Vài năm trở lại đây, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện hỗ trợ người dân các loại giống cây ăn quả để trồng tập trung thành mô hình nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế như: cây óc chó, cam Vinh,… Năm 2019, sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, huyện đưa vào trồng thử nghiệm 13.100 cây bưởi da xanh thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với diện tích 26,2 ha tại các xã: Trường Hà, Cần Yên, Đa Thông, Thanh Long. Phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Bắc hỗ trợ phân bón và 100% cây giống.
Xã Trường Hà được phân bổ 7.500 cây bưởi giống da xanh, 17,3 tấn phân bón, tổng diện tích 15 ha trồng tại các xóm: Nà Mạ, Bản Hoàng, Bản Hoong, Pác Bó với 103 hộ tham gia; các hộ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, phòng trừ sâu bệnh, bón phân, tìm hiểu về giá cả thị trường. Trong quá trình trồng, các cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình sinh trưởng, phát triển của cây. Hiện, diện tích cây trồng trên địa bàn phát triển tốt, đang bói quả, tỷ lệ sống sau 3 năm trồng đạt khoảng 95%.
Từ nguồn giống hỗ trợ của huyện, năm 2019, gia đình chị La Thị Na, xóm Nà Mạ, xã Trường Hà chuyển đổi 1.600 m2 đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, 70 cây bưởi của gia đình chị Na phát triển tốt, năm thứ 2 đã bói quả. Chị Na cho biết: Cây bưởi dễ trồng, ít sâu bệnh, chịu hạn tốt, tốn ít công chăm sóc và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa, ngô. Quá trình trồng áp dụng đúng kỹ thuật, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh và xử lý cho cây ra quả. Các loại bệnh thường gặp trên cây bưởi như sâu vẽ bùa khi ra lá non, gỉ sắt, các loại rệp, nhện,… Do đó, người dân cần thăm vườn, chăm sóc, sử dụng đúng thuốc, phun đúng liều lượng, kịp thời; thường xuyên cắt cành, tỉa nhánh, khi bói quả loại bỏ những quả non không đạt yêu cầu, chỉ để lại 1 - 3 quả, nếu quả tròn tốt giữ lại 3 quả.
Gia đình anh Đàm Văn Trình, xóm Bản Hoàng, xã Trường Hà trồng 200 cây bưởi da xanh với diện tích hơn 4.000 m2. Anh Trình chia sẻ: Khi mới nhận giống về trồng, cây mới cao khoảng 60 - 80 cm, đến nay trung bình mỗi cây cao từ 1,5 - 3 m, tán rộng từ 1 - 2 m, một số cây đã ra 1 - 5 quả. Năm nay, thời tiết diễn biến thất thường, ảnh hưởng đến quá trình bói quả của cây, tôi mong vườn bưởi của gia đình cũng như bà con trong xã phát triển tốt, cho thu hoạch, đem lại hiệu quả lâu dài, giúp người dân có thêm thu nhập.
Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả mô hình trồng bưởi da xanh trên địa bàn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, đơn vị cung cấp giống tổ chức các lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật, chăm sóc, thu hoạch cho các hộ dân; thường xuyên kiểm tra tình hình phát triển, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Sau 3 năm trồng cho thấy, cây bưởi da xanh thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương. Trong tổng số 13.100 cây giống, tỷ lệ sống đạt trên 90%, trung bình mỗi cây cao từ 1,5 - 3 m. Một số diện tích tại xã Đa Thông đã cho thu hoạch từ năm thứ 2, ước tính với giá bán 25 - 50 nghìn đồng/kg sẽ đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân. So với các cây trồng khác, lợi nhuận từ trồng bưởi da xanh cao gấp 3 - 4 lần.
Mô hình trồng bưởi da xanh thành công sẽ nâng cao thu nhập cho người dân, mở ra hướng đi mới trong quá trình đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.