Lưu giữ nét kiến trúc truyền thống đặc sắc vùng cao nguyên đá Lục Khu

Thứ sáu - 05/11/2021 15:22
Bên cạnh những thành quả từ phát triển KT - XH của vùng cao nguyên đá Lục Khu (Hà Quảng), nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Trong đó, rõ nét nhất là kiến trúc nhà sàn truyền thống - công trình kiến trúc đặc sắc chứa đựng không gian văn hóa truyền thống với nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Một hộ dân xã Thượng Thôn (Hà Quảng) xây dựng nhà sàn từ bộ khung nhà sàn cũ để làm nơi chứa lương thực bên cạnh ngôi nhà xây mới khang trang.

Một hộ dân xã Thượng Thôn (Hà Quảng) xây dựng nhà sàn từ bộ khung nhà sàn cũ để làm nơi chứa lương thực bên cạnh ngôi nhà xây mới khang trang.

Với địa hình chia cắt mạnh bởi các dãy núi đá và những thung lũng trải dài nên từ xa xưa khi phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm rình rập từ thú dữ, thiên tai..., nhà sàn là sự lựa chọn lý tưởng của người Nùng ở vùng Lục Khu để thích nghi với môi trường, chống lại thú dữ, ẩm thấp, khắc phục độ dốc. Do đó, làng bản quần tụ gần nhau, bố trí thành một hệ thống phòng thủ để chống trộm cướp và giặc dã.

Các nếp nhà sàn ở đây thường được dựng xếp theo hàng ngang, nhấp nhô lớp trước lớp sau tạo thành một khối tập trung. Đặc biệt, tại một số xóm có những gia đình đông con hoặc họ hàng, hàng xóm thân thiết thường nối dài từ nhà này thông sang nhà khác bằng hệ thống cầu gỗ liên sàn. Tính cố kết cộng đồng làng bản của người dân ở Lục Khu là một điển hình về tình làng nghĩa xóm, về công tác bảo vệ an ninh trật tự. Một nhà có khách đến là cả bản biết. Trong bản có việc lớn thì cả bản cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong mọi công việc.

Với bàn tay khéo léo, người dân nơi đây làm những bộ phận của ngôi nhà đều bền chắc và đẹp mắt. Kiến trúc nhà sàn tạo dấu ấn văn hóa truyền thống được lưu truyền qua bao thế hệ, có sức sống lâu bền, là một “biểu tượng” văn hóa truyền thống độc đáo vùng cao nguyên đá Lục Khu. Nhà sàn với họ không chỉ là nơi được sinh ra và lớn lên, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, vừa thể hiện sự tài hoa, khéo léo, thẩm mỹ vừa là nơi gắn kết cộng đồng với tất cả những việc trọng đại đều diễn ra tại không gian nhà sàn. Vì thế, nhà sàn là nơi lưu giữ nét văn hóa hội tụ của cộng đồng người dân Lục Khu qua bao thế hệ.

Với sự hùng vĩ của núi rừng, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng cùng nền văn hóa và lòng hiếu khách của con người tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt. Khi vùng Lục Khu gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, huyện Hà Quảng và tỉnh nỗ lực thực hiện, bảo tồn, xây dựng và phát huy hiệu quả giá trị về di sản địa chất, văn hóa trên vùng đất đặc biệt này.

Tuy nhiên hiện nay, cùng với sự đổi thay của đời sống KT - XH, nếp sinh hoạt bên trong nếp nhà sàn truyền thống của người dân vùng Lục Khu cũng đang có sự biến đổi không ngừng. Đồng thời, chính ngôi nhà sàn truyền thống cũng ít nhiều biến đổi về loại hình, yếu tố vật chất, kỹ thuật, yếu tố xã hội và phong tục, tập quán liên quan đến ngôi nhà.

Phó Chủ tịch UBND xã Nội Thôn Triệu Thị Vổ chia sẻ: Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, có điều kiện kinh tế hơn nên xây dựng nhà trệt, nhà xây bằng bê tông, cốt thép thay thế nhà sàn truyền thống. Một số người dân có đất khi xây dựng nhà tầng khang trang bên cạnh vẫn giữ lại nhà sàn truyền thống nhưng lại biến nhà sàn thành kho để thóc, chuồng trâu, bò…, vô hình chung làm mất đi không gian kiến trúc, vẻ đẹp nhà sàn truyền thống.

Khi thực hiện chủ trương, chính sách về hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm của Đảng, Nhà nước cho người dân, chúng tôi tích cực tuyên truyền bà con sử dụng kinh phí được hỗ trợ để cải tạo, nâng cấp nhà sàn truyền thống phục vụ nhu cầu đời sống phù hợp với thời đại, như: Di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà; gầm sàn làm nơi để nông cụ, xe cộ; xây dựng nhà vệ sinh, bể chứa nước… Nhưng hiện nay, hầu hết đều phá bỏ các ngôi nhà sàn truyền thống để làm nhà trệt, nhà mái bằng, cao tầng…

Sự thay đổi này biểu hiện rõ nhất là chất lợp truyền thống - ngói âm dương ở các làng bản dần được thay thế bằng phi brô xi măng hoặc những mái tôn xanh, đỏ. Bờ rào đá nay dần được thay thế bởi chất liệu gạch làm từ bột đá. Những vật liệu mới có ưu điểm xây dựng nhanh, tiện, chi phí thấp. Nhưng ngôi nhà xây dựng kiểu mới, mùa đông không ấm, mùa hè không mát như nhà sàn truyền thống do tường mỏng, không cách nhiệt như mái ngói âm dương được nung từ đất. Đặc biệt, ở những xóm, bản bám sát các tuyến đường ô tô đi qua, sự thay đổi càng rõ nét hơn bởi những vật liệu mới dễ vận chuyển đến.


Vẻ đẹp của những nếp nhà sàn truyền thống hòa quyện với thiên nhiên tạo nên đặc trưng của vùng Lục Khu (Hà Quảng).

Ông Hoàng Văn Thàng, 68 tuổi, hiện nay đang sinh sống tại Hà Nội nhưng sinh ra và lớn lên tại xã Lũng Nặm (Hà Quảng) hằng năm trở về thăm quê chia sẻ: Những nét văn hóa đặc sắc nhất, đặc trưng nhất của đồng bào đều được sản sinh, dưỡng nuôi, bồi đắp vào trao truyền dưới nếp nhà sàn. Để rồi đến lượt nó, những nếp nhà sàn lại trở thành một sản phẩm văn hóa, hay là nơi “giữ lửa” bản sắc văn hóa vùng Lục Khu. Nhưng những năm gần đây, nét văn hóa đặc sắc nhất của vùng Lục Khu đang bị mất dần khi nhà sàn truyền thống không còn. Nếu tiếp tục sử dụng xi măng, tôn, sắt thép làm nhà kiên cố thay thế nhà sàn truyền thống vô tình đã xóa bỏ nhiều giá trị văn hóa được con người tích luỹ, chọn lọc từ rất lâu đời.

Sự thay đổi là điều tất yếu, tuy nhiên thay đổi theo hướng bất lợi làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống, kiến trúc xưa cổ của các dân tộc thì cần phải xem xét, có những giải pháp khắc phục. Nếu không nghiên cứu cẩn thận, hợp lý sẽ gây những ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bà con, nhất là việc bảo tồn văn hóa truyền thống, giữ gìn môi trường sinh thái.

Để bảo tồn các giá trị văn hóa kiến trúc nhà sàn truyền thống rất cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết trân trọng, giữ gìn và phát huy nhà sàn truyền thống và văn hóa nhà sàn của dân tộc mình. Làm tốt công tác kiểm kê, lập hồ sơ tư liệu hóa, vật thể hóa hệ thống nhà sàn của người dân vùng Lục Khu. Cần bảo tồn, trùng tu nhà sàn cổ, nhà sàn lâu năm còn sót lại trên địa bàn; xây dựng cơ chế, chính sách để bảo tồn và phát huy nhà sàn truyền thống, khắc phục hiện tượng “chảy máu nhà sàn” như hiện nay; gìn giữ, phát huy nhà sàn truyền thống và văn hóa nhà sàn gắn với xây dựng nông thôn mới, với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, góp phần phát triển KT - XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.                      

 
Thúy Hằng (baocaobang.vn)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 
Báo Cao Bằng Online
Cao Bằng Portal

Thống kê truy cập

Thống kê truy cập

Đang truy cậpĐang truy cập : 10


Hôm nayHôm nay : 1111

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 10940

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 7766847