Hằng năm, huyện chủ động bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, các nhà văn hóa (NVH) xã, NVH xóm, bố trí các địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của nhân dân. Đến nay, toàn huyện xây dựng được 7 NVH xã, 178 NVH xóm, tổ dân phố. Với hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, các tổ, đội, câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ quần chúng trên địa bàn huyện phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Toàn huyện có 1 chi hội Bảo tồn dân ca cấp huyện; 21 phân hội Bảo tồn dân ca tại 21 xã, thị trấn với 234 hội viên tham gia; 1 đội thông tin lưu động cấp huyện; 102 đội văn nghệ xóm, tổ dân phố; 10 đội văn nghệ xã, thị trấn. Các đội văn nghệ dưới sự dìu dắt của một số nghệ nhân tâm huyết bước đầu hoạt động hiệu quả, thu hút nhiều người tham gia.
Tuy mới chính thức thành lập được 1 năm nhưng Phân Chi hội Bảo tồn dân ca thị trấn Thông Nông hoạt động rất bài bản, quy củ. Với 17 hội viên, chủ yếu là cán bộ đã nghỉ hưu, nhưng trong họ tràn đầy niềm đam mê với các làn điệu dân ca dân tộc truyền thống đặc sắc của quê hương. Phân Chi hội trưởng Nông Thị Bay cho biết: Tranh thủ những lúc rảnh rỗi vào dịp cuối tuần hoặc những buổi tối, các hội viên lại tập trung để luyện tập hát Then, đàn tính; vào những dịp lễ, tết, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc thì việc tập luyện được duy trì thường xuyên hơn.
Ngoài những bài hát sẵn có, nhiều hội viên tự sáng tác những bài hát mang đậm dấu ấn của riêng mình nhưng vẫn giữ được những tinh hoa văn hóa dân tộc. Những tiết mục của Phân Chi hội với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, truyền thống cách mạng của các dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước; phản ánh các vấn đề xã hội mang tính thời sự về giao thông, ma túy, kế hoạch hóa gia đình, xây dựng nông thôn mới...
Các CLB, đội văn nghệ được thành lập, thường xuyên hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhân dân mà còn phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị của địa phương. Vào các ngày lễ kỷ niệm lớn, những dịp lễ hội, các địa phương tạo không gian diễn xướng để các CLB, các đội văn nghệ giao lưu văn hóa văn nghệ. Đặc biệt Đội thông tin lưu động của huyện thường xuyên tổ chức biểu diễn văn nghệ kết hợp với tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Chị Nông Thị Nguyên, xóm Nặm Đông, xã Cần Nông chia sẻ: Tham gia sinh hoạt văn nghệ xóm bản vừa là hình thức giải trí sau những giờ lao động, vừa là dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm chăm sóc con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Bên cạnh đó, hoạt động văn hóa, văn nghệ cũng giúp các bạn trẻ nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Để duy trì hoạt động thường xuyên, các CLB, tổ, đội văn nghệ xây dựng tiêu chí sinh hoạt CLB rất bài bản, nội dung biểu diễn phong phú, đa dạng, đa phần hướng về các thể loại văn nghệ dân tộc đặc sắc mang tính truyền thống của từng dân tộc, từng địa phương, như: Hát then, đàn tính, Sli Giang, Nàng ới, Dá Hai, Hà Lều, Páo Dung… được bà con đón nhận, cổ vũ nhiệt tình, tạo thành phong trào văn hóa văn nghệ sôi nổi tại cộng đồng, giữ gìn nét đẹp văn hóa làng xã, khơi dậy tinh thần đoàn kết, gắn bó trong nhân dân.
Cùng với sự phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ ở các khu dân cư, nhiều năm qua, ở huyện Hà Quảng đã hình thành các tổ, đội văn nghệ trong các ngành: giáo dục, ngân hàng, y tế, công an, quân đội… Ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, để thúc đẩy phong trào văn nghệ phát triển, hằng năm, các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi vào dịp kỷ niệm ngày thành lập các ngành và các ngày lễ lớn của đất nước… Phong trào văn nghệ trong các hội, đoàn thể các cấp trong huyện cũng phát triển mạnh. Mỗi cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đều có đội văn nghệ với đa dạng các thể loại, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tham gia.
Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hà Quảng Nông Thị Hồng Liên cho biết: Một trong những yếu tố quan trọng duy trì, thúc đẩy sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các CLB, đội văn nghệ quần chúng chính là sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã đầu tư kinh phí cho các CLB, đội văn nghệ dàn dựng các chương trình ca múa nhạc để tham gia các kỳ hội diễn văn nghệ quần chúng; hỗ trợ kinh phí để các đội văn nghệ luyện tập, mua sắm trang phục biểu diễn.
Cùng với đó, các địa phương cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất văn hóa. Năm 2020, tỷ lệ “Gia đình văn hóa” toàn huyện đạt 84%; tỷ lệ xóm, tổ dân phố được công nhận “Khu dân cư văn hóa” đạt 77,4%; 96% cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa”...