Là xã khó khăn, có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện Hà Quảng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Thượng Thôn xác định được cây trồng, vật nuôi thế mạnh; tập trung truyên truyền, vận động nhân dân phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đây được coi là một trong những đòn bẩy để phát triển KT - XH, góp phần giảm nghèo tại địa phương.
Để đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, những năm qua, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; phát huy các tiềm năng, lợi thế, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư; đưa ra các giải pháp cụ thể để phát triển KT - XH, nhất là phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Đến nay, xã hình thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng như cây gừng, lạc L14 và tập trung phát triển sản xuất chăn nuôi đại gia súc theo mô hình nuôi nhốt.
Chủ tịch UBND xã Thượng Thôn Hoàng Văn Thắm cho biết: Hiện, toàn xã có gần 700 ha đất sản xuất nông nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để xã khuyến khích người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Ngoài các loại cây trồng truyền thống như ngô, đỗ tương, từ năm 2016 đến nay, nông dân tập trung phát triển cây lạc L14 với diện tích 100 ha/năm; trồng từ 15 - 20 ha gừng trâu/năm, tập trung nhiều tại các xóm: Táy Trên, Lũng Mủm, Thượng Sơn, Nặm Dạt, Tổng Cáng...
Để cây gừng đạt năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương, chính quyền xã thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, quy trình sản xuất và ký hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Năm 2021, toàn xã trồng hơn 15 ha gừng, năng suất bình quân 18 tấn/ha, sản lượng ước đạt 270 tấn.
Anh Đinh Văn Huấn, Trưởng xóm Lũng Mủm chia sẻ: Những năm gần đây, nhận thấy cây gừng đem lại giá trị kinh tế hơn những cây trồng khác nên nhiều hộ dân chuyển đổi diện tích đất trồng ngô sang trồng cây gừng. Xóm có 72 hộ, 80% hộ trồng gừng trâu với tổng diện tích gần 5 ha, trung bình mỗi hộ trồng gần 300 - 400 m2. Mô hình sản xuất và tiêu thụ gừng theo hướng hàng hóa góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thông qua các hợp phần hỗ trợ sản xuất các chương trình, dự án, cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với các ngành tích cực tuyên truyền, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ thuật chăn nuôi cho người dân... Qua đó, người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa; chăn nuôi trở thành phong trào lan rộng trên địa bàn.
Nhiều hộ mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi thông qua các tổ chức hội đoàn thể đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc quy mô nhỏ và vừa, quy mô lớn phát triển ổn định, bền vững. Hiện nay, cả xã có 963 con trâu, 1.138 con bò, 1.722 con lợn, 15.767 con gia cầm. Thay vì nuôi trâu, bò lấy phân bón, sức kéo, nhiều hộ dân chuyển sang nuôi trâu, bò vỗ béo, trung bình nuôi từ 2 - 3 lứa/năm, mỗi năm thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng.
Là một trong những hộ điển hình trong chăn nuôi trâu, bò nuôi nhốt, anh Lưu Văn Hương, xóm Thượng Sơn cho biết: Trong vài năm trở lại đây, ngoài việc phát triển cây trồng hàng hóa, nuôi lợn đen, gia đình tôi nuôi thêm trâu, bò vỗ béo, trung bình nuôi 2 - 3 lứa/năm. Hiện, trong chuồng đang vỗ béo 6 con trâu, 2 con bò. Nếu xuất bán lãi trên 5 triệu đồng/con, trừ chi phí, gia đình tôi đạt thu nhập trên 70 triệu đồng/năm.

Lạc sau khi thu hoạch được người dân xã Thượng Thôn (Hà Quảng) cho vào bao để bảo quản.
Từ việc xác định được cây trồng, vật nuôi thế mạnh, tập trung truyên truyền, vận động nhân dân phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đến nay, KT - XH của xã ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 3 - 5%/năm, số hộ có thu nhập khá tăng, nhiều hộ mua sắm được các vật dụng thiết yếu phục vụ cuộc sống sinh hoạt và sản xuất. 100% xóm có đường bê tông đến trung tâm xóm; trên 97% hộ được sử dụng điện; xã đạt 8/19 tiêu chí nông thôn mới.
Minh Tuyền (baocaobang.vn)