Thực hiện Chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện tập trung xây dựng và mở rộng các mô hình hợp tác kiểu mới, triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất quy mô lớn, trong đó tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, nhất là sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Một số mô hình kinh tế trên địa bàn huyện đem lại hiệu quả, như: Mô hình trồng gừng trâu sản xuất theo hướng hữu cơ 111,7 ha triển khai tại các xã: Thượng Thôn, Nội Thôn, Cải Viên với hơn 1.000 hộ tham gia, sản lượng đạt gần 2.000 tấn; mô hình trồng lúa thương phẩm 96,2 ha triển khai tại xã Ngọc Đào và thị trấn Xuân Hòa… với 378 hộ tham gia, sản lượng đạt 625 tấn; mô hình bưởi da xanh 26,2 ha tại các xã: Trường Hà, Cần Yên, Đa Thông, Ngọc Động; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đỗ tương 13 ha tại các xã: Lương Can, Tổng Cọt, Mã Ba; ớt hữu cơ 5 ha, lạc hàng hóa 110,6 ha, thuốc lá 1.013,8 ha, mô hình ngô ngọt 30 ha... Hiện, huyện duy trì 12 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, vật tư nông nghiệp.
Nhận thấy điều kiện tự nhiên trên địa bàn phù hợp với chăn nuôi vịt sinh sản, qua tìm hiểu sách, báo, đài và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật ở địa phương, năm 2015, anh Hoàng Văn Bé, xóm Hòa Mục, xã Trường Hà đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi vịt sinh sản với quy mô hơn 1.000 m2. Khu chuồng nuôi được xây dựng thông thoáng, gần ao. Hiện trang trại gia đình anh nuôi khoảng 600 - 700 con vịt sinh sản, mỗi ngày anh thu 200 - 300 quả trứng. Anh đầu tư máy ấp trứng hơn 100 triệu đồng, máy tự động đảo trứng và chỉnh nhiệt độ theo từng giai đoạn ấp nên tỷ lệ vịt con nở cao hơn. Trung bình 5 ngày anh bán hơn 1.000 con giống, tháng 3, 4 âm lịch hằng năm, trang trại tấp nập khách đến chọn mua con giống để nuôi bán rằm tháng Bảy. Không chỉ bán trứng và con giống, anh còn đa dạng hóa sản phẩm để đưa ra thị trường, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Trừ chi phí, bình quân gia đình anh thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm.
Năm 2019, gia đình chị La Thị Na, xóm Nà Mạ, xã Trường Hà chuyển đổi trên 1.600 m2 đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng 70 cây bưởi da xanh, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, năm thứ 3 cây bắt đầu bói quả và cho thu hoạch. Chị Na chia sẻ: Cây bưởi dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, tốn ít công chăm sóc và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, ngô. Tuy nhiên, khi trồng cần áp dụng đúng kỹ thuật, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh và xử lý cho cây ra quả.
Các mô hình kinh tế đã và đang từng bước giúp người dân ổn định sản xuất, vươn lên làm giàu từ sản xuất nông nghiệp, góp phần không nhỏ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững tại địa phương...
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng Lưu Trọng Hính cho biết: Huyện tiếp tục nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, phát huy vai trò chủ đạo của người dân; tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới phương thức sản xuất, lựa chọn các cây, con giống chủ lực đưa vào sản xuất gắn áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất với nhu cầu thị trường. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa 4 nhà (quản lý, khoa học, doanh nghiệp, nông dân) trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra từ các mô hình, dần hình thành chuỗi liên kết sản phẩm từ sản xuất - sơ chế, chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân.