Tự hào 90 năm truyền thống vẻ vang của Đảng bộ huyện Hà Quảng

Thứ năm - 17/06/2021 16:48
Đồng chí Nguyễn Lâm Thí Tú Anh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Hà Quảng

Đồng chí Nguyễn Lâm Thí Tú Anh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện Hà Quảng

Cách đây 90 năm, vào ngày 20/6/1931, tại Hang Phja Nọi, xóm Cốc Sâu, xã Sóc Hà (nay là xã Trường Hà) đã diễn ra một sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của huyện Hà Quảng, đó là Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Hà Quảng ra đời, gồm 3 đồng chí: Hoàng Tô, Đào Đức, Phúc Kiến do đồng chí Hoàng Tô làm Bí thư. Từ khi Chi bộ Đảng được thành lập, phong trào cách mạng từ huyện đến cơ sở đã có sự thống nhất hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng và hòa chung với phong trào cách mạng của tỉnh.

Bí thư Huyện ủy Hà Quảng Nguyễn Lâm Thị Tú Anh cùng đoàn công tác tặng quà chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 Đồn Biên phòng Cửa khẩu Sóc Giang.
Chi bộ ra đời là kết quả của một quá trình những thanh niên yêu nước Hà Quảng từng bước tiếp thu tư tưởng cách mạng, thử thách và được sàng lọc trong thực tiễn đấu tranh, được sự giáo dục, dìu dắt của những chiến sỹ cộng sản tiền bối. Sau khi Chi bộ đầu tiên ra đời, chỉ trong một thời gian ngắn từ năm 1931 - 1935 các cơ sở Đảng đã được phát triển mở rộng ở Sóc Giang, Hoà Mục và vùng lân cận; đã sơ khai xuất hiện tổ chức Nông Hội đỏ, Hội truyền bá Quốc ngữ, Hội kháng phu... tạo thành một hệ thống tổ chức cách mạng trên địa bàn huyện.

Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, để đủ sức lãnh đạo phong trào, tháng 5/1935, Đảng bộ châu Hà Quảng được thành lập. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành nhanh chóng của tổ chức Đảng ở Hà Quảng và phong trào cách mạng của địa phương. Cùng với việc nơi đây hội tụ đầy đủ các yếu tố: Thiên thời, địa lợi và nhân hoà, Hà Quảng là môi trường thuận lợi để nhóm lên ngọn lửa cách mạng, để rồi từ đây ngọn lửa cách mạng cháy bùng lên, lan toả ra khắp cả nước.
Điều đó được minh chứng bằng sự kiện ngày 28/01/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định chọn Hà Quảng làm nơi trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân. Từ đấy, vùng quê Pác Bó với hang Cốc Bó đã trở thành đại bản doanh cách mạng, nơi lãnh tụ tối cao cùng Trung ương Đảng chỉ đạo cao trào cứu nước của toàn dân tộc.

Cũng bắt đầu từ đây phong trào cách mạng của Hà Quảng mang một tầm vóc mới, phát triển tới quy mô và chất lượng cao hơn, với sự dìu dắt trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng; trong một thời gian không dài từ năm 1941 đến năm 1944, thông qua phong trào cách mạng của Hà Quảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng đã có những quyết sách lớn mang tính chiến lược quyết định đối với cách mạng Việt Nam, những quyết sách đó là khởi đầu của cuộc cách mạng Tháng Tám thắng lợi, đó là: Họp Hội nghị Trung ương lần thứ VIII, chuyển hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam; thành lập Mặt trận Việt Minh; ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay. Để có được những kết quả quan trọng nêu trên, bên cạnh sự lãnh đạo tài tình của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng, có sự cống hiến to lớn, sự hy sinh tất cả cho cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Quảng.

Phát huy những thành tựu đã đạt được trong những năm tiền khởi nghĩa, trong  cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, đồng bào các dân tộc huyện Hà Quảng đã kiên trung, son sắt một lòng theo Đảng và Bác Hồ, đóng góp sức người sức của vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Ghi nhận sự đóng góp to lớn đó, huyện Hà Quảng đã được Nhà nước và Chính phủ công nhận trên 200 người là lão thành cách mạng và có trên 400 người được tặng bằng có công với nước; phong tặng 04 cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 17 bà mẹ Việt Nam anh hùng, ghi công 777 liệt sĩ, 92 thương binh, bệnh binh con em các dân tộc của huyện đã hiến dâng xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; tặng thưởng hàng ngàn huân huy chương các loại: trong đó có 411 Huân chương hạng nhất, 646 Huân chương hạng nhì, 897 Huân chương hạng ba, 476 Huy chương hạng nhất và 225 Huy chương hạng nhì.

Sau ngày đất nước thống nhất, phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng, Đảng bộ huyện Hà Quảng đã vượt qua mọi khó khăn, lãnh đạo chính quyền, Nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đặc biệt sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2015 - 2020 Đảng bộ huyện Hà Quảng đã đề ra những giải pháp đồng bộ phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; phát huy và khai thác mọi nguồn lực, tiềm năng lợi thế của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 7%/năm. Các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới… được triển khai có hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư và từng bước hoàn thiện. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển; công tác giáo dục đào tạo được chú trọng; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng lên; công tác phòng chống dịch bệnh có hiệu quả; công tác văn hóa, thông tin, thể thao có bước phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 5,23%/năm (giảm từ 59,02% cuối năm 2016 xuống còn 32,87% cuối năm 2020). Chính trị luôn ổn định, quốc phòng - an ninh được đảm bảo, đường biên mốc giới được bảo vệ vững chắc.  
Với quan điểm “Xây dựng Đảng là then chốt”, thời gian qua, Hà Quảng đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Coi đó vừa là mục tiêu, nhiệm vụ nhưng cũng là giải pháp để thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; không ngừng đổi mới công tác xây dựng Đảng trên tất cả các lĩnh vực tư tưởng, chính trị và tổ chức. Đảng bộ luôn chú trọng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân luôn được giữ vững. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ được chú trọng nâng cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên được quan tâm. Thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, huyện Hà Quảng đã sắp xếp sáp nhập, giảm 171 xóm, tổ dân phố; giảm 09 xã; sáp nhập Đảng bộ huyện Thông Nông vào Đảng bộ huyện Hà Quảng từ tháng 3/2020. Trong nhiệm kỳ qua, đảng bộ huyện kết nạp được gần 1.700 đảng viên mới, hiện nay Đảng bộ huyện Hà Quảng có 53 chi bộ, đảng bộ trực thuộc; có 301 chi bộ dưới cơ sở với hơn 7.500 đảng viên.
Hệ thống chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở đã có những giải pháp giám sát và điều hành triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Không ngừng đổi mới tác phong, lề lối làm việc gắn với công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên làm tốt công tác theo chức năng nhiệm vụ. Phát huy tốt khối đại đoàn kết toàn dân tộc, triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Với những thành tích và cống hiến to lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng, năm 1998 - 1999,  Đảng, Nhà nước đã phong tặng huyện Hà Quảng và 6 xã (Trường Hà, Nà Sác, Sóc Hà, Phù Ngọc, Đào Ngạn, Kéo Yên) danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Ghi nhận những thành tựu to lớn trong thời kỳ đổi mới, năm 2010 và giai đoạn 2014- 2019, Đảng, Nhà nước đã tặng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Hà Quảng Huân chương lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Hai, Huân chương Độc lập.
Nhìn lại chặng đường 90 năm đã qua, mỗi người dân Hà Quảng có quyền tự hào bởi sự quyết tâm vượt khó và những thành tựu khá toàn diện đã đạt được. Đó là công sức, là sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, là kết quả của sự đoàn kết, thống nhất cao trong nhận thức và hành động.

Từ những thành tựu và niềm tự hào ấy, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong huyện Hà Quảng sẽ tiếp tục quyết tâm phát huy nội lực, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo bước mới trong phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, tài nguyên; đẩy mạnh công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường quốc phòng - an ninh. Tập trung thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ kép: vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân trong trạng thái bình thường mới. Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh. Đặc biệt, nhằm thực hiện thành công nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 -  2025, Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt 2 nhiệm vụ đột phá, đó là: Phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị; 3 chương trình trọng tâm: Chương trình nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; Chương trình tái cơ cấu sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025; Chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng (giao thông, đô thị, du lịch) giai đoạn 2020 - 2025. Phấn đấu xây dựng huyện Hà Quảng phát triển vững mạnh, toàn diện, xứng đáng là quê hương cội nguồn cách mạng của một huyện Anh hùng.
                             
                                       Nguyễn Lâm Thị Tú Anh, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Hà Quảng

 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Báo Cao Bằng Online
Cao Bằng Portal

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 11

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 9


Hôm nayHôm nay : 1647

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 9614

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7765521