Có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây gừng trâu, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Nội Thôn (Hà Quảng) khuyến khích, hướng dẫn người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai và đẩy mạnh phát triển cây gừng theo hướng hàng hóa, hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Ngoài các loại cây trồng truyền thống như ngô, lạc, đỗ, trước đây, bà con xã Nội Thôn cũng đã trồng gừng trâu. Đây là cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, có thể trồng trên đất rẫy, khe đá, rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất của địa phương. Tuy nhiên, giai đoạn này việc trồng gừng theo hướng sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, sản phẩm thu hoạch không trở thành hàng hóa.
Bắt đầu từ năm 2016 - 2017, xã phối hợp với Công ty Tư vấn Môi trường và Phát triển nông nghiệp và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ 10 tấn giống gừng. Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, quy trình sản xuất và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Vì vậy, diện tích gừng trồng của xã năm sau cao hơn năm trước. Hiện nay, bà con trên địa bàn xã Nội Thôn vẫn duy trì thường xuyên từ 25 - 28 ha cây gừng trâu, tập trung nhiều tại các xóm: Cả Tiểng, Ngườm Vài, Lũng Chuống, Làng Lỷ, Lũng Mảo... Từ cây gừng trâu, nhiều hộ thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Anh Hoàng Văn Hạ, Trưởng xóm Cả Tiểng, xã Nội Thôn chia sẻ: Cả Tiểng là một trong những xóm điển hình trong phong trào trồng cây gừng trâu từ những năm đầu mới hình thành và phát triển cho đến nay. Xóm có 42 hộ, 100% hộ trồng và phát triển cây gừng trâu với tổng diện tích gần 8 ha, hộ ít 600 - 700 m2, hộ nhiều trồng gần 1 ha. Từ mô hình trồng gừng đã giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định.

Người dân xóm Lũng Mảo, xã Nội Thôn (Hà Quảng) chăm sóc gừng.
Theo anh Hoàng Ngọc Quý, xóm Cả Tiểng, một trong những hộ điển hình trong phong trào phát triển cây gừng trâu, những năm trước, đất canh tác của gia đình chủ yếu để trồng ngô. Tuy nhiên, mấy năm gần đây nhận thấy cây gừng đem lại giá trị kinh tế hơn nên gia đình mạnh dạn chuyển đổi gần 1 ha đất trồng ngô sang trồng cây gừng, mỗi năm thu hoạch gần 4 tấn gừng củ. Gừng được trồng từ tháng 2 đến tháng 10 - 11 cho thu hoạch. Cây gừng dễ bán, giá trung bình 15 nghìn đồng/kg, có thời điểm giá bán 18 - 20 nghìn đồng/kg...
Chủ tịch UBND xã Nội Thôn Vương Văn Vinh cho biết: Từ khi được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch gừng, các hộ trong xã đều trồng đúng thời vụ, chăm sóc đúng quy trình, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học mà chỉ bón phân vi sinh, ủ phân chuồng, phân xanh. Đây là bước tiến mới để thay đổi tư duy của người dân.
Những năm trước, do đây là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, được chăm sóc đúng quy trình sản xuất hữu cơ nên gừng cho năng suất bình quân 180 tạ/ha. Năm 2021, cả xã trồng 25 ha cây gừng trâu, dự kiến tổng sản lượng ước đạt trên 4.500 tấn. Bình quân trồng gừng cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha (sau khi trừ chi phí giống, vật tư, phân bón...), giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, đỗ tương.
Mô hình sản xuất và tiêu thụ gừng theo hướng hàng hóa đã góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông dân, là cây trồng mũi nhọn trong công tác giảm nghèo của xã. Qua đó góp phần giảm nghèo bền vững khi Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, cần được nhân rộng ra vùng Lục Khu (Hà Quảng).
Minh Tuyền (baocaobang.vn)