Lũng Nặm nỗ lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Thứ sáu - 06/08/2021 10:34
Lũng Nặm là xã vùng cao, biên giới của huyện Hà Quảng, địa hình phức tạp, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. Mặc dù vậy, bằng sự nỗ lực vươn lên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân, giai đoạn 2015 - 2020, xã Lũng Nặm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, đời sống người dân ngày càng được nâng cao.
Nông dân xóm Rằng Rụng, xã Lũng Nặm (Hà Quảng) làm đất chuẩn bị gieo trồng vụ mùa.

Nông dân xóm Rằng Rụng, xã Lũng Nặm (Hà Quảng) làm đất chuẩn bị gieo trồng vụ mùa.

Năm 2020, xã Kéo Yên sáp nhập vào xã Lũng Nặm, hiện xã Lũng Nặm có 12 xóm với 600 hộ dân. Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra, xác định phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới là trọng tâm, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng bộ xã Lũng Nặm luôn coi trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để nâng cấp hạ tầng cơ sở, hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, từng bước giảm nghèo.

Để nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, xã đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”… Nhờ đó, nhiều lĩnh vực của đời sống, xã hội bước đầu có chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã hằng năm đều có mức tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa.

Sản xuất nông nghiệp hằng năm ổn định, nhân dân tích cực tăng gia, phát triển sản xuất, thực hiện gieo trồng hết diện tích đất. Trong lĩnh vực trồng trọt, chú trọng nâng cao năng suất lao động; tập trung phát triển các cây trồng chủ lực, thế mạnh có giá trị kinh tế như lúa, ngô, thuốc lá, lạc, gừng…; tăng cường tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa giống mới năng suất cao vào sản xuất.

Xã đã chuyển đổi diện tích sản xuất cho phù hợp giống, cây trồng; cải tạo những vùng đất khô cằn chuyển sang trồng những loại cây màu phù hợp. Cả xã có 112 ha lúa, sản lượng hằng năm đạt trên 571 tấn; ngô có hơn 341 ha, đạt hơn 958 tấn; thuốc lá 12 ha, đạt 26,76 tấn; đỗ tương 10 ha, đạt gần 9 tấn; lạc 22 ha, đạt hơn 33 tấn; gừng trâu 6 ha, đạt 108 tấn.

Việc ứng dụng cơ giới nhỏ và công cụ cải tiến vào sản xuất, phục vụ đời sống tiếp tục tăng về số lượng, trên địa bàn xã tính đến nay có 148 máy cày, bừa các loại công suất, có 253 máy xát thóc, 187 máy tuốt lúa. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực có hạt trung bình hằng năm tăng, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 23 - 24 triệu đồng/ha.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng có bước phát triển khá, tập trung là đàn trâu, đàn bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do địa hình của xã khó khăn, hiểm trở không phù hợp với việc nuôi chăn thả nên người dân chủ yếu trồng cỏ voi để nuôi trâu, bò vỗ béo nhốt chuồng. Tổng đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, tổng đàn trâu hiện có 975 con, bò 635 con, dê 445 con; tổng đàn lợn có 3.125 con.


Người dân xã Lũng Nặm (Hà Quảng) cấy lúa mùa.

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và bao tiêu sản phẩm luôn được các cấp,  ngành chú trọng. Những năm qua, từ các chương trình 135, 30a, nhiều hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp. Trong đó, năm 2020, từ Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế theo nguồn vốn Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, xã đã hỗ trợ giống lợn nuôi thương phẩm cho 223 hộ dân.

Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ đến nay đã thành lập được 23 nhóm đồng sở thích, trong đó có 11 nhóm đã nhận tiền hỗ trợ và có tổng số tiền quỹ nhóm trên 1 tỷ đồng, đã cho 103 hộ nghèo, cận nghèo vay để mua giống vật nuôi, phân bón, máy nông cụ. Xã phối hợp triển khai hiệu quả các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, điển hình là mô hình trồng gừng trâu, các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, triển khai thực hiện mô hình lò sấy nông sản có 26 hộ tham gia; mô hình bể ủ chua thức ăn gia súc có 17 hộ tham gia; mô hình trồng cỏ Pakchong có 87 hộ tham gia.

Hiệu quả từ phát triển kinh tế, công tác giảm nghèo, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt trên 10 triệu đồng/năm; số hộ nghèo của xã còn 57,33%, trung bình mỗi năm giảm 4 - 5%. Đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.

Chủ tịch UBND xã Dương Văn Thọ cho biết: Hiện nay, xã tiếp tục tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp, thực hiện chuyển dịch cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương.

 
Hà Điệp (baocaobamg.vn)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Báo Cao Bằng Online
Cao Bằng Portal

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 8


Hôm nayHôm nay : 1274

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 11103

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7767010