Hà Quảng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh

Thứ tư - 10/11/2021 19:10
hực hiện Đề án nông nghiệp thông minh, giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Hà Quảng triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, giúp nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Hợp tác xã chăn nuôi Quý Quân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Hợp tác xã chăn nuôi Quý Quân áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương.

Nhằm đẩy mạnh sản xuất, đa dạng hóa cây trồng và tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, năm 2020, Công ty Chế biến rau củ quả Toàn Cầu phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai mô hình “Sản xuất ngô ngọt giống Golden Cob gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại các xã: Quý Quân, Sóc Hà, Lương Can với diện tích 15 ha, 56 hộ tham gia. Tham gia mô hình, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, quy trình thâm canh cây ngô ngọt giống Golden Cob, tiêu chí thu mua sản phẩm, đến kỳ thu hoạch bao tiêu sản phẩm cho người nông dân tại ruộng với giá 3.300/kg ngô tươi.

Chị La Thị Dậu, xóm Bản Láp, xã Quý Quân cho biết: Đây là năm thứ 2 tôi trồng cây ngô ngọt theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tham gia mô hình, tôi được hỗ trợ 50% giống, 50% phần vật tư thiết yếu như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong quá trình trồng, chăm sóc cây ngô, tôi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn tận tình, theo sát quá trình sinh trưởng và phát triển cây trồng. Đến khi thu hoạch được Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng thu mua tại ruộng. Ngoài ra, thân lá cây ngô còn xanh được Hợp tác xã Đông Anh trên địa bàn huyện thu mua với giá khoảng từ 500 - 700 đồng/kg.

Thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh, giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện tập trung xây dựng và mở rộng các mô hình hợp tác kiểu mới, liên kết chặt chẽ theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất với quy mô lớn, trong đó tập trung sản xuất theo chuỗi giá trị khép kín, nhất là sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, như: trồng gừng trâu sản xuất theo hướng hữu cơ 111,7 ha, cây ớt hữu cơ 5 ha, lạc hàng hóa 872,8 ha, thuốc lá 971,6 ha. Sản xuất lúa chất lượng cao 141,6 ha được triển khai tại các xã: Cần Yên, Lương Thông, Đa Thông, Ngọc Đào, Quý Quân và Trường Hà; bưởi da xanh 26,2 ha tại các xã: Trường Hà, Cần Yên, Đa Thông, Ngọc Động; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đỗ tương 13 ha tại xã Lương Can, Tổng Cọt, Mã Ba; liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cam Vinh diện tích 6,13 ha thực hiện tại các xã: Cần Yên, Cần Nông, Thanh Long…

Trong chăn nuôi, toàn huyện có 6 hợp tác xã đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, đảm bảo an toàn dịch bệnh, chăn nuôi bền vững, như: nuôi bò vỗ béo, nuôi lợn nái sinh sản, nuôi gà đẻ trứng. Đối với các xã vùng cao với thế mạnh về đất đai rộng, mật độ dân số thấp, huyện tập trung phát triển các loại vật nuôi đặc sản, bản địa có giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường gồm: trâu, bò, ngựa, các loại vật nuôi đặc sản như gà bản địa, lợn đen bản địa... Hiện nay, đàn lợn đen, gia cầm bản địa chiếm 30% tổng đàn của huyện. Diện tích trồng cỏ chăn nuôi phát triển được gần 360 ha đảm bảo nguồn thức ăn cho chăn nuôi. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, huyện khuyến khích nông dân phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả.

Xác định ứng dụng dụng khoa học công nghệ là then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp huyện tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào trồng thuốc lá chất lượng cao, trồng gừng hữu cơ, ớt hữu cơ, trồng lạc L14. Tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan chuyên môn triển khai các nhiệm vụ khoa học, các mô hình thử nghiệm về cây trồng, vật nuôi thực hiện theo quy trình kỹ thuật thông minh như: mô hình nuôi cá nheo Mỹ, nuôi cá tầm tại xã Trường Hà; mô hình trồng trồng dưa trong nhà lưới tại xã Đa Thông; mô hình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây thuốc lá tại xã Lương Can; cải tạo lò sấy thuốc lá truyền thống bằng lò sấy thoát ẩm qua đường ống khói rút ngắn thời gian sấy từ 5 ngày xuống 3 ngày, thay thế nhiên liệu đốt bằng củi sang than giảm 60% chi phí nhiên liệu đốt so với lò truyền thống…


Nông dân huyện Hà Quảng trồng gừng trâu hữu cơ theo hướng bao tiêu sản phẩm.

Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương được các cấp chính quyền tập trung thực hiện. Năm 2020, sản phẩm khẩu sli Nà Giàng, rượu ngô Đinh Đông của huyện đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2021 huyện đề xuất thực hiện 2 sản phẩm OCOP 2 sao cấp huyện (mẻ cá Cần Yên và Sóc Hà, gạo nếp Pì Pất Cần Yên) và 3 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh (du lịch cộng đồng Mế Farmstay, gạo Đoàn Kết địa phương, rượu ngô Cải Viên). Đẩy mạnh kết nối liên kết nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nước trong nghiên cứu, sản xuất, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển và chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng đạt 7,46%, thu nhập bình quân 20,4 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 38,4 triệu đồng/ha/năm.

Đồng chí Triệu Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng khẳng định: Thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030, UBND huyện rà soát quy hoạch, cơ cấu các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường. Sản xuất nông nghiệp trong 2 năm qua của huyện đạt nhiều thành tích đáng phấn khởi, các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp từng bước chủ động chuyển dịch trong sản xuất và là đầu mối liên kết - tiêu thụ sản phẩm. Các ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội triển khai nhiều chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ người dân tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Sự liên kết giữa 4 nhà (nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư bao tiêu sản phẩm và nhà nông) thường xuyên được quan tâm và đẩy mạnh.      

 
Thanh Bình (baocaobang.vn)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Báo Cao Bằng Online
Cao Bằng Portal

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 12

Máy chủ tìm kiếm : 4

Khách viếng thăm : 8


Hôm nayHôm nay : 416

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 80968

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7750046