Điểm sáng giáo dục vùng biên

Thứ ba - 15/11/2022 09:12
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, hòa bình lập lại, nhằm chuẩn bị lực lượng mạnh về trí tuệ, khỏe về thể chất và trong sáng về đạo đức để xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Nhà nước ta chủ trương phát triển mạnh mạng lưới các trường phổ thông cấp 2 (THCS) và cấp 3 (THPT). Tại Cao Bằng, từ năm 1956 - 1961 đã thành lập hai trường phổ thông cấp 2, 3 tại Thị xã và Quảng Uyên. Tháng 8/1962, Trường Phổ thông cấp 2, 3 Nà Giàng được thành lập. Điều đó thể hiện sự tin tưởng của các cấp lãnh đạo về sự nghiệp giáo dục đối với huyện Hà Quảng nói riêng và vùng biên giới phía Bắc của tỉnh nói chung.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vũ Văn Dương kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường THPT Nà Giàng.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vũ Văn Dương kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường THPT Nà Giàng.

Trường Phổ thông cấp 2, 3 Nà Giàng được phát triển từ Trường Phổ thông cấp 2 Nà Giàng (thành lập năm 1958 - 1959) tại xóm Bản Chá, xã Phù Ngọc (nay là xã Ngọc Đào), huyện Hà Quảng. Năm học 1962 - 1963, lớp 8 hệ 10 năm (tương đương lớp 10 hệ 12 năm) được triệu tập, đánh dấu mốc ra đời và trưởng thành của Trường Phổ thông cấp 2, 3 Nà Giàng, bây giờ là Trường THPT Nà Giàng, trường nhận nhiệm vụ đào tạo, giáo dục các thế hệ học sinh của huyện Hà Quảng và một số xã phía Bắc của huyện Hòa An.
60 năm qua, Trường THPT Nà Giàng đã dần trưởng thành, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Các thế hệ thầy và trò nhà trường vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, phát huy truyền thống, không ngừng thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, đạt nhiều thành tích tốt, xứng đáng là một “điểm sáng” về công tác giáo dục của tỉnh Cao Bằng - một tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Tổ quốc, xa xôi, nơi mà giáo dục nói riêng và các lĩnh vực của xã hội còn nhiều khó khăn.
Trong những ngày đầu mới thành lập, từ nguồn ngân sách Nhà nước vừa trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ để tái thiết đất nước, vừa đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa đấu tranh thống nhất đất nước, nhân dân địa phương đã chung tay góp sức, cùng dựng lên trường lớp từ những cây tre, nứa, mái tranh, vách đất. Chỉ sau một thời gian, một ngôi trường đơn sơ nhưng tương đối khang trang, sạch đẹp (so với thời điểm đó) mọc lên tại khu đồi Bản Chá. Một dãy phòng học cột gỗ lợp cỏ tranh cao ráo với những khung cửa sổ đóng bằng cây trúc thẳng tắp; một khu tập thể giáo viên đủ chỗ sinh hoạt cho các thầy, cô giáo ở khắp miền xuôi, miền ngược trong và ngoài tỉnh; một khu ký túc xá học sinh đủ để đón nhận học sinh xa nhà đến trọ học, dù mộc mạc nhưng tất cả tạo thành một quần thể đủ phục vụ cho việc dạy và học.
Năm học 1995 - 1996, Trường THPT Nà Giàng chuyển từ địa điểm cũ Bản Chá về địa điểm hiện nay là Bản Bó, xã Ngọc Đào. Năm tháng trôi qua, các hoạt động của trường luôn gắn bó mật thiết, luôn nhận được sự quan tâm sâu sát cũng như sự đồng hành của chính quyền địa phương, các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể xã hội.
Bao thế hệ nhà giáo của trường nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, nghiêm túc chấp hành quy chế chuyên môn, trau dồi phương pháp, tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua như: “Hai tốt”; “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”... Qua các phong trào, nhiều thầy, cô giáo đã khẳng định năng lực bản thân, trở thành những tấm gương sáng cho học sinh noi theo, tiêu biểu trong số đó là: Nhà giáo Ưu tú Chu Mạnh Vân, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; thầy giáo Sầm Bộ (Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1962 - 1964); thầy giáo Tô Vũ Cư (Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1964 - 1982); thầy giáo Nguyễn Sứ (Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1986 - 1989); thầy giáo Đàm Thơm (Hiệu trưởng nhà trường từ năm 1989 - 1990); cô giáo Nguyễn Thị Phương (Hiệu trưởng nhà trường từ năm 2004 - 2010); cô giáo Nông Thị Băng (Hiệu trưởng nhà trường từ năm 2011 - 2021); các thầy giáo: Nguyễn Thái Vận, Vũ Đình Minh, Kiều Phúc Quý... Hình ảnh các thầy giáo, cô giáo luôn in đậm trong trái tim biết bao thế hệ học trò.
Những năm gần đây, trường có 10 lượt thầy cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen, 6 thầy cô được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 3 thầy cô được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhiều thầy cô được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 1 cô giáo được Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen; 4 thầy cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 56 lượt thầy cô đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện…
Không thể kể hết những học trò đã trưởng thành là những công dân tài giỏi về trí tuệ, trong sáng về đạo đức, khỏe mạnh về thể lực, đó là nguồn nhân lực có chất lượng sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, trường chứng kiến bao cuộc chia tay vừa lưu luyến vừa ngập tràn khí thế của những cậu học trò “xếp bút nghiên lên đường vì nghĩa lớn”, để rồi có những cựu học trò không trở về mà lặng lẽ tan vào đất mẹ, được Tổ quốc ghi công. Tự hào biết mấy khi có những học trò tài đức vẹn toàn, trở thành tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, đó là Trung tướng Đàm Đình Trại, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Tư lệnh về chính trị (Chính ủy) Quân khu 1, Đại biểu Quốc hội khóa XI; Thiếu tướng Bế Ngọc Báu, nguyên Giám đốc Công an tỉnh. Và thật hãnh diện khi trường có những học trò xuất sắc như các đồng chí Nông Thế Cừ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XI; Đàm Thơm, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lã Hoài Nam, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bảo Lạc; Nguyễn Thị Phương, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng... Và còn biết bao thế hệ cựu học sinh xuất sắc, những người con ưu tú của quê hương đã và đang là những nhà quản lý, người lãnh đạo, các kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học, nhà kinh tế, những công nhân, nông dân đang hăng say cống hiến, lao động, góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.
Những năm gần đây, thực hiện chủ trương đổi mới của ngành giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, thầy và trò nhà trường tích cực đổi mới, sáng tạo để không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 5 năm gần đây, trường có trên 40 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và gần 70 học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. Đó là thêm minh chứng cho điểm sáng trong công tác giáo dục của Trường THPT Nà Giàng, ngôi trường cấp 3 đầu tiên của quê hương cách mạng Hà Quảng.
Ghi nhận những thành tích đó, Trường THPT Nà Giàng nhiều lần được UBND tỉnh tặng danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc; được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những thành tựu Trường THPT Nà Giàng đạt được trong 60 năm xây dựng và phát triển là công sức đóng góp, xây dựng liên tục, bền bỉ của các thế hệ cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học sinh, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo, những thành tựu ấy rất đỗi tự hào.
Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo( Theo Baocaobang)
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Báo Cao Bằng Online
Cao Bằng Portal

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 12

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 11


Hôm nayHôm nay : 719

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 63824

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7527160