Hiện nay, dịch bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xuất hiện tại tất cả các xã trên địa bàn huyện Hà Quảng. Để phòng ngừa bệnh VDNC, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện chuẩn bị vật tư, phương án khống chế; các xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động triển khai các biện pháp chữa trị, phòng chống và hạn chế lây lan trên đàn trâu, bò, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Cần Yên là xã đầu tiên của huyện xuất hiện bệnh VDNC ở trâu, bò từ tháng 12/2020. Khi xuất hiện bệnh, xã đã cho khoanh vùng cách ly khu vực trâu, bò bị bệnh và tiến hành điều trị ngay. Trước tình hình bệnh VDNC diễn biến phức tạp, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ thú y xã tăng cường bám nắm cơ sở, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp nhận biết ban đầu, cơ chế lây lan mầm bệnh, cách chăm sóc, tiến hành tiêm và phun truốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
Đến nay, xã đã tiêm được 755 liều vắc xin VDNC và cấp hơn 200 lít thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại cho các hộ dân trên địa bàn xã. Đến nay xã có 102 con trâu, bò mắc bệnh VDNC tại các xóm, trong đó có 12 con chết. Hiện nay, xã tiếp tục rà soát số trâu, bò vừa sinh sản, nếu đủ điều kiện có thể tiêm phòng bệnh ngay.
Gia đình ông Triệu Văn Lảng, xóm Lũng Chi, xã Cần Yên có bò bị nhiễm bệnh VDNC, chia sẻ: Gia đình tôi có 4 con bò, tháng 12/2020, thấy một con bò có dấu hiệu sốt cao, bỏ ăn, da nổi những nốt sần, tôi đã báo cho cán bộ thú y của xã đến kiểm tra tình hình và cơ quan chuyên môn để lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút gây bệnh. Sau đó cán bộ thú y xã hướng dẫn cách tiêm phòng bệnh và phun khử trùng chuồng trại. Hiện nay, đàn bò của tôi không bị bệnh VDNC, phát triển tốt. Mong các cơ quan chức năng sớm xử lý dịch bệnh triệt để.
Từ khi bệnh VDNC trên trâu, bò xuất hiện đầu tiên tại xã Cần Yên, từ tháng 5/2021, bệnh VDNC ở đàn trâu, bò trên địa bàn huyện phát triển mạnh. Theo Phòng NN&PTNT huyện, đến ngày 9/7/2021, toàn huyện có 1.266 con trâu, bò của 673 hộ chăn nuôi tại 120 xóm, tổ dân phố thuộc 21/21 xã, thị trấn mắc bệnh, trong đó 107 con chết.
Để ngăn chặn bệnh dịch bùng phát, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hà Quảng Lưu Trọng Hính cho biết: Ngay khi nắm thông tin báo từ xã, huyện đã tổ chức đoàn đến kiểm tra tại các địa phương và những hộ có gia súc mắc bệnh, nghi nhiễm; chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã có dịch bệnh thông báo tình hình và chỉ đạo các địa phương nghiêm túc quán triệt triển khai văn bản của huyện về khẩn trương thực hiện một số biện pháp chủ yếu nhằm kiểm soát, phòng chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò. Khi thấy gia súc có dấu hiệu bị bệnh VDNC, người dân cần bình tĩnh, áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh, tích cực chăm sóc vật nuôi, tăng sức đề kháng cho trâu, bò.
Phòng NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và các địa phương có dịch bệnh tuyên truyền người dân cách ly đàn trâu, bò mắc bệnh, nghi nhiễm với những con còn khỏe để theo dõi và hạn chế lây lan dịch bệnh. Yêu cầu các xã báo cáo số liệu nhiễm mới hằng ngày để theo dõi và kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò, các sản phẩm từ trâu, bò nhập vào địa bàn.
Nghiêm cấm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ trâu, bò và sản phẩm trâu, bò nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, thực hiện nghiêm việc khử trùng khu vực chuồng trại bằng thuốc sát trùng, vôi bột; phun thuốc diệt ruồi, muỗi, ve, mòng… Đến nay, huyện đã cấp 1.484 lít thuốc tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi trong khu vực xuất hiện bệnh và tiêm phòng được hơn 8.000 liều vắc xin VDNC cho trâu, bò.

Cán bộ thú y cơ sở huyện Hà Quảng tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò trên địa bàn huyện.
Các địa phương tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi và toàn dân về sự nguy hiểm của bệnh VDNC, đường lây lan bệnh và các biện pháp chủ động phòng, chống, thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, có thông báo hướng dẫn cụ thể trên hệ thống loa truyền thanh của xóm, tổ dân phố. Khi phát hiện các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bệnh, nghi mắc bệnh phải báo cáo chính quyền, cơ quan thú y địa phương; thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực chăn nuôi.
Đơn vị chuyên môn, UBND cấp xã tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn trâu, bò trên địa bàn; chủ động giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn trâu, bò; hướng dẫn nuôi cách ly những con ốm; những con chết phải tiến hành tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo vệ sinh môi trường, không làm phát tán mầm bệnh.
Với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của người dân trong công tác phòng, chống dịch, toàn huyện phấn đấu khống chế dịch có hiệu quả, không để lây lan ra diện rộng.
Ngọc Dung (baocaobang.vn)