Khi ý Đảng, lòng dân hòa quyện

Thứ tư - 27/10/2021 07:51
Phải vượt qua mấy tầng dốc núi quanh co mới đến được điểm dân cư Lũng Củm, thuộc xóm Nà Nghiềng, xã Sóc Hà (Hà Quảng), nơi có 39 hộ đồng bào dân tộc Dao đỏ sinh sống. Từng được coi là vùng đất biệt lập khó khăn nhất của xã Sóc Hà, đến nay, xóm núi vùng cao này thay da đổi thịt, khoác lên mình diện mạo mới đầy niềm tin và hy vọng.
Điểm dân cư Lũng Củm, nay thuộc xóm Nà Nghiềng, xã Sóc Hà (Hà Quảng) bình yên dưới chân núi.

Điểm dân cư Lũng Củm, nay thuộc xóm Nà Nghiềng, xã Sóc Hà (Hà Quảng) bình yên dưới chân núi.

Đường chưa có, nghèo chưa đi

Biết chúng tôi có ý định lên Lũng Củm khi trời chuẩn bị đổ cơn mưa, Chủ tịch UBND xã Sóc Hà Hoàng Văn Xuân nhắn nhủ: Mặc dù đường được bê tông hóa và rải cấp phối đến trung tâm xóm, nhưng các chị nên đi xe máy vì dốc khá cao, lại có nhiều cua khuất tầm nhìn. Nghe vậy, cánh phóng viên nữ tay lái yếu chúng tôi không dám mạo hiểm, phải nhờ cán bộ địa chính xã dẫn đường. Sau khoảng 15 phút chạy xe máy, xóm nhỏ hiện ra trước mắt với những căn nhà sàn nép mình dựa vào núi, bao quanh là màu xanh bạt ngàn của nương ngô, lạc hè thu.

Bên ấm trà nóng, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm Nà Nghiềng Phòn Văn Khiầu hoài niệm về một thời gian khó: Những năm trước đây, nghèo đói níu lấy từng nóc nhà của người dân Lũng Củm. Đường lên xóm men theo sườn núi gần như thẳng đứng, người đi chỉ biết cắm đầu, khom lưng mà bước. Con đường dốc cheo leo, khúc khuỷu, mùa mưa đất nhão nhoẹt, trơn như đổ mỡ; còn khi trời nắng, bụi đỏ cuốn lên che kín mặt người. Mặc dù chỉ cách trung tâm xã hơn 3 km nhưng phải mất vài giờ đi bộ mới tới nơi. Ngày nắng còn có người dân đi lại, ngày mưa thì Lũng Củm gần như bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Bà con không có điều kiện tiếp xúc với khoa học kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt nên năng suất rất thấp. Đến vụ thu hoạch, mỗi gia đình chỉ được vài chục kg ngô, thiếu đói giáp hạt, phải lên rừng kiếm củ mài về ăn, cuộc sống khổ trăm bề. Cũng vì cái đói, cái nghèo và sự xa xôi cách trở mà việc buôn bán giao thương, việc học hành của trẻ nhỏ, việc chăm sóc sức khỏe con người mỗi khi ốm đau bệnh tật... đều không dễ dàng.

Chị Phòn Thị Tàn tâm sự: Mỗi lần xuống chợ phiên, tôi phải thức dậy từ rất sớm. Vào những ngày trời mưa có khi phải đi từ 4 giờ sáng đến quá trưa mới trở về nhà. Chúng tôi muốn lấy vật liệu xây dựng về sửa sang nhà cửa nhưng rất khó khăn và tốn nhiều chi phí. Cứ nghe nói mang lên Lũng Củm là người bán hàng từ chối.

Cũng vì cách biệt với bên ngoài, mặc dù xóm có hơn 28 ha đất nương rẫy nhưng người dân cũng chỉ trồng giống ngô địa phương để phục vụ gia đình. Điều đáng nói là không phải người dân không biết về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, bởi từ mấy năm trước người dân đã biết trồng cây lạc và sản xuất hai vụ (1 vụ ngô, 1 vụ lạc). Thế nhưng trồng nhiều, nuôi nhiều, dư được hạt ngô, con gà, con lợn muốn đem đi bán cũng không mang xuống núi được. Được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế nhưng không biết làm gì, nhà thì đút vào ống nứa để trên gác bếp, nhà thì để dưới đáy tải ngô, sắn. Họ nghĩ rằng, nghèo là do phận, giàu là do số, cố cũng chẳng được.

Đưa ánh mắt nhìn về con đường rộng mở vào đến tận nhà ngay trước mặt, giọng ông Phòn Văn Khiầu phấn chấn hơn: Bao thế hệ người Dao ở đây ước mong một con đường như thế này từ lâu rồi. Vì đường chưa có thì nghèo cũng chưa đi. Đồng bào vui mừng, cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm vì đã quan tâm đầu tư con đường từ Nà Nghiềng lên cụm xóm Lũng Củm. Đường đến mang theo ánh sáng của Đảng, của nghị quyết, mang theo niềm tin về cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn cho người Dao bao đời sống trên non cao Lũng Củm.

Đưa "Nghị quyết thoát nghèo" vào cuộc sống

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, con đường lên Lũng Củm được đầu tư và hoàn thành từ năm 2019 bằng nguồn vốn Chương trình 135 và xây dựng nông thôn mới. Điều này không chỉ giúp đồng bào Dao đi lại dễ dàng, thuận lợi trong giao thương mà còn mở ra cho cấp ủy, chính quyền xã Sóc Hà hướng đi mới cho Lũng Củm thoát nghèo.

Chủ tịch UBND xã Sóc Hà Hoàng Văn Xuân chia sẻ: Từ lâu cấp ủy, chính quyền xã trăn trở làm thế nào để Lũng Củm bớt khó khăn. Nhưng do trước đây không có đường lên xóm nên xã có triển khai việc gì cũng khó. Người dân mặc dù rất cần cù, chăm chỉ, một lòng theo Đảng, nhưng “cái khó bó cái khôn”. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã xác định cần phải làm con đường lên Lũng Củm. Giai đoạn 2016 - 2020, với quyết tâm xây dựng Sóc Hà đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, tranh thủ nguồn vốn Chương trình 135 và nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đầu tư làm đường lên Lũng Củm. Có đường rồi, xã bàn bạc, thống nhất xây dựng nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội dành riêng cho nơi này, với mong muốn bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Lũng Củm sẽ sớm vươn lên. Từ nghị quyết, những việc làm cụ thể được đồng loạt triển khai gắn với nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, trên tinh thần “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ con giống, hướng dẫn sản xuất… Dần dần, lối nghĩ cố hữu trong tư tưởng người dân mất đi lúc nào chẳng hay. Đồng bào bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới trên đỉnh núi Lũng Củm mù sương.


Cây lạc mở hướng thoát nghèo cho đồng bào vùng cao

Ông Triệu Văn Ú, là đảng viên đầu tiên của điểm dân cư Lũng Củm chia sẻ: Trước đây tôi làm Trưởng xóm Lũng Củm (lúc chưa sáp nhập với Nà Nghiềng), là người uy tín của xóm nên tôi hiểu rất rõ đồng bào mình. Vì vậy, khi có nghị quyết của xã, xóm về phát triển kinh tế điểm dân cư Lũng Củm, tôi đến từng hộ gia đình vận động bà con xóa bỏ lối sản xuất thuần nông lạc hậu, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, chất lượng cao vào sản xuất. Đặc biệt, qua xem xét nhận thấy đất canh tác tại đây rất phù hợp để trồng cây lạc, tôi vận động bà con chuyển một số diện tích đất trồng ngô hè thu sang trồng lạc. Tôi cũng là một trong những hộ tiên phong đưa cây lạc đỏ và lạc L14 về trồng thay cho cây ngô vụ hè thu, với diện tích ban đầu hơn 3.000 m². Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Hà Quảng bao tiêu sản phẩm, đến tận nơi thu mua, bà con không phải mang ra chợ. Sau 1 - 2 vụ thấy có hiệu quả, nâng cao thu nhập gia đình, đến nay, 100% hộ dân nơi đây tham gia trồng lạc hàng hóa. Hộ nào trồng ít cũng 1.000 m², hộ trồng nhiều gần 3 ha. Bên cạnh đó, bà con được tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng cỏ voi, nuôi bò vỗ béo. Cả xóm Nà Nghiềng có hơn 130 con bò thì riêng điểm dân cư Lũng Củm có đến 120 con. Nếu như trước đây 100% hộ dân là hộ nghèo thì hiện nay chỉ còn hơn 10 hộ, nhiều hộ có thu nhập trung bình từ 20 - 40 triệu đồng/năm.

Vai trò “đầu tàu” của đảng viên càng được phát huy sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập xóm Lũng Củm với xóm Nà Nghiềng. Bí thư Chi bộ xóm Nông Thị Xoan cho biết: Trước đây, điểm dân cư Lũng Củm có số lượng đảng viên không nhiều, sau sáp nhập, cả xóm Nà Nghiềng có 44 đảng viên, nên việc triển khai các chủ trương của cấp ủy và cụ thể hóa vào tình hình thực tiễn thuận lợi, kịp thời hơn. Mỗi đảng viên đều xây dựng cho mình kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tại địa phương rõ ràng, cụ thể như: vận động các hộ dân di dời chuồng gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; không sinh con thứ 3; không nghe, không theo các tà đạo bất hợp pháp; thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Đảng viên người Tày cũng như người Dao trong xóm đều đoàn kết cùng nhau nêu gương sáng để bà con học tập làm theo. Từ tinh thần gương mẫu của cán bộ, đảng viên mà đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong xã hội được củng cố, tăng cường; mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với quần chúng ngày càng bền chặt, trở thành sức mạnh to lớn để xây dựng xóm ngày một phát triển. Hiện cả xóm thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo chỉ còn 12,8%, xóm không có tệ nạn xã hội, không còn tình trạng sinh con thứ 3. Nhiều năm liền xóm đạt Làng văn hóa, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh.

.
Gia đình ông Triệu Văn Ú phát triển chăn nuôi bò vỗ béo.

Rời Lũng Củm khi trời đã quá trưa, ngắm nhìn những vựa lạc xanh mướt ôm trọn lấy thung lũng quanh những ngôi nhà dân, sức sống mới đang lan tỏa khắp non cao Sóc Hà. Sức sống đó, niềm tin đó là sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và bà con người Dao nơi này - nơi mà ý Đảng, lòng dân hòa cùng một ý chí.

 
Minh Hòa - Phương Anh (baocaobang.vn)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Báo Cao Bằng Online
Cao Bằng Portal

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 11


Hôm nayHôm nay : 1245

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 11074

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7766981