Chủ tịch UBND xã Hồng Sỹ Hoàng Văn Cương cho biết: Gần như gia đình nào trong xã cũng nuôi từ 3 - 5 con lợn đen, một số gia đình duy trì được vài con lợn nái sẽ đảm bảo được nguồn giống để duy trì chăn nuôi với số lượng lớn hơn. Tuy nhiên, đa số các gia đình chỉ có chuồng nhỏ nên chủ yếu vẫn là chăn nuôi theo kiểu nhỏ lẻ, tự phát, hiệu quả kinh tế chưa cao. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền người dân đảm bảo công tác vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch tả lợn châu Phi, tăng số lượng lợn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Những năm gần đây, từ các chương trình 30a, 135, huyện hỗ trợ nhân dân hàng nghìn con lợn đen với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng, góp phần cải thiện đàn lợn nái, nâng cao chất lượng đàn lợn đen. Trung bình mỗi năm, nhân dân cả huyện bán ra thị trường hơn 10.000 con lợn đen, sản lượng khoảng 600 tấn thịt hơi. Với giá lợn đen hơi hiện nay từ 100 - 110 nghìn đồng/kg, mỗi năm người dân Hà Quảng thu hơn 50 tỷ đồng từ bán lợn đen.
Nhiều hộ chăn nuôi có thu nhập trung bình từ 40 - 50 triệu đồng/năm từ nuôi lợn đen, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Không chỉ bán ở địa phương, thịt lợn đen Hà Quảng đã có mặt tại nhiều cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm ở một số địa phương trong huyện, giúp người dân yên tâm mở rộng chăn nuôi.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng Lưu Trọng Hính khẳng định: Lợn đen là một trong những giống lợn có sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, dễ nuôi, dễ thích nghi với điều kiện sống, nhất là những nơi rộng rãi, thoáng mát. Người chăn nuôi cần có sổ để theo dõi tình trạng, lịch tiêm phòng, lịch tẩy giun… Nếu phát hiện lợn có dấu hiệu bất thường, cần tìm hiểu bệnh để chữa trị kịp thời, tránh tình trạng dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Việc làm giàu từ chăn nuôi lợn đen là điều không khó nếu người dân chịu khó tìm hiểu những kỹ thuật cơ bản, áp dụng hợp lý.