Để xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh, huyện Hà Quảng đã tập trung thực hiện Chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, cải thiện đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Hà Quảng chú trọng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chú trọng đầu tư thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; sử dụng cây, con giống có năng suất, chất lượng cao. Đồng thời thu hút, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có vốn đầu tư thực hiện các mô hình, dự án.
Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp được triển khai hiệu quả, nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân theo chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông - lâm nghiệp được mở rộng. Cơ sở hạ tầng giao thông nội đồng, mương thủy lợi tại các vùng sản xuất hàng hóa tập trung được đầu tư kiên cố, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Xác định cây thuốc lá là cây trồng chủ lực, cho năng suất, giá trị kinh tế cao, hằng năm, huyện tập trung chỉ đạo nhân dân thực hiện đăng ký diện tích trồng thuốc lá, tiếp tục nhân rộng và phát triển vùng thuốc lá nguyên liệu; phối hợp với các đơn vị cung ứng giống, phân bón, tập huấn khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nhân dân tại các xã.
Ông Nông Văn Thuận, xóm Lũng Nọi, xã Ngọc Đào cho biết: Cây thuốc lá là cây trồng cho thu nhập cao gấp nhiều lần cây ngô, lúa. Cả xóm hiện có hơn 27 ha trồng thuốc lá, trong đó có những mô hình trồng thuốc lá chất lượng cao và được bao tiêu sản phẩm nên đời sống của người dân ổn định và ngày càng nâng cao.
Đối với các xã vùng cao Lục Khu, huyện tập trung phát triển cây ngô, lạc hàng hóa và cây gừng trâu nguyên liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng. Bằng sự hỗ trợ giống, phân bón từ các nguồn vốn, chương trình, dự án, diện tích trồng cây ngô, lạc hàng hóa hằng năm được nâng lên. Đặc biệt, những năm gần đây, huyện đưa cây gừng trâu nguyên liệu vào trồng, bước đầu đem lại hiệu quả khá tích cực.
Để đưa gừng trâu trở thành cây mũi nhọn, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, huyện đã phối hợp và liên kết với Công ty DACE, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Đức Chung trồng và bao tiêu gừng trâu theo chuỗi giá trị. Từ hiệu quả mô hình trồng thử nghiệm, năm 2020, toàn huyện trồng được trên 110 ha gừng trâu, năng suất đạt từ 16 - 20 tấn/ha; sản lượng đạt trên 1.900 tấn. Là một trong những hộ đi tiên phong trong thay đổi cơ cấu cây trồng, anh Lục Văn Lãm, xóm Lũng Rẩư, xã Cải Viên cho biết: Gia đình tôi trồng trên 2.000 m2 gừng, với giá thu mua ổn định nên gia đình thu nhập trên 80 triệu đồng/năm.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện định hướng nông dân, doanh nghiệp chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi theo hướng đảm bảo an toàn; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, chăn nuôi bền vững. Bảo tồn, phát triển giống vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt; ký hợp đồng với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm… Nhờ đó, tăng trưởng đàn lợn 3%/năm với trên 48.000 con; riêng lợn đen Táp Ná đạt trên 14.500 con. Tổng đàn gia cầm trên 340.000 con, tăng 4%/năm; tổng đàn bò trên 18.500 con; đàn trâu trên 11.600 con.
Đồng chí Triệu Đình Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng, Trưởng Ban Chỉ đạo tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới, cho biết: Phát huy kết quả đạt được trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, cây ăn quả... Đồng thời, thực hiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ giống, phân bón, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ. Đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp và từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Giữ vững và phát huy hiệu quả, chất lượng các sản phẩm khẩu sli Nà Giàng, rượu Đinh Đông, gạo nếp Pì Pất, mẻ cá chua, gạo Đoàn kết, rượu ngô Cải Viên... nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để nâng cao chất lượng Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, huyện chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; quan tâm phổ biến, hướng dẫn kiến thức tổ chức, quản lý sản xuất, kinh doanh nhằm hình thành tư duy sản xuất hàng hóa quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Nhờ đó, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển và chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng trưởng 7,46%; thu nhập bình quân đầu người 20,4 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 38,4 triệu đồng. Hơn 99% số hộ được dùng điện lưới quốc gia; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm và được nhựa hóa, hơn 70% tuyến đường liên xóm được cứng hóa; 19/21 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% trường học được đầu tư xây dựng kiên cố hóa, toàn huyện có 22 trường đạt chuẩn quốc gia.

Cánh đồng thuốc lá xóm Lũng Nọi, xã Ngọc Đào phát triển tốt.
Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với số lượng lớn, năng suất, chất lượng cao, trong đó, vùng trồng thuốc lá duy trì trên 900 ha/năm, tổng sản lượng 5 năm đạt trên 11.470 tấn; lạc hàng hóa 750 ha/năm, tổng sản lượng đạt 5.600 tấn; gừng nguyên liệu đạt trên 150 ha, tổng sản lượng đạt trên 13.000 tấn; thay thế dần những giống lúa thuần bằng giống mới ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao hơn nhằm đảm bảo trồng được 3 vụ/năm.
Phấn đấu đến năm 2025, huyện có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Quý Quân, Cần Yên, Đa Thông, Ngọc Động. Xã Ngọc Đào đạt nông thôn mới nâng cao, xã Trường Hà đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2025, huyện bình quân đạt 11,94 tiêu chí/xã.
Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Từ lựa chọn những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hướng tới hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, người dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu hiệu quả trên chính mảnh đất quê hương.
Thanh Bình (baocaobang.vn)