Triển vọng mô hình nuôi cá nước lạnh ở Hà Quảng

Thứ tư - 29/09/2021 07:47
Sau nhiều năm đưa vào nuôi thử nghiệm, mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại Hà Quảng bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và được kỳ vọng mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.
Mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại xóm Bản Hoàng, xã Trường Hà (Hà Quảng).

Mô hình nuôi cá tầm thương phẩm tại xóm Bản Hoàng, xã Trường Hà (Hà Quảng).

Hà Quảng có lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nước lạnh tại khu vực Pác Bó, xã Trường Hà luôn dồi dào và ổn định quanh năm phù hợp để nuôi các loại cá nước lạnh, đặc biệt là cá tầm. Năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu Đề tài “Nghiên cứu khả năng thích nghi của cá tầm trong điều kiện nuôi tại Cao Bằng” do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì thực hiện. Kết quả cho thấy chất lượng môi trường nước tại suối Lê-nin phù hợp nuôi thương phẩm cá tầm Siberi.

Cá tầm là loại cá nước ngọt ở xứ lạnh, có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, được nuôi lấy thịt và lấy trứng. Có thể nuôi cá tầm trong ao đất hoặc ao, bể có bờ xây xi măng hoặc bê tông. Sau khi tìm hiểu, tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá tầm ở nhiều nơi như Sa Pa (Lào Cai), Bắc Ninh, tìm tòi qua sách báo, phương tiện thông tin đại chúng…, về kỹ thuật vận hành hệ thống cấp thoát nước bể nuôi, kỹ thuật nuôi cá tầm Siberi thương phẩm, các biện pháp làm sạch môi trường, tận dụng nguồn nước lạnh sẵn có, năm 2017, gia đình ông Ngụy Văn Thành, xóm Bản Hoàng, xã Trường Hà mạnh dạn đầu tư 200 triệu đồng xây dựng bể, lắp đặt hệ thống máy bơm, đường ống dẫn nước, mua cá giống, thức ăn.

Từ nuôi thử nghiệm ban đầu vài bể nhỏ, đến nay trại cá tầm của gia đình mở rộng diện tích lên hơn 600 m2 với 10 bể, khoảng 3.000 con cá. Mỗi năm, gia đình ông Thành nuôi 3 lứa, sau khoảng 14 - 16 tháng cá đạt trọng lượng từ 1,6 - hơn 2,5 kg có thể cho thu hoạch, sản lượng trung bình đạt trên 2 tấn/năm.

Ông Thành cho biết: Nuôi cá tầm không mất nhiều công chăm sóc, quan trọng nhất phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước lạnh sạch, không bị ô nhiễm, thường xuyên khử trùng, vệ sinh để loại bỏ bùn đất dưới đáy bể, nguồn nước trong bể luôn duy trì ổn định, nhiệt độ nước tốt nhất dưới 220C thì cá sẽ ít bị nhiễm bệnh, sinh trưởng tốt. Cá tầm có thể sống được khi nhiệt độ cao hơn, nhưng khả năng tăng trưởng kém, nếu nhiệt độ cao kéo dài có thể gây chết hoặc phát triển dịch bệnh.

Bên cạnh đó, chất lượng cá giống là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành bại của vụ nuôi. Nên chọn cá giống có kích cỡ 50 - 100g/con, chiều dài thân khoảng 15 - 20 cm, đồng đều, khỏe và không dị hình. Khi thả vào chậu nước, cá bơi tản đều trong chậu, không tập trung vào một chỗ là cá khỏe. Thời điểm thả giống thích hợp là tháng 3 hằng năm, khi nhiệt độ nước ổn định từ 18 - 240C.

Thức ăn của cá chủ yếu là thức ăn công nghiệp, ngoài ra có thể thêm tôm, tép nhỏ. Chế độ cho cá ăn (lượng thức ăn và số lần cho ăn) phụ thuộc vào nhiệt độ nước. Trong quá trình nuôi, khi cá lớn cần san thưa để tránh làm giảm tốc độ sinh trưởng của cá. Thị trường tiêu thụ cá tầm chủ yếu là tại địa phương, các huyện trong tỉnh và một số tỉnh, thành khác. Cá tầm có giá bán 250.000 đồng/kg, cao hơn so với các loại cá khác. Lợi nhuận từ mô hình nuôi cá tầm khoảng 250 - 300 triệu đồng/năm.

Việc nuôi thành công cá tầm đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao, hiệu quả kinh tế lớn, góp phần đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm đặc sản chất lượng, mở ra triển vọng mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng trên địa bàn, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, trên thực tế diện tích nuôi cá tầm tại huyện Hà Quảng còn nhỏ lẻ.

Để nuôi cá tầm đòi hỏi vốn đầu tư lớn về con giống, thức ăn, cơ sở vật chất, từ vài chục triệu cho đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài trại cá tầm của gia đình ông Thành, hiện nay trên địa bàn huyện có vài hộ nuôi thử nghiệm cá tầm, cá hồi quy mô nhỏ. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quy trình nuôi còn hạn chế. Ngoài ra, sản phẩm cá tầm gặp khó khăn về đầu ra do chưa tạo dựng được thương hiệu và chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường…

Để mô hình nuôi cá tầm không chỉ dừng lại ở tiềm năng mà nhân rộng hơn nữa về quy mô, huyện cần có cơ chế, chương trình thu hút và hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên kết, đầu tư trong sản xuất và tiêu thụ, hoạt động chế biến sau khai thác để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tổ chức quản lý hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết.

Vận động, khuyến khích người dân đầu tư mô hình nuôi cá tầm nhiều hơn, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho bà con để nâng cao chất lượng thương phẩm cá tầm. Từ đó, hướng tới xây dựng cá tầm trở thành sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao và mang tính đặc hữu của vùng, từng bước giúp mô hình nuôi cá tầm phát triển theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

 
Thu Hà (baocaobang.vn)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Báo Cao Bằng Online
Cao Bằng Portal

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 5


Hôm nayHôm nay : 1757

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 9724

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7765631