Lục Khu là tên gọi chung của các xã đặc biệt khó khăn của huyện Hà Quảng. Nơi đây từng được mệnh danh là “vùng đất khát” của tỉnh do địa hình chia cắt bởi những dãy núi đá cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Nhưng Lục Khu thay đổi rõ rệt.
Hiện đã vào những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp đến các xã vùng cao Lục Khu. Trên con đường dọc theo tuyến vành đai biên giới, bà con lao động hăng say; những bãi ngô, sắn trải dài bên những con đường bê tông khang trang, sạch đẹp, ánh điện lung linh thắp sáng các xóm, làng.
Điển hình về sự đổi thay ở Lục Khu phải kể đến Thượng Thôn - xã điểm trong phát triển kinh tế của huyện. Những năm gần đây, cùng với sự đầu tư hạ tầng cơ sở của Nhà nước, người dân tích cực thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ở Thượng Thôn có sự thay đổi đáng kể, những tuyến đường bê tông thẳng tắp nối các bản làng, những ngôi nhà mới kiên cố, khang trang mọc lên san sát, hai bên đường là những bãi ngô, sắn trải dài xanh mướt...
Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn Hoàng Văn Thắm cho biết: Xã có gần 700 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để xã khuyến khích người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Cùng với sự hỗ trợ về cây, con giống, nông cụ, vay vốn ưu đãi, xã tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới vào sản xuất. Năm 2021, toàn xã trồng trên 500 ha ngô, trên 62 ha lạc hàng hóa, 15 ha đỗ tương, tổng sản lượng đạt 1.856 tấn. Ngoài trồng trọt, bà con tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Hiện, toàn xã có 993 con trâu, 1.171 con bò, 96 con ngựa, 2.080 con lợn, 13.528 con gia cầm các loại. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, nhiều hộ đạt thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

Cây gừng trâu là cây trồng thế mạnh đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân trên địa bàn các xã vùng Lục Khu Hà Quảng. Trong ảnh: Cây gừng trâu tại xã Nội Thôn (Hà Quảng).
Anh Lưu Văn Hương, xóm Thượng Sơn, xã Thượng Thôn chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, nhờ phát triển các cây trồng hàng hóa, nuôi lợn đen và trâu, bò vỗ béo, trung bình nuôi 2 - 3 lứa/năm, trừ chi phí, gia đình tôi thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. Hiện nay, gia đình tôi nuôi 6 con trâu, 2 con bò vỗ béo, kịp bán đúng dịp Tết Nguyên đán 2022.
Theo Chủ tịch UBND xã Nội Thôn Vương Văn Vĩnh, Nội Thôn những năm gần đây trở thành một trong những xã điểm phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Ngoài các loại cây trồng truyền thống như ngô, lạc, đỗ..., từ năm 2016 - 2017, nhân dân trong xã đưa cây gừng trâu vào trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, diện tích gừng năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, bà con duy trì trồng thường xuyên từ 25 - 28 ha gừng trâu/năm, tập trung nhiều tại các xóm: Cả Tiểng, Ngườm Vài, Lũng Chuống, Làng Lỷ, Lũng Mảo... Đây là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cho năng suất bình quân 180 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt trên 4.500 tấn/năm. Bình quân trồng gừng cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha (sau khi trừ chi phí giống, vật tư, phân bón...), giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, đỗ tương.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng cao Lục Khu cũng như hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo hướng đi bền vững, thời gian tới, huyện Hà Quảng tiếp tục tập trung phân vùng canh tác; chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào gieo trồng; rà soát, quy hoạch lại các vùng sản xuất hàng hóa; đầu tư phát triển cây trồng đem lại hiệu quả như: cây gừng trâu, cây lạc, đỗ tương... Chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện cho nông dân các vùng sản xuất tiếp cận với thị trường hàng hóa và dịch vụ.
Minh Tuyền (baocaobang.vn)