Hà Quảng có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp 62.983.78 ha, chiếm 77,67% tổng diện tích tự nhiên của huyện, trong đó, 1.385 ha đất rừng đặc dụng, 48.290.28 ha đất rừng phòng hộ, 13.308.5 ha đất rừng sản xuất. Địa hình chủ yếu là núi cao, độ dốc lớn, chia cắt phức tạp nên việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gặp không ít khó khăn. Tính đến tháng 6/2021, độ che phủ rừng của huyện đạt 51,96%.
Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Hà Quảng Vương Minh Nhật cho biết: Rừng không chỉ là nguồn tài nguyên quý, có giá trị lớn về môi sinh, môi trường mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng - an ninh. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm, Hạt Kiểm lâm huyện chủ động nắm bắt thông tin, bám sát địa bàn; tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện lĩnh vực lâm nghiệp.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị đồn biên phòng, công an, dân quân tự vệ xã… tăng cường giáo dục, phổ biến văn bản pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân. Phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng xóm, người có uy tín; lồng ghép nội dung tuyên truyền, vận động quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý lâm sản ở khu vực biên giới vào các cuộc họp xóm, họp chi bộ. Thực hiện phương châm bám chính quyền, bám rừng, bám dân để bảo vệ rừng hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức 27 cuộc tuyên truyền cho 416 lượt người nghe.
Anh Lê Hồng Luyện, Trưởng xóm Nà Nghiềng, xã Sóc Hà chia sẻ: Giờ đây, bà con các dân tộc trong xóm hiểu rõ ý nghĩa của rừng đối với đời sống, không còn tình trạng chặt cây lấy gỗ làm nhà như nhiều năm về trước. Hằng năm, các hộ gia đình được hướng dẫn cách làm đường băng cản lửa, cách đốt nương đúng quy định, tham gia ký cam kết không vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Cán bộ kiểm lâm địa bàn tích cực động viên, khích lệ bà con trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái.
Kiểm lâm địa bàn tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tiến hành kiểm tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, không để xảy ra điểm nóng gây bức xúc dư luận. Công tác quản lý lâm sản, tang vật sau khi xử lý được quan tâm bảo vệ tốt, chế độ xuất, nhập đúng nguyên tắc, đúng quy chế, không để thất thoát hoặc thiếu hụt.
Theo đó, năm 2020, Hạt Kiểm lâm huyện xử lý 8 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với số tiền xử phạt hành chính và bán tang vật tịch thu hơn 107 triệu đồng. Chỉ tính riêng quý III/2021, Hạt phát hiện, lập biên bản xử lý 2 vụ khai thác rừng, vận chuyển lâm sản trái phép, thu nộp ngân sách Nhà nước 16 triệu đồng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 13 cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản, 6 hộ gia đình đăng ký nuôi nhốt động vật rừng thông thường (5 hộ nuôi 17 cá thể hươu sao, 1 hộ nuôi 4 cá thể nhím bờm). Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ; hướng dẫn cụ thể việc nuôi nhốt và theo dõi, ghi chép sổ nhập xuất lâm sản, truy xuất nguồn gốc lâm sản. Chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, nghiệm thu chăm sóc rừng trồng, hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo kịp tiến độ giải ngân theo quy định.
Đơn vị thường xuyên theo dõi các yếu tố khí tượng nhằm dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, đặc biệt trong những ngày nắng hạn, khô hanh kéo dài. Chú trọng kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân, hướng dẫn nhân dân canh tác nương rẫy an toàn.
Kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã và tổ, đội quần chúng cấp xóm, tổ chức diễn tập chữa cháy rừng để chủ động, linh hoạt xử lý giảm thiểu thiệt hại khi có tình huống cháy rừng xảy ra. Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng thực hiện nghiêm túc, bảo đảm trực 24/24 giờ theo quy định nên những tháng qua trên địa bàn huyện không có vụ cháy rừng nào.