Phòng Tư pháp huyện phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch tuyên truyền PBGDPL bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trong đó lồng ghép với công tác chuyên môn, các chương trình, đề án, dự án khác, như: Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS; Đề án “Đẩy mạnh công tác PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS miền núi giai đoạn 2017 - 2021”; tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đường bộ; triển khai các đề án, quyết định của Chính phủ về công tác tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào vùng DTTS và miền núi; đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền PBGDPL, lựa chọn hình thức cung cấp thông tin giúp đồng bào DTTS dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu khi tiếp cận với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức về giới, bình đẳng giới…
Để phục vụ công tác tuyên truyền, ngoài những tài liệu do cấp trên cung cấp, Phòng Tư pháp chủ động biên soạn các loại tài liệu tuyên truyền phù hợp với thực tế địa bàn, phát hành tài liệu cho đội ngũ cán bộ tư pháp các xã trực tiếp làm công tác PBGDPL; tuyên truyền lồng ghép bằng tiếng dân tộc giúp cho các buổi truyền truyền dễ hiểu và dễ tiếp cận. Phối hợp với Công an huyện, Huyện đoàn, Hội Liên hiêp Phụ nữ, Tòa án… tổ chức các buổi nói chuyện, giao lưu tại các trường học; tổ chức các buổi xét xử lưu động để tuyên truyền các quy định về phòng, chống ma túy; an toàn giao thông; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình…
Tại các buổi tuyên truyền PBGDPL, cấp phát miễn phí hàng chục nghìn tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho người dân; kết hợp lồng ghép phổ biến các nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, các chính sách về dân tộc. Qua tư vấn, giải đáp trực tiếp các chính sách, pháp luật, trang bị cho đồng bào DTTS những kiến thức pháp lý cơ bản, thiết thực để họ tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân và tự giác chấp hành pháp luật, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.
Ngoài hình thức tuyên truyền trực tiếp, hệ thống đài truyền thanh huyện truyền tải những nội dung quan trọng về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng chống ma túy; pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, đào tạo nghề ở nông thôn; các mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, các vụ án, công tác xét xử, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; phòng, chống dịch Covid-19… thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo quần chúng nhân dân.
Anh Triệu Quốc Kim, Trưởng xóm Lũng Tỳ, xã Lương Thông cho biết: Qua các đợt tuyên truyền pháp luật, chúng tôi được tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về một số nội dung cơ bản của Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… Có những việc pháp luật nghiêm cấm nhưng còn nhiều người chưa biết, như việc đánh đập con cái, hay việc uống rượu say đánh vợ… Có nhiều điều mới chúng tôi đang tìm hiểu để bổ sung vào hương ước của xóm.
Năm 2021, Phòng Tư pháp phối hợp cùng các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền pháp luật tại huyện được 2 cuộc bằng hình thức giao ban công tác tư pháp với 75 người tham dự, 3 hội nghị trực tuyến triển khai các văn bản quy phạm pháp luật với 142 lượt người tham dự. Kết nối trực tuyến với điểm cầu 21 xã, thị trấn với 1.149 lượt người tham dự. Các xã, thị trấn tuyên truyền 493 cuộc với 39.264 lượt người tham dự. Tham mưu UBND huyện góp ý dự thảo 8 văn bản quy phạm pháp luật. Phối hợp với các ban, ngành liên quan duy trì thực hiện thường xuyên định kỳ “Ngày pháp luật” mỗi tháng một lần tại cơ quan, đơn vị mình thông qua lồng ghép tại các cuộc họp, hội nghị… nhằm không ngừng nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên người DTTS.
Hiện, toàn huyện có 195 tổ hòa giải và 1.034 hòa giải viên cơ sở hầu hết là những cán bộ hưu trí, những người am hiểu về pháp luật và có uy tín trong cộng đồng dân cư, được nhân dân tín nhiệm và được tham gia các lớp tập huấn giúp trang bị kỹ năng và nâng cao về nghiệp vụ hòa giải. Năm 2011, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 68 vụ việc hòa giải ở cơ sở, đã hòa giải thành công 45 vụ việc, 21 vụ hòa giải không thành, còn 2 vụ việc đang được xác minh xem xét, giải quyết.
Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hà Quảng Nông Văn Nhất cho biết: Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi và sơ kết, tổng kết công tác PBGDPL trên địa bàn; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên ở cơ sở. Chú trọng xây dựng đội ngũ hòa giải viên là người DTTS, am hiểu pháp luật và kỹ năng truyền đạt; đa dạng hóa các nội dung, hình thức PBGDPL; đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất để triển khai các hoạt động PBGDPL hiệu quả.