã chưa có chi bộ hoặc những xã chưa có đảng viên, chi bộ ít người, xã biên giới, dân tộc ít người. Tính chung trong 3 năm 1958 – 1960, toàn huyện đã kết nạp được thêm 56 đảng viên.
Mặt trận và các tổ chức đoàn thể quần chúng được củng cố, kiện toàn thêm một bước. Từ ngày 26 đến 30-11-1955, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất huyện Hà Quảng được triệu tập với 90 đại biểu tham dự; trong đó có 75 nam, 15 nữ. Về thành phần dân tộc, Nùng 36 người, Tày 33 người, Mông 14 người, Dao Đỏ 4 người, Kinh 1 người và Hoa kiều 2 người; về giai cấp bần nông 26 người, trung nông 61 người, tiểu thương 2 người, lao động 1 người. Cơ cấu thành phần đại biểu dự Đại hội đã thể hiện được tinh thần đại đoàn kết các dân tộc huyện Hà Quảng dưới sự lãnh đạo của Đảng trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Về an ninh - quốc phòng: Hà Quảng là huyện biên giới có nhiều núi non hiểm trở, nơi có điều kiện thuận lợi cho bọn phỉ, bọn phản động dung thân, tìm cơ hội chống phá chính quyền cách mạng. Do vậy, ngay từ khi mới giải phóng, nhân dân các dân tộc Hà Quảng dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi ý đồ chống phá cách mạng của chúng.
Lực lượng bộ đội địa phương và dân quân du kích luôn được củng cố và phát triển. Hàng năm tổ chức tập huấn đều cả về kỹ thuật và chiến thuật. Đến năm 1960, số lượng dân quân toàn huyện loại I có 577 người, loại II có 1.559 người, quân dự bị có 169 người. Nói chung số dân quân được tổ chức và củng cố lại, thành phần đều là bần cố nông, trung nông dưới, đã được xem xét chọn lọc kỹ lưỡng và đã qua thử thách. Về chất lượng từ cán bộ xã đội đến cán bộ trung đội đều qua lớp huấn luyện quân sự - chính trị 20 ngày tại huyện; cuối năm 1960, toàn bộ dân quân dự bị động viênđềuđượchuấn luyện. Ngoài ra, các xã còn có lực lượng công an, kết hợp với trung đội dân quân du kích sẵn sàng làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác bảo vệ bản làng.
Trong những tháng đầu năm 1955, tình hình an ninh chính trị rất phức tạp: tàn phỉ của tổ chức “Hội đồng chí kiên quyết một hai”
[74] hoạt động ở các xã Lương Thông, Cần Yên, Ngọc Động, Yên Sơn. Chúng câu kết với bọn đặc vụ, các phần tử chống đối từ Trung Quốc sang hoạt động chống phá ta. Chúng gây ra nhiều vụ trộm cắp ở Lương Thông, cướp của giết người ở Sóc Hà, tung nhiều luận điệu tuyên truyền phản chính sách của Chính phủ và đánh vào tâm lý mê tín của nhân dân. Huyện nhận định: những hoạt động trên đều do bọn đặc vụ gây ra có tính chất chính trị, nằm trong âm mưu của địch nhằm quấy rối phá hoại tình hình trật tự trị an của ta, làm cho nhân dân hoang mang, làm giảm uy thế của chính quyền, uy hiếp tinh thần quần chúng. Để kịp thời trấn áp những hoạt động của đặc vụ, lưu manh, trộm cắp, giữ vững trật tự an ninh và đảm bảo tính mạng, tài sản cho nhân dân, ta phải đập tan các luận điệu tuyên truyền bịa đặt của địch, tăng cường công tác trị an, trừng trị thích đáng những kẻ chống đối, phá hoại. Tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác tiễu phỉ gồm công an, bộ đội phối hợp với lực lượng dân quân du kích địa phương dưới hình thức “Đoàn sản xuất tiết kiệm”hoạt động “ba cùng” với nhân dân vận động, tổ chức quần chúng nhân dân tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.Đồng thời vũ trang tuyên truyền, tuần tiễu thâm nhập quần chúng gây cơ sở và phát động quần chúng phát hiện và kiên quyết trừng trị bọn đầu sỏ, tập trung vào những nơi có phỉ hoạt động mạnh (xã Lương Thông), nơi có tình hình chính trị xã hội phức tạp, trục đường giao thông nhằm biểu dương sức mạnh của ta, uy hiếp tinh thần kẻ địch. Mặt khác, ta tăng cường công tác tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là chính sách đoàn kết dân tộc, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho đồng bào, chọn lọc bồi dưỡng cán bộ cốt cán cho cơ sở. Kết quả đã bồi dưỡng, lựa chọn được 19 cán bộ cốt cán trung kiên, vận động được 139 gia đình tự nguyện ghi tên vào Nông hội, bao gồm các dân tộc Tày, Dao, Mông. Phát hiện được 13 tên phỉ nằm vùng, đến tháng 8-1955 đã vận động được 12 tên ra thú; vận động được 65 người có liên quan tập trung, cải tạo lao động 10 ngày, sau đó từng người đã viết kiểm thảo cam kết không theo phỉ và trở lại làm ăn lương thiện.
Để biểu dương lực lượng, trấn áp những phần tử bị đặc vụ thổ phỉ lôi kéo, Tỉnh đội Cao Bằng đã tổ chức nhiều cuộc hành quân vũ trang tuần tiễu trong 11 ngày, xuất phát từ vùng Lục Khu, huyện Hà Quảng lên Bảo Lạc, ra Nguyên Bình về Hoà An. Tại Lục Khu, lực lượng vũ trang phối hợp với dân quân du kích và nhân dân địa phương tổ chức mít tinh biểu diễn kỹ thuật, diễn tập chiến thuật quân sự nhằm gây áp lực đối với bọn thổ phỉ và các phần tử bị lôi cuốn.
Đến năm 1957, Trung ương Đảng chủ trương cho Hà Quảng mở cửa khẩu Sóc Giang - Bình Mãng (Trung Quốc) nhằm giúp cho nhân dân hai bên biên giới dễ dàng qua lại thăm hỏi và trao đổi hàng hoá. Thực hiện chủ trương trên, huyện đã cho thành lập các Trạm biên phòng, Hải quan, hối đoái, sau đó Huyện uỷ cùng các cơ quan chức năng, trên tổ chức nhân dân học tập quy chế biên giới, nhiệm vụ của Biên phòng, Hải quan, Hối đoái. Đầu năm 1959, theo chủ trương của Trung ương, cửa khẩu Sóc Hà được thông thương, một vấn đề mới là nhiều tổ chức buôn gian bán lận, trộm cắp xuất hiện. Sóc Hà trở thành một địa bàn phức tạp. Trước tình hình đó, Huyện uỷ chỉ đạo chi bộ Sóc Hà kết hợp với chính quyền xã và các Trạm hải quan, Biên phòng đã tổ chức nhân dân học tập, thảo luận kỹ quy chế biên giới vừa giáo dục nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác bảo mật phòng gian, không chứa chấp người cư trú trái phép. Một mặt đưa số người cư trú trái phép ra khỏi Sóc Hà, bắt giữ các đối tượng trộm cắp đưa đi cải tạo hoặc giam giữ. Nhờ vậy, Sóc Hà đã giữ vững được an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội.
Đầu năm 1960, tàn quân phỉ và đặc vụ của Tưởng Giới Thạch tiếp tục nhen nhóm hoạt động ở một vài nơi, chuẩn bị gây bạo loạn để hòng cướp chính quyền. Ta đã cảnh giác phát hiện một ổ nhóm gián điệp ở xã Ngoại Trung thu một máy thông tin vô tuyến điện, một số vũ khí, quân trang và vật dụng khác.
Kết quả của ba năm khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân (1955 - 1957) và ba năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958 - 1960) đã tạo tiền đề cơ sở quan trọng cho huyện Hà Quảng giành được những thành tích lớn hơn trong việc thực hiện những mục tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965)
II. PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ PHONG TRÀO HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP (1961 - 1965)Bước sang năm 1960, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta có nhiều diễn biến mới, quân và dân miền Nam "Đồng Khởi" nổi dậy phá vỡ thế kìm kẹp của địch, thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trước những kết quả đạt được của cả hai miền, Trung ương Đảng quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng vào tháng 9-1960. Đại hội đã vạch ra hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, Đại hội còn đề ra phương hướng và nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965) nhằm phát triển kinh tế - xã hội theo chủ nghĩa xã hội.
Hoà chung với không khí phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân mừng Đại hội Đảng toàn quốc thành công tốt đẹp, tháng 3-1961, Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ V được tiến hành. Đại hội đã nhất trí cao và quán triệt một cách sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược trọng tâm của đất nước, đề ra phương hướng nhiệm vụ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng là: xây dựng chủ nghĩa xã hội, tạo ra nhiều của cải vật chất, sẵn sàng chi viện cho chiến trường miền Nam.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ V, căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ cụ thể của địa phương, Huyện uỷ Hà Quảng xác định: phải lấy nhiệm vụ xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp làm cơ sở để thúc đẩy các nhiệm vụ khác cùng phát triển, xây dựng hậu phương vững mạnh, đưa nhiều sức người, sức của ra tiền tuyến nhanh chóng, kịp thời.
Thời kỳ này, Hà Quảng có 47.707 người, với 6 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào Nùng chiếm đa số là 28.430 người, Tày 7.043 người, Mông 6.438 người, Dao Đỏ 4.918 người, Hoa kiều 576 người và Kinh có 302 người. Huyện có hai trung tâm là Nà Giàng và Sóc Giang. Nà Giàng là trung tâm kinh tế và văn hoá của huyện (cách thị xã 30 km), Sóc Giang là trung tâm huyện lỵ (cách thị xã 50 km) và giáp cửa khẩu Bình Mãng (Trung Quốc). Cả hai trung tâm đều nằm trên đường ô tô từ thị xã đến huyện lỵ, thuận tiện cho giao thông vận tải.
Nền kinh tế của huyện nói chung cònthấp, nhất là các xã rẻo cao như miền Lục Khu ruộng đất ít, chủ yếu là núi đá, hầu hết là canh tác trên sườn núi và hốc đá, phương thức canh tác còn lạc hậu, thô sơ nên năng suất thấp. Ở vùng núi cao, ngô là nguồn lương thực chính, trong 11 xã vùng Lục Khu và 3 xã miền Thông Nông gồm 4.180 hộ, chiếm gần một nửa số hộ toàn huyện với 23.950 nhân khẩu sống bằng ngô, đồng bào Nùng, Mông,Dao Đỏ thường ăn ngô tới 10 tháng/năm hoặc có nơi hoàn toàn ăn ngô vì không trồng được lúa.Miền Lục Khu, nhất là 3 xã Vân An, Lũng Nặm, Kéo Yên ruộng đất ít, trồng trọt kém, có năm không may gặp thiên tai hạn hán mất mùa, nhân dân thường bị đói. Năm 1962 có tới 129 hộ thiếu ăn phải đi làm thuê. Do đó, tình trạng dân di cư tự do rất phổ biến (đi Bắc Kạn, Thái Nguyên và các huyện khác trong tỉnh).Miền Thông Nông và miền thấp nền kinh tế khá hơn, một số xã điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn. Các sản phẩm như lúa, ngô, bông… trồng được nhiều và cho thu hoạch khá cao. Đặc biệt ở vùng Thông Nông có nhiều lâm sản quý như gỗ, tre, trúc, mộc nhĩ, sa nhân, cam thảo, ú tàu, chè, hà thủ ô… Những nhận định cụ thể về tiềm năng, thế mạnh cũng như khó khăn của từng vùng là điều kiện tiền để để Đảng bộ huyện đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, hướng sản xuất và biện pháp cụ thể, phù hợp trong việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Nhằm động viên nhân dân các dân tộc Cao Bằng, từ ngày 19 đến 21-2-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm tỉnh. Sau khi làm việc với Tỉnh uỷ, ngày 20-02-1961, Người thăm lại hang Pác Bó, nơi 20 năm trước Người đã từng sống, làm việc. Người xúc động làm bài thơ ghi lại chặng đường lịch sử:
"Hai mươi năm trước ở hang này
Đảng vạch con đường đánh Nhật - Tây
Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay".
Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm lại Pác Bó, nói chuyện với nhân dân các dân tộc Hà Quảng đã gây xúc động mạnh đối với nhân dân, trở thành nguồn động lực quan trọng giúp Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện nhà nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn giành được những thành tựu đáng phấn khởi
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp: Phong trào hợp tác hoá nông nghiệp của huyện đã từ 7% số hộ vào hợp tác xã trong năm 1959 đã lên tới 50,5% số hộ vào hợp tác xã nông nghiệp năm 1961, vượt mức của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II đề ra; trong đó vùng thấp chiếm 76,7%, vùng cao chiếm 37,7%, cấp cao chiếm 11,8%,. Ngoài ra còn có 6 hợp tác xã tín dụng với 277 xã viên, vạch thành phần được 6 hộ đại địa chủ, 26 hộ phú nông, xử lý 5.674 bó mạ, 127 ống ngô giống và 10 con trâu, bò. Huyện đã tiến hành 3 đợt phát động phong trào hợp tác hoá kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ, quá trình phát động đã giáo dục được rõ bạn và thù, lao động và bóc lột, thấy rõ hai con đường tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.
Phong trào hợp tác hoá đã thúc đẩy sản xuất phát triển rõ rệt. Giống lúa Nam Ninh năm 1959 mới làm 10 mẫu, năm 1961 lên tới 543 công mẫu. Ngô vụ thu năm 1959 làm 143 công mẫu, năm 1962 lên tới 492 công mẫu,các loại hoa màu như: sắn, khoai lang tăng ngày càng nhiều. Sản lượng cũng được tăng lên. Năm 1961 sản lượng lúa Nam Ninh và ngô vụ thu đã thu hoạch được 1.648 tấn bằng 12% so với tổng sản lượng lúa và ngô vụ mùa góp phần làmtổng sản lượng lương thực của huyện năm 1961 đạt 5.472 tấn, năm 1962 đạt 5.955 tấn. Kết quả sản xuất nông nghiệp cụ thể như sau:
Loại sản xuất | Đơn vị tính | Mức Đại hội đề ra | Số thực hiện được |
Năm 1960 | Năm 1961 |
Số lượng | Tỷ lệ (%) | Số lượng | Tỷ lệ (%) |
1. Trồng trọt - Lương thực - Hoa màu - Cây công nghiệp | tấn | 18.619 1.890 979 | 14.808 1.285 913 | 76,6% 67% 92,2% | 15.324 1.548 961 | 81,5% 81% 98% |
2. Chăn nuôi - Trâu - Bò - Lợn | Con | 7.695 15.214 28. | 6.208 13.668 25.181 | 81,6% 89,8% 89% | 6.558 14.125 21.596 | 89,1% 92,8% 76% |
3. Lâm nghiệp - Khoanh rừng - Trồng cây | Ha Cây | 1.000 81.204 | | | 37.250 | |
Năm 1961, do thiên tai vụ mùa thất bại, đầu năm 1962 hạn hán kéo dài, trong thời gian giáp hạt, lương thực tạm thời gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, ngày 29-4-1962, Ban chấp hành Huyện Đảng bộ Hà Quảng ra Chỉ thị số 03-CT/HUHQ "về việc điều hoà lương thực nông thôn trong lúc lương thực tạm thời khó khăn"nêu rõ những nhiệm vụ cần phải thực hiện tốt để hoàn thành chỉ tiêu Nhà nước, đảm bảo cho nhân dân có lương ăn để sản xuất, đồng thời cũng làm nghĩa vụ đối với Nhà nước: Phải điều hoà giữa người có và người không có trong hợp tác xã, xóm, xã, huyện trên tinh thần thương uyêu giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua khó khăn tạm thời; thu mua đối với những người còn lương thực. Nhờ những chính sách điều hoà kịp thời như vậy, nên lương thực tuy có lúc còn gặp khó khăn, nhưng đời sống của nhân dân nói chung vẫn được đảm bảo.
Song trong công tác lãnh đạo, quản lý hợp tác xã, việc chấp hành đường lối nguyên tắc, phương châm và chính sách hợp tác hoá của Đảng chưa nghiêm, tình hình hợp tác hoá chưa thật sự vững chắc, áp dụng ba nguyên tắc chưa được đầy đủ.
Huyện cũng rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Từ ngày 8 đến 18-5-1961, huyện đã tổ chức hội nghị sản xuất liên huyện tại Nà Giàng phát động những chiến dịch ngắn ngày, thi đua lập thành tích chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp. Từ đó đã dấy lên phong trào nhặt phân và sản xuất phân các loại và phong trào thi đua làm thuỷ lợi ở các hợp tác xã nông nghiệp nên nhiều mương, phai, cọn nước đã được sửa chữa và làm thêm để lấy nước tưới ruộng. Trong 6 tháng đầu năm 1962 đã làm được 19.332 công, trong đó 11.362 công thuộc công trình mới, 7.965 công thuộc công trình tu sửa lại, tưới được 586 ha lúa. Tiêu biểu cho phong trào làm thủy lợi là xã Đào Ngạn, số công đã chiếm hơn 50% tổng số công toàn huyện và đã hoàn thành đập Khuổi Slưa trước thời hạn 15 ngày.
Sản xuất đông xuân năm 1962, huyện cố gắng tập trung nhiều đợt cán bộ xuống xã, có lần huy động đến 60 cán bộ xuống từng đợt, một số nơi có chuyển biến tốt, sản xuất vượt kế hoạch: xã Yên Lũng họp mít tinh thách thức với nhau đảm bảo chỉ tiêu trên giao, sau đó thanh niên tranh thủ thì giờ nghỉ trưa đi vận động đi nhặt phân không nghỉ.
Tiểu thương và thủ công nghiệp trong năm 1959 chưa có hợp tác nào, đến năm 1962, 89,7% hộ tiểu thương 80,8% hộ thủ công vào các hình thức hợp tác. Hợp tác xã thủ công nghiệp và buôn bán nhỏđược tổ chức chung vốn lãi kinh doanh, đoàn kết tương trợ trong sản xuất, không cạnh tranh chèn ép lẫn nhau, chấp hành các chính sách của Đảng có tiến bộ hơn trước.
Hợp tác xã mua bán và mậu dịch quốc doanh: đã phục vụ được phần lớn các loại hàng hoá cần thiết cho nông dân, tiêu thụ cho nông dân một số hàng nông sản, nạn đầu cơ tích trục lợi. Các chợ lẻ đều có cửa hàng hợp tác mua bán đã xây dựng được cửa hàng xã.
Cuối năm 1962, tỉnh đã tổ chức đợt công tác thí điểm xây dựng cửa hàng thu mua tốt ở huyện. Huyện đã tổ chức cuộc hội nghị cán bộ gồm đại biểu chính quyền, chi bộ các xã, các hợp tác xã nông nghiệp, các trưởng xóm, các đại biểu đoàn thể xã tại 3 khu nhằm thuận tiện cho việc đi lại của các xã là khu Nặm Nhũng, khu Sóc Giang và khu Háng Tháng; từ đó phân công cán bộ xuống một số xã có nông lâm thổ sản để tiến hành phổ biến học tập chủ trương, chính sách thu mua nông lâm sản của Nhà nước. Tại các cuộc họp đã tổ chức học tập về Chỉ thị 52 của Thủ tướng Chính phủ, Đề cương công tác thu mua nông lâm sản miền núi của Bộ Nội thương, Thông cáo thu mua và quản lý thị trường của Uỷ ban hành chính tỉnh và giao chỉ tiêu thu mua cụ thể cho các xóm và các hộ nông dân. Đồng thời qua đó cũng phát hiện các mặt hàng mới và tiến hành công tác quản lý thị trường, tổ chức ký hợp đồng nông sản, tổ chức màng lưới thu mua, vận chuyển hàng hoá đến tận nơi cung cấp cho nhân dân. Nhân dân cũng đã có có ý thức bán cho nhà nước một số hàng lương thực, thực phẩm, nông lâm thổ sản như xã Cải Viên đã bán cho nhà nước 22 tấn đỗ tương vượt mức giao 4 tấn, đồng bào xã Hạ Thôn bán cho 142 con lợn vượt mức 77 con, riêng nhà đồng chí Cáng Uỷ viên Uỷ ban hành chính xã bán 6 con. Kết quả tính đến ngày 30-11-1962, thu mua một số chỉ tiêu cụ thể như sau: Lợn thu mua được 91 tấn đạt 57%, bò 56 tấn đạt 49%, trâu 76 tấn đạt 17 tấn đạt 23%, đỗ tương 100 tấn đạt 61% so với kế hoạch. Nguyên nhân chính là do huyện Hà Quảng địa thế rộng lại có nhiều núi đá, đường sá đi lại khó khăn trong huyện chỉ có một con đường cái ô tô chạy từ thị xã đến huyện lỵ, các đường trong xã tuyệt đại bộ phận là đường mòn, và một số nơi có đường vận chuyển bằng ngựa thồ, đường đi phần lớn là đèo dốc. Phương tiện vận chuyển chỉ dùng được ngựa thồ và sức người. Màng lưới của ngành thương nghiệp huyện có một cửa hàng chính ở Nà Giàng và có 4 trạm thu mua là trạm Sóc Giang, Nặm Nhũng, Háng Tháng và Bó Gai. Tuy mạng lưới được mở rộng nhưng cửa hàng và các trạm chưa đi sâu vào quần chúng, để vận động giúp đỡ sản xuất và vận động thu mua nông lâm sản. Lực lượng cán bộ cửa hàng có 39 cán bộ trong đó có 14 cán bộ gián tiếp được bố trí như sau: Nà Giàng 23 cán bộ, Sóc Giang 4 người, Nặm Nhũng 5 người và Háng Tháng 4 người. Trình độ nghiệp vụ của cán bộ còn non và yếu, công tác vận động quần chúng chưa thực hiện tốt. Đa số cán bộ là tạm tuyển, và chuyển ngành sang chưa quen với công việc.
Nhân dân cũng đã có ý thức xây dựng thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, sau 3 năm nhân dân đã góp được 6.350 cổ phần, trong đó đặc biệt là xã Nà Sác 100% những người từ 16 tuổi trở lên là xã viên đã đạt mức kế hoạch 5 năm.
Về giao thông vận tải: Đường giao thông trong huyện nói chung chưa được mở mang, ngoài con đường ô tô từ thị xã đến huyện lỵ còn hầu hết các đường trong huyện từ xã này sang xã khác hoặc từ các xã về huyện lỵ đều là đường mòn hoặc đường ngựa thồ, có nhiều xã ngựa thồ cũng không đi lại được như Thanh Long, Bình Lãng. Về đường thuỷ, riêng ở miền Thông Nông có một con sông nhỏ nước chảy xiết, có nhiều thác ghềnh nguy hiểm từ Dẻ Rào qua Lương Can gặp sông Bằng Giang tại Nước Hai, vào mùa nước to có thể dùng bè mảng vận chuyển hàng hoá về đến thị xã.Do tình hình đường sá giao thông như vậy nên việc vận tải gặp nhiều khó khăn trở ngại hàng hoá mua vào hoặc bán ra không giải quyết được nhanh chóng và giá cước lại cao (vì đại bộ phận là chuyển bằng ngựa thồ hoặc sức người).
Văn hoá - giáo dục - y tế: văn hoá - giáo dục ngày càng phát triển mạnh Đến năm học 1961 - 1962, các xã đều có trường học, huyện có 33 trường cấp I gồm 98 lớp, 3.501 học sinh và 112 giáo viên. Cấp II có 2 trường với 11 lớp học, 623 học sinh, có 14 giáo viên; vỡ lòng có 58 lớp, 2.239 học sinh và 58 giáo viên. Tính chung toàn huyện có 167 lớp học, 6.363 học sinh và 184 giáo viên đứng lớp; tăng 29 lớp học, 1.247 học sinh và 37 giáo viên so với năm học 1960 - 1961. Bình dân học vụ và bổ túc văn hoá được đẩy mạnh, đã có 5.076 người theo học; ngoài ra còn có 1.592 người theo học các lớp bổ túc văn hoá ở xã và 142 người theo học trường bổ túc văn hoá ở huyện. Ngoài ra, còncó 5 trường chuyên dạy con em dân tộc ít người; năm học 1962 - 1963 có lớp 8 nhô bắt đầu hình thành trường cấp 3 Nà Giàng. Nhiều trường học sinh thi tốt nghiệp đạt tỷ lệ cao như học sinh Trường Hà, Phù Ngọc tốt nghiệp 100%..
Vệ sinh phòng bệnh chữa bệnh bảo vệ sức khoẻ càng tiến bộ… Huyện có một đội văn nghệ nghiệp dư ở Háng Tháng. Bên cạnh đó, nạn cờ bạc, buôn lậu, thuốc phiện vẫn còn rải rác ở một số nơi, có gia đình làm lễ cưới thịt tới 20 con lợn, bằng khoảng 2.000 kg thịt (như đồng bào Dao Đỏ ở Bình Lãng, Thanh Long) làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và tiết kiệm tiêu dùng.
Về các tổ chứcđoàn thể quần chúng: Đoàn thanh niên lao động phát triển tương đối nhanh nên cơ sở đoàn có khắp ở các xã, cơ quan, trường học, thanh niên đều hăng hái tham gia nghĩa vụ quân sự, xung phong đi làm cầu đường.Đầu năm 1962, huyện đã có 243 đoàn viên, thanh niên làm đơn tình nguyện vượt mức kế hoạch, 29 đoàn viên, thanh niên là trai, gái Đại phong với thành tích từ 7 - 14 tấn phân hoặc có ngày công lao động cao nhất trong hợp tác xã: 340 công/năm (Triệu Đình Thẩm, Bí thư chi đoàn xã Phù Ngọc). Riêng đợt thi đua chào mừng ngày quốc tế lao động 1-5-1962, trong 20 ngày, 3 đoàn viên thanh niên xã Lũng Nặm đã sản xuất được nhiều phân, đó là: chị Hoàng Thị Hằn: 8.700 kg, anh Hoàng Văn Tính 8.000 kg và chị Hoàng Thị Dân 5.100 kg phân các loại. Trong đợt thi đua xuất hiện nhiều thanh niên ưu tú, Đoàn đã kết nạp thêm 91 đoàn viên mới bổ sung cho tổ chức và lực lượng Đoàn. Uy tín của Đoàn trong mọi lĩnh vực hoạt động được nâng cao, nên 43 đoàn viên được bầu vào ban quản trị, 20 đoàn viên được bầu vào kiểm soát hợp tác xã.
Công tác xây dựng Đảng: Trong 2 năm (1960-1961) đã kiện toàn củng cố được cấp uỷ từ huyện đến cơ sở, phát triển được 230 đảng viên mới, hướng phát triển chú ý đến lớp thanh niên, phụ nữ và dân tộc ít người. Sau khi kiện toàn bộ máy có một số cấp uỷ xã đã vươn lên tự động công tác được như Nà Sác, Yên Lũng, Hạ Thôn, Phù Ngọc, Sóc Hà, Lương Can và Bình Lãng. Trong Đảng bộ có nhiều đảng viên gương mẫu, tích cực giữ vững hợp tác xã, thực hiện chỉ tiêu kế hoạch, bảo vệ trị an và chấp hành các chính sách của Đảng.Huyện cũng đã quan tâm công tác phát triển đảng viên mới, song so với yêu cầu của cách mạng còn chậm, phát triển chưa đều khắp, còn 188 xóm trắng, có xã cả năm không phát triển được đảng viên nào. Có xã tỷ lệ đảng viên còn thấp như Nội Thôn 2.372 nhân khẩu mới có 12 đảng viên. Mặt khác vẫn còn có những đồng chí ý thức chấp hành chính sách của Đảng chưa nghiêm, chỉ tiêu sản xuất, chính sách thu mua không đạt, chưa chú ý đến việc học tập chính trị, văn hoá; thậm chí còn có đồng chí tham gia đánh bạc, buôn bán, nghiện hút, tham ô, làm mo và xin ra hợp tác xã.Tình trạng chi uỷ có một số nơi không nắm được sự hoạt động, tinh thần tư tưởng của đảng viên trong chi bộ. Trình độ văn hoá nói chung còn thấp (nhất là các cán bộ, lãnh đạo chủ chốt ở các và chi bộ xã nhiều đồng chí còn chưa thông thạo chữ, trong nhân dân nạn mù chữ còn rất phổ biến nhất là ở các xã rẻo cao như Thanh Long, Bình Lãng.
Năm 1962 là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhằm tạo cơ sở vật chất vững chắc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội với một nền kinh tế, văn hoá và khoa học tiên tiến. Do đó, phải thống nhất trong toàn Đảng kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh giáo dục tư tưởng, tích cực phát huy thắng lợi, sửa chữa thiếu sót để đưa huyện nhà tiến nhanh, mạnh. Phải động viên toàn Đảng, toàn dân đem sức mình ra cống hiến cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế - xã hội để góp phần xây dựng, củng cố miền Bắc giàu mạnh làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh hoà bình, thống nhất Tổ quốc.
Trong bối cảnh ấy, từ ngày 3 đến 8-8-1962, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hà Quảng lần thứ III
[75] được triệu tập, tham dự Đại hội có 67 đại biểu chính thức và 4 đại biểu dự thính đại diện cho 801 đảng viên toàn huyện. Đại hội đã thông qua đề án công tác 6 tháng cuối năm 1962 và phương hướng nhiệm vụ những năm tiếp theo, trong đó đặc biệt nhấn mạnh công tác trước mắt là phấn đấu đảm bảo chỉ tiêu, đảm bảo tổng giá trị sản lượng cả năm 1962. Đại hội đã bầu Ban chấp hành huyện Đảng bộ gồm 21 đồng chí uỷ viên chính thức, 1 dự khuyết và bầu Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí; đồng chí Bế Công Nghĩa được bầu làm Bí thư và hai đồng chí Nông Tư Bào, Hoàng Cao Trung làm Phó bí thư.
Phong trào hợp tác hoá nông nghiệp trong toàn huyện qua 3 năm xây dựng (1959 – 1961), đến năm 1961 đạt tỷ lệ khoảng 40%, vùng thấp trên 60%, vùng cao 30%. Nhưng từ cuối năm 1962, tình hình phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở một số nơi bị giảm xuống như ở miền Thông Nông tổng số có 92 hợp tác chỉ còn 45 hợp tác, tan rã 47 cái; miền Lục Khu có 51 hợp tác còn 33 cái, tan rã 28 cái; miền thấp có 64 hợp tác, còn 43cái, tan rã 21 cái. Tính chung toàn huyện xây dựng được 207 hợp tác, đến cuối năm 1962 chỉ còn 111 cái, tan rã 96 cái, chiếm 46,37%.; còn 26% số hộ vào hợp tác,vùng thấp còn 51%, vùng cao 13%. Nguyên nhân phong trào gặp nhiều khó khăn vì: trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa của đảng viên, đoàn viên thanh niên cũng như nhân dân còn thấp. Vai trò lãnh đạo và quản lý hợp tác xã còn yếu. Có nơi đảng viên và đoàn viên thanh niên không vào hợp tác xã, thậm chí còn có một số đồng chí đảng viên và đoàn viên xin ra khỏi hợp tác xã.
Trước tình hình trên, Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo khâu củng cố, giữ vững phong trào hợp tác hoá với nhiều biện pháp cụ thể phù hợp với đặc thù từng vùng. Căn cứ vào điều kiện chính trị, kinh tế, văn hoá vùng Lục Khu có những điểm đặc thù so với vùng đồng, ngày 11-12-1963, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã quyết định thành lập Ban lãnh đạo phong trào hợp tác xã, tổ đổi công và sản xuất vùng Lục Khu
[76]. Đồng thời thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý trong các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện, thí điểm tại hợp tác xã Bản Giàng, xã Xuân Hoà
[77], sau đó nhân rộng ra 39 hợp tác xã tại 4 xãcả vùng thấp và vùng cao là Phù Ngọc, Xuân Hoà, Sóc Hà và Trường Hà. Nhờ những cố gắng nỗ lực của toàn Đảng bộ, nên phong trào hợp tác xã được giữ vững. Năm 1965, phong trào hợp tác xã phát triển mạnh hơn, đưa tổng số hợp tác xã nông nghiệp toàn huyện lên 268 hợp tác xã, đạt 58,3% so với số nông dân lao động trong huyện. Phong trào hợp tác xã ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, quy mô ngày càng lớn. Do đó trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, tổng sản lượng lương thực của huyện đã tăng lên đáng kể: năm 1963 đạt 5.295 tấn, năm 1964 đạt 6.450 tấn, năm 1965 đạt 5.047 tấn. Năm 1964, huyện có 25 xã thì 17 xã đạt từ 24 tạ/ha trở lên. Đây là một kết quả hết sức to lớn là kỷ lục về năng suất lúa của huyện trong lịch sử sản xuất nông nghiệp, mở ra triển vọng lớn để tiếp tục đưa năng suất lúa ngày càng cao.
Trong đại hội giao lương năm 1965, mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần khẩn trương chống Mỹ cứu nước, phong trào hoàn thành nhiệm vụ ba thu đối với nhà nước được phát động sâu rộng. Nhiều điển hình tiêu biểu như hợp tác xã Bản Láp, Nà Pò, Bắc Phương (xã Quý Quân), sau khi học tập thư của Uỷ ban hành chính tỉnh và được phổ biến về tình hình nhiệm vụ và yêu cầu mới của cách mạng, thì xã viên hứa giành hết toàn bộ lúa chiêm (trừ giống) làm nghĩa vụ cho Nhà nước
[78]. Các hợp tác xã Nà Pang, Nà Thin, Bản Gai (xã Cần Yên) đã đề nghị làm nghĩa vụ lương thực trước khi giao mức. Nhiều nơi đồng bào kết hợp rất chặt chẽ giữa nhiệm vụ sản xuất và giao lương bằng cách vừa thu hoạch vừa phơi thóc, ngô, làm nghĩa vụ như hợp tác xã Mai Nưa (Xuân Hoà), Bản Láp, Nà Pò (Quý Quân), Nà Cháo (Sóc Hà) làm nghĩa vụ trước ngày phát động thu. Toàn huyện đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt công tác lương thực năm 1965, cụ thể: thuế thu được đạt 99%, mua khuyến khích đạt 123,9%. Tổng mức lương thực huy động được là 1.863 tấn (ngô 1.215 tấn, thóc 648 tấn), bằng 334% mức của năm 1963; có 136 hợp tác xã và 19 xã hoàn thành nhiệm vụ ba thu cả năm.
Chăn nuôi: do điều kiện tự nhiên của huyện có cả vùng núi và vùng đồng nên thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc và gia cầm, nhiều hợp tác xã đã chú ý chăn nuôi trâu, bò, lợn tập thể. Năm 1963, tổng đàn trâu của huyện có 6.958 con, năm 1964 có 7.666 con, năm 1965 có 7.285 con. Tổng đàn bò năm 1963 có 13.359 con, năm 1964 có 13.226 con, năm 1965 có 12.381 con. Tổng đàn lợn năm 1963 có 15.244 con, năm 1964 có 13.138 con, năm 1965 có 14.572 con.
Công tác giao thông vận tải thời kỳ 1961 – 1965 được tỉnh chỉ đạo là: phải ra sức củng cố bảo dưỡng sửa chữa một số tuyến đường chủ yếu; mở thêm một số đường mới ở những vùng xa xôi héo lánh để thúc đẩy phát triển kinh tế dân sinh như Mỏ Sắt (Hoà An), Lục Khu, Háng Tháng (Hà Quảng), Bảo Lạc. Do đó, những năm 1962 - 1964, tỉnh đã đầu tư xây dựng, mở thêm tuyến đường ô tô mới Đôn Chương - Pác Bó; mở rộng các tuyến đường đã có như Trà Lĩnh - Tổng Cọt, Cao Bằng - Sóc Giang; đường Sóc Giang - Bình Mãng dài 4 km nối liền nước ta với nước bạn tiếp tục được quan tâm làm mới, mở rộng. Đảng bộ tiếp tục chỉ đạo tu sửa các tuyến đường có sẵn, đồng thời phát động phong trào làm đường giao thông nông thôn, làm đường từ trung tâm huyện xuống các xã và từ xã xuống một số xóm, đặc biệt là làm đường từ trụ sở xã ra các trục đường giao thông chính của tỉnh và huyện.
Công tác quốc phòng – an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Xuất phát từ đặc điểm của một huyện miền núi biên giới có địa hình phức tạp, tàn dư của bọn phản động còn nhiều, vẫn ngoan cố tiến hành các hoạt động quấy rối, hoạt động an ninh - quốc phòng của huyện tập trung chủ yếu vào phòng chống gián điệp biệt kích, tăng cường cảnh giới địa phương, thực hiện phong trào bảo vệ trị an, xây dựng lực lượng xung yếu, thực hiện tốt công tác tuyển quân. Nhanh chóng quán triệt tinh thần Chỉ thị số 63-CT ngày 28-4-1963 của Tỉnh uỷ "về công tác phòng chống gián điệp biệt kích", ngày 30-4-1963, Ban chấp hành Đảng bộ huyện họp mở rộng bất thường. Sau khi nghiên cứu về yêu cầu và tinh thần chỉ thị. Ban chấp hành Đảng bộ huyện thống nhất đề ra chủ trương, bàn biện pháp thi hành trên cơ sở tình hình địa phương, đồng thời thống nhất thành lập ban lãnh đạo và phân công, phân nhiệm các đồng chí xuống xã và các địa bàn trực tiếp nghiên cứu thi hành. Theo đó, Ban lãnh đạo chống biệt kích của huyện gồm 3 đồng chí do đồng chí đồng chí Nguyễn Thế Minh - Thường vụ Huyện uỷ, Phó chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện làm trưởng ban; hai đồng chí còn lại là Huyện đội trưởng và Huyện trưởng công an. Do tình hình địa dư của huyện rộng và có 3 vùng khác nhau, mỗi vùng có tình hình đặc điểm riêng, Ban chấp hành quyết định mỗi vùng có 1 tổ gồm 03 đồng chí trong đó 01 đồng chí huyện uỷ, 01 đồng chí huyện đội, 01 đồng chí công an, các tổ thực hiện nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo chung của ban lãnh đạo huyện. Đến ngày 04-5-1963, các địa bàn trong huyện tổ chức báo động để kiểm tra lực lượng, kiểm tra tinh thần sẵn sàng chiến đấu của dân quân; tiến hành tổ chức học tập chính trị, nâng cao cảnh giác trong toàn Đảng, toàn dân trên địa bàn huyện. Huyện uỷ Hà Quảng thống nhất xác định địa bàn là: Ngoại Trung, Mã Ba, Quang Vinh, Hạ Thôn, Thượng Thôn, Đa Thông, Ngọc Động, Thanh Long, Bình Lãng, Lương Can, Xuân Hoà (thôn Minh Khai); trong đó địa bàn trọng điểm là Ngoại Trung, Lương Thông. Các xã trọng điểm và toàn huyện đều chuẩn bị chu đáo kế hoạch phòng chống gián điệp biệt kích và hoàn thành phương án tác chiến. Tình hình và ý thức chuẩn bị của các cơ quan cũng như nhân dân đã có nhiều chuyển biến tốt và dần dần được nâng cao, như việc cất dấu tài liệu, chuẩn bị hầm hố, nguỵ trang cầu cống, nhà cửa, tránh họp chợ vào những giờ cao điểm.
Trong những năm 1963 - 1965, huyện đã tổ chức triển khai và hoàn thành có chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ khắp các xã toàn huyện, nhiều xã tổ chức diễn tập kiểm tra đạt kết quả tốt. Nhiều xã như Cần Yên, Phù Ngọc, Tổng Cọt, Cô Mười... không những chỉ anh em dân quân tham gia diễn tập mà chị em phụ nữ và một số người cao tuổi cũng tham gia diễn tập hoặc tham gia vào các đội tiếp tế. Song song với việc củng cố lực lượng hậu bị, huyện cũng đã thực hiện tốt các đợt tuyển quân trong điều kiện số lượng đông, thời gian gấp, chất lượng cao và hoàn thành các đợt kiểm tra sức khoẻ anh em dân quân dự bị I và thanh niên trong lứa tuổi nghĩa vụ quân sự phục vụ cho yêu cầu động viên khi cần thiết. Qua động viên, giáo dục, hầu hết lực lượng hậu bị đều chấp hành nghiêm chỉnh lệnh động viên và các gia đình đã tạo điều kiện cho chồng, con an tâm lên đường nhận nhiệm vụ đúng thời gian quy định.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Ty Công an tỉnh, trong năm 1965, huyện đã tổ chức nhiều đợt vận động triển khai phong trào “bảo vệ trị an” , giáo dục trấn áp những phần tử xấu, nhất là tại các xã biên giới, xã xung yếu nội địa. Tại Hội nghị bảo vệ trị an miền núi toàn miền Bắc do Bộ Công an tổ chức vào tháng 8-1964, xã Hạ Thôn là một trong 5 xã thuộc tỉnh Cao Bằng vinh dự được Bộ Công an khen thưởng vì có nhiều thành tích trong phong trào bảo vệ trị an ba năm liền (1962-1964)
[79]; đồng thời cũng là xã có nhiều thành tích trong phong trào hợp tác hoá, phong trào tăng gia sản xuất, thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ở địa phương
[80].
Trong quá trình thực hiện các công tác trung tâm, từng bước công tác xây dựng Đảng được đẩy mạnh, biểu hiện nhất là khâu đấu tranh xây dựng nội bộ, nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức chấp hành chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ cấp trên và đấu tranh với mọi biểu hiện tư tưởng không cách mạng trong quần chúng nhân dân qua các phong trào, nhất là công tác lương thựcvà cải tạo nông nghiệp… Các xã vừa thực hiện công tác lương thực vừa tiến hành xây dựng, củng cố, cải tiến quản lý hợp tác xã ở những đơn vị xóm có điều kiện, mặt khác do tổ chức cơ sở đảng ngày càng được củng cố và phát huy tác dụng của mình trong khâu lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục và tổ chức quần chúng nhân dân thực hiện, nên một số công tác như sản xuất, trị an quốc phòng, xây dựng lực lượng hậu bị… có nhiều tiến bộ mới. Song công tác phát triển Đảng còn yếu, trong 3 tháng cuối năm 1965 chỉ phát triển được 2 đảng viên mới.
Từ ngày 02 đến 05-7-1964, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hà Quảng lần thứ IV được triệu tập. Đại hội đã kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ V, Nghị quyết Đại hội Đảng huyện lần thứ III, tình hình thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho những năm tiếp theo là tiếp tục thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước và tích cực chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đại hội đã bầu Ban chấp hành huyện Đảng bộ khoá IV gồm 21 đồng chí chính thức và 2 đồng chí dự khuyết, bầu Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí, đồng chí Bế Công Nghĩa được bầu làm Bí thư, hai đồng chí Hoàng Cao Trung và đồng chí Triệu Liên Quân làm Phó Bí thư.
Các tổ chức đoàn thể quần chúng được tăng cường củng cố và phát huy tác dụng. Để hỗ trợ cho công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về tình hình và âm mưu của địch, những thắng lợi của toàn dân ta ở cả hai miền, đồng thời nhận rõ chủ trương và nhiệm vụ mới của ta trong hoàn cảnh vừa đẩy mạnh tốc độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc vừa đẩy mạnh chống Mỹ cứu nước. Trong quý III năm 1965, Đại hội Mặt trận Tổ quốc huyện được tổ chức thành công tốt đẹp đã tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Về tổ chức Đoàn thanh niên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, của Đoàn cấp trên, nhiều cơ sở đoànđã lãnh đạo, vận động đoàn viên, thanh niên tích cực thamgia thực hiện mọi công tác trung tâm của địa phương như: chống hạn, sản xuất, làm phân bón, tổ chức giao lương, thamgia xây dựng công trình thuỷ điệnnhằm hưởng ứng mạnh mẽ phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch năm năm lần thứ nhất” do Đoàn cấp trên phát động… Tiêubiểu là Đoàn xã Đào Ngạn vừa đẩy mạnh chống hạn, vừa sản xuất gấp được 12 tấn phân bón để bón thúc cho lúa mùa, một số chị em đoàn viên, thanh niên túc trực ngày đêm bên máy bơm để đưa nước lên cánh đồng chống hạn; 100% đoàn viên, thanh niên các phân đoàn Bản Láp, Bắc Phương, Nà Po thuộc đoàn xã Quý Quân thamgia giao lương ngoài giờ sản xuất; Đoàn xã Nà Sác vừa hăng hái tổ chức học tập văn hoá, vừa tích cực tham gia lao động xây dựng công trình thuỷ điện Pác Bó, Sóc Giang. Một số đoàn viên thanh niên Đoàn xã Yên Lũng khi đến tham gia xây dựng trạm thuỷ điện Pác Bó phấn khởi làm ngày, làm đêm để góp phần hoàn thành sớm công trình. Thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ về “Tết trồng cây”, tuổi trẻ Hà Quảng, từ huyện đến cơ sở, năm nào cũng ra quân trồng cây, gây rừng, xây dựng các “đồi cây thanh niên”. Tuỳ theo đặc điểm và yêu cầu của từng cơ sở mà có thể trồng nhiều loại cây khác nhau như: chi đoàn Hạ Thôn trồng 192 khóm trúc, chi đoàn Kéo Yên trồng 2.672 cây các loại, chi đoàn Ngoại Trung trồng 1.227 cây lấy gỗ và 257 cây ăn quả... Mặt khác, thông qua các phong trào, nhiều cơ sở đoàn đã tổ chức kết nạp được nhiều đoàn viênmới, chỉ tính riêng 3 tháng quý III năm 1965 toàn huyện đã kết nạp được thêm 58 đoàn viên mới. Song nhìn chung, tình hình hoạt động của đoàn viên, thanh niên chưa đồng đều và rộng khắp các xã toàn huyện, một số xã Ban chấp hành Đoàn cơ sở hoạt động yếu.
Chị em phụ nữ là những người đảm đang phần lớn nhiệm vụ sản xuất ở nông thôn,vừa góp phần xứng đáng vào những thắng lợi trong mọi công tác của địa phương như: chính sách lương thực, chính sách hợp tác hoá, thu mua thực phẩm… điểnhình là trong quá trình thực hiện nghĩa vụ lương thực vụ hạ năm 1965, chị em phụ nữ các xã Cần Yên, Kéo Yên, Lũng Nặm, Phù Ngọc, Đào Ngạn, Quý Quân đã góp phần tích cực trong việc tổ chức giao lương; có xã như Kéo Yên, Lũng Nặm chị em phụ nữ đã tổ chức về bán cho hợp tác để làm nghĩa vụ không lấy công điểm hoặc trong những ngày hội bán nông sản, thực phẩm ở các xã Cần Yên, Lương Thông, đông đảo chị em phụ nữ đã nhiệt tình dắt trâubò, lợn, gánh nông sản. Trong chăn nuôi, nhiều chị em phụ nữ được công nhận là nữ chăn nuôi giỏi như bà Dùng 60 tuổi người Mông ở Thượng Thônnuôi 14 con lợn thịt, 2 lợn nái. Ngoài ra, được sự trợ giúp tích cực của các cấp uỷ đảng, chị em phụ nữ đã thực hiện tốt một số công tác của hội như: củng cố được các cơ sở hội, vận động chị em phụ nữ lao động góp được 1.159đ60 để xây dựng nhà trẻ tỉnh Gia Lai kết nghĩa, trong đó 3 xã Cần Yên, Sóc Hà, Nà Sác đã đóng góp vượt mức kế hoạch huyện giao, xã Xuân Hoà chỉ trong một thời gian ngắn, chị em đã phấn đấu hoàn thành căn bản kế hoạch. Trong các đợt tuyển quân, nhiều chị em đã phấn khởi và tích cực tạo điều kiện để chồng con mình an tâm lên đường nhận nhiệm vụ, mặt khác nhiều cơ sở phụ nữ xã đã tổ chức tốt lễ tiễn đưa, tổ chức góp tiền mua tặng phẩm cho anh em thanh niên lên đường nhập ngũ, gây thêm không khí phấn khởi và đầy hứa hẹn giữa người ra đi tiền tuyến và người ở lại hậu phương.
Trong thời kỳ 1961-1965, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng đã nỗ lực phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, thiếu sót, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thế mạnh, ưu điểm và kinh nghiệm của những thời kỳ trước, đẩy mạnh khí thế thi đua "mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt". Nhân dân hăng hái thi đua sản xuất, cùng toàn tỉnh hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 - 1965), tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng đều, rộng khắp trên mọi lĩnh vực, từng bước vươn lên vững chắc về mọi mặt, góp phần tích cực vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
CHƯƠNG V
XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG VỮNG MẠNH, CHI VIỆN ĐẮC LỰCCHO TIỀN TUYẾN LỚN MIỀN NAM, GÓP PHẦN ĐÁNH THẮNG GIẶC MỸ XÂM LƯỢC (1965 - 1975) I. ĐẢNG BỘ LÃNHĐẠO NHÂN DÂN CHUYỂN TỪ THỜI BÌNH SANG THỜI CHIẾN, CỦNG CỐ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH, GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CUỘC CHIẾN TRANH PHÁ HOẠI CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (1965 - 1970)Từ năm 1964, sau khi bị thất bại nặng nề ở miền Nam Việt Nam, ngày 05- 8, đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom đánh phá miền Bắc, mở rộng chiến tranh ra cả nước. Miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ lịch sử mới: vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa chi viện cho miền Nam.
Trước tình hình mới, Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 11 (tháng 3-1965), ra nghị quyết về “tình hình và nhiệm vụ cấp bách trước mắt”, và tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá III (ngày 10-4-1965), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Lúc này chống Mỹ, cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người dân Việt Nam yêu nước… tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”
[81]. Đến tháng 12-1965, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 12, xác định nhiệm vụ cách mạng của cả nước ta. Nghị quyết của Hội nghị nói rõ: “Nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước hiện nay rõ ràng là nhiệm vụ thiêng liêng của cả dân tộc ta, của nhân dân ta từ Nam chí Bắc”
[82].
Trong tình hình mới, thực hiện chủ trương của Trung ương và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đảng bộ Hà Quảng đã khẩn trương chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến. Đảng bộ Hà Quảng xác định là: phải góp phần tích cực vào việc xây dựng huyện miền núi biên giới thành căn cứ địa vững chắc và sớm có đủ những điều kiện “khá giả về kinh tế, vững chắc về chính trị, mạnh về quốc phòng” và trước tình hình nhiệm vụ mới của cuộc cách mạng hiện nay, yêu cầu xây dựng căn cứ địa miền núi lại càng cấp thiết nhằm làm chỗ dựa để đối phó có hiệu quả cao nhất với âm mưu chiến tranh phá hoại của địch, đồng thời góp phần cùng với địa phương khác trong cả nước sẵn sàng đánh bại bất cứ loại chiến tranh xâm lược nào của đế quốc Mỹ gây ra.
Để phù hợp với tình hình mới và xuất phát từ đặc điểm là huyện vùng cao - biên giới còn nhiều khó khăn và là một địa bàn xung yếu về mọi mặt của tỉnh. Nhưng do lãnh thổ rộng không thuận lợi cho việc quản lý chỉ đạo cũng như phát triển kinh tế - xã hội, và nhiều vấn đề khác, nên Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban hành chính huyện đã đề nghị lên cấp trên xin tách huyện Hà Quảng thành hai huyện là huyện Hà Quảng và huyện Thông Nông. Sau khi xem xét chia tách huyện là hợp lý, ngày 07-4-1966, Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết số 67-CP về việc chia huyện Hà Quảng thành hai huyện là huyện Hà Quảng và huyện Thông Nông.
- Huyện Hà Quảng gồm có 20 xã là: Cải Viên, Đào Ngạn, Hạ Thôn, Kéo Yên, Lũng Nặm, Cô Mười, Tổng Cọt, Sỹ Hai, Mã Ba, Nà Sác, Nội Thôn, Phù Ngọc, Hồng Sỹ, Quý Quân, Sóc Hà, Thượng Thôn, Trường Hà, Vân An, Xuân Hoà, Yên Lũng.
- Huyện Thông Nông gồm có 8 xã là: Đa Thông, Lương Thông, Cần Yên, Lương Can, Thanh Long, Ngọc Động, Bình Lãng và Yên Sơn.
Ban cán sự đầu tiên của Thông Nông do đồng chí Hoàng Cao Trung - Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện Hà Quảng làm trưởng ban; đồng chí Triệu Cao Giới - Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ Hà Quảng làm phó ban. Đến tháng 9-1966, khi bổ nhiệm Chủ tịch Uỷ ban hành chính Thông Nông thì đồng chí Hoàng Cao Trung mới thôi không giữ chức vụ Trưởng ban cán sự huyện Thông Nông.
Sau khi tách huyện, Đảng bộ Hà Quảng tiếp tục lãnh, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện và sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực.
Trong công tác trật tự trị an quốc phòng. Đảng bộ, chính quyền huyện đã chỉ đạo động viên nhân dân các dân tộc luôn nâng cao cảnh giác cách mạng, sẵn sàng tham gia chiến đấu đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của dịch. Các cơ quan, nhân dân ở các vùng tập trung, kho tàng nhà nước, nơi họp chợ đều phải triệt để thực hiện việc phòng không sơ tán, đào hầm, hào phòng tránh máy bay địch bắn phá.
Công tác động viên tuyển quân, được Đảng bộ làm tốt, hàng năm mỗi đợt tuyển quân, rất nhiều con em các dân tộc hăng hái lên đường nhập ngũ, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu. Lực lượng dân quân tự vệ được củng cố và huấn luyện thường xuyên, ngày càng phát triển vững mạnh. Công tác chính sách hậu phương quân đội được huyện quan tâm chu đáo, nhân dân các dân tộc đều thấy rõ trách nhiệm đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có người đi B, C và đã nhiều lần tổ chức giúp đỡ giải quyết khó khăn, với nhiều nội dung như giúp làm nhà, chăm sóc khi ốm đau, giúp tăng gia sản xuất, phân phối điều hoà lương thực… những hoạt động đó đã góp phần tăng thêm lòng tin, niềm phấn khởi, đối với những người ra đi chiến đấu chống Mỹ cứu nước.
Trong sản xuất nông nghiệp, phong trào hợp tác xã phát triển không ngừng và ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện, kinh nghiệm quản lý mỗi năm một nhiều. Tỷ lệ số hộ nông dân vào hợp tác xã liên tục tăng lên, năm 1964 là 52%, năm 1965 lên 61% đến cuối năm 1966 đã lên đến 84,18%; trong đó vùng thấp đạt 96.7%, vùng cao đạt 77%, năm 1967 vùng thấp đạt 97,94%, vùng cao đạt 89,4%, toàn huyện đạt 86,76% số hộ vào hợp tác xã. Các hợp tác xã từ quy mô nhỏ qua cải tiến quản lý đã dần thành lập hợp tác xã có quy mô lớn để có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi. Cụ thể xã Đào Ngạn từ 10 hợp tác xã hợp nhất thành 1 hợp tác xã, xã Quý Quân 5 hợp tác xã hợp nhất thành 1 hợp tác xã, xã Trường Hà 4 hợp tác xã dồn thành 1 hợp tác xã quy mô toàn xã. Xã Xuân Hoà 12 hợp tác xã dồn thành 3 hợp tác xã, xã Phù Ngọc 11 hợp tác xã hợp nhất thành 3 hợp tác xã. Sản xuất trong các hợp tác xã ngày càng phát triển, theo phương châm sản xuất nông nghiệp của Đảng là “toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”; trên cơ sở thâm canh tăng vụ tăng năng suất, canh tác toàn diện nhưng chú trọng cây lương thực cây công nghiệp và chăn nuôi, phấn đấu căn bản giải quyết được vấn đề lương thực (lúa ngô, khoai…).
Với phương châm sản xuất trên, Đảng bộ đã chỉ đạo: chuyển từ độc canh cây lúa ngô một vụ sang luân canh vụ lúa ngô, đồng thời phát triển diện tích cây công nghiệp ngắn ngày (thuốc lá, đỗ tương) kết hợp với trồng màu ở những nơi có điều kiện. Do xác định đúng đắn như vậy nên năm 1966 diện tích canh tác các loại cây đều tăng, nhưng do khó khăn về thời tiết khắc nghiệt - khô hạn nên năng suất và sản lượng bị suy giảm một phần, song nhiều chỉ tiêu vẫn đạt và vượt so với những năm trước. Cụ thể lúa cấy 2.807 ha, diện tích đạt 91% kế hoạch, sản lượng đạt 4.855 tấn bằng 84% kế hoạch; ngô gieo trồng 8.532 ha diện tích đạt 120% kế hoạch, sản lượng 8.605 tấn đạt 83%; màu quy thóc đạt 1.140 tấn bằng 235% kế hoạch; thuốc lá 286 ha đạt 135 tấn bằng 86% kế hoạch so với 1965 đạt 140%; đỗ tương 1.414 ha đạt 395 tấn so với năm 1965 đạt 159% kế hoạch; bông 278 ha đạt 66 tấn đạt 89 % so với 1965. Đến năm 1977, tổng sản lượng lương thực đạt 10.344 tấn, năng suất ngô bình quân đạt 11,54 tạ/ha, năng suất lúa đạt 21,19 tạ/ha tăng 10% so với năm 1965, bình quân nhân khẩu đạt 22kg/người/tháng. Năm 1970 làm nghĩa vụ lương thực cho nhà nước 850 tấn đạt 100% kế hoạch - là năm lịch sử hoàn thành công tác 3 thu, so với năm 1969 gấp 2,4 lần.
Về chăn nuôi, phương hướng của Đảng bộ huyện là: “Chủ trương chăn nuôi gia súc sinh sản, chú ý tăng nhanh trâu, bò, lợn khuyến khích phát triển chăn nuôi ngựa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và Nhà nước, đồng thời phục vụ cho yêu cầu thực hiện thâm canh tăng năng suất cây trồng”. Thực hiện phương hướng trên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Huyện uỷ, Uỷ ban hành chính huyện, sự cố gắng của các ngành liên quan, đặc biệt là người trực tiếp sản xuất, ngành chăn nuôi của huyện đã có nhiều chuyển biến, nên mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tổng đàn hàng năm vẫn tăng. Tổng đàn trâu năm 1966 có 7.498 con đạt 102% so với 1963, đàn bò 12.799 con đạt 105% so với 1965, đàn lợn 25.095 con bằng 104% so với 1965 và ngựa 646 con đạt 107%. Đến năm 1968 mặc dù bị giá rét, mưa tuyết làm chết 400 con trâu, 320 con lợn, 73 con bò. Nhưng đàn trâu vẫn đạt 116,6% kế hoạch, đàn bò đạt 114,4%, đàn ngựa có 1.233 con tăng gần gấp đôi so với năm 1966, đàn lợn đạt 114,1 %. Nếu không bị dịch và chết rét thì khả năng chăn nuôi còn phát triển hơn. Năm 1970, tổng đàn trâu lại giảm chỉ còn 4.396 con, đàn bò có 6.323 con, đàn dê có 1.000 con, đàn lợn 1.413 con chỉ đạt 31% kế hoạch.
Việc thu mua trâu, bò, lợn… cho Nhà nước, xí nghiệp thực phẩm, huyện đã tích cực vận động nông dân bán trâu, bò già nên hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch. Năm 1966 thu mua trâu hơi đạt 118,6%, bò hơi đạt 107,6%, lợn hơi đạt 73,5 %. Năm 1967, thu mua trâu hơi được 27,432 tấn đạt 124%, bò hơi 22,191 tấn, lợn hơi 16 tấn đạt 37% kế hoạch. Năm 1970, tình hình thu mua thịt lợn hơi khá hơn đạt 25.352 kg, trong đó cung cấp cho tỉnh gần 11 tấn. Trung bình mỗi lao động nông nghiệp bán cho Nhà nước 1,7 kg thịt lợn/năm.
Công tác thuỷ lợi luôn được xác định là biện pháp hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp nhất là khâu trồng trọt. Vì vậy, huyện đã tích cực chỉ đạo toàn dân làm thuỷ lợi, năm 1966 đã huy động nhân dân làm nhiều công trình thuỷ lợi như đắp đập, mương phai, cọn nước, trạm bơm, các bể hốc đá, đào ao, giếng, xây bể chứa nước… có nhiều địa phương làm tốt các công trình này như Tổng Cọt, Cải Viên, hợp tác xã Bản Giới, Nà Nghiềng, Trúc Long; công trình lớn ở Bản Nưa (Đào Ngạn) và thuỷ điện Pác Bó… Toàn huyện đã bỏ ra 101.743 công làm mới và tu sửa rất nhiều công trình thuỷ lợi, riêng vùng cao làm thêm 96 ao giếng, bể chứa nước, giải quyết nạn thiếu nước cho 1.452 hộ gần 8.124 nhân khẩu; vùng thấp các công trình phục vụ tưới tiêu cho 563 ha đất canh tác. Năm 1968, nhân dân các dân tộc trong huyện Hà Quảng lại bỏ ra 123 ngàn ngày công làm thủy lợi, các công trình bảo đảm tưới tiêu cho 1.049 ha.Các đội thuỷ nông trong các hợp tác xã được thành lập với 513 người tham gia. Đến năm 1970, số cán bộ kỹ thuật phục vụ nông nghiệp tăng gấp 8 lần so với năm 1964, trong đó làm công tác thuỷ lợi chiếm phần lớn. Những hoạt động nổi bật của ngành thuỷ lợi trong những năm này là xây dựng mới 9 công trình thuỷ nông chiếm đến 76% tổng số vốn đầu tư của Nhà nước, ngoài ra nhân dân còn tự lực cánh sinh tu sửa và làm mới hàng trăm công trình thuỷ lợi nhỏ. Do đó đã căn bản giải quyết được nạn hạn hán kéo dài liên miên. Ở vùng cao đã tu sửa và làm mới được 290 công trình giải quyết nước sinh hoạt cho 2.146 hộ với 10.849 nhân khẩu.
Về phân bón cho nông nghiệp, huyện xác định, phân bón đóng vai trò quan trọng có tính chất quyết định năng suất và sản lượng cây trồng, mặt khác phân bón còn có tác dụng cải tạo đất để sử dụng lâu dài. Chủ trương của Đảng bộ là: lúa bảo đảm bón bình quân từ 8 - 10 tấn/ ha; ngô từ 5-7 tấn/ ha… Thực hiện phương châm trên, nhân dân đã có nhiều phấn đấu trong việc làm phân, chế biến phân; ý thức sử dụng phân xanh, phân bắc, phân hoá học, hoặc sử sụng đất trong hang, phân gio, rác, vôi bột… ở địa phương ngày càng nâng cao. Năm 1966 đã sản xuất được 175 tấn vôi bột, 195 tấn phân xanh và 1.194,756 tấn phân các loại, mua 110 tấn phân hoá học để sử dụng. Nhân dân ở khắp các địa phương đều thực hiện “sạch làng tốt ruộng” thu vét hết mọi nguồn phân để bón cho cây trồng. Song do nhiều khó khăn hạn chế nên năm 1966 chỉ bón được 5,7 tấn phân/ha lúa chiêm và 4,2 tấn/ha lúa mùa, 3,2 tấn/ha ngô. Năm 1968, phấn đấu cao độ nên đã đạt 7 tấn phân/ ha làm cho đất thêm mầu mỡ, tạo nên nhiều cánh đồng 5 tấn trong các hợp tác xã.
Trong vụ mùa 1966, huyện còn chỉ đạo thí điểm cấy giống lúa mới có năng suất cao, qua thí điểm giống lúa Quảng Tuyền 3 đạt năng suất 72,96 tạ/ha, chứng tỏ khả năng tăng năng suất còn có nhiều triển vọng nếu được đầu tư và thâm canh tốt.
Ngành lâm nghiệp được Đảng bộ xác định là: “phải đẩy mạnh phong trào trồng cây, gây rừng đồng thời phải coi trọng công tác kiểm tra, giáo dục bảo vệ khu vực đã trồng, tu bổ rừng, ngăn cấm nạn đốt rừng và tổ chức khoanh nuôi, tổ chức khai thác cho lợp lý”. Nhờ xác định được phương châm đúng như vậy, ngành lâm nghiệp của huyện đã tích cực chỉ đạo, tổ chức cho nhân dân thực hiện. Trong vụ 1965- 1966, toàn huyện đã trồng được 293.000 cây các loại, tu bổ 58 ha rừng, khai thác được gần 2.000 cây cần câu, gậy trúc, sào trúc và hàng ngàn mét khối gỗ phục vụ nhu cầu xuất khẩu và xây dựng đất nước. Năm 1967- 1968 tiếp tục trồng được 345.695 cây, riêng năm 1968 trồng được 211.393 cây đạt 211,39% kế hoạch. Việc khai thác, tu bổ tiếp tục hoàn thành tốt, trong đó các xã cả vùng thấp, vùng cao đã khai thác thêm 1.027 cây loại gỗ tốt để làm cột điện cho nhà máy thuỷ điện Pác Bó hoàn thành đúng kế hoạch. Nạn phá rừng bừa bãi giảm hẳn, nhưng công tác lâm nghiệp những năm qua vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì địa bàn rộng đi lại khó khăn, nên việc khai thác bừa bãi vẫn còn.
Qua thực tế sản xuất nông - lâm nghiệp trong những năm qua cho thấy sự phát triển giữa trồng trọt - chăn nuôi - nghề rừng chưa cân đối, toàn diện; năng suất còn thấp, các loại sản phẩm chưa thực sự trở thành hàng hoá góp phần làm giàu cho nhân dân. Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong sản xuất nông – lâm nghiệp.
Các ngành tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản. Thực hiện chủ trương chuyển hướng hoạt động từ thời bình sang thời chiến và đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp địa phương, nhằm giải quyết nhu cầu hậu cần tại chỗ.
Hà Quảng đã khẩn trương xây dựng xưởng cơ khí sản xuất nông cụ, đến năm 1968, xưởng cơ khí bắt đầu sản xuất các loại sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Cùng với việc phát triển xưởng cơ khí, huyện đã chú ý phát triển các trạm cơ khí như máy xay sát, máy thái thuốc lá, máy nghiền thức ăn gia súc, đến năm 1969, toàn huyện đã có 11 điểm cơ khí nhỏ lẻ. Huyện cũng đã tuyên truyền vận động và nhằm giải quyết công ăn việc làm cho những đối tượng này, để phù hợp với quan hệ sản xuất mới, các hộ tiểu thương đã được tổ chức thành hai hợp tác xã may mặc ở Sóc Giang và Nà Giàng, một tổ sản xuất xì dầu, hai tổ nhuộm và một tổ sản xuất giấy phẩm. Được sự quan tâm thường xuyên của cấp trên, đến năm 1968, Xí nghiệp may mặc của huyện được thành lập, công nhân lao động tích cực, tranh thủ thời gian để sản xuất, trong một năm đã sản xuất được hơn 17 ngàn quần áo các loại phục vụ nhân dân trong và ngoài huyện.
Về giao thông vận tải và xây dựng cơ bản: thực hiện chủ trương của Trung ương phát triển giao thông miền núi chủ yếu là: làm từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến cải tiến, kết hợp cả 3 mặt: nhân dân tự làm là chính, Nhà nước giúp đỡ những vấn đề cần thiết và Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhằm từng bước cải thiện việc đi lại của nhân dân, tạo điều kiện giải phóng đôi vai, nâng cao hiệu suất lao động, phục vụ nhu cầu sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Là một huyện còn nhiều khó khăn hạn chế về giao thông, và nhiều mặt khác nhưng khi định hướng đúng và Đảng bộ tích cực chỉ đạo, chính quyền và các ngành tổ chức vận động nhân dân thực hiện nên đã tạo thành một phong trào mới để xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn và đã đạt những kết quả thiết thực. Trong 2 năm 1965- 1966, nhân dân trong huyện đã tu sửa, mở rộng, làm mới đường Tổng Cọt- Trà Lĩnh, Nặm Nhũng - Tổng Cọt. Đóng góp hàng vạn ngày công tham gia xây dựng hoàn thành nhà máy thuỷ điện Pác Bó, hai trạm bơm Kép Ké và Yên Luật, hoàn thành đường điện hai xã Trường Hà và vùng thấp Xuân Hoà, hoàn thành đường điện lên Nặm Nhũng phục vụ sinh hoạt của nhân dân. Ngoài ra, nhân dân còn sản xuất hàng ngàn cột điện để làm đường điện thoại Tổng Cọt đến Nặm Nhũng dài 19 km.
Điểm đặc biệt nổi bật trong thời kỳ này là tổ chức thi công mở đường Đôn Chương - Nặm Nhũng - Tổng Cọt vùng Lục Khu của huyện. Tháng 9-1967, công trường đường Nặm Nhũng - Đôn Chương được thành lập, đây là nguyện vọng mơ ước nhiều đời nay của đồng bào Lục Khu, nhân dân rất phấn khởi tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công trường, như bố trí nơi ăn ở sinh hoạt cho công nhân, đóng góp vật liệu và công xây dựng lán trại cho công trường. Ban chỉ huy công trường kết hợp với Huyện uỷ, Uỷ ban hành chính huyện tổ chức mít tinh gửi quyết tâm thư lên Trung ương Đảng và Bác Hồ, quyết tâm hoàn thành tuyến đường đúng kế hoạch.
Tại công trường từ ngày khởi công đến những ngày tháng tiếp theo, nhân dân vùng cao cũng như vùng đồng đến tham gia rất nhiệt tình, từ những thiếu niên đến cụ già 60 tuổi, tuyến đường phải đi qua nhiều đèo dốc núi đá rất khó khăn, nguy hiểm nhưng từ sáng đến tối trên công trường lúc nào cũng nhộn nhịp người lao động. Phong trào vận động đóng góp nhân lực, vật lực cho công trường lan rộng khắp cả huyện, nhân dân các xã tự nguyện tự giác đóng góp công sức cho công trường, có nhiều xã đã hoàn thành nghĩa vụ nhưng vẫn tiếp tục tham gia lao động trên công trường. Nổi bật là cán bộ, nhân dân xã Lũng Nặm đã đóng góp 4.801 công vượt chỉ tiêu huyện giao, các xã Yên Lũng, Sỹ Hai, Mã Ba, Tổng Cọt, Thượng Thôn, các xóm vùng cao của Quý Quân, Phù Ngọc mặc dù đường xa đi lại khó khăn nhưng vẫn tham gia nhiệt tình.
Ngoài đóng góp theo nghĩa vụ, nhân dân các dân tộc trong huyện, nhất là vùng cao Lục Khu còn vận động ủng hộ vật chất động viên công nhân ở công trường 10.336 con gà, 3 con bò, trên 60 kg gạo và nhiều quà bánh… Những đóng góp đó đã góp phần cho công trường hoàn thành trước thời hạn 19 ngày. Tổng cộng toàn bộ công trường đường Đôn Chương đi Tổng Cọt, nhân dân trong huyện đã đóng góp 29.518 ngày công góp phần đào đắp, phá đá… 15.466.439 m
3, xây kè 101,302 m
2,đào đất các loại 1.093.372m
3.
Với sự chỉ đạo nhất quán của Huyện uỷ, Ủy ban hành chính huyện và quyết tâm của công nhân cũng như nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng, tuyến đường Lục Khu dài 43 km rải đá, lu lèn, đảm bảo các loại xe có trọng tải 5 tấn đi lại an toàn đã được khai thông, đây có thể coi là một cột mốc lịch sử đánh dấu một bước phát triển mới vùng cao Lục Khu, Hà Quảng.
Công tác tài chính - ngân hàng - thương nghiệp. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất và xây dựng cơ bản thì công tác tài chính - ngân hàng - thương nghiệp đã tích cực hoạt động để phục vụ cho phát triển sản xuất… phục vụ nhân dân các dân tộc. Huyện đã chú ý quan tâm thường xuyên, động viên các ngành hoạt động tích cực phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng.
Về tài chính, năm 1965 kế hoạch thu 277.800 đồng, thực hiện được 258.399 đồng đạt 95% nhưng so với năm 1964 vẫn tăng 27%. Năm 1966 kế hoạch thu 400.000 đồng thực hiện được 465.121 đồng đạt 101,2% tăng 18% so với 1965. Năm 1968, thu thuế công thương tiếp tục đạt và vượt kế hoạch 107%, nhưng đến năm 1969 - 1970 thu lại không đạt nhưng chi lại vượt thu.
Năm 1966, ngân hàng thu được 2,639.177 đồng đạt 110,4% kế hoạch, chi 2.590.179 đồng đạt 96,6 %, trong đó chi sản xuất nông nghiệp 23,3%. Ngành ngân hàng đã tích cực trong việc thu chi tiền mặt và thành lập 7 hợp tác xã tín dụng để giúp quản lý tiền mặt ở nông thôn và phục vụ việc xây dựng cơ sở vật chất của các hợp tác xã.
Công tác lưu thông phân phối, mặc dù bị ảnh hưởng do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, phương tiên vận tải khó khăn, nhưng với tinh thần: tất cả để phục vụ đời sống nhân dân, phục vụ yêu cầu chống Mỹ cứu nước. Ngành thương nghiệp đã cố gắng lớn, bảo đảm các loại hàng tiêu dùng thiết yếu như dầu, muối, diêm, giấy… tuy có khó khăn nhưng năm 1967 kế hoạch bán ra vẫn đạt 99,2%, năm 1968 đạt 96,3% tổng giá trị đạt 129% kế hoạch, đến năm 1970, hàng hoá bán cho nhân dân đạt 8.612.000 đồng tăng 194,09% so với năm 1964. Đồng thời thu mua của nhân dân đạt 3.944.000đ.
Tình hình ngoại thương - các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng nông sản, thực phẩm và thổ cẩm, ngành thương nghiệp đã có nhiều cố gắng để có hàng xuất khẩu, năm 1965 đã thực hiện được 44.359 đồng đạt 68,7%, năm 1966 thu mua được 25.539 đồng chỉ đạt 40% nhưng đến năm 1968 thực hiện được 88,3% kế hoạch. Tại cửa khẩu Sóc Giang, nhân dân trong huyện thường sang chợ Bình Mãng (Trung Quốc) trao đổi với nhân dân nước bạn, năm 1965 tổng giá trị hàng xuất khẩu là 14.998 đồng, giá trị hàng nhập khẩu là 14.771 đồng, thu thuế các loại được 458 đồng, năm 1966 xuất khẩu là 8.853 đồng, nhập khẩu 8.124 đồng. Số người xuất biên năm 1965 là 3.903 người, năm 1967 là 3.970 người, năm 1968 tăng 4,5 lần so với năm 1967. Số người nước bạn nhập biên sang là 3.664 người, đến năm 1968 số nhập biên từ bạn sang giảm dần.
Công tác văn hoá - xã hội, trong những năm qua đã được huyện chú ý quan tâm. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ, cố gắng của các ngành chuyên môn đã làm cho phong trào văn hoá - giáo dục - y tế phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Phòng Văn hoá đã kết hợp với các cơ quan liên quan trong việc tiếp tục vận động, giáo dục quần chúng nhân dân các dân tộc bài trừ mê tin dị đoan, loại bỏ những hủ tục tập quán cũ lạc hậu như ma chay, cưới xin, cúng bái… có địa phương giảm tới 50% chi phí so với trước, và nhiều thay đổi tiến bộ khác tại địa phương trong huyện. Các ban văn hoá xã được củng cố và thành lập mới để thúc đẩy các hoạt động văn hoá - văn nghệ, đến năm 1968 đã thành lập được 11 ban văn hoá xã, trong đó có 5 xã vùng cao, 6 xã vùng thấp, xây dựng được 8 đội văn nghệ ở các xã, sáng tác, dàn dựng được 93 tiết mục khác nhau, chọn lọc được 33 tiết mục để tổ chức biểu diễn ở huyện phục vụ hàng vạn người xem, tiêu biểu là đội văn nghệ Pác Bó, xã Trường Hà được chọn đi hội diễn tại tỉnh và Khu tự trị Việt Bắc, đội văn nghệ của trường Dân tộc miền Nam đã đi biểu diễn tại 8 xã cả vùng cao, vùng thấp của Hà Quảng, thể hiện tình Bắc Nam ruột thịt, tình nghĩa Cao Bằng - Gialai sâu nặng. Phòng Văn hoá tiếp tục bổ sung các loại sách cho 2 hiệu sách của huyện và thành lập được 4 tủ sách tại 4 hợp tác xã: Địa Lan, Khau Mắt, Ngọc Thượng, Trường Hà. Ngoài ra còn thành lập 12 ban thông tin, 9 tổ thông tin ở các xã và hợp tác xã để góp phần làm công tác thông tin tuyên truyền.
Công tác chăm sóc bảo vệ sức khoẻ. Được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ về thành lập các bệnh xá, trạm xá dân lập nhằm bảo đảm sức khoẻ cho nhân dân, phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất và sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong 2 năm 1965- 1966, mạng lưới y tế của huyện được củng cố và mở rộng. Đến năm 1965, cứ 1.000 dân mới có 1,4 cán bộ y tế (kể cả quốc lập và dân lập) và 1 giường bệnh, trong 25 xã mới có 1 trạm y tế. Nhưng công tác y tế càng ngày càng được quan tâm, đầu tư nên đến cuối năm 1966 (sau khi tách huyện) cứ 1.000 dân đã có 2,4 cán bộ y tế, 443 người có một giường bệnh và có hơn 10 trạm y tế xã, và năm 1968 thì có 18/20 xã có trạm y tế xã.
Do công tác y tế được quan tâm, nên việc phòng chống các dịch bệnh và công tác khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng kịp thời, có chất lượng; một số dịch bệnh gần như chấm dứt như: dịch tả, sốt rét, tỷ lệ tử vong giảm xuống rõ rệt. Thời kỳ tiếp theo công tác chăm sóc - bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân tiếp tục được quan tâm phát triển, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ngành Giáo dục của huyện đang trên đà phát triển tốt về cả số trường, số lớp, số học sinh, mặc dù trong điều kiện sơ tán vì chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhưng công tác giáo dục của huyện đã có những tiến bộ mới. Cụ thể năm học 1964- 1965 cấp I có 161 lớp, 4.073 học sinh; năm học 1966- 1967 có 173 lớp với 5.235 học sinh. Tổng số học sinh toàn huyện từ mẫu giáo trở lên năm học 1964- 1965 có 4.642, đến năm học 1966- 1967 có 6.009 học sinh. Các lớp bổ túc văn hoá tập trung cũng phát triển mạnh, năm 1965 có 45 lớp, năm 1967 có 75 lớp với 397 học viên, các lớp bổ túc văn hoá quần chúng phát triển hầu khắp các xã và các xóm có điều kiện, năm 1967, toàn huyện có 428 lớp và 2.800 người thoát nạn mù chữ. Sự nghiệp giáo dục của huyện ngày một phát triển, năm học 1969-1970 có 177 lớp học, học sinh các cấp học đều tăng. Song cơ sở vật chất từ trường, lớp đến trang thiêt bị đều thiếu thốn vì vậy ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, phong trào bổ túc văn hoá cũng chưa đồng đều. Tuy nhiên, ngành Giáo dục của huyện cũng đã có những bước phát triển mới, tạo điều kiện cho những năm sau tiến bộ hơn.
Giữa lúc khí thế cách mạng của cả quân và dân hai miền Nam Bắc trên đà thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người bạn rất thắm thiết của các dân tộc trên thế giới qua đời ngày 02-9-1969 tại Hà Nội. Ngày 06-9-1969. Huyện uỷ Hà Quảng đã tổ chức lễ truy điệu Người với nghi thức trọng thể nhất. Tại khu di tích lịch sử Pác Bó, bên bờ suối Lê-nin, toàn thể Ban chấp hành Đảng bộ huyện, Uỷ ban hành chính huyện, Mặt trận, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Phụ nữ, Phụ lão, đại biểu các xã, đại biểu tất cả cơ quan, trường học, bệnh viện… đến dự. Mọi người đều mặc áo tang, đầu chít khăn tang, đau đớn tiễn đưa Bác như tiễn đưa người ruột thịt của mình. Các xã trong huyện đều tổ chức tang lễ và truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng kính trọng và tiếc thương vô hạn.
Biến đau thương thành hành động cách mạng, toàn Đảng bộ, quân và dân Hà Quảng quyết tâm thực hiện Lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Thực hiện Chỉ thị ngày 29-9-1969 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về cuộc vận động "học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh", Huyện uỷ đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị và hưởng ứng cuộc vận động của Đảng. Qua cuộc vận động và sinh hoạt chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân càng thấy rõ hơn công lao và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đảng và dân tộc ta, thấy rõ hơn phẩm chất cách mạng trong sáng của Người, càng tự hào tin tưởng làm theo lời dạy của Người. Đặc biệt là đồng bào các dân tộc và Đảng bộ Hà Quảng càng sâu nặng hơn vì cả cuộc đời Bác gắn bó mật thiết với đất nước Việt Nam, với đồng bào Việt Nam, đặc biệt với đồng bào Cao Bằng, với núi rừng Cao Bằng, nhất là Pác Bó (Hà Quảng), nơi Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên sau bao năm xa Tổ quốc. Đó còn là niềm vinh dự, niềm tự hào.
Thực hiện Nghị quyết số 195 ngày 06-3-1970 của Bộ Chính trị về cuộc vận động "nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh", tháng 5-1970, Huyện uỷ đã họp nghiên cứu và tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập. Công tác phát triển Đảng được coi trọng. Việc kết nạp đảng viên "lớp Hồ Chí Minh" được tiến hành theo đúng nguyên tắc, thủ tục, bảo đảm chất lượng và Hà Quảng đã kết nạp được 278 đảng viên, bảo đảm chất lượng, vượt so với nhiệm vụ. Đội ngũ đảng viên ngày càng mạnh.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, luôn được Đảng bộ coi trọng và xác định ngay từ những ngày đầu cách mạng, ra đời trong cuộc đấu tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc, Đảng bộ đã được rèn luyện và có truyền thống tốt, lại được Bác Hồ và Trung ương Đảng dìu dắt giúp đỡ ngay từ đầu, nên Đảng bộ vừa được tôi luyện vừa được trưởng thành nhanh chóng và càng ngày càng vững vàng trong lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân xây dựng và bảo vệ đất nước, quê hương. Hệ thống tổ chức Đảng phát triển vững chắc và rộng khắp toàn huyện, đến năm 1970 Đảng bộ huyện có 43 chi, đảng bộ, trong đó 3 đảng bộ xã, 17 chi bộ xã, 10 chi bộ hợp tác xã vùng cao, 13 chi bộ cơ quan, trường học. Tổng số đảng viên ở nông thôn có 882 đồng chí, chiếm 2,67% so với dân số ở nông thôn, các cơ quan, trường học có 189 đảng viên chiếm 25,74% so với tổng số cán bộ, công nhân viên.
Tuyệt đại bộ phận cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức cách mạng, trung thành, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tiên phong gương mẫu trong nhiều hoạt động công tác. Năm 1970, có 10 đồng chíĐảng uỷ,chi uỷ viên làm chủ nhiệm hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, 65 đảng viên làm chủ nhiệm, 69 đội sản xuất do đảng viên làm đội trưởng. Hầu hết các đảng viên đều đảm nhiệm được và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhận thức và hiểu biết về giai cấp, năng lực tổ chức, năng lực quản lý kinh tế và kiến thức khoa học - kỹ thuật còn hạn chế…
Để nâng cao chất lượng hoạt động của các chi, đảng bộ, Ban chấp hành Đảng bộ huyện tiếp tục chỉ đạo phải: đảm bảo sự lãnh đạo tập trung toàn diện của Đảng, đề cao tính giai cấp, tính tiên phong gương mẫu, tính chiến đấu của các tổ chức quần chúng; cùng với việc thực hiện cuộc vận động xây dựng “Đảng bộ, chi bộ bốn tốt”, các chi bộ, đảng viên đã có những tiến bộ chuyển biến mới, một số chi, đảng bộ xã đã thực hiện tốt phương châm Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối các mặt chính trị, quân sự, kinh tế; việc lãnh đạo sản xuất… đều làm khá tốt. Đảng viên đều chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, đi đầu trong sản xuất thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật. Một số hợp tác xã khá, cơ quan, đơn vị điển hình chính là do chi bộ, đảng bộ đã phát huy được vai trò và thực hiện được chức trách của mình.
Hoạt động của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban hành chính huyện, với chức năng là cơ quan đại diện cho nhân dân các dân tộc, trong thời gian qua, cùng với Ban chấp hành Đảng bộ huyện, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính huyện đã tích cực lãnh đạo nhân dân thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội vừa tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, góp phần động viên nhân dân phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao.
Các thành viên Hội đồng nhân dân đều hoạt động tích cực và hoàn thành trách nhiệm trước nhân dân. Năm 1966 cùng với việc chia tách huyện, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng được điều chỉnh lại theo đơn vị hành chính mới: huyện Hà Quảng 31 đại biểu, huyện Thông Nông 19 đại biểu. Sau khi phân bổ lại, số đại biểu được bố trí tại các vị trí công tác được bố trí lại và một số vị trí phải kiêm nhiệm thêm do thiếu cán bộ, nên việc hoạt động có bị ảnh hưởng, nhất là công tác chỉ đạo, quản lý. Để hoàn thành nhiệm vụ trước Đảng và nhân dân, Hội đồng nhân dân huyện đã chỉ đạo mọi hoạt động đều phải đúng quy định, sinh hoạt thường kỳ, mỗi lần họp đều nhấn mạnh để các đại biểu thấy rõ vai trò trách nhiệm đối với nhân dân, với Đảng nên cần ra sức phát huy truyền thống quê hương cách mạng, phấn đấu góp phần hoàn thành nhiệm vụ, và nhằm nâng cao năng lực cho đại biểu, tạo điều kiện để cho đại biểu hoàn thành nhiệm vụ, Hội đồng nhân dân huyện đã mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chính quyền cho 16 đại biểu đi dự lớp bồi dưỡng của tỉnh. Những hoạt động đó đã góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ của các đại biểu Hội đồng nhân dân.
II. XÂY DỰNG HẬU PHƯƠNG VỮNG CHẮC, DỐC SỨC CHI VIỆN CHO TIỀN TUYẾN, GÓP PHẦN CÙNG CẢ NƯỚCGIẢI PHÒNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT TỔ QUỐC (1971 - 1975)Những kết quả, thành tích phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng trong những năm trước đã tạo điều kiện để Đảng bộ huyện lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ trong những năm tiếp theo. Năm 1971 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế - xã hội cũng là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết lần thứ 19 Ban chấp hành Trung ương Đảng (tháng 01-1971) về đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh - quốc phòng, củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn.
Thực hiện chủ trương mới của Trung ương Đảng, tháng 01-1971, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã ra Nghị quyết "về cuộc vận động tăng cường tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên, xây dựng đội ngũ cốt cán vững vàng, tăng cường chế độ làm chủ tập thể của quần chúng ở nông thôn vùng thấp nhằm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 1970 - 1971 và cả năm 1971". Đến tháng 6-1971, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Cao Bằng họp hội nghị lần thứ 6 và ra Nghị quyết về việc lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng các đoàn thể quần chúng… thực hiện Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và kiên trì đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ra sức khôi phục và phát triển kinh tế.
Năm 1971 là năm Đảng bộ tỉnh có nhiều chủ trương phù hợp với tình hình - nhiệm vụ mới, những chủ trương đó đã có tác dụng khích lệ động viên quần chúng nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, làm được nhiều việc có ý nghĩa trong phát triển sản xuất.
Từ ngày 23 đến 27-3-1971 đã diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VII
[83] nhiệm kỳ 1971 - 1973, Đại hội đã bầu đồng chí Đàm Ngọc Côn làm Bí thư Huyện uỷ, đồng chí Bế Công Nghĩa làm Phó bí thư thường trực và đồng chí Nông Ích Thiện làm Phó bí thư.
Dưới ánh sáng của các nghị quyết Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ huyện Hà Quảng đã xác định: về sản xuất nông - lâm nghiệp, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn, thiên tai hạn hán - cũng phải cố gắng phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, lấy lương thực và thực phẩm làm trọng tâm, trên cơ sở đó coi trọng cây công nghiệp và nghề rừng, với phương hướng: lấy thâm canh tăng năng suất là chính, mặt khác tăng nhanh tốc độ cây công nghiệp.
Thực hiện chủ trương đó, hàng năm, ngay từ đầu vụ sản xuất, huyện đã tổ chức hội nghị sản xuất đông xuân, để giao chỉ tiêu cho các cơ sở, sau đó trong công tác định thời gian để để hội ý rút kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất từng khâu, từng vụ và cử cán bộ có kinh nghiệm về các xã và một số hợp tác xã, cùng cấp uỷ, chính quyền, ban quản trị hợp tác xã giúp chỉ đạo. Được sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, cùng với sự cố gắng của toàn thể xã viên nói riêng và nhân dân các dân tộc nói chung, sản xuất của huyện tiếp tục phát triển.
Điển hình là vụ sản xuất đông xuân 1972, lúa cấy đạt 164,54% diện tích tỉnh giao; ngô trồng được 3.907,88 ha đạt 111,98%; ngoài ra, còn trồng thêm 72 ha mạch ba góc, 42,51 ha đỗ tương, 70 ha sắn, 531 ha đỗ mèo, 600 ha đỗ nho nhe; thực hiện chủ trương phân xanh hoá tại ruộng, các hợp tác xã đã gieo được 316,2 ha diện tích điêu tử, tăng 80 ha so với năm 1971. Tổng sản lượng lương thực đạt 97,82% kế hoạch, riêng ngô đạt 102%. Năm 1973, diện tích gieo cấy lúa đạt 120,62% kế hoạch, ngô đạt 155,6%, diện tích gieo trồng các loại rau, màu đều tăng, diện tích trồng thuốc lá so với trước giảm vì tập trung gieo trồng các loại cây lương thực.
Trong sản xuất nông nghiệp, năm 1973, tỉnh Cao Bằng quy hoạch và xây dựng ba vùng chuyên canh: vùng lúa và thuốc lá gồm 18 xã thuộc huyện Hà Quảng và Hoà An, vùng mía thuộc huyện Quảng Hoà (nay là Quảng Uyên và Phục Hoà.
Năm 1974, việc củng cố các hợp tác xã nông nghiệp được đẩy mạnh, nhiều cán bộ được tăng cường có thời hạn đến các hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất. Sau đây là kết quả sản xuất nông nghiệp năm 1974 (xem biểu)
DIỆN TÍCH, SẢN LƯỢNG CÁC CÂY TRỒNG NĂM 1974 Chỉ tiêu | Hoàn thành trong năm 1974 | Tỷ lệ so với năm ngoái | Tỷ lệ so với kế hoạch |
Diện tích | Sản lượng | Diện tích | Sản lượng | Diện tích | Sản lượng |
Lúa | 1.524,82 | 3.192.660 | 93,11 | 94,45 | | |
Ngô | 4.297,35 | 5.619.039 | 99,2 | 104,69 | | |
Khoai | 533,9 | 329.500 | 55,25 | 63,66 | | |
Đỗ tương | 838,05 | 264,617 | 164,59 | 182,63 | | |
Thuốc lá | 215,8 | 90,22 | 125,1 | 121,83 | 71,93 | 36,40 |
Bông | 124,70 | 41,684 | 43,14 | 41,74 | 83,13 | 47,10 |
Đỗ các loại | 197,80 | 89,010 | 79,29 | 61,17 | 65,93 | 31,45 |
Chăn nuôi được xác định: "phải chú trọng phát triển chăn nuôi một cách toàn diện bao gồm: trâu, bò, lợn, dê, gia cầm, cá… một mặt vừa củng cố vừa xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập thể vừa chú ý đúng mức phát triển chăn nuôi gia đình xã viên, tạo mọi điều kiện để dần dần đưa chăn nuôi lên thành một ngành chính". Do xác định như vậy, nên trong giai đoạn 1971 - 1975, công tác chỉ đạo chăn nuôi được chú ý đi đôi với chỉ đạo về trồng trọt, Uỷ ban hành chính huyện đã cử cán bộ kỹ thuật về chăn nuôi đến các hợp tác xã giúp kiểm tra, phòng chống các dịch bệnh cho gia súc, nên ngăn chặn được các dịch bệnh xảy ra tại các cơ sở, nên chăn nuôi tiếp tục phát triển. Năm 1972, tổng đàn trâu có 4.820 con, trong đó cày kéo được 3.853 con, chiếm 98,06%; đàn bò có 5.185 con, trong đó có 4.017 con cày kéo được, chiếm 90,02%; đàn lợn có 11.264 con (không kể lợn sữa), trong đó lợn nái 2.382 con bằng 104,88% so với năm 1971. Đến năm 1974, tổng đàn gia súc tiếp tục tăng mạnh, đàn trâu có 5.776 con, đạt 105,01% kế hoạch trong đó cày kéo được có 4.536 con đạt 111,59% kế hoạch; đàn bò 6.089 con có 4.098 con cày kéo chiếm 103,09%; đàn ngựa 640 con; đàn lợn có 16.991 con, đạt 134,84% kế hoạch, trong đó lợn nái 2.611 con đạt 139,77% kế hoạch. Trại lợn Ngọc Hạ (Phù Ngọc) có 125 con trong đó có 34 lợn nái, đàn dê có 485 con.
Tuy chăn nuôi phát triển nhưng một số trại chăn nuôi tập thể không duy trì được, do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, công tác thuỷ lợi đã được chú ý thường xuyên, trong những năm 1971 - 1975 nhân dân các dân tộc đã đầu tư 8.301 công tu sửa 19 mương, 11 phai, 28 cọn nước, làm 410 bể bê tông lắp ghép ở vùng cao để chứa nước sinh hoạt cho 418 hộ, 2.655 nhân khẩu.
Trong giai đoạn này, tình hình hợp tác xã có nhiều diễn biến phức tạp, đầu năm 1973 chỉ còn 63,79% số hộ nông dân ở trong các hợp tác xã, trong đó vùng thấp 85,69%, vùng cao chỉ còn 44,88%. Có nhiều xã vùng cao không còn hợp tác xã như Mã Ba, Hồng Sỹ, Sỹ Hai, Cô Mười, Cải Viên, Thượng Thôn, Yên Lũng, Nội Thôn chỉ còn 1 hợp tác xã. Trước tình hình các hợp tác xã lung lay và một số xã không duy trì được, huyện đang xem xét xác định phương hướng để củng cố lại với quy mô thích hợp.
Đối với nghề rừng, huyện xác định: cần coi trọng nghề rừng một cách toàn diện bao gồm trồng cây gây rừng, tu bổ và bảo vệ rừng… Thực hiện chủ trương của huyện, ngành lâm nghiệp đã tích cực triển khai học tập tuyên truyền pháp lệnh bảo vệ rừng cho nhân dân các xã, tích cực trồng rừng, tu bổ rừng, tổng cộng nhân dân đã trồng được 4,5 ha và 7.700 cây phân tán, tu bổ rừng được 59 ha ở các xã Xuân Hoà, Trường Hà, Nà Sác, Quý Quân. Để có cây giống phục vụ trồng rừng, huyện đã làm được 2 vườn ươm ở Xuân Hoà, Trường Hà với diện tích 660 m
2 (Trường Hà 560 m
2, Xuân Hoà 100 m
2), với số lượng khoảng 22.960 cây gồm các loại bạch đàn, thông, dạ hương, sao rỉ. Một số xã khác cũng đã có kế hoạch làm vườn ươm giống cây để phục vụ trồng rừng.
Cùng với việc trồng rừng thì công tác khai thác rừng đã được đưa vào kế hoạch, nhưng số lượng còn ít, cụ thể ngành lâm nghiệp trong thời kỳ này chỉ làm cho nhà nước được 24,45 m
3 gỗ nghiến, 18,93 m
3 gỗ hồng sắc, cung cấp gỗ nghiến làm thân bừa cho tỉnh bạn nhưng số lượng chưa nhiều. Khai thác cần câu, gậy trúc được 400 cây gậy trúc, 16.726 cần câu. Ngành lâm nghiệp của huyện đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác trồng rừng, bảo vệ, khai thác rừng. Việc thực hiện kế hoạch hàng năm hầu như không đạt, hiện tượng đốt phá khai thác rừng trái phép còn xảy ra, gây thiệt hại đáng kể, như năm 1972 cháy 6 vụ mất 23,5 ha, hơn 37.200 cây trị giá 10.349,44 đồng; rừng bị khai phá trái phép 45 vụ, mất 45,59 ha, trị giá 9.717,72 đồng. Nguyên nhân là do nhân dân khai phá rừng làm nương rẫy để tự túc lương thực, đồng thời việc tuyên truyền giáo dục về ý thức bảo vệ rừng cho nhân dân chưa được đề cao.
Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, từ nhiều năm đã được quan tâm tạo điều kiện để phát triển, nhưng do điều kiện đặc thù, nên đến thời điểm này về công nghiệp của huyện vẫn chưa có gì đáng kể, ngoài nhà máy thuỷ điện nhỏ cung cấp điện sinh hoạt cho nhân dân. Tiểu thủ công nghiệp cũng đang trong tình trạng nhỏ lẻ, có tính chất gia đình, ngành nghề chủ yếu là sản xuất vật liệu xây dựng: đá, gạch, vôi, ngói, làm giấy, làm hương. Các cơ sở hợp tác xã may mặc, dệt thổ cẩm, sản xuất lưỡi cày, sản xuất nước chấm… hoạt động tương đối khá. Tổ hợp tác sản xuất lưỡi cày Co Lỳ - Yên Lũng hàng năm tích cực sản xuất, cung cấp cho bà con nông dân hàng ngàn lưỡi cày, năm 1973 sản xuất được 3.758 sản phẩm. Cũng năm 1973, Ty công nghiệp đã chuyển cho tổ đúc lưỡi cày 2,5 tấn gang để sản xuất. Sản xuất nước chấm được 1.190 lít (1973), xí nghiệp may mặc đã may được 1.713 bộ quần áo để phục vụ nhân dân. Hợp tác xã dệt thổ cẩm dệt được 387 m
2 đây là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, khách hàng các nước Đức (Cộng hoà dân chủ Đức - trước đây), Tiệp Khác, Liên Xô (trước đây) và một số nước đã đến tận cơ sở đặt hàng, nhưng sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Năm 1974, vải thổ cẩm sản xuất được 740 m đạt 103% nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Lưỡi cày sản xuất 2.900 chiếc, nước chấm 7.000 lít, quần áo may đạt 105% kế hoạch.
Nhìn chung tiểu thủ công nghiệp phát triển còn yếu, các loại sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất cũng như đời sống của nhân dân.
Về giao thông - xây dựng cơ bản, do đặc thù của huyện cho nên công tác giao thông và xây dựng cơ bản rất được chú ý quan tâm. Hàng năm đều có duy tu bảo dưỡng và làm thêm đường mới, nhất là giao thông nông thôn. Năm 1972 số công trình và khối lượng hoàn thành gấp đôi năm 1971, tổng cộng làm mới và sửa 23,64 km với 15.676 công, làm cầu Hoằng Rè, cầu Pa Rản, cầu Cốc Vường; năm 1973 tiếp tục đầu tư 10.654 công, tu sửa 10,8 km đường tại các xã Xuân Hoà, đường Đôn Chương đi xã Cô Mười. Năm 1974 tiếp tục làm mới đường vào các xã Nà Sác, Lũng Nặm, Yên Lũng, Nội Thôn, Thượng Thôn, Phù Ngọc, Sỹ Hai, Hồng Sỹ, Vân An, Cải Viên, Quý Quân, Sóc Hà với tổng chiều dài 10,79 km, hết 6.925 công. Điển hình trong công tác giao thông nông thôn có các xã Sóc Hà, Nà Sác.
Trong xây dựng cơ bản, chủ yếu là sửa chữa và xây dựng những công trình nhỏ lẻ, đáng chú ý là thời kỳ 1971 - 1975 đã hoàn thành xây dựng lại đường dây điện thoại Nặm Nhũng - Tổng Cọt dài 16 km do Trung ương đầu tư, với số vốn 63.000 đồng, sử dụng nhân công tại các xã vùng cao, bảo đảm thông tin liên lạc thường xuyên từ huyện đến Tổng Cọt là một trong những trung tâm của vùng cao ở xa trung tâm huyện Hà Quảng. Trạm bưu chính Tổng Cọt cũng được đặt lại để phục vụ các xã Tổng Cọt, Cô Mười, Sỹ Hai, Hồng Sỹ, Cải Viên. Do được đầu tư khá đầy đủ nên doanh thu của bưu điện đạt khá cao, năm 1972 thu 10.124 đồng đạt 84,02% trong đó bưu phẩm đạt 90,22%, bưu kiện đạt 80,07%, điện báo đạt 110%, điện thoại đạt 68,17%. Đến năm 1974, doanh thu 18.627,82 đồng đạt 95% trong đó bưu phẩm đạt 96%, cước khoán xã 100%, bưu kiện đạt 107,36%, báo chí 101,1%, điện báo đạt 85,9%, điện thoại 97,3%.
Hoạt động của các ngành tài chính, ngân hàng: Về tài chính, xuất phát từ đặc điểm thực tế của huyện là các nguồn thu ít, nên cấp uỷ chính quyền các cấp đều chú ý tận thu tất cả các nguồn, hàng năm đều xác định cần phải thu đúng, thu đủ và khai thác thêm các nguồn thu, giao chỉ tiêu cho các địa phương, các ngành từ đầu năm, nhưng do đặc điểm kinh tế - xã hội của huyện còn sản xuất nhỏ lẻ, chưa phát triển. Vì vậy, mặc dù ngành tài chính và các ngành liên quan đã cố gắng lớn, nhưng kết quả thu vẫn không đạt kế hoạch. Năm 1972, chỉ tiêu kế hoạch thu là 409.250 đồng nhưng thu chưa được 50%, năm 1973 các nguồn thu của năm 1973 chỉ đạt 55,61%; năm 1974 cũng chỉ đạt 50% kế hoạch thu.
Hoạt động của ngân hàng có nhiều cố gắng trong việc phục vụ sản xuất và các hoạt động công táccủa huyện. Công tác thu chi tiền mặt có nhiều tiến bộ nhưng chưa ổn định, năm 1972 tổng thu tiền mặt đạt 100,5% kế hoạch, trong đó thu bán hàng đạt 104%; công tác vận động gửi tiền tiết kiệm góp phần tăng nguồn thu cho huyện, tăng số dư của huyện lên 10.000 đồng, đạt 90% kế hoạch. Các hợp tác xã tín dụng được củng cố và đẩy mạnh hoạt động để giúp quản lý thu, chi tiền mặt ở nông thôn nhưng một số xã chưa quan tâm đúng mức công tác tín dụng.
Năm 1973, tổng thu của ngân hàng đạt 85%, đến năm 1974 tổng thu tiền mặt của ngân hàng đạt 91,7% trong đó thu nợ đạt 99,25%, thu tiết kiệm đạt 109%.
Về chi tiền mặt - ngân hàng đã tích cực huy động các nguồn để chi cho phát triển kinh tế - xã hội, năm 1972 chi đạt 103%, trong đó chi cho thu mua đạt cao so với kế hoạch, chi phục vụ nông nghiệp cũng vượt kế hoạch, năm 1973 chi đạt 75%, năm 1974 trong việc chi tiền mặt có nhiều cố gắng hơn nên đạt 90%, trong đó chi vay đạt 123%.
Nhìn chung công tác thu chi của ngân hàng hàng năm hầu như chưa đạt so với kế hoạch, nguyên do là các ngành kinh tế chưa phát triển nên nhu cầu chi không lớn.
Công tác văn hoá xã hội: Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động văn hoá xã hội cũng được đẩy mạnh, song do nhiều nguyên nhân như ở vùng cao nhận thức chưa thật sự đúng đắn về giáo dục - học tập, nhiều vùng đồng bào vẫn quan niệm là học cũng lao động sản xuất và không học cũng lao động…, một số cũng do hoàn cảnh khó khăn thiếu sức lao động, nên đến mùa vụ thì cho con em ở nhà giúp gia đình, nhất là những học sinh lớn tuổi. Năm học 1971 - 1972, cả huyện đã có 710 em bỏ học giảm 15,79% so với tổng số học sinh, trong đó cấp I giảm 18%, cấp II giảm 24%, vùng cao tổng cộng giảm 38,4%. Tổng số học sinh toàn huyện cuối năm có 4.495 em. Đến năm học 1974 - 1975, với sự nỗ lực phấn đẩu của ngành giáo dục và sự giúp đỡ của các cơ quan liên quan nên công tác giáo dục đã có bước phát triển mới, số học sinh các cấp học đều tăng so với năm học trước, tổng cộng cả năm học có 6.537 học sinh, tăng 11%, trong đó cấp I tăng 10%, cấp II tăng 11%, và cấp III tăng 19%. Chất lượng giáo dục của huyện qua các năm cũng chưa ổn định, năm học 1971 - 1972 cấp I thi đạt 88%, cấp II đạt 71% và cấp III đỗ 65%, đến năm học 1974 - 1975, cấp I thi đạt 89,7%, cấp II đỗ 94,5%, cấp III đạt 50%. Qua kiểm tra đánh giá, thì chất lượng chưa đồng đều, chưa ổn định, ở các cấp học và cả các vùng.
Về bổ túc văn hoá, từ năm học 1971 - 1972, do thiếu giáo viên, nên giáo viên phổ thông kiêm nhiệm vì vậy hoạt động chưa thường xuyên, một số lớp phải tạm ngừng hoạt động, đến năm học 1973 - 1975, Huyện uỷ đã chỉ đạo mở trường bổ túc văn hoá tập trung, khoá I có 23 học viên, năm học 1974 - 1975, tiếp tục chiêu sinh khoá II, đồng thời mở lớp cấp II.
Nhìn chung phong trào giáo dục của huyện đã có nhiều cố gắng về tất cả các mặt, từ số lượng, chất lượng học sinh đến đội ngũ cán bộ, giáo viên đều nhiệt tình giảng dạy, công tác, tổng kết năm học 1974 - 1975 đã có 85 lao động tiên tiến, một chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 5 trường tiên tiến.
Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ được quan tâm thường xuyên, vì vậy có nhiều chuyển biến, nhất là các trạm y tế xã dần dần hoạt động có nề nếp, nên đã góp phần bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân. Năm 1972 đã nhanh chóng dập tắt dịch sốt rét, năm 1974 dập dịch tả, dịch cúm kịp thời không cho lây lan. Phòng y tế còn tích cực tiêm phòng bại liệt, phòng tả, bạch hầu, ho gà, chủng đậu… tích cực khám chữa bệnh cho nhân dân, năm 1975 riêng khám thai 24.959 người; số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện là 1.945 người. Các cơ sở khám chữa bệnh được mở rộng và tăng cường về cơ sở vật chất, năm 1975, bệnh viện Nà Giàng được nâng lên 70 giường, các trạm y tế ở Trường Hà, Nặm Nhũng được nâng lên 20 giường nhưng trang cấp cho các cơ sở và thuốc men để điều trị chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Công tác an ninh - quốc phòng, Đảng bộ huyện đã tích cực chỉ đạo công tác trật tự trị an biên giới cũng như nội địa, nên tình hình trị an ổn định, không có những vấn đề phức tạp làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất cũng như tư tưởng của nhân dân, các vụ vi phạm như tuyên truyền chống chính sách của Đảng, Nhà nước, gây chiến tranh tâm lý, được ngăn chặn kịp thời, các đối tượng vi phạm đều bị xử lý theo pháp luật.
Công tác củng cố, huấn luyện dân quân tự vệ được thực hiện thường xuyên, cán bộ xã đội các xã, cán bộ trung đội, tiểu đội cũng được bổ sung, lực lượng dân quân tự vệ ngày càng lớn mạnh cả chất lượng và số lượng. Tháng 12-1974, Tỉnh đội Cao Bằng chọn khẩu đội cối 82 ly dân quân nữ xã Nà Sác, Hà Quảng đi dự Hội thao pháo binh khối tự vệ Quân khu, kết quả đại đội được công nhận loại giỏi. Năm 1975, nữ dân quân tự vệ Hà Quảng chiếm gần 30% tổng số nữ toàn huyện.
Công tác bồi dưỡng huấn luyện cán bộ xã đội cũng được đẩy mạnh, năm 1972 đạt 80%, năm 1975 đạt 90%, những năm sau đều tổ chức bồi dưỡng cho tất cả các xã. Lực lượng tự vệ các cơ quan xung quanh huyện cũng được tổ chức huấn luyện thường xuyên.
Công tác bảo vệ cơ quan Đảng, chính quyền, bảo vệ các kho tàng, cơ quan nhà nước, hợp tác xã được thực hiện tốt; lực lượng tự vệ các cơ quan đã phối kết hợp với nhau trong công tác bảo vệ trật tự trị an.
Công tác tuyển quân gọi thanh niên nhập ngũ, hàng năm, Hội đồng nghĩa vụ quận sự huyện đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan… trong huyện tích cực động viên con em đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, thanh niên ở các xã đều hăng hái lên đường làm nhiệm vụ, năm 1971 giao 90 tuyển được 101, năm 1974 giao 50 người tuyển được 74 người, trong đó có 6 nữ đạt 120%.
Công tác chính sách hậu phương quân đội, luôn được Đảng bộ chú ý. Huyện uỷ đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốcvà các đoàn thể quần chúng huyện vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức phụ nữ, thanh niên, học sinh giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ bằng nhiều việc làm thiết thực, cả động viên tinh thần và ủng hộ giúp đỡ về vật chất, riêng năm 1973 đã trợ cấp 680 đồng, 102 chăn chiên, 96 áo ấm cho 13 gia đình quân nhân, 6 thương binh, 21 gia đình liệt sĩ và 4 hộ dân tộc Dao. Năm 1974 tiếp tục trợ cấp 885 kg lương thực cho 62 gia đình thương binh liệt sĩ, ngoài ra còn chú ý chăm sóc giúp đỡ con em của các gia đình thương binh liệt sĩ, mồ côi không nơi nương tựa. Trợ cấp khó khăn cho 65 hộ với số tiền là 144 đồng và 69 chăn bông cho 69 gia đình, trợ cấp 300 kg gạo, 430 đồng cho các hộ bị cháy nhà… Nhìn chung, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo tích cực nên các ngành đã phối hợp làm tốt công tác thương binh xã hội nên nhân dân yên tâm lao động sản xuất, tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được Đảng bộ chú ý quan tâm.
Về xây dựng Đảng, Đảng bộ chú trọng nâng cao chất lượng đảng viên và năng lực lãnh đạo của Đảng. Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo tất cả các Đảng bộ đều triển khai, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 192, Chỉ thị 195 của Trung ương Đảng. Đến năm 1975,nhiều đảng viên trong Đảng bộ đã được rèn luyện, thử thách qua sản xuất, công tác, chiến đấu và đã trưởng thành, thực sự là hạt nhân lãnh đạo, quy tụ nhân dân, lãnh đạo nhân dân hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhưng cũng còn một bộ phận không đủ tư cách nên Đảng bộ đã mạnh dạn đưa ra khỏi Đảng, đồng thời qua sinh hoạt theo Chỉ thị 192, nghiêm túc kiểm điểm, đăng ký phấn đấu vươn lên trong mọi hoạt động công tác, giữ vững và phát huy tính tiên phong gương mẫu, cùng chi, đảng bộ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để xây dựng chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Hoạt động của các tổ chức đoàn thể quần chúng trong thời kỳ 1971 - 1975 có nhiều chuyển biến tích cực. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Công đoàn, liên tục vận động quần chúng nhân dân tham gia công tác bảo vệ Tổ quốc. Các tổ chức đã tích cực động viên con em, chồng con lên đường nhập ngũ;tích cực góp phần vào việc củng cố phong trào hợp tác xã, ổn định và sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân, ra sức đóng góp sức người sửa của chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Huyện Hà Quảng đã huy động được 474,2 tấn lượng thực, trên 2.483,7 tấn thực phẩm cho Nhà nước. Toàn huyện có hơn 3.032 người nhập ngũ vào các quân, binh chủng trong đội quân cách mạng vàđã trực tiếp chiến đấu tại các chiến trường miền Nam. Nhiều người đã anh dũng hy sinh xương máu của mình góp phần cùng cả dân tộc làm nên chiến thắng 30-4-1975 - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trải qua 30 năm (1945 - 1975) đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, nỗ lực phấn đấu vươn lên, góp phầnlàm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Sau đó tiếp tục làm tốt nhiệm vụ động viên sức người sức của cho tiền tuyến, vừa hoàn thành nhiệm vụ sản xuất và sẵn sàng chiến đấu, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng đã phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống quê hương cách mạng, hàng ngàn con em các dân tộc Hà Quảng lên đường đánh giặc và đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng được Tổ quốc ghi công, Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: trên 200 người được Đảng và Nhà nước công nhận là lão thành cách mạng và có trên 400 người được Chính phủ tặng bằng có công với nước.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng, 6 xã (Trường Hà, Nà Sác, Sóc Hà, Phù Ngọc, Đào Ngạn, Kéo Yên) và 3 cá nhân đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 6 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhà nước và Chính phủ tặng 183 Huân chương hạng nhất, 380 Huân chương hạng nhì, 535 Huân chương hạng ba, 425 Huy chương hạng nhất, và 189 Huy chương hạng nhì. Cùng với 491 liệt sĩ, 119 thương binh, con em các dân tộc của huyện đã hiến dâng xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.Truyền thống ấy thật đáng trân trọng và tự hào để các thế hệ mai sau kế thừa, phát huy và khẳng định sự đóng góp xứng đáng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Quảng vào giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
CHƯƠNG VI
NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC HUYỆN HÀ QUẢNG XÂY DỰNGVÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA(1976 - 1985) I. ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG - AN NINH (1976 - 1980)Thắng lợi của cuộc tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mở ra một giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam: cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đất nước thống nhất đã tạo nên bầu không khí phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân cả nước nói chung và nhân dân huyện Hà Quảng nói riêng. Mọi người đều tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ra sức tham gia xây dựng đất nước và quê hương.
Tình hình mới đã tạo ra cho đất nước ta những thuận lợi cơ bản, đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trước nhất là ổn định đời sống nhân dân, từng bước khắc phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 27-12-1975, Kỳ họp thứ hai Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá V quyết định bỏ cấp khu, hợp nhất hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn thành tỉnh Cao Lạng. Hà Quảng là huyện biên giới của tỉnh Cao Lạng. Cùng với đồng bào cả nước, nhân dân các dân tộc Hà Quảng phấn khởi chào mừng thắng lợi lớn vĩ đại của dân tộc, mừng đất nước thống nhất. Ngày 25-4-1976, cử tri huyện Hà Quảng cùng cử tri cả nước nô nức đi bầu cử Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Cuộc tổng tuyển cử thắng lợi đã biểu thị hùng hồn ý chí của toàn dân ta đối với việc xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.
Để có những chủ trương mới phù hợp với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mới, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Lạng lần thứ nhất đã được triệu tập tại thị xã Cao Bằng từ ngày 31-3 đến ngày 08-4-1977. Đại hội đã kiểm điểm các mặt công tác của nhiệm kỳ trước và khẳng định tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ và nhân dân Cao Lạng đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thắng lợi rất quan trọng trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và nhiệm vụ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đại hội cũng đã đề ra nhiệm vụ trong giai đoạn mới là: Tập trung chỉ đạo củng cố quan hệ sản xuất, điều chỉnh quy mô hợp tác xã phù hợp với điều kiện miền núi, biên giới, phù hợp với trình độ quản lý của cán bộ. Phải xây dựng tốt cơ sở vật chất - kỹ thuật, làm đổi mới bộ mặt nông thôn với những ngành nghề chủ yếu là nông – lâm – công nghiệp. Cụ thể trong sản xuất nông - lâm nghiệp phải kết hợp sản xuất với định canh định cư, khai hoang mở rộng diện tích gieo trồng, bố trí cơ cấu cây, con, mùa vụ thích hợp… sản xuất toàn diện, gắn liền nông, lâm, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thành cơ cấu kinh tế thống nhất từ cơ sở đến tỉnh, gắn kinh tế với quốc phòng - an ninh; kinh tế quốc doanh với kinh tế tập thể và kinh tế phụ gia đình, kết hợp đầu tư của nhà nước với đề cao tinh thần tự lực giải quyết lương thực, thực phẩm cho địa phương với mức cao nhất. Đồng thời đẩy mạnh tốc độ xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật mới, mở rộng công nghiệp địa phương nhất là tiểu thủ công nghiệp đến tận nông thôn, cải tiến lưu thông phân phối, thực hiện cải cách giáo dục, đẩy mạnh công tác thông tin văn hoá, bảo vệ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, phát triển thể thao….
Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ về Đại hội Đảng các cấp, từ ngày 21 đến 25-9-1977, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hà Quảng lần thứ IX được tiến hành. Đại hội đã quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh uỷ, kiểm điểm đánh giá việc thực hiện nghị quyết của Đảng bộ huyện lần thứ VIII và quyết định phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu 3 năm (1977 – 1979); bầu Ban chấp hành Đảng bộ huyện khoá IX, do đồng chí Nguyễn Thế Minh làm Bí thư Huyện uỷ; đồng chí Đàm Uyển làm Phó bí thư thường trực; đồng chí Hoàng Văn Bưu làm Phó bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.
Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII, Đại hội khẳng định: Được sự quan tâm của Trung ương Đảng và tỉnh, sự giúp đỡ của các ban, ngành; Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, phấn đấu khắc phục khó khăn, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đạt được những kết quả đáng phấn khởi. Năm 1976, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 111,57% so với năm 1975; trong đó thóc đạt 96,92%, màu quy thóc đạt 117,26%, ngô đạt 126,22%.
Trong sản xuất nông nghiệp, thực hiện Nghị quyết số 61-CP ngày 05-4-1976 của Hội đồng Chính phủ về cuộc vận động tổ chức lại sản xuất, cải tiến một bước quản lý nông nghiệp từ cơ sở theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Công tác tổ chức học tập nghị quyết của Chính phủ được Đảng bộ huyện chỉ đạo tiến hành từ trong cấp uỷ đến cán bộ cơ sở, từ chính quyền các cấp đến các ngành trong huyện, đồng thời tổ chức cho xã viên học tập điều lệ hợp tác xã nông nghiệp bậc cao. Việc học tập và thực hiện điều lệ hợp tác xã được tiến hành và kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động củng cố hợp tác xã nông nghiệp, coi đó là khâu cơ bản trong chỉ đạo sản xuất để thúc đẩy sản xuất phát triển. Cuộc vận động củng cố hợp tác xã đã được triển khai rộng khắp toàn huyện, có tác dụng đảm bảo vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng, phát huy quyền làm chủ tập thể của xã viên, cải tiến quản lý, thực hiện một bước sự phân công lao động, tăng cường cơ sở vật chất cho hợp tác xã, từng bước khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý, lãng phí, tham ô, nợ nần dây dưa… Thông qua cuộc vận động, Huyện uỷ đã chỉ đạo điều tra thống kê đất đai, xây dựng vùng quy hoạch sản xuất và xác định phương án kinh tế từng vùng, bố trí cây trồng, vật nuôi và mở rộng quy mô hợp tác xã nông nghiệp.
Huyện đã có nhiều cố gắng trong chỉ đạo, hàng năm, ngay từ đầu vụ sản xuất đông xuân đã tổ chức hội nghị quán triệt đối với các cơ sở, giao chỉ tiêu kế hoạch sớm, sau đó từng thời gian chỉ đạo tập trung dứt điểm đối với từng loại cây trồng để đảm bảo diện tích kịp thời vụ. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau như thời tiết, khí hậu khô hạn, việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế… nên năng suất, sản lượng có tăng nhưng chưa cao; lúa mới đạt 21,35 tạ/ha, ngô 13,07tạ/ha. Song đáng chú ý là diện tích dùng giống lúa mới mỗi năm một tăng, năm 1976 so với năm 1974 tăng hơn 200 ha, nên mặc dù năng suất còn thấp nhưng vẫn tăng so với những năm trước (1974 là 20,93 tạ/ha, 1976 là 21,35 tạ/ha).
Ngoài cây lương thực, cây công nghiệp như đỗ tương, thuốc lá cũng tăng cả diện tích, năng suất, sản lượng, các loại cây công nghiệp khác như trẩu, sở, chè, gừng cũng đang được phát triển.
Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của huyện, nên huyện chỉ đạo đẩy mạnh chăn nuôi cả gia đình và tập thể: năm 1976, tổng đàn lợn có 16.655 con đạt 103,54% kế hoạch; trong đó lơn nái là 2.271 con đạt 102,61% kế hoạch. Đàn trâu 6.018 con đạt 104,35%; trong đó cày kéo được 3.438 con bằng 152,59% so với năm 1975. Đàn bò 6.734 con so với năm trước bằng 100,62%.
Nhìn chung đàn trâu, bò của huyện vẫn duy trì được tốc độ phát triển, một số dịch bệnh đã được ngăn chặn kịp thời nhưng mùa đông 1975 – 1976 nhiều đợt rét kéo dài, mặc dù huyện đã chỉ đạo chống rét nhưng vẫn không hạn chế được, nên trâu bò bị chết rét khá nhiều, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của tổng đàn, nhất là sau chiến sự năm 1979 đàn trâu chỉ còn 5.111 con, bò còn 5.812 con, lợn chỉ còn 13.088 con.
Công tác trồng rừng, bảo vệ, tu bổ rừng được chú ý hơn. Việc tuyên truyền, học tập pháp lệnh bảo vệ rừng cho nhân dân được tiến hành ở các xã trọng điểm, ban lâm nghiệp xã được củng cố, ý thức bảo vệ rừng của nhân dân từng bước được nâng lên. Vì vậy nạn đốt phá, khai thác rừng trái phép vẫn còn nhưng đã giảm hơn so với trước.
Công tác chỉ đạo sản xuất được huyện xác định phải kết hợp với ra sức củng cố hợp tác xã, giải quyết những vướng mắc, do chỉ đạo tích cực nên đến năm 1976 đã đưa tỷ lệ số hộ vào hợp tác xã từ 66,12% (1975) lên 81,70% năm 1976. Cuối năm 1976 có hợp tác xã quy mô toàn xã là Đào Ngạn, Trường Hà (trừ xóm Nặm Lìn), có hợp tác xã Nhật Tân (Xuân Hoà) quy mô lớn 507 hộ.
Việc phổ biến, đúc rút kinh nghiệm trong sản xuất nông - lâm nghiệp được chú ý và sát thực tiễn, chỉ tiêu kế hoạch được giao khẩn trương. Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu thực tế đã đúc rút được những kinh nghiệm thực tế như trồng đỗ tương xen gốc ngô ruộng, có những quan điểm nhận thức đúng đắn hơn về lãnh đạo, chỉ đạo sản xuất lương thực, đồng thời với việc chỉ đạo phát triển chăn nuôi, lâm nghiệp, cây công nghiệp.
Hoạt động của các ngành kinh tế tài chính có nhiều cố gắng trong việc thực hiện hoàn thành kế hoạch, góp phần đáng kể vào phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân, công tác phân phối lưu thông đều đạt kế hoạch, bảo đảm nhu cầu cơ bản của đời sống nhân dân; thu mua nông sản, lương thực, thực phẩm đều tăng, năm 1976 bằng 176% so với năm 1975 (trong đó lợn hơi thu mua được 16.252 kg giá chỉ đạo, 1.549 kg giá cao, trâu hơi được 11.245 kg, bò hơi 130.534 kg, ngựa 1.112 kg; thu mua trâu, bò cày kéo được 420 con, đỗ tương 58.601 kg), riêng thuốc lá bị khô hạn nên mất mùa chỉ mua được 71.568 kg không bằng năm 1975 (109.921 kg). Năm 1977, công tác thu mua các mặt hàng nông sản được khá hơn, riêng lương thực nhập kho 718.813 kg, nhiều hợp tác xã thu đạt tỷ lệ cao như Nà Sác, Yên Lũng, Tổng Cọt, Vân An, Kéo Yên, Sỹ Hai.
Công tác chỉ đạo sản xuất lương thực đối với các cơ quan, xí nghiệp được chú ý thường xuyên nên việc sản xuất tiếp tục thu được kết quả đáng phấn khởi, năm 1977 các cơ quan có điều kiện sản xuất đã thu được 7.860 kg lương thực, tuy số lượng hạn chế nhưng thể hiện rõ chủ trương đúng đã góp phần giải quyết tình hình khó khăn về lương thực của huyện.
Công tác phục vụ sản xuất như cung cấp phân bón, giống, thuốc trừ sâu, nông cụ cho các hợp tác xã kịp thời nhưng còn thiếu. Công tác quản lý thị trường tiếp tục được tăng cường, giá cả được giữ vững; các mặt hàng trong diện quản lý được quản lý chặt hơn. Việc ngăn chặn hàng vượt biên được chỉ đạo kiên quyết, tuy nhiên chưa được triệt để, một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm, nông sản vẫn theo các đường mòn bán qua biên giới.
Về giao thông, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, bưu điện và xây dựng cơ bản. Các tuyến đường tiếp tục được mở rộng và nâng cấp dần, từ đầu năm 1976 đến hết năm 1977 đã mở rộng đường dân sinh được 38 km với 64.598 công, làm đường biên giới đạt kết quả như đường biên giới xã Sóc Hà, đường Lũng Nặm – Kéo Yên, đường Nà Nghiềng, Nà Cháo– Quý Quân. Các tuyến đi vào Tổng Pỏ, Cốc Vường - Gạm Dạng đang được hoàn chỉnh để nhân dân đi lại dễ dàng.
Ngành tiểu thủ công nghiệp của huyện tiếp tục phát triển dưới hình thức hợp tác xã hoặc tổ sản xuất với những mặt hàng truyền thống được ưa chuộng, như hợp tác xã dệt thổ cẩm có các mặt hàng truyền thống được xuất khẩu sang Liên Xô, Đức, Tiệp Khắc… hàng năm đều sản xuất vượt chỉ tiêu kế hoạch. Tổ sản xuất lưỡi cày tại Co Lỳ (Yên Lũng) chuyên đúc lưỡi cày phục vụ không chỉ đồng bào trong huyện mà cả trong và ngoài tỉnh, năm 1977 sản xuất được 4.700 lưỡi cày phục vụ sản xuất; các hợp tác xã còn chủ động sản xuất gạch, ngói, vôi, vật liệu xây dựng để phục vụ ở các địa phương.
Xây dựng cơ bản của huyện có nhiều cố gắng để làm các công trình tại cụm Tổng Cọt, cửa hàng mua bán Nặm Nhũng, một số trụ sở cơ quan, trường học cũng được xây dựng. Hội trường Uỷ ban nhân dân huyện được sửa chữa lớn. Song công tác kiến thiết cơ bản của huyện nhìn chung thời kỳ này còn chậm.
Công tác giáo dục - y tế, thể dục thể thao - thực hiện nếp sống mới tiếp tục được chú ý chỉ đạo tuyên truyền các chỉ thị về nếp sống mới, làm chuyển biến tư tưởng nhận thức của nhân dân; trên cơ sở đó biến nhận thức thành hành động. Để phục vụ cho công tác tuyên truyền, huyện đã xây dựng hệ thống truyền thanh ở huyện lỵ đi Đôn Chương lên Cốc Nghịu, Trường Hà; xây dựng ở Thượng Thôn, Lũng Pươi (Sóc Hà), Kéo Sí (Tổng Cọt), Lũng Chuống (Nội Thôn) để phục vụ nhân dân từng cụm xã vùng cao. Các chợ phiên thường xuyên phát tin, bài; tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác này.
Việc cải tạo, giáo dục những người làm nghề mê tín dị đoan, mo then, bụt, tào, nghiện hút được tiếp tục tiến hành, kể cả kết hợp lao động đối với một số người ngoan cố (vì đã cam đoan nhiều lần nhưng vẫn làm). Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện tiếp tục chỉ đạo việc triển khai thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng, quy định của Chính phủ về nếp sống mới, nên nhiều hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới xin… cơ bản đã giảm bớt. Tuy nhiên mức độ chuyển biến ở các địa phương có khác nhau. Chỉ thị 44 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã được tuyên truyền phổ biến đến các cơ sở, nhiều xóm, xã xây dựng được quy ước nếp sống mới.
Các hoạt động văn hoá - văn nghệ được chú ý, các hình thức văn nghệ dân tộc được sáng tác để ca ngợi sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, các hội diễn được tổ chức vào các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn. Do đặc điểm địa hình khó khăn của huyện, nên đội chiếu bóng lưu động đã tích cực mang máy móc, phương tiện đến các xã vùng cao phục vụ đồng bào, hàng năm đều hoàn thành kế hoạch, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân.
Công tác giáo dục tiếp tục phát triển, số học sinh, trường lớp hàng năm đều tăng, năm học 1975 - 1976, học sinh cấp II tăng 23,1%, học sinh cấp III tăng 27,5%. Số học sinh hàng năm tăng so với niên học nhưng đến cuối cấp III, số học sinh vùng cao thường không duy trì được, và kết quả thi tốt nghiệp cuối cấp còn thấp. Các lớp mẫu giáo, vỡ lòng tiếp tục được duy trì, củng cố và phát triển, năm học 1975 – 1976, số học sinh vỡ lòng tăng 31% so với niên học trước, song phát triển chưa đồng đều, số trẻ em đến tuổi chưa học vỡ lòng còn nhiều ở nông thôn, nhất là vùng cao - đây là một trong những vấn đề đã và đang được huyện tích cực chỉ đạo.
Công tác bảo vệ bà mẹ trẻ em được quan tâm thường xuyên, nên hoạt động tích cực và có nề nếp, phục vụ tốt công tác, hoạt động sản xuất, nhiều nhà trẻ, nhóm trẻ được thành lập mới, các cô nuôi dạy trẻ được bồi dưỡng ngắn ngày tại huyện, nhưng các nhà trẻ còn thiếu thốn cơ sở vật chất, nhất là những nhà trẻ ở nông thôn. Việc thăm khám thai cho các bà mẹ được chú ý nhưng chưa thường xuyên.
Trong công tác phòng chống các dịch bệnh đã được huyện chỉ đạo tuyên truyền trên các phương tiện thông tin và tích cực tiêm phòng nên không có dịch bệnh lớn xảy ra. Tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất. Các cơ sở y tế và bệnh viện huyện đều có nhiều tiến bộ trong khám chữa bệnh cho nhân dân.
Công tác thể dục thể thao có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao sức khoẻ của cán bộ, công nhân viên, thanh niên học sinh, huyện đã thành lập một số đội bóng chuyền, bóng đá thi đấu với huyện bạn, các môn thể thao cũng được tổ chức thi đấu hàng năm.
Đối với công tác xây dựng Đảng, tiếp tục đẩy mạnh các đợt sinh hoạt chính trị, đặc biệt qua cuộc vận đọng thực hiện Nghị quyết 23 và Chỉ thị 192 của Trung ương Đảng, nhận thức tư tưởng, tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, đảng viên được nâng cao. Tổ chức Đảng được củng cố, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng từng bước được phát huy. Nhiều chi, đảng bộ nhận thức đầy đủ hơn về chức năng, nhiệm vụ nắm được tính chất công tác Đảng, vận dụng sáng tạo các nguyên tắc, phương châm công tác xây dựng Đảng, thực hiện được các nhiệm vụ chính trị. Nhiều chi, đảng bộ sinh hoạt đều, đẩy mạnh công tác phê bình, nội bộ đoàn kết nhất trí. Qua phân loại, số chi, đảng bộ khá tăng lên, Đảng bộ yếu kém giảm đi; năm 1977 loại khá đạt 25%, loại trung bình 70%, yếu kém còn 5%. Việc phân loại đảng viên theo Chỉ thị 315 thì số đảng viên tích cực tăng lên, số đảng viên trong diện xem xét giảm rõ rệt.
Đội ngũ cán bộ cốt cán cũng đã được quan tâm chú ý đào tạo bồi dưỡng để phát triển, một số được cử đi học tại các trường Đảng, học văn hoá, quản lý kinh tế… cả ngắn hạn và dài hạn tại tỉnh và Trung ương. Huyện cũng đã chỉ đạo mở các lớp tại địa phương để bồi dưỡng, huấn luyện cho cán bộ cơ sở.
Chính quyền các cấp, trong những năm 1976-1980 tiếp tục được kiện toàn từ huyện đến cơ sở, cấp huyện và nhiều xã phát huy tốt chức năng quyền lực trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, quản lý kinh tế, bảo vệ đường lối chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Các tổ chức đoàn thể quần chúng cũng được củng cố kiện toàn từ cơ sở trở lên, và có sự chuyển biến mới về nhận thức tư tưởng trong tình hình mới, có nhiều chuyển biến trong các cuộc vận động thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, từng bước hướng hoạt động của tổ chức để phục vụ xây dựng con người mới. Tuy nhiên một số cơ sở hoạt động chưa đồng đều, nhận thức và hoạt động còn hạn chế - nhất là các xã vùng cao, biên giới.
Công tác nội chính được huyện xác định: để bảo vệ thành quả của cách mạng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ củng cố tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của chính quyền chuyên chính vô sản, xây dựng các lực lượng vũ trang ngày càng vững mạnh, công tác nội chính giữ một vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Do xác định được như vậy và có sự lãnh đạo, chỉ đạo cuả Đảng bộ, tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp, sự cố gắng của các ngành, các cơ quan trong khối nội chính và các cơ quan đoàn thể đã phối hợp làm tốt công tác trật tự trị an của huyện, ngăn chặn được những phần tử xấu vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước. Các hiện tượng cờ bạc, trộm cắp, buôn lậu… giảm hơn trước.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự trị an xã hội vùng biên giới làm tương đối tốt, chỉ xảy ra một số vụ tranh chấp đất đai nơi biên giới do nhân dân hai bên xâm canh, nhưng sau khi giải quyết, mối quan hệđã trởlại bình thường.
Chủ trương xây dựng xã vững mạnh về trật tự trị an được tiếp tục tiến hành, nhất là các xã vùng cao biên giới, qua tuyên truyền, trình độ hiểu biết của nhân dân về chủ quyền lãnh thổ và an ninh được nâng cao, nên đã đề cao cảnh giác trước âm mưu phá hoại, quấy rối của các lực lượng thù địch.
Việc củng cố xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ được chú ý, hàng năm, dân quân các xã đều được huấn luyện. Công tác tuyển quân hàng năm đều đạt chỉ tiêu giao.
Công tác hậu phương quân đội được chú ý, việc chấp hành chính sách đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình B.C, gia đình đang có quân nhân tại ngũ được quan tâm thường xuyên và thực hiện đúng đối tượng như xét cứu đói, hàng hỗ trợ… nên động viên được các gia đình phát huy truyền thống cách mạng, yên tâm sản xuất.
II. GÓP PHẦN CÙNG QUÂN DÂN TRONG TỈNH CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ VỮNG CHẮC BIÊN CƯƠNG TỔ QUỐCTrước tình hình biên giới ngày càng căng thẳng, được sự chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, hướng dẫn của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và các lực lượng vũ trang đóng tại địa phương. Hà Quảng đã kiện toàn lại lực lượng dân quân tự vệ các xã, các cơ quan, lực lượng này đã được biên chế lại thành các đơn vị có khả năng cơđộng, chiến đấu cao. Dân quân các xã biên giới đã tổ chức lực lượng lên giữ chốt trên các điểm cao dọc tuyến biên giới.
Trước tình hình mới, Ban chỉ huy Quân sự thống nhất huyện được thành lập. Sau khi được thành lập, Ban chỉ huy Quân sự thống nhất huyện đã tiến hành rà soát, bổ sung hoàn chỉnh các phương án tác chiến, xây dựng các cụm chiến đấu ở các xã giáp biên và trong nội địa. Tiếp nhận sự chi viện sức người sức của của nhân dân và lực lượng vũ trang các huyện, thị trong tỉnh và cả nước. Bên cạnh đó, từ tháng 9-1976, huyện thành lập Đại đội bộ binh (C62) bộ đội địa phương. Năm 1978 thành lập Tiểu đoàn bộ binh 6.
Toàn huyện đã tổ chức lao động các hợp tác xã, dân quân tự vệ, cán bộ công nhân viên… tiến hành rào, cài chông, mìn, dựng chướng ngại vật trên tuyến biên giới của huyện với Trung Quốc. Đồng thời tập trung chỉ đạo lao động khẩn trương khai thông hai tuyến đường Xuân Hoà - Đào Ngạn và tuyến Sóc Hà - Quý Quân để kịp thời đưa vào sử dụng phục vụ chiến đấu. Nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng đã đóng góp hàng vạn ngày công, hàng vạn cây que và hàng vạn gắp gianh… để cùng các lực lượng vũ trang xây dựng các công trình bảo vệ Tổ quốc. Ngay từ cuối năm 1978 đầu năm 1979, ở Hà Quảng đã hình thành thế trận nhân dân sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Ngay từ đầu năm 1979, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, phía Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động quân sự, lấn chiếm các địa hình có lợi, điều động nhiều lực lượng ra áp sát đường biên, tung thám báo sang Cao Bằng để thu thập tin tức tình hình của ta. Ngày 16-02-1979, ta đã phát hiện ô tô của họ vận chuyển binh lính, quân nhu vào các khu vực cửa khẩu Bình Mãng và xe tăng, bộ binh vào gần biên giới của ta ở cả Hà Quảng và các huyện Thông Nông, Trà Lĩnh, Trùng Khánh… Tiếp đó vào lúc 21 giờ ngày 16-02-1979, Trung Quốc cho pháo bắn dữ dội vào xã Cần Yên (Thông Nông); đến 23 giờ ngày 16-02-1979, chúng mở rộng phạm vi pháo kích sang nhiều nơi ở Hà Quảng và các huyện khác. Đồng thời lợi dụng đêm tối, nhiều đơn vị bộ binh của họ vượt biên giới đánh chiếm các chốt bảo vệ biên giới của ta thuộc các xã Sóc Hà (Hà Quảng), Cần Yên (Thông Nông)…
Rạng sáng ngày 17-02-1979, Trung Quốc vô cớ mở cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc nước ta, bao gồm 6 tỉnh từ Quảng Ninh đến Lai Châu.
Tại Cao Bằng, phía Trung Quốc với nhiều phương tiện chiến tranh cho quân vượt qua biên giới đồng loạt tấn công vào các huyện Hà Quảng, Thông Nông, Bảo Lạc, Thạch An, Quảng Hoà, Trùng Khánh, Trà Lĩnh.
Từ những phút đầu của cuộc chiến, cùng với các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh, quân và dân Hà Quảng đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu đánh trảđối phương. Hà Quảng có 9 xã biên giới thì cả 9 xã đều bị pháo kích và cho quân đánh phá cả các khu dân cư gây nhiều thiệt hại về người và tài sản như Bản Giàng xã Xuân Hoà, Bản Láp xã Quý Quân, Mã Lịp xã Nà Sác… sau đó đánh phá các xã nội địa. Nhưng đối phương đi đến đâu cũng bị quân dân ta đánh trả quyết liệt. Dân quân ở các xã đã phối hợp với lực lượng vũ trang ngoan cường chiến đấu đánh lại nhiều cuộc tấn công ngăn chặn chúng tiến vào các khu dân cư, các vùng căn cứ trong nội địa, nhiều xã đã độc lập tác chiến tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực của chúng như Cô Mười, Nội Thôn…
Sau một tháng chiến đấu dũng cảm, quân và dân Hà Quảng đã làm cho đối phương thiệt hại2.180, thu 310 súng các loại và nhiều trang thiết bị khác. Trước tinh thần đoàn kết chiến đấu kiên cường của nhân dân ta ở khắp các địa phương, cuộc tấn công vô cớ của Trung Quốc sang nước ta đến tháng 3-1979 bị thất bại, buộc phải rút lại quân về nước. Trong cuộc chiến đấu này, huyện Hà Quảngđãxuất hiện nhiều tập thể, cá nhân chiếnđấu anh dũng, lập công xuất sắc, tiêu biểu làĐồn biên phòng 167 Sóc Giang đãđượcĐảng và Nhà nước tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 20-12-1979.
Hậu quả của chiến sự để lại rất nặng nề, Hà Quảng bị chúng tàn phá nghiêm trọng, các cơ sở kinh tế, các cơ quan, trường học, bệnh viện, cửa hàng, nhà kho… đều bị đốt phá sạch. Đặc biệt là hang Pác Bó - một di tích lịch sử cách mạng gắn liền với lãnh tụ NguyễnÁi Quốc - Hồ Chí Minh vĩđại, từng sống và làm việc, nhen nhóm ngọn lửa cách mạng - đã bịđánh sập
[84]. Đồng bào các xã biên giới sơ tán vào các xã nội địa, gần 1.000 ngôi nhà bị đốt cháy, hàng ngàn người không có nhà ở, hơn vạn người thiếu lương thực… và nhiều khó khăn đang đặt ra cần phải giải quyết cấp bách. Trong khi Trung Quốc chỉ rút quân sang biên giới, hàng ngày vẫn bằng mọi cách phá hoại ta. Trước tình hình khó khăn đó, Huyện uỷ đã thống nhất tập trung chỉ đạo nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, sớm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân. Đồng thời chỉ đạo nhanh chóng tổ chức lại lực lượng vũ trang, sẵn sàng đối phó với các âm mưu của bọn phản động quốc tế; hầu hết các xã được bổ sung, lực lượng dân quân các xã được biên chế lại theo chỉ thị mới của trên, để sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu được ngay, vừa kiện toàn tổ chức vừa tổ chức huấn luyện và tích cực xây dựng trận địa, kiên quyết thực hiện khẩu hiệu “một tấc không đi, một ly không rời”.
Nhân dân các dân tộc từ vùng cao đến vùng thấp, không quản ngại khó khăn, thiếu thốn, gian khổ vẫn hăng hái lên các công trường xây dựng các công trình quân sự bảo vệ Tổ quốc. Các xã đã nhiều lần huy động nhân dân đóng góp cây que, tranh tre… cho các đơn vị bộ đội làm trận địa, làm lán trại.
Trên toàn tuyến biên giới, mặc dù Trung Quốc đã rút quân về nước, nhưng trên thực tế họ vẫn tiếp tục đưa quân áp sát biên giới, đào hầm hào, công sự, xây dựng trận địa trên các điểm cao, chiếm giữ nhiều điểm trong khu vực biên giới của ta, nổ mìn làm các công trình quân sự đối diện với các cửa khẩu, các đồn của ta, tung thám báo, biệt kích vào vùng Lục Khu, bắn vào các làng bản ở Tổng Cọt (tháng 4-1979); xây dựng hoàn chỉnh trận địa sát đường biên giới ở cao điểm giữa mốc 114 - 115 (cũ) đối diện với Đồn biên phòng Sóc Giang và nhiều nơi khác…
Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương, từ cuối tháng 3-1979, Tỉnh uỷ Cao Bằng chỉ đạo các huyện, thị khẩn trương “củng cố lại tổ chức, tăng cường cán bộ cho xã và hợp tác xã, tăng cường các đơn vị quân đội, thường xuyên luyện tập, nâng cao sức mạnh chiến đấu, tăng cường đoàn kết quân dân quyết tâm bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc”. Đảng bộ hoạt động đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát động quần chúng đẩy mạnh phong trào toàn dân “bảo vệ an ninh Tổ quốc”, chú ý phát triển ở các xã vùng Lục Khu và tất cả các xã biên giới, cuộc vận động đã góp phần làm cho nhân dân nâng cao cảnh giác đối với âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch; tin tưởng vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, từ đó tích cực củng cố lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng dân quân, công an xã, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
Với chủ trương xây dựng ba lực lượng vững mạnh và thực hiện khẩu hiệu “quân với dân là một ý chí”, Đảng bộ đã chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự huyện củng cố toàn bộ lực lượng dân quân ở tất cả các xã. Trên tuyến biên giới cả 20 chốt đều có lực lượng trực chiến suốt đêm ngày canh giữ biên cương của Tổ quốc, các xã đều có phương án tác chiến và dự kiến các tình huống khi có chiến sự xảy ra là chủ động chiến đấu.
Trên toàn tuyến biên giới, quân và dân trong huyện đã chủ động nắm tình hình và xử lý kịp thời các tình huống, bảo vệ vững chắc biên giới, nhân dân ổn định sản xuất, cán bộ công nhân viên yên tâm công tác, tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng bộ.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và kế hoạch của Tỉnh uỷ, từ ngày 26 đến 28-11-1979, Đảng bộ Hà Quảng triệu tập Đại hội đại biểulần thứ X. Đại hội đã biểu dương thành tích, công lao của nhân dân các dân tộc trong huyện đối với công cuộc xây dựng và đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Đại hội cũng đã kiểm điểm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội IX và thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 1980-1982, bầu Ban chấp hành khoá mới gồm 33 đồng chí, do đồng chí Sầm Hồng Nam làm Bí thư, đồng chí Hà Văn Đức làm Phó bí thư thường trực, đồng chí Hoàng Văn Bưu làm Phó bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.
III. TĂNG CƯỜNG ĐẤU TRANH GIỮ VỮNG BIÊN GIỚI, BẢO VỆ CHỦ QUYỀN AN NINH QUỐC GIA, XÂY DỰNG KINH TẾ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI (1981 - 1985)Ngay từ sau chiến sự, Đảng bộ đã chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền và giáo dục chính trị tư tưởng đối với cán bộ và quần chúng nhân dân, nên nhân dân các dân tộc càng hiểu rõ thực chất âm mưu của kẻ thù. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với các dân tộc vùng biên giới, từ đó, đồng bào thấy rõ trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Tổ quốc, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh để bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Mặt khác qua thực tiễn nhân dân càng thấy rõ được, phân biệt được bạn thù, thấy rõ sự chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta.
Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận nhận thức chưa đồng đều, chưa sâu sắc, còn đơn giản, chủ quan, lẫn lộn mơ hồ giữa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, nhà nước… đã qua biên giới trái phép buôn hàng lậu một số đã tiếp tay cho phần tử xấu, một số dao động, một số xóm nhân dân chưa an cư lạc nghiệp, đời sống khó khăn, lo chiến sự lại xảy ra nên muốn đi nơi khác. Thực tế tình hình biên giới sau chiến sự gặp rất nhiều khó khăn, các xã biên giới đều ở vùng núi đá hiểm trở, trong 14 xóm sát biên ở các xã, giao thông đều rất khó khăn, chỉ có một đường ô tô đến được xã Lũng Nặm và Tổng Cọt, các xã khác chỉ đi theo đường mòn, nên sự chỉ đạo của huyện gặp nhiều khó khăn, không có phương tiện liên lạc, nhiều xã đi bộ phải mất cả ngày đường nên ảnh hưởng đến các mặt chỉ đạo công tác nhất là công tác an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.
Dân số ở biên giới đại đa số là đồng bào Nùng, một số ít là người Mông, từ xưa đến nay có nhiều mối quan hệ thân tộc, dòng họ với nhân dân ở biên giới nước bạn. Do gặp nhiều khó khăn hạn chế, nên liên tục từ sau năm 1979, bọn phản động lợi dụng mối quan hệ từ lâu đời để tuyên truyền chiến tranh tâm lý, dùng hàng hoá, vật chất để móc nối, lôi kéo, tác động gây nên tình hình phức tạp ở vùng biên giới.
Lực lượng dân quân tự vệ ở vùng biên giới đã được củng cố, cơ bản có thể đáp ứng được nhiệm vụ. Tuy vậy vẫn còn có những yếu kém, hạn chế trong việc phối hợp, hiệp đồng trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh ở biên giới. Vùng biên giới Lục Khu còn là địa bànphức tạp do có sự tiếp tay từ các phần tử phản động từ bên ngoài, một số định gây cơ sở để chống phá ta, âm mưu tổ chức kích động gây rối.
Trước tình hình như vậy, Huyện uỷ cùng với Tỉnh uỷ và các ngành liên quan thống nhất nhận định: vùng biên giới Lục Khu, Hà Quảng là địa bàn phức tạp về chính trị và trật tự xã hội, đã và đang bị bọn phản động lợi dụng để thực hiện âm mưu phá hoại ta về nhiều mặt. Do đó cần phải tập trung lãnh đạo, tập trung lực lượng và các biện pháp công tác để từng bước củng cố các cơ sở chính trị, phát động phong trào quần chúng đấu tranh làm thất bại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt ở địa bàn.
Từ sự nhận định đó, Đảng bộ Hà Quảng đã xác định: để thúcđẩy phong trào quần chúng lớn mạnhkhông chỉ đơn thuần dùng biện pháp chính quyền và biện pháp nghiệp vụ, mà cần tập trung phát động phong trào rộng rãi trong quần chúng, coi quần chúng là lực lượng tiên quyết. Quá trình thực hiện cần có sự kết hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các lực lượng nghiệp vụ, Ban chỉ huy Quân sự huyện trực tiếp và Tiểuđoàn bộđộiđịa phương (d106), các ngành liên quan đều đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp cùng cấp uỷ các cấp để thống nhất tổ chức, chỉ đạo.
Cuộc vận động có mục đích, yêu cầu rõ ràng là: phát động được phong trào trong quần chúng, thông qua nội dung, tài liệu của cuộc vận động… làm cho quần chúng và cán bộ cơ sở nhận thức rõ âm mưu thủ đoạn của bọn phản động đối với nước ta ở khu vực Hà Quảng. Trên cơ sở đó ngăn chặn tư tưởng dao động, phản cách mạng của các phần tử xấu, ngăn chặn nạn buôn bán trái phép qua biên giới… làm nhụt ý chí, tư tưởng phản động và tiêu cực. Phân hoá giáo dục cải tạo các đối tượng… củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Củng cố các cơ sở chính trị, các tổ chức đoàn thể quần chúng, đẩy mạnh phong trào cách mạng trên địa bàn, các lực lượng làm chuyên môn nghiệp vụ có điều kiện để làm tốt hơn công tác bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo thường xuyên của cấp uỷ và sự phối hợp giúp đỡ của các lực lượng vũ trang, bộ đội biên phòng, công an nhân dân cùng các ngành đã tổ chức một đội ngũ cán bộ nhiệt tình hăng hái, khắc phục khó khăn, gian khổ, đi sâu đi sát làm nòng cốt thúc đẩy phong trào, nên đã đem lại nhiều kết quả, đặc biệt là vùng cao Lục Khu – biên giới. Hầu hết cán bộ, đảng viên ở các xã đều tham gia học tập, trong đó các xã biên giới tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia đạt tới 93%. Nhân dân các xã đều tham gia nhiệt tình học tập, tỷ lệ đạt 97%, có nhiều xóm biên giới như Pác Có (Vân An), Pác Tạc (Nội Thôn), Lũng Gioỏng (Tổng Cọt) lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn nhưng do nhiều hình thức, biện pháp và nhiều cách làm sáng tạo nên có 100% nhân dân tham gia học tập.
Qua cuộc vận động, tình hình địa phương đã chuyển biến nhanh chóng, tạo nên khí thế thu đua trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đặc biệt mọi người càng nhận thức rõ âm mưu của các thế lực phản động chống phá ta, cuộc vận động đã tác động rất lớn đến cả những phần tử xấu, quần chúng lạc hậu đã tự bộc lộ, tự thú, tự báo, phát hiện cho ta những hành động việc làm sai trái; đồng thời làm giảm hẳn việc vượt biên trái phép, bảo đảm ổn định tình hình trật tự trị an ở biên giới. Qua học tập có 251 đối tượng được chính quyền các địa phương cải huấn, giáo dục - đã thấy rõ những sai lầm đối với đất nước, đối với nhân dân và ăn năn hối lỗi, xin được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước.
Kết quả cuộc vận động đã giúp các tầng lớp nhân dân hiểu thêm tình hình ở vùng biên giới làm cơ sở thuận lợi cho vận động thực hiện các đối sách đấu tranh với thế lực phản động sau này. Các lực lượng chuyên môn, nghiệp vụ, các cấp, các ngành được nâng cao thêm một bước về trình độ công tác chuyên môn… Cuộc vận động cũng đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu trong phong trào bảo vệ biên cương Tổ quốc, từ đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, dân quân, đến các cụ già, thiếu niên cũng tích cực góp phần vào cuộc vận động. Cán bộ, chiến sĩ công an, bộ đội biên phòng, bộ đội địa phương cùng các cấp, các ngành đều tận tuỵ ngày đêm bám sát biên giới… tích cực đấu tranh. Qua đợt vận động đã có một đơn vị, 29 cá nhân được Công an tỉnh tặng bằng khen, 6 đơn vị và 119 cá nhân được Uỷ ban nhân dân huyện khen thưởng.
Qua cuộc vận động, Đảng bộ cũng đã rút được những kinh nghiệm trong cuộc đấu tranh bảo vệ biên giới, đây là cuộc đấu tranh toàn diện, phải được coi là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp uỷ, thì mới mang lại kết quả, chất lượng mới cao.
Đồng thời cuộc vận động phải được tiến hành toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội cả về quân sự, đặc biệt là tư tưởng. Trước hết phải xây dựng các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức quần chúng thật sự vững mạnh, tự đảm nhiệm được nhiệm vụ ở địa phương. Đặc biệt cần chú trọng tăng cường khối đại đoàn kết nội bộ, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, đoàn kết lực lượng vũ trang. Vì đoàn kết là sức mạnh để chiến thắng.
Với thắng lợi đã đạt được và bước sang thời kỳ mới, từ ngày 26 đến 30-11-1982, Đảng bộ Hà Quảng triệu tập Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XI nhiệm kỳ 1982 – 1986 (vòng 2). Đại hội đã kiểm điểm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X và xác định được mục tiêu nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới. Đại hội đã bầu Ban chấp hành khoá mới gồm 31 đồng chí, đồng chí La Hữu Vinh được bầu làm Bí thư, đồng chí Hà Văn Đức làm Phó bí thư thường trực, đồng chí Hoàng Văn Bưu làm Phó bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.
Cùng với nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ giữ vững biên cương Tổ quốc, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng được Đảng bộ huyện xác định là nhiệm vụ trung tâm. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu được đề ra, Huyện uỷ xác định: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và của Đảng bộ huyện gắn với mục tiêu của từng năm, làm cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hiểu rõ, hiểu đúng, làm đúng. Đồng thời xem xét những khâu bất hợp lý để tổ chức lại sản xuất, phân công lại lao động.
Các chi, đảng bộ nông thôn tập trung chỉ đạo làm chuyển biến các mặt quản lý kinh tế nông nghiệp, khai thác tiềm năng đất đai, lao động với mức cao nhất, khắc phục các hiện tượng khoán trắng, khắc phục những yếu kém khác trong sản xuất nông nghiệp. Củng cố lại quan hệ sản xuất, phải có phương hướng sản xuất toàn diện bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, nghề rừng, tiểu thủ công nghiệp. Trong trồng trọt phải chỉ đạo phân vùng sản xuất, thực hiện thâm canh tăng vụ đối với cây lúa và cây thuốc lá, định mức tiêu chuẩn kỹ thuật, định sản lượng khoán cho cây con và ngành nghề, đảm bảo cân đối giữa các ngành và đảm bảo 3 lợi ích để khuyến khích xã viên tích cực lao động.
Trên cơ sở đăng ký thống kê vê phân hạng ruộng đất, các hợp tác xã và Uỷ ban nhân dân xã phải quản lý chặt chẽ và sử dụng đất đai có hiệu quả, nghiêm cấm cá nhân, tập thể, các đơn vị sử dụng đất đai trái phép. Vụ đông xuân ở vùng thấp và vụ hè thu ở vùng cao nếu hợp tác xã sau khi cân đối đã đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch, diện tích còn lại thì cho xã viên, cơ quan, trường học, các đơn vị bộ đội mượn đất sản xuất và phải trả lại kịp thời cho hợp tác xã sản xuất vụ sau.
Để thúc đẩy sản xuất phát triển đồng đều, Đảng bộ đã chỉ đạo: đẩy mạnh phát triển chăn nuôi cả ba khu vực quốc doanh, tập thể và gia đình. Tập trung chỉ đạo làm chuyển biến về phòng trừ dịch bệnh, chọn giống và lai tạo giống. Trong phòng dịch cần quan tâm bệnh tụ huyết trùng lợn. Chuẩn bị các điều kiện để tiến tới có một trạm truyền tinh lợn lai kinh tế, chuẩn bị thức ăn và phòng chống rét cho gia súc.
Đối với nghề rừng, hàng năm bảo đảm diện tích trồng rừng nhất là trẩu, đảm bảo giống tốt và đủ cho các cơ quan tiếp tục chăm sóc rừng đã trồng, đặc biệt là trẩu, cấp uỷ, chính quyền các xã và các hợp tác xã dưới sự hướng dẫn của Phòng lâm nghiệp để giao đất, giao rừng cho hộ xã viên, các trường học và bộ đội chăm sóc, bảo vệ, khai thác theo kế hoạch. Cùng với việc trồng rừng tập trung, động viên nhân dân trồng cây phân tán, chủ yếu là cây ăn quả, cây lấy dầu. Nghiêm cấm việc đốt phá rừng, khai thác rừng bừa bãi. Các khu rừng cấm phải được cắm biển, nhất là rừng đầu nguồn, rừng quốc phòng và rừng di tích lịch sử. Phấn đấu từng bước kinh doanh nghề rừng, khai thác tiềm năng rừng, làm giàu cho địa phương.
Đối với công tác quản lý, các hợp tác xã cần chấn chỉnh lại các loại sổ sách theo đúng quy định, nhất là sổ sách kế toán theo dõi thu chi – phân phối sản phẩm. Các hợp tác xã vùng cao hiện có cần củng cố lại và tổ chức khoán đi đôi với xây dựng kế hoạch sản xuất.
Với sự chỉ đạo tích cực đó, sản xuất dần được khôi phục và phát triển nhưng chưa thật sự ổn định, vững chắc. Năm 1981, tổng sản lượng đạt 7.790 tấn, năm 1983 chỉ đạt 7.232 tấn bằng 83% kế hoạch, năm 1984 đạt 7.397 tấn bằng 81% kế hoạch tăng 1,8% so với năm 1983. Trong chăn nuôi, tổng đàn gia súc cũng có sự thay đổi; năm 1981, tổng đàn trâu có 4.039 con, năm 1983 có 4.150 con, năm 1984 có 4.616 con; tổng đàn bò năm 1981 có 4.347 con, năm 1983 có 2.217 con đạt 44,8% kế hoạch, nhưng năm 1984 tăng khá nhanh, cuối kỳ có 4.114 con đạt 97,85% kế hoạch. Đàn lợn năm 1981 có 14.726 con, năm 1983 có 15.482 con đạt 81% kế hoạch, năm 1984 có 17.266 con đạt 101% kế hoạch; đàn gia cầm năm 1981 có khoảng 48 ngàn con, năm 1984 tăng lên hơn 51 ngàn con. Nhìn chung đàn gia súc có tăng nhưng không đều do dịch bệnh và một số địa phương gặp khó khăn về vốn, giống.
Để phục vụ sản xuất, Huyện uỷ và Uỷ ban nhân dân huyện đã thống nhất chỉ đạo phòng thuỷ lợi khảo sát và có kế hoạch nắm chắc khối lượng các công trình cần phải huy động nhân lực để tu sửa hoặc xây dựng mới, kịp thời phục vụ sản xuất. Hàng năm công tác thuỷ lợi đều được đầu tư khá hợp lý, chỉ riêng năm 1983, toàn huyện đã đầu tư 28.937 công làm thuỷ lợi, xây dựng 3 trạm bơm điện gồm 11 máy, tu sửa làm mới 27 tuyến mương dẫn nước dài 49.800 mét, tu sửa 8 máy bơm dầu, 2 máy bơm điện; vụ năm 1984 kết hợp với hợp tác xã Nhật Tân nạo vét, xây lát mương rải và sửa chữa lớn đập chắn nước Nà Giằm, lắp đặt thêm máy bơm ở hợp tác xã Thuỵ Hùng xã Phù Ngọc, hợp tác xã Yên Luật xã Xuân Hoà. Năm 1985 tiếp tục tu sửa 6 mương phai lớn với 22.400 công, hơn 17 tấn xi măng, phục vụ các công trình, đưa 3 trạm bơm điện, 3 trạm bơm dầu và 4 trạm bơm tự động vào hoạt động, tưới tiêu cho các vụ sản xuất.
Công tác định canh định cư của huyện tiếp tục chuyển biến tốt, trong hai ăm 1982 và 1984 kiến tạo được 51,2 ha ruộng bậc thang, cải tạo đất rừng và nền nhà thành ruộng nước 8,68 ha, hoàn thành đường điện hạ thế phục vụ đồng bào Mông xóm Lũng Tu, làm đường Nà Ngần - Khuổi Tèn, hỗ trợ 14 tấn lương thực cho đồng bào Mông đi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, ngoài ra còn hỗ trợ cứu đói giáp hạt 34 tấn gạo cho 1.545 hộ, 9.365 nhân khẩu ở các xã vùng cao, bàn giao cho tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang, Tuyên Quang) 60 hộ sơ tán đi từ năm 1979.
Các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp sản xuất nông vụ, vật liệu cũng được chú ý phát triển, năm 1983 sản xuất được 3.859 lưỡi cày, 575 ngàn viên gạch, 556 ngàn viên ngói, 171 tấn vôi, khai thác 22 m
3 gỗ để phục vụ sản xuất, xây dựng trên địa bàn huyện.
Các ngành giao thông - xây dựng cơ bản cũng tích cực đầu tư xây dựng thêm các công trình. Từ năm 1982, huyện lỵ di dời về Bản Giới, xã Xuân Hoà (nay là thị trấn Xuân Hoà, trước chiến sự biên giới tháng 2 năm 1979 huyện lỵ ở Sóc Giang), có thêm sự hỗ trợ của các tỉnh, huyện tuyến sau, điển hình là huyện kết nghĩa Đồng Hỷ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) đã góp phần ổn định nơi làm việc mới của cơ quan huyện.Năm 1983, đầu tư 24.325 công làm đường Lũng Pán 5 km, sửa đường Đôn Chương đi Tổng Cọt 24 km, làm lại cầu Thua Mu và Pá Rản trị giá 20 ngàn đồng; xây dựng 17 gian nhà làm việc của cơ quan huyện với diện tích 360 m
2, trị giá 348 ngàn đồng; hoàn thành trụ sở xã Sóc Hà, Kéo Yên, Bệnh xá Lũng Nặm, Trạm thuỷ điện Pác Bó - công trình lập công dâng Bác. Năm 1984 tiếp tục đầu tư 2.769 công sửa đường Đôn Chương - Nặm Nhũng - Tổng Cọt; hoàn thành đường vào trường phổ thông trung học của huyện. Hoàn thành 36 gian nhà do Tổng công ty xây dựng thuỷ điện Hoà Bình giúp đỡ, và trạm cơ khí của huyện hoàn thành đã sản xuất một số sản phẩm phục vụ sản xuất; trạm y tế quân dân y Hà Quảng cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng, Năm 1984, hoàn thành các công trình xây dựng với tổng số vốn đầu tư hơn 453 ngàn đồng, Năm 1985 tiếp tục đầu tư làm mới một cầu dài 24m, sửa 3 cầu dài hơn 40m, rải đá mặt đường 1 km, sửa 15 km đường ô tô, 13 km đường ngựa thồ với khối lượng đào đắp 5.820 m
3 đất, phá 14 14.570 m
3 đá, với tổng số vốn là 69.245 đồng, nhân dân đóng góp 43.561 công, bình quân 3,9 công/lao động; năm 1985 quân và dân Hà Quảng còn khai thông 5 km đường đất từ Nà Giàng đến Sỹ Hai trên 2.000 công, xây dựng 251 m
2 nhà. Tổng cộng năm 1985 thực hiện được 190,8% vốn xây dựng cơ bản. Trong xây dựng cơ bản, ngoài các công trình được thực hiện theo kế hoạch, huyện còn tranh thủ viện trợ của các tỉnh phía sau và các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn để làm thêm một số công trình: trạm thuỷ điện Nà Giàng do Công ty xe điện Hà Nội đầu tư, nhà trẻ Liên Cơ do Trung đoàn 246 giúp đỡ, đường điện cao thế Nà Giàng vào trạm y tế, đường ống dẫn nước cho khu dân cư mới xã Sóc Hà. Di chuyển 15/17 hộ ở xóm Pác Có xã Vân An ra tuyến sau để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản nhân dân biên giới.
Công tác văn hoá - xã hội được chú ý đẩy mạnh, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn do tình hình biên giới vẫn trong tình trạng căng thẳng, điều kiện hoạt động gặp nhiều khó khăn hạn chế, nhưng huyện vẫn tiếp tục củng cố, duy trì hoạt động của 14 đội thông tin lưu động, đặc biệt là 9 đội ở 9 xã biên giới có nhiều cố gắng và đã kết hợp với 9 tổ công tác của bộ đội biên phòng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước ta và âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch. Để phục vụ đồng bào vùng cao biên giới, huyện vẫn tổ chức 3 đội chiếu phim lưu động, thường xuyên đi các xã phục vụ đồng bào. Ngành văn hoá đã nêu cao tinh thần chủ động trong hoạt động; thư viện huyện với 5.900 cuốn sách thường xuyên phục vụ bạn đọc, các cụm loa truyền thanh ở các vùng trọng điểm hoạt động thường xuyên. Với sự hoạt động tích cực đó, đến năm 1985, công tác thông tin tuyên truyền của huyện đã phục vụ được 1.130 buổi, trung bình một người dân được phục vụ 8,5 lần. Kết quả hội diễn thông tin tuyên truyền ở tỉnh, đội của huyện đạt giải nhất và đội thông tin tuyên truyền của xã Kéo Yên đạt giải xuất sắc.
Sự nghiệp giáo dục của huyện tiếp tục phát triển, hệ thống trường lớp khá đầy đủ ở các xã, đến năm 1985 cả 18/18 xã đều có trường cấp I và 11/18 xã có trường cấp II; toàn huyện có 2 trường cấp III, với tổng số 7.058 học sinh, số học sinh trong độ tuổi đi học ở cấp I đạt 81,3%, cấp II đạt 93,8%, bình quân 3,9 người dân có một người đi học. Công tác giáo dục đã có chuyển biến nhiều so với những năm đầu sau chiến sự tháng 02-1979. Đội ngũ giáo viên nhiệt tình, có tinh thần khắc phục khó khăn, nhất là các xã vùng cao, vùng biên giới. Song do nhiều nguyên nhân khác nhau nên công tác giáo dục vẫn phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, tỷ lệ học sinh vùng cao, biên giới bỏ học, nghỉ học còn phổ biến, nhất là mùa vụ sản xuất vì vậy cũng ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ được quan tâm phát triển, trạm xá Nặm Nhũng được mở rộng, đến năm 1983 toàn huyện có 80 giường bệnh, tăng 30 giường so với năm 1982, trung bình 292 người dân có 1 cán bộ y tế, 282 người có 1 giường bệnh, 1 giường bệnh điều trị 55 lượt người/năm. Một y bác sĩ khám 507 người/năm. Sản xuất - pha chế từ 1.300 - 1.500 lít huyết thanh và sắc được 300 - 400 lít thuốc đông y…
Tiến bộ nổi bật của ngành y tế thời kỳ này là thực hiện tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm để mở rộng các bệnh viện, bệnh xá, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh dễ lây như thương hàn, kiết lỵ, dịch tả… đặc biệt là ngành y tế của huyện đã phục vụ tốt việc cứu chữa thương binh trong chiến sự tháng 4, tháng 5 và tháng 8-1984 xảy ra tại địa bàn Hà Quảng, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Công tác xây dựng Đảngđược Đảng bộ tập trung xây dựng các chi, đảng bộ trực thuộc vững mạnh toàn diện, nhằm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo,chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng bộ. Vì vậy, Đảng bộ đã chỉ đạo công tác xây dựng Đảng phải theo phương châm gắn chặt với chỉ đạo xây dựng và phát triển kinh tế, lãnh đạo thực hiện hai nhiệm vụ ở địa phương. Xây dựng Đảng không tách rời nhiệm vụ kiện toàn bộ máy lãnh đạo của các ngành, các tổ chức cơ sở, chú ý phát triển xây dựng Đảng ở những nơi yếu kém, những xóm trắng, xóm sát biên giới. Nhờ xác định đúng đắn trọng tâm và chỉ đạo nhất quán, tích cực nên công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tiến bộ: Các cấp uỷ luôn luôn được chú ý kiện toàn, đủ sức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, đơn vị. Công tác tổ chức, giáo dục đảng viên luôn được chú ý và đẩy mạnh hơn trước. Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã chọn ba đảng uỷ xã làm thí điểm để rút kinh nghiệm là Đảng uỷ xã Trường Hà, Đảng uỷ xã Quý Quân và Đảng uỷ xã Kéo Yên sau đó nhân rộng ra các xã vùng cao.
Về công tác tư tưởng, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã chỉ đạo, tập trung triển khai các nghị quyết lớn của Đảng để nâng cao nhận thức tư tưởng, xây dựng quan điểm tư tưởng của giai cấp công nhân, ngăn chặn tư tưởng tiêu cực trong nội bộ Đảng, đặc biệt là bọn phản động quốc tế. Các nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ huyện đều được tổ chức học tập. Mỗi lần Đảng bộ tổ chức học tập là một lần đảng viên được bồi dưỡng lý luận nên trưởng thành một bước về phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm và ý chí chấp hành nghị quyết của Đảng. Những khuyết điểm thiếu sót của cấp uỷ, của đảng viên được đưa ra phân tích, phê bình góp ý gắn với chế độ trách nhiệm để làm rõ từ đó tích cực phòng ngừa và thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng và thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Để xây dựng Đảng bộ ngày càng lớn mạnh, Ban Thường vụ Huyện uỷ còn tích cực chỉ đạo: thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho số đảng viên mới kết nạp và bồi dưỡng cho đảng viên giữ các chức vụ chủ chốt ở cấp xã và hợp tác xã. Với chủ trương đó đã có 247 đảng viên mới được bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức về Đảng và 337 đảng viên giữ các chức vụ chủ chốt được bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác tổ chức và kiểm tra… bồi dưỡng được nhiều quần chúng ưu tú để tạo nguồn phát triển Đảng. Với sự hoạt động tích cực đó, đến năm 1983 số đảng viên của huyện đã tăng lên 1.235, trong đó ở nông thôn 911, năm 1983 kết nạp 103 đảng viên bằng 312% so với năm 1982. Về chất lượng qua phân tích đánh giá có 51% đảng viên có phẩm chất tốt, 31% hạn chế về trình độ năng lực, 11% được miễn sinh hoạt, chỉ còn 5,6% có khuyết điểm cần phê bình góp ý xây dựng hoặc bị kỷ luật ở mức nhẹ, chưa phải đưa ra khỏi Đảng. Đến năm 1985, tổng số đảng viên chiếm 3,79% so với dân số, được chia làm 46 chi, đảng bộ trực thuộc, trong đó có 18 chi, đảng bộ nông thôn chiếm 75,25% đảng viên, 28 đơn vị, cơ quan chiếm 24,75% đảng viên; tuổi đời bình quân là 44,5, trong đó đảng viên ở nông thôn có tuổi đời bình quân cao hơn (46,8 tuổi) ở cơ quan thấp hơn (37,6 tuổi). Trình độ văn hoá của đảng viên cũng dần dần được nâng lên, năm 1985 số đảng viên có trình độ văn hoá cấp I là 44,2%, cấp II chiếm 36,6%, cấp III chiếm 13,5%, đại học 1,4%, đảng viên chưa biết chữ còn 4,3%. Qua đánh giá chất lượng năm 1985 có 48,9% đảng viên tiền phong gương mẫu hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, 30,68% có phẩm chất tốt nhưng tác dụng hạn chế, đảng viên miễn sinh hoạt công tác còn 10,57%, đảng viên mắc một số khuyết điểm còn 4,76%.
Đánh giá phân loại theo Thông tri 55 của Ban Bí thư Trung ương Đảngvề xây dựng cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, toàn diện, toàn huyện có 8 chi, đảng bộ được công nhận là chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh, 25 chi, đảng bộ khá và 11 chi bộ yếu. Đảng bộ huyện được Trung ương xem xét công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh.
Hoạt động của chính quyền và các đoàn thể: Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện đãđượcHuyện uỷ chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện những nghị quyết của Đảng bộ, đề ra nhiều chủ trương giải pháp để chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ, hoàn thành việc lập quy hoạch tổng thể của huyện, và các nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng năm.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp và kịp thời của Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyệntrong những năm qua đều nêu cao tinh thần phấn đấu vươn lên khá đồng đều và thường xuyên phát động các phong trào thi đua trong ngành, trong giới, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đảng bộ đề ra. Điểm nổi bật trong thời kỳ này là Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện đã làm tốt nhiệm vụ vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, làm tốt nhiệm vụ là cơ quan thường trực vận động mua công trái quốc gia đạt kết quả tốt, đưa công tác Mặt trận Tổ quốchoạt động đi vào nề nếp.
Đoàn thanh niên hướng hoạt động trọng tâm đi vào phong trào khơi dậy tuổi trẻ xây dựng và bảo vệ quê hương, sẵn sàng chiến đấu - phục vụ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Công tác Hội phụ nữ là tập trung thực hiện phong trào "người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" nổi bật là phong trào thi đua sản xuất, tiết kiệm. Tích cực ủng hộ giúp đỡ các đơn vị bộ đội đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
CHƯƠNG VII
ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN CÁC DÂN TỘC HÀ QUẢNG THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI (1986 - 2000) I. THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI (1986 - 1990)Từ ngày 20 đến ngày 23-9-1986, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị của Trung ương, của Tỉnh uỷ và đã thảo luận báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ 1982 - 1985, quyết định mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng nhiệm kỳ1986 - 1989 của huyện nhà. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Đảng bộ huyện khoá mới, gồm 37 đồng chí uỷ viên chính thức và 5 đồng chí uỷ viên dự khuyết. Ban Thường vụ gồm 9 đồng chí, đồng chí Hà Văn Đức được bầu làm Bí thư Huyện uỷ, đồng chí Nông Thế Cừ làm Phó Bí thư thường trực, đồng chí Hoàng Văn Bưu làm Phó bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.
Năm 1986 là năm đại hội Đảng các cấp, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch nhà nước 1986 - 1989. Nhưng đồng thời cũng là năm thời tiết diễn biến khắc nghiệt ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống, ngoài việc đấu tranh với thiên nhiên, chúng ta còn trực tiếp đấu tranh với kẻ thù bên ngoàivới nhiều thủ đoạn nguy hiểm.
Trước tình hình khó khăn về thiên tai, các cấp uỷ đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng đã vững vàng lãnh đạo và chỉ đạo, tập hợp quần chúng, động viên khí thế cách mạng của nhân dân, đề cao tinh thần tự lực, tự cường để khắc phục khó khăn và đã giành được những kết quả nhất định.
Thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về khoán sản phẩm đến người lao động, các cấp uỷ đảng đã chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, đồng thời tiến hành khảo sát điều tra, phân vùng kinh tế, xác định thế mạnh của từng vùng, từng bước củng cố hợp tác xã. Cho nên trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng năm 1986 đạt 6.247,2 ha. Tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 7.943 tấn, bằng 75,15% kế hoạch, bình quân đầu người đạt 17,7 kg/người/tháng. Tổng sản lượng lương thực quy thóc năm 1987 đạt 9.076,53 so với kế hoạch đạt 81,9%, tăng 14,2% so với năm 1986. Năm 1988, do thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, tổng sản lượng quy thóc đạt 7.946 tấn, bằng 87,2% kế hoạch. Bình quân mức ăn đầu người 17 kg/tháng. Năm 1990, tổng sản lượng quy thóc là 7.585,6 tấn, đạt 94,5% kế hoạch, năng suất lúa bình quân 23,3 tạ/ha, đạt 70,4% so với kế hoạch, so với năm 1989 đạt 90%; ngô bình quân 11,2 tạ/ha đạt 82% kế hoạch, so với năm 1989 đạt 94%; thuốc lá đạt 515 tấn, so với năm 1989 đạt 89%.
Để phát triển sản xuất, Đảng bộ Hà Quảng đã tập trung củng cố hợp tác xã nông nghiệp. Cuối năm 1986, toàn huyện có 105 hợp tác xã, các hợp tác xã đều khoán sản phẩm, nhưng việc chỉ đạo khoán giữa các vùng và các hợp tác vận dụng khác nhau, có nơi chỉ khoán 3 khâu cuối cùng, có nơi khoán cả 8 khâu. Ở vùng cao hầu hết đều khoán theo kiểu khoán trắng, Ban quản trị chia ruộng đất cho từng hộ quản lý và từng hộ có trách nhiệm giao nộp thuế cho nhà nước. Năm 1988, các hợp tác xã đã có ý thức chỉ đạo thâm canh và đưa các loại giống mới như CR203, đoàn kết cây thấp là hai cây chủ lực. Một số hợp tác xã đã chủ động nhập một số giống lúa như CN2, V14 đưa vào sản xuất trong vụ đông xuân và vụ mùa. Đối với cây ngô, ngoài giống địa phương thuần chủng còn có giống KT5, VM1, trong quá trình canh tác đã lai tạo với giống ngô địa phương cho năng suất cao và ổn định được nhân dân ưa thích. Giống ngô đông TSB2 sau hai vụ đưa vào trồng ở hợp tác xã Thanh Long, Kim Đồng (xã Nà Sác) đã cho năng suất cao cả vụ xuân và vụ hè thu.
Về lâm nghiệp, để phát triển kinh tế rừng, năm 1987, huyện đã giao đất giao rừng cho tập thể quản lý và bảo vệ được 2.518,94 ha, các hộ gia đình 850,98 ha. Trồng được 31.412 cây, chăm sóc tu bổ được 120 ha đạt 80% kế hoạch. Đảng bộ và nhân dân trong huyện thường xuyên có ý thức trong việc chăm sóc, bảo vệ và trồng rừng để trả lại màu xanh cho đồi trọc, đất trống. Đồng thời chú trọng giao rừng cho các xã quản lý. Riêng năm 1990, huyện tiến hành giao rừng thêm cho xã Vân An đạt 1.438 ha, mở hội nghị liên tịch cho 3 xã: Đào Ngạn, Phù Ngọc, Xuân Hoà về công tác bảo vệ rừng đầu nguồn hồ Bản Nưa. Tuy nhiên, hiện tượng phá rừng, khai thác gỗ vẫn còn xuất hiện ở một số xã như Hạ Thôn, Mã Ba và một số khu rừng ở các xã giáp biên.
Chăn nuôi đàn gia súc được cấp uỷ và các địa phương quan tâm phát triển, tổng đàn trâu năm 1986 là 5.481 con tăng 8% so với năm 1985 và 2,6% so với kế hoạch. Đàn bò có 4.513 con. Đàn lợn có 17.332 con. Đàn ngựa có 358 con. Đàn gia cầm có 70.140 con. Tính đến ngày 1-10-1987, tổng đàn trâu toàn huyện là 5.379 con đạt 96% kế hoạch, đàn bò có 5.780 con vượt 12,8% kế hoạch, tăng 27,8% so với năm 1986. Đàn ngựa có 485 con tăng 47% so với kế hoạch, tăng 1% so với năm 1986. Năm 1988 tổng đàn trâu có 5.492 con bằng 100% kế hoạch, tăng 2,2% so với năm 1987. Tổng đàn bò 5.737 con đạt 99,8% kế hoạch. Đàn ngựa có 516 con, đàn lợn 18.000 con, bình quân mỗi hộ nuôi 2,5 con lợn. Năm 1990 tổng đàn trâu 6.568 con đạt 92,3% kế hoạch, tăng 2,3% so với năm 1989. Tổng đàn bò 9.487 con đạt 111%, tăng 37% so với năm 1989. Tổng đàn lợn 19.179 con đạt 93,5%, tăng 6,3% so với kế hoạch. Tổng đàn gia cầm 52.000 con đạt 61% so với kế hoạch. Hoạt động phòng dịch trong những năm 1986 - 1990 đã có nhiều cố gắng, tuy vậy tình hình dịch bệnh đối với gia súc gia cầm vẫn còn phát sinh, đôi khi chưa ngăn chặn kịp thời.
Về sản xuất tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển mạnh. Năm 1987, tổng giá trị sản lượng đạt 9.674 ngàn đồng, so với năm 1986 tăng 43,6%, so với kế hoạch tăng 119,8%. Trong đó quốc doanh đạt 1.886 ngàn đồng tăng 243,6% so với năm 1986, vượt 286,4% kế hoạch; Tập thể chuyên nghiệp đạt 1.556 ngàn đồng tăng 29,4% so với năm 1986. Nông nghiệp kiêm doanh đạt 3.668 ngàn đồng vượt 79% so với năm 1986. Nghề phụ gia đình 1.664 ngàn đồng, tăng 25,4% so với năm 1986. Năm 1988, tổng doanh số mới đạt 91% kế hoạch, trong đó quốc doanh đạt 290 ngàn đồng, bằng 49% kế hoạch, tập thể chuyên nghiệp đạt 2.166 ngàn đồng bằng 92% kế hoạch, nông nghiệp kiêm doanh đạt 98 ngàn đồng bằng 98% kế hoạch, cá thể thực hiện 3.751 ngàn đồng bằng 99% kế hoạch. Mặc dù ngành đã có nhiều cố gắng trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhưng việc kiểm tra đôn đốc chưa được thường xuyên, nhất là xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực một số ngành nghề truyền thống ngày càng mai một như nghề trồng bông dệt vải, dệt thổ cẩm.
Về xây dựng cơ bản, nhà nước cấp vốn không đáng kể, huyện đã thực hiện phương châm "nhà nước và nhân dân cùng làm", năm 1986, huyện đã phát động quần chúng góp vốn hoặc cho nhà nước vay vốn để xây dựng các công trình, sớm đưa vào sử dụng như Trường cấp II Lũng Pán, 3 hầm tránh pháo của các xã Nà Sác, Sóc Hà, Trường Hà, đường Lũng Nặm - Vân An, đường vào thuỷ điện Hoàng Rằng, chuyển phân viện Nà Chang lên Nặm Nhằn, xây tuyến mương dài 3 km để biến 3 ha rẫy thành ruộng ở xã Kéo Yên, huy động hàng ngàn công để tu sửa mương phai, xây dựng nhà X quang, trạm thú y, nhà di tích Kim Đồng, nhà văn hoá, trường cấp II xã Xuân Hoà… Năm 1988, ngành xây dựng cơ bản đã chỉ đạo thi công 7 công trình lớn nhỏ với tổng diện tích 885 m
2 nhà cấp 4, trong đó có 3 công trình trường phổ thông cơ sở ở biên giới và vùng cao, ngành đã chủ động hợp đồng thi công với các tổ hợp dịch vụ xây dựng ở các tỉnh miền xuôi. Năm 1990, ngành tiến hành thi công và hoàn thành 3 công trình với tổng số vốn là 140 triệu đồng.
Về thông tin liên lạc đã được củng cố từng bước, tích cực khắc phục sự cố đường dây. Hoàn thành kế hoạch về doanh số, bưu chính xã được kiện toàn, đảm bảo được bí mật trong công tác thông tin. Năm 1987, chỉ tiêu số liệu đạt 109% kế hoạch, tăng 9,3% so với năm 1986 chỉ tiêu chất lượng tăng 0,86% so với kế hoạch và tăng 44,1% so với năm 1986. Ngành đã có nhiều cố gắng trong việc đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ cấp uỷ, chính quyền về nhu cầu thông tin, giao lưu tình cảm của nhân dân, thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch của ngành.
Các hoạt động văn hoá - xã hội: cùng với các ngành thông tin, công tác văn hoá - văn nghệ được duy trì, các đội thông tin văn nghệ, các trạm truyền thanh, các đội chiếu bóng mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tích cực hoạt động, bám sát phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ từng thời gian đã tập trung tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng các hình thức tuyên truyền miệng, panô, áp phích, phim ảnh, hệ thống truyền thanh. Năm 1988, đội thông tin tuyên truyền của huyện đã tuyên truyền được 62 buổi cho hơn 17 ngàn lượt người. Đồng thời đã biết kết hợp biểu diễn văn nghệ với tổ chức tuyên truyền cổ động, chiếu phim video và mở thư viện sách báo phục vụ độc giả. Tuy nhiên, công tác văn hoá thông tin tuyên truyền đối với vùng sâu, vùng xa chưa đáp ứng được yêu cầu do phương tiện phục vụ chưa đảm bảo, nguồn kinh phí còn hạn hẹp.
Sự nghiệp giáo dục phổ thông luôn được các cấp uỷ đảng, chính quyền và ngành giáo dục đã có sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình kế hoạch năm học. Năm học 1986 - 1987 toàn huyện có 2 trường phổ thông trung học với 730 học sinh, 22 trường phổ thông cơ sở có 6.153 học sinh, một trường phổ thông lao động có 28 học sinh, 812 cháu học mẫu giáo. Tỷ lệ tốt nghiệp cấp II là 95%, cấp III là 85%. Năm học 1987 - 1988 có 6.200 học sinh, 373 giáo viên phổ thông cơ sở với 236 lớp; Khối phổ thông trung học có 15 lớp với 600 học sinh và 31 giáo viên, bổ túc văn hoá có 3 lớp với 10 giáo viên và 35 học sinh. Lớp thí điểm xoá mù chữ có 3 lớp 40 học sinh và 3 giáo viên. Lớp mẫu giáo có 2 trường và 9/18 xã có 49 cô mẫu giáo với 1.050 cháu, có 57 nhà trẻ gồm 646 cháu và 32 cô nuôi dạy trẻ. Bình quân huyện có 4,7 người dân thì có một người đi học.
Qua hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, ngành giáo dục huyện nhà đã cố gắng duy trì các trường lớp từ mẫu giáo cho đến trung học. Các cấp uỷ, chính quyền xã chú ý quan tâm đúng mức hơn đến việc xây dựng trường sở, tạo điều kiện cho học sinh được học tập tốt hơn. Năm 1988, toàn huyện có 44 nhà nhóm trẻ với 500 cháu 2 trường mẫu giáo mầm non, 26 trường phổ thông cơ sở có 231 lớp với 5.393 học sinh, 2 trường phổ thông trung học có 12 lớp với 584 học sinh.
Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng công tác dạy và học vẫn duy trì, đội ngũ giáo viên được bổ sung thêm, các cấp uỷ, chính quyền luôn quan tâm đến ngành giáo dục. Song do đời sống sinh hoạt của đội ngũ giáo viên gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Xuất phát từ tình hình khó khăn trên nên một số địa phương đã tự tổ chức lớp học dân lập như xã Quý Quân thành lập một lớp gồm 13 học viên, học viên cao tuổi nhất là 45 tuổi, học viên ít tuổi nhất là 9 tuổi.
Hoạt động của ngành y tế đã có nhiều cố gắng trong việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân, nhất là vùng cao biên giới được ngành quan tâm đúng mức, ý thức phục vụ chăm lo người bệnh được nâng cao một bước, công tác quản lý lao động của bệnh viện được thực hiện nghiêm túc. Việc quản lý thuốc có tiến bộ, bệnh viện đã biết kết hợp giữa y học cổ truyền dân tộc với y học hiện đại được duy trì, một số trạm xá đã có vườn thuốc nam. Phong trào sinh đẻ có kế hoạch đã được người dân có ý thức, đặc biệt là ở vùng đồng, tỷ lệ phát triển dân số năm 1986 là 1,96%. Năm 1990, với hệ thống một bệnh viện, 2 phân viện và 16 cơ sở có cán bộ y tế hoạt động với tổng số 102 giường bệnh và các cửa hàng dược, các quầy bán thuốc lưu động, ngành y tế đã chủ động khắc phục khó khăn, duy trì tốt các hoạt động chăm sóc cho nhân dân các dân tộc trong huyện. Các hoạt động chuyên môn trong năm 1990 thực hiện khám bệnh được 7.850 lượt người, khám nghĩa vụ quân sự, khám điều tra cơ bản, giám định y khoa được 1.553 lượt người… tiến hành điều trị, tiêm chủng mở rộng, tiêm phòng sởi, ho gà cho trẻ em, tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai. Đồng thời kết hợp cùng các ngành mở hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch hoá gia đình. Công tác phòng bệnh xã hội được ngành thường xuyên quan tâm thực hiện.
Về hoạt động thể dục thể thao, phong trào thể dục thể thao của huyện luôn được duy trì, tổ chức thi đấu và tuyển chọn những vận động viên xuất sắc đi thi đấu cấp tỉnh.
Công tác thương binh xã hội được các cấp các ngành tổ chức thực hiện, thường xuyên chăm lo cho các đối tượng chính sách, trợ cấp khó khăn, cứu tế kịp thời, tổ chức một số trường hợp thương binh gửi lên tỉnh để giám định lại sức khoẻ. Năm 1987, quy tập thêm 12 mộ liệt sĩ, nâng số mộ liệt sĩ được quy tập là 612. tổ chức cứu đói cứu tế cho những gia đình gặp khó khăn 27 tấn gạo, 68 ngàn đồng cho 2.121 hộ. Các tổ chức quần chúng đã vận động quyên góp được 180 kg gạo, 3.600 đồng, 283 gánh củi… cho các gia đình liệt sĩ gặp khó khăn, ổn định lại cuộc sống.
Công tác an ninh - quốc phòng luôn được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo, thường xuyên chăm lo củng cố tổ chức, kiện toàn lực lượng, đảm bảo đủ sức mạnh tại chỗ kể kịp thời giải quyết những vụ việc xảy ra theo chức năng nhiệm vụ của lực lượng vũ trang. Song, tình hình biên giới những năm 1986 - 1990 dần dần được ổn định, đặc biệt là từ khi có Thông báo số 118 của Ban Bí thư Trung ương Đảng cho phép nhân dân các xã biên giới được đi lại trao đổi hàng hoá phục vụ đời sống, nhưng công tác phối hợp kiểm tra kiểm soát việc thực hiện Thông báo 118 của Ban Bí thư Trung ương còn nhiều sở hở, còn có những hiện tượng mang hàng cấm như: đồng, quặng, thiếc tuồn qua biên giới, còn có những trường hợp người Trung Quốc đi sâu vào nội địa nhưng ta chưa kịp thời phát hiện, thậm chí có hiện tượng người Trung Quốc cấu kết với các phần tử xấu của ta tổ chức chặn đường trấn lột, cướp của, trộm cắp làm cho tình hình nhiều lúc nhiều nơi trở nên phức tạp. Thực hiện Chỉ thị 135 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về tấn công truy quét các loại tội phạm năm 1990, ta đã phát hiện gọi lên cảnh cáo 38 trường hợp người Trung Quốc xâm nhập sâu vào nội địa, số người này chủ yếu làm nghề lang y, bói toán địa lý, phát hiện một số trường hợp dùng tiền Trung Quốc giả tung vào thị trường của ta. Huyện đã gọi lên răn đe, cảnh cáo 42 tên, mở 4 lớp cải huấn gồm 89 tên có hành động trộm cắp, gây gổ đánh nhau, nghiện hút, buôn bán hàng quốc cấm… Lực lượng an ninh của huyện đã thường xuyên nắm chắc tình hình, bám sát mục tiêu nhiệm vụ làm tốt công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ các phái đoàn cấpcao, bảo vệ những cuộc mít tinh trong những ngày lễ lớn, làm ổn định tình hình trật tự xã hội.
Công tácquốc phòng quân sựđịa phương luôn duy trì nghiêm túc các chếđộtrực chỉ huy, trực ban, trực chiến theo phân cấp. Kịp thờiđiều chỉnh bổ sung các kế hoạch, phương án tác chiến phù hợp với tình hình nhiệm vụ chính trịđịa phương. Cơ quan Ban chỉ huy quân sự huyệnđã tổ chức luyện tập chỉ huy cơ quan theo các bước chuyểntrạng thái sẵn sàng chiến đấu, đảm bảođúng quy trình, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụđề ra. Năm 1990, huyệnđã tổ chức huấn luyện nâng cao năng lực lãnhđạo, trìnhđộ chỉ huy cho cácđối tượng trưởng, phó phòng của huyện, kết quả kiểm tra đánh giáđơn vịđạt khá. Ban chỉ huy quân sự các xãđã tổ chức huấn luyện dân quân được15/18 đơn vị, kết quả kiểm tra đều đạt yêu cầu, trong đó có 3 đơn vị xãđạt khá đó là: Tổng Cọt, Trường Hà, Sỹ Hai đạt loại khá. Hộiđồng nghĩa vụ quân sự huyệnđã hoàn thành tốt chỉ tiêu tuyển quân trong năm với 76 thanh niên nhập ngũ, đạt 118,5%; trong đó có 5 thanh niên tình nguyện nhập ngũ, đặc biệt có 3 thanh niên thuộcdân tộc ít người.
Công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ huyện quan tâm, năm 1986, Đảng bộ tập trung vào 5 yêu cầu xây dựng Đảng bộ vững mạnh trong sạch, lấy việc thực hiện Nghị quyết 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chỉ thị 70, 75, 80 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các mục tiêu kinh tế - xã hội làm nội dung. Qua các đợt triển khai chỉ thị, nghị quyết lớn của Đảng, nhất là Chỉ thị 79 thực hiện phê bình và tự phê bình, đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong nội bộ Đảng, xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng và tổ chức, được quán triệt 45/45 các chi, đảng bộ trực thuộc, có 95% đảng viên được tự phê bình, hầu hết uỷ viên của các cấp uỷ đảng được kiểm điểm trước chi bộ, trước tập thể cấp uỷ qua các đợt sinh hoạt Đảng, các đợt sinh hoạt chính trị lớn, sự nhận thức về chủ trương đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước được nâng cao, sự nhất trí về thực hiện chỉ thị, nghị quyết trong nội bộ Đảng được tăng cường, ý thức tổ chức và kỷ luật của Đảng có chuyển biến hơn trước, các mặt tiêu cực trong nội bộ Đảng được đem ra phân tích, phê phán ngăn chặn, số đảng viên giác ngộ chính trị thấp được bồi dưỡng, số quần chúng tích cực được tổ chức Đảng giúp đỡ bồi dưỡng đối tượng Đảng. Các đảng bộ đã phân công trách nhiệm của từng đảng viên, gắn trách nhiệm của đảng viên với phong trào cách mạng của quần chúng, lòng tin của quần chúng đối với Đảng ngày càng được nâng cao hơn.
Năm 1987, Đảng bộ đã tập trung chỉ đạo triển khai các chỉ thị, nghị quyết lớn của Đảng, Nghị quyết XII của Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ huyện, nhằm thực hiện mục tiêu 4 giảm và 3 chương trình kinh tế lớn. Đảng bộ đã triển khai được 45/45 cơ sở đảng viên tham gia học tập và thảo luận.
Năm 1988, Đảng bộ triển khai học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nghị quyết 4 của Bộ Chính trị về làm trong sạch các mối quan hệ xã hội, Nghị quyết 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VI về công tác tư tưởng và tổ chức, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trong nông nghiệp; Luật đất đai và một số chỉ thị khác của Đảng.
Nhận thức về công tác xây dựng đảng là khâu then chốt, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung quán triệt và chỉ đạo việc triển khai các nghị quyết trong đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong huyện nhà. Ban Thường vụ Huyện uỷ đã tập trung nhiều đoàn cán bộ xuống cơ sở nhằm giúp việc triển khai đạt mục đích yêu cầu, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng những tư tưởng quan điểm chỉ đạo của Đảng để từ đó bàn bạc tìm biện pháp đưa Nghị quyết 10 vào cuộc sống của nhân dân, củng cố quan hệ sản xuất theo hướng đổi mới, gắn việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh với việc củng cố hợp tác xã và tiến hành tổ chức đại hội cơ sở.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hà Quảng lần thứ XIII nhiệm kỳ 1989 - 1991 được tiến hành từ ngày 28 đến 30-3-1989. Đại hội đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII Đảng bộ huyện, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 1989 - 1991, xác định những giải pháp và quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức trên bước đường đổi mới. Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành gồm 37 đồng chí, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Hoàng Văn Bưu được bầu làm Bí thư Huyện uỷ, đồng chí Nông Thế Cừ làm Phó Bí thư thường trực và đồng chí Nông Bế Xuân, Phó bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.
Năm 1990, Đảng bộ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là tập trung chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII triển khai quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, tuyên truyền học tập về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chú trọng quan tâm xây dựng Đảng là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách đưa Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 về "đổi mới công tác quần chúng của Đảng" vào cuộc sống, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và quần chúng. Thực hiện Chỉ thị 59 của Ban Bí thư Trung ương và Kế hoạch 05 của Tỉnh uỷ Cao Bằng, huyện đã tiến hành triển khai và tổ chức chỉ đạo làm điểm rồi nhân rộng ra. Tập trung làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng. Quá trình thực hiện đã đạt được một số kết quả rõ rệt, mở rộng không khí dân chủ tham gia xây dựng đảng, đối với quần chúng chỉ đạo các cấp các ngành triển khai thực hiện Chỉ thị 240 của Hội đồng Bộ trưởng về đấu tranh chống tham nhũng. Tổ chức triển khai đạt kết quả trong việc đóng góp trí tuệ vào các văn kiện Đại hội VII của Đảng đợt I.
Quá trình thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, thực hiện nhiệm vụ chính trị đã thể hiện sự cố gắng phấn đấu vươn lên của Đảng bộ huyện. Đứng trước bối cảnh Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, tình hình kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đội ngũ đảng viên của Đảng bộ vẫn vững vàng gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Về xây dựng chính quyền, hoạt động của Uỷ ban nhân dân và Hội đồng nhân dân huyện được duy trì đều đặn và đúng luật. Những chủ trương của Huyện uỷ và những chính sách lớn của Nhà nước được cụ thể hoá thành nghị quyết của Hội đồng nhân dân, được các ngành tổ chức điều hành, thực hiện, được các xã và hợp tác xã triển khai thực hiện. Các tổ chức quần chúng và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phần lớn đều có chương trình công tác gắn với nhiệm vụ chính trị, với nhiệm vụ trung tâm của địa phương. Sự phối kết hợp trong công tác, tập trung xây dựng điểm bước đầu đã mang lại kết quả đáng khích lệ, nhiều đơn vị đã xây dựng tốt phong trào như xã Cải Viên, Trường Hà, Sỹ Hai và Hồng Sỹ. Hội đồng nhân dân huyện duy trì các kỳ họp đúng luật, các nội dung được chuẩn bị khá chu đáo, hướng vào thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. Uỷ ban nhân dân huyện hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo phân công, cá nhân phụ trách khối và ngành. Thường trực Uỷ ban nhân dân huyện thường xuyên trao đổi bàn bạc và thống nhất biện pháp giải quyết chỉ đạo thực hiện từng nhiệm vụ, giải quyết các công việc có hiệu quả. Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân xã điều hành giải quyết các công việc theo chức năng và quyền hạn ngày càng rõ nét hơn, tiêu biểu là uỷ ban nhân dân các xã Nà Sác, Tổng Cọt và Lũng Nặm.
Trong những năm 1986 - 1990, hoạt động của chính quyền và các đoàn thể quần chúng, các cơ quan đoàn thể đã bám sát nhiệm vụ, hướng mọi hoạt động vào việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu nhiệm vụ chính trị của huyện. Tổ chức quán triệt học tập tạo thành phong trào bằng những hành động cụ thể thi đua lao động sản xuất lập thành tích chào mừng những ngày lễ lớn, vận động mọi tầng lớp nhân dân sống và làm việc theo pháp luật, thực hiện nếp sống mới, đấu tranh với các hủ tục lạc hậu, vận động kế hoạch hoá gia đình. Tổ chức động viên thăm hỏi các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng trong những ngày lễ, ngày tết truyền thống, thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ trong công tác vận động quần chúng.
Thường xuyên quan tâm đến công tác kiện toàn các tổ chức, các cơ sở phụ nữ xã. Huyện đoàn thanh niên đã tổ chức đại hội kiện toàn bộ máy tổ chức để chỉ đạo phong trào. Năm 1990, Hội Nông dân có 9/10 xã kiện toàn và chuẩn bị tiến tới đại hội cấp huyện, 100% cơ sở xã kiện toàn bộ máy tổ chức Uỷ ban Mặt trận, cho ra mắt Ban chấp hành Hội cựu chiến binh nhân dịp kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
II. ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI, HOÀN THÀNH CÁC MỤC TIÊU KINH TẾ - XÃ HỘI (1991 - 1995)Cùng với khí thế thi đua sôi nổi của cả nước, năm 1991, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân huyện Hà Quảng đã tập trung cao độ sức lực và trí tuệ đấy mạnh các hoạt động phấn đấu lập thành tích chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, Đại hội lần thứ XIV của huyện Đảng bộ. Đảng bộ huyện Hà Quảng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều chuyển biến, đời sống kinh tế của nhân dân ta còn gặp nhiều khó khăn, tiêu cực và các tệ nạn xã hội nhiều lúc nhiều nơi còn diễn biến phức tạp. Nhưng với tinh thần đổi mới, nhân dân các dân tộc Hà Quảng đã đoàn kết biến nhận thức thành hành động tạo những chuyển biến về mặt dân chủ hoá trong đời sống xã hội. Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã phát huy trí tuệ tập thể trong lãnh đạo vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của trên, kịp thời vạch ra hướng chỉ đạo khắc phục tháo gỡ những khó khăn để vươn lên.
Năm 1991 là năm mở đầu của kế hoạch 5 năm (1991 - 1995), năm bản lề cho chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Do đó việc xác định phương hướng nhiệm vụ và phấn đấu thực hiện những nhiệm vụ đó có ý nghĩa quyết định đến việc tổ chức thực hiện các mục tiêu kinh tế - văn hóa - xã hội.
Từ ngày 09đến11-11-1991, Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV nhiệm kỳ 1991 - 1995 của huyện Hà Quảng đã được tổ chức. Đại hội đã bầu Ban chấp hành khoá mới gồm 29 đồng chí, Ban Thường vụ 9 đồng chí. Đồng chí Nông Thế Cừ được bầu làm Bí thư Huyện uỷ, đồng chí Dương Đức Toàn làm Phó bí thư thường trực, đồng chí Hoàng Việt Trì làm Phó bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện. Đến giữa nhiệm kỳ, đồng chí Nông Thế Cừ chuyển công tác khác, đồng chí Nông Bế Xuân làm Bí thư đến hết tháng 3-1996. Từ tháng 11-1994, đồng chí Dương Đức Toàn làm Phó bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện; tháng 12-1994, đồng chí Hoàng Việt Trì làm Phó bí thư thường trực đến tháng 3-1996.
Sau Đại hội, Ban chấp hành khoá XIV đã sớm xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Ban chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Huyện uỷ; định rõ vai trò lãnh đạo của cấp uỷ, và sự quản lý, điều hành Thường trực Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân luôn giữ mối quan hệ gắn bó, đoàn kết chặt chẽ, bàn bạc thống nhất, giải quyết kịp thời có hiệu quả các chương trình công tác và các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, thuộc phạm vi, chức năng của huyện.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ đã tập trung sức để giải quyết tháo gỡ những vướng mắc, làm chuyển biến rõ rệt trên mọi lĩnh vực; thực hiện phương hướng và tư tưởng chỉ đạo là: tập trung sự lãnh đạo, tăng cường công tác vận động quần chúng nhân dân, thực hiện các mục tiêu kinh tế - văn hoá - xã hội và an ninh quốc phòng. Với ý thức tự lực tự cường, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện nhà đã phát huy truyền thống quê hương cách mạng, ổn định tư tưởng nhân dân, khắc phục được nhiều khó khăn, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, đẩy lùi tình trạng khó khăn gay gắt về lương thực thực phẩm và lưu thông hàng hoá. Từng bước chuyển đổi và hình thành những nhân tố mới về sản xuất; giữ gìn ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc biên giới, củng cố quốc phòng - an ninh và bảo vệ trật tự an toàn xã hội. Lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ và công cuộc đổi mới được nâng lên.
Trong những năm 1991 - 1995, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết, chủ trương chính sách đổi mới trên nhiều lĩnh vực trong đời sống chính trị, kinh tế xã hội phù hợp với lòng dân, nhất là sau khi có Nghị quyết Trung ương 3, 4, 5, 7, 8 khoá VII. Các cấp uỷ từ huyện đến cơ sở đã kịp thời tổ chức nghiên cứu, học tập và cụ thể hoá chương trình hành động để tổ chức thực hiện những vấn đề cấp bách trước mắt về kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, làm cho bộ mặt kinh tế, văn hoá, xã hội có những chuyển biến mới. Đặc biệt từ năm 1993 - 1995 được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư cho vùng cao biên giới, nhất là Chương trình 06 của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện nhà phấn đấu thực hiện các mục tiêu kinh tế -xã hội có hiệu quả thiết thực.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, với đặc thù là huyện vùng cao biên giới, địa hình phức tạp, ngành nghề chậm phát triển, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp lệ thuộc vào thiên nhiên, nhất là vùng Lục Khu. Trước tình hình đó, Ban chấp hành Đảng bộ huyện, trực tiếp là thường trực Huyện uỷ, Thường trực Uỷ ban nhân dân huyện thường xuyên thống nhất chỉ đạo cho phòng nông lâm, các cấp uỷ đảng cơ sở kiểm tra, đôn đốc giúp đỡ động viên quần chúng khắc phục những khó khăn để thực hiện chỉ tiêu kế hoạch.
Trong 5 năm (1991 - 1995), lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn từng bước được thúc đẩy, hình thành và phát triển lên một bước mới: trong đó việc chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng đã có bước chuyển biến đáng kể, từ độc canh thuần nông đã xuất hiện dần phương thức kinh doanh tổng hợp, trình độ thâm canh được nâng cao, năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi được tăng lên rõ rệt, góp phần cải thiện một bước đời sống của đa số nhân dân, bộ mặt nông thôn ban đầu có sự khởi sắc. Nét nổi bật trong sản xuất lương thực trong những năm 1991 - 1995 là: đã chỉ đạo việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư có hiệu quả; tích cực ứng dụng các giải pháp công nghệ sinh học, khoa học - kỹ thuật, các biện pháp khuyến nông, áp dụng có hiệu quả các loại giống mới có năng suất cao, nhất là cây ngô và mía. Nhịp độ tăng sản lượng lương thực đạt bình quân là 5%/năm. Năm 1991 tổng sản lượng lương thực đạt 7.895 tấn, năm 1995 đạt 11.217 tấn, so với mục tiêu Đại hội XIV đề ra đạt 91,6%, bình quân đầu người đạt 320 kg/người/năm. Hệ số quay vòng sử dụng đất nâng từ 1,52 lần năm 1991 lên 1,6 lần năm 1995.
Về các cây trồng chính: cây lúa là cây trồng chính đã đạt năng suất bình quân từ 30 - 35 tạ/ha; cây ngô năng suất bình quân đạt từ 15 - 17 tạ/ha; riêng các giống ngô lai số 6, 7, 8, bioxit đã đạt từ 60 - 70 tạ/ha.
Đỗ tương là cây công nghiệp ngắn ngày có triển vọng phát triển tương đối tốt, nhịp độ tăng về sản lượng bình quân là 5%. Năm 1991, sản lượng đạt 483 tấn; năm 1995 đạt 606 tấn. So với mục tiêu Đại hội XIV đạt 60,6%. Năm 1995 huyện đã ứng dụng giống ĐT 84 cho năng suất cao từ 8 - 10 tạ/ha.
Cây thuốc lá phát triển chủ yếu ở hai xã Phù Ngọc và Đào Ngạn, năm 1995 thực hiện thí điểm giống mới K88, năng suất đạt từ 8 - 10 tạ/ha, có triển vọng phát triển tốt. Nhưng do cơ chế giá cả không hợp lý, mặt khác quá trình thực hiện bên mua và bên sản xuất không đúng hợp đồng như đã cam kết, nên diện tích và sản lượng thuốc lá đều giảm so với mục tiêu Đại hội XIV đề ra, chỉ đạt 9,2%.Cây lạc được phát triển ở một số xã có điều kiện về đất đai thổ nhưỡng, nhất là các xã ở vùng thấp, có triển vọng phát triển thành hàng hoá.
Sản xuất nông nghiệp phát triển đã thúc đẩy phát triển về chăn nuôi, vừa đáp ứng sức kéo và nguồn phân bón, vừa tạo tiền đề cho sản phẩm hàng hoá trong những năm tiếp theo. Đồng thời phát triển chăn nuôi còn tạo điều kiện cho nhân dân vay các nguồn vốn từ chương trình xoá đói giảm nghèo, đầu tư phần lớn về phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn và các mô hình kinh tế gia cầm, nhịp độ tăng bình quân hàng năm: đàn trâu 1,1%, đàn bò 1,55%, đàn lợn 1,67%, gia cầm 4,12%. Riêng đàn bò đã thực hiện thí điểm đưa bò Sin vào địa phương, tuy chưa lai tạo được, nhưng triển vọng phát triển tốt, nếu được hỗ trợ đầu tư. Ngoài ra, các mô hình nuôi cá ao, cá lồng, cá ruộng được phát triển ở các xã có điều kiện, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, các mô hình chăn nuôi dê cũng đã xuất hiện ở một số hộ gia đình.
Thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh uỷ và Quyết định số 300 của Uỷ ban nhân dân tỉnh, trong những năm 1991 - 1995, huyện đã cơ bản giải quyết được các vụ tranh chấp đất đai giữa cá nhân với cá nhân và giữa họ hàng thân tộc. Thực hiện Chỉ thị 364 của Chính phủ, huyện đã hoàn thành việc hoạch định đường địa giới hành chính giữa Hà Quảng với các huyện Trà Lĩnh, Hoà An, Thông Nông và hoàn thành việc cắm mốc địa giới hành chính cho 18/18 xã trong toàn huyện. Đồng thời đã tiến hành đăng ký thống kê để phục vụ việc cấp thẻ sử dụng đất cho hộ nông dân. Do đó tình hình ruộng đất cơ bản đã ổn định.
Về thuỷ lợi được tỉnh hỗ trợ vốn, vật tư cùng với sự năng động của huyện. Trong những năm 1991 - 1995, huyện đã tiếp nhận vốn, vật tư của tỉnh cấp và trích từ ngân sách địa phương để sửa chữa, khôi phục các trạm bơm và tu sửa mương, phai, đập , cọn nước với trị giá 169 triệu 600 ngàn đồng; các công trình thuỷ lợi cơ bản đã đảm bảo tưới chắc cho 1.093 ha diện tích.
Về lâm nghiệp, thực hiện chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, lĩnh vực lâm nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt từ khoanh nuôi, tu bổ rừng tái sinh, trồng mới, giao đất, giao rừng và phát triển các mô hình kinh tế vườn rừng. Đại đa số nhân dân đã có ý thức bảo vệ rừng, tình trạng phá rừng làm nương rẫy không còn nữa; phong trào phát triển nghề rừng đã từng bước được hình thành và phát triển. Tiến độ giao đất giao rừng được đẩy mạnh, từ 1991 - 1995 huyện đã giao đất giao rừng được 4.580 ha; diện tích rừng được quản lý, kinh doanh đến cuối năm 1995 là 4.326 ha; đưa tỷ lệ che phủ rừng từ 12% năm 1991 lên 24% năm 1995.
Việc thực hiện chương trình 327 ở cả ba lĩnh vực: nông nghiệp, lâm nghiệp và định canh định cư đã đem lại hiệu quả thiết thực. Xã Trường Hà được đầu tư theo dự án 327, đã tiến hành giao đất, giao rừng được 2.650 ha, trồng cây phân tán được 450 nghìn cây các loại, bảo vệ rừng 1 nghìn ha, rừng khoanh nuôi 500 ha.
Phong trào phát triển đồi rừng, vườn rừng đã được phát triển tương đối rộng khắp, nhất là phong trào trồng cây ăn quả và khoanh nuôi tu bổ rừng tự nhiên, trồng cây công nghiệp. Riêng lĩnh vực trồng cây ăn quả và trồng cây công nghiệp Đảng bộ đã chỉ đạo từ phân tán sang tập trung có trọng điểm; bước đầu đã xuất hiện một số mô hình tốt đáng khích lệ; từ năm 1994 có 11 chi hội làm vườn, đến 1995 toàn huyện có 52 chi hội làm vườn với trên 1 nghìn hội viên, đó là những nhân tố mới có triển vọng phát triển tốt trong những năm sau.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, huyện đã tiếp nhận các nguồn vốn, thực hiện nhiều hạng mục đầu tư và tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác định canh định cư có hiệu quả. Với tổng số vốn đầu tư trong 5 năm là 1 tỷ 282 triệu đồng; đồng thời hỗ trợ cho đồng bào 500 kg giống ngô và 2.500 kg lương thực. Qua đó đời sống của đồng bào được cải thiện một bước và an tâm định canh định cư.
Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp: chủ yếu được phát triển là lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh với các ngành nghề truyền thống và một số ngành nghề khác như: xay xát, sản xuất gạch, đúc lưỡi cày và các dịch vụ sửa chữa. Giá trị tổng sản lượng hàng năm đều tăng, năm 1991 đạt 6 triệu 800 ngàn đồng, năm 1995 đạt 252 triệu đồng. Đối với công nghiệp quốc doanh, huyện đã liên doanh xây dựng xưởng sản xuất vật liệu xây dựng tại Nà Chang từ cuối năm 1993, qua 2 năm thực hiện, bước đầu có hiệu quả và có triển vọng phát triển tốt. Mạng lưới điện quốc gia và điện địa phương được phát triển ở 5 cơ sở xã, đồng thời nhân dân ở các xã có điều kiện phát triển thuỷ điện cực nhỏ để phục vụ sinh hoạt,. Tỷ lệ hộ dùng điện bình quân toàn huyện (kể cả thuỷ điện cực nhỏ) đến năm 1995 là 1.800/6.502 hộ, chiếm 27%.
Công tác xây dựng cơ bản của huyện những năm trước đây còn chậm phát triển, đến những năm 1991 - 1995, công tác này được cấp uỷ, chính quyền và các phòng, ban quan tâm hơn, nên đã năng động khai thác mọi nguồn vốn. Đặc biệt là được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, đồng thời tranh thủ vốn tài trợ của tổ chức ICCO và các tổ chức quốc tế; cùng với sự nỗ lực cố gắng trích từ ngân sách địa phương: từ 1991 - 1995, các nguồn vốn được đầu tư xây dựng cơ bản tăng lên đáng kể, các nguồn vốn được đầu tư xây dựng và vốn sửa chữa lớn trong 5 năm là 8 tỷ 612 triệu đồng, bao gồm nhiều hạng mục công trình: nâng cấp Khu di tích lịch sử Pác Bó, xây dựng trường nội trú và 8 trường tiểu học, 3 trạm xá xã, sửa chữa lớn 10 trụ sở xã và một số công trình khu vực huyện lỵ. Góp phần cải thiện một bước các cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện.
Về giao thông - vận tải của huyện còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên trong những năm 1991 - 1995, ngành giao thông đã được đầu tư thông qua dự án định canh định cư, tuyến đường ô tô Phù Ngọc - Mã Ba được khai thông dài 2 km; tuyến Đôn Chương - Pác Bó được nâng cấp hoàn chỉnh 8 km đường nhựa do tỉnh đầu tư và thi công tiếp các tuyến Đôn Chương - thị xã, Đôn Chương - Sóc Hà. Đồng thời huyện đã trích từ ngân sách địa phương và tranh thủ vốn hỗ trợ của tỉnh tu sửa các tuyến đường đi cửa khẩu, đi vùng cao và tuyến liên xã Phù Ngọc - Đào Ngạn - Xuân Hoà đảm bảo giao thông thông suốt. Ngoài ra thông qua vốn giao thông của tỉnh hỗ trợ đã mở và tu sửa một số tuyến đường dân sinh liên thôn - xã.
Ngành bưu chính viễn thông đã từng bước được cải tiến theo hướng hiện đại, đã lắp đặt hệ thống viba; cơ bản thay thế và trang bị máy đàm thoại mới, bình quân đạt 0,13 máy đàm thoại/100 người dân. Thường xuyên duy trì thông tin liên lạc thông suốt; công tác phát hành báo chí tăng đáng kể; chuyển công văn bưu phẩm kịp thời, đáp ứng nhu cầu khách hàng, đảm bảo thông tin liên lạc an toàn bí mật, kịp thời, chính xác, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Thương nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh trong những năm 1991 - 1995 đều hoạt động bình đẳng trước pháp luật. Tích cực tham gia vào thị trường, cung cấp các mặt hàng phong phú đa dạng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, làm cho nhân dân an tâm phấn khởi. Thương nghiệp quốc doanh đã từng bước đổi mới phương thức kinh doanh chủ động khai thác các nguồn hàng, duy trì các cửa hàng, đại lý phục vụ nhân dân, vận chuyển cung cấp đầy đủ các mặt hàng cấp không cho các xã thuộc diện chính sách. Hiệu quả kinh doanh từng bước được nâng cao, hàng năm đều thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách. Các hộ kinh doanh được phát triển, tích cực tham gia thị trường đúng pháp luật và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách hàng năm. Tuy nhiên, sự điều hành quản lý của nhà nước có mặt còn hạn chế, thương nghiệp quốc doanh chưa thực sự đóng vai trò chủ đạo, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhất là vùng cao, vùng Lục Khu, vì vậy cần có sự hỗ trợ, điều tiết của cấp trên về nhiều mặt.
Về thu ngân sách trên địa bàn huyện đã có nhiều cố gắng bằng các biện pháp tích cực, kiên quyết, được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, nên nguồn thu ngân sách địa phương tăng đáng kể, nguồn trợ cấp của tỉnh và nguồn thu tại địa phương đều tăng. Các nguồn thu trên địa bàn chủ yếu là thu ngoài quốc doanh, xuất nhập khẩu qua biên giới, thuế nông nghiệp, thu phí và lệ phí… Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 1991: 331 triệu đồng; năm 1992: 636 triệu đồng; năm 1993: 1 tỷ 343 triệu đồng; năm 1994: 737 triệu đồng; năm 1995: 715 triệu 480 ngàn đồng. Về cơ cấu thu: quốc doanh 0,8%, ngoài quốc doanh 33,7%, thuế sử dụng đất nông nghiệp 41,7%. Nhìn chung tỷ lệ thu trên địa bàn còn thấp, phần lớn thu từ trợ cấp cân đối của tỉnh và Trung ương; nhưng cũng đã khẳng định nhịp độ thu trên địa bàn từng bước được nâng cao. Công tác điều hành quản lý thu chi thực hiện đúng chế độ quy định, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ lãnh đạo chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngân hàng phát triển nông nghiệp đã chuyển đổi phương thức hoạt động phù hợp với cơ chế mới; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế vay vốn kinh doanh và phát triển sản xuất. Đồng thời thực hiện cho vay các nguồn vốn thuộc quỹ xoá đói giảm nghèo và vốn ưu đãi hộ nghèo. Trong những năm 1991 - 1995 ngân hàng đã thực hiện cho vay đạt 10 tỷ 108 triệu đồng với 6.338 hộ được vay; đồng thời đã tiến hành đốc thúc thu nợ quá hạn, đảm bảo đúng chính sách, đúng pháp luật.
Hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới trong những năm 1991 - 1995 tuy có những biến động tăng, giảm, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng và một số thiết bị máy móc, vật tư. Góp phần thúc đẩy sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Mạng lưới trường lớp được sắp xếp tương đối hợp lý; ngoài các trường chính đã mở thêm các phân trường, điểm trường phù hợp từng vùng; không còn xã trắng về giáo dục. Cơ sở vật chất phục vụ dạy và học từng bước được củng cố và xây dựng; công tác xã hội hoá giáo dục bước đầu có nhiều chuyển biến, nhân dân các xã và phụ huynh học sinh đã đóng góp nhiều tiền của, công sức để xây dựng và sửa chữa trường lớp đảm bảo cho con em học tập. Số lượng học sinh đi học ngày càng tàng; năm 1991 - 1992 có 4.998 học sinh tăng 25% so với năm học 1990 - 1991, đến năm học 1995 - 1996 có 7.152 học sinh tăng 44% so với năm học 1991 - 1992. Chất lượng dạy và học tập của các thầy cô giáo và các em học sinh từng bước được nâng cao, kết quả chuyển lớp và thi tốt nghiệp đạt từ 80% trở lên, một số trường đạt từ 90-100%. Được sự quan tâm của tỉnh, từ năm 1993 huyện đã mở được một trường nội trú và đã đi vào học tập có nề nếp, năm học 1993 - 1994 có 60 học sinh, năm học 1994 - 1995 và 1995 - 1996 có 89 học sinh theo học. Đồng thời xây dựng được một lớp học tình thương tại Pác Bó, thu hút 30 cháu đến học tập.
Luật phổ cập giáo dục tiểu học đã được triển khai và tiến hành phổ cập theo kế hoạch từng năm. Công tác xoá mù chữ luôn được coi trọng và thực hiện đạt hiệu quả. Năm 1991 thực hiện xoá mù được 403 học viên; năm 1992: 282 học viên; năm 1993: 221 học viên, năm 1994: 584 học viên; năm 1995 trên 160 học viên. Kết quả nghiệm thu chất lượng xoá mù đều đạt yêu cầu trở lên. Đời sống của giáo viên được cải thiện một bước qua thực hiện chế độ lương mới, đại đa số giáo viên an tâm công tác, nhiệt tình giảng dạy. Tuy nhiên chất lượng dạy và học còn hạn chế, đội ngũ giáo viên các trường vùng cao còn thiếu, công tác xã hội hoá giáo dục chưa sâu rộng.
Công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em luôn được quan tâm, năm 1994 thành lập Uỷ ban bảo vệ chăm sóc trẻ em chuyên trách cấp huyện, tuy mới được củng cố nhưng Uỷ ban đã tích cực chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng thực hiện nhiều chương trình như: chống trẻ em suy dinh dưỡng, tập huấn hỗ trợ trẻ em khuyết tật, thành lập quỹ bảo trợ trẻ em và thực hiện tháng hành động vì trẻ em… có tác dụng thiết thực trong sự nghiệp chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Lĩnh vực y tế: với quan điểm sức khoẻ là vốn quý nhất của con người, nhằm thực hiện chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Những năm 1991 - 1995 hệ thống y tế cơ bản luôn được củng cố, 18/18 xã có cán bộ y tế hoạt động; củng cố bệnh viện, phân viện hợp lý theo cụm dân cư. Khắc phục được một bước về tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất và thái độ phục vụ người bệnh. Công tác khám chữa bệnh từng bước được nâng cao về chất lượng: phát hiện các ổ dịch bệnh kịp thời và dập tắt có hiệu quả; tổ chức các đợt tiêm chủng đều đạt tỷ lệ 30% trở lên. Thực hiện tốt công tác phòng chống sốt rét, phối hợp tập huấn công tác chống trẻ em suy dinh dưỡng, tập huấn phòng chống bướu cổ và hướng dẫn nhân dân sử dụng muối iốt đạt hiệu quả. Các dịch vụ y tế tư nhân hoạt động tích cực và đúng pháp lệnh hành nghề y dược. Việc thực hiện bảo hiểm y tế bắt buộc đã được chấn chỉnh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thẻ trong việc khám chữa bệnh. Công tác xã hội hoá y tế bước đầu có những chuyển biến tích cực. Song, chất lượng khám chữa bệnh còn thấp, nhất là ở các trạm y tế xã.
Việc tổ chức phối hợp thực hiện chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình khá sâu rộng và đạt được nhiều hiệu quả; cán bộ dân số - kế hoạch hoá gia đình đã biết kết hợp mở các lớp tập huấn đi đôi với tuyên truyền vận động, đưa dịch vụ kế hoạch hoá gia đình về cơ sở và hướng dẫn áp dụng các biện pháp tránh thai… đã góp phần làm giảm tỷ lệ tăng dân số từ 2,63% năm 1992 xuống còn 2,4% năm 1995. Mặc dù vậy, công tác dân số kế hoạch hoá gia đình chưa trở thành phong trào mạnh mẽ của toàn dân, tỷ lệ tăng dân số còn cao.
Hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao, thông tin tuyên truyền luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tuyên truyền kịp thời những sự kiện nổi bật và những nhiệm vụ chính trị của huyện nhà đến đồng bào các dân tộc. Hệ thống truyền hình được tiếp sóng và duy trì thường xuyên, hệ thống truyền thanh được củng cố và khôi phục duy trì hoạt động từ cuối năm 1993 ở khu vực huyện lỵ. Hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao có nhiều chuyển biến, các lễ hội truyền thống tốt đẹp của dân tộc được khôi phục; các di tích lịch sử văn hoá được bảo vệ và phát huy tác dụng. Công tác sưu tầm, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc được chú trọng, nhiều hội thi và hát giao duyên được tổ chức tại tỉnh đều có đoàn Hà Quảng tham gia và đạt giải cao. Từ năm 1993 huyện đã tổ chức triển khai việc thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá bước đầu có một số cơ sở tổ chức thực hiện đạt kết quả. Song, hoạt động bề nổi của văn hoá thông tin còn ít, đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn; các tệ nạn xã hội chưa được giải quyết triệt để. Phong trào thể dục thể thao đã được phát động trong trường học và trong nhân dân; bộ máy tổ chức được củng cố và thúc đẩy các hoạt động thể thao rèn luyện sức khoẻ qua các ngày lễ hội; các đợt thi tại tỉnh và đại hội thể dục thể thao cấp huyện đạt được nhiều thành tích; có tác dụng thiết thực động viên phong trào rèn luyện sức khoẻ trong trường học, cơ quan và trong nhân dân. Song, lĩnh vực văn hoá - xã hội vẫn có mặt còn hạn chế là chưa khắc phục được tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất; tỷ lệ cơ sở vật chất được xây dựng còn quá ít so với yêu cầu thực tiễn; chất lượng hoạt động của từng ngành còn những mặt yếu kém.
Trong những năm 1991 - 1995, Đảng bộ và các cấp chính quyền trong huyện đã thực hiện tốt chính sách xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt là phong trào "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" được đẩy mạnh, huyện đã tiến hành quy tập mộ liệt sỹ, tu sửa nghĩa trang và xây dựng tượng đài liệt sỹ. Vận động quyên góp và tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa được 60 sổ với số tiền là 7.450.000 đồng; xây dựng 4 ngôi nhà tình nghĩa cho thương binh, gia đình liệt sỹ không nơi nương tựa. Thông qua Hội cựu chiến binh đã xây dựng được 15 vườn tình nghĩa với số cây ăn quả là 1.594 cây. Hỗ trợ đời sống, tư liệu sản xuất và hỗ trợ sửa chữa nhà cửa cho đồng bào Pác Bó theo dự án của tỉnh và Trung ương đạt 400 triệu đồng; quyên góp, giúp đỡ đồng bào trong nước bị lũ lụt, ủng hộ học sinh và nhân dân Cu Ba 35 triệu 629 nghìn đồng, góp quỹ nhân đạo vì trẻ em 2.300.000 đồng. Trợ cấp 327 triệu đồng cho đồng bào trở về quê hương làm ăn, kịp thời cứu trợ thiên tai, hoả hoạn vào lúc giáp hạt hàng năm đều thực hiện trợ cấp cho các hộ thiếu đói.
Trong lĩnh vực xây dựng, được sự đầu tư lớn của Nhà nước và sự cố gắng của địa phương, các công trình bể nước ăn vùng cao đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, với tổng số vốn 6 tỷ 276 triệu đồng, xây được 5.230 bể, giải quyết được cơ bản nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao. Đồng thời được tổ chức UNICEF tài trợ chương trình nước sạch nông thôn được triển khai ở một số xã vùng thấp đạt kết quả. Thực hiện Quyết định 120 của Chính phủ về giải quyết việc làm cho người lao động, huyện đã chỉ đạo lập 55 dự án với tổng số vốn được thực hiện là 513 triệu đồng. Tuy nhiên các nguồn vốn giải quyết việc làm chưa được khai thác tốt.
Cùng với việc thực hiện các chính sách xã hội, chương trình xoá đói giảm nghèo luôn được quan tâm. Bằng chính sách vay vốn và sự chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu cây trồng, nhất là áp dụng các loại giống mới có năng suất cao cùng với sự cố gắng của nhân dân, chương trình xoá đói giảm nghèo đã đem lại hiệu quả rõ rệt làm giảm tỷ lệ đói từ 52% năm 1991 xuống còn 18% năm 1995; tỷ lệ hộ nghèo từ 43% xuống còn 25,6%.
Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân trong giai đoạn mới của cách mạng, các cấp uỷ đã thường xuyên chú trọng lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Các lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ để thực hiện các nhiệm vụ. Do đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững. Với chiến lược quân sự của Đảng và phương án xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn toàn tỉnh và huyện. Cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quán triệt sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng; qua đó nhận thức của toàn Đảng, toàn dân được nâng cao. Thường xuyên xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, dự bị động viên, dân quân tự vệ, thực hiện quản lý và huấn luyện có nề nếp. Luôn duy trì củng cố các trung đội mạnh ở các địa bàn xung yếu, hàng năm tổ chức huấn luyện dân quân tự vệ hoàn thành đúngkế hoạch. Tổ chức 5 cuộc diễn tập tại 5 xã theo phương án A2 đều đạt kết quả cao; tuyển quân hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Lực lượng bộ đội địa phương luôn được củng cố, xây dựng theo hướng chính quy, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống. Ba năm liền được cấp trên khen thưởng và giữ cờ luân lưu của Quân khu I.
Công tác hậu phương quân đội luôn được sự quan tâm của toàn Đảng, toàn dân, do đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương thực thi công việc, kịp thời động viên các chiến sỹ an tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện Thông báo số 118 của Ban Bí thư Trung ương và Hiệp định tạm thời giữa Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc, quan hệ giữa nhân dân hai nước từng bước được cải thiện, tư tưởng của nhân dân ổn định sản xuất, xây dựng cuộc sống và trao đổi hàng hoá hai bên; tình hình hợp tác và hữu nghị có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên phía Trung Quốc còn có những hành động vi phạm an ninh chủ quyền lãnh thổ của ta ở nhiều điểm biên giới với nhiều hình thức khác nhau; trong khi chúng ta thực hiện một cách nghiêm chỉnh Hiệp định tạm thời thì phía Trung Quốc liên tiếp tiến hành xâm canh lấn chiếm đất đai, chôn cột tiêu sang đất ta, phá hoại hoa màu của đồng bào ta đang trồng, tổ chức nổ mìn, diễn tập gây mất trật tự an ninh khu vực biên giới. Đồng thời phía Trung Quốc còn tổ chức bắt người Việt Nam trái phép đòi tống tiền rồi mới thả… Trước tình hình đó, được sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương và tỉnh cùng với sự lãnh đạo kiên quyết của Huyện uỷ, chúng ta đã nhiều lần gửi thư phản kháng cho phía Trung Quốc, đồng thời tổ chức lực lượng biên phòng phối hợp với các lực lượng vũ trang và cấp uỷ, chính quyền nhân dân địa phương tổ chức nhiều biện pháp kiên quyết, đúng đắn; nên đã ngăn chặn có hiệu quả, giữ vững đường biên mốc giới và chủ quyền thiêng liêng của quốc gia. Đó là những thắng lợi có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác an ninh - quốc phòng của huyện. Ngoài ra lực lượng biên phòng đã tham gia nhiều hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn đóng quân đạt kết quả tốt, được nhân dân địa phương hoan nghênh.
Lực lượng công an nhân dân đã chủ động thực hiện các phương án bảo đảm an ninh biên giới và an ninh nội địa, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền huyện theo dõi tình hình "Vàng Chứ" trong một bộ phậnđồng bào dân tộc Mông; phối hợp cùng các ngành chức năng tiến hành nhiều cuộc toạ đàm với đồng bào, tuyên truyền giáo dục đồng bào nêu cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch và bọn xấu muốn lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để lôi kéo đồng bào dân tộc, nhưng cơ bản đồng bào đã nhận thức đúng và ổn định tư tưởng, an tâm định canh định cư.
Trong quá trình triển khai Chỉ thị 135/HĐBT, lực lượng công an đã chủ động tấn công các loại tội phạm, nhanh chóng điều tra làm rõ nhiều vụ án phức tạp và hoàn thành thủ tục hồ sơ đề nghị truy tố trước pháp luật. Cùng với việc tham mưu đề xuất các biện pháp phòng ngừa tội phạm, trong những năm 1991 - 1995, lực lượng công an huyện đã ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm, đã góp phần giữ nghiêm kỷ cương pháp luật. Đồng thời thường xuyên chăm lo xây dựng lực lượng công an trong sạch vững mạnh; tăng cường xây dựng địa bàn khu vực; nắm chắc tình hình, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, củng cố các tổ, đội an ninh nhân dân, phối hợp với các đoàn thể thực hiện nghị quyết liên tịch giữa Bộ Nội vụ với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh và Trung ương Đoàn. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn toàn huyện.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các ngành trong khối nội chính: Công an, Viện kiểm sát, Toà án, Thanh tra, Thi hành án luôn duy trì đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chống buôn lậu, tham nhũng, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và thi hành án nghiêm chỉnh. Thường xuyên điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, đảm bảo kỷ cương phép nước.
Hoạt động của Hội đồng nhân dân từ huyện đến cơ sở đều đúng quy chế; thường xuyên kiểm tra, giám sát cơ quan chính quyền theo chức năng. Phối hợp chỉ đạo tốt cuộc bầu cử Quốc hội khoá IX, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1994 - 1999. Nhanh chóng ổn định bộ máy Hội đồng nhân dân từ huyện đến cơ sở, bầu ra bộ máy Uỷ ban nhân dân huyện và các xã. Đồng thời chỉ đạo Hội đồng nhân dân cấp xã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng các kỳ họp, tổ chức bồi dưỡng cho đại biểu Hội đồng nhân dân theo chương trình đạt kết quả tốt.
Uỷ ban nhân dân các cấp đã tập trung sự điều hành vào những nhiệm vụ trọng tâm then chốt: giải quyết và xử lý có hiệu quả nhiều vấn đề cấp bách trong đời sống xã hội. Thường xuyên chỉ đạo các hoạt động kinh tế, sản xuất và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đặc biệt trong công tác quản lý điều hành đã chú trọng xây dựng và thực hiện các dự án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm trong hoạt động kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, thúc đẩy công cuộc đổi mới huyện nhà phát triển.
Việc thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong hoạt động kinh tế và các hoạt động xã hội khác, quyền làm chủ của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Trong các hoạt động pháp luật, quyền của công dân được chú trọng đúng mức, quyền làm chủ được mở rộng và nâng cao trong các cuộc bầu cử. Trong hoạt động của chính quyền các cấp đã chú trọng phát huy dân chủ, động viên nhân dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao được lòng tin của nhân dân đối vơi Đảng, Nhà nước và chế độ.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 8b về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã không ngừng củng cố kiện toàn tổ chức đổi mới phương thức hoạt động, đưa công tác vận động quần chúng phát triển lên một bước mới.
Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thực hiện tốt vai trò giới thiệu hiệp thương bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc cử tri, giám sát và phối hợp cùng chính quyền quản lý kinh tế - xã hội. Triển khai và thực hiện tốt các nghị quyết về công tác quần chúng và Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị; giữ vững tình đoàn kết các dân tộc; vận động nhân dân chấp hành và tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng; quản lý nhà nước. Đồng thời tích cực ủng hộ quyên góp giúp đỡ nhân dân Cu Ba và các vùng thiên tai, hoả hoạn, thể hiện truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách" của nhân dân ta.
Các đoàn thể nhân dân tích cực kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, khắc phục được sự lúng túng trong chuyển đổi cơ chế, bước đầu hoạt động có hiệu quả và ngày càng thu hút được nhiều đoàn viên, hội viên tham gia. Phối hợp cùng các ngành chức năng mở được nhiều lớp tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, chuyển tải khoa học kỹ thuật hướng dẫn lập dự án và đứng ra tín chấp vay vốn cho đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Trong những năm 1991 - 1995, Hội phụ nữ đã đứng ra tín chấp được 1 tỷ 300 ngàn đồng, Huyện đoàn Thanh niên 32 triệu đồng cho đoàn viên, hội viên phát triển kinh tế; Hội cựu chiến binh vay vốn quốc gia 200 triệu đồng, Hội nông dân hướng dẫn vay vốn trung hạn 650 triệu đồng cho hội viên và nông dân. Đồng thời các đoàn thể đã tích cực vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt các cuộc vận động lớn của Đảng và các hoạt động xã hội. Từ đó công tác vận động quần chúng của Đảng có bước chuyển biến mới, nhất là trong phong trào xoá đói giảm nghèo; nhiều mô hình tốt đã xuất hiện, khích lệ thêm tinh thần đổi mới của nhân dân, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực củng cố hệ thống chính trị còn một số tồn tại: công tác điều hành quản lý của chính quyền có mặt chưa đáp ứng với cơ chế mới: chức năng kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân từ huyện đến cơ sở còn hạn chế, hiệu quả hoạt động của các đoàn thể chưa cao, phong trào quần chúng phát triển chưa sâu rộng so với yêu cầu đặt ra.
Về công tác xây dựng Đảng, với nhận thức xây dựng Đảng là then chốt, là nhân tốt quyết định mọi thắng lợi. Trong những năm 1991 - 1995, Đảng bộ huyện luôn chăm lo công tác xây dựng Đảng; thực hiện đổi mới và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3. Do đó, chất lượng chính trị tư tưởng và tổ chức của Đảng bộ luôn được giữ vững, có mặt chuyển biến tiến bộ hơn trước.
Đối với công tác chính trị tư tưởng, Đảng bộ đã tiến hành tốt các đợt nghiên cứu, quán triệt các văn kiện Đại hội VII, các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ huyện theo kế hoạch từng đợt thống nhất từ huyện đến cơ sở. Số lượng đảng viên và quần chúng tham gia học tập đều đạt tỷ lệ cao. Điều quan trọng nhất là đã vượt qua được những khó khăn, thử thách trong công tác tư tưởng trước biến động của tình hình chính trị thế giới, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn sâu sắc về nhiệm vụ xây dựng Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; nêu cao cảnh giác "diễn biến hoà bình" không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và thắt chặt giữ vững mối quan hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng.
Về công tác tổ chức cán bộ đã tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp với yêu cầu mới. Trong những năm 1991 - 1995 đã củng cố và thành lập 14 phòng, ban mới, tách và bàn giao về tỉnh quản lý theo ngành dọc 7 phòng, ban và bộ phận. Tổ chức đại hội các cơ sở đảng, ổn định bộ máy, bầu bổ sung một số cán bộ chủ chốt cơ sở. Tổ chức tốt các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân 3 cấp nhiệm kỳ 1994 - 1999, bầu được 3 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 24 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 358/359 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Công tác cán bộ đã mạnh dạn thay thế một số cán bộ kém phẩm chất, năng lực công tác. Tăng đội ngũ cán bộ trẻ, cử đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý tại huyện với 65 học viên. Đề bạt bổ nhiệm 17 đồng chí; tiếp nhận và điều động 18 đồng chí; giải quyết cho nghỉ hưu, mất sức và thôi việc theo chế độ 256 đồng chí; mở 2 lớp bồi dưỡng công tác xây dựng Đảng cho cấp uỷ cơ sở; 15 lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng với 510 học viên; kết nạp được 231 đảng viên mới; tổ chức 2 hội nghị tư vấn với trên 300 hồ sơ để xét chế độ 128. Sắp xếp kiện toàn hệ thống tổ chức cơ sở đảng, đến cuối năm 1995 toàn Đảng bộ có 34 chi, đảng bộ trực thuộc.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, toàn Đảng bộ đã thực hiện đổi mới và chỉnh đốn Đảng theo đúng mục đích yêu cầu đặt ra. Trong quá trình thực hiện luôn chú ý kiểm tra đôn đốc, tiến hành sơ kết và tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 trong năm 1995. Sau đó các cấp uỷ đã chuyển biến trong công tác lãnh đạo, vai trò và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được nâng lên cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tỷ lệ cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh và khá có chuyển biến hàng năm. Qua phân loại năm 1992 có 3 chi, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, 21 chi, đảng bộ khá; năm 1995 có 5 chi, đảng bộ trong sạch, vững mạnh; 22 chi, đảng bộ khá; năm 1995 có 8 chi, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, 23 chi, đảng bộ khá. Về chất lượng đảng viên năm 1992 loại 1 là 52%, loại 2: 42%, loại 3: 5%, loại 4: 1%. Năm 1995, loại 1: 63,9%, loại 2: 31,1%, loại 3: 3,8%, loại 4: 0,26%.
Công tác kiểm tra của Đảng luôn được tăng cường, thường xuyên kiểm tra các cấp uỷ thực hiện quy chế làm việc, kiểm tra đảng viên thực hiện điều lệ và nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, kiểm tra việc thu, chi đảng phí. Trong những năm 1991 - 1995 đã kiểm tra được 4.679 đảng viên trong đó cấp uỷ viên các cấp có 602 lượt, đảng viên có 4.077 lượt, số chấp hành tốt 4.567 lượt, chấp hành chưa tốt 92 trường hợp. Tổng số đảng viên qua sàng lọc, đã xử lý kỷ luật, khai trừ 8 đồng chí, khiển trách 2 đồng chí. Tiến hành kiểm tra 3 lượt tổ chức cơ sở đảng, cơ bản các cơ sở đảng chấp hành tốt Điều lệ Đảng và quy chế hoạt động của cấp uỷ. Đồng thời tiếp nhận các đơn thư tố cáo, khiếu nại và đã tiến hành giải quyết theo đúng trình tự và điều lệ quy định. Tiến hành kiểm tra tài chính các cơ sở đảng theo Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, qua kiểm tra các cơ sở đảng đều thực hiện tốt.
Tuy nhiên, trong công tác xây dựng Đảng còn một số tồn tại: Công tác quy hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu nhất là cán bộ chủ chốt các phòng, ban và chủ chốt cơ sở, một số cơ sở xã chưa xây dựng được nguồn cán bộ kế cận vững chắc. Công tác giáo dục và vận động nhân dân chưa sâu rộng, năng lực lãnh đạo, phong cách lề lối làm việc của một số cấp uỷ chuyển biến chưa đồng đều, chưa mạnh, cá biệt có một số ít đồng chí cấp uỷ còn phong cách hành chính quan liêu, tác phong làm việc lề mề thiếu khoa học, thậm chí có đồng chí cấp uỷ còn vi phạm phẩm chất, tư cách người đảng viên, vi phạm điều lệ và kỷ luật Đảng. Ở một số ít cơ sở, mối quan hệ giữa cấp uỷ, chính quyền biểu hiện chưa nhịp nhàng thống nhất, có những vướng mắc chậm được khắc phục. Sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng vẫn còn những hạn chế, chất lượng đảng viên còn thấp, quản lý đảng viên còn lơi lỏng, chưa có thái độ dứt khoát đối với những cán bộ đảng viên vi phạm kỷ luật.
Sau một nhiệm kỳ Đảng bộ đã nhìn nhận những mặt còn tồn tại của tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, củng cố hệ thống chính trị và công tác xây dựng Đảng, ngoài những nguyên nhân khách quan nằm trong bối cảnh chung của đất nước, của huyện nhà và tình hình thế giới tác động, còn có các nguyên nhân chủ quan khác cần rút kinh nghiệm.
Thứ nhất: Trong lĩnh vực lãnh đạo, chỉ đạo việc vận dụng các quan điểm chủ trương của Đảng tương đối sát hợp với thực tế địa phương; nhưng khi tổ chức thực hiện có mặt thiếu đồng bộ, hiệu quả còn thấp, chưa tương xứng với công sức đã bỏ ra. Việc thực hiện đôn đốc, kiểm tra chưa được coi trọng đúng mức.
Thứ hai: Tinh thần trách nhiệm, ý thức chấp hành các chỉ thị, nghị quyết cấp trên của nhiều cấp uỷ đảng, các ngành, đoàn thể chưa nghiêm túc: Một số chỉ thị, nghị quyết triển khai chưa đến nơi đến chốn, khi tổ chức thực hiện thiếu phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ. Phong cách lãnh đạo cá biệt một số cấp uỷ chưa thoát khỏi cung cách quan liêu, xa rời thực tế. Chế độ thông tin báo cáo thực hiện không nghiêm túc, làm ảnh hưởng đến hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thứ ba: Công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân chưa sâu rộng, đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, khả năng đầu tư cho sản xuất chưa đáp ứng. Đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu kiến thức quản lý kinh tế - xã hội, một số còn lúng túng trong chỉ đạo điều hành, một số cơ sở còn nặng tư tưởng ỷ lại, trông chờ bao cấp của Nhà nước, thiếu chủ động sáng tạo, làm hạn chế đến hiệu quả hoạt động, nhất là hoạt động kinh tế.
Thứ tư: Công tác xây dựng Đảng chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng đảng viên và đội ngũ cán bộ còn những mặt hạn chế, các phòng, ban chức năng của huyện chưa thực hiện tốt vai trò hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân trong phát triển kinh tế. Số đông đảng viên tuổi cao sức yếu, số đảng viên trẻ còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, làm ảnh hưởng đến sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo ở cơ sở.
Từ sự chuyển biến kết quả đạt được, những tồn tại và những nguyên nhân mà Đảng bộ đã rút ra, đây là những kinh nghiệm quý báu trong thực tiễn 5 năm (1991 - 1995) để Đảng bộ tiếp tục phấn đấu trong quá trình lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt hơn trong những năm tiếp theo.
III. TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - VĂN HOÁ - XÃ HỘI (1996 - 2000).Những năm 1991 - 1995, Đảng bộ huyện Hà Quảng đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên đạt một số thành tựu mới trong mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XV nhiệm kỳ 1996 - 2000 được tiến hành từ ngày 26 đến 29-3-1996. Đến dự Đại hội có 160 đại biểu chính thức. Đại hội đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ huyện, đề ra phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ nhiệm kỳ 1996 - 2000, xác định những giải pháp và quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức trên bước đường đổi mới. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 35 đồng chí. Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Đàm Minh Khâm được bầu làm Bí thư Huyện uỷ, đồng chí Nông Thanh Khoa làmPhó bí thư thường trực và Nông Bế Xuân làm Phó bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện, đồng chí Dương Đức Toàn làm Phó bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện. Đại hội xác định nhiệm kỳ 1996 - 2000 là một thời kỳ mang nhiều ý nghĩa quan trọng, một giai đoạn yêu cầu phát triển cao để chuẩn bị đầy đủ mọi hành trang hoà nhập cùng cả nước bước vào thế kỷ XXI; đồng thời cũng là một thời kỳ đầy khó khăn thử thách, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh âm mưu "diễn biến hoà bình", thực trạng nền kinh tế - xã hội của huyện nhà còn kém phát triển, những yếu tố nội tại sẽ còn tiếp tục nảy sinh. Nhưng huyện lại có thuận lợi cơ bản là: có Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng soi sáng, những thành tựu và kinh nghiệm thực tiễn của nhiệm kỳ 1991 - 1995 là chỗ dựa và niềm tin vững chắc để huyện nhà tập trung khắc phục những mặt còn tồn tại, khai thác tốt hơn mọi khả năng và tiềm lực của địa phương, đưa công cuộc đổi mới của huyện nhà tiếp tục phát triển đi lên.
Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt nhiệm kỳ 1996 - 2000 là: Quán triệt sâu sắc và vận dụng đúng đắn Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết của Trung ương và tỉnh; nêu cao tinh thần đoàn kết các dân tộc, chủ động sáng tạo, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của cấp trên, phát huy năng động cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công nghiệp hoá, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - văn hoá - xã hội - an ninh quốc phòng; chuyển dần nền kinh tế thuần nông sang nền kinh tế có cơ cấu nông - lâm - công nghiệp - dịch vụ - du lịch; thực hiện xoá đói giảm nghèo, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Trên cơ sở phương hướng nhiệm vụ đã đề ra, Đảng bộ đã xây dựng 5 mục tiêu cơ bản để thúc đẩy, phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà là:
1. Đẩy mạnh sản xuất hàng hoá: lương thực, cây công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi. Phấn đấu đưa tổng sản lượng lương thực quy thóc từ 11.700 tấn năm 1996 lên 13.500 tấm năm 2000, bình quân tăng mỗi năm 4%. Đưa nhịp độ tăng bình quân hàng năm đối với đàn trâu: 1,1%, đàn bò 1,5%, đàn lợn 1,6% và đàn gia cầm 4%. Căn bản hoàn thành giao đất giao rừng và phủ xanh đồi núi trọc, đưa tỷ lệ che phủ rừng từ 24% năm 1996 lên 40% năm 2000. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 822 triệu đồng, đến năm 2000 đạt 250USD/người/năm; cơ bản không còn hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo.
2. Huy động, tiếp nhận, quản lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cùng với việc huy động sức dân, phấn đấu làm chuyển biến một bước các cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm xá, bệnh viện, trụ sở làm việc, điện và giao thông liên lạc.
3. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ, phòng ngừa có hiệu quả các dịch bệnh. Đến năm 2000 hạ thấp tỷ lệ tăng dân số xuống mức dưới 2%; căn bản hoàn thành phổ cập tiểu học và xoá mù chữ. Thực hiện "nếp sống văn hoá" đẩy lùi, ngăn chặn có hiệu quả các tệ nạn tiêu cực xã hội.
4. Bảo vệ vững chắc đường biên mốc giới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không ngừng củng cố khả năng quốc phòng, bảo vệ thành quả cách mạng và sẵn sàng chiến đấu cao. Đề cao cảnh giác làm thất bại âm mưu "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch. Tăng cường kỷ cương, thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
5. Xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Đến năm 1998 không còn cơ sở đảng yếu kém, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy vai trò hoạt động của các đoàn thể nhân dân. Không ngừng củng cố hệ thống chính trị, làm việc theo đúng chức năng nhiệm vụ và tuân thủ quy chế làm việc.
Thực hiện các mục tiêu mà Đại hội đã đề ra, qua 5 năm dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ huyện, các cấp, các ngành đã tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV đề ra.
Về sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn: cơ cấu cây lúa, ngô được chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hoá, diện tích gieo trồng bằng giống mới không ngừng được mở rộng, đến cuối năm 2000 đã có 70% diện tích lúa và 40% diện tích ngô được gieo trồng bằng giống mới các loại. Việc ứng dụng cơ giới nhỏ vào phục vụ sản xuất ngày càng tăng nhanh, năm 1997 có 6 máy đến cuối năm 2000 có 57 máy thường xuyên hoạt động trên địa bàn, làm đất được 57% diện tích đất canh tác (đất trồng lúa).
Vùng tập trung sản xuất lúa, ngô, đỗ tương được tăng cường đầu tư, năng suất và sản lượng không ngừng được tăng lên năm sau cao hơn năm trước. Vùng nguyên liệu thuốc lá được mở rộng. Thuỷ lợi được đầu tư xây dựng, nhiều mương máng được kiên cố hoá, một số lớn diện tích gieo trồng được tưới chắc.
Thu nhập bình quân GDP/người năm 1997 là 152 USD, đến năm 2000 đạt 200 USD/người/năm.
Sản lượng lương thực tăng với nhịp độ khá, ổn định được lương thực tại chỗ, đã có một số nông sản trở thành hàng hoá. Tổng sản lượng lương thực liên tục đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, năm 1996 đạt 10.365 tấn, năm 2000 đạt 13.500 tấn tăng 30%, đạt mục tiêu tổng sản lượng lương thực mà Đại hội XV Đảng bộ huyện đề ra.
Chăn nuôi có bước tăng trưởng và phát triển, năm 1996 đàn gia súc là 27.427 con, năm 2000 là 30.584 con tăng 11,5% (gồm trâu, bò, lợn, dê).
Về lâm nghiệp, thực hiện chủ trương giao đất giao rừng của Đảng và Nhà nước, công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng trong 5 năm (1996 - 2000) đã thu được những kết quả đáng khích lệ, đại đa số các hộ nông dân trong huyện đã được nhận đất, nhận rừng với tổng diện tích 13.523 ha; diện tích trồng rừng mới đạt cao nhất trong các thời kỳ; kết thúc năm 2000 tỷ lệ độ che phủ rừng đạt mục tiêu Đại hội XV đề ra (40%). Các chương trình dự án định canh định cư được thực hiện có hiệu quả.
Các mô hình kinh tế VAC, VACR và các mô hình kinh tế khác phát triển, xuất hiện nhiều điển hình tốt, nhiều gương nông dân sản xuất giỏi, một số mô hình có triển vọng phát triển theo hướng trang trại. Đến năm 2000 có 13 hộ nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, 60 hộ sản xuất giỏi cấp huyện và 170 hộ sản xuất giỏi cấp xã.
Sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhìn chung còn nhỏ bé so với tiềm năng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tuy vậy, giá trị sản lượng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hàng năm tăng khá, năm 1996 đạt 528 triệu đồng, năm 2000 thực hiện đạt 738 triệu đồng, tăng 14,8%. Đồng thời với việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa máy móc nông cụ vào sản xuất đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng suất lao động và cải thiện đời sống nhân dân địa phương.
Công tác xây dựng cơ bản - giao thông vận tải: trong những năm 1996 - 2000 được đầu tư phát triển, nhiều hạng mục công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả: 18/18 xã đã được xây trụ sở, trạm y tế; 100% trường chính được xây kiên cố và bán kiên cố. Xây dựng hoàn thành một trung tâm cụm xã, 4/5 chợ chính. Giao thông trên địa bàn được nâng cấp và mở mới, có thêm 3 - 4 xã còn lại có đường ô tô đến trung tâm, có 9/18 xã có điện lưới, 10/18 xã có điện thoại. Bể nước ăn vùng cao tiếp tục được củng cố và xây dựng. Từ năm 1996 đến hết năm 2000 tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt 49.438 triệu đồng (chưa tính vốn các công trình thuộc ngành dọc đầu tư trên địa bàn).
Lĩnh vực thương nghiệp tài chính - tiền tệ có nhiều thành phần tham gia trên địa bàn, thương nghiệp quốc doanh đã thích ứng được cơ chế mới, phục vụ tốt các mặt hàng chính sách, kinh doanh có hiệu quả, tỷ lệ nộp ngân sách tăng. Việc ký hợp đồng với Viện kinh tế - kỹ thuật thuốc lá thực hiện đầu tư bao tiêu sản phẩm thuốc lá đã tạo thêm điều kiện cho sản xuất phát triển, góp phần tăng thu ngân sách. Thương nghiệp ngoài quốc doanh tiếp tục có bước phát triển mới, hàng hoá phong phú đa dạng, đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng, thị trường ổn định. Thu từ ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn trong số thu ngân sách địa phương. Các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc khai thác và quản lý các nguồn thu, đẩy mạnh kinh tế cửa khẩu góp phần tăng thu ngân sách, đảm bảo lượng tiền mặt lưu thông trên địa bàn. Công tác tài chính, kho bạc đã đáp ứng được yêu cầu chi thường xuyên. Nhịp độ thu ngân sách trên địa bàn hàng năm tăng bình quân 10%/năm. Ngành ngân hàng đã huy động vốn vay và cho vay đáp ứng được cơ bản yêu cầu nhiệm vụ.
Chương trình xoá đói giảm nghèo được chỉ đạo và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, tất cả các xã khu vực III đều xây dựng được đề án xoá đói giảm nghèo giai đoạn 1999 - 2000. Bước đầu các đề án được triển khai thực hiện có hiệu quả. Với nguồn vốn 135 được đầu tư tập trung cho các xã khu vực III và xã biên giới, xây các công trình trường học, giao thông và điện sinh hoạt. Một số hạng mục công trình đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cơ sở, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Quá trình triển khai thực hiện chương trình 135, nguồn vốn đều được quản lý tốt, đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, chất lượng các công trình được đảm bảo. Đội ngũ cán bộ các cấp tăng cường cho các xã khu vực III về cơ bản đã phát huy được tác dụng giúp cơ sở, nhiều đồng chí đã trở thành cộng sự đắc lực của cấp uỷ, chính quyền cơ sở trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện đề án xoá đói giảm nghèo đã đề ra. Các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến huyện được phân công giúp đỡ các xã khu vực III thực hiện xoá đói giảm nghèo đã có nhiều hoạt động hướng về cơ sở, chia sẻ khó khăn với cơ sở, giúp cơ sở bằng nhiều hình thức khác nhau cả vật chất và tinh thần. Chỉ tính trong hai năm 1999 - 2000 các cơ quan, đơn vị đã giúp các xã khu vực III về vật chất giá trị hàng trăm triệu đồng, góp thêm động lực mới giúp các xã đặc biệt khó khăn sớm thoát khỏi đói nghèo. Tỷ lệ đói nghèo từ 61% năm 1996 xuống còn khoảng 12 - 15% năm 2000. Đời sống nhân dân được cải thiện một bước rõ rệt.
Về sự nghiệp giáo dục - đào tạo, thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khoá VII và quán triệt chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ huyện thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục - đào tạo, ngành giáo dục - đào tạo Hà Quảng đã có nhiều tiến bộ. Mạng lưới trường học phát triển rộng khắp toàn huyện, đủ các bậc học, cấp học đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc. Tất cả các xã đều có trường tiểu học bao gồm trường chính và các điểm trường, phân trường có các loại hình lớp lẻ, lớp ghép, lớp dân lập… để phổ cập giáo dục trung học trong những năm tiếp theo. Các lớp mẫu giáo được phát triển khá ở vùng thấp và bước đầu phát triển một số xã ở vùng cao tạo điều kiện cho các cháu vào lớp 1 tốt hơn. Bậc học trung học cơ sở và phổ thông trung học đã phát triển về số lượng trường và học sinh, đủ điều kiện đào tạo nguồn lực con người ở địa phương. Đã có trường dân tộc nội trú để phục vụ con em các dân tộc. Số học sinh được huy động ra lớp tăng, số trường toàn cấp tăng dần và ổn định. Năm 1997, số học sinh trong độ tuổi đến trường: 8.991 học sinh, tăng 3% so với năm 1996. Bình quân 3,82 người có một người đi học, có 26 đơn vị trường, với 54 điểm trường, phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ được 11/18 xã. Năm 1999, công tác giáo dục - đào tạo có bước phát triển mới, số trẻ em trong độ tuổi được huy động đến trường đạt 91%. Kết quả thi tốt nghiệp năm học 1998 - 1999: tiểu học đạt 97,7%, trung học cơ sở đạt 92,6%, phổ thông trung học đạt 79%.
Công tác giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh ngày càng có nề nếp; chất lượng giáo dục có những bước tiến bộ. Thực hiện hoàn thành kế hoạch xoá mù chữ tại 2 xã (Thượng Thôn, Nội Thôn), cuối tháng 12-1999 đã tiến hành nghiệm thu đạt kết quả, đưa 18/18 xã = 100% đạt chuẩn quốc gia về phổ cập tiểu học xoá mù chữ. Năm 2000 các trường học tiếp tục được đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất được củng cố. Duy trì thường xuyên 28 trường học cùng các điểm trường, phân trường, số học sinh trong độ tuổi đến trường tăng 0,7% so với năm 1999. Tỷ lệ bình quân kỳ thi tốt nghiệp các cấp năm 1999 - 2000 đạt trên 95% so với số học sinh dự thi. Triển khai các bước chuẩn bị cho công tác phổ cập trung học cơ sở tại 3 xã (Phù Ngọc, Đào Ngạn, Trường Hà). Thực hiện đúng chương trình năm học theo quy định của Bộ Giáo dục - đào tạo.
Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ, mạng lưới y tế ngày càng được củng cố. Năm 1996, toàn huyện có 5/18 xã có trạm xá, 18/18 xã có cán bộ y tế để thực hiện công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Trung tâm y tế và các phân viện từng bước được xây dựng kiên cố, tăng cường cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia như phòng chống sốt rét, bại liệt, bướu cổ, chương trình tiêm chủng mở rộng phòng chống suy dinh dưỡng, bệnh sởi… đối với trẻ em. Kết hợp cùng các phòng, ban mở rộng công tác tuyên truyền phòng chống các dịch bệnh xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Đến năm 1997, Hà Quảng đã có 18/18 xã có cán bộ y tế, trong đó 6/18 xã có trạm y tế xã, cơ sở y tế, bệnh viện đều đáp ứng việc khám chữa bệnh của nhân dân, không có bệnh dịch xảy ra. Năm 1999, toàn huyện có 100% số xã có trạm xá, cán bộ y tế xã và y tế thôn bản được quan tâm củng cố, đảm bảo việc phục vụ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Các bệnh viện, phân viện chất lượng khám chữa bệnh ngày được nâng cao, ngăn chặn cơ bản các dịch bệnh và hoàn thành việc loại trừ bệnh phong trên địa bàn huyện. Thường xuyên thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia và bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Đến năm 2000, hệ thống y tế cơ sở tiếp tục được đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất, phương tiện y cụ được trang bị, phần lớn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.
Công tác kế hoạch hoá gia đình được thực hiện thường xuyên, tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện chương trình truyền thông dân số kế hoạch hoá gia đình. Kết hợp với các ngành chức năng vận động triệt sản, thực hiện các biện pháp tránh thai giảm được tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,14% năm 1996 xuống còn khoảng 0,91% năm 2000.
Huyện luôn tiến hành thực hiện có hiệu quả mục tiêu vì trẻ em, giảm 5% trẻ em suy dinh dưỡng từ 49% năm 1999 xuống còn 44% năm 2000. Vận động xây dựng Quỹ bảo trợ trẻ em, quan tâm chỉ đạo các chương trình vui chơi cho trẻ em.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII), các hoạt động văn hoá thể thao trong những năm 1996 - 2000 từng bước được phát triển với nội dung và hình thức ngày càng phong phú. Phòng Văn hoá - thông tin thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền các thành tích đạt được trong phong trào thi đua yêu nước chào mừng các ngày lễ lớn và Đại hội Đảng các cấp. Việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch tại địa phương. Chỉ đạo và tổ chức tốt các đợt biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao mừng Đảng, mừng xuân, chào mừng các ngày lễ lớn hàng năm. Phòng luôn duy trì thường xuyên việc thu và phát lại đài truyền hình Trung ương, đài truyền hình của tỉnh phục vụ nhu cầu đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân. Huyện đã có 3 trạm thu phát lại truyền hình trên địa bàn và thường xuyên hoạt động, phủ sóng được 30% số hộ. Việc xây dựng nếp sống văn hoá được triển khai thực hiện có hiệu quả. Việc cưới, việc tang có chuyển biến theo hướng tiến bộ: nhiều xóm, bản, nhiều xã không còn người nghiện hút và các tệ nạn xã hội khác. Quy ước nếp sống văn hoá người Mông Cao Bằng được thực hiện, bước đầu quy ước nếp sống văn hoá người Dao Cao Bằng được triển khai. Đến năm 2000 toàn huyện có 19 làng đạt tiêu chuẩn làng văn hoá, có 2.525 hộ được công nhận là gia đình văn hoá. Phong trào văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng có nhiều khởi sắc.
Công tác thương binh xã hội luôn được các cấp, các ngành và toàn dân chú trọng với truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa" công tác chăm sóc các gia đình thương binh liệt sĩ nhân ngày 27-7 hàng năm luôn được quan tâm thường xuyên và có hiệu quả thiết thực: huyện đã chỉ đạo và giải quyết kịp thời các chế độ đối với các đối tượng hưởng chính sách. Riêng năm 1999, tặng quà nhân dịp tết Kỷ Mão với số tiền là 7.940.000 đồng cho 397 đối tượng, ngày thương binh liệt sĩ 27-7 số tiền là 20.020.000 đồng. Ngành bảo hiểm xã hội thực hiện đúng chế độ thu bảo hiểm đối với người lao động hưởng lương Nhà nước; chi trả kịp thời cho các đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm và cán bộ hưu trí. Thực hiện Nghị định 28-CP của Chính phủ về giải quyết chính sách đối với người có công đã được công nhận hưởng chế độ có công với 34 trường hợp, xét và đề nghị cấp trên khen thưởng thành tích kháng chiến 3 thời kỳ. Chỉ đạo các ngành đẩy mạnh phong trào lập thành tích chào mừng nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Chuẩn bị tốt các điều kiện, tổ chức tiếp đón và bảo vệ các đoàn khách của Trung ương, tỉnh bạn, huyện bạn đến thăm hang Pác Bó và làm việc tại huyện. Phát động phong trào quần chúng quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt được 40.840.00 đồng đạt 136% kế hoạch giao. Năm 2000 chương trình xoá đói giảm nghèo tiếp tục được thực hiện đạt hiệu quả, tổ chức các lớp tập huấn về thực hiện chương trình 134 - 135/CP. Việc đẩu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng theo chương trình 135 thực sự có tác động thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở các xã khu vực III, làm giảm tỷ lệ hộ nghèo đói xuống 6% so với năm 1999, đến năm 2000 toàn huyện chỉ còn 15% hộ đói nghèo.
Hoạt động bưu chính viễn thông, tiếp tục phát triển đảm bảo thông tin thông suốt, phục vụ kịp thời nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu của nhân dân, sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, doanh thu tăng 0,4% kế hoạch. Không ngừng phát triển máy điện thoại theo nhu cầu, tỷ lệ lắp đặt máy tăng 70% so với kế hoạch, năm 2000 toàn huyện có 198 máy, 10/18 xã có máy điện thoại. Khai thác, chuyển giao bưu kiện, bưu phẩm, báo chí, công văn kịp thời.
Công tác quốc phòng - an ninh luôn được đảm bảo, các cấp uỷ đã thường xuyên chú trọng lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ để thực hiện các nhiệm vụ. Do đó tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững. Huyện luôn chỉ đạo duy trì thường xuyên kế hoạch phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu; rà soát nắm số lượng, chất lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ. Quan tâm chỉ đạo, củng cố xây dựng lực lượng, hoàn thành kế hoạch huấn luyện hàng năm, tổ chức tốt công tác động viên tuyển quân, giao quân đạt 100% chỉ tiêu. Rà soát kiểm tra các phương án, tổ chức diễn tập cụm xã (Hồng Sỹ, Sỹ Hai, Mã Ba, Hạ Thôn) đạt kết quả. Định kỳ kiểm tra việc sử dụng, bảo quản vũ khí trang bị. Đôn đốc chỉ đạo đưa lực lượng dân quân làm công tác dân vận tại cơ sở.
Lực lượng biên phòng duy trì nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ đường biên mốc giới. Kịp thời ngăn chặn, giải quyết các biểu hiện vi phạm. Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ biên giới, thực hiện có hiệu quả các phương án chống lấn chiếm biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia và an ninh trật tự khu vực biên phòng.
Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được ổn định, phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng được đẩy mạnh. Công an huyện phối hợp với chính quyền các xã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho công an viên tại các xã Mã Ba, Hạ Thôn, Hồng Sỹ, Sỹ Hai đạt kết quả. Đồng thời chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch tấn công các loại tội phạm. Riêng năm 2000 công an huyện và các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý 25 vụ vi phạm pháp luật hình sự. Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại theo Chỉ thị 853 - 31 của Chính phủ, đảm bảo tình hình trật tự xã hội. Chỉ đạo các lực lượng bảo vệ an toàn Đại hội Đảng các cấp, các phái đoàn cấp cao lên thăm và làm việc tại địa phương, thực hiện tốt công tác giữ gìn trật tự trong các ngày lễ, ngày tết.
Các ngành trong khối nội chính theo chức năng của mình đã có những đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thường xuyên chỉ đạo công tác kiểm soát việc tuân theo pháp luật trong các lĩnh vực hành chính - kinh tế - xã hội. Thụ lý và xét xử các loại án đúng theo quy định của pháp luật. Tiến hành thanh tra xác minh giải quyết dứt điểm các đơn khiếu nại của công dân. Thường xuyên thực hiện tốt công tác tiếp dân, hướng dẫn cho công dân đến các cơ quan chức năng giải quyết việc khiếu nại tố cáo đúng thẩm quyền. Đồng thời tổ chức triển khai tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nội dung các bộ luật, đôn đốc thực hiện công tác hoà giải tại cơ sở và đôn đốc thi hành án theo bản án đã tuyên.
Hội đồng nhân dân các cấp hoạt động ngày càng có nền nếp, Hội đồng nhân dân huyện đã tiến hành các kỳ họp theo luật định, nội dung được cải tiến thiết thực hơn, việc ra nghị quyết chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và các mặt hoạt động tại địa phương có nhiều tiến bộ. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra giám sát đạt hiệu quả.
Uỷ ban nhân dân các cấp đã có nhiều cố gắng tổ chức điều hành việc thực hiện các mục tiêu theo nghị quyết của cấp uỷ và Hội đồng nhân dân cùng cấp đạt hiệu quả. Nên các chương trình, kế hoạch được thực thi có chất lượng. Ban hành các chỉ thị, hướng dẫn tổ chức thực hiện các mặt hoạt động theo chức năng. Thực hiện đúng vai trò quản lý điều hành Nhà nước theo pháp luật.
Các đoàn thể quần chúng thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị tại địa phương, phát động phong trào quần chúng tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc duy trì các hoạt động thúc đẩy phong trào quần chúng xây dựng nếp sống văn hoá ở khu dân cư, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tốt các cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp với đại biểu cử tri các cụm xã; đẩy mạnh phong trào khối đại đoàn kết nhân dân các dân tộc. Hội phụ nữ đã xây dựng kế hoạch và phát động phong trào hội viên thực hiện đạt hiệu quả 5 chương trình trọng tâm của Hội. Hội nông dân thường xuyên đôn đốc các tổ, hộ gia đình thực hiện các mô hình kinh tế, quan tâm đầu tư thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất giỏi, tiến hành tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ giữa nông dân các vùng và các thôn, xóm. Hội cựu chiến binh tích cực vận động hội viên thực hiện tốt 4 chuẩn mực của hội. Huyện Đoàn thanh niên đẩy mạnh phong trào tuổi trẻ giữ nước - thanh niên lập nghiệp - thanh niên tình nguyện, duy trì kế hoạch phát động phong trào đoàn viên, thanh thiếu niên tại các trường phổ thông thi đua học tập, tu dưỡng rèn luyện. Phong trào các đoàn thể phối hợp đồng bộ góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, Đảng bộ luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng về chính trị tư tưởng và tổ chức việc triển khai quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và tỉnh luôn kịp thời, có sự vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời cụ thể hoá thành các kế hoạch và chương trình hành động để tổ chức thực hiện có hiệu quả thiết thực.
Ban chấp hành, Ban Thường vụ Huyện uỷ tiến hành các hoạt động theo chương trình đã thống nhất. Đề ra và thống nhất các mục tiêu, ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quốc phòng - an ninh; củng cố hệ thống chính quyền, đoàn thể và công tác xây dựng Đảng. Chuẩn bị kỹ lưỡng các chương trình, nội dung tiến hành tổ chức các hội nghị, các cuộc họp có chất lượng, thống nhất quyết định chương trình hành động thực hiện nghị quyết của cấp trên và các hoạt động chính trị tại địa phương, thể hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Huyện uỷ thường xuyên duy trì các cuộc họp giao ban khối Đảng, đoàn thể, khối nội chính và giao ban cấp ủy cụm xã, nắm bắt tình hình kịp thời đề ra hướng chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, bức xúc làm cho mọi hoạt động theo đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trong nhiệm kỳ 1996 - 2000, Đảng bộ đã lãnh đạo toàn dân, toàn quân nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cơ bản thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Qua 5 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (1996 - 2000), Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách, không ngừng phấn đấu vươn lên để đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh - quốc phòng. Một số công trình trọng điểm được xây dựng. Văn hoá - xã hội không ngừng phát triển; an ninh - quốc phòng được củng cố tăng cường, chủ quyền biên giới được bảo vệ, giữ vững. Công tác xây dựng Đảng ngày càng được quan tâm, củng cố, hoạt động có hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, niềm tin đối với sự nghiệp đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng ngày càng được củng cố và nâng cao.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, vai trò của Đảng bộ trong cơ chế mới không ngừng được phát huy. Đảng bộ Hà Quảng đã vận dụng linh hoạt các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh Đảng bộ vào địa bàn của huyện thông qua các chương trình, kế hoạch công tác, các dự án phát triển kinh tế - xã hội… đã góp phần làm tăng thêm sức mạnh của Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng.
Những thành tích mà Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng đạt được trong những năm 1996 - 2000 có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo cho Hà Quảng thế và lực mới để vững bước vào thiên niên kỷ mới với niềm tin tưởng sâu sắc ở tiền đồ tương lai tươi sáng.
CHƯƠNG VIII
ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN HÀ QUẢNG TIẾP TỤCTHỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI, ĐẨY MẠNHPHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI THEO HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HOÁ NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN (2001 - 2010) I. THỰC HIỆN CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN THEO HƯỚNG CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ (2001 - 2005)Trải qua 15 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, kinh tế - xã hội và bộ mặt nông thôn của huyện Hà Quảng đã từng bước đổi thay. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Song, cùng với sự phát triển của địa phương cũng đặt ra những yêu cầu mới, ngày càng nặng nề hơn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành các mặt hoạt động chung của huyện.
Trong những năm 1996 - 2000, Đảng bộ huyện Hà Quảng đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên đạt một số thành tựu mới trong mọi lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hà Quảng lần thứ XVI nhiệm kỳ 2000-2005 được tiến hành từ ngày 07 đến 09-10-2000. Đại hội đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ huyện, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2000 - 2005, xác định những giải pháp và quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức trên bước đường đổi mới. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 34 đồng chí. Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Dương Đức Toàn được bầu làm Bí thư Huyện uỷ, đồng chí Nông Thanh Khoa làm Phó Bí thư thường trực và đồng chí Nông Văn Thiết, Phó bí thư - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện. Đến tháng 4-2005, đồng chí Dương Đức Toàn chuyển công tác khác, đồng chí Nông Thanh Khoa làm Bí thư Huyện uỷ.
Trước hết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện được Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ huyện xác định là: nông - lâm nghiệp, dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trên cơ sở cơ cấu kinh tế được xác định, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh. Từ năm 2001 - 2005, huyện đã tiến hành lập các quy hoạch, dự án cho phát triển kinh tế. Hàng năm cụ thế hoá trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chỉ đạo sát sao trong tổ chức thực hiện, do đó kết quả đạt được thể hiện trong tỷ trọng cơ cấu ngành là: năm 2000, nông - lâm nghiệp 65,7%, dịch vụ 33,8%, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 0,5%; năm 2005 tỷ trọng tương ứng là: 43,6%; 55,8%; 0,6%. So sánh giữa năm 2005 với mục tiêu Đại hội XVI, kết quả là: nông - lâm nghiệp giảm từ 65,7% xuống còn 43,6%, dịch vụ tăng từ 21,54% lên 55,8%.
Thu nhập bình quân GDP/người, năm 2000 là 200 USD, đến năm 2005 đạt 300 USD/người/năm.
Trong sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn do có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng bộ huyện nên từng địa phương, cơ sở đều tạo ra những chuyển biến tích cực về thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xác định mục tiêu cụ thể, có trọng điểm, mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp. Tổng diện tích đất nông nghiệp sau quy hoạch và thực hiện quy hoạch là 4.732 ha, trong đó diện tích lúa 1.431 ha; diện tích nương rẫy 3.100 ha, diện tích thuỷ sản 9,8 ha.
Huyện đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất và sản lượng các loại cây trồng, tăng cường đưa khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, có 201/208 xóm có cộng tác viên khuyến nông - khuyến lâm, 18/18 xã có cán bộ khuyến nông - khuyến lâm xã. Từ năm 2001 - 2005 đã triển khai tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được 36 lớp cho cán bộ khuyến nông - khuyến lâm cơ sở, đẩy mạnh triển khai các mô hình trình diễn, mô hình điểm, mô hình cánh đồng 30 triệu/ha; năm 2005 huyện đưa vào thí điểm sản xuất 250 ha “cánh đồng 30 triệu/ha”, kết quả đạt 35 triệu đồng/ha. Cung ứng các loại phân bón và giống có năng suất - chất lượng cao đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc và tăng năng suất sản lượng cây trồng.
Trong quá trình sản xuất, trình độ thâm canh tiếp tục được nâng cao một bước, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật có những tiến bộ mới. Tổng sản lượng lương thực có hạt hàng năm tăng khá nhanh, năm 2000 đạt 12.481 tấn, đến năm 2005 đạt 14.487 tấn so với mục tiêu Đại hội XVI đạt kế hoạch đề ra. Bình quân lương thực đầu người năm 2000 đạt 369 kg, năm 2005 đạt 419 kg/người/năm.
Các loại cây công nghiệp ngắn ngày, chủ yếu là thuốc lá, đỗ tương được phát triển cả về diện tích, năng suất và chất lượng. Sản lượng thuốc lá vàng từ năm 2001 - 2005 so với mục tiêu Đại hội đề ra tăng 4,8%. Sản lượng đỗ tương từ năm 2000 - 2005 đạt 100% so với mục tiêu Đại hội. Ngoài ra còn phát triển lạc và cây gừng bước đầu đạt được kết quả tốt, gợi mở cho một tiềm năng phát triển mới. Hệ số sử dụng đất năm 2000 là 1,65 lần, so với mục tiêu Đại hội tăng 0,1%.
Tính giá trị trên 1 ha gieo trồng, năm 2000, bình quân toàn huyện đạt 8 triệu đồng; đến năm 2005 đạt 13,5 triệu đồng, trong đó vùng cao đạt 9 triệu đồng, đạt 112% so với mục tiêu Đại hội; vùng thấp đạt 18 triệu đồng, đạt 120% so với mục tiêu Đại hội đề ra.
Chăn nuôi có bước tăng trưởng và phát triển, năm 2000 tốc độ tăng trưởng đàn trâu là 0,7%, đàn bò 3,1%, gia cầm 5%. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2001 – 2005: đàn trâu là 1%, đàn bò 2,8%, gia cầm 9%, đàn lợn 5%, so với mục tiêu Đại hội đạt 100%. Trong chăn nuôi đại gia súc đã triển khai và thực hiện thí điểm dự án phát triển đàn bò U địa phương. Ngành thuỷ sản tiếp tục phát triển với nhiều mô hình khác nhau, chủ yếu là nuôi cá ao và thả cá ruộng, sản lượng bình quân các năm 12,3 tấn/năm.
Về phát triển lâm nghiệp, thực hiện chủ trương giao đất giao rừng của Đảng và Nhà nước, công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng trong 5 năm (2000 – 2005) đã thu được những kết quả rõ rệt, đại đa số các hộ nông dân trong huyện đã được nhận đất, nhận rừng, các khu rừng được nhân dân có ý thức tự giác khoanh nuôi bảo vệ, việc chăm sóc rừng tiếp tục được giữ vững và nâng cao. Từ năm 2001 - 2005, tiếp tục giao đất giao rừng được 6.805 ha, trồng rừng mới được 55 ha, nâng độ che phủ rừng từ 40% năm 2000 lên 48% năm 2005, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI đề ra.
Các chương trình, dự án định canh định cư được thực hiện có hiệu quả, đưa dân cư trở lại 6 xóm trắng sát biên giới, ổn định đời sống gắn với bảo vệ tài nguyên và đường biên mốc giới, chấm dứt tình trạng dân di cư tự do.
Các mô hình kinh tế VAC, VACR và các mô hình kinh tế khác phát triển, xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình và mô hình tốt, nhiều gương nông dân sản xuất giỏi.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI về việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Huyện uỷ Hà Quảng đã tập trung lãnh đạo phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng của huyện để thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, từng bước thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Để phát triển ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp địa phương, huyện đã tiến hành việc ứng dụng cơ giới nhỏ và công cụ cải tiến vào sản xuất và phục vụđời sống tiếp tục tăng về số lượng, đến năm 2005 toàn huyện có 80 máy cơ giới nhỏ, trên 1.000 máy xay sát, ngoài ra còn có các loại công cụ cải tiến để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Giá trị tổng sản lượng toàn ngành bình quân hàng năm tăng 26,5% so với mục tiêu Đại hội đề ra, huyện dã tập trung chỉ đạo phát triển các ngành nghề truyền thống và đã xây dựng được 4 hợp tác xã kiểu mới và 1 doanh nghiệp tư nhân phù hợp với Luật doanh nghiệp và Luật hợp tác xã năm 2003. Đến năm 2005, toàn huyện có 18/18 xã có điện lưới.
Về xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng thiết yếu giai đoạn 2001 – 2005 đã có các dự án với tổng số vốn đầu tư cho các chương trình (chỉ tính riêng phần vốn ngân sách Nhà nước đầu tư, do địa phương quản lý) là 87.798 triệu đồng. Với tổng số các nguồn vốn được đầu tư theo các chương trình dự án cộng với sự nỗ lực phát huy nội lực, từ năm 2001 đến tháng 6-2005 đã đầu tư xây dựng 30 công trình đường giao thông, do đó 18/18 xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, 12 công trình kiên cố hoá kênh mương, 5 công trình chợ, 10 nhà làm việc và trụ sở các xã… bể nước ăn vùng cao tiếp tục được củng cố và xây dựng, đã có 16.593 bể các loại. Chương trình kiên cố hoá kênh mương nội đồng, thực hiện từ năm 2000 - 2005 được 18 tuyến mương với tổng chiều dài là 37,527 km tưới chắc cho 949,5ha. Cơ bản các công trình đều đảm bảo chất lượng, phát huy được tác dụng trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 5 năm (2001 – 2005), Huyện uỷ đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành quy hoạch và thực hiện quy hoạch: khu trung tâm huyện lỵ, khu kinh tế cửa khẩu Sóc Giang, đồng thời cũng phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tham gia việc quy hoạch khu di tích lịch sử Pác Bó.
Ngành bưu chính - viễn thông đã mở rộng diện phục vụ, các bưu cục được tăng cường và nâng cao các dịch vụ mới như tiết kiệm bưu điện, chuyển tiền nhanh; viễn thông cũng được mở rộng địa bàn và dung lượng cáp treo nội hạt. Đến năm 2005 có 14/18 xã có điểm bưu điện văn hoá xã và máy điện thoại số, 7/18 xã có báo đọc trong ngày, số máy điện thoại bình quân đạt 1,56 máy/100 dân.
Công tác quản lý đất đai đã đi vào quy hoạch, tiến hành việc đo đạc, lập bản đồ, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân. Đất đai được các địa phương, cơ sở quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích và đem lại hiệu quả, đã giải quyết và hạn chế các vụ việc tranh chấp đất đai xảy ra.
Về tài nguyên môi trường, quản lý, bảo vệ tốt các nguồn nước, nguồn tài nguyên, bảo đảm khai thác và sử dụng có hiệu quả phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Công tác môi trường sinh thái đã được các cấp từ huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện theo đúng quy định của Luật môi trường.
Về thương mại - du lịch: những năm 2001 - 2005, đã có bước phát triển hơn trước, hàng hoá phong phú, giá cả ổn định, lưu thông thuận lợi: nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục và đem lại hiệu quả cao; màng lưới thương nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh được củng cố, góp phần phục vụ nhân dân, nhất là các xã vùng cao, vùng sâu trên địa bàn, đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu.
Màng lưới dịch vụ trong huyện ngày càng được mở rộng và phát triển đặc biệt là dịch vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, dịch vụ vật tư phân bón và các dịch vụ phục vụ đời sống.
Đối với ngành du lịch, trong những năm qua, huyện đã tích cực tham gia với các sở, ban, ngành của tỉnh và Trung ương xây dựng dự án tôn tạo và phát triển khu di tích lịch sử Pác Bó; đã từng bước triển khai và thực hiện có hiệu quả; đồng thời chủ động phát huy và khai thác tiềm năng du lịch gắn với khu di tích lịch sử Pác Bó.
Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm qua các thành phần kinh tế ở huyện đã có bước chuyển biến tiến bộ. Kinh tế quốc doanh đã thực hiện cổ phần hoá, hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả ngày càng cao, chủ động, năng động hơn trong tìm kiếm khai thác thị trường. Kinh tế ngoài quốc doanh phát triển khá, tích cực tham gia vào hoạt động kinh tế và thị trường đạt hiệu quả, kinh tế hợp tác và hợp tác xã, đã xây dựng và thành lập được 4 hợp tác xã, từng bước phát triển với các quy mô và trình độ phù hợp. Kinh tế hộ gia đình đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, các mô hình kinh tế hộ được phát triển theo hướng đa dạng, tổng hợp, đạt hiệu quả.Đến năm 2005 đã có nhiều mô hình, nhiều hộ sản xuất giỏi, thu nhập khá, tổng số hộ nông dân sản xuất giỏi toàn huyện (cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã) năm 2000 có 244 hộ, năm 2004 có 524 hộ. Do phát triển đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế và mô hình kinh tế, nông sản của một số lĩnh vực chủ yếu đã trở thành hàng hóa đáng kể như: thuốc lá vàng, ngô, đỗ tương, gia súc, gia cầm.
Về công tác tài chính ngân hàng, trong những năm qua việc thu ngân sách trên địa bàn có nhiều cố gắng, năm 2000 thu ngân sách đạt 949 triệu đồng, năm 2005 thực hiện là 1 tỷ 733 triệu đồng, đạt 101,94% so với mục tiêu Đại hội. Công tác chi ngân sách đảm bảo kịp thời, đúng chế độ, đúng luật định, được quản lý chặt chẽ, sử dụng các nguồn chi có hiệu quả, đảm bảo nhu cầu chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển, không để xảy ra thất thoát, tham ô, tham nhũng, lãng phí. Hoạt động thu chi ngân sách các xã tiếp tục ổn định và có những tiến bộ mới. Kho bạc thực hiện tốt nhiệm vụ phục vụ thu chi ngân sách, đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên của địa phương.
Hoạt động ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn đã bám vào các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để kinh doanh và phục vụ, tích cực huy động vốn để cho vay, đảm bảo an toàn trong quản lý tiền mặt, phục vụ cho vay và đem lại hiệu quả thiết thực, nhất là ở vùng nông thôn và đối với các hộ nghèo; Kết quả huy động vốn của ngân hàng từ năm 2001 đến tháng 10-2005 là 100 tỷ 918 triệu đồng, trong đó huy động trên địa bàn là 55.639 triệu đồng, kết quả cho vay 32.289 triệu đồng, tổng dư nợ đến cuối năm 2005 là 54.823 triệu đồng.
Ngân hàng chính sách xã hội có những chuyển biến tiến bộ, đã tích cực huy động vốn để cho vay và đem lại hiệu quả thiết thực đối với các hộ nghèo và gia đình chính sách, góp phần vào sự nghiệp xoá đói giảm nghèo tại địa phương. Kết quả huy động vốn ngân hàng chính sách xã hội từ ngày thành lập đến năm 2005 là 474 triệu đồng, kết quả cho vay tổng dư nợ đến năm 2005 là 13.833 triệu đồng.
Công tác giáo dục - đào tạo của huyện đã có sự chuyển biến tiến bộ, hệ thống trường lớp được mở rộng với 36 trường chính và 61 điểm, phân trường, mở thêm nhiều điểm lớp nhô, chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tiến bộ. Năm 2000, số giáo viên dạy giỏi các cấp là 44 giáo viên; học sinh giỏi các cấp là 21 học sinh; năm học 2004 – 2005 là 111 giáo viên và 80 học sinh. Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến lớp đạt 95%, tỷ lệ tốt nghiệp các cấp hàng năm đều đạt cao, giữ vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học – xoá mù chữ; thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở được 10/18 xã, so với mục tiêu Đại hội đạt 100%.
Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố cả về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, phòng và chống có hiệu quả các dịch bệnh, không có dịch bệnh lớn xảy ra; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo và người tham gia bảo hiểm. Các chỉ tiêu về chương trình y tế quốc gia hàng năm đều được hoàn thành, bố trí đủ cán bộ y tế xã và cộng tác viên thôn bản, đến năm 2005 đã có 5/18 trạm y tế xã có bác sĩ, chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được nâng cao, từ năm 2001 - 2005 đã cấp được 18.163 sổ khám chữa bệnh cho người nghèo; công tác dân số - gia đình - trẻ em có những chuyển biến rõ rệt, giảm tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên từ 0,91% năm 2000 xuống còn 0,82% năm 2005, đạt 100% mục tiêu Đại hội đề ra, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 42,5% năm 2000 xuống còn 30,1% năm 2005.
Các hoạt động văn hoá - thông tin, thể dục - thể thao có nhiều nội dung và hình thức phong phú, từng bước đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, phục vụ kịp thời các ngày lễ, hội và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện; việc khơi dậy và phục hồi nền văn hoá truyền thống mang bản sắc dân tộc được phát huy và có bước phát triển mới, có ba trạm thu phát lại truyền hình thường xuyên hoạt động, phủ sóng được 75% số hộ. Việc xây dựng nếp sống văn hoá được thực hiện có hiệu quả. Về việc cưới, việc tang có chuyển biến tiến bộ, nhiều xóm bản, nhiều xã không còn người nghiện hút và các tệ nạn xã hội khác. Việc vận động đồng bào Mông, Dao thực hiện quy ước nếp sống người Mông, Dao và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được đẩy mạnh và phát triển. Đến năm 2005 toàn huyện đã có 35 làng đạt tiêu chuẩn làng văn hoá; có gần 4.000 hộ được công nhận là gia đình văn hoá; có 9/51 cơ quan, đơn vị, trường học đạt cơ quan, đơn vị văn hoá; xây dựng được 22 nhà văn hoá xóm. Phong trào văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng có nhiều khởi sắc, đã đạt được một số thành tích đáng kể trong các hội thi cấp tỉnh.
Qua các phong trào văn hoá - văn nghệ, thể dục thể thao đã củng cố thêm khối đại đoàn kết dân tộc, trình độ dân trí được nâng cao, đẩy lùi được các tiêu cực xã hội và cải thiện mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó làm cho đời sống tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Công tác lao động - thương binh và xã hội luôn được quan tâm đúng mức, đã đẩy mạnh chương trình giải quyết việc làm với trên 18 dự án, đề án, giải quyết việc làm cho 150 người lao động có việc làm ổn định. Thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách thương binh, gia đình liệt sĩ, chính sách đãi ngộ người có công. Việc vận động xây dựng các loại quỹ từ năm 2001 đến năm 2005 đạt 2 tỷ 469 triệu đồng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện xoá đói giảm nghèo trên địa bàn. Đồng thời chương trình xoá đói giảm nghèo được huyện chỉ đạo sát sao và tổ chức thực hiện với quyết tâm cao cùng với nhiều biện pháp cụ thể. Do đó, tất cả các xã khu vực III đã xây dựng được đề án xoá đói giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2005, các đề án đã được triển khai và thực hiện có hiệu quả; nguồn vốn Chương trình 133, 135 được đầu tư tập trung cho các xã khu vực III và xã biên giới; xây dựng các công trình trường học, phòng khám đa khoa, đường giao thông và lưới điện sinh hoạt, Các hạng mục đã được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết khó khăn về cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cơ sở, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội. Qua nhiều năm nỗ lực và được sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương từ Chương trình 133, 135 nên đã giảm hộ nghèo từ 39,5% xuống còn 13,6% năm 2005. Thực hiện Chương trình 120, 134 của Chính phủ, đến năm 2005 huyện đã xoá nhà tạm, nhà dột nát được 280/928 nhà.
Công tác quốc phòng - an ninh luôn được củng cố và quan tâm xây dựng lực lượng, hàng năm đều bổ sung, xây dựng hoàn chỉnh các phương án chiến đấu, tổ chức huấn luyện, diễn tập đạt kết quả, tuyển quân các năm đều đạt chỉ tiêu trên giao. Huyện thường xuyên chỉ đạo thực hiện phương án chống lấn chiếm biên giới, tổ chức tốt việc phối hợp giữacác lực lượng trong bảo vệ đường biên mốc giới, chống xâm canh, do đó đường biên, cột mốc, chủ quyền biên giới quốc gia luôn được giữ vững, tình hình chính trị và trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo.
Hoạt động của các ngành trong khối nội chính đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ thực thi pháp luật, giữ gìn kỷ cương phép nước. Trong 5 năm qua đã tập trung giải quyết, xét xử được 50 vụ, số tội phạm đã giảm đáng kể, công tác tuyên truyền pháp luật ngày càng được coi trọng.
Công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ xác định là nhiệm vụ then chốt, cần tập trung thực hiện tốt, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng chỉnh đốn Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức; luôn được giữ vững đoàn kết và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; luôn chú trọng xây dựng củng cố hệ thống chính trị.
Việc xây dựng Đảng về chính trị luôn được Đảng bộ thường xuyên quan tâm, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đều được tổ chức, triển khai và thực hiện nghiêm túc; công tác bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ được đẩy mạnh, từ năm 2001 đến năm 2005 đã mở được 90 lớp, tiến hành triển khai các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ, bồi dưỡng lý luận, mở các lớp chuyên đề, nghiệp vụ với tổng số học viên là 6.856 học viên. Quá trình xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng luôn gắn chặt với việc thực hiện các nội dung Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII, Nghị quyết Trung ương 4 (khoá IX) và Quy định 76 của Bộ Chính trị do đó toàn Đảng bộ tiếp tục thấm nhuần chủ nghĩa Mác –Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững bản lĩnh, lập trường tư tưởng, tuyệt đại đa số đảng viên không vi phạm về đạo đức lối sống.
Đảng bộ thường xuyên chăm lo củng cố hệ thống tổ chức Đảng, đến năm 2005 toàn Đảng bộ có 39 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Trong 5 năm (2001 – 2005), Đảng bộ đã kết nạp được 563 đảng viên mới, xoá được 17 xóm, đơn vị chưa có đảng viên. Chất lượng đảng viên luôn được nâng cao; qua đánh giá phân loại đảng viên năm 2001 đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 74,38%; đảng viên hoàn thành nhiệm vụ là 23,26%; đảng viên đủ tư cách nhưng hạn chế một số mặt là 2,12%; hết năm 2004 tỷ lệ tương ứng là 75%; 24,2%; 0,8%.Tổ chức cơ sởđảngđạt trong sạch vững mạnhđều tăng hàng năm, năm 2000 là 20 đơn vị, năm 2004 là 26 đơn vị.
Trong công tác cán bộ, Đảng bộ đã xây dựng đề án quy hoạch cán bộ giai đoạn 2001 - 2005 và đến 2010, từ năm 2001 đến 2005 huyện đã cử đi học các trường của tỉnh và Trung ương là 81 người, điều động và bổ nhiệm 16 đồng chí, tiến hành việc đổi thẻ đảng viên được 1769 đảng viên. Đồng thời chuẩn bị và chỉ đạo tốt công tác nhân sự bầu Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân các cấp và chỉ đạo tốt cuộc bầu cử Quốc hội khoá XI trên địa bàn đạt kết quả.
Cùng với công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức cán bộ là công tác kiểm tra kỷ luật Đảng. Trong nhiệm kỳ qua công tác kiểm tra luôn được coi trọng và tăng cường, có chương trình kế hoạch, có trọng tâm trọng điểm đã tập trung vào việc kiểm tra tổ chức Đảng, đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra của cấp uỷ gắn với tự kiểm tra của cấp uỷ cơ sở. Từ năm 2000 đến năm 2005 đã xem xét giải quyết 7 đơn thư tố cáo về cán bộ, đảng viên, kiểm tra tổ chức cơ sở đảng được 45 lượt. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai sót, lệch lạc của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, giúp đảng viên và cơ sở tổ chức thực hiện tốt hơn điều lệ, nghị quyết của Đảng, đề nghị cấp có thẩm quyền khiển trách 5 đồng chí, cảnh cáo 8 đồng chí, khai trừ 7 đảng viên, xoá tên trong danh sách đảng viên 20 trường hợp, thiết thực góp phần làm trong sạch đội ngũ của Đảng, tăng cường sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn huyện.
Đảng bộ luôn chỉ đạo nhiệm vụ chống quan liêu, tham nhũng, mất đoàn kết mất dân chủ và tệ lãng phí được tiến hành thường xuyên, nên không có những vụ việc lớn xảy ra trong bộ máy Đảng và chính quyền, nội bộ luôn đoàn kết, nguyên tắc tập trung dân chủ được coi trọng và thực hiện tốt.
Công tác vận động quần chúng có nhiều chuyển biến tích cực, đã vận động quần chúng trên địa bàn vượt qua khó khăn, đoàn kết phấn đấu thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Đảng - Nhà nước với nhân dân. Các địa phương từ huyện đến cơ sở đã chăm lo ngày càng nhiều hơn đến đời sống của những đối tượng chính sách xã hội và của những người nghèo đặc biệt là đồng bào Mông, Dao.
Quy chế dân chủ đã được triển khai sâu rộng và thực hiện tốt trong các cơ quan, đơn vị và cơ sở, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, qua các hình thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp để tham gia vào việc xây dựng Đảng, chính quyền, giám sát các hoạt động của cơ quan, cán bộ và công chức nhà nước trên địa bàn, ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng suy thoái về đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu.
Hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền luôn đượccủng cố thường xuyên và ổn định kịp thời sau mỗi cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp đã có nhiều đổi mới về phương thức và nội dung, luôn tuân thủ đúng luật định. Chất lượng các kỳ họp của Hội đồng nhân dân ngày càng được nâng cao, nhất là việc bàn và quyết định các nhiệm vụ kinh tế - xã hội sát với thực tiễn; thực hiện có hiệu quả thiết thực hoạt động giám sát theo luật định, phát huy được vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã được nâng cao một bước về năng lực hoạt động. Tăng cường tiếp xúc cử tri ở các xóm, cụm xóm vùng sâu vùng xa.
Uỷ ban nhân dân đã có nhiều tiến bộ về thực hiện cải cách hành chính, nâng cao phương thức quản lý và điều hành; chấp hành tốt việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, đổi mới cách làm việc, tăng cường chỉ đạo cơ sở, duy trì tốt quy chế họp Uỷ ban nhân dân, thực hiện nề nếp giao ban hàng tháng, kịp thời nắm bắt thông tin và điều hành có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn. Hệ thống chính quyền cơ sở thực sự có nhiều tiến bộ về điều hành quản lý và thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Hệ thống các phòng, ban phát huy được vai trò tham mưu của mình trong thực hiện nhiệm vụ.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng nhân dân luôn được củng cố về tổ chức bộ máy và nhân sự thông qua đại hội nhiệm kỳ của Mặt trận, Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Liên đoàn Lao động. Phương thức hoạt động có những đổi mới, nhiều phong trào lớn được tổ chức phát động, vận động và được nhân dân hưởng ứng thực hiện có hiệu quả. Phong trào quần chúng có nhiều chuyển biến, tiến bộ mới trong thi đua phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn được tăng cường thêm về chất. Các chương trình hành động, kế hoạch công tác của các cấp chính quyền và đoàn thể chuyển tải được những chủ trương, nghị quyết lớn của cấp uỷ. Sự phối hợp giữa chính quyền với các thành viên Mặt trận chặt chẽ và thống nhất hơn trong việc triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị lớn trên địa bàn. Đồng thời đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều biện pháp tích cực trong việc chống truyền đạo trái phép trên địa bàn.
Từ ngày 11 đến 13-10-2005, Đảng bộ huyệnHà Quảng tổ chức Đại hội lần thứ XVII. Đại hội đã đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết lần thứ XVI của Đảng bộ huyện (2001 - 2005) và đề ra phương hướng nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch 5 năm 2005 - 2010; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII đã nhanh chóng được cấp uỷ, chính quyền địa phương triển khai trong thực tiễn đời sống.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khoá XVII nhiệm kỳ 2005 - 2010 gồm 35 đồng chí, Ban Thường vụ 11 đồng chí, đồng chí Nông Thanh Khoa được bầu làm Bí thư Huyện uỷ, đồng chí Nông Văn Thiết làm Phó Bí thư Thường trực, đồng chí Triệu Đình Lê làm Phó bí thư - Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện. Tháng 8-2009, đồng chí Nông Văn Thiết nghỉ chế độ, đồng chí Bế Thanh Giám được bầu làm Phó Bí thư Thường trực. Tháng 11-2009, đồng chí Nông Thanh Khoa chuyển công tác khác, đồng chí Triệu Đình Lê được cử giữ chức Bí thư Huyện uỷ. Đến tháng 12-2009, đồng chí Lãnh Đức Dũng được điều về làm Phó Bí thư và được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện.
Các phong trào hành động trên thực tế của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trong huyện, quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khoá XVII tiếp tục tạo ra sự đổi thay mạnh mẽ và sâu sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương. Thành công của quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội và những kết quả đạt được trong việc đẩy mạnh công cuộc đổi mới sẽ thúc đẩy nhanh hơn quá trình phấn đấu đưa huyện Hà Quảng phát triển nhanh hơn trên mọi lĩnh vực.
Phát huy những thành tựu đạt được trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng quyết tâm đoàn kết một lòng, khắc phục, vượt qua mọi khó khăn thử thách, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII. Đưa Hà Quảng tiếp tục có bước phát triển mới, xứng đáng là quê hương giàu truyền thống cách mạng, góp phần cùng toàn tỉnh thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh".
II. ĐẨY MẠNH CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI, CÔNG NGHIỆP HOÁ NÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN, HỘI NHẬP KINH TẾ VÙNG BIÊN (2005 - 2010)
Sau hơn 20 năm thực hiện công cuộc đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhân dân các dân tộc Hà Quảng phấn khởi trước những thành tựu thu được của địa phương và đất nước. Nhất là sự kiện nước ta gia nhập tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc. Điều đó đã tạo ra không khí phấn khởi, có tác dụng thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, góp phần thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XVII đạt hiệu quả. Đặc biệt, Nghị định số 125 ngày 27-10-2006 của Chính phủ về thành lập thị trấn Xuân Hoà và thành lập xã Vần Dính, huyện Hà Quảng và công tác quy hoạch, chia tách đơn vị hành chính mới được tổ chức có hiệu quả, huyện đã tổ chức công bố thành lập thị trấn Xuân Hoà và xã mới Vần Dính từ tháng 01 - 2007. Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra triển vọng phát triển đối với địa phương trong thời kỳ mới, đáp ứng lòng mong mỏi thiết tha của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện.
Trên cơ sở vận dụng chủ trương, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, các mục tiêu nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2005 – 2010 đã được cụ thể hoá thành 13 chương trình công tác trọng tâm của huyện để chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, Ban thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ Huyện đã ra nghị quyết chuyên đề về một số lĩnh vực kinh tế - xã hội chủ yếu như: Phát triển chăn nuôi đại gia súc, phát triển Ngô, lạc hàng hoá, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, công tác xoá đói, giảm nghèo, giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội… và tập trung chỉ đạo quyết liệt trong toàn hệ thống chính trị, đổi mới lề lối, tác phong, nâng cao hiệu quả công tác, tổ chức có hiệu quả các mục tiêu chương trình, kế hoạch hàng năm. Nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, cơ bản các mục tiêu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Về phát triển kinh tế: Đảng bộ luôn xác định việc phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, có tác dụng thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động khác nên tập trung mọi nguồn lực để tổ chức triển khai, thực hiện bằng việc xây dựng các chương trình hành động cụ thể. Do đó, chất lượng và tốc độ tăng trưởng có bước chuyển biến nhanh, hiệu quả khá cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt trên 16,7%, vượt 0,7% so với Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ khoá XVII nhiệm kỳ 2005 - 2010 đề ra (16%). Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế được đẩy mạnh và đúng hướng là giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp, xây dựng. Từ 2005 đến hết năm 2009, tỷ trọng cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp giảm từ 63,1% xuống còn 31,3%, dịch vụ và công nghiệp xây dựng tăng từ 17,8%, 19,1% lên 42,4% và 26,3%. Đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân GDP/người tăng hàng năm, năm 2005 là 284 USD, hết năm 2009 là 520 USD/người/năm.
Trong sản xuất nông nghiệp: Sau nhiều năm trăn trở tìm một hướng đi phù hợp, hiệu quả cho nông dân, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XVII (nhiệm kỳ 2005 - 2010) đề ra mục tiêu: Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường thâm canh, tập trung phát triển những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao để sản xuất hàng hoá. Từ mục tiêu đó, những nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động cụ thể được xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện từ huyện đến cơ sở. Thực tiễn sinh động luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền bám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm, từ đó đã hình thành một công thức cụ thể trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện phù hợp với lợi thế từng vùng của địa phương - công thức "3 cây + 1 con", đó là phát triển chăn nuôi đại gia súc, trọng điểm là chăn nuôi bò; cây thuốc lá ở vùng thấp; ngô và lạc hàng hoá ở vùng cao. Đây là một bước tiến mới trong lãnh đạo phát triển kinh tế ở địa phương
Huyện đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất và sản lượng các loại cây trồng, tăng cường đưa khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm ở cơ sở được củng cố, kiện toàn, cơ bản đủ về số lượng và kịp thời được trang bị những kiến thức cần thiết góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển. Đến hết năm 2009 có 212/212 xóm có cộng tác viên khuyến nông khuyến lâm, 19/19 xã, thị trấn có cán bộ khuyến nông khuyến lâm. Từ năm 2005 đến hết năm 2009 đã triển khai tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được 330 lớp, với 14.136 lượt người tham gia tại các cơ sở; đẩy mạnh triển khai các mô hình trình diễn, mô hình điểm, mô hình cánh đồng 30 triệu, 50 triệu/ha có kết quả. Cung ứng các loại phân bón và giống có năng suất - chất lượng cao, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc và tăng năng suất sản lượng cây trồng cho nhân dân.
Trong sản xuất lương thực, trình độ thâm canh tiếp tục được nâng cao một bước, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật có những tiến bộ mới. Tỷ lệ diện tích áp dụng giống mới tăng hàng năm. Do áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổng sản lượng lương thực có hạt hàng năm tăng khá nhanh, năm 2005 là 14.489 tấn; năm 2009 đạt 15.168 tấn. Bình quân lương thực đầu người hàngnăm tăng từ 419 kg (năm 2005) lên 460 kg (năm 2009)
Cây công nghiệp ngắn ngày, chủ yếu là thuốc lá, lạc, đỗ tương được phát triển cả về diện tích, năng suất, chất lượng và sản lượng, phù hợp với thế mạnh và đặc điểm của từng vùng. Ngô hàng hoá và lạc giống L14 là hai loại cây trồng mới đang được phát triển ở Hà Quảng, tập trung ở các xã vùng cao. Năm 2006, mới có 6 xã trồng ngô hàng hoá, lạc giống L14, đến năm 2009 đã có 11 xã tham gia. Đặc biệt cây thuốc lá đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ là cây xoá đói, giảm nghèo mà đã trở thành cây làm giàu cho nhân dân. Huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cam kết hợp đồng với Viện Kinh tế - Kỹ thuật thuốc lá; thị trường tiêu thụ ổn định, nông dân được hỗ trợ giống, kỹ thuật… nên yên tâm sản xuất. Riêng năm 2009, nông dân Hà Quảng đã thu được trên 50 tỷ đồng từ trồng thuốc lá, có một số hộ thu nhập từ thuốc lá mỗi vụ gần 100 triệu đồng. Cây thuốc lá tiếp tục sẽ là cây thế mạnh của địa phương trong thời gian tới.
Giá trị bình quân trên 1 ha gieo trồng tăng hàng năm, năm 2005 đạt trên 12 triệu đồng, đến hết năm 2009, đạt trên 26 triệu đồng, trong đó vùng cao đạt hơn 15 triệu đồng, vùng thấp đạt hơn 48 triệu đồng, vượt mục tiêu đại hội đề ra.
Chăn nuôi có bước tăng trưởng và phát triển. Tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng hàng năm, kiểm soát được dịch bệnh trong gia súc, gia cầm. Đặc biệt Đảng bộ đã tập trung mọi nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt phát triển đàn bò hàng hoá. Nghị quyết của Đảng bộ đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, ra sức thực hiện. Cùng với đó, huyện luôn cố gắng tạo mọi điều kiện hỗ trợ và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Để khuyến khích phát triển chăn nuôi bò, ngoài sự hỗ trợ theo chính sách chung của tỉnh, hàng năm huyện mở "hội thi bò xuân", tôn vinh những người chăn nuôi bò giỏi tạo thêm động lực thúc đẩy bà con nông dân hăng hái thi đua phát triển chăn nuôi bò hàng hoá ngày càng phát triển; sản phẩm thịt bò Mông của huyện đã có mặt trên thị trường trong tỉnh và tại Hà Nội được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nhiều hộ chăn nuôi bò từng bước vươn lên thoát nghèo và một số đã trở thành hộ khá, giàu. Ngoài ra, cùng với phát triển đàn bò hàng hoá, mô hình lợn đen thương phẩm bước đầu đã phát huy được hiệu quả, thị trường đang có nhu cầu cao về sản phẩm lợn đen của địa phương, tiếp tục mở ra triển vọng mới đóng góp cho ngành chăn nuôi của địa phương.
Về lâm nghiệp: huyện chỉ đạo sát sao nên phong trào trồng rừng, khoanh nuôi, tu bổ, bảo vệ, chăm sóc rừng đạt nhiều kết quả quan trọng nên đã nâng độ che phủ rừng từ 49% năm 2005 lên 53,2% đến hết năm 2009 đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVII đề ra. Đồng thời chỉ đạo từng bước phát triển rừng kinh tế phù hợp với đặc điểm của từng vùng.
Các chương trình dự án định canh định cư nhất là dự án đưa dân trở lại các xóm trắng sát biên giới được thực hiện có kết quả, từ năm 2005 đến hết năm 2009 có 27 hộ được hỗ trợ di dãn ra các xóm trắng ở biên giới, từng bước ổn định đời sống gắn với bảo vệ tài nguyên và đường biên mốc giới. Tình trạng dân di cư tự do cơ bản đã chấm dứt.
Về thương mại - du lịch những năm 2005 - 2010 có bước phát triển quan trọng, hàng hoá phong phú, lưu thông thuận lợi; nhiều ngành nghề truyền thống được khôi phục và đem lại hiệu quả, đã xây dựng được thương hiệu làng nghề “Khẩu sli” Nà Giàng và thành lập hợp tác xã để tổ chức sản xuất hàng hoá gắn với duy trì và bảo vệ thương hiệu. Màng lưới thương nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh được củng cố, đảm bảo cung cấp đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Các khâu dịch vụ trong xã hội ngày càng được mở rộng và phát triển đặc biệt là màng lưới dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn như vật tư, phân bón và các dịch vụ khác như dịch vụ giáo dục, y tế ngày càng đa dạng, phát huy hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống.
Về du lịch: xác định được lợi thế của huyện trong phát triển ngành du lịch với các địa danh như: hang Pác Bó, núi Các Mác, suối Lê-Nin, lán Khuổi Nặm đã in sâu vào những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng vinh dự trở thành quê hương thứ hai của Bác Hồ kính yêu và là cội nguồn cách mạng Việt Nam. Trong những năm 2005 - 2010, huyện đã tích cực tham gia với các cơ quan liên quan của Trung ương và tỉnh xây dựng dự án tổng thể tôn tạo và phát triển Khu di tích lịch sử Pác Bó, đã từng bước triển khai và thực hiện có hiệu quả; đồng thời chủ động phát huy và khai thác tiềm năng du lịch gắn với khu di tích lịch sử Pác Bó. Bình quân hàng năm thu hút hơn 50 ngàn lượt khách đến thăm khu di tích lịch sử Pác Bó.
Kinh tế đối ngoại thường xuyên được chú trọng, mở rộng giao lưu, hợp tác về trao đổi, lưu thông hàng hoá giữa nhân dân Hà Quảng với nhân dân 2 huyện Nà Po và Trịnh Tây, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Huyện đã liên kết với huyện Nà Po thử nghiệm thành công mô hình trồng dâu nuôi tằm, góp phần mở ra triển vọng mới cho quan hệ hữu nghị giữa hai địa phương nói riêng và quan hệ hai nước nói chung trong thời kỳ mới. Tổ chức thành công Hội chợ Thương mại năm 2008, năm 2009 thu hút hơn 100 gian hàng của các nhà doanh nghiệp, tư thương của địa phương, trong và ngoài tỉnh cùng với một số thương nhân Trung Quốc tham gia. Từ đó góp phần tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên lên một bước mới.
Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng. Việc ứng dụng cơ giới nhỏ và công cụ cải tiến vào sản xuất và phục vụ đời sống tiếp tục tăng về số lượng, toàn huyện có trên 887 máy cày, bừa các loại, trên 3.203 máy tuốt lúa và nhiều loại công cụ cơ giới khác phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Giá trị tổng sản lượng toàn ngành tăng hàng năm, năm 2005 là: 740,254 triệu đồng đến hết năm 2009 là: 3.410,50 triệu đồng, bình quân hàng năm tăng trên 20%. Các sản phẩm chủ yếu là khai thác đá, sản xuất gạch, hương, giấy, xay sát, đồ sắt, mộc. Các ngành nghề truyền thống được khôi phục và phát huy.
Công tác quản lý, thu ngân sách trên địa bàn có nhiều cố gắng: thường xuyên bồi dưỡng các nguồn thu có khả năng thu trên địa bàn, đồng thời khai thác có hiệu quả các nguồn thu mới. Do đó công tác thu ngân sách đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra, tăng bình quân trên 20%/năm, vượt mục tiêu đại hội XVII đề ra. Năm 2005 đạt 2.086/1.733 triệu đồng; năm 2009 đạt 4.784/4.000 triệu đồng. Công tác chi ngân sách luôn được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo kịp thời, đúng chế độ, đúng luật định, đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển, không để xảy ra tiêu cực thất thoát, tham ô, tham nhũng, lãng phí.
Kho bạc Nhà nước thực hiện tốt chức năng của mình, luôn bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ phục vụ thu, chi ngân sách, đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên của địa phương. Thường xuyên đảm bảo an toàn kho quỹ. Kết quả huy động trái phiếu, công trái năm 2005 và năm 2006 đạt hiệu quả, với số vốn huy đông là 9.400,76 triệu đồng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Hoạt động ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thường xuyên bám sát và góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kết quả huy động vốn của ngân hàng những năm qua đều tăng hàng năm, luôn đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhân dân. Kết quả năm 2005 huy động trên địa bàn được với số vốn là 29.749 triệu đồng; số dư nợ là 22.333 triệu đồng; đến hết năm 2009 huy động vốn trên địa bàn là 93.270 triệu đồng; số dư nợ là 46.676 triệu đồng.
Ngân hàng chính sách xã hội có những chuyển biến tiến bộ, thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, các đối tượng chính sách được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phục vụ nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Kết quả huy động vốn tại địa bàn và số dư nợ đều tăng lên qua các năm, năm 2005 huy động vốn trên địa bàn được hơn 166 triệu đồng, số dư nợ là hơn 7.317 triệu đồng; đến hết năm 2009, số tiền huy động trên địa bàn là hơn 599 triệu đồng, sô dư nợ là hơn 51.668 triệu đồng
Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các thành phần kinh tế của địa phương có bước chuyển biến tiến bộ. Kinh tế quốc doanh đã thực hiện cổ phần hoá, hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả ngày càng cao, chủ động, năng động hơn trong tìm kiếm khai thác thị trường. Kinh tế ngoài quốc doanh phát triển khá, tích cực tham gia vào hoạt động kinh tế và thị trường đạt hiệu quả; kinh tế hợp tác và hợp tác xã được quan tâm xây dựng đáp ứng với đòi hỏi của thực tiễn, từ năm 2005 đến 2009 đã xây dựng và thành lập được 17 hợp tác xã, đang từng bước phát triển với các quy mô và trình độ phù hợp, có 02 doanh nghiệp tư nhân của địa phương đang hoạt động có hiệu quả trên địa bàn. Kinh tế hộ gia đình đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, các mô hình kinh tế hộ được phát triển theo hướng đa dạng tổng hợp, đạt hiệu quả. Hộ sản xuất kinh doanh giỏi thu nhập khá ngày càng tăng, tổng số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn huyện (cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã) từ năm 2005 đến hết năm 2009 có 2.346/7.904 hộ, chiếm 29,68% tổng số hộ trong toàn huyện.
Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng: Huyện đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các dự án và các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình 120, 159, 135 giai đoạn II, 134,167…, tổng vốn đầu tư cho các chương trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu giai đoạn 2006- 2009 là: 393,913 tỷ đồng (chỉ tính riêng phần vốn ngân sách nhà nước đầu tư, do địa phương quản lý).
Với các nguồn vốn được đầu tư theo các chương trình, dự án cộng với sự nỗ lực phát huy nội lực, từ năm 2005 đến hết năm 2009 đã đầu tư xây dựng được 95,38 km đường giao thông, có 19/19 xã, thị trấn đã có đường ô tô đến trung tâm; 12,77 km kiên cố hoá kênh mương; 09 trụ sở làm việc các xã; 209 phòng học và 01 nhà hội đồng; 03 nhà trạm y tế; 78,47 km đường dây điện thắp sáng; 88 bể nước sinh hoạt công cộng cho nhân dân; xoá được 1.121 nhà tạm, nhà dột nát cho nhân dân. Nhìn chung các công trình thi công trên địa bàn đều đảm bảo chất lượng, kịp thời bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng. Việc quản lý, khai thác và sử dụng các công trình đã có tiến bộ rõ rệt.
Tình hình văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Về giáo dục - đào tạo, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện với nỗ lực và quyết tâm cao, do đó, hệ thống trường lớp được mở rộng và cơ bản ổn định, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Năm học 2004 - 2005, toàn huyện có 34 trường, đến năm học 2009 - 2010 có 44 trường. Đặc biệt, việc thành lập Trường trung học phổ thông Lục Khu và tổ chức khai giảng năm học 2008 – 2009 đã đáp ứng sự mong đợi của nhân dân và học sinh của khu vực này, mở ra triển vọng phát triển mới cho nhân dân vùng cao Lục Khu, góp phần nâng cao dân trí phục vụ cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của địa phương trong thời kỳ mới.
Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên rõ rệt, số học sinh khá, giỏi ngày càng tăng; số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng hàng năm, năm học 2004-2005 có 21 em, năm 2008-2009 có 69 em đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, chưa kể hệ B. Huyện tăng cường công tác chỉ đạo việc xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các bậc học từ bậc mầm non đến bậc trung học phổ thông, kết quả đã có 01 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức I vào năm 2008.
Huyện cũng chỉ đạo thường xuyên nghiêm túc thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đối với học sinh nghèo theo Quyết định 112/CP và Chương trình 186/CP của Chính phủ. Kết quả từ năm 2005 - 2009 đã có 5.493 lượt học sinh các cấp từ bậc học mầm non đến bậc trung học cơ sở được hỗ trợ hàng tháng với tổng kinh phí hơn 2.899 triệu đồng; 39.087 lượt học sinh các cấp được hỗ trợ sách giáo khoa và vở viết với tổng kinh phí hơn 1.429 triệu đồng. Từ đó, nhiều em học sinh nghèo có thêm động lực để vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập.
Công tác y tế, dân số: Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố cả về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ; công tác chăm sóc sức khoẻ nhân được nâng lên một bước mới. Các trang thiết bị khám, chữa bệnh được trang bị đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế các cấp, đặc biệt là đưa bác sỹ về 8 cơ sở xã, thị trấn, bước đầu đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Đội ngũ y, bác sỹ không ngừng nâng cao về y đức, tận tuỵ chăm sóc, cứu chữa người bệnh. Từ 2005 đến hết năm 2009 có 230.019 lượt bệnh nhân được khám, 17.490 lượt bệnh nhân được điều trị nội trú. Công tác dân số có những chuyển biến rõ rệt, giảm tỷ suất sinh từ 0,02 % (năm 2005) xuống còn 0,032 % hết năm 2009, đạt mục tiêu Đại hội XVII đề ra, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 28,7% năm 2005 xuống còn 23% hết năm 2009.
Các hoạt động văn hoá - thông tin, thể dục - thể thao có nhiều nội dụng và hình thức phong phú, từng bước đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, phục vụ kịp thời các ngày lễ, hội và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện. Các lễ hội truyền thống đã từng bước được khôi phục, Hội thi Bò xuân hàng năm đã được tổ chức thường xuyên và trở thành ngày hội xuân của đồng bào các dân tộc. Phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá, xây dựng nhà văn hoá thường xuyên được quan tâm chú trọng. Từ năm 2005 đến hết năm 2009 có 15.651 lượt gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá; 154 lượt làng, 73 lượt cơ quan đạt danh hiệu làng, cơ quan, đơn vị văn hoá; xây dựng được 83 nhà văn hoá xóm, 02 nhà văn hoá xã, cơ bản đáp ứng nơi sinh hoạt văn hoá và phục vụ các nhiệm vụ khác cho nhân dân.
Công tác lao động - thương binh và xã hội luôn được quan tâm đúng mức, từ năm 2005 đến hết năm 2009 chương trình giải quyết việc làm đã giải quyết việc làm cho 1.271 người lao động có việc làm ổn định; xuất khẩu lao động 105 người. Chất lượng lao động từng bước được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo năm 2009 đã đạt 14,37%, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2005 (4,5%).
Huyện cũng thực hiện tốt các chính sách xã hội, chính sách thương binh, gia đình liệt sỹ, chính sách đãi ngộ người có công và các đối tượng chính sách khác. Việc vận động xây dựng các loại quỹ từ năm 2005 đến hết năm 2009 với 11 loại quỹ, đạt gần 3,5 tỷ đồng, góp phần tăng thêm nguồn lực quan trọng cho thực hiện xoá đói giảm nghèo cũng như giải quyết các vấn đề an sinh xã hội khác trên địa bàn có hiệu quả.
Một thành công lớn của huyện trong những năm 2005 - 2010 là những nỗ lực và thành tích trong công tác xoá đói giảm nghèo. Huyện đã chỉ đạo triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình 135, 134, Nghị quyết 30a/CP… có hiệu quả, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, chương trình xoá đói giảm nghèo được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ với nhiều biện pháp cụ thể và đem lại hiệu quả thiết thực. Kết thúc giai đoạn I, đã có 3/19 xã ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn, hiện nay còn có 13 xã đang tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn II. Đời sống của nhân dân đã từng bước được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 57,037% năm 2006 xuống còn 39,88% hết năm 2009, bình quân mỗi năm giảm 4,37%, vượt chỉ tiêu Đại hội XVII đề ra.
Về quốc phòng - an ninh, đối ngoại: Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, hàng năm huyện thường xuyên quan tâm công tác tổ chức, xây dựng, củng cố lực lượng, đồng thời nâng cao chất lượng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu đảm bảo theo các phương án đã định cho lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác động viên tuyển quân hàng năm hoàn thành đảm bảo đạt chỉ tiêu trên giao. Từ năm 2005 đến hết năm 2009 động viên được 226 thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Huyện cũng chỉ đạo tổ chức diễn tập khu vực, diễn tập tác chiến trị an các xã đạt hiệu quả. Từ 2005 đến hết năm 2009 có 13 xã được diễn tập theo 5 cụm, kết quả đều đạt từ loại khá; tổ chức thành công diễn tập phòng chống cháy rừng cấp huyện năm 2009, được tỉnh đánh giá đạt loại giỏi. Từ kết quả của các đợt diễn tập, năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, sự điều hành của các cấp chính quyền, vai trò tham mưu của các ban ngành, đoàn thể đều được nâng lên rõ. Đặc biệt là khẳng định rõ vai trò làm tham mưu nòng cốt của lực lượng vũ trang địa phương trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được bảo đảm, không xảy ra điểm nóng trên địa bàn. Các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm được chỉ đạo tăng cường một cách quyết liệt, do đó tình hình tội phạm có chiều hướng giảm. Từ năm 2005-2009 xảy ra 199 vụ (2005 có 38 vụ đến năm 2009 còn có 26 vụ). Đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả đề án 3 giảm (giảm tội phạm, giảm tai nạn giao thông; giảm tệ nạn ma tuý) của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Tạo được ý thức chung của toàn xã hội, xây dựng được thế trận lòng dân trong phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm. Do đó các tiêu chí của đề án đều giảm, trong đó tội phạm hình sự giảm qua các năm, từ cao điểm năm 2006 xảy ra 53 vụ giảm xuống còn 26 vụ hết năm 2009. Tình hình các loại tệ nạn xã hội trên địa bàn có chiều hướng giảm và từng bước được đẩy lùi.
Là một huyện miền núi, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, đồng bào các dân tộc sống phân tán, nhỏ lẻ, trình độ dân trí thấp, trình độ cán bộ cơ sở còn hạn chế nên việc tuyên truyền vận động nhân dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, Đảng bộ thường xuyên được quan tâm chỉ đạo việc nắm tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là việc triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm 2005 - 2010, trên địa bàn huyện xuất hiện một bộ phận đồng bào dân tộc Mông ở một số xã theo đạo Tin lành. Qua theo dõi thực tế có 10 điểm nhóm, trong đó 08 điểm nhóm theo đạo Tin lành Việt Nam (miền Bắc); 02 điểm nhóm theo đạo Tin lành liên hữu cơ đốc (miền Nam). Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, Đảng bộ huyện đã kịp thời chỉ đạo việc quản lý, cho đăng ký hoạt động theo tinh thần Thông báo số 160-TB/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 01/CT-TTg của Chính phủ về chủ trương đối với đạo Tin lành, đã có 03 điểm nhóm được đăng ký quản lý đúng theo quy định của pháp luật.
Công tác đối ngoại nói chung, nhất là duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị với 2 huyện tiếp giáp (Nà Po, Trịnh Tây - Quảng Tây - Trung Quốc) được quan tâm chỉ đạo theo phương châm “16 chữ vàng” và quan hệ “4 tốt” mà lãnh đạo cấp cao 2 nước đã thoả thuận và cam kết. Khu vực biên giới được bảo vệ vững chắc.
Trong giai đoạn 2005 - 2010, việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền với một hệ thống mốc giới hiện đại, đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định, lâu dài, hợp tác và phát triển giữa hai nước, mở ra một trang sử mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Xuất phát từ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác phân giới cắm mốc, huyện chỉ đạo 9 xã biên giới và các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp với lực lượng chuyên môn làm công tác phân giới cắm mốc đúng tiến độ quy định và đã hoàn thành vào ngày 04-12-2008. Sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc huyện Hà Quảng có tất cả 100 cột mốc trong đó có 86 mốc chính, 14 mốc phụ từ mốc 638 (xã Sóc Hà) giáp huyện Thông Nông đến mốc 723 (xã Tổng Cọt) giáp huyện Trà Lĩnh với đường biên giới dài 61,7 km.
Sau phân giới, huyện đẩy mạnh việc tuyên truyền kết quả phân giới cắm mốc để tạo được nhận thức chung trong toàn Đảng bộ và nhân dân về kết quả phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Đồng thời thông qua tuyên truyền nhằm không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, quyết tâm giữ vững chủ quyền, biên giới quốc gia, góp phần xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, bền vững lâu dài. Nhờ đó, trong năm 2009, Hà Quảng đã giải quyết xong việc hỗ trợ cho nhân dân phần diện tích và số mồ mả của nhân dân phải di dời trên diện tích quy thuộc về phía Trung Quốc theo Quyết định 143 của Thủ tướng Chính phủ. Tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân ổn định, luôn tin tưởng tuyệt đối ở sự lãnh đạo của Đảng, tin tưởng vào quan hệ láng giềng, hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước đang trên đà phát triển.
Cùng với phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Đảng bộ luôn xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng chỉnh đốn Đảng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức; luôn giữ vững đoàn kết và thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; luôn chú trọng xây dựng củng cố hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân.
Về công tác xây dựng Đảng: Đảng bộ thường xuyên kịp thời tổ chức tốt việc kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương, tạo cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân niềm tin tưởng, phấn khởi, tự hào về truyền thống hào hùng của dân tộc; từ đó tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương có bước phát triển mới. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đều được tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc; công tác bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ được đẩy mạnh, số lượng và chất lượng các lớp không ngừng được nâng lên, kịp thời trang bị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên những kiến thức cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Từ năm 2005 đến hết năm 2009 đã mở được 156 lớp triển khai nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ, bồi dưỡng lý luận, chuyên đề, nghiệp vụ với hơn 9.770 lượt học viên tham gia. Quá trình xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng luôn gắn chặt với việc thực hiện các nội dung Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII, Quy định số 76 của Bộ chính trị; quán triệt và thực hiện tốt chủ trương phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương III (khoá X).
Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai thực hiện từ đầu năm 2007. Hà Quảng vinh dự được tỉnh chọn làm nơi phát động Cuộc vận động vào ngày 27/01/2007 đúng dịp kỷ niệm 66 năm Ngày Bác Hồ về nước tại Khu di tích lịch sử Pác Bó. Đảng bộ đã xác định rõ, Cuộc vận động này có ý nghĩa chính trị - xã hội rất lớn gắn với trách nhiệm, vinh dự của quê hương và gắn với sự chỉ đạo, niềm tin của Tỉnh uỷ đã chọn Đảng bộ huyện Hà Quảng làm đơn vị điểm trong thực hiện Cuộc vận động, vì vậy phải thực sự quyết tâm chỉ đạo triển khai và thực hiện Cuộc vận động một cách nghiêm túc, có hiệu quả ngay từ đầu. Do đó, sau lễ phát động của tỉnh, các cấp uỷ Đảng từ huyện đến cơ sở đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện. Trong ba năm (2007 - 2009) đã chủ động ban hành 9 Quyết định, 10 Kế hoạch, 6 báo cáo, 4 thông báo, 8 công văn chỉ đạo và 15 văn bản hướng dẫn để triển khai các bước thực hiện Cuộc vận động. Ban Thường vụ Huyện uỷ, Ban chỉ đạo huyện đã chỉ đạo, tổ chức tốt Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" từ vòng sơ khảo cấp cơ sở tại 3 cụm thi đến vòng chung khảo cấp huyện với tổng số 4 Hội thi và trên 65 lượt thí sinh dự thi; tổ chức tốt các Hội nghị nghiên cứu, học tập các chuyên đề của Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Từ năm 2007 - 2009, đã triển khai được 78 lớp, học 6 chuyên đề về tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các đoàn thể quần chúng nhân dân ở 100% tổ chức cơ sở Đảng, đảm bảo yêu cầu về nội dung và có chất lượng cao. Đến năm 2010, tất cả các chi, đảng bộ và các tổ chức trong hệ thống chính trị đều đã xây dựng được chương trình hành động và tiêu chí phấn đấu về đạo đức, lối sống; 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của các đơn vị từ huyện đến cơ sở đều có bản đăng ký những việc làm tốt theo tấm gương đạo đức của Bác. Quá trình thực hiện cuộc vận động đã có tác dụng thiết thực, thúc đẩy kinh tế - xã hội có bước phát triển mới. Đặc biệt là đã bướcđầuđẩy lùi được sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Quá trình đó, đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình có thành tích xuất sắc trong việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác trên tất các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo nền tảng đạo đức mới góp phần xây dựng xã hội lành mạnh và phát triển. Những điển hình này chính là nhân tố trở thành tiền đề, động lực để thúc đẩy Cuộc vận động đi vào chiều sâu và có chất lượng hơn trong thời gian tới.
Công tác xây dựng Đảng thường xuyên quan tâm, chăm lo cả về số lượng và chất lượng, hệ thống tổ chức Đảng luôn kịp thời được củng cố kiện toàn, đến năm 2010, toàn Đảng bộ có 50 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc. Trong nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã kết nạp được 671 đảng viên mới, tách và thành lập được 65 chi bộ xóm, xoá được 53 xóm chưa có đảng viên. Chất lượng đảng viên không ngừng được nâng cao; qua đánh giá, phân loại đảng viên cho thấy: năm 2005: đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là 77,72%; đảng viên đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ là 22,17%; đảng viên đủ tư cách nhưng hạn chế một số mặt là 0,1%; năm 2009 tỷ lệ tương ứng là: 80 %, 20% , 0,3%. Tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh đều tăng hàng năm, năm 2005 là 20 đơn vị, năm 2009 là 32 đơn vị.
Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng luôn được coi trọng, đổi mới phương thức, tăng cường và có chương trình kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm đã tập trung vào việc kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, đảng viên chấp hành điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ gắn với tự kiểm tra, giám sát của cấp uỷ cơ sở. Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời phát hiện uốn nắn những sai sót, lệch lạc của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, giúp đảng viên và cơ sở tổ chức thực hiện tốt hơn điều lệ, nghị quyết của Đảng. Từ năm 2005 -2010 đã xem xét giải quyết 20 đảng viên, kiểm tra tổ chức cơ sở Đảng được 552 lượt. Tiến hành khiển trách 08, cảnh cáo 09, đình chỉ sinh hoạt 02, cách chức 1, tổ chức vi phạm 2 Đảng uỷ. Từ công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ qua cho thấy, việc tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên đang có tác dụng thiết thực góp phần làm trong sạch đội ngũ của Đảng, tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn.
Nhiệm vụ chống quan liêu, tham nhũng, mất đoàn kết, mất dân chủ và tệ lãng phí được tiến hành thường xuyên, không có những vụ việc lớn xảy ra trong bộ máy Đảng và chính quyền, nội bộ đoàn kết, nguyên tắc tập trung dân chủ được coi trọng và thực hiện tốt. Huyện thường xuyên chỉ đạo công tác kiểm tra giám sát các hoạt động của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và quá trình tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực bằng việc phân công các đồng chí Uỷ viên Ban thường vụ, Ban chấp hành phụ trách các cơ sở, để kịp thời nắm bắt tình hình và phản ánh, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện các nhiệm vụ ở cơ sở.
Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố và kiện toàn kịp thời, quy tụ, tập hợp đoàn kết tốt trong Đảng và nhân dân, cơ bản phát huy được vai trò lãnh đạo của Đảng. Lề lối, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, công chức có nhiều đổi mới và tiến bộ, chất lượng hiệu quả công tác đạt cao hơn. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được quan tâm thực hiện tốt bằng nhiều phương thức; trong đó huyện đã liên kết với trường Cao đẳng sư phạm Cao Bằng mở được một lớp đào tạo trình độ Cao đẳng cho cán bộ và dự nguồn cán bộ xã, cử đi học các trường ở tỉnh và Trung ương gần 200 người.
Hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp đã có nhiều đổi mới về phương thức và nội dung. Chất lượng các kỳ họp Hội đồng nhân dân ngày càng nâng cao, nhất là việc bàn và quyết định các nhiệm vụ kinh tế - xã hội sát với thực tiễn; thực hiện có hiệu quả hoạt động giám sát theo luật định, phát huy được vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Uỷ ban nhân dân các cấp có nhiều đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành; đổi mới cách làm việc, tăng cường chỉ đạo cơ sở, kịp thời nắm bắt thông tin và điều hành có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên địa bàn.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân luôn được quan tâm củng cố về tổ chức bộ máy. Phương thức hoạt động tiếp tục có những đổi mới, nhiều phong trào lớn được tổ chức phát động, vận động và được nhân dân hưởng ứng thực hiện có hiệu quả nên phong trào quần chúng có nhiều chuyển biến, tiến bộ mới trong thi đua góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của địa phương.
Mối quan hệ giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn được tăng cường thêm về chất. Sự phối hợp giữa chính quyền với các thành viên Mặt trận được chặt chẽ và thống nhất hơn trong việc triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị lớn trên địa bàn. Đồng thời đã phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện nhiều biện pháp tích cực trong việc tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc trên địa bàn.
Những thành tựu mà Hà Quảng đạt được trong 5 năm (2005 - 2010) thể hiện sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân huyện nhà. Đó là nguồn động lực to lớn để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục giành được nhiều thành tích to lớn hơn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương phát triển ngày càng giàu đẹp.
KẾT LUẬN
Trải qua 80 năm đấu tranh kiên cường, gian khổ, dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, nhân dân các dân tộc Hà Quảng bằng mồ hôi xương máu đã làm nên nhữngthành tựu rất đáng tự hào.
Với sự nỗ lực phi thường, Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng đã sớm xây dựng mảnh đất địa đầu thành một trong những huyện có lực lượng cách mạng vững mạnh, đi đầu trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.Từ một vùng đất tăm tối, đau thương dưới ách thống trị tàn bạo của thực dân, phong kiến, khi được ánh sáng cách mạng soi rọi tới, Hà Quảng mau chóng chuyển mình để từng bước
trở thành một địa bàn có phong trào cách mạng sâu rộng, mạnh mẽ. Bắt đầu từ những đốm lửa được nhen nhóm lên trong phong trào chống đế quốc, phong kiến những năm 1930 - 1935, Hà Quảng đã tiến một bước dài trong phong trào vận động dân chủ 1936 - 1939, để rồi trở thành một trong những vùng sôi động cách mạng trong cao trào cứu nước giải phóng dân tộc 1940 - 1945.
Trải qua quá trình vận động liên tục, lực lượng cách mạng của nhân dân Hà Quảng không ngừng được củng cố và phát triển. Từ những "Hội đánh Tây" , đến các "Hội cứu quốc" tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước, tiến bộ khắp làng bản, các dân tộc ở vùng thấp, vùng cao; sau 15 năm, Hà Quảng đã có một đội quân chính trị rộng lớn. Từ nhữnglực lượng chống phỉ được hình thành một cách tự phát, Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng đã tiến tới xây dựng các đội tự vệ thường, tự vệ chiến đấu, các đội vũ trang thoát ly từ xã đến huyện. Lực lượng của đạo quân chính trị quần chúng kết hợp với lực lượng vũ trang cách mạng đã đủ sức mạnh tạo nên thế áp đảo kẻ thù.
15 năm vận động và phát triển, những hạt giống cách mạng gieo vào mảnh đất Hà Quảng, được đồng bào các dân tộc nuôi dưỡng, đã mau chóng đâm chồi, nảy lộc và trở thành một vườn cây cách mạng tươi tốt. Nhờ vậy, Hà Quảng đã trở thành một trong những huyện Việt Minh "hoàn toàn", một trong những nơi có phong trào cách mạng mạnh nhất tỉnh Cao Bằng như đánh giá của Tổng bộ Việt Minh. Do đó, tương quan thế và lực giữa cách mạng và phản cách mạng trên địa bàn Hà Quảng đã dần dần chuyển hoá có lợi cho cách mạng, tạo điều kiện để phong trào cách mạng Hà Quảng đứng vững trước những đòn tiến công của kẻ thù và khi thời cơ đến có thể mau chóng tiến công giành thắng lợi.
Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng sau những năm đấu tranh không mệt mỏi, đã sớm giành và giữ vững được chính quyền cách mạng, tích cực vận động nhân dân tham gia kháng chiến. Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, nhân lúc chính quyền tay sai của Pháp đang rệu rã, phát xít Nhật chưa kịp với tay tới địa phương, Đảng bộ đã mau lẹ lãnh đạo các lực lượng vũ trang cách mạng chủ động tiến công các đồn bốt địch, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc nổi dậy giành quyền làm chủ từ huyện xuống xã. Hà Quảng là một trong những huyện hệ thống chính quyền cách mạng được xây dựng sớm nhất ở Cao Bằng và toàn quốc, cũng là nơi hệ thống chính quyền cách mạng được bảo vệ, không ngừng củng cố và sớm phát huy được vai trò tích cực của mình. Chính quyền cách mạng mới ra đời đã tổ chức quần chúng bao vây, kiềm toả lực lượng của Nhật, kiên quyết tiễu trừ thổ phỉ, thực hiện có hiệu quả 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh. Những hoạt động toàn diện này đã đem đến cho đồng bào các dân tộc Hà Quảng những quyền lợi thiết thực, củng cố sự gắn bó máu thịt giữa quần chúng với Đảng, với cách mạng, tạo ra một sức mạnh to lớn, áp đảo, để khi tổng khởi nghĩa toàn quốc nổ ra, Hà Quảng đã nhanh chóng quét sạch bọn phát xít khỏi địa phương. Việc sớm ra đời và trưởng thành của hệ thống chính quyền cách mạng ở Hà Quảng là sự phản ánh tập trung nỗ lực cao của đồng bào các dân tộc trong huyện và là biểu hiện đậm nét sức mạnh, trình độ phát triển của phong trào cách mạng địa phương cổ vũ động viên nhân dân tích cực tham gia kháng chiến thắng lợi.
Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng đã phát huy được vai trò tiên phong, đã có những đóng góp to lớn, cụ thể, thiết thực, quan trọng đối với phong trào cách mạng của tỉnh và toàn quốc.Cùng với Hoà An, Nguyên Bình, Hà Quảng là huyện vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi thí điểm Mặt trận Việt Minh, lấy đó làm cơ sở để nhân rộng ra toàn quốc. Hà Quảng tự hào là mảnh đất thay mặt cả nước đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba khắp thế giới, là mảnh đất được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm đại bản doanh cách mạng để chỉ đạo cao trào giải phóng dân tộc. Hà Quảng là nơi đã diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng trong tình hình mới, quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, Đội thiếu niên cứu quốc, là nơi xuất bản Báo Việt Nam độc lập, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân… Trong những năm tháng khó khăn, gian khổ, cán bộ, đảng viên, quần chúng Hà Quảng đã phấn đấu hy sinh, bảo đảm an toàn cho cơ quan đầu não tối cao của Đảng, cho đầu mối đường dây liên lạc của Đảng từ miền ngược xuống miền xuôi, từ trong nước ra nước ngoài.
Phong trào cách mạng Hà Quảng đã đóng góp tích cực vào phong trào chung của tỉnh Cao Bằng. Và trong những thời điểm khó khăn, Hà Quảng thường xuyên chọn cử những cán bộ chính trị, quân sự ưu tú đi gây dựng, phát triển phong trào ở các địa phương khác của Cao Bằng và của tỉnh bạn. Bằng những hành động thiết thực, Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng đã góp phần xứng đáng xây dựng Cao Bằng thành một trung tâm của khu căn cứ địa, Khu giải phóng Việt Bắc - lá cờ đầu trong cuộc khởi nghĩa vũ trang, chỗ đứng chân vững chắc của cách mạng Việt Nam trong suốt cao trào cứu nước và Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Từ trong thực tiễn đấu tranh gian khổ, quyết liệt, sôi động, Hà Quảng đã tạo nên một đội ngũ cán bộ cách mạng ưu tú, cung cấp cho phong trào cách mạng toàn tỉnh và trong nước. Nhiều cán bộ trung kiên của Hà Quảng đã hăng hái tham gia các đội "Nam tiến", "Đông tiến", "Tây tiến", Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc,ngời sáng phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam yêu nước anh hùng.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đồng bào các dân tộc Hà Quảng đã hăng hái tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, làm tròn vai trò của hậu phương căn cứ kháng chiến.
Sau khi được giải phóng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Quảng phấn khởi bước vào xây dựng chế độ mới, cải tạo, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Quảng đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hăng hái chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Sau khi đất nước thống nhất, Hà Quảng cùng cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội từ cơ sở vật chất nghèo nàn, lại bị tàn phá nặng nềdo các thế lực phản động gây ra. Cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc đã đồng cam cộng khổ, vượt qua mọi thử thách, gian nan, chiến đấu và hy sinh để bảo vệ vững chắc, toàn vẹn biên cương của Tổ quốc. Đồng thời tích cực lao động sản xuất xây dựng cuộc sống mới.
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ đã kiên trì lãnh đạo toàn dân, đoàn kết một lòng thực hiện đường lối đổi mới và giành được những thành tựu lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Thắng lợi vẻ vang mà Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng đã giành được là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố.
Trước hết, thắng lợi đó bắt nguồn từ lòng yêu quê hương đất nước với tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, xả thân vì cách mạng của đồng bào các dân tộc Hà Quảng.Trên chặng đường 15 năm đấu tranh cách mạng dưới ngọn cờ của Đảng, đồng bào các dân tộc Hà Quảng đã phát huy cao độ những phẩm chất tốt đẹp của mình. Lòng căm thù thực dân, phong kiến, tình yêu quê hương, làng bản, tinh thần quật khởi và tính năng động, sáng tạo khi được ánh sáng cách mạng soi rọi, đã bừng dậy mạnh mẽ, trở thành một động lực to lớn. Chính điều này lý giải vì sao thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn điên cuồng, tàn bạo vẫn không tách được quần chúng khỏi cách mạng, đồng bào có thể hy sinh tất cả tính mạng, tài sản để nuôi nấng,bảo vệ cán bộ. Cũng chính tinh thần cách mạng đó đã tạo nên không khí cách mạng sôi sục, quyết liệt trong những ngày khởi nghĩa.
Hà Quảng trở thành một vùng căn cứ địa cách mạng vững chắc không đơn giản vì có điều kiện địa lý thuận lợi, có vị trí chiến lược quan trọng, mà chủ yếu và trước hết là vì căn cứ địa được xây dựng từ lòng dân có Đảng soi đường, dẫn lối. Đánh giá cao tinh thần cách mạng và những đóng góp của đồng bào các dân tộc Hà Quảng, Đảng và Nhà nước đã khen tặng nhiều danh hiệu cao quí. Hà Quảng thực sự xứng đáng là huyện anh hùng trong kháng chiến giải phóng dân tộc.
Thắng lợi của phong trào cách mạng Hà Quảng gắn liền với sự trưởng thành về tư tưởng và tổ chức của Đảng bộ, gắn liền với những cống hiến xuất sắc của đội ngũ cán bộ, đảng viên hết lòng vì Đảng vì dân.Từ khi được thành lập đến lúcgiành được chính quyền, tổ chức Đảng ở Hà Quảng đã lớn mạnh vượt bậc. Từ một chi bộ 3 đảng viên trở thành một Đảng bộ đông đảo đảng viên và hệ thống tổ chức rộng lớn, hoàn chỉnh khắp toàn huyện. Cùng với sự phát triển đó, năng lực lãnh đạo và sức mạnh chiến đấu của Đảng bộ huyện không ngừng được nâng lên.
Trong từng giai đoạn lịch sử, Đảng bộ Hà Quảng luôn luôn quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Trung ương, các chỉ thị, nghị quyết của Tổng bộ Việt Minh, của tỉnh, Liên Tỉnh uỷ và vận dụng có hiệu quả vào việc giải quyết những nhiệm vụ cụ thể, những yêu cầu bức xúc của phong trào cách mạng địa phương. Đảng bộ đã triển khai công tác chỉ đạo một cách toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, văn hoá - xã hội, tạo ra một phong trào quần chúng rộng lớn, hình thức hoạt động phong phú.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ Hà Quảng luôn coi trọng việc phát huy sức mạnh của tập thể cán bộ, đảng viên, trước những nhiệm vụ nặng nề, thời điểm có ý nghĩa quyết định, giờ phút thử thách nghiêm trọng nhất… các hội nghị cán bộ, các cuộc họp cấp uỷ mở rộng được triệu tập. Trong các hội nghị đóđã thảo luận, quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh của phong trào cách mạng địa phương. Trên cơ sở đó mà phân công, điều động cán bộ, đảng viên phụ trách, thực hiện nhiệm vụ được giao.
Một trong những ưu điểm nổi bật của Đảng bộ Hà Quảng là đi đúng đường lối quần chúng, quan tâm giáo dục vận động, tổ chức đồng bào các dân tộc vào trận tuyến đấu tranh cách mạng, đồng thời biết dựa vào quần chúng với niềm tin vững chắc. Đảng bộ đã vận dụng linh hoạt chính sách dân tộc của Đảng trong công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhằm đẩy lùi âm mưu của thực dân, phong kiến muốnkhoét sâu mâu thuẫn giữa các dân tộc; tạo ra một khối đoàn kết nhất trí cao. Trong những giai đoạn khó khăn, ác liệt khi kẻ thù điên cuồng khủng bố, tiến công cách mạng. Đảng bộ chủ trương bám đất, bám dân dựa vào sự đùm bọc bảo vệ của quần chúng, kiên quyết củng cố, phát triển phong trào.
Sự gắn bó mật thiết với quần chúng là cội nguồn sức mạnh của Đảng bộ Hà Quảng, là một trong nguyên nhân quan trọng đảm bảo cho phong trào cách mạng toàn huyện phát triển, vượt qua khó khăn thử thách, giành thắng lợi liên tiếp.
Trong quá trình lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, Đảng bộ đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng. Một mặt, Đảng bộ quan tâm kết nạp những đảng viên mới, mặt khác, tiến hành sàng lọc nghiêm ngặt đội ngũ đảng viên, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người tỏ ra dao động trước những khó khăn, thử thách hoặc những người không đủ sức đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thực tiễn cách mạng. Nhờ quá trình bổ sung và đào tạo này, Đảng bộ đã được trong sạch hoá, có đầy đủ uy tín và năng lực lãnh đạo phong trào cách mạng.
Sức mạnh của Đảng bộ Hà Quảng là sự kết tụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên kiên cường, phấn đấu không mệt mỏi đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước. Những cán bộ, đảng viên ưu tú của Hà Quảng luôn nêu cao tinh thần xung phong gương mẫu, tận tuỵ quên mình vì sự nghiệp cách mạng vinh quang của Đảng. Đồng bào các dân tộc Hà Quảng mãi mãi trân trọng và biết ơn sâu sắc tấm gương sáng của các đồng chí tiền bối cách mạng đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng quê hương.
Thắng lợi của phong trào cách mạng Hà Quảng không tách rời sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, của Bác Hồ, sự hướng dẫn, giúp đỡ của Tổng bộ Việt Minh, của Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng, sự phối hợp và hỗ trợ của phong trào cách mạng toàn tỉnh, toàn quốc.Trong cao trào cứu nước, giải phóng dân tộc, Hà Quảng vinh dự, tự hào là "Quê hương thứ hai của Bác Hồ". Những ngày tháng ở Pác Bó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành cho phong trào cách mạng Hà Quảng một sự quan tâm đặc biệt, giành cho đồng bào các dân tộc Hà Quảng tình yêu thương rộng lớn của Người.
Mỗi bước trưởng thành của phong trào cách mạng Hà Quảng đều gắn liền với những lời chỉ bảo ân cần sâu sắc của Bác Hồ. Mỗi sự tiến bộ của cán bộ, đảng viên, quần chúng Hà Quảng đều thấm sâu công ơn dậy dỗ của vị Cha già dân tộc.
Sự lớn mạnh của phong trào cách mạng Hà Quảng cũng gắn liền với sự đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng: Hoàng Đình Giong, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh… những người đã một thời lặn lội ở mảnh đất địa đầu, chỉ dẫn cho Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng từng đường đi nấc bước.
Sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tổng bộ Việt Minh, của Tỉnh uỷ Cao Bằng, của Liên Tỉnh uỷ Cao - Bắc - Lạng đã giúp cho phong trào cách mạng Hà Quảng phát triển đúng hướng, vững vàng. Sự phát triển đều khắp của phong trào cách mạng toàn tỉnh, đặc biệt của Hoà An, Nguyên Bình đã tạo thành một chỗ dựa vững chắc, một sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ, gắn bó với phong trào Hà Quảng. Cao trào cứu nước, giải phóng dân tộc sôi động khắp toàn quốc tạo điều kiện thuận lợi để phong trào Hà Quảng tiến lên.
Sức mạnh của Hà Quảng nằm trong sức mạnh của tỉnh và cả nước, thắng lợi của Hà Quảng hoà chung trong thắng lợi của toàn dân tộc.
Rèn luyện trong cuộc đấu tranh bề bỉ, kiên cường dưới ngọn cờ của Đảng, đồng bào các dân tộc Hà Quảng đã khơi dậy, bồi đắp và nâng cao những truyền thống quý báu vốn có của mình.
Trước hết là bồi đắp, củng cố niềm tin sắt đá, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng.Cuộc sống khắc nghiệt dưới ách thống trị tàn bạo của bọn thực dân, phong kiến đã cho đồng bào các dân tộchiểu sâu sắc rằng: chỉ có đi theo Đảng, theo cách mạng mới có được một sự đổi đời, mới có quyền được làm người, mới bảo đảm được danh dự và quyền lợi dân tộc. Con đường cách mạng không giản đơn, thuận buồm xuôi gió mà chông gai, sóng gió. Nhưng đó là con đường duy nhất. Đồng bào các dân tộc Hà Quảng hiểu điều đó và đi theo cách mạng, theo Đảng với một niềm tin không gì lay chuyển nổi, với một quyết tâm lớn và với một tinh thần phấn đấu vô bờ bến.
Trong quá trình đi theo cách mạng, truyền thống đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau giữa các dân tộc anh em đã được phát huy và nâng lên một trình độ mới.Cách mạng đến như một luồng ánh sáng kỳ diệu giúp cho đồng bào các dân tộc Hà Quảng nhìn rõ bộ mặt kẻ thù chung là đế quốc, phong kiến, giúp mọi người cảm nhận ngày càng sâu sắc một chân lý giản đơn: đoàn kết lại thì sống, chia rẽ là chết. Mọi hiềm khích tồn trữ lại từ xa xưa hoặc mới nảy sinh do âm mưu thâm độc của kẻ thù đã dần dần được gạt bỏ. Các dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Mông, Dao từ vùng thấp đến vùng cao tập hợp lại trong một đội ngũ chung, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng bộ để chống một kẻ thù chung, vì mục tiêu chung: giải phóng quê hương.
Sự xuất hiện những ngày hội liên hoan dân tộc và sự ra đời những vùng căn cứ cách mạng của đồng bào các dân tộc Hà Quảng nói riêng, Cao Bằng nói chung, là những biểu hiện cụ thể, tập trung chất lượng mới của khối đoàn kết dân tộc trong thời đại mới.
Đứng chân nơi đầu sóng ngọn gió, nhân dân Hà Quảng đã rèn đúc tinh thần kiên cường, bất khuất.Trong suốt 80 năm, Hà Quảng luôn luôn là nơi diễn ra cuộc đụng độ quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng. Các thế lực thù địch đã không từ một thủ đoạn tàn bạo nào để tiêu diệt, chống phá cách mạng. Để đối chọi và đánh bại kẻ thù, Đảng bộ và nhân dân Hà Quảng đã hun đúc tinh thần bất khuất, kiên quyết, triệt để đấu tranh đến cùng. Ý chí, phẩm chất đó đã được nâng lên một chất lượng mới, trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao đẹp.
Tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc, đồng bào các dân tộc Hà Quảng sớm rèn luyện, vun đắp tinh thần quốc tế vô sản trong sáng và một ý thức cảnh giác cách mạng cao độ.Sống kề bên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, hoàn cảnh khách quan đòi hỏi đồng bào các dân tộc Hà Quảng phải có một cáchnhìn nhận chính xác và một xử thế đứng đắn với bạn.
Song song với việc vun đắp, củng cố tình đoàn kết chiến đấu với nhân dân lao động bên kia biên giới theo tinh thần quốc tế vô sản, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đồng bào các dân tộc Hà Quảng đã nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên quyết đập tan những hành động phá hoại của các thế lực thù địch. Song song với cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến ở trong nước, nhân dân các xã vùng biên giới có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng toàn huyện đã kiên quyết trấn áp các toán thổ phỉ quấy phá, hoành hành. Các cán bộ, đảng viên Hà Quảng trong quá trình hoạt động cũng nhận thức rạch ròi bộ mặt thật của bọn phản động.
Tinh thần quốc tế vô sản và ý thức cảnh giác cách mạng là phẩm chất, truyền thống quý báu, cần có và vốn có của những chủ nhân thay mặt toàn dân tộc đứng nơi địa đầu Tổ quốc.
Cùng với thời gian, những truyền thống tốt đẹp hình thành trong những năm đấu tranh vì độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được các thế hệ Hà Quảng trao truyền, tiếp nối, phát huy triệt để trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, và ngày nay trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Mấy chục năm đã đi qua, giai đoạn lịch sử 1930 - 2010 rồi cũng trở thành quá khứ. Nhưng sẽ còn sống mãi trong ký ức những người dân Hà Quảng kỷ niệm hào hùng của một thời oanh liệt cách mạng. Gương mặt quê hương đã đổi thay từng ngày theo tiến trình phát triểnđi lên của cách mạng, song trong từng thước đất, đời đời còn thấm đậm mồ hôi, xương máu của các thế hệ cha anh đã đổ xuống cho hạnh phúc hiện tại. Vẫn còn đó hang Cốc Bó, suối Lê-nin, núi Các Mác, lán Khuổi Nặm… những địa danh đã đi vào lịch sử, vào trái tim dân tộc gợi nhắc về những kỷ niệm bất diệt của Bác Hồ. Còn đó những núi rừng, làng bản, từng chứng kiến những năm tháng sục sôi khí thế cách mạng. Còn đó những tên đất, tên người đã hoá thành những biểu tượng của khí phách và phẩm chất cao đẹp của người dân Hà Quảng theo cách mạng.
Ôn lại những chặng đường đấu tranh vẻ vang của quê hương là để yêu hơn mảnh đất này, thấu hiểu sâu sắc hơn trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trước lịch sử, trước cha anh mà hy sinh phấn đấu, xây dựng Hà Quảng thành một huyện giàu mạnh, thành một pháo đài vững của chủ nghĩa xã hội ở vùng biên cương Tổ quốc.
Đất nước đang chuyển mình dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội X của Đảng. Khơi dậy sức mạnh của truyền thống, với niềm tự hào chính đáng về lịch sử vẻ vang của mình. Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Hà Quảng nguyện đem hết sức lực và trí tuệ xây dựng và bảo vệ quê hương, xứng đáng với truyền thống oanh liệt, đáp ứng yêu cầu mới và sự nghiệp cách mạng trong thời đại ngày nay.
Tin tưởng vững chắc rằng phát huy cao độ truyền thống đoàn kết- anh hùng- cách mạng 80 năm qua của địa phương từ ngày có Đảng; Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Hà Quảng,với sức trẻ của thế hệ mới, tiếp nối truyền thống cha anh, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh, sẽ tiếp tục làm đổi thay mạnh mẽ bộ mặt kinh tế - xã hội của Hà Quảng, củng cố quốc phòng an ninh, góp phần giữ vững một phần "phên dậu"Tổ quốc, hoà nhịp cùng các địa phương cả nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh.
PHỤ LỤC
I. DANH SÁCH BAN CHẤP HÀNH, BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN UỶ QUA CÁC THỜI KỲ 1. Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng ngày 14-19/7/1952 về sắp xếp cán bộ:HUYỆN HÀ QUẢNG gồm các đồng chí: Huyện uỷ: 1. Tô (bí thư) 2. Long Sơn 3. Quí Hữu 4. Trung Tín 5. Phúc Kiến 6. Cao Trung 7. Công Nghĩa 8. Viết Thịnh | Uỷ ban kháng chiến hành chính: 1. Tô (Chủ tịch) 2. Đức Thịnh (Phó chủ tịch) 3. Quí Hữu 4. Trung Tín 5. Đại Phong 6. Đại Long 7. Thế Minh |
2. Nghị quyết số 287- NQ/CB ngày 25/10/1962 của Tỉnh uỷ Cao Bằng về việc công nhân Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hà Quảng:Gồm 22 đồng chí BCH:1. Bế Công Nghĩa
2. Hoàng Cao Trung
3. Nông Tư Bào
4. Nông Thế Minh
5. Dương Đại Phong
6. Nông Đô Thành
7. Hoàng Vĩnh Ngọc
8. Nguyễn Trung Tín
9. Hà Tô Đính
10. Sầm Chấn Hưng
11. Hoàng Ngô Tâm
12. Hứa Liêm Thanh
13. Đào Phúc Kiến
14. Hoàng Nhạc Nguyên
15. Hà Vũ Hiền
16. Triệu Cao Giới
17. Vương Sứ Dùng
18. Dương Văn Dinh
19. Đàm Thị Xuân Thanh
20. Bế Hoà Hưng
21. Thi Đức Lâm
Uỷ viên dự khuyết 1 đồng chí: Sầm Hồng Nam
Công nhận Ban thường vụ gồm 7 đồng chí: 1. Bế Công Nghĩa - Bí thư
2. Hoàng Cao Trung - Phó bí thư
3. Nông Tư Bào - Phó bí thư
4 .Nông Thế Minh - UVBTV
5. Dương Đại Phong - UVBTV
6. Nông Đô Thành - UVBTV
7. Hoàng Vĩnh Ngọc - UVBTV
3. Nghị quyết số 233- NQ/CB ngày30/6/1964 về việc công nhận Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hà Quảng Ban chấp hành gồm 21 đồng chí:1. Bế Công Nghĩa
2. Hoàng Cao Trung
3. Trương Liên Quân
4. Triệu Cao Giới
5. Nguyễn Thế Minh
6. Dương Đại Phong
7. Vương Sứ Dùng
8. Nguyễn Trung Tín
9. Sầm Chấn Hưng
10. Sầm Hồng Nam
11. Hứa Liêm Thanh
12. Hà Vũ Hiền
13. Chu Thế Giang
14. Hoàng Văn Bưu
15. Đàm Thị Xuân Thanh
16. Dương Văn Dinh
17. Nông Đại Hồng
18. Triệu Quang Điềm
19. Hoàng Quốc Việt
20. Hà Văn Đức
21. Dương Việt Dân
Uỷ viên dự khuyết 2 đồng chí:
1. Đàm Văn Chúc
2. Long Văn Khình
Ban Thường vụ Huyện uỷ gồm 7 đồng chí:1. Bế Công Nghĩa - Bí thư
2. Hoàng Cao Trung - Phó bí thư
3. Trương Liên Quân - Uỷ viên ban thường vụ
4. Dương Đại Phong - Uỷ viên BTV
5. Vương Sứ Dùng - Uỷ viên BTV
6. Nguyễn Thế Minh - Uỷ viên UVBTV
7. Triệu Cao Giới - Uỷ viên UVBTV
4. BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN HÀ QUẢNG KHOÁ X (1979 - 1982 TT | Họ và tên | Chức vụ, đơn vị | Đảng, đoàn thể, Chính quyền |
1 | Sầm Hồng Nam | Bí thư Huyện uỷ | |
2 | Hà Văn Đức | Phó bí thư TTHU | |
3 | Hoàng Văn Bưu | Phó bí thư | Ctịch UBND |
4 | Bế Hoà Hưng | Trưởng ban Tổ chức | UVBTV |
5 | Phan Hằng | Trưởng ban Tuyên giáo | UVBTV |
6 | Lý Trung Khính | PCtịch UBND huyện | UVBTV |
7 | Nông Bế Xuân | PCtịch UBND huyện | UVBTV |
8 | Vương Lưu | CHTBCHQS | UVBTV |
9 | Long Mình Khuấy | Trưởng công an huyện | UVBTV |
10 | Hà Lãng | P Ctịch Hội nông dân | UVBCH |
11 | Nông Trung Thông | Thư ký UBND huyện | UVBCH |
12 | Đàm Làn | P Ctịch UBND huyện | UVBCH |
13 | Liêu Văn Pám | Trưởng ban kiểm tra | UVBCH |
14 | Hoàng Việt Trì | Bí thư Huyện Đoàn | UVBCH |
15 | Nông Thị Dèn | Huyện Hội phụ nữ | UVBCH |
16 | Nông Việt Bằng | Chủ nhiệm công ty cấp 3 | UVBCH |
17 | Lương Đào Thình | Phụ trách Dân vận | UVBCH |
18 | Hoàng Văn píu | Phụ trách MTTQ | UVBCH |
19 | Đàm Trọng Lư | Phụ trách Y tế | UVBCH |
20 | Đỗ Như Quỳnh | Bí thư chi bộ Nà Sác | UVBCH |
21 | Đặng Trung Sán | Bí thư chi bộ Co Mười | UVBCH |
22 | Lương Văn Só | Bí thư chi bộ Vân An | UVBCH |
23 | Lâm Cắm Sáng | BTĐU xã Sóc Hà | UVBCH |
24 | Nông Văn Quặn | BTĐU Xuân Hoà | UVBCH |
25 | Đàm Văn Tập | BTĐU Phù Ngọc | UVBCH |
26 | Phan Văn Lằm | Bí thư chi bộ Hạ Thôn | UVBCH |
27 | Vương Văn Tỉnh | Bí thư chi bộ Tổng Cọt | UVBCH |
28 | Hoàng Trung Dũng | Bí thư chi bộ T. Thôn | UVBCH |
29 | Đinh Thanh Chản | Bí thư chi bộ Nội Thôn | UVBCH |
30 | Hoàng Vĩnh Ngọc | Trưởng trạm vật tư NN | UV dự khuyết |
31 | Lý Văn Xỳ | Xã Hồng Sỹ | UV dự khuyết |
32 | Lương Văn Sai | Chi bộ Cải Viên | UV dự khuyết |
33 | Đàm Quốc Việt | Bí thư Chi bộ Trường Hà | UV dự khuyết |
5. BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN HÀ QUẢNG KHOÁ XI (1982-1986) TT | Họ và Tên | Quê quán | Chức vụ, Đơn vị | Đảng- Đoàn thể- chính quyền |
1 | La Hữu Vinh | Sóc Hà, Hà Quảng | Bí thư Huyện uỷ | |
2 | Hà Văn Đức | Sóc Hà, Hà Quảng | Phó Bí thư TT | |
3 | Hoàng Văn Bưu | Nà Sác, Hà Quảng | Phó Bí thư HU | Ctịch UBND |
4 | Nông Bế Xuân | Phù ngọc, Hà Quảng | PhóChủ tịch UBND | UVBTV |
5 | Đàm Ngọc Quyết | Đào Ngạn, Hà Quảng | Trưởng ban Tổ chức | UVBTV |
6 | Vương- Lưu | Phù Ngọc, Hà Quảng | CHTBCHQS | UVBTV |
7 | Hoàng- Pú | Kéo Yên, Hà Quảng | Phó Chủ tịch UBND | UVBTV |
8 | Nông Thế Cừ | Phù ngọc, Hà Quảng | TB Tuyên giáo | UVBTV |
9 | Nông Văn Phú | Quý Quân, Hà Quảng | Trưởng Công an | UVBTV |
10 | Triệu Văn Nhì | Lũng Nặm, HàQuảng | Chủ tịch MTTQ | Huyện uỷ viên |
11 | Nông Văn Tiêu | Nà Sác, Hà Quảng | Phó Chủ tịch UBND | Huyện uỷ viên |
12 | Hoàng Việt Trì | T Thôn, Hà Quảng | UV thư ký UBND | Huyện uỷ viên |
13 | Liêu Văn Pám | Xuân Hoà, H Quảng | Trưởng ban Kiểm tra | Huyện uỷ viên |
14 | Nông Văn Thiết | Nà Sác, Hà Quảng | Bí thư Huyện Đoàn | Huyện uỷ viên |
15 | Hà Minh Tân | Sóc Hà, Hà Quảng | Trưởng ban Giáo dục | Huyện uỷ viên |
16 | Lương Hồng Mạnh | Vĩnh Quang, Hoà An | Trưởng ban Nông nghiệp | Huyện uỷ viên |
17 | Trần Thị Riêm | Phù ngọc, Hà Quảng | Chủ tịch Hội Phụ nữ | Huyện uỷ viên |
18 | Đàm Trọng Lư | Đào Ngạn, Hà Quảng | Trưởng ban Y tế | Huyện uỷ viên |
19 | Hà Văn Hùng | Sóc Hà, Hà Quảng | Bí thư ĐU xã Sóc Hà | Huyện uỷ viên |
20 | Nhan Văn Dỉnh | Nà Sác, Hà Quảng | Bí thư ĐU Nà Sác | Huyện uỷ viên |
21 | Đàm Quốc Việt | Trường Hà, H Quảng | Bí thư ĐU Trường Hà | Huyện uỷ viên |
22 | Long Quốc Hùng | Kéo Yên, Hà Quảng | Bí thư ĐU Kéo Yên | Huyện uỷ viên |
23 | Dương Văn Vình | Nội Thôn, Hà Quảng | BT Chi bộ Nội Thôn | Huyện uỷ viên |
24 | Vương Văn Tỉnh | Tổng Cọt, Hà Quảng | BT Chi bộ Tổng Cọt | Huyện uỷ viên |
25 | Đinh Thanh Chản | Vân An, Hà Quảng | BT Chi bộ Vân An | Huyện uỷ viên |
26 | Lương Văn Só | Cải Viên, Hà Quảng | BT Chi bộ Cải Viên | Huyện uỷ viên |
27 | Hoàng Văn Dấu | T.Thôn, H Quảng | BT Chi bộ Thượng. Thôn | Huyện uỷ viên |
28 | Bế Văn Trọng | Xuân Hoà, Hà Quảng | Bí thư ĐU Xuân Hoà | Huyện uỷ viên |
29 | Trương - Toa | Phù Ngọc, Hà Quảng | BT ĐU Phù Ngọc | Huyện uỷ viên |
30 | Lý Văn Xình | Hồng Sỹ, Hà Quảng | Phụ trách Dân tộc | UV dự khuyết |
31 | Nông Viết Bằng | Nam Tuấn, Hoà An | Chủ nhiệm CT cấp 3 | UV dự khuyết |
6. BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN HÀ QUẢNG KHOÁ XII (1986 - 1989) TT | Họ và tên | Quê quán | Chức vụ, đơn vị | Đảng, đoàn thể, chính quyền |
1 | Hà Văn Đức | Sóc Hà, Hà Quảng | Bí thư HU | |
2 | Nông Thế Cừ | Phù Ngọc, Hà Quảng | Phó Bí thư TT HU | |
3 | Hoàng Văn Bưu | Nà Sác, Hà Quảng | Phó Bí thư HU | CTịch UBND |
4 | Đàm Ngọc Quyết | Đào Ngạn, Hà Quảng | Trưởng Ban tổ chức HU | UVBTV HU |
5 | Nông Bế Xuân | Phù Ngọc Hà Quảng | Phó CT UBND huyện | UVBTV HU |
6 | Nông Văn Phú | Quý Quân, Hà Quảng | Trưởng công an huyện | UVBTV HU |
7 | Nông Văn Hậu | Trùng Khánh | CHTrưởng BCHQS | UVBTV HU |
8 | Liêu Văn Pám | Xuân Hoà, Hà Quảng | Trưởngban kiểm tra HU | UVBTV HU |
9 | Hoàng Việt Trì | Thượng Thôn, HQ | Trưởng ban Biên giới | UVBTV HU |
10 | Bế Văn Thuận | Đào Ngạn Hà Quảng | Phó CTUBND | Huyện uỷ viên |
11 | Triệu Văn Nhì | LũngNặm, Hà Quảng | Chủ tịch MTTQ | Huyện uỷ viên |
12 | Hà- Tân | | | Huyện uỷ viên |
13 | Hoàng Văn Hùng | Sóc Hà, Hà Quảng | Chánh VP HU | Huyện uỷ viên |
14 | Nông Văn Thiết | Nà Sác, Hà Quảng | Bí thư huyện Đoàn | Huyện uỷ viên |
15 | Trần Thị Riêm | Phù Ngọc, Hà Quảng | Chủ tịch Hội phụ nữ | Huyện uỷ viên |
16 | Trương - Vế | Phù Ngọc, Hà Quảng | Phụ trách công đoàn | Huyện uỷ viên |
17 | Lương Xuân Độ | | phụ trách P nông nghiệp | Huyện uỷ viên |
18 | Nông Quốc Hưu | Sóc Hà, Hà Quảng | Trưởng phòng thanh tra | Huyện uỷ viên |
19 | Đàm Trọng Lư | Đào Ngạn, Hà Quảng | Trưởng phòng Y tế | Huyện uỷ viên |
20 | Hà Văn Hải | Sóc Hà, Hà Quảng | VT viện kiểm soát | Huyện uỷ viên |
21 | Dương Đức Toàn | Cải Viên- Hà Quảng | Trưởng Bưu điện huyện | Huyện uỷ viên |
22 | Nông Viết Bằng | Nam Tuấn, Hoà An | Giám đốc CT T- nghiệp | Huyện uỷ viên |
23 | Hoàng Vĩnh Ngọc | Phù Ngọc, Hà Quảng | Giám đốc CT vật tư | Huyện uỷ viên |
24 | Hoàng Đình Hoặc | Phù Ngọc, Hà Quảng | Trường phòng giáo dục | Huyện uỷ viên |
25 | Nhan Văn Dỉnh | Nà Sác, Hà Quảng | Bí thư ĐU Nà Sác | Huyện uỷ viên |
26 | Đàm Ngọc Quyến | Trường Hà, Hà Quảng | Bí thư ĐU Trường Hà | Huyện uỷ viên |
27 | Long Quốc Hùng | Kéo Yên, Hà Quảng | Bí thư ĐU Kéo Yên | Huyện uỷ viên |
28 | Hoàng Văn Hỏn | | Bí thư chi bộ LũngNặm | Huyện uỷ viên |
29 | Đinh Thanh Chản | Vân An, Hà Quảng | Bí thư chi bộ Vân An | Huyện uỷ viên |
30 | Lương Văn Só | Cải Viên, Hà Quảng | Bí thư chi bộ Cải Viên | Huyện uỷ viên |
31 | Vương Văn Tỉnh | Tổng Cọt, Hà Quảng | Bí thư chi bộ Tổng Cọt | Huyện uỷ viên |
32 | Vương Văn Trù | Nội Thôn, Hà Quảng | Bí thư chi bộ Nội Thôn | Huyện uỷ viên |
33 | Nông Thượng Sâm | Th.Thôn, Hà Quảng | BTChi bộ Thượng Thôn | Huyện uỷ viên |
34 | Dương Văn Páo | Mã Ba, Hà Quảng | UV thư ký Mã Ba | Huyện uỷ viên |
35 | HoàngVăn Trường | Xuân Hoà, Hà Quảng | C nhiệm HTX Nhật Tân | Huyện uỷ viên |
36 | Hoàng- Eng | Kéo Yên, Hà Quảng | Phó Công an huyện | Huyện uỷ viên |
37 | Trần Tiến Dũng | LũngNặm, Hà Quảng | UVTK UBND huyện | Huyện uỷ viên |
38 | Hoàng Văn Đáp | Xuân Hoà, Hà Quảng | GĐ XN - NLnghiệp | HUVdựkhuyết |
39 | Đàm Trung Lập | Đào Ngạn, Hà Quảng | UVUBND xã Đ Ngạn | HUVdựkhuyết |
40 | Lục Thị Duyên | Dân Chủ, Hoà An | PGĐ CT T nghiệp | HUVdựkhuyết |
41 | Triệu Văn Toàn | Đào Ngạn, Hà Quảng | P. Phòng thuỷ lợi | HUVdựkhuyết |
42 | Hoàng Văn Thấm | Phù Ngọc, Hà Quảng | PBthư ĐU Phù Ngọc | HUVdựkhuyết |
7. BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN HÀ QUẢNG KHOÁ XIII (1989-1991) TT | Họ và tên | Quê Quán | Chức vụ - đơn vị công tác | Đảng - Đoàn thể - Chính quyền |
1 | Hoàng Văn Bưu | Nà Sác, Hà Quảng | Bí thư Huyện uỷ | |
2 | Nông Thế Cừ | Phù Ngọc, Hà Quảng | Phó Bí thư TT HU | |
3 | Nông Bế Xuân | Phù Ngọc, Hà Quảng | Phó Bí thư HU | CTUBND |
4 | Triệu –Nhì | Lũng Nặm, H Quảng | T ban Tổ chức HU | UVBTV HU |
5 | Hoàng Văn Hùng | Sóc Hà, Hà Quảng | TB Tuyên giáo HU | UVBTV HU |
6 | Nông Quốc Hưu | Sóc Hà, Hà Quảng | CNhiệm UB Kiểm tra | UVBTV HU |
7 | Hoàng Việt Trì | T Thôn Hà Quảng | Phó CT UBND huyện | UVBTV HU |
8 | Lương Xuân Độ | Quảng Hoà | Phó CT UBND huyện | UVBTV HU |
9 | Trương - Vế | Phù Ngọc, Hà Quảng | Phó CT UBND huyện | UVBTV HU |
10 | Hoàng - Pú | Kéo Yên | Phó CT UBND huyện | UVBTV HU |
11 | Hoàng - Eng | Kéo Yên, Hà Quảng | Trưởng Công an huyện | UVBTV HU |
12 | Bế Văn Thuận | Đào Ngạn, Hà Quảng | Phó CTUBND huyện | UVBCH HU |
13 | Bế Thanh Tường | Xuân Hoà, Hà Quảng | Bí thư huyện Đoàn | UVBCH HU |
14 | Nông Thị Dèn | Nà Sác, Hà Quảng | C tịch Hội phụ nữ | UVBCH HU |
15 | Hà Văn Hải | Sóc Hà, Hà Quảng | VTrưởng Kiểm soát | UVBCH HU |
16 | LongĐình Coóng | Xuân Hoà, Hà Quảng | Chánh án TA ND | UVBCH HU |
17 | Hà Minh Tân | Sóc Hà, Hà Quảng | Trưởng p Giáo dục | UVBCH HU |
18 | Hoàng Đình Hoặc | Phù Ngọc, Hà Quảng | Trưởng P Văn hoá-TT | UVBCH HU |
19 | Nguyễn Khải | Sóc Hà, Hà Quảng | Trưởng p Kế hoạch | UVBCH HU |
20 | Lục Thị Duyên | Dân Chủ - Hoà An | Giám đốc C ty cấp 3 | UVBCH HU |
21 | Nhan Văn Dỉnh | Nà Sác, Hà Quảng | Bí thư ĐU xã Nà Sác | UVBCHHU |
22` | Hà Thanh Hương | Sóc Hà, Hà Quảng | Bí thư ĐU xã Sóc Hà | UVBCHHU |
23 | Hoàng Văn Nguyên | Phù Ngọc, Hà Quảng | Bthư ĐU xã Phù Ngọc | UVBCHHU |
24 | Hàng Văn Tiêu | Đào Ngạn, Hà Quảng | Bthư ĐU xã Đào Ngạn | UVBCHHU |
25 | HoàngQuang Trường | Xuân Hoà, Hà Quảng | BThư ĐU Xuân Hoà | UVBCHHU |
26 | Nông Văn Gia | Sóc Hà, Hà Quảng | CTUBND xã Sóc Hà | UVBCHHU |
27 | Long Quốc Hùng | Kéo Yên, Hà Quảng | Bthư ĐU xã Kéo Yên | UVBCHHU |
28 | Nông Thượng Sâm | T Thôn, H Quảng | Bthư ĐU T Thôn | UVBCHHU |
29 | Đinh Thanh Chản | Vân An, Hà Quảng | Bthư ĐU xã Vân An | UVBCHHU |
30 | Vương Văn Trù | Nội Thôn, Hà Quảng | Bthư ĐU xã Nội Thôn | UVBCHHU |
31 | Vương Văn Tỉnh | Tổng Cọt, Hà Quảng | Bthư ĐU xã Tổng Cọt | UVBCHHU |
32 | Dương Văn Páo | Mã Ba, Hà Quảng | P Bthư ĐU xã Mã Ba | UVBCHHU |
33 | Triệu - Toàn | Đào Ngạn, Hà Quảng | Phó phòng Thuỷ lợi | UVBCHHU |
34 | Hoàng Vĩnh Ngọc | Phù Ngọc, Hà Quảng | Giám đốc CT vật tư | UVBCHHU |
35 | Vương Văn Năm | Lĩng Nặm, Hà Quảng | B thư ĐU Lũng Nặm | UVBCHHU |
36 | Hoàng Trung Thông | Hạ Thôn, Hà Quảng | B thư ĐU xã Hạ Thôn | UVBCHHU |
37 | La Văn Huấy | Xuân Hoà, Hà Quảng | P Ban Tổ chức HU | UVBCHHU |
8. BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN HÀ QUẢNG KHOÁ XIV (1991-1995) TT | Họ và tên | Quê quán | Chức vụ- đơn vị công tác | Đảng, Đoàn thể, chính quyền |
1 | Nông Thế Cừ | Phù Ngọc, Hà Quảng | Bí thư Huyện uỷ | |
2 | Dương Đức Toàn | Cải Viên, Hà Quảng | PBí thư TT HU | |
3 | Hoàng Việt Trì | ThượngThôn H Quảng | P Bí thư HU | CT UBND |
4 | Nông Bế Xuân | Phù Ngọc, Hà Quảng | PCT UBND huyện | UVBTV HU |
5 | Nông Văn Gia | Sóc Hà, Hà Quảng | PCT UBND huyện | UVBTVHU |
6 | Hoàng Văn Hón | Trường Hà, H Quảng | CHTrưởng BCHQS | UVBTVHU |
7 | Hoàng Xuân Thanh | Mã Ba, Hà Quảng | Chủ nhiệm UBKT | UVBTVHU |
8 | Bế Thanh Tường | Xuân Hoà H Quảng | Trưởng ban Tổ chức | UVBTVHU |
9 | Nông Văn Thiết | Nà Sác, Hà Quảng | Chánh VP HU | UVBTVHU |
10 | Long Đình Coóng | Xuân Hoà H Quảng | Chánh án TAND | UVBCHHU |
11 | Thi Văn Chức | Nà sác, Hà Quảng | Công an huyện | UVBCHHU |
12 | Vương Văn Chung | Lũng Nặm, H Quảng | BTĐU Lũng Nặm | UVBCHHU |
13 | Nông Thị Dèn | Nà Sác, Hà Quảng | CTHội phụ nữ | UVBCHHU |
14 | Lục Thị Duyên | Dân Chủ, Hoà An | Giám đốc CT cấp 3 | UVBCHHU |
15 | Trần Tiến Dũng | Lũng Nặm, H Quảng | PCT HĐND | UVBCHHU |
16 | La Văn Huấy | Xuân Hoà, H Quảng | P Ban Tổ chức HU | UVBCHHU |
17 | Hà Thanh Hương | Sóc Hà, H Quảng | BTĐU xã Sóc Hà | UVBCHHU |
18 | Triệu Hải Hồ | Quý Quân, H Quảng | Giám đốc TT Y tế | UVBCHHU |
19 | Nguyễn- Khải | Sóc Hà, H Quảng | T phòng Kế hoạch | UVBCHHU |
20 | Nông Thanh Khoa | Trường Hà, HQuảng | Bí thư huyện Đoàn | UVBCHHU |
21 | Hoàng Văn Nguyên | Phù Ngọc, H Quảng | Bthư ĐU Phù Ngọc | UVBCHHU |
22 | Dương Văn Páo | Mã Ba, Hà Quảng | Pbí thư TT Mã Ba | UVBCHHU |
23 | Đàm Đình Pẳm | Trường Hà, HQuảng | BĐU Trường Hà | UVBCHHU |
24 | Trương Hữu Sen | Tổng Cọt, Hà Quảng | Bthư ĐU Tổng cọt | UVBCHHU |
25 | Nông Hoàng Thành | Sóc Hà, Hà Quảng | | UVBCHHU |
26 | HoàngTrung Thông | Hạ Thôn, Hà Quảng | BT ĐU Hạ Thôn | UVBCHHU |
27 | Hoàng Văn Tiêu | Đào Ngạn, Hà Quảng | BT ĐU Đào Ngạn | UVBCHHU |
28 | Trần Đức Thọ | Xuân Hoà, Hà Quảng | P Ban Tổ chức HU | UVBCHHU |
29 | Đinh Thanh Chản | Vân An, Hà Quảng | BTĐU Vân An | UVBCHHU |
9. BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘHUYỆN HÀ QUẢNG KHOÁ XV (1996 - 2000) TT | Họ và tên | Quê quán | Chức vụ - đơn vị công tác | Đảng,- Đoàn thể- Chính quyền |
1 | Đàm Minh Khâm | Đào ngạn, HQuảng | Bí Thư Huyện uỷ | |
2 | Nông Thanh Khoa | Trường Hà, H Quảng | Phó Bí thư TT | |
3 | Nông Bế Xuân | Phù Ngọc, H Quảng | Phó Bí thư HU | CTHĐND huyện |
4 | Dương Đức Toàn | Cải Viên, Hà Quảng | Phó Hí thư HU | CTUBND huyện |
5 | Nông Văn Thiết | Nà sác, Hà Quảng | Phó CTUBND | UVBTVHU |
6 | Hoàng Xuân Thanh | Mã Ba, Hà Quảng | Chủ nhiệm UBKT | UVBTVHU |
7 | Trần Đức Thọ | Xuân Hoà, H Quảng | T.Ban Tổ chức | UVBTVHU |
8 | Bế Thanh Tường | Xuân Hoà, H Quảng | T Ban Tuyên giáo | UVBTVHU |
9 | Hoàng La Phúc | Quý quân, H Quảng | Chủ tịch HĐND | UVBTVHU |
10 | Hoàng Văn Hón | Trường Hà, H Quảng | CHT BCHQS | UVBTVHU |
11 | Thi Văn Chức | Nà Sác, Hà Quảng | Trưởng Công an | UVBTVHU |
12 | Nguyễn Thế sỹ | Sóc Hà, Hà Quảng | Phó CT HĐND | UVBCHHU |
13 | Trần Tiến Dũng | Lũng nặm, Hà Quảng | Phó CTUBND | UVBCHHU |
14 | Nguyễn - Khải | Sóc Hà, Hà Quảng | Trưởng PNNPTNT | UVBCHHU |
15 | Triệu Đình Lê | Phù Ngọc, H Quảng | Chánh VPUBND | UVBCHHU |
16 | Đàm Ngọc Minh | Trường Hà, H Quảng | P. phòng Tài chính | UVBCHHU |
17 | Hoàng Văn Thái | Phù Ngọc, H Quảng | CCTrưởng CCthuế | UVBCHHU |
18 | Đàm Văn Trụ | Phù Ngọc, H Quảng | VTV kiểm soát ND | UVBCHHU |
19 | Triệu Hải Hồ | Quý Quân, H Quảng | Giám đốc TT Y tế | UVBCHHU |
20 | Đàm Thị Mới | Nam Tuấn, Hoà An | CT Hội Phụ nữ | UVBCHHU |
21 | La Văn Huấy | XuânHoà, Hà Quảng | ChánhVPHuyện uỷ | UVBCHHU |
22 | Nông Thị Dèn | Nà Sác, Hà Quảng | CT UBMTTQ | UVBCHHU |
23 | Trần văn Bộ | Phù Ngọc, H Quảng | TPTC-LĐTBB-XH | UVBCHHU |
24 | Dương Xình Páo | Mã Ba, Hà Quảng | Định canh, định cư | UVBCHHU |
25 | Lầu Thanh Sự | Hồng sỹ, Hà Quảng | PhóCông an huyện | UVBCHHU |
26 | HoàngQuang Trường | XuânHoà, Hà Quảng | BthưĐU Xuân Hoà | UVBCHHU |
27 | Đàm Văn Lai | Phù Ngọc, H Quảng | BthưĐU Phù Ngọc | UVBCHHU |
28 | Bế Văn Hiền | Đào ngạn, H Quảng | BthưĐU Đào Ngạn | UVBCHHU |
29 | Nông Quốc Chấn | Trường Hà, H Quảng | BT ĐU Trường Hà | UVBCHHU |
30 | Lương Xuân Bòng | Nà Sác, Hà Quảng | Bthư ĐU Nà Sác | UVBCHHU |
31 | Hoàng Thế Vinh | Sóc Hà, Hà Quảng | Bthư ĐU Sóc Hà | UVBCHHU |
32 | Vương Quốc Chung | Lũng Nặm, H Quảng | BT ĐU Lũng Nặm | UVBCHHU |
33 | Đinh Thanh Chản | Vân An, Hà Quảng | Bthư ĐU Vân An | UVBCHHU |
34 | Trương Hữu Sen | Tổng Cọt, Hà Quảng | Bthư ĐU Tổng Cọt | UVBCHHU |
35 | Hoàng Vũ Ngọc | Mã Ba, Hà Quảng | Bthư ĐU Mã Ba | UVBCHHU |
10. BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘHUYỆN HÀ QUẢNG KHOÁ XVI (2000 - 2005) TT | Họ và tên | Quê quán | Chức vụ - đơn vị công tác | Đảng - Đoàn thể - Chính quyền |
1 | Dương Đức Toàn | Cải Viên, Hà Quảng | Bí Thư Huyện uỷ | |
2 | Nông Thanh Khoa | Trường Hà, H Quảng | P Bí thư TTHU | C tịch HĐND |
3 | Nông Văn Thiết | Nà Sác, Hà Quảng | P Bí thư HU | C tịch UBND |
4 | Trần Đức Thọ | Xuân Hoà, Hà Quảng | TB Tổ chức HU | UVBTVHU |
5 | Bế Thanh Tường | Xuân Hoà, Hà Quảng | Chủ nhiệm UBKT | UVBTVHU |
6 | Hoàng Xuân Thanh | Mã Ba, Hà Quảng | TB Dân vận HU | UVBTVHU |
7 | Triệu Đình Lê | Phù Ngọc, Hà Quảng | TB Tuyên giáoHU | UVBTVHU |
8 | Trần Tiến Dũng | Lũng Nặm, H Quảng | PCTịch UBND | UVBTVHU |
9 | Nguyễn - Thuần | Bế Triều, Hoà An | Trưởng Công an | UVBTVHU |
10 | Nông Văn Thuỳ | Xuân Hoà, Hà Quảng | CHT BCHQS | UVBTVHU |
11 | Hoàng Thị Giếng | Phù Ngọc, Hà Quảng | Phó PNN-PTNT | UVBTVHU |
12 | Nguyễn Thế Sỹ | Sóc Hà, Hà Quảng | Phó CT HĐND | UV BCHHU |
13 | Nguyễn - Khải | Sóc Hà, Hà Quảng | Trưởng PNN-PTNT | UV BCHHU |
14 | Bế Thanh Giám | Xuân Hoà, Hà Quảng | Chánh VPHU | UVBCHHU |
15 | Phương Quốc Tuấn | Đào Ngạn, H Quảng | Phó ban Tuyên giáo | UVBCHHU |
16 | Trần Văn Bộ | Phù Ngọc, Hà Quảng | Trưởng PTổ chức CQ | UV BCHHU |
17 | La Văn Huấy | Xuân Hoà, Hà Quảng | P Chủ nhiệm UBKT | UVBCHHU |
18 | Đinh Thị Minh | Hồng Định, Q Hoà | Q trưởng p xây dựng | UVBCHHU |
19 | Hoàng La phúc | Quý Quân, H Quảng | C tịch Hội nông dân | UV BCHHU |
20 | Đàm Thị Mới | Nam Tuấn , Hoà An | C tịch Hội Phụ nữ | UVBCHHU |
21 | Vương Văn Võ | Nội Thôn, Hà Quảng | Bí thư Huyện Đoàn | UV BCHHU |
22 | Hoàng Văn Thái | Phù Ngọc, Hà Quảng | CC trưởng CCthuế | UV BCHHU |
23 | Đàm Thị Bền | Đào Ngạn, H Quảng | Giám đốc Kho bạc | UV BCHHU |
24 | Triệu Hải Hồ | Quý Quân, H Quảng | Giám đốc TT Y tế | Uv BCHHU |
25 | Trần Văn Phức | Phù Ngọc, Hà Quảng | Trưởng P Giáo dục | UVBCHHU |
26 | Đàm Văn Trụ | Phù Ngọc, Hà Quảng | VTrưởng VKSND | UV BCHHU |
27 | Hoàng Quang Trường | Xuân Hoà, Hà Quảng | BTĐU Xuân Hoà | UV BCHHU |
28 | Đàm Văn Lai | Phù Ngọc, Hà Quảng | BTĐU Phù Ngọc | UV BCHHU |
29 | Bế Văn Hiền | Đào Ngạn, H Quảng | BTĐU Đào Ngạn | UV BCHHU |
30 | Dương Văn Dùng | Th.Thôn, H Quảng | Phó BTTT T Thôn | UV BCHHU |
31 | Sầm Văn Liòng | Nội Thôn, Hà Quảng | BTĐU Nội Thôn | UV BCHHU |
32 | Dương Văn Tu | Hạ Thôn, H Quảng | Phó BTTT Hạ Thôn | UV BCHHU |
33 | Hoàng Văn Hoáy | Kéo Yên, Hà Quảng | BTĐU Kéo Yên | UVBCHHU |
34 | Trương Văn Tặng | Phù Ngọc, Hà Quảng | CHT BCHQS | UV BCHHU |
11. BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘHUYỆN HÀ QUẢNG KHOÁ XVII (2005 - 2010) TT | Họ và tên | Quê quán | Chức vụ - đơn vị công tác | Đảng - Đoàn thể - Chính quyền |
1 | Nông Thanh Khoa | Trường Hà, HàQuảng | Bí Thư Huyện uỷ | |
2 | Nông Văn Thiết | Nà Sác, Hà Quảng | P Bí thư TT HU | CT HĐND |
3 | Triệu Đình Lê | Phù Ngọc, Hà Quảng | P Bí thư HU | CTUBND |
4 | Trần Đức Thọ | Xuân Hoà, Hà Quảng | TB Tổ chức HU | UVBTVHU |
5 | Bế Thanh Giám | Xuân Hoà, Hà Quảng | Chủ nhiệm UBKT | UVBTVHU |
6 | Vương Văn Võ | Nội Thôn, Hà Quảng | TB Tuyên giáoHU | UVBTVHU |
7 | Nông Văn Ngọc | Sóc Hà, Hà Quảng | Phó CTUBND | UVBTVHU |
8 | Hoàng Thanh Bình | Phù Ngọc, Hà Quảng | Phó CT UBND | UVBTVHU |
9 | Hoàng Thị Giếng | Phù Ngọc, Hà Quảng | Trưởng P NN-PTNT | UVBTVHU |
10 | Trương Văn Tặng | Phù Ngọc, Hà Quảng | CHTBCHQS | UVBTVHU |
11 | Chu Minh Tiến | Hoàng Tung, Hoà An | Trưởng Công an | UVBTVHU |
12 | Bế Thanh Tường | Xuân Hoà, Hà Quảng | TB Dân vận HU | UVBCHHU |
13 | La Văn Huấy | Xuân Hoà, Hà Quảng | CTịch UBMTTQ | UVBCHHU |
14 | Nguyễn Thế Sỹ | Sóc Hà, Hà Quảng | Phó Ctịch HĐND | UVBCHHU |
15 | Nguyễn - Khải | Sóc Hà, Hà Quảng | Phó CTịch UBND | UVBCHHU |
16 | Hoàng La Phúc | Quý Quân, H Quảng | Ctịch Hội nông dân | UVBCHHU |
17 | Nông Thị Niếm | Phù Ngọc, Hà Quảng | Ctịch Hội phụ nữ | UVBCHHU |
18 | Triệu Thanh Sơn | Xuân Hoà, Hà Quảng | Bí thư huyện Đoàn | UVBCHHU |
19 | Phương Quốc Tuấn | Đào Ngạn, Hà Quảng | Ctịch LĐLĐ | UVBCHHU |
20 | Trần Văn Bộ | Phù Ngọc, Hà Quảng | Trưởng p Nội vụ | UVBCHHU |
21 | Mã Văn Quý | Xuân Hoà, Hà Quảng | Q giám đốc BVĐK | UVBCHHU |
22 | Bế Văn Bưu | Xuân Hoà, Hà Quảng | Trưởng P C thương | UVBCHHU |
23 | Đàm- Trụ | Phù Ngọc, Hà Quảng | VTrưởng VKSND | UVBCHHU |
24 | Dương Văn Sơn | Cải Viên, Hà Quảng | P chánh án TAND | UVBCHHU |
25 | Hoàng Văn Thái | Phù Ngọc, Hà Quảng | CCTrưởng CC thuế | UVBCHHU |
26 | Đàm Thị Bền | Đào Ngạn, Hà Quảng | Giám đốc Kho bạc | UVBCHHU |
27 | Trần Văn Phức | Phù Ngọc, Hà Quảng | Trưởng P Giáo dục | UVBCHHU |
28 | Đàm- Lập | Đào Ngạn, Hà Quảng | BTĐU Đào Ngạn | UVBCHHU |
29 | Đàm Văn Lai | Phù Ngọc, Hà Quảng | BTĐU Phù Ngọc | UVBCHHU |
30 | Vương Văn Pẩu | Tổng Cọt, Hà Quảng | BTĐU Tổng Cọt | UVBCHHU |
31 | Ngô Văn Sam | Mã Ba, Hà Quảng | BTĐU Mã ba | UVBCHHU |
32 | Dương Văn Tu | Hạ Thôn, Hà Quảng | BTĐU Hạ Thôn | UVBCHHU |
33 | Mã Văn Thàng | T Thôn, H Quảng | BTĐU Lũng Nặm | UVBCHHU |
34 | Lý Ngọc Bính | Trường Hà, HàQuảng | BTĐU Trường Hà | UVBCHHU |
35 | Hoàng Văn Hiến | Xuân Hoà, Hà Quảng | BTĐU Xuân Hoà | UVBCHHU |
II. ĐƠN VỊ VÀ CÁ NHÂN ANH HÙNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG* Các tập thể anh hùng:+ Đảng bộ và nhân dân huyện Hà Quảng.+ Các xã được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.- Xã Đào Ngạn, huyện Hà Quảng.
- Xã Kéo Yên, huyện Hà Quảng.
- Xã Trường Hà, huyện Hà Quảng.
- Xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng.
- Xã Nà Sác, huyện Hà Quảng.
- Xã Phù Ngọc, huyện Hà Quảng.
* Các cá nhân anh hùng 1. Liệt sĩ Nông Văn Dền (Kim Đồng), dân tộc Nùng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng.
2. Liệt sĩ Bế Văn Cắm, dân tộc Nùng, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng.
3. Hoàng Văn Cón, dân tộc Nùng, xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng.
III. DANH SÁCH BÀ MẸ VIỆT NAM ANH HÙNG1. Nông Thị Lược, dân tộc Tày, xã Nà Sác.
2. Nông Thị Dấn, dân tộc Nùng, xã Tổng Cọt.
3. Trương Thị Pèng, dân tộc Nùng, xã Trường Hà.
4. Nông Thị Thiêm, dân tộc Tày, xã Đào Ngạn.
5. Lân Thị Hò, dân tộc Nùng, xã Trường Hà.
6. Linh Thị Lằng, xã Trường Hà.
IV.CÁC ĐỒNG CHÍ LÃNH ĐẠO CAO CẤP CỦAĐẢNG, NHÀ NƯỚC1. Đàm Quang Trung (Đàm Ngọc Lưu) - Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IV,V, VI; Bí thư Trung ương Đảng khoá VI; Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Huân chương sao vàng.
1. Lê Quảng Ba (Đàm Văn Mông, Thượng Việt, Hồng Giang, Lê Minh, Lê Kính Ba, Lê Hoa) Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III, Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc Trung ương.
3. Dương Tường (Vương Văn Quýnh) - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng khoá V,VI.
V. CÁC ĐỒNG CHÍ LÀ CẤP TƯỚNG1. Lê Quảng Ba, sinh ngày 21-4-1915: Thiếu tướng
2. Đàm Quang Trung, sinh ngày 12-9-1921: Thượng tướng.
3. Đàm Đình Trại, sinh năm 1947: Trung tướng.
VI. DANH SÁCH CÁN BỘ LÃO THÀNH CÁCH MẠNG1. Cán bộ lão thành cách mạng STT | Họ và tên | Bí danh | Năm sinh | Quê quán |
01 | Hoàng Văn Sô | Cao Trung | 1918 | Đào Ngạn - Hà Quảng - Cao Bằng |
02 | Sầm Văn Quận | Chấn Hưng | 1913 | Nà Sác - Hà Quảng - Cao Bằng |
03 | Dương Văn Thử | Đại Phong | 1908 | Trường Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
04 | Hứa Hoàng Thanh | Liêm Thanh | 1923 | Xuân Hoà - Hà Quảng - Cao Bằng |
05 | La Văn Chấn | Bát Ngư | 1925 | Xuân Hoà - Hà Quảng - Cao Bằng |
06 | La Văn Cáo | Ngư Mạn | 1922 | Xuân Hoà - Hà Quảng - Cao Bằng |
07 | Đào Văn Lân | Phúc Kiến | 1912 | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
08 | Nông Hiền Hữu | Quất | 1908 | Xuân Hoà - Hà Quảng - Cao Bằng |
09 | Nông Thế Sung | Bảo An | 1912 | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
10 | Hà Văn Hoà | Đại Tiến | 1905 | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
11 | Lân Văn Cầu | Nhục Hính | 1906 | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
12 | Hà Văn Sơ | Tô Đình | 1911 | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
13 | Đào Văn Bảo | Đức | 1904 | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
14 | Lý Văn Pháng | Đức Bào | 1915 | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
15 | Thi Văn Lùng | Đức Lâm | 1917 | Nà Sác - Hà Quảng - Cao Bằng |
16 | Nông Thị Thiểm | Liên Hoa | | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
17 | Trương Thị Sải | Thanh Vân | | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
18 | Vi Văn Hoạch | Bình Định | | Xuân Hoà - Hà Quảng - Cao Bằng |
19 | Hoàng Văn Dạ | Vần Dạ | 1914 | Xuân Hoà - Hà Quảng - Cao Bằng |
20 | Đàm Thị Tệch | Minh Cương | 1923 | Xuân Hoà - Hà Quảng - Cao Bằng |
21 | Triệu Văn Đinh | Đức Công | | Xuân Hoà - Hà Quảng - Cao Bằng |
22 | Nông Văn Hoạng | Chấn Sính | 1920 | Trường Hà- Hà Quảng - Cao Bằng |
23 | Hoàng Cao Thăng | | 1926 | Trường Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
24 | Hoàng Thị Sấn | Nga | 1925 | Trường Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
25 | Dương Văn Dạo | Đại Hoa | 1915 | Trường Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
26 | Bế Văn Dùng | Hải | 1910 | Trường Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
27 | La Văn Tấn | Nhân Hoa | | Trường Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
28 | Đàm Thị Lan | Xuân Liên | 1925 | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
29 | Hoàng Văn Khì | Nguyên Sơn | 1921 | Thượng Thôn - Hà Quảng - Cao Bằng |
30 | Hoàng Văn Sán | Chắn Cáng | 1924 | Nà Sác - Hà Quảng - Cao Bằng |
31 | Lý Văn Nòng | Hà Sính | 1924 | Nà Sác - Hà Quảng - Cao Bằng |
32 | La Văn Sàng | Hính Chắn | 1914 | Nà Sác - Hà Quảng - Cao Bằng |
33 | Nguyễn Thị An | Hương Lan | | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
34 | Nông Văn Khón | Việt Sơn | | Nà Sác - Hà Quảng - Cao Bằng |
35 | Hoàng Văn Vân | Ái Nam | 1917 | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
36 | Nông Triệu Thuật | Chấn Đạt | | Xuân Hoà - Hà Quảng - Cao Bằng |
37 | Triệu Văn Hoàng | Ón Phình | 1918 | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
38 | Bế Văn Lầu | Vinh Sính | | Đào Ngạn - Hà Quảng - Cao Bằng |
39 | Dương Văn Nần | Việt Dân | 1930 | Trường Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
40 | Đàm Văn Bổ | Quân | 1927 | Đào Ngạn - Hà Quảng - Cao Bằng |
41 | Hoàng Văn Thanh | Hồng Tiến | 1920 | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
42 | Dương Văn Dấu | Đại Long | 1911 | Trường Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
43 | Hoàng Văn Chúc | Hạnh Đàn | 1924 | Phù Ngọc - Hà Quảng - Cao Bằng |
44 | Nông Thị Bày | Trưng | 1920 | Phù Ngọc - Hà Quảng - Cao Bằng |
45 | Trần Quốc Dục | | | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
46 | Hà Thái Sơn | | 1912 | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
47 | Nguyễn Văn Ne | Thế Minh | 1917 | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng |
48 | Lý Thị Nhình | Thanh Thuỷ | 1929 | Xuân Hoà - Hà Quảng - Cao Bằng |
49 | Hoàng Văn Công | Tuất Thành | 1918 | Phù Ngọc - Hà Quảng - Cao Bằng |
50 | Đàm Văn Thuần | Việt Hải | 1923 | Đào Ngạn - Hà Quảng - Cao Bằng |
51 | Hoàng Văn Uốn | Vạn Tuấn | 1911 | Xuân Hoà - Hà Quảng - Cao Bằng |
52 | Hoàng Văn Quân | Đức Phong | 1923 | Đào Ngạn - Hà Quảng - Cao Bằng |
53 | Đàm Văn Tuấn | Tân Lợi | 1920 | Phù Ngọc - Hà Quảng - Cao Bằng |
54 | Đàm Văn Mèo | Vĩnh Mậu | 1922 | Đào Ngạn - Hà Quảng - Cao Bằng |
55 | Đàm Thị Cương | | 1926 | Đào Ngạn - Hà Quảng - Cao Bằng |
56 | Hứa Quý Lưu | | 1927 | Xuân Hoà - Hà Quảng - Cao Bằng |
57 | Đàm Văn Lâm | Quý Liêu | 1926 | Xuân Hoà - Hà Quảng - Cao Bằng |
58 | Linh Văn Thàn | Cao Sơn | 1926 | Xuân Hoà - Hà Quảng - Cao Bằng |
59 | Nông Thế Hùng | | 1924 | Phù Ngọc - Hà Quảng - Cao Bằng |
60 | Trương Quang Thịnh | Tiến Văn | 1926 | Phù Ngọc - Hà Quảng - Cao Bằng |
61 | Lăng Trung Tự | Đại Khằn | 1923 | Nà Sác - Hà Quảng – Cao Bằng |
62 | Bế Thị U | | 1919 | Trường Hà - Hà Quảng – Cao Bằng |
63 | Hoàng Văn Cực | Ngô Tân | 1925 | Phù Ngọc - Hà Quảng – Cao Bằng |
64 | Đàm Văn Quỳnh | Bác Sư | 1908 | Phù Ngọc - Hà Quảng – Cao Bằng |
65 | Mã Văn Thụ | Quốc Anh | 1915 | Xuân Hoà - Hà Quảng – Cao Bằng |
66 | Sầm Văn Dẹn | | 1922 | Trường Hà - Hà Quảng – Cao Bằng |
67 | Phan Văn Quế | Đức Loan | 1923 | Đào Ngạn - Hà Quảng – Cao Bằng |
68 | Nông Thị Nhình | Lý Hoa | 1925 | Đào Ngạn - Hà Quảng – Cao Bằng |
69 | Triệu Văn Thặng | Phúc Lợi | 1913 | Đào Ngạn - Hà Quảng – Cao Bằng |
70 | Hà Văn Ư | Hải Dương | 1927 | Phù Ngọc - Hà Quảng – Cao Bằng |
71 | Đàm Văn Sứ | Đàm Ngọc Côn | 1924 | Đào Ngạn - Hà Quảng – Cao Bằng |
72 | Hoàng Bình Kim | | | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
73 | Hoàng Thị Thi | Tân Tiến | 1927 | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng |
74 | Đàm Thị Lê | Xuân Thanh | 1927 | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
75 | Nông Thị Lại | Yến Phi | 1922 | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng |
76 | Hoàng Văn Tụng | | 1927 | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng |
77 | Lục Văn Sòi | Tiến Quân | 1925 | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
78 | Nông Lê Mộng | Thiết Dũng | 1925 | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng |
79 | Trương Thị Phẩn | Vân | 1921 | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng |
80 | Trương Thị Nàng | Hậu Phi | 1925 | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng |
81 | Hoàng Thị Phanh | An Kiên | 1926 | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng |
82 | Nông Văn Thảo | Ngọc Xuân | 1921 | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng |
83 | Nông Văn Biếm | Quang Đức | 1921 | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng |
84 | Trương Văn Mưu | Dương Hoà | 1925 | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng |
85 | Hoàng Chính Kháng | Đại Nam | 1925 | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
86 | Bế Văn Mười | Nam Trung | 1910 | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng |
87 | Hứa Văn An | Hồng Tâm | 1918 | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng |
88 | Hứa Hiền Nho | Biểu Công | 1912 | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng |
89 | Hoàng Văn Ngô | Lưu Nguyện | 1914 | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng |
90 | Hoàng Vần Sùng | Vần Sùng | 1922 | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng |
91 | Hoàng Thị Hoa | | 1922 | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng |
92 | Bế Thị Đạm | Hồng Hoa | 1913 | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng |
93 | Triệu Thị Bàng | Hồng Liên | 1914 | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng |
94 | Đàm Thị Chọi | Tiên Đồng | 1926 | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng |
95 | Bế Thị Thung | Liễu Gia | 1916 | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng |
96 | Bế Thị Chơi | Vân Thanh | 1923 | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng |
97 | La Thị Máy | Minh Giang | 1922 | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng |
98 | Đàm Thế Long | Đà Thế Dũng | 1930 | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng |
99 | Nông Văn Tành | Đình Kiến | 1914 | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
100 | La Thị Khìn | Bình Hoa | 1922 | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
101 | Sầm Văn Sán | Chóng Ửng | 1917 | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
102 | Đào Thị Điểm | Liễu Thanh | 1922 | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
103 | Hà Văn Lệch | Đại Cầu | 1923 | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
104 | Nông Văn Tàng | Lê Dương | 1926 | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
105 | Hoàng Thị Khìn | | 1920 | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
106 | Dương Thị Bảy | | 1917 | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
107 | Hoàng Văn Phẳn | Trọng | 1923 | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
108 | Thi Văn Lộc | Minh Sơn | 1927 | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng |
109 | Thi Văn Đuổng | Lâm Thanh | 1925 | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng |
110 | Nông Thị Kết | Thanh Hà | 1918 | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng |
111 | Dương Văn Nèn | | 1913 | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng |
112 | Lâm Thị Ương | Lê Nhị | 1927 | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng |
113 | Đào Hà Sủi | Kim Sơn | 1925 | Quý Quân – Hà Quảng – Cao Bằng |
114 | Trương Phúc Sài | | 1921 | Nội Thôn – Hà Quảng – Cao Bằng |
115 | Trương Văn Nằng | Phúc Dính | 1917 | Nội Thôn – Hà Quảng – Cao Bằng |
116 | Sầm Thị Sấn | | 1926 | Hồng Sỹ - Hà Quảng – Cao bằng |
117 | Hứa Thị Lọc | Hoa Kỳ | 1916 | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng |
118 | Triệu Văn Chậng | Công Hiến | 1921 | Xuân Hoà - Hà Quảng – Cao Bằng |
119 | Ngô Văn Khiào | Dèn Sáng | 1914 | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng |
120 | Dương Văn Dinh | Dấn Hùng | 1922 | Hạ Thôn – Hà Quảng – Cao Bằng |
121 | Hoàng Thị Mỹ | Hải Lâm | 1915 | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
122 | Nông Văn Phoóng | Quáy Hính | 1920 | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng |
123 | Nông Văn Cò | | 1914 | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
124 | Nông Văn Kỳ | Bảo Long | 1920 | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
125 | Đàm Luân Lý | Ái Việt | 1924 | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng |
126 | Hoàng Thị Thơ | Hoàng Yến | 1928 | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng |
127 | Đàm Thị Thục | | 1917 | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng |
128 | Lương Thị Ngai | Nam Hoa | 1917 | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng |
129 | Lý Văn Chủng | Đức Lâm | 1924 | Lũng Năm – Hà Quảng – Cao Bằng |
130 | Đào Văn Vi | Đức Lợi | 1921 | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng |
131 | Nông Thị Phón | Kim Sơn | 1923 | Tổng Cọt – Hà Quảng – Cao Bằng |
132 | Đào Thị Dực | Thanh Tân | 1923 | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng |
133 | Hoàng Thị Vẳng | Thanh Xuân | 1926 | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng |
134 | Vương – Lưu | | 1929 | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng |
135 | Vương Thị Nượu | | | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng |
136 | Lê Thị Đầu | Lê Bạch | 1900 | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng |
137 | Bế Văn Toại | Triệu Thắng | | Xuân Đại – Hà Quảng – Cao Bằng |
138 | Bế Long Tẩy | Chính Đại | | Xuân Đại – Hà Quảng – Cao Bằng |
2. Cán bộ tiền khỏi nghĩa |
STT | Họ và tên | Bí danh | Năm sinh | Địa chỉ |
01 | Lục Văn Cỏm | | | Đào Ngạn, Hà Quảng, Cao Bằng |
02 | Thi Văn Thàng | | | Nà Sác, Hà Quảng, Cao Bằng |
VII. DANH SÁCHĐẢNG VIÊN ĐƯỢC TẶNG HUY HIỆU 40, 50, 60, 70 TUỔI ĐẢNG 1. HUY HIỆU 70 TUỔI ĐẢNG: STT | HỌ VÀ TÊN | QUÊ QUÁN | GHI CHÚ |
01 | Nông - Quất | Nà Sác - Hà Quảng - Cao Bằng | |
2. HUY HIỆU 60 TUỔI ĐẢNG. STT | HỌ VÀ TÊN | QUÊ QUÁN | GHI CHÚ |
01 | Nguyễn Thị Hương Lan | Sóc Hà - Hà Quảng - Cao Bằng | |
02 | Đào Páo Thàng | Hạ Thôn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
03 | Nông Văn Khiêm | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
04 | Hà Hải Dương | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
05 | Lục Minh Cao | Lũng Năm – Hà Quảng – Cao Bằng | |
06 | Bế Thị Chơi | Đào Ngạn - Hà Quảng – Cao Bằng | |
07 | Nông Lê Mộng | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
08 | Hoàng Thị Mông | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
09 | Thi Văn Chấn | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
10 | Đàm Ái Việt | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
11 | Bế Văn Mười | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
12 | Nông Văn Nghiệm | Quý Quân – Hà Quảng – Cao Bằng | |
13 | Hoàng Vần Dạ | Vần Dính – Hà Quảng – Cao Bằng | |
14 | Hoàng Văn Háng | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
15 | Nông Văn Kỳ | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
16 | Nông Thị Thiểm | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
17 | Trương Thị Sài | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
18 | Đàm Quý Liêu | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
19 | Hứa Hồng Tâm | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
20 | Nông Thị Pằng | Hạ Thôn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
3. HUY HIỆU 50 TUỔI ĐẢNG. STT | HỌC VÀ TÊN | QUÊ QUÁN | GHI CHÚ |
01 | Hoàng Xình Choóng | Thượng Thôn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
02 | Lý Trung Khính | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
03 | Hoàng Thị Noọng | Lũng Nặm – Hà Quảng – Cao Bằng | |
04 | Nông Hồng Quân | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
05 | Dương Văn Vĩnh | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
06 | Trương Thị Miên | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
07 | Lục Văn Ước | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
08 | Đàm Đa Tiến | Trường – Hà Quảng – Cao Bằng | |
09 | Sầm Chấn Hưng | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
10 | Hoàng Cắm Lùng | Sỹ Hai – Hà Quảng – Cao Bằng | |
11 | La Nhục Hính | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
12 | La Quý Mao | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
4. HUY HIỆU 40 TUỔI ĐẢNG. STT | HỌ VÀ TÊN | QUÊ QUÁN | GHI CHÚ |
01 | Dương Văn Dinh | Hạ Thôn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
02 | Dương Văn Sảo | Cải Viên – Hà Quảng – Cao Bằng | |
03 | Hoàng Ngọc Thanh | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
04 | Trương Văn Huần | Tổng Cọt – Hà Quảng – Cao Bằng | |
05 | Liễu Đức Long | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
06 | Hà Văn Đức | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
07 | Nông Văn Đạo | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
08 | Nông Thị Kê | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
09 | Đàm Văn Lịch | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
10 | Hoàng Văn Lọc | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
11 | Thi Đức Lộc | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
12 | Hoàng Văn Phóng | Vân An – Hà Quảng – Cao Bằng | |
13 | Sầm Hồng Nam | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
14 | Lê Văn Sèn | Lũng Nặm – Hà Quảng – Cao bằng | |
15 | Nông Ngọc Tinh | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
16 | Đàm Vinh Dự | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
17 | Vương Văn Khoan | Quý Quân – Hà Quảng – Cao Bằng | |
18 | Mã Quang Nhậm | Xuận Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
19 | Hoàng Kinh Dinh | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
20 | Vương Văn Khải | Phù Ngọc – Hà Quảng - Cao Bằng | |
21 | Nhan Văn Liêm | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
22 | La Hữu Phúc | Xuận Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
23 | Nông Văn Quần | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
24 | Nông Quốc Tộng | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
25 | Triệu Quang Đê | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
26 | Nông Văn Noóng | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao bằng | |
27 | Nông Văn Tiêu | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
28 | Nông Trung Thiệp | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
29 | Sầm Văn Thảy | Nội Thôn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
30 | Hoàng Văn Bưu | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
31 | Triệu Việt Chu | Quý Quân – Hà Quảng – Cao Bằng | |
32 | Bế Văn Long | Xuận Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
33 | Trương Văn Phú | Vân An – Hà Quảng – Cao Bằng | |
34 | Đàm Văn Chứ | Thương Thôn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
35 | Vương Văn Hàn | Lũng Nặm – Hà Quảng – Cao Bằng | |
36 | Hoàng Bình Lộc | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
37 | Đàm Thế Long | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
38 | Lương Thị Nhình | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
39 | Hoàng Văn Píu | Cải Viên – Hà Quảng – Cao Bằng | |
40 | Nguyễn Công Trãi | Phù ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
41 | Vương Văn Thìn | Tổng Cọt – Hà Quảng – Cao Bằng | |
42 | Nông Văn Kín | Thượng Thôn - Hà Quảng - Cao Bằng | |
43 | Nông Văn Khoáy | Cải Viên – Hà Quảng – Cao Bằng | |
44 | Phan Văn Lằm | Hạ Thôn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
45 | Vi Thị Pằng | Sỹ Hai – Hà Quảng – Cao Bằng | |
46 | Phạn Văn Phộng | Đào Ngạn – Hà Quảng – cao Bằng | |
47 | Bế Văn Tịnh | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
48 | Lượng Văn Só | Cải Viên – Hà Quảng – Cao Bằng | |
49 | Hoàng Ngọc Tưởng | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
50 | Hoàng Văn Chương | Mã Ba – Hà Quảng – Cao Bằng | |
51 | Đàm Minh Loan | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
52 | Bế Thị Nghiêu | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
53 | Sầm Văn Phóng | Mã Ba – Hà Quảng – Cao Bằng | |
54 | Đàm Ngọc Quyết | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
55 | Hà Văn Trự | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
56 | Nông Văn Thảo | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
57 | Trần Văn Vằn | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
58 | Hứa Thị Bày | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
59 | Vương Văn Chi | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
60 | Long Thị Chảo | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
61 | Lục Văn Lùng | Kéo Yên – Hà Quảng – Cao Bằng | |
62 | Đàm Thị Lên | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
63 | Lục Văn Minh | Kéo Yên – Hà Quảng – Cao Bằng | |
64 | Hoàng Công Cáng | Lũng Nặm – Hà Quảng – Cao Bằng | |
65 | Lương Văn Dé | Hạ Thôn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
66 | La Ngọc Đống | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
67 | Hoàng Văn Lực | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
68 | Nông Văn Tướng | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
69 | Hoàng Tài Võ | Phù Ngọc - Hà Quảng – Cao Bằng | |
70 | Đàm Văn Húc | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
71 | Lăng Văn Bằng | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
72 | Bế Văn Đằm | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
73 | Trương Thanh Giàng | Tổng Cọt – Hà Quảng – Cao Bằng | |
74 | Nông Văn Hoành | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
75 | Dương Văn Khảo | Thượng Thôn - Hà Quảng - Cao Bằng | |
76 | Bế Vũ Nhược | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
77 | Bế Văn Quân | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
78 | Lương Đường Tấn | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
79 | Hoàng Văn Thàng | Hồng Sỹ - Hà Quảng – Cao Bằng | |
80 | Vương Văn Sủi | Vân An – Hà Quảng – Cao Bằng | |
81 | Sầm Văn Lòng | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
82 | Dương Văn Pét | Cải Viên – Hà Quảng – Cao Bằng | |
83 | Nông Quốc Thồng | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
84 | Sầm Văn Thồng | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
85 | Dương Văn Thình | Cải Viên – hà Quảng – Cao Bằng | |
86 | Hoàng Văn Sưu | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
87 | Trương Văn Vế | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
88 | Trương Văn Chẩu | Nội Thôn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
89 | Mạ Văn Nó | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
90 | Đinh Thanh Chản | Vân An – Hà Quảng – Cao Bằng | |
91 | Hoàng Văn Chẹt | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
92 | Trương Thị Phẩn | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
93 | Trần Thị Lè | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
94 | Hoàng Thị Miào | Tổng Cọt – Hà Quảng – Cao Bằng | |
95 | Hà Thị Nắm | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
96 | Lý Văn Nhí | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
97 | Vũ Thị Viện | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
98 | Vi Văn Sòi | Thượng Thôn - Hà Quảng - Cao Bằng | |
99 | Đàm Quý Liêu | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
100 | Nông Văn Bắt | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
101 | Hoàng Văn Lỷ | Kéo Yên – Hà Quảng – Cao Bằng | |
102 | Hứa Thị Nguyên | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
103 | Hoàng Thị Ngoan | Quý Quân – Hà Quảng – Cao Bằng | |
104 | Vượng Văn Nhậu | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
105 | Phùng Văn Thèn | Nội Thôn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
106 | Nông Hải Rọng | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
107 | Đàm - Rược | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
108 | Nhan Văn Dỉnh | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
109 | Hoàng Văn Lé | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
110 | Bế Văn Thuận | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
111 | Đàm Văn Quân | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
112 | Hoàng Văn Quế | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
113 | Vương Văn Tỉnh | Tổng Cọt – Hà Quảng – Cao Bằng | |
114 | Bế Văn Hiền | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
115 | Nông Văn Thuỷ | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
116 | Triệu Quốc Tịch | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
117 | Long Văn Sào | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
118 | Hoàng Văn Hồng | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
119 | Hoàng Văn Kiểm | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
120 | Dương Viết Khoáng | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
121 | Nông Xuân Bắc | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
122 | Đàm Thị Mùi | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
123 | Nguyễn Văn Đắc | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
124 | Nguyễn Văn Vệ | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
125 | Phan Văn Dính | Tổng Cọt – Hà Quảng – Cao Bằng | |
126 | Sầm Văn Hốn | Tổng Cọt – Hà Quảng – Cao Bằng | |
127 | Đàm Đình Châu | Đào Ngạn – Hà Quảng - Cao Bằng | |
128 | Lân Thị Chí | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
129 | Lăng Thị Liên | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
130 | Nông Thị Viên | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
131 | Hoàng Văn Hính | Sỹ Hai – Hà Quảng – Cao Bằng | |
132 | Bế Văn Bách | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
133 | Nông Quốc Chấn | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
134 | Hoàng Văn Sèn | Thượng Thôn - Hà Quảng - Cao Bằng | |
135 | Đào Thị Cầm | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
136 | Nguyễn Thị Luận | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
137 | Nguyễn Văn Vọng | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
138 | Đàm Thơ | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
139 | Tô Thị Xuân | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
140 | Bế Nông Xuân | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
141 | Hoàng Văn Lợi | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
142 | Hoàng Văn Nhận | Quý Quân – Hà Quảng – Cao Bằng | |
143 | Vi Thị Lằng | Mã Ba – Hà Quảng – Cao Bằng | |
144 | Hoàng Thị Thanh | Mã Ba – Hà Quảng – Cao Bằng | |
145 | Lã Văn Lùng | Mã Ba – Hà Quảng – Cao Bằng | |
146 | Nông Thị Kèm | Mã Ba – Hà Quảng – Cao Bằng | |
147 | Đào Văn Dé | Mã Ba – Hà Quảng – Cao Bằng | |
148 | Đàm Thị Tợ | Đào Ngạn – Hà Quảng - Cao Bằng | |
149 | Triệu Văn Lành | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
150 | Mạc Văn Trung | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
151 | Vương Văn Lòi | Quý Quân – Hà Quảng – Cao Bằng | |
152 | Dương Thị Thoa | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
153 | Bế Văn Thu | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
154 | Lý Văn Khìn | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
155 | Nông Ích Xước | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
156 | Hoàng Văn Đáp | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
157 | Đàm Đình Tuấn | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
158 | Nguyễn Thị Hiền | Quý Quân – Hà Quảng – Cao Bằng | |
159 | Đào Văn Khìn | Hạ Thôn - Hà Quảng – Cao Bằng | |
160 | Nông Văn Thiên | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
161 | Hoàng Thị Pính | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
162 | Nông Thị Hoa | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
163 | La Thị Tài | Tổng Cọt – Hà Quảng – Cao Bằng | |
164 | Lầu Thanh Sự | Hồng Sỹ - Hà Quảng – Cao Bằng | |
165 | Vũ Đức Tuấn | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
166 | Thi Đức Lâm | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
167 | Hoàng Văn Sủng | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
168 | Trần Tân Thuyết | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
169 | Hoàng Văn Dinh | Hạ Thôn - Hà Quảng – Cao Bằng | |
170 | Nông Văn Nghiêu | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
171 | Đàm Ngọc Viễn | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
172 | Phan Văn Du | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
173 | Nông Văn Hạng | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
174 | Trần Thị Giếng | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
175 | Bế Văn Tành | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
175 | Hứa Văn Đôn | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
176 | Bế Văn Vang | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
177 | Nông Văn Tàng | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
178 | Nông Thị Dung | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
179 | Hà Văn Tân | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
180 | Lý Minh Sung | Nội Thôn - Hà Quảng – Cao Bằng | |
181 | Mông Văn Khèn | Thượng Thôn - Hà Quảng – Cao Bằng | |
182 | Nông Văn Ấp | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
183 | Nông Thị Như | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
184 | Nông Ngọc Hoàn | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
185 | Hứa Viết Thàng | Xuân Hoàn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
186 | Bế Thị Tớm | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
187 | Nông Văn Soọc | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
188 | Lục Thị Bướm | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
189 | Lâm Văn Biếm | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
190 | Hoàng Quang Chức | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
191 | Sầm Văn Thào | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
192 | Hoàng Văn Dũng | Thượng Thôn - Hà Quảng – Cao Bằng | |
193 | Triệu Hải Hồ | Quý Quân – Hà Quảng – Cao Bằng | |
194 | Hoàng Văn Lệch | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
195 | Lương Văn Chủng | Kéo Yên – Hà Quảng – Cao Bằng | |
196 | Nông Văn Đam | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
197 | Triệu Thị Tuyền | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
198 | Bế Ngọc Tường | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
199 | Bế Văn Thịnh | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
200 | Nông Hải Tiệp | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
201 | Đàm Trọng Lư | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
202 | Đoàn Thị Dung | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
203 | Ma Thị Huyển | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
204 | Trương Thị Thượng | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
205 | Hoàng Thị Thiểm | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
206 | Hoàng Văn Thàng | Lũng Nặm – Hà Quảng – Cao Bằng | |
207 | Nông Văn Lần | Lũng Nặm – Hà Quảng – Cao Bằng | |
208 | Lý Văn Cường | Quý Quân – Hà Quảng – Cao Bằng | |
209 | Trần Đình Huấn | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
210 | Lục Văn Bóng | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
211 | Lục Văn Tiết | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
212 | Nông Thị Dèn | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
213 | Hoàng Văn Vậu | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
214 | Lân Thị Ngưu | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
215 | Hoàng Thị Sớm | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
216 | Hà Văn Hách | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
217 | Hoàng - Tiêu | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
218 | Hoàng Văn Chinh | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
219 | Nông Văn Dén | Lũng Nặm – Hà Quảng – Cao Bằng | |
220 | Lương Văn Hoáy | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
221 | Mạc Thị Lìn | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
222 | Dương Thị Nhình | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
223 | Hoàng Quang Sấn | Lũng Nặm – Hà Quảng – Cao Bằng | |
224 | Nông Thế Cừ | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
225 | Hoàng Thị Phách | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
226 | Nông Văn Chài | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
227 | Phan Thị Nha | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
228 | Đàm Văn Phương | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
229 | Bế Văn Châu | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
230 | Bế Đại Quân | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
231 | Bế Văn Sang | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
232 | Thi Thị Ỷ | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
233 | Hoàng Thị Bướm | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
234 | Dương Văn Cai | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
235 | Nông Văn Khoa | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
236 | Đào Văn Thổ | Nà Sác – Hà Quảng – Cao Bằng | |
237 | Dương Văn Chủng | Thượng Thôn - Hà Quảng – Cao Bằng | |
238 | Long Quang Sòi | Vân An - Hà Quảng – Cao Bằng | |
239 | Lương Thị Kim | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
240 | Nông Văn Phú | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
241 | Hà Văn Hùng | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
242 | Bế Văn Trọng | Xuân Hoà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
243 | Đàm Đình Trại | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
244 | Nông Thị Uất | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
245 | Hoàng Thị Sấy | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
246 | Hứa Văn Sỉnh | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
247 | Lăng Thị Dính | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
248 | Hoàng Thị Hái | Trường Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
249 | Hoàng Văn Hín | Cải Viên – Hà Quảng – Cao Bằng | |
250 | Trương Công Nhị | Cải Viên – Hà Quảng – Cao Bằng | |
251 | Phan Thị Khoan | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
252 | Hà Văn Thẳng | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
253 | Hoàng Văn Sàng | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
254 | Dương Thị Sao | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
255 | Mạc Đức Thịnh | Phù Ngọc – Hà Quảng – Cao Bằng | |
256 | Sùng Thào Páo | Quý Quân – Hà Quảng – Cao Bằng | |
257 | Nông Thanh Quý | Quý Quân – Hà Quảng – Cao Bằng | |
258 | Hoàng Văn Sâm | Sóc Hà – Hà Quảng – Cao Bằng | |
259 | Hoàng Văn Tản | Nội Thôn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
260 | Sầm Ngọc Hoà | Đào Ngạn – Hà Quảng – Cao Bằng | |
MỤC LỤC | Trang |
Lời nói đầu | 1 |
Phần mở đầu: Khái quát vùng đất, con người Hà Quảng | 3 |
Chương I: Nhân dân các dân tộc Hà Quảng dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến | 6 |
I. Thực dân Pháp đánh chiếm Hà Quảng, thiết lập bộ máy cai trị, thực hiện chính sách bóc lột | 6 |
II. Phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp và sự tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin. | 10 |
Chương II: Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân các dân tộc Hà Quảng dưới sự lãnh đạo của Đảng (1930 - 1945) | 14 |
I. Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ra đời, chặng đường đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng (1931 - 1935) | 14 |
II. Mở rộng cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ, cơm áo, hoà bình (1936 - 1939) | 18 |
III. Tích cực góp phần xây dựng căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị lực lượng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền (1939 - 1945) | 24 |
IV. Đảng bộ Hà Quảng lãnh đạo nhân dân giành chính quyền giải phóng quê hương | 48 |
Chương III: Đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) | 56 |
I. Bảo vệ và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân (9-1945 đến 12-1946) | 56 |
II. Chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (12/1946 - 9/1947) | 62 |
III. Ngăn chặn cuộc tiến công xâm lược của thực dân Pháp (1947 - 1949) | 64 |
IV. Đảng bộ và nhân dân huyện Hà Quảng quyết tâm xây dựng hậu phương, cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược (1950-1954) | 72 |
Chương IV: Đảng bộ Hà Quảng lãnh đạo nhân dân khôi phục kinh tế, cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội (1955 - 1965) | 82 |
I. Khôi phục kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hoá - xã hội, ổn định đời sống nhân dân (1955 - 1960) | 82 |
II. Phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và củng cố phong trào hợp tác xã nông nghiệp (1961 - 1965) | 93 |
Chương V: Xây dựng hậu phương vững mạnh chi viện đắc lực tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược (1965-1975) | 106 |
I. Đảng bộ lãnh đạo nhân dân chuyển từ thời bình sang thời chiến, phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965 - 1970) | 106 |
II. Xây dựng hậu phương vững chắc, dốc sức chi viện cho tiền tuyến, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (1971 - 1975) | 117 |
Chương VI: Nhân dân các dân tộc Hà Quảng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (1976 - 1985) | 126 |
I. Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh (1976 - 1980) | 126 |
II. Góp phần cùng quân dân trong tỉnh chiến đấu bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc. | 132 |
III. Tăng cường đấu tranh giữ vững biên giới, bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia, xây dựng kinh tế, văn hoá - xã hội (1981 - 1985) | 136 |
Chương VII: Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Quảng thực hiện đường lối đổi mới của Đảng - phát triển kinh tế - xã hội (1986 - 2000) | 145 |
I. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng - phát triển kinh tế - xã hội (1986 - 1990) | 145 |
II. Đẩy mạnh thực hiện đường lối đổi mới, hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội (1991 - 1995) | 153 |
III. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đường lối đổi mới phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội (1996 - 2000) | 167 |
Chương VIII: Đảng bộ và nhân dân huyện Hà Quảng tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới, phát triển kinh tế -xã hội theo hướng công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn (2001-2010) | 177 |
I. Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá (2001 - 2005) | 177 |
II. Đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn, hội nhập kinh tế vùng biên (2005 -2010) | 187 |
Kết luận | 200 |
Phụ lục | 208 |
[1] Quyếtđịnh số 12-NV ngày 5-4-1965 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ
[2] Quyếtđịnh số 67-CP ngày 7-4-1966 của Hộiđồng Chính phủ.
[3] Quyếtđịnh số 245-CP ngày 10-6-1981 của Hộiđồng Chính phủ.
[4] Theo thống kê “Niên giám Đông Dương” 1938 – 1939 Hà Quảng có 6.484 suất đinh.
[5] Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 và thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Sóc Giang bao gồm các xã Sóc Hà, Quý Quân, Nà Sác hiện nay. Năm 1958 thì chia tách xã Sóc Giang thành 3 xã là Sóc Hà, Quý Quân, Nà Sác.
[6]Đồng chí Hoàng Đình Giong, (tức Hoàng, Trần Tín, Lầu Voòng, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, VũĐức, Lê Minh, cụ Vũ), nguyên Bí thư chi bộ Hải ngoại Long Châu, Ủy viên Ban Thường vụTrung ương Đảng khoá I, phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ; Chỉ huy trưởng bộđội Nam tiến vào Nam chống Pháp, Chính uỷ quân giải phóng Nam Bộ, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) khu IX, Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu VI. Đồng chí đã hy sinh tại Ninh Thuận (1947). Đồng chí đã được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy phong tặng Huân chương Hồ Chí Minh (1998) và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2009).
[7]Tức là hai đồng chí Hoàng Văn Chài và Đào Văn Lân.
[8]Từ tháng 10-1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
[9] Đồng chí Đàm Văn Lý (tức Quý Quân): Châu uỷ viên Châu uỷ Hà Quảng (1936 - 1938), Phó Bí thư Châu uỷ Hà Quảng (1939 - 1940); bị thực dân Pháp bắt giam tại nhà tù Sơn La, đồng chí tổ chức vượt ngục nhưng bị bắt được, chúng tra tấn dã man và chặt đầu đồng chí bêu tại nhà tù Sơn La; nay nhà tù dựng bức phù điêu để kỷ niệm sự kiện này.
[10] Trước đây thuộc huyện Nguyên Bình; nay thuộc xã Trương Lương, Hoà An.
[11] Xem:
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Cao Bằng, xuất bản năm 1982, tr.45.
[12]Văn kiện Đảng (1930 - 1945), tập I. H,1977,tr. 481.
[13] Xem
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng. Sđd, tr. 61, 62.
[14]Võ Nguyên Giáp:
Những chặng đường lịch sử . Nxb Văn học, Hà Nội, 1977.
[15] Võ Nguyên Giáp:
Tư tưởng Bác Hồ soi sáng sự nghiệp đổi mới của chúng ta. Nxb Sự thật, H, 1990, Tr.48.
[16] Võ Nguyên Giáp.
Từ nhân dân mà ra. Nxb Chính trị Quốc gia, H, 1995, tr. 33.
[17]Đầu nguồn. Hồi ký về Bác Hồ. Nxb Văn học, H, 1975, tr. 225.
[18]Các đồng chí: Quang Trung, Ái Nam, Xuân Trường, Nam Hải, Nam Tuấn, Chu Đốc, Quế Sơn, Kim Bảo, Tô Đình, Ứng Thu, Tô Huy Chấp đi học quân sự. Hai đồng chí Triệu Minh và Đàm Quý đi học vô tuyến điện.
[19] Tên gọi theo mật danh cách mạng của huyện Hà Quảng lúc đó “ Sông rộng” (Hà - sông, Quảng - rộng).
[20]Theo thống kê bước đầu lực lượng tự vệ ở các xã như sau: Trường Hà 3 trung đội, Nà Sác 4 trung đội, Hoà Mục 1 trung đội, Phù Tang 1 trung đội, Đào Ngạn 1 trung đội, Phù Ngọc 1 trung đội, Đa Thông 1 trung đội, Minh Khai 1 đại đội, Vần Dính 1 đại đội, Lương Can 1 tiểu đội
[21]Các địa điểm tập luyện quân sự: Gòi Rặc (Trường Hà); Lũng Sưa Thai (Kéo Yên); Thua Há, Lũng Loỏng, Đoỏng Sí Nính (Nà Sác); Kéo Giảo, Lũng Thông, Yên Lập, Nà Mạ (Hoà Mục); Riảng Eng, Cốc Luy, Bản Hoong, LũngMật (Sóc Hà); Khuổi Dạng, Yên Soang (Phù Tang); Khuổi Khê, Khuổi Pàng (Minh Khai)
[22]Năm 1944, sau khi từ Trung Quốc về, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (lúc đó lấy tên là Hồ Chí Minh) đã tặng chi Nông Thị Trưng quyển vở cùng bài thơ:
“Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai sau cháu giúp nước non nhà”.
[23] Nông Văn Dền (hay Nông Văn Dèn tức Kim Đồng), sinh năm 1928, người dân tộc Nùng, trong một gia đình nông dân nghèoở thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Cha chết vì nạn phu phen, lao dịch của thực dân Pháp. Ở nhà chỉ còn người mẹ tàn tật và người em họ mồ côi được gia đình cưu mang là Nông Văn Thàn (Cao Sơn). Từ bé, anh đã có tinh thần yêu nước, căm ghét giặc Pháp xâm lược. Khi Đội Nhi đồng cứu quốc được thành lập, cả hai anh em Dền và Thànđều được kết nạp vào Đội. Nông Văn Dền được mang bí danh Kim Đồng và được cử làmđội trưởng. Năm 1997, Nông Văn Dền được Đảng và Nhà nước truy phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
[24]Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cao Bằng. Sđd, tr.117.
[25]Văn kiện Đảng (1930 - 1945), tập II. Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản.
[26]Theo thống kê bước đầu, thời gian này, Hà Quảng có các kho bí mật ở Lũng Mò, Pác Phung, Phai Nhục, Phai Đeng, Ngườm Mu, Kéo Pạt (Hoà Mục); Kéo Đẩy (Minh Khai); Khau Cút (Phù Ngọc); Phja Chổi, Nà Chúng, Ní Woài (Trường Hà); Lũng Bó, Lăng Rườn, Nà Ngườn, Ngàm Giảo (Nà Sác); Nà Cháo (Sóc Hà). Các xã Vần Dính, Phù Tang góp thóc vào các kho Hoà Mục. Các xã Lục Khu, Nà Thang, Thượng Thôn, Thiện Thuật gửi thóc ở kho Đào Ngạn.
[27] Lãnh tụ Hồ Chí Minh trở lại Trung Quốc từ tháng 8 -1942 đến tháng 10-1944 về nước
[28]Võ Nguyên Giáp:
Từ nhân dân mà ra. Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, tr.10
[29] Trong trận đánh đồn Đồng Mu (Bảo Lạc) đêm 04 rạng ngày 05-02-1945, đồng chí Xuân Trường đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Đồng chí là liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Năm 1958, bí danh Xuân Trường được đặt cho xã mới, nơi đồng chí hy sinh - xã Xuân Trường, tại thị xã Cao Bằng, một trong nhữngđ ường phố to đẹp cũng được đặt tên là phố Xuân Trường để lòng biếtơn và ghi nhớ công lao của đồng chí.
[30] Hồ Chí Minh:
Tuyển tập, tập I. Nxb Sự thật,H, 1980, tr.351.
[31]Phỉ hay còn gọi là thổ phỉ theo nghĩa Hán - Việt có nghĩa là phỉ bản địa. Đồng bào dân tộc còn gọi phỉ là “Thảo khấu”, có nghĩa là giặc cỏ. Phỉ là những tên cướp có vũ trang, thường hoạt động ở vùng rừng núi, vùng biển hoặc các vùng hiểm yếu khác để tiến hành các hoạt động giết người, cướp phá tài sản, gây mất ổn định an ninh, trật tự nhằm chống lại chính quyền, chống lại nhân dân.
[32] Viết lại theo Hồi ký "Vượt núi" củađồng chí Đàm Ngọc Côn, nguyên Bí thư Huyện uỷ Hà Quảng (7/1946 - cuối năm 1946)
[33]Đồng chí Đàm Minh Viễn (tức Đức Thanh) làđội viên Đội du kích Pác Bó, Huyện uỷ viên Huyện uỷ Hà Quảng; Chỉ huy lực lượng bảo vệ Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám, Bí thư Tỉnh uỷ Lạng Sơn; Chỉ huy bộ đội Nam tiến, Chủ nhiệm tham mưu Quân giải phóng Nam Bộ. Trong kháng chiến chống Pháp, hy sinh tại chiến trường Tây Nguyên.
[34] Hồ Chí Minh,
Toàn tập, tập 4.Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội,tr. 40.
[35] Từ năm 1945-1947, xã Hạ Thôn mang tên là xã Xuân Trường (tên liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng, - liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, sinh ra và lớn lên tại xóm Nà Sác, xã Sóc Giang, huyện Hà Quảng, hy sinh anh dũng trong trậnđánhđồnĐồng Mu, Bảo Lạc); từ 1947 - 1953, xã Xuân Trườngđổi tên thành xã Hạ Thôn. Năm 1953, xã Hạ Thôn được tách ra thành ba xã, gồm xã Hạ Thôn, xã Mã Ba và xã Quang Vinh (huyện Trà Lĩnh) ngày nay. (Dẫn theo:
Địa chí các xã tỉnh Cao Bằng, tập I. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.121).
[36] Từ năm 1945-1947, Tổng Cọt thuộc xã Vĩnh Cương, gồm xã Tổng Cọt, Sỹ Hai, ½ xã Mã Ba và xã Cô Mười, 1/7 xã Quang Vinh (huyện Trà Lĩnh) ngày nay; trụ sởđặt tại xóm Lổng Túp, xã Sỹ Hai. Từ 1947 - 1949, xã Vĩnh Cương đổi tên thành xã Mã Ba, địa bàn không thay đổi.
Từ 1949 - 1964, xã Mã Ba (tức Vĩnh Cương) đổi tên là xã Ngoại Trung. Quyếtđịnh số 12- NV ngày 05-4-1965 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia tách xã Ngoại Trung (Hà Quảng) thành 4 xã: Tổng Cọt, Sỹ Hai, Hồng Sỹ (huyện Hà Quảng) và xã Cô Mười (nay thuộc huyện Trà Lĩnh). (Dẫn theo:
Địa chí các xã tỉnh Cao Bằng, tập I. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.271).
[37] Từ năm 1958, huyện Trấn Biên đượcđổi tên thành huyện Trà Lĩnh (theo Nghị định số 153-TTg ngày 20-3-1958 của Thủ tướng Chính phủ).
[38] Như: gửi thư nặc danh doạ giết cán bộ, ban đêm némđá vào nhà cán bộ, dùng sào nhọn ném vào các cuộc họp, dựng tin phao tin đồn nhảm là có nhóm thổ phỉở nơi này, nơi khác làm cho nhân dân không dám vào rừng, tối không dám ra ngoài.
[39] Cuối năm 1949, ta phát hiện, bắt giữ được hơn 2 vạnđồng bạc giả mệnh giá 100 đồngở các huyện biên giới. Sau đó, nạn tiền giả hầu như không còn, nhất làở các huyện biên giới vì ta kiểm soát chặt và quân giải phóng Trung Quốc đang quét sạch bọn phản động Tưởngở biên kia biên giới. (Dẫn theo
"Lịch sử tỉnh Cao Bằng", Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.678)
[40] Ngày 1-10-1947, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 91/SL ở cấp tỉnh trở xuống hợp nhất Uỷ ban Hành chính và Uỷ ban kháng chiến thành lập Uỷ ban Kháng chiến kiêm Hành chính, đến tháng 3-1948 đổi thành Uỷ ban Kháng chiến Hành chính.
[41] Theo quy định lúcđó là: tất cả các xã trên toàn huyện và các huyện gần nhau, nơi nào nghe tiếng máy bay hoặc có bọn thổ phỉ, phảnđộng vào cướp của, giết người trước thì gõ mõ báođộng, các nơi gầnđó nghe tiếng lại tiếp tục gõ, cứ liên tục như vậy bất kể ngàyđêm; qua đó chỉ trong vòng khoảng 30 phút là cả vùng và toàn huyện biết mà sẵn sàng chiếnđấu theo phương ánđãđịnh
[42]Xã Đa Thông nay thuộc huyện Thông Nông.
[44]Báo cáo đệ tam cá nguyệt năm 1948 của Tỉnh uỷ Cao Bằng, Cục lưu trữ Trung ương Đảng, phông số 43, đơn vị bảo quản số 96.
[45]Ở tỉnh có Tiểu đoàn 23, còn lại 5 đại đội độc lập bổ sung về 5 huyện (Hà Quảng có Đại đội 666, Hòa An có Đại đội 398, Quảng Uyên có Đại đội 613, Thạch An có Đại đội 670, Nguyên Bình có Đại đội 669).
[46] Nghị quyết Hội nghị quân dân chính Đảng tháng 11-1949 chỉ rõ: về quân sự, tập trung quân chủ lực ở địa điểm trung tâm đề vận động đối phó kịp thời khi tàn quân Tưởng tràn vào. Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương phối hợp chặt chẽ với dân quân du kích để ngăn cản bước tiến và tiêu diệt địch. Tác chiến đi đôi với địch vận. Về kinh tế, động viên nhân dân triệt để thực hiện chủ trương "vườn không nhà trống" làm cho kẻ địch không dựa được vào nguồn hậu cần tại chỗ. Về chính trị, cần tuyên truyền giải thích cho nhân dân nhận rõ âm mưu của tàn quân Tưởng tràn qua biên giới Cao Bằng để câu kết với thực dân Pháp.
[47] Tàn quân Tưởng thuộc đạo quân Bạch Sùng Hy bị Giải phóng quân Trung Quốc đuổi đánh, chúng rút chạy về Hồ Nam, tràn qua biên giới tiến vào Cao Bằng gồm 3 toán. Ngoài toán tràn vào theo hướng Hà Quảng còn có hai toán khác: Toán thứ nhất gồm 2.000 quân do Vũ Hồng Khanh, tên Việt gian phản động lưu vong, dẫn đường. Ngày 18 - 12 - 1949, quân Tưởng từ Thủy Khẩu vào Tà Lùng - Phục Hòa để đi Đông Khê gặp quân Pháp. Tại đây, chúng bị dân quân, du kích xã Quy Thuận và Đại Tiến (Phục Hoà) đánh thiệt hại nặng, lũ sống sót chạy thoát về Đông Khê ngày 21 - 12 - 1949.
Cùng ngày 18 - 12 - 1949, toán thứ hai gồm 1.000 tên do Vương Đình Kháng chỉ huy tiến vào Phục Hòa bị bộ đội địa phương, dân quân, du kích, công an huyện Quảng Uyên và Phục Hòa chặn đánh tiêu diệt nhiều tên. Số sống sót chạy về Đông Khê.
[48] Sau khi Quân giải phóng Trung Quốc giải phóng Hoa Nam, nhiều người trong đảng phái phản động lưu vong không còn đất sống ở Trung Quốc đã chạy về Hà Nội. Sau năm 1954, họ chạy vào Sài Gòn, một số đã cộng tác với kẻ thù, một số khác không cộng tác nổi với Chính phủ Sài Gòn, như Nguyễn Tường Tam tự tử, Vũ Hồng Khanh bị đưa vào trại an trí. Nguyễn Hải Thầu tiếp tục sống bằng nghề bói toán ở Quảng Châu và chết ở đó vào năm 1959.
[49] Giữa năm 1948, đứng trước yêu cầu của tình hình mới, Bộ Tổng tư lệnhđã chọn trong các Trung đoàn 74 Cao Bằng, Trung đoàn 72 Bắc Kạn, Trung đoàn 28 Lạng Sơn lấy 3 tiểu đoàn mạnh để thành lập Trung đoàn 174 trực thuộc Liên khu I hoạt động trên chiến trường Cao-Bắc-Lạng. Ngày 19-8-1949, tại xã Đức Long, Hoà An, Trung đoàn 174 được thành lập.
[50] Tại mặt trận Nà Giàng, Trung đoàn phó Trung đoàn 174 Đoàn Trần Phong đã anh dũnghy sinh trong trận đầu tiên.
[51] Thoòng Éng (tức Đường Thuỵ Phấn) quốc tịch Trung Quốc, trú ở xóm Lũng Quang, xã Nam Tuấn, huyện Hà Quảng (nay thuộc huyện Hoà An). Thời Pháp thuộc, y làm bang trưởng ở phố Háng Tháng, huyện Hà Quảng (nay thuộc huyện Thông Nông), là tay sai đắc lực của thực dân Pháp. Trong thời gian làm bang trưởng, y thường xuyên đòi và nhận hối lộ đối với Hoa kiều. Sau khi ta giành được chính quyền, năm 1947 y được cử làm đại biểu Hoa kiều ở phố Háng Tháng, song vì nhiều lần tham ô tiền công quỹ nên bị nhân dân lên án, bắt bồi thường và bị bãi miễn đại biểu Hoa kiều, y càng tỏ ra bất mãn cao độ, có tư tưởng phản động.
Tháng 8-1948, Thoòng Éng đi Lũng Phình (Hà Giang) bắt liên lạc với tên Voòng Mỉ Sáu, đặc vụ Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch. Y đã nhận nhiệm vụ do thám tình hình mọi mặt của ta ở Hà Quảng để cung cấp cho bọn đặc vụ Tưởng. Thoòng Éng đã dụ dỗ tuyên truyền, lôi kéo 4 tên khác là người địa phương tham gia tổ chức đặc vụ (Đường Văn Ty ở Háng Tháng, Ma Văn Nỏn, Thoòng Dì Khìn, Thoòng Dì ở Lũng Quang). Bọn này trở thành những tên liên lạc giữa Thoòng Éng với bọn đặc vụ Tưởng ở Hà Giang. Ngoài ra, Thoòng Éng còn ra sức tuyên truyền gây mâu thuẫn, chia rẽ giữa Hoa kiều và nhân dân địa phương ở Hà Quảng. Xét thấy Thoòng Éng đã có nhiều hành động gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị ở địa phương, Ban bảo vệ chính trị Ty Công an tỉnh Cao Bằng đã thực hiện việc bắt giam đối với y. Căn cứ vào kết quả điều tra, Công an đã lập hồ sơ chuyển sang Toà án quân sự để truy tố Thoòng Éng về tội làm tay sai cho đặc vụ Tưởng. (dẫn theo
Biên niên lịch sử Công an nhân dân tỉnh Cao Bằng (1945-1975), xuất bản năm 1997, tr.89-90).
[52] Hội nghị viên chức cứu quốc huyện Hà Quảng diễn ra ngày 27-2-1949, với sự tham dự của 19 người; trong đó có 8 hội viên chính thức (các ông: Đàm Văn Lê, Bế Phùng, Vũ Văn Hoa, Nguyễn Thược, Nông Văn Độ, Khải, Khanh, Phủ) và 11 hội viên mới (Thân Văn Lư, Nông Văn Tiêu, Đàm Ngọc Sơn, HàÍch Học, Hoàng Văn Nghiệp, Nông Văn Lợi, Nông Văn Quảng, Đàm Văn Phong, Đàm Hồng Thắng, Hoàng Bảo Việt, Nông Văn Nhật) do ông Đàm Văn Lê chủ trì.
[53]Nghị quyết Hội nghị cán bộ toàn tỉnh tháng 12-1950. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Bằng.
[54]Báo cáo tháng 01-1951 của Ban chấp hành huyện Đảng bộ Hà Quảng. Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ Tỉnh uỷ Cao Bằng.
[55] Xã Cần Yên trước làđịa bàn của 3 xã của huyện Thông Nông hiện nay là xã Cần Yên, Cần Nông và Vị Quang.
[56] Nay là thị trấn Xuân Hoà (theo Nghịđịnh số 125 ngày 27-10-2006 của Chính phủ về thành lập thị trấn Xuân Hoà và thành lập xã Vần Dính, huyện Hà Quảng).
[57] Chưa tính số liệu các xã Kéo Yên, Ngoại Trung, Bình Lãng, Cần Yên, Đa Thông và Lương Can.
[58]Cụ thể: Ngày 23-2-1951, tên phỉ Nông Văn Phúc ra hàng tại Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Hà Quảng. Ta thực hiện chính sách khoan hồng nhằm tác động đến tư tưởng những tên còn lẩn trốn. Ngày 10-3-1951, tên trùm phỉ Nông Ngán Khoáy đưa vợ con cùng 5 tên phỉ ra hàng, trong đó có tên Tráng Hản Sin là bà con anh em với Triệu Hải Quáng, trùm phỉ trong khu vực. Ta dùng Tráng Hản Sin vận động, thuyết phục Triệu Hải Quáng ra hàng. Đến ngày 9-4-1951, Triệu Hải Quáng đưa gia đình cùng 4 tên phỉ đem theo vũ khí ra hàng.
ỞTrấn Biên và Lục Khu (Hà Quảng) có 9 tên phỉ ra hàng; Bọn phỉ phần lớn đã ra hàng hoặc bị bắt ngày càng nhiều. Trước tình hình trên, tên trùm phỉ Mã Trấn Thình cũng chuẩn bị cùng gia đình và hai tên phỉ ra hàng thì bị đồng bọn giết chết để cướp của. Hai tên tay chân trốn thoát, một tên ra đầu hàng tại Uỷ ban kháng chiến hành chính xã Lũng Nặm (Hà Quảng), một tên chạy sang Trung Quốc đầu hàng. (Dẫn theo
Biên niên lịch sử Công an nhân dân tỉnh Cao Bằng (1945 - 1975), xuất bản năm 1997, tr.110-112).
[59]Báo cáo một năm 1951 của Ban chấp hành huyện Đảng bộ Hà Quảng. Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Bằng.
[60]Đây là những tên biệt kích GCMA - đội gián điệp biệt kích hỗn hợp nhảy dù do thực dân Pháp thành lập từ tháng 5-1951 và tung ra vùng tự do của ta nhằmđiều tra, phá hoại gây xáo trộn vùng hậu phương, buộc ta phải phân tán lực lượngđể đối phó, đỡ đòn cho chúng trên chiến trường -
[61] Tên Dương Mí Sàng (hay Dương Mý Sàng tức Dương Mý Tường) là em trai ruột của tên Dương Trung Nhân trước là thổ ty vùng Lũng Pù, Mèo Vạc (Hà Giang) giáp với địa giới Cao Bằng (lúc ấyđang phiêu dạt ở Trung Quốc).
[62] Riêng ở vùng Lục Khu chúng có trên 80 tên chưa kể những người bị bắtépđi theo chúng. Về vũ khí, chúng có 4 trung liên, 15 tiểu liên, 40 súng trường các loại.
[63] Nay thuộc huyện Trà Lĩnh
[64] Như: ngày 8-9-1952, Pháp thả dù truyền đơn và nhữngống sắt (bên trong toàn là cát) xuống các xã Hạ Thôn, Bình Lãng, Đa Thông); đêm 17-11-1952 có 1 phi cơ thả 3 quả bom (có 2 quả nổ) và bắn một loạt súng xuống xã Lương Thông; không có thiệt hại gìđáng kể.
[65] Nghị quyết số 45-NQ/CB ngày 01-9-1952 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Cao Bằng "về chủ trương và kế hoạch của ta đối với những hoạt động chính trị của địch hiện nay". Tài liệu lưu tại Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cao Bằng, tr.5.
[66] Nay thuộc xã Cải Viên. Trước năm 1958, cùng với Vân An, Cải Viên chỉ là một thôn thuộc xã Lũng Nặm. Năm 1958 thành lập xã Cải Viên và Vân An tách ra từ xã Lũng Nặm.
[67] Nghị quyết chỉ rõ: tiêu diệt đặc vụ, tranh thủ quần chúng và phá tan những luận điệu phản tuyên truyền của địch, khoan hồng với những người hối cải quay về với ta, tuyên truyền cho quần chúng ở vùng thổ phỉ hoạt động bị khống chế yên tâm tin tưởngở chính sách của ta. Phương châm là: Tách dân xa phỉ, dùng dân diệt phỉ, tụiđặc vụ. Lấy hoạt động chính trị làm căn bản; nhiệm vụ quân sự phục vụ cho hoạt động chính trị, dùng địch diệt địch lại kéo những kẻ lầmđường. Bộ đội kéo quân đến đâu thì gây cơ sở ở đó.
[68] Việc phân loại dân công được căn cứ theo điều kiện sức khoẻ, chứ không căn cứ theo thời gian đi dân công (từngđợt hay thường trực):
- Loại A: gồm những nam nữ công dân khoẻ mạnh.
- Loại B: gồm những nam nữ công dân tương đối khoẻ mạnh.
- Loại C: gồm những người yếu, đàn bà con mọn (nghĩa là những người chỉ làm được những việc nhẹ, ngắn ngày và gần nhà).
[69] Báo cáo số 51/TCCB tổng kết công tác bầu cử, nghĩa vụ quân sự và sơ kết sản xuất đông xuân 1959. Trung tâm lưu trữ Tỉnh uỷ Cao Bằng, tr.1.
[70]Thí dụ: đầu năm 1955, xã Ngoại Trung đói loại A 118 người, loại B có 412 người; rách loạiđặc biệt 54 người, loại thường 75 người. Xã Nội Thôn: đói loại A 25 người, loại B 85 người; rách loại đặc biệt 35 người, loại thường có 14 người. Xã Xuân Hoàđói loại A 31 người, loại B 21 người; rách loạiđặc biệt 20 người, loại thường 23 người. XãĐa Thông đói loại A 99 người, loại B 94 người; rách loại đặc biệt 51 người, loại thường 63 người.
[71] Nay cả 3 xã đều thuộc huyện Thông Nông.
[72] Như đồng chí Thịnh Páo, Uỷ viên Hành chính xã Kéo Yên đi học tập ở tỉnh về tự làm một cái bừa cỏ Nghệ An dùng trong đám ruộng của gia đình mình, nhân dân thấy sử dụng tốt, có hiệu quả mới tích cực thực hiện theo.
[73] Đó là các xã: Sóc Hà, Đào Ngạn, Nội Thôn, Kéo Yên, Lũng Nặm, Lương Can, Xuân Hoà, Ngoại Trung, Phù Ngọc, Thanh Long, Thượng Thôn; còn 6 xã chưa nắm được số liệu cụ thể.
[74] “Hội đồng chí kiên quyết một hai” hay còn gọi là “Tổ chức kiên quyết một hai” được nhen nhóm tổ chức từ đầu năm 1953, tại khu vực các xã có đông đồng bào dân tộc Mông và Dao sinh sống thuộc Bảo Lạc, Nguyên Bình và Hà Quảng do Thào A Dinh, dân tộc Mông ở Mè Van, xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc cầm đầu.. Đến hết tháng 3-1954, do ta tập trung đấu tranh tiễu trừ, tổ chức này bị tan rã.
[75]Chưa tìmđược tư liệu về Đại hội Đảng bộ huyện Hà Quảng lần thứ II, nhưng có thểĐại hội II diễn ra vào năm 1960.
[76] Ban gồm 5 đồng chí, do đồng chí Dương Đại Phong - Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ, Phó Chủ tịch Uỷ ban hành chính huyện làm Trưởng ban. Ban có nhiệm vụ chỉ đạo thí điểm xây dựng quy hoạch hợp tác xã, tổ đổi công vùng Lục Khu; chỉ đạo củng cố phát triển hợp tác xã, tổ đổi công sản xuất đông xuân năm 1963 – 1964, công tác thu mua lương thực, thực phẩm nông sản, công tác trị an, củng cố dân quân, công an xã, hợp tác xã, công tác xây dựng đảng.
[77] Chỉ thị số 10/CT/HV/HQ của Ban Thường vụ Huyện uỷ ngày 3/8/1965 về việc tiến hành thí điểm cuộc vận động cải tiến quan hệ quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật tại đơn vị hợp tác xã Bản Giàng xã Xuân Hoà. Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ Tỉnh uỷ Cao Bằng.
[78] Nhiều bà con xã viên hợp tác xã Bản Láp, Nà Po, Bắc Phương (xã Quý Quân) nói: “Chúng tôi sẵn sàng đem hết số thóc chiêm rét sản xuất trong vụ đông xuân này đi làm nghĩa vụ, chỉ để lại thóc giống, còn chúng tôi sẵn sàng ăn ngô, ăn cháo để góp phần chống Mỹ cứu nước”; hoặc bà con xã Thượng Thôn nói: “Chúng tôi ăn thiếu, ăn độn còn hơn mất nước. Chính phủ không muốn làm phiền nhân dân, cái chính là do đế quốc Mỹ, chúng tôi sẵn sàng làm trọn nghĩa vụ lương thực để góp phần vào việc chống Mỹ cứu nước”... (trích:
Báo cáo số 06-BC/HU/HQ ngày 20-10-1965 công tác 3 tháng quý III năm 1965 của Huyện Đảng bộ Hà Quảng, Tài liệu lưu tại Trung tâm lưu trữ Tỉnh uỷ Cao Bằng, tr.2)
[79] Đó là 5 xã: xã Quang Long (huyện Hạ Lang), xã Quốc Toản (huyện Trà Lĩnh), xã Nguyễn Huệ (huyện Hoà An), xã Hạ Thôn (huyện Hà Quảng) và xã Ngọc Khê (huyện Trùng Khánh).
[80] Dẫn lại theo Biên niên lịch sử Công an nhân dân tỉnh Cao Bằng (1945 -1975), xuất bản năm 1997, tr.266.
[81] Hồ Chí Minh:
Toàn tập, tập 11. Nxb Chính trị Quốc gia, 2000, Tr. 434 - 435.
[82]Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ cứu nước (1965- 1970), tập II. Nxb Sự thật , H, 1986, Tr .18.
[83] Hiện nay chưa sưu tầm được tư liệu về Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V và VI.
[84] Nay hang Pác Bó đã được trùng tu, tôn tạo.