Hà Quảng từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ ba - 27/12/2022 08:21
Với đặc thù huyện miền núi, biên giới có hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, huyện Hà Quảng luôn thực hiện tốt các chính sách dân tộc giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Với các chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả, người dân xã Sóc Hà (Hà Quảng) biết trồng thêm cây lạc, góp phần giảm nghèo bền vững.

Với các chính sách dân tộc được triển khai hiệu quả, người dân xã Sóc Hà (Hà Quảng) biết trồng thêm cây lạc, góp phần giảm nghèo bền vững.

Để đồng bào DTTS có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, huyện triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình 135, các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người DTTS thuộc hộ nghèo; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS nghèo, đặc biệt khó khăn; đồng thời, lồng ghép với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… Nhờ đó, hạ tầng cơ sở vùng đồng bào DTTS thay đổi tích cực theo hướng nông thôn mới, đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng nâng lên.
Trưởng Phòng Dân tộc huyện Hà Quảng Riêu Văn Toàn cho biết: Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế của từng vùng và nhu cầu của người dân, huyện đã triển khai các chương trình, chính sách, dự án đến người dân được hưởng lợi, đảm bảo đúng đối tượng, đủ số lượng, công khai, minh bạch. Xây dựng kế hoạch phân bổ chi tiết vốn thực hiện các chương trình, chính sách về hỗ trợ trực tiếp cho người dân nghèo vùng khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư hạ tầng cơ sở, lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo.

Giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn hỗ trợ Chương trình 135, Quyết định số 167, Nghị quyết 30a, các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên, chính sách an sinh xã hội…, huyện hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị, vật tư, dụng cụ sản xuất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, làm chuồng trại, cải tạo ruộng bậc thang; đầu tư xây dựng các công trình, hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, công trình nước sạch… Nhờ đó, đời sống của đồng bào các dân tộc từng bước được nâng cao, đồng bào DTTS tích cực tham gia các phong trào do các cấp phát động, xây dựng nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. 

Cùng với việc phát triển kinh tế, đời sống văn hóa của các hội đồng bào DTTS được quan tâm; tự do tín ngưỡng được đảm bảo; giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào DTTS được chú trọng và có sự chuyển biến tích cực. Các chương trình an sinh và phúc lợi xã hội đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống được đẩy mạnh, quốc phòng - an ninh được giữ vững, chính trị - xã hội ổn định, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 4 - 5%...
Anh Triệu Quốc Kim, Trưởng xóm Lũng Tỳ, xã Lương Thông cho biết: Xóm có 51 hộ dân tộc Mông, Dao sinh sống rải rác trên sườn núi. Trước đây, cuộc sống của bà con khó khăn; trẻ em không được đến trường; không có điện, nước sinh hoạt phụ thuộc vào thiên nhiên; đường lên xóm rất dốc và hiểm trở. Khi trời mưa đường trơn trượt, xóm dường như bị cô lập. Nhờ Chương trình 135, Nghị quyết 30a… đời sống bà con trong xóm đã có nhiều đổi thay. Đến nay, đường vào xóm được đầu tư, mở rộng, người dân được sử dụng nước sạch, 100% hộ có điện lưới quốc gia, 100% trẻ em trong độ tuổi được đi học, xóm không có tệ nạn xã hội, an ninh trật tự được giữ vững. Nhiều hộ trước đây chỉ quen trồng cây ngô giống địa phương 1 vụ/năm thì nay đưa giống mới vào gieo trồng và thâm canh 2 vụ/năm. Ngoài cây ngô, bà con trồng thêm đỗ tương, lạc, chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng lúa nước cho năng suất cao. Đầu tư chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, lợn, gà… mang lại hiệu quả kinh tế.

Để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, năm 2022, huyện được giao tổng số vốn 86 tỷ 118 triệu đồng thực hiện các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Trong đó, vốn đầu tư 55 tỷ 508 triệu đồng đầu tư xây dựng 108 công trình hạ tầng cơ  sở, vốn sự nghiệp 30 tỷ 610 triệu đồng, UBND huyện phân bổ cho các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn được giao thực hiện dự án tổ chức rà soát danh mục, nội dung công việc năm 2022, tập trung thực hiện các nội dung dễ thực hiện, thực hiện được ngay để có thể đạt tỷ lệ giải ngân vốn cao nhất. Ước thực hiện chương trình cả năm 2022 đạt 100% kế hoạch.

Thực hiệu hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc đã góp phần phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo đà cho kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện vươn lên phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

 
Ngọc Dung (baocaobang.vn)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Báo Cao Bằng Online
Cao Bằng Portal

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 8


Hôm nayHôm nay : 1100

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 81652

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7750730