Mô hình trồng gừng trâu tại xóm Thượng Sơn, xã Thượng Thôn (Hà Quảng).
Trong sản xuất nông nghiệp, xã vận động nhân dân đẩy mạnh đầu tư phát triển cây ngô, lạc hàng hóa, trồng gừng và các loại đậu đỗ. Đưa các loại giống mới vào gieo trồng, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất các loại cây trồng, do đó sản lượng cây lương thực có hạt hằng năm đều tăng. Năm 2015, tổng sản lượng lương thực trên 1.357 tấn; năm 2019 tăng lên trên 1.812 tấn.
Cây gừng được nhân dân trong xã trồng từ lâu bởi chịu được khô hạn, phát triển khá tốt nhưng chủ yếu dùng trong sinh hoạt và bán lẻ vào các ngày chợ phiên. Nhận thấy cây gừng có giá trị kinh tế cao và phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, giá trị cao gấp 2 - 3 lần so với cây ngô, nhân dân các xóm đầu tư và mở rộng diện tích.
Những năm gần đây, triển khai mô hình “Sản xuất và tiêu thụ gừng trâu theo hướng xuất khẩu”, huyện Hà Quảng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với doanh nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật, ký kết hợp đồng đầu tư và bao tiêu sản phẩm gừng trâu; chỉ đạo sản xuất từ khâu gieo giống, chăm sóc và giám sát quá trình sinh trưởng, phát triển của cây; chú ý các loại dịch bệnh để đảm bảo năng suất, chất lượng theo yêu cầu thị trường.
Năm 2018, xã có khoảng 200 hộ trồng hơn 8 ha gừng trâu, sản lượng đạt khoảng 120 tấn, nhiều hộ đạt thu nhập 20 - 30 triệu đồng. Năm 2020, nhân dân mở rộng diện tích trồng 26,6 ha gừng, sản lượng ước đạt trên 400 tấn, giá bán bình quân 13.000 đồng/kg, nhân dân thu trên 5,2 tỷ đồng.
Nhiều hộ gia đình xóm Lũng Mủm, xã Thượng Thôn phát triển chăn nuôi lợn đen.
Anh Hoàng Văn Nam, xóm Thượng Sơn chia sẻ: Cây gừng có giá trị cao hơn so với cây trồng khác. Năm 2020, tôi trồng trên 2.000 m2, sản ước lượng đạt trên 15 tấn. Nếu giá thu mua ổn định, gia đình thu được gần 40 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn đầu tư trồng lạc, ngô hàng hóa; duy trì nuôi 4 con lợn nái, 2 con trâu vỗ béo...
Với lợi thế là người dân có kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc, cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nuôi trâu, bò vỗ béo, nuôi lợn đen; sử dụng hiệu quả nguồn vốn Chương trình 30a hỗ trợ cho người dân mua bò sinh sản. Khuyến khích người dân tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, trồng xen các loại đậu, đỗ, trồng cỏ voi, cỏ VA06... làm thức ăn phục vụ phát triển chăn nuôi.
Qua đó, chăn nuôi trở thành phong trào lan rộng, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Một số "nhóm sở thích" được hình thành tại các xóm xây dựng mô hình chăn nuôi theo quy mô nhỏ và vừa, phát triển ổn định, bền vững. Hiện nay, nhiều hộ dân tập trung nuôi vỗ béo trâu, bò trung bình mỗi năm từ 2 - 3 lứa, cho thu nhập bình quân từ 30 - 40 triệu đồng, có hộ đạt 100 triệu đồng. Hiện cả xã có 910 con trâu, 952 con bò, trên 1.400 con lợn.
Anh Dương Văn Khoắn, xóm Lũng Mủm cho biết: Ngoài việc phát triển cây trồng hàng hóa, bà con trong xóm đẩy mạnh nuôi trâu, bò vỗ béo và nuôi lợn đen, nhiều hộ thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm từ chăn nuôi. Trước đây, gia đình tôi nuôi bò vỗ béo từ 2 - 3 lứa/năm, mỗi lứa từ 3 - 4 con, mỗi con lãi từ 2,5 - 3 triệu đồng. Trong vài năm trở lại đây, gia đình chuyển sang nuôi trâu vỗ béo, hiện đang vỗ béo 4 con trâu, nếu xuất bán lãi trên 5 triệu đồng/con.
Từ việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 3 - 5%/năm, số hộ có thu nhập khá tăng, nhiều hộ mua sắm được các vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Trâu vỗ béo của gia đình Hoàng Văn Nam, xóm Thượng Sơn, xã Thượng Thôn phát triển tốt.