Việt Nam vẫn chậm chạp trong triển khai IPv6

Thứ ba - 09/02/2010 16:04
Việt Nam vẫn chậm chạp trong triển khai IPv6

Việt Nam vẫn chậm chạp trong triển khai IPv6

Thời điểm địa chỉ IPv4 cạn kiệt không còn xa nhưng việc triển khai IPv6 tại Việt Nam xem ra vẫn còn rất chậm chạp. Phóng viên báo BĐVN đã trao đổi với ông Trần Minh Tân, Phó giám đốc VNNIC về vấn đề này.

Tài nguyên IPv4 đang ở tình trạng “báo động đỏ”. Xin ông cho biết những hành động của Việt Nam trước tình hình khẩn cấp này?

Tình trạng cạn kiệt tài nguyên IPv4 đã được báo hiệu từ năm 2005, 2006. Năm 2007, các cơ quan quản lý về IP trên toàn cầu như Trung tâm thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), LACNIC (khu vực Mỹ La tinh ), RIPE NCC (khu vực châu Âu)… đã thống nhất ra nghị quyết về tình hình báo động này và đưa ra lộ trình cạn kiệt từ 2-4 năm nữa (2010- 2012 là hết hoàn toàn ). Hiện tại lượng tài nguyên IPv4 chỉ còn lại dưới 10%, tổ chức NRO (Cơ quan cấp phát địa chỉ Internet toàn cầu) đã ra một thông cáo chung đến các quốc gia.

Để đối phó với vấn đề nghiêm trọng này, không chỉ riêng Việt Nam mà ngay cả APNIC cũng đã thắt chặt thêm quy trình cấp phát địa chỉ để duy trì sự tồn tại của địa chỉ IPv4 và chỉ cấp phát trong những trong trường hợp thực sự cần thiết. Các quốc gia đều phải thành lập Ban công tác thúc đẩy triển khai IPv6 thay cho IPv4.

Việt Nam cũng đã thành lập Ban công tác vào đầu tháng 1/2009. Trong thời gian quá độ đến 2012, khi các ISP có nhu cầu xin cấp phép cần phải giải trình được đó là nhu cầu thực. Bên cạnh đó, các ISP cũng sẽ phải chuẩn bị chuyển đổi dần sang IPv6. Trong đó cần phải triển khai nghiên cứu, đào tạo cán bộ kĩ thuật những kiến thức cơ bản về IPv6, để có thể đáp ứng và sẵn sàng cho việc chuyển đổi. Cùng với đó còn phải nghiên cứu về dịch vụ để cung cấp trên nền tảng IPv6 thay thế cho IPv4.

Hiện các ISP mới chỉ ứng dụng IPv6 ở mức độ thử nghiệm trong phòng lab. Nhưng để chuyển sang IPv6 từ IPv4 thì phải có thử nghiệm thực tế trên mạng diện rộng. Theo Chỉ thị về thúc đẩy sử dụng IPv6 của Bộ TT&TT, toàn bộ số IP phải đấu nối đến mạng trung chuyển Internet của VNNIC để tiến hành thử nghiệm IPv6 trên diện rộng. VNNIC sẽ làm cầu nối cho các mạng này ra quốc tế.

Thưa ông, việc chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 sẽ gặp phải những khó khăn gì?

Nói chung, về mặt công nghệ thì không có khó khăn gì cả. Các thiết bị sản xuất trong thời gian gần đây đều đã hỗ trợ IPv6 rất tốt. Vấn đề chỉ là chuyện quy hoạch và đánh số thế nào cho phù hợp bởi sẽ có giai đoạn tồn tại song song IPv4 và IPv6. Có những thiết bị hiện tại chạy tốt trên IPv4 và khách hàng còn nhu cầu sử dụng thì sẽ phải tiếp tục chạy trong thời gian tới. Nhưng dần dần thay thế vào đấy là các dịch vụ mới chỉ có trên IPv6. Điều này, dẫn đến tình trạng trong mạng sẽ có lai ghép giữa cả IPv4 và IPv6.

Trong quá trình chuyển đổi như vậy, các ISP phải lưu ý về việc chuyển đổi để đảm bảo sự tương thích giữa IPv4 và IPv6. Nhờ vậy mà khách hàng sử dụng IPv4 cũng chạy được trên IPv6 và ngược lại.

Ngoài không gian tên miền rộng hơn thì IPv6 còn có những ưu điểm nào nổi trội hơn IPv4, thưa ông?

Bản chất của nó là do cách thiết kế, IPv6 có đến 128 bit để đánh địa chỉ. Trên không gian rộng hơn như thế thì người ta sẽ sử dụng được nhiều bit hơn cho phần header của gói tin. Qua đó, người ta sẽ đưa ra một loạt các công nghệ mới. Ví dụ như bảo mật, trước đây, với IPv4 để giải quyết vấn đề bảo mật thì phải sử dụng firewall cũng như một loạt các công nghệ khác. Nhưng giờ đây với IPv6 thì có thể bảo mật trực tiếp từ máy tính nọ sang máy tính kia. Chính vì thế mà công nghệ bảo mật trên IPv6 rất phát triển. Ngoài ra, một số các dịch vụ khác như quảng bá định tuyến cũng sẽ rất phát triển trên IPv6… Có thể nói, với cách thiết kế, IPv6 tỏ ra ưu việt về không gian địa chỉ cũng như các công nghệ sử dụng trên đấy .

Trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp sẽ dần dần hình dung và có các hướng, đề xuất các dịch vụ phát triển trên nền IPv6. Tuy nhiên, ngoài những yếu tố về mặt công nghệ, thị trường mới là đóng vai trò quyết định nhưng IPv6 sẽ tạo ra những nền tảng rất thuận lợi để triển khai dịch vụ, sản phẩm mà chỉ riêng IPv6 mới có được. Trước mắt, các dịch vụ IPv6 ở Việt Nam hầu như là chưa có. Tuy nhiên, với dịch vụ IPTV đang phát triển ở Việt Nam nếu được sử dụng trên IPv6 thì sẽ rất hiệu quả.

Hiện tại ở Việt Nam đã có các ISP, doanh nghiệp nào đăng ký sử dụng IPv6?

Đến thời điểm hiện tại, lượng đăng ký sử dụng IPv6 ở Việt Nam rất nhiều, đứng thứ 26 trên toàn cầu. Nhưng lại chưa có đơn vị nào thực sự triển khai IPv6 mà hầu hết mới chỉ dừng lại ở bước thử nghiệm trong nội bộ. Đấy là một điều cần phải nhấn mạnh để các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện. Hi vọng trong thời gian tới, sau khi đã có Ban hành động quốc gia về IPv6 thì các doanh nghiệp sẽ phải xây dựng các kế hoạch phù hợp và tiến hành triển khai sử dụng thực thì mới kịp chuyển đổi bởi thời gian chỉ còn 1-2 năm nữa.

Việt Nam sẽ phải có những biện pháp gì để đẩy mạnh quá trình sử dụng IPv6 hơn nữa ?

Điều này phụ thuộc chủ yếu vào các ISP. Chính các ISP sẽ là người quyết định việc thực hiện. Ban chỉ đạo quốc gia về IPv6 chỉ đóng vai trò định hướng và thúc đẩy. Còn các ISP sẽ phải nhanh chóng triển khai. ISP nào triển khai trước thì sẽ được hưởng lợi thế về các dịch vụ cung cấp về sau này, và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoạt động của các ISP .

Cảm ơn ông! 




(Theo ICT News)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Comment addGửi bình luận của bạn
Mã chống spamThay mới
 

Sản phẩm số

Sản phẩm số
Báo Cao Bằng Online
Cao Bằng Portal

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 9

Máy chủ tìm kiếm : 1

Khách viếng thăm : 8


Hôm nayHôm nay : 984

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 81536

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7750614